Ngoại thương Việt Nam 40 năm đổi mới
10:31 - 27/03/2025
Phùng Thị Vân Kiều - Nguyễn Thị Thanh Mai - Tô Việt Anh[1]
Qua 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới (1986 - 2025) do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo, Việt Nam đã có những biến đổi sâu sắc trên nhiều lĩnh vực, trong đó thương mại được coi là một trong những ngành đi đầu trong sự nghiệp đổi mới của nước ta. Những thành tựu đạt được của thương mại Việt Nam nói chung, ngoại thương nói riêng góp phần ổn định, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Với việc mở cửa nền kinh tế và hội nhập quốc tế, ngoại thương Việt Nam không ngừng được mở rộng và phát triển, quy mô và kim ngạch xuất nhập khẩu gia tăng, cơ cấu hàng hóa và thị trường xuất khẩu được chuyển dịch theo hướng tích cực… Bên cạnh những kết quả đạt được, ngoại thương Việt Nam còn một số hạn chế như xuất khẩu hàng hóa chưa thật bền vững, hiệu quả xuất khẩu chưa cao… Do vậy, bài viết đi sâu phân tích thực trạng ngoại thương Việt Nam 40 năm đổi mới và đề xuất giải pháp phát triển ngoại thương Việt Nam đến năm 2035.
Từ khóa: Giải pháp; Ngoại thương; Thực trạng; Việt Nam; 40 năm đổi mới.
1. Thực trạng ngoại thương Việt Nam 40 năm đổi mới
Việt Nam thực hiện chính sách “đổi mới” và mở cửa nền kinh tế từ năm 1986, hội nhập kinh tế quốc tế (HNKTQT) từ năm 1995. Tính đến nay, Việt Nam có quan hệ thương mại song phương với 230 quốc gia và vùng lãnh thổ, ký kết trên 90 hiệp định thương mại song phương (ký với Hoa Kỳ năm 2000), gần 60 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, 54 hiệp định chống đánh thuế hai lần. Về các quan hệ đa phương toàn cầu và khu vực, Việt Nam đã gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 1995, tham gia Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN (AFTA) năm 1996, là thành viên sáng lập Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM) năm 1996, gia nhập Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) năm 1998, gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2007, tham gia đàm phán ký kết 19 hiệp định thương mại tự do (FTA) khu vực và song phương (17 FTA đã ký kết và đang triển khai) và trở thành thành viên của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) năm 2015. Việc mở cửa nền kinh tế và đẩy mạnh HNKTQT của Việt Nam tạo động lực phát triển hoạt động ngoại thương. Ngoại thương Việt Nam thời kỳ 1986 - 2025 phát triển mạnh, đạt được nhiều thành tựu (quy mô xuất nhập khẩu hàng hóa không ngừng mở rộng, kim ngạch tăng trưởng cao…) và đóng góp tích cực cho phát triển nền kinh tế.
Quản lý nhà nước về ngoại thương có những bước tiến quan trọng, từng bước hình thành hệ thống pháp luật phù hợp với cơ chế mới, tạo điều kiện cho sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu phát triển. Có thể nói, thành công của hoạt động ngoại thương trong 40 năm đổi mới có sự đóng góp rất lớn của cơ chế, chính sách quản lý và phát triển ngoại thương, trong đó đáng chú ý là sự ra đời các luật như: Luật Thương mại, Luật Hải quan, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế xuất nhập khẩu, Luật Quản lý ngoại thương… và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật tạo hành lang pháp lý cho hoạt động ngoại thương phát triển.
[1] Ths. Phùng Thị Vân Kiều, Phó Trưởng phòng Nghiên cứu chiến lược, chính sách thương mại; CN. Nguyễn Thị Thanh Mai và CN. Tô Việt Anh, Phòng Nghiên cứu chiến lược, chính sách thương mại - Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương.