Nông sản Việt tham gia chuỗi giá trị toàn cầu: Thực tiễn, vấn đề và giải pháp

14:05 - 24/02/2025

TS. Phạm Vĩnh Thắng

Học viện Ngân hàng

Hoạt động xuất khẩu nông sản nước ta trong những năm qua vẫn chủ yếu các sản phẩm thô, giá trị gia tăng thấp như lúa gạo, cà phê, cao su, hạt điều nhân… và chưa có những sản phẩm chế biến có thương hiệu mang tầm quốc tế. Các sản phẩm nông sản xuất khẩu mới dừng lại ở cấp độ thấp trong chuỗi giá trị toàn cầu, chủ yếu là các doanh nghiệp thu gom xuất khẩu, chưa trực tiếp tạo lập được kênh phân phối trực tiếp đến tay người tiêu dùng trên thị trường quốc tế. Do vậy, nghiên cứu giải pháp nâng cao năng lực tham gia chuỗi giá trị nông sản toàn cầu là vấn đề mang tính thời sự.

Từ khóa: Chuỗi giá trị; Nông sản; Thị trường; Xuất khẩu.

1. Chuỗi giá trị nông sản toàn cầu

Ở góc độ toàn cầu, mỗi quốc gia, mỗi doanh nghiệp là một giá trị, các giá trị này hợp lại với nhau sẽ tạo thành “chuỗi giá trị toàn cầu” - Global Value Chain (GVC). Như vậy, có thể hiểu GVC là một thuật ngữ để chỉ một dây chuyền sản xuất - kinh doanh theo phương thức toàn cầu hóa, trong đó các chủ thể kinh tế (chủ yếu là doanh nghiệp) của nhiều nước tham gia vào các công đoạn khác nhau, từ nghiên cứu và phát triển (R&D), thiết kế, chế tạo, phân phối và marketing. Mô hình GVC cho phép các công đoạn của chuỗi đặt tại các quốc gia khác nhau có khả năng đạt hiệu quả cao nhất với chi phí thấp nhất. Trong GVC, các Tập đoàn đa quốc gia thường giữ vai trò then chốt do tính chất hoạt động xuyên biên giới và khả năng thu hút hợp tác, thương mại và đầu tư của các Tập đoàn này. Mặt khác, nó cũng cho phép các doanh nghiệp nhỏ và vừa của các nước đang phát triển có thể tham gia vào một số công đoạn có lợi thế so sánh, phù hợp với tiềm lực, kỹ năng và kinh nghiệm cạnh tranh của mỗi doanh nghiệp. Đó cũng là phương thức thích hợp để các doanh nghiệp nhỏ và vừa tạo lập được chỗ đứng trên thị trường thế giới trong điều kiện toàn cầu hoá và sự bành trướng ngày càng lớn của các Tập đoàn đa quốc gia và xuyên quốc gia.

Chuỗi giá trị toàn cầu với sự hỗ trợ của công nghệ số sẽ mang lại lợi ích cho các nền kinh tế đang phát triển, giúp họ vươn lên những khâu có giá trị gia tăng cao hơn. Một quốc gia có thể chuyên môn hóa một hoặc một số hoạt động mà quốc gia đó có lợi thế so sánh. Tuy vậy, GVC cũng đòi hỏi các doanh nghiệp tham gia phải mở rộng quy mô kinh tế. Đây cũng là thách thức đối với các doanh nghiệp ở các nước có môi trường huy động vốn còn nhiều bất cập. So sánh các chuỗi giá trị, có thể thấy chuỗi giá trị hàng nông sản toàn cầu có một số đặc điểm sau:

- Khác với các loại hàng hóa công nghiệp số lượng các khâu trong chuỗi giá trị hàng nông sản có thể ngắn hơn và giá trị gia tăng ở một số khâu cũng khác nhau. Từ khâu nghiên cứu giống và triển khai sản xuất thử nghiệm thành công có thể đưa ra trồng trọt, sản phẩm có thể đưa vào khâu phân phối đến người tiêu dùng cuối cùng (như rau, quả tươi...). Có nhiều loại nông sản tiếp tục trở thành đầu vào của các ngành công nghiệp chế biến sau đó mới chuyển qua khâu phân phối và marketing.

- Các tác nhân tham gia vào khâu trồng trọt/sản xuất của chuỗi chủ yếu là các hộ nông dân, các trang trại và một số ít doanh nghiệp. Tuy nhiên, yêu cầu để một tác nhân có thể tham gia vào chuỗi giá trị là sản phẩm hay dịch vụ phải đáp ứng được các tiêu chuẩn hoặc quy định của chuỗi. Chính vì vậy, ngay cả ở khâu có giá trị gia tăng thấp nhất như trồng trọt, nếu không đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng sản phẩm và điều kiện giao hàng thì cũng không thể tham gia được vào bất cứ chuỗi giá trị nào trên thị trường. Tham gia vào GVC, các quốc gia thường hỗ trợ để hàng nông sản của họ có thể tham gia được và tham gia vào các khâu có giá trị gia tăng cao.

Để tham gia được vào GVC, vấn đề liên kết của những người sản xuất nhỏ sao cho có thể đáp ứng các yêu cầu tiêu chuẩn/quy định của GVC là rất quan trọng. Muốn vậy, cần phải xây dựng và phát triển các chuỗi giá trị đối với hàng nông sản từ nhỏ đến lớn, từ chuỗi giá trị có phạm vi địa phương đến khu vực và định hướng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu theo một số mô hình liên kết các tác nhân tham gia vào chuỗi đang hoạt động có hiệu quả.

Thông tin chi tiết bài viết tại đây