Xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc trong bối cảnh mới
13:14 - 03/03/2021
Nông sản là ngành hàng xuất khẩu lớn thứ hai sang Trung Quốc, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Viêt Nam sang thị trường này. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam. Giai đoạn 2010 - 2019, kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản sang Trung Quốc có xu hướng tăng, các mặt hàng nông sản ngày c
Trung Quốc luôn là thị trường xuất khẩu hàng nông sản lớn nhất của Việt Nam trong nhiều năm. Hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam sang Trung quốc giai đoạn 2010 - 2019 gồm 10 mặt hàng chủ yếu là thủy sản, rau quả, hạt điều, cà phê, chè, gạo, sắn và sản phẩm từ sắn, cao su và sản phẩm từ cao su, gỗ và sản phẩm gỗ, sản phẩm mây tre cói thảm. Kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản sang thị trường Trung Quốc chiếm bình quân 28,16% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam. Trong đó, nhiều mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu lớn như rau quả, thủy sản, hạt điều, gạo, cao su và sản phẩm cao su, sắn và sản phẩm sắn, gỗ và sản phẩm gỗ...
1. Thực trạng xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc giai đoạn 2010 - 2019
1.1. Kết quả đạt được
Xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc giai đoạn 2010 - 2019 đã đạt được những kết quả sau:
Thứ nhất, quy mô và kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc có xu hướng tăng trong giai đoạn 2010 - 2019. Quy mô xuất khẩu hàng nông sản tăng 4,21 lần. Kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản sang thị trường Trung Quốc năm 2010 đạt 2.924,34 triệu USD, năm 2015 tăng lên 5.909,75 triệu USD và đến năm 2019 lên tới 8.353,90 triệu USD (Hình 1.1). Tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản sang thị trường này bình quân 15,45%/năm.
Thứ hai, hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc ngày càng đa dạng, phong phú. Việt Nam phát triển sản xuất và xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản mới như các loại rau, quả (nhãn, vải thiều, chanh leo, mít, măng cụt…). 6 mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực (thủy sản, rau quả, hạt điều, cà phê, gạo, gỗ và sản phẩm gỗ) chiếm 87,50% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản của nước ta sang thị trường này.
Thứ ba, cơ cấu hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc có sự dịch chuyển theo hướng: Tăng nhanh tỷ trọng của rau quả và thủy sản từ 2,56% và 5,56% năm 2010 lên 29,65% và 14,81% năm 2019; Giảm mạnh tỷ trọng của cao su và sản phẩm cao su từ 50,31% năm 2010 xuống còn 19,54% năm 2019.
Thứ tư, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Trung Quốc không ngừng gia tăng trong giai đoạn 2010 - 2019. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu rau quả năm 2010 đạt 74,90 triệu USD, năm 2015 tăng lên 1.194,83 triệu USD, đến năm 2019 lên tới 2.476,65 triệu USD.
Kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Trung Quốc tăng trưởng bình quân 46,26%/năm giai đoạn 2010 - 2019. Kim ngạch xuất khẩu rau quả chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam sang thị trường này, năm 2010 là 2,56%, năm 2015 tăng lên 20,22% và đến năm 2019 lên tới 29,65%. Hiện Việt Nam có 9 loại quả được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc gồm: thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm và măng cụt.
1.2. Tồn tại, hạn chế và nguyên nhân
Bên cạnh những kết quả đạt được, xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc giai đoạn 2010 - 2019 còn những tồn tại, hạn chế sau:
Thứ nhất, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc hàng năm không ổn định trong giai đoạn 2010 - 2019. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu nông sản sang thị trường này năm 2010 tăng 47,26% so với năm 2009, năm 2014 giảm 6,36% so với năm 2013, năm 2017 tăng 31,68% so với năm 2016, năm 2019 giảm 1,44% so với năm 2018.
Thứ hai, chất lượng hàng nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc chưa ổn định. Tỷ trọng sản phẩm nông sản đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP còn thấp.
Thứ ba, Việt Nam vẫn chủ yếu xuất khẩu nông sản thô nên giá trị gia tăng thấp. Xuất khẩu một khối lượng lớn nông sản nhưng hiệu quả thu được còn nhỏ khi so sánh với các nước khác như Thái Lan... Hiện chế biến nông sản của cả nước đã tăng gấp 3 lần so với cách đây 10 năm với 7.500 cơ sở chế biến quy mô công nghiệp phục vụ xuất khẩu. Tuy nhiên, 2/3 sản phẩm chế biến chủ yếu vẫn là sơ chế có giá trị gia tăng thấp.
Thứ tư, xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc chủ yếu theo đường tiểu ngạch nên hiệu quả xuất khẩu thấp, rủi ro cao. Hàng năm đều xảy ra tình trạng các xe container chở dưa hấu, vải thiều, thanh long… ùn tắc tại các cửa khẩu chờ xuất sang Trung Quốc vào tháng thu hoạch cao điểm. Thương nhân Trung Quốc ép giá, quả không xuất khẩu kịp bị thối hỏng, phải trả chi phí lưu bến bãi…
Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc giai đoạn 2010 - 2019:
- Sản xuất hàng nông sản xuất khẩu quy mô lớn còn hạn chế: Chính sách ưu đãi đầu tư, tín dụng của Nhà nước chưa đủ mạnh để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, doanh nghiệp không mặn mà trong việc đầu tư vùng nguyên liệu, liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản; Sản xuất nông nghiệp vẫn nhỏ lẻ, công nghệ bảo quản sau thu hoạch và công nghệ chế biến còn kém; Diện tích sản xuất nông sản áp dụng VietGAP và GlobalGAP còn khiêm tốn; Sản xuất manh mún khiến chất lượng nông sản không đồng đều, rất khó kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) và khó áp dụng các tiêu chuẩn của thế giới và Trung Quốc về truy xuất nguồn gốc nên chất lượng hàng nông sản xuất khẩu chưa ổn định, Việt Nam vẫn chủ yếu xuất thô, giá trị gia tăng thấp.
- Công tác thông tin thị trường và xúc tiến tiêu thụ nông sản còn hạn chế. Thông tin thị trường chưa được cập nhật. Công tác thông tin và kết nối chia sẻ thông tin giữa các cơ quan hữu quan, địa phương và doanh nghiệp còn hạn chế. Hoạt động xúc tiến tiên thụ nông sản đã được các địa phương chú trọng hơn trong những năm gần đây (tổ chức các hội nghị xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp với vùng sản xuất…) nhưng hiệu quả chưa cao.
- Nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa nắm được, hoặc chưa cập nhật được các quy định nhập khẩu hàng hóa và quy định về kiểm dịch đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc. Vì vậy, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường này còn gặp khó khăn ở khâu thâm nhập thị trường và kiểm dịch nên đa phần hàng nông sản vẫn xuất theo đường tiểu ngạch hiệu quả thu được thấp. Doanh nghiệp còn chậm, hạn chế trong việc tìm hiểu sự đa dạng về nhu cầu ở các vùng miền và những thay đổi về thị hiếu tiêu dùng của thị trường Trung Quốc để tổ chức sản xuất đáp ứng nhu cầu của thị trường. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn cho rằng Trung Quốc là thị trường lớn và dễ tính, quan điểm này đã sai. Hiện Trung Quốc là thị trường lớn nhưng không phải cái gì cũng dùng. Nền kinh tế phát triển, thu nhập tăng lên, người tiêu dùng đòi hỏi sản phẩm có chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn VSATTP, thân thiện môi trường và có truy suất nguồn gốc.
- Việc xây dựng thương hiệu, đăng ký chứng nhận chỉ dẫn địa lý và bảo vệ chỉ dẫn địa lý ở thị trường xuất khẩu cho hàng nông sản bước đầu được quan tâm, nhưng chưa đầu tư và phát triển xứng tầm. Thực tế cho thấy, phần lớn hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam vẫn ở dạng nguyên liệu thô, quả tươi, sản phẩm đã qua chế biến chiếm tỷ trọng rất nhỏ (chè nhúng, quả khô, nước quả...).
- Thương mại toàn cầu suy giảm do bất đồng giữa các nước lớn về định hình hệ thống thương mại toàn cầu ngày càng sâu sắc, đặc biệt là cuộc chiến thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc tiếp tục diễn biến phức tạp. Xu hướng bảo hộ thương mại ngày càng gia tăng (Trung Quốc là một trong những nước đang tăng các biện pháp bảo hộ thương mại).
- Chiến tranh thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc bắt đầu nổ ra từ ngày 06/7/2018 diễn biến phức tạp và khó lường. Tính từ đầu tháng 7/2018 đến tháng 12/2019, hai nước liên tiếp bổ sung các mức thuế áp với hàng hóa của nhau trị giá 982 tỷ USD. Điều này ảnh hưởng tới xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc nói chung, hàng nông sản nói riêng. Hàng Việt Nam không những phải cạnh tranh với hàng của các nước ASEAN khác mà còn phải cạnh tranh với hàng của Trung Quốc do khó khăn trong xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ nên đẩy mạnh tiêu thụ nội địa.
- Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn và tiềm năng đối với hàng nông sản Việt Nam. Các doanh nghiệp còn bị động trong việc xây dựng chiến lược kinh doanh với thị trường Trung Quốc, dự báo, nhận biết các thay đổi trên thị trường nhất là các thay đổi về giá cả, xu hướng tiêu dùng, quy định nhập khẩu. Kinh doanh với đối tác Trung Quốc luôn chứa đựng nhiều rủi ro, thách thức đòi hỏi doanh nghiệp phải luôn có phương án dự phòng, ứng phó. Thực tế cho thấy, do doanh nghiệp không có chiến lược kinh doanh với thị trường này, không có định hướng, dự báo thị trường. Xuất khẩu nhóm hàng nông sản vẫn chủ yếu theo đường tiểu ngạch đã dẫn đến tình trạng gần như năm nào, vụ nào các nhà xuất khẩu nông sản Việt Nam cũng bị các đối tác phía Trung Quốc ép giá các mặt hàng như dưa hấu, thanh long, vải... Kết quả là một số doanh nghiệp bị thua lỗ nặng.
- Thị trường Trung Quốc đã có sự thay đổi, không còn dễ tính như trước đây. Trung Quốc đưa ra ngày càng nhiều các tiêu chí về chất lượng, quy chuẩn, tiêu chuẩn rất chặt chẽ và khắt khe về an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc đối với hàng nhập khẩu, gây khó khăn cho hàng Việt Nam. Xu hướng bảo hộ của Trung Quốc đã và đang ảnh hưởng đến xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, đặc biệt là nhóm hàng nông sản. Trung Quốc yêu cầu khắt khe hơn về chất lượng sản phẩm, theo đó, tăng cường quản lý khu vực biên giới, thắt chặt kiểm dịch và quản lý chất lượng hàng nhập khẩu, truyền thông nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp và người tiêu dùng về VSATTP. Trung Quốc siết chặt hơn những quy định về xuất xứ hàng hóa. Từ ngày 01/4/2018, Trung Quốc áp dụng quy định về truy xuất nguồn gốc đối với các lô hàng hoa quả của Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc. Bên cạnh đó, xuất khẩu qua đường tiểu ngạch cũng đang bị nước này siết chặt, thậm chí nhiều mặt hàng còn bị "cấm cửa". Mới đây nhất, Tổng cục Hải quan Trung Quốc lại tiếp tục ra Thông báo số 70/2019 về quy định quản lý, giám sát việc ghi nhãn bao bì thực phẩm đóng gói sẵn xuất nhập khẩu của Trung Quốc, thời gian bắt đầu áp dụng từ ngày 01/10/2019. Việc Trung Quốc thực thi nghiêm các quy định về truy xuất nguồn gốc, yêu cầu sản phẩm phải có mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói nên xuất khẩu nhóm hàng nông sản của Việt Nam sang thị trường này sụt giảm.
Mức thuế quan giảm về 0% đối với gần 8.000 dòng sản phẩm theo Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) được kỳ vọng tạo “cú huých” cho nông sản Việt Nam tăng trưởng xuất khẩu sang Trung Quốc. Dù vậy, sản phẩm chỉ được hưởng ưu đãi khi đáp ứng tốt các yêu cầu khắt khe về chất lượng, xuất xứ hàng hóa. Hiện xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Trung Quốc gặp nhiều khó khăn do Trung Quốc tăng cường hoàn thiện hệ thống quản lý, giám sát về chất lượng hàng hóa nhập khẩu thông qua việc ban hành quy định, yêu cầu, tiêu chuẩn về kiểm dịch động thực vật, truy xuất nguồn gốc, quy cách đóng gói, nhãn mác, bao bì.. và siết chặt nhập khẩu tiểu ngạch. Từ tháng 8/2019, Hải quan Trung Quốc áp dụng máy soi kiểm tra các xe chở nông sản của Việt Nam nên tốc độ thông quan chậm, khiến hàng trăm xe container chở thanh long (loại quả được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc) ùn tắc tại cửa khẩu khi mặt hàng này bước vào thu hoạch chính vụ. Trung Quốc áp dụng các quy định mới trong nhập khẩu chính ngạch và siết chặt tiểu ngạch khiến nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam gặp khó khi xuất sang thị trường này.
- Bối cảnh mới đối với xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc những năm tới
Thứ nhất, kinh tế thế giới có nguy cơ suy thoái do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Toàn cầu hóa và tự do hóa thương mại tiếp tục phát triển về quy mô, mức độ và thình thức biểu hiện với những tác động tích vực và tiêu cực, cơ hội và thách thức đan xen rất phức tạp Chiến tranh thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc diễn biến phức tạp và chưa biết khi nào kết thúc. Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, làm thay đổi cấu trúc sản xuất với sự thay đổi trong một loạt các ngành nghề dịch vụ, hành chính, tài chính, thương mại điện tử. Đại dịch Covid -19 vẫn diễn biến phức tạp ảnh hưởng không nhỏ tới xuất khẩu hàng hóa do các nước nhập khẩu áp dụng các biện pháp kiểm dịch chặt chẽ… Bối cảnh thế giới vừa tạo ra cơ hội lẫn thách thức đối với xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc những năm tới.
Thứ hai, kinh tế Trung Quốc suy giảm do ảnh hưởng của đại dịch covid-19. Kinh tế suy giảm kéo theo cầu giảm. Người tiêu dùng dành ưu tiên đối với các mặt hàng thiết yếu. Sau đại dịch, đa phần các nước hướng đến khả năng tự cung ứng, Trung Quốc không nằm ngoài xu thế này. Sản xuất nông sản, đặc biệt là các loại quả nhiệt đới như dưa hấu, thanh long, vải… tăng mạnh về diện tích trồng và sản lượng. Nhu cầu tiêu dùng và yêu cầu đối với chất lượng hàng nông sản ở các vùng miền của Trung Quốc là khác nhau. Các tỉnh, thành phố như Bắc Kinh, Thượng Hải, Thâm Quyến, Quảng Châu có xu hướng tiêu dùng những sản phẩm nông sản nhập khẩu chất lượng cao, chú trọng tới vấn đề VSATTP, còn các tỉnh Thái Hưng, Trường Hưng, Giang Tô, các vùng gần biên giới Việt Nam… ưa chuộng các sản phẩm nông sản có mức giá vừa phải và chất lượng trung bình.
Thứ ba, Trung Quốc ngày càng nâng cao hàng rào kỹ thuật và vệ sinh kiểm dịch, tăng cường kiểm soát biên giới, áp dụng các biện pháp kiểm dịch chặt chẽ đối với hàng nông sản. Trung Quốc đưa ra các quy định đối với hàng nông sản nhập khẩu như vùng trồng, sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP… Trung Quốc siết chặt thủ tục nhập khẩu, dựng nhiều hàng rào kỹ thuật, giảm dần nhập khẩu tiểu ngạch, dần tiến tới chỉ nhập khẩu chính ngạch (trong đó có Việt Nam). Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thủ tục thông quan tại các cửa khẩu biên giới Việt Nam - Trung Quốc phải tuân thủ các quy định khắt khe về y tế. Như vậy, xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc sẽ ngày càng khó khăn hơn, xuất hiện nhiều điểm nghẽn.
Thứ tư, Việt Nam hội nhập ngày càng sâu vào kinh tế khu vực và thế giới, ký kết và thực thi các FTA thế hệ mới, bên cạnh việc phải thực hiện các cam kết mở cửa thị trường, mở ra nhiều cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành công nghiệp chế biến để tăng giá trị gia tăng của hàng nông sản... Hiệp định thương mại khu vực (RCEP) đã cơ bản hoàn tất đàm phán và dự kiến được ký kết trong năm 2020. Do đó sẽ tạo ra cơ hội đối với xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc thời gian tới.
Thứ năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đẩy mạnh việc cấp mã số vùng nuôi - trồng để đáp ứng yêu cầu về chất lượng và an toàn thực phẩm cho nông sản xuất khẩu, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu vào một số thị trường (trong đó có Trung Quốc) nhằm đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch. Tính đến đầu năm 2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã cấp mã số vùng nuôi - trồng đáp ứng yêu cầu về chất lượng và an toàn thực phẩm cho 1.749 vùng trồng quả và 1.200 cơ sở đóng gói quả tươi xuất khẩu. Nhiều doanh nghiệp và hộ nông dân Việt Nam đang từng bước thích nghi và chuyển hoạt động xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc theo hướng chính ngạch, giảm dần và tiến tới chấm dứt xuất khẩu theo hình thức “trao đổi cư dân”. Đồng thời, các Bộ, ngành của Việt Nam, dưới sự chủ trì của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tích cực đàm phán với Trung Quốc về an toàn thực phẩm để chính thức mở cửa thị trường cho các sản phẩm như sầu riêng, khoai lang tím, tổ yến, thạch đen, nghêu, cá rô phi, cua, cá ngừ, ngao, sứa, rươi… (đây là những sản phẩm mà Trung Quốc đã giảm thuế nhập khẩu cho Việt Nam theo kênh đàm phán thương mại) nhằm mở ra cơ hội thuận lợi cho xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc.
- Một số giải pháp chủ yếu đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc
3.1. Giải pháp về phía Nhà nước
- Tiếp tục hoàn thiện chính sách quản lý xuất nhập khẩu: Tiến hành rà soát, xây dựng, sửa đổi, bổ sung hệ thống chính sách xuất nhập khẩu nhằm đảm bảo khung pháp lý, chính sách đầy đủ, đồng bộ, rõ ràng và minh bạch, phù hợp với các quy định và cam kết quốc tế; Xây dựng và áp dụng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu, bao gồm tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn VSATTP, tiêu chuẩn môi trường; Xây dựng và ban hành quy định, thông tư về sản phẩm hàng hóa của Việt Nam và sản phẩm, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam (made in VietNam).
- Xây dựng các vùng chuyên canh quy mô lớn tạo nguồn hàng nông sản xuất khẩu: Phát triển vùng chuyên canh sản xuất quy mô lớn về rau, quả, lương thực sẽ tạo ra nguồn nguyên liệu để chế biến hàng xuất khẩu có chất lượng, đảm bảo VSATTP, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thị trường Trung Quốc; Điều chỉnh quy hoạch, bố trí lại vùng sản xuất đối với từng loại cây trồng với quy mô lớn để thuận tiện cho việc cơ giới hóa các khâu canh tác, thu hoạch và ứng dụng đồng bộ kỹ thuật mới, áp dụng phương thức sản xuất tiên tiến, khuyến khích, thu hút đầu tư vào sản xuất và chế biến hàng nông sản xuất khẩu, hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp, hợp tác xã, người nông dân phát triển vùng chuyên canh (vùng rau, hoa, quả... an toàn) và vùng nuôi trồng thủy sản; Xây dựng các vùng trồng với quy mô lớn, sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, mã hóa các vùng trồng phục vụ truy xuất nguồn gốc, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong bảo quản và chế biến sau thu hoạch; Phát triển các vùng sản phẩm gắn liền với các hoạt động hỗ trợ sau thu hoạch (bảo quản, chế biến, vận chuyển...); Liên kết phát triển các vùng nguyên liệu tập trung quy mô hàng hóa, cấp mã số vùng nuôi, trồng đáp ứng các yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm.
- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và chế biến nông sản: Phát triển nông nghiệp công nghệ cao để nâng cao năng suất và chất lượng nông sản thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi, mở rộng áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP trong phạm vi cả nước); Đầu tư cho khoa học công nghệ để tăng cường áp dụng công nghệ hiện đại phục vụ cho chế biến nông sản nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho hàng nông sản xuất khẩu; Coi trọng và ưu tiên hợp tác khoa học, kỹ thuật, thương mại và đầu tư với các đối tác nước ngoài về mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, công nghệ chế biến phục vụ sản xuất nông sản xuất khẩu. Chế biến sâu là hướng đi quan trọng để Việt Nam chủ động với thị trường toàn cầu và giải quyết được tình trạng “được mùa rớt giá” của nông sản xuất khẩu.
- Đầu tư, phát triển chuỗi giá trị hàng nông sản: Xây dựng các vùng chuyên canh, vùng nguyên liệu cho chế biến hàng nông sản xuất khẩu; Thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm; Tiếp cận và mở rộng hệ thống phân phối trong và ngoài nước; Phát triển các dịch vụ trong lĩnh vực nông nghiệp; Xây dựng thương hiệu nông sản theo hướng chuyên nghiệp, hỗ trợ về công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp; Tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ trong tất cả các khâu từ sản xuất, chế biến đến xuất khẩu và nâng cao năng lực kiểm dịch động thực vật; Thúc đẩy hợp tác và chuyển giao công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm phát triển các chuỗi sản xuất nông sản.
- Đẩy mạnh xúc tiến thương mại với thị trường Trung Quốc, thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch các mặt hàng Việt Nam có lợi thế: Tăng cường các hoạt động đàm phán thương mại song phương, đa phương nhằm đạt được các thỏa thuận mở cửa thị trường đối với mặt hàng nông sản, gỡ bỏ các rào cản thương mại, tạo thuận lợi cho xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam sang Trung Quốc, đề nghị Trung Quốc khẩn trương hoàn tất các thủ tục pháp lý mở cửa thị trường đối với chanh leo, bơ, bưởi, dừa, na, roi, cũng như diện doanh nghiệp được phép xuất khẩu vào Trung Quốc; Thường xuyên tổ chức các hội nghị giao thương hàng hóa (chuyên đề nông sản thực phẩm) giữa Việt Nam và Trung Quốc để tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường này; Triển khai đa dạng các hình thức xúc tiến xuất khẩu mới trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin như các hội thảo trực tuyến cung cấp thông tin về tình hình, cơ hội thị trường, kết nối giao thương trực tuyến…; Tổ chức tốt công tác dự báo và cung cấp thông tin về thị trường, sự điều chỉnh các hàng rào kỹ thuật thương mại của Trung Quốc đối với hàng nhập khẩu; Hướng dẫn doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại với Trung Quốc; Hỗ trợ các địa phương lựa chọn và xây dựng phát triển thương hiệu cho các mặt hàng nông sản thế mạnh, đặc biệt các sản phẩm có chỉ dẫn địa lý trong khuôn khổ chương trình thương hiệu quốc gia; Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu thông qua các chiến dịch truyền thông, quảng bá hình ảnh, các chương trình đào tạo, hướng dẫn, nâng cao năng lực thiết kế, định dạng sản phẩm; Tăng cường thông tin, tuyên truyền, tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực nghiệp vụ, hướng dẫn kịp thời về xuất xứ hàng hóa cho doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc; Ký kết thỏa thuận hợp tác với tập đoàn thương mại điện tử lớn của Trung Quốc là Alibaba để tạo thuận lợi cho xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường này…
3.2. Giải pháp về phía doanh nghiệp
- Tích cực tìm hiểu thông tin về thị trường Trung Quốc: Tích cực theo dõi và nắm bắt nhu cầu thị hiếu (thị hiếu tiêu dùng của từng địa phương), những thay đổi trong chính sách thương mại, chính sách nhập khẩu của Trung Quốc để có sự điều chỉnh kịp thời trong sản xuất, kinh doanh xuất khẩu sang Trung Quốc; Chủ động tìm hiểu, cập nhật thông tin về chính sách điều hành xuất nhập khẩu của Trung Quốc, đặc biệt là các quy định về nhãn mác, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn vùng trồng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, quy cách đóng gói, chất lượng, chủng loại…; Hiểu rõ về những thay đổi giám sát quy trình nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc để chấp hành, tuân thủ các quy định về bao gói, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sẽ giúp khâu kiểm tra, thông quan được thuận lợi, nhanh chóng, giảm thiểu thiệt hại trong quá trình sản xuất, kinh doanh xuất khẩu.
- Đa dạng hoá, phát triển các mặt hàng xuất khẩu mới và nâng cao chất lượng hàng xuất khẩu: Chú trọng đa dạng hóa và phát triển các sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu thị hiếu thay đổi nhanh của thị trường Trung Quốc về sản phẩm xanh, bổ dưỡng, có thương hiệu và đạt tiêu chuẩn chất lượng; Tập trung vào nâng cao chất lượng sản phẩm trên cơ sở cải thiện năng lực sản xuất, sử dụng nền tảng sản xuất theo hướng hiện đại của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và tham gia vào chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu; Nghiêm túc thực hiện các quy định về truy xuất nguồn gốc, kê khai vùng trồng, cơ sở đóng gói cũng như các yêu cầu liên quan nhằm đáp ứng quy định, tiêu chuẩn nhập khẩu của Trung Quốc; Chủ động phân loại, lựa chọn chủng loại và tổ chức đóng gói ngay tại nơi sản xuất đáp ứng yêu cầu của đối tác Trung Quốc (về nhãn mác, bao bì…) trước khi đưa lên khu vực biên giới để quá trình giao nhận hàng hóa diễn ra thuận lợi, nhanh chóng; Xây dựng quy trình quản lý an toàn thực phẩm theo cách kiểm soát toàn bộ quá trình từ “trang trại đến bàn ăn” nhằm nâng cao chất lượng cho hàng nông sản xuất khẩu.
- Chú trọng đầu tư cho chế biến nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho hàng nông sản xuất khẩu: Đầu tư công nghệ hiện đại cho các nhà máy chế biến góp phần giải quyết khâu tiêu thụ nông sản thô, đặc biệt là quả tươi một cách nhanh nhất, xây dựng thêm các nhà máy bảo quản, đóng gói, chế biến mới tại các vùng trồng quả có diện tích, sản lượng lớn; Khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã thu mua quả tươi (vải, nhãn, chuối) để sấy khô vào thời điểm những loại quả này “được mùa mất giá” làm mặt hàng dự trữ xuất khẩu vừa hạn chế tổn thất, vừa giúp người trồng đỡ thiệt thòi; Xây dựng các nhà máy chế biến để đa dạng hóa sản phẩm nhằm tăng giá trị gia tăng cho hàng nông sản xuất khẩu và đáp ứng được nhu cầu thị hiếu thay đổi nhanh của thị trường Trung Quốc; Các doanh nghiệp nên đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ để đa dạng hóa sản phẩm chế biến, qua đó nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản xuất khẩu, giúp cho nông sản thâm nhập sâu hơn vào thị trường xuất khẩu.
- Chủ động triển khai áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế và đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm: Nâng cao năng lực và nhận thức trong việc nắm bắt các quy định kỹ thuật và yêu cầu về kiểm dịch của thị trường Trung Quốc (Trung Quốc có một số thay đổi trong giám sát nhập khẩu hoa quả vào nước này, từ ngày 01/10/2019, sản phẩm thực phẩm nhập khẩu vào Trung Quốc phải có Chứng nhận an toàn thực phẩm do cơ quan có thầm quyền nước xuất khẩu cấp cho các lô hàng...); Chủ động xây dựng và triển khai áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế như ISO 9000, HACCP, ISO 14000 và đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm để vượt qua các rào cản kỹ thuật khi vào thị trường Trung Quốc; Tăng cường giám sát chất lượng, chủ động phối hợp chặt chẽ với đối tác nhập khẩu tuân thủ nghiêm các quy định của Trung Quốc về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm kiểm dịch, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc... đối với hàng nhập khẩu.
- Xây dựng chiến lược kinh doanh dài hạn, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch: Xây dựng chiến lược kinh doanh dài hạn để thâm nhập sâu vào thị trường Trung Quốc. Kinh doanh theo phi vụ, trục lợi ngắn hạn, thiếu tính liên kết, cạnh tranh không lành mạnh dẫn tới rủi ro cao và hiệu quả thu được thấp; Chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch để phát triển sản xuất và nâng cao hiệu quả xuất khẩu nông sản. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp xuất khẩu nên chuyển hình thức tiểu ngạch sang xuất khẩu chính ngạch và vận chuyển bằng đường sắt để tránh rủi ro và giảm chi phí. Xuất khẩu chính ngạch giúp cho các doanh nghiệp hạn chế rủi ro về thanh toán, chất lượng sản phẩm và tiết kiệm được chi phí. Qua đó, đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông sản sang thị trường Trung Quốc, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc siết chặt nhập khẩu tiểu ngạch.
- Chú trọng xây dựng và đăng ký bảo hộ thương hiệu cho hàng nông sản xuất khẩu: Xây dựng thương hiệu cho một số mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực (gạo, cà phê, cá tra, tôm…); Hướng dẫn xây dựng chỉ dẫn địa lý đối với các sản phẩm đặc sản của địa phương; Đăng ký bảo hộ thương hiệu nông sản Việt Nam tại Trung Quốc tránh bị mất hay tranh chấp thương mại. Trung Quốc là nước nổi tiếng với việc làm nhái thương hiệu, vì vậy đăng ký bảo hộ thương hiệu là việc làm cần thiết để có thể đưa hàng nông sản thâm nhập sâu vào thị trường này. Chất lượng hàng nông sản ổn định, có thương hiệu đáp ứng được nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng các sản phẩm có chất lượng, có thương hiệu và sẵn sàng trả giá cao cho các sản phẩm nhập khẩu có thương hiệu.
- Tăng cường các hoạt động xúc tiến xuất khẩu: Chủ động tìm kiếm đối tác chào hàng thông qua việc tham gia các hội chợ, triển lãm và hội thảo chuyên đề được tổ chức tại Việt Nam và Trung Quốc, qua Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường của Cục Xúc tiến Thương mại, các Hiệp hội ngành hàng; Tranh thủ sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua việc tham gia các đoàn xúc tiến thương mại quốc gia, các chương trình xúc tiến thương mại...%
Ths. Phùng Thị Vân Kiều; Ths. Phạm Vũ Quang Huy; Ths.Trần Thị Ngọc Ánh
Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Phương Anh (2020), “Doanh nghiệp xuất khẩu thận trọng tính toán thị trường Trung Quốc”, https://baodautu.vn/, đăng ngày 06/5/2020.
- Phùng Thị Vân Kiều (2019), Tổng quan tình hình xuất khẩu Việt Nam - Trung Quốc 9 tháng đầu năm 2019, Chuyên đề số 1 của Nhiệm vụ thường xuyên “Thương mại hàng hóa Việt Nam năm 2019 và giải pháp phát triển thương mại hàng hóa năm 2020”, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương, Hà Nội - 2019.
- Phương Lan (2019), “Phát triển xuất khẩu nông-thủy sản sang thị trường Trung Quốc - Tìm giải pháp bền vững”, Báo Công Thương, số 110 (1574), ngày 13/9/2019.
- Quỳnh Nga - Ngọc Quỳnh (2019), “Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc: Doanh nghiệp cần thay đổi tư duy”, https://congthuong.vn/, đăng ngày 24/10/2019.
- Nguyễn Quỳnh (2019), “Xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc: Tiêu chuẩn ngày càng khắt khe”, http://vov.vn/, đăng ngày 06/05/2019.
- Tâm Thời (2019), “Giải pháp thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ nông sản”, http://www.nhandan.com.vn/, đăng ngày 16/03/2019.