Giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu hàng thủy sản của Việt Nam đến năm 2035
13:53 - 24/02/2025
Tô Việt Anh[1]
Thủy sản là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, không chỉ đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu chung mà còn khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ thương mại thủy sản toàn cầu. Trong giai đoạn 2018 - 2024, thủy sản Việt Nam đã có những bước phát triển ấn tượng và vươn lên trở thành một trong số các ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm 4 - 5% GDP của cả nước, góp phần tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho hàng triệu lao động. Giai đoạn 2018 - 2024, xuất khẩu hàng thủy sản của Việt Nam có xu hướng gia tăng về kim ngạch, đa dạng hóa về sản phẩm và mở rộng thị trường xuất khẩu… Bên cạnh những kết quả đạt được, xuất khẩu hàng thủy sản còn một số hạn chế như: chất lượng sản phẩm chưa ổn định, sức cạnh tranh kém, phụ thuộc vào một số thị trường lớn... Vì vậy, bài viết phân tích thực trạng xuất khẩu hàng thủy sản của Việt Nam giai đoạn 2018 - 2024 và đưa ra các giải pháp phát triển xuất khẩu hàng thủy sản của Việt Nam đến năm 2035.
Từ khóa: Hội nhập; Thủy sản; Thương mại; Xuất khẩu.
- Thực trạng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam giai đoạn 2018 - 2024
Việt Nam khẳng định vị trí là một trong những quốc gia xuất khẩu hàng thủy sản hàng đầu thế giới. Tính đến năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu hàng thủy sản đến hơn 170 quốc gia và vùng lãnh thổ, là một trong 3 quốc gia xuất khẩu hàng thủy sản lớn nhất thế giới, có kim ngạch xuất khẩu liên tục tăng trưởng, đạt 10.040,0 triệu USD vào năm 2024. Những mặt hàng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam là tôm, cá tra, cá ngừ, mực, bạch tuộc, cua ghẹ và các thủy sản khác.
1.1. Kết quả đạt được
Thứ nhất, kim ngạch xuất khẩu hàng thủy sản của Việt Nam có xu hướng gia tăng trong giai đoạn 2018 - 2024: Kim ngạch xuất khẩu hàng thủy sản tăng từ 8.787,1 triệu USD năm 2018 lên 10.040,0 triệu USD năm 2024 (Hình 1). Tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu hàng thủy sản đạt bình quân 2,74%/năm.
Thứ hai, xuất khẩu hàng thủy sản của Việt Nam duy trì vị trí top đầu trên thế giới: Việt Nam tiếp tục nằm trong nhóm 3 quốc gia xuất khẩu hàng thủy sản lớn nhất thế giới, sau Trung Quốc và Na Uy. Dẫn đầu về xuất khẩu cá tra (chiếm hơn 90% thị phần toàn cầu) và duy trì vị trí cao trong xuất khẩu tôm, cạnh tranh trực tiếp với Ecuador và Ấn Độ.
Thứ ba, đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu: Trong giai đoạn 2018 - 2024, Việt Nam đã có những nỗ lực lớn trong việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu hàng thủy sản nhằm giảm phụ thuộc vào các thị trường truyền thống và mở rộng cơ hội tại các khu vực thị trường mới như: Châu Phi, Trung Đông và Nam Mỹ. Bên cạnh đó, Việt Nam không chỉ tập trung vào các mặt hàng truyền thống (tôm, cá tra) mà còn mở rộng danh mục xuất khẩu sang các mặt hàng như mực, bạch tuộc, cá ngừ, cá cơm và các sản phẩm chế biến sẵn. Việc đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu không chỉ giúp ngành thủy sản Việt Nam giảm rủi ro từ các thị trường lớn mà còn nâng cao giá trị xuất khẩu, góp phần ổn định kim ngạch trong bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động.
Thứ tư, tích cực đổi mới công nghệ và nâng cao giá trị: Áp dụng công nghệ sản xuất hiện đại như công nghệ sinh học và công nghệ nuôi trồng thông minh (Hệ thống tuần hoàn nước RAS, Cảm biến IoT và Big Data). Kết hợp với cải tiến trong chế biến và bảo quản, cùng với đó là đổi mới khâu quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc (áp dụng các chứng nhận như ASC, MSC, HACCP, và VietGAP) đảm bảo sản phẩm đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt từ thị trường quốc tế. Ví dụ, nhờ việc đáp ứng các tiêu chuẩn như GlobalGAP và ASC, tôm Việt Nam đã xuất khẩu thành công sang Mỹ, EU và Nhật Bản. Năm 2022, Việt Nam vượt qua Ecuador và Ấn Độ để trở thành nhà cung cấp tôm hàng đầu cho thị trường Nhật Bản. Cũng vào năm đó, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt mức kỷ lục 10.920,1 triệu USD, khẳng định vai trò của ngành thủy sản trong nền kinh tế Việt Nam và trên thị trường quốc tế. Việc đổi mới công nghệ không chỉ giúp nâng cao giá trị sản phẩm mà còn đảm bảo phát triển bền vững, đáp ứng được các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe từ thị trường toàn cầu.
Thông tin chi tiết bài viết tại đây
[1] Nghiên cứu viên, Phòng Nghiên cứu chiến lược, chính sách thương mại - Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương.