Vai trò quản lý của nhà nước trong việc hình thành chuỗi giá trị nông sản cho tỉnh Cao Bằng trong bối cảnh hội nhập

14:50 - 13/03/2025

Nguyễn Thùy Linh [1]

 Xây dựng chuỗi giá trị nông sản ổn định, bền vững, đủ sức cạnh tranh trong hội nhập, là mục tiêu chính trong phát triển nền nông nghiệp hiện đại. Cao Bằng sở hữu tiềm năng nông nghiệp đa dạng, có nhiều cơ hội thuận lợi để phát triển. Tuy nhiên, việc phát triển chuỗi giá trị nông sản cho tỉnh hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế, đòi hỏi có sự quản lý của nhà nước trong việc hình thành chuỗi giá trị. Do đó, bài viết phân tích vai trò quản lý của nhà nước trong việc hình thành và nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị nông sản tại Cao Bằng, tập trung vào các khía cạnh chính sách, cơ sở hạ tầng, hỗ trợ kỹ thuật, và liên kết thị trường.

Từ khóa: Cao Bằng; Chính sách; Chuỗi giá trị; Nông sản; Quản lý nhà nước.

1. Giới thiệu

Cao Bằng là tỉnh nằm trong Vùng Trung du và miền núi phía Bắc, có điều kiện tự nhiên và khí hậu thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. Các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh bao gồm: chè, lúa, ngô, đậu tương, cây ăn quả, dược liệu, và chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Xây dựng chuỗi giá trị nông sản là hướng đi chiến lược để nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo thu nhập cho người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Tuy nhiên, việc hình thành và phát triển chuỗi giá trị nông sản tại Cao Bằng trong bối cảnh hội nhập quốc tế đang đối mặt với nhiều thách thức đòi hỏi sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo UBND tỉnh. Bài viết tập trung phân tích vai trò quản lý của nhà nước trong việc hình thành chuỗi giá trị nông sản ở tỉnh Cao Bằng trong bối cảnh hội nhập nhằm trả lời các câu hỏi: (1) Nhà nước đã thực hiện những chính sách, cơ chế nào để hỗ trợ hình thành chuỗi giá trị nông sản tại Cao Bằng? (2) Những chính sách này đã tác động như thế nào đến sự phát triển của chuỗi giá trị nông sản? (3) Những hạn chế, bất cập trong quản lý của nhà nước trong việc hình thành và phát triển chuỗi giá trị nông sản tại Cao Bằng là gì?

Từ đó, tác giả đề xuất những giải pháp nâng cao vai trò quản lý của nhà nước trong việc hình thành và phát triển chuỗi giá trị nông sản tại Cao Bằng trong bối cảnh hội nhập. Kết quả nghiên cứu sẽ cung cấp những thông tin hữu ích cho việc hoạch định chính sách, nâng cao hiệu quả quản lý của nhà nước trong việc thúc đẩy phát triển chuỗi giá trị nông sản tại Cao Bằng, góp phần nâng cao đời sống người dân và phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

2. Thực trạng chuỗi giá trị nông sản tại Cao Bằng

Cao Bằng là tỉnh miền núi có tiềm năng phát triển nông nghiệp lớn, với nhiều sản phẩm đặc sản nổi tiếng như chè Shan Tuyết, sương sáo, măng rừng, thảo quả, cà phê… Xây dựng chuỗi giá trị nông sản là một trong những giải pháp trọng tâm để nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo thu nhập cho người dân và phát triển kinh tế địa phương.

Theo Quyết định số 194/QĐ-TTg ngày 09/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, đã đặt mục tiêu hình thành và phát triển chuỗi giá trị nông sản bền vững, ứng dụng thương mại điện tử và truy xuất nguồn gốc, phù hợp với điều kiện tự nhiên, trình độ sản xuất và yêu cầu thị trường. Chuỗi giá trị nông sản ở Việt Nam nói chung và ở Cao Bằng nói riêng hiện nay bao gồm các khâu chính gồm tiền sản xuất, sản xuất, chế biến, phân phối và thương mại (Hình 1).

Chuỗi giá trị nông sản tại Cao Bằng giúp kết nối nông dân với các doanh nghiệp chế biến, cung cấp kỹ thuật canh tác tiên tiến, đầu vào chất lượng cao, góp phần nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Từ đó, giúp nông dân tiếp cận thị trường, bán sản phẩm với giá trị cao hơn, từ đó tăng thu nhập và cải thiện đời sống người dân Cao Bằng. Phát triển chuỗi giá trị nông sản tạo động lực thúc đẩy sản xuất, tạo việc làm, thu hút đầu tư và góp phần phát triển kinh tế Cao Bằng. Đồng thời, nông sản địa phương là sản phẩm truyền thống, mang giá trị văn hóa đặc trưng nên phát triển chuỗi giá trị nông sản góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của địa phương.

Tuy nhiên, chuỗi giá trị nông sản tại Cao Bằng còn tồn tại nhiều hạn chế. Sự phối hợp giữa nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, và các cơ quan quản lý nhà nước chưa chặt chẽ, dẫn đến tình trạng sản xuất manh mún, thiếu thông tin thị trường và khả năng cạnh tranh thấp. Chuỗi giá trị nông sản hiện nay chủ yếu dựa vào kết nối tự phát, thiếu sự liên kết chặt chẽ và đồng bộ giữa các khâu, dẫn đến tình trạng nông hộ nhỏ lẻ thiếu vốn, thiếu kiến thức, kỹ thuật, hạn chế về cơ sở hạ tầng và công nghệ chế biến, gặp khó khăn trong tiếp cận thị trường và nâng cao giá trị sản phẩm. Nông dân chủ yếu áp dụng phương thức canh tác truyền thống, năng suất và chất lượng sản phẩm chưa cao. Nông dân chủ yếu bán sản phẩm qua thương lái, dẫn đến giá bán thấp và phụ thuộc vào thương lái. Doanh nghiệp chế biến gặp khó khăn trong việc thu mua nguyên liệu ổn định, chất lượng, ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh. Hệ thống giao thông, kho bãi, chế biến, bảo quản chưa đáp ứng nhu cầu, gây khó khăn trong việc vận chuyển, bảo quản, và chế biến nông sản. Kênh phân phối còn thiếu sự minh bạch, dẫn đến giá trị sản phẩm nông sản chưa được phản ánh đầy đủ. Bên cạnh đó, sản phẩm nông sản của Cao Bằng còn thiếu tính cạnh tranh về chất lượng, mẫu mã, bao bì, dẫn đến khó khăn trong việc tiếp cận thị trường. Thị trường tiêu thụ nông sản Cao Bằng còn nhỏ lẻ, chưa đa dạng, dễ bị tác động bởi các yếu tố bất lợi.

3. Vai trò quản lý của nhà nước trong việc hình thành chuỗi giá trị nông sản ở tỉnh Cao Bằng

Phát triển chuỗi giá trị nông sản là hướng đi đúng đắn để nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo thu nhập cho người dân và phát triển kinh tế địa phương. Do đó, cần nâng cao vai trò quản lý của nhà nước trong việc hình thành chuỗi giá trị nông sản ở tỉnh Cao Bằng, qua đó đưa ra những giải pháp đồng bộ để khắc phục các hạn chế, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân tham gia vào chuỗi giá trị và khai thác tiềm năng phát triển nông nghiệp của tỉnh Cao Bằng.

3.1. Một số chính sách của nhà nước và cơ chế hỗ trợ hình thành chuỗi giá trị nông sản tại Cao Bằng

3.1.1. Chính sách phát triển nông nghiệp và nông thôn

Nhà nước có chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng, xây dựng và nâng cấp hệ thống giao thông, thủy lợi, điện lưới, viễn thông…, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm nông sản. Bên cạnh đó, nhà nước có chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư vào công nghệ sản xuất, chế biến, bảo quản…, giúp nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm nông sản. Đồng thời, có chính sách xây dựng các chợ đầu mối nông sản, các sàn giao dịch điện tử…, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm nông sản. Cuối cùng, cần đưa ra chính sách hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực bao gồm đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho nông dân về sản xuất, kinh doanh, quản lý chuỗi giá trị nông sản.

3.1.2. Chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác, liên kết

Các chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác, liên kết của nhà nước bao gồm khuyến khích thành lập và phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác thông qua hỗ trợ vốn, kỹ thuật, cơ sở vật chất,... tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX hoạt động hiệu quả; Hỗ trợ kết nối giữa nông dân với doanh nghiệp bằng cách tổ chức các hội nghị, hội thảo kết nối,... tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận với các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm; Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp nhờ hỗ trợ về thuế, đất đai,... thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông sản.

3.1.3. Chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm đặc sản

Nhà nước có chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm đặc sản của Cao Bằng như hỗ trợ các sản phẩm nông sản đặc sản của địa phương phát triển theo tiêu chuẩn OCOP, nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh trên thị trường; Hỗ trợ các địa phương xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản, góp phần nâng cao giá trị và khả năng tiêu thụ; Hỗ trợ việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho các sản phẩm nông sản đặc sản, góp phần bảo vệ quyền lợi của người sản xuất và tạo dựng uy tín cho sản phẩm.

3.1.4. Chính sách hỗ trợ về tài chính

Nhà nước có chính sách tín dụng ưu đãi, cung cấp nguồn vốn vay ưu đãi cho các hộ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông sản. Đồng thời nhà nước có chính sách hỗ trợ về bảo hiểm cho các rủi ro trong sản xuất nông nghiệp, giúp nông dân giảm thiểu rủi ro và ổn định sản xuất.

3.1.5. Chính sách về thông tin, truyền thông

Nhà nước thực hiện tuyên truyền, phổ biến kiến thức về chuỗi giá trị nông sản cũng như vai trò của nhà nước trong việc hỗ trợ phát triển chuỗi giá trị nông sản. Bên cạnh đó, nhà nước cung cấp thông tin về thị trường tiêu thụ, giá cả, nhu cầu..., giúp nông dân, doanh nghiệp đưa ra quyết định sản xuất kinh doanh hiệu quả.

Ngoài các chính sách trên, Nhà nước cũng đang triển khai một số chương trình, dự án hỗ trợ phát triển chuỗi giá trị nông sản tại Cao Bằng như: Chương trình phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, hỗ trợ các địa phương phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm; Chương trình hỗ trợ các địa phương xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, tạo điều kiện thuận lợi cho việc ứng dụng công nghệ, quản lý sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; Chương trình khuyến khích các địa phương phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, sản xuất ra những sản phẩm an toàn, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Tuy nhiên, việc thực thi các chính sách trên còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là nông dân nhỏ lẻ tại Cao Bằng. Cần có sự đồng lòng và nỗ lực của các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và người dân để nâng cao hiệu quả thực thi các chính sách, thúc đẩy phát triển chuỗi giá trị nông sản tại Cao Bằng, góp phần nâng cao đời sống người dân và phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

3.2. Tác động của chính sách nhà nước đến sự phát triển chuỗi giá trị nông sản tại Cao Bằng

Các chính sách của nhà nước mang lại hiệu quả tích cực đối với sự phát triển chuỗi giá trị nông sản tại Cao Bằng. Các chính sách hỗ trợ đầu tư vào công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, khuyến khích ứng dụng khoa học kỹ thuật đã giúp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm nông sản, góp phần tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng. Chính sách hỗ trợ thành lập và phát triển hợp tác xã, kết nối nông dân với doanh nghiệp đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành các chuỗi giá trị nông sản. Các hợp tác xã và doanh nghiệp có thể cùng phối hợp để sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, tạo ra lợi ích chung. Đồng thời, các chính sách này giúp mở rộng thị trường tiêu thụ nhờ xây dựng hạ tầng giao thông, thị trường đầu mối, sàn giao dịch điện tử,... đã giúp nông sản của Cao Bằng tiếp cận được thị trường rộng lớn hơn, tăng cường khả năng tiêu thụ và tạo thu nhập cho người dân. Các chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm đặc sản, xây dựng thương hiệu, bảo hộ nhãn hiệu đã giúp nông sản của Cao Bằng có chỗ đứng trên thị trường và nâng cao khả năng cạnh tranh.

Tuy nhiên, những chính sách này vẫn còn tồn tại một só hạn chế, bất cập. Các chính sách còn thiếu đồng bộ, chưa được triển khai hiệu quả, dẫn đến tình trạng lãng phí nguồn lực, chưa tạo ra đột phá trong phát triển chuỗi giá trị nông sản. Bên cạnh đó, còn tồn tại khoảng cách giữa các chủ thể trong chuỗi giá trị, thiếu sự kết nối chặt chẽ giữa nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã và cơ quan quản lý nhà nước. Đồng thời, còn thiếu cơ chế giám sát, đánh giá hiệu quả, hệ thống giám sát, đánh giá hiệu quả của các chính sách chưa đầy đủ, dẫn đến tình trạng lãng phí, thiếu minh bạch trong việc sử dụng nguồn lực. Ngoài ra, nông dân, hợp tác xã nhỏ lẻ còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ, thiếu thông tin, kiến thức về chính sách, thủ tục hành chính rườm rà...

  1. Một số giải pháp phát triển chuỗi giá trị nông sản tại Cao Bằng

Vai trò quản lý của nhà nước rất quan trọng trong việc hình thành và phát triển chuỗi giá trị nông sản tại Cao Bằng. Việc hoàn thiện chính sách, nâng cao hiệu quả thực thi và tăng cường hỗ trợ nông dân là những nhiệm vụ cần ưu tiên để thúc đẩy phát triển chuỗi giá trị nông sản bền vững, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo thu nhập cho người dân và phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

4.1. Hoàn thiện chính sách và pháp luật

Nâng cao vai trò của nhà nước trong việc xây dựng khung pháp lý phát triển chuỗi giá trị nông sản. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật hỗ trợ phát triển chuỗi giá trị nông sản bao gồm các chính sách về đất đai, tín dụng, thuế, đầu tư, khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường, và an toàn thực phẩm một cách phù hợp, đồng bộ, ưu tiên các chính sách hỗ trợ phát triển chuỗi giá trị nông sản, tập trung vào các khâu trọng yếu như sản xuất, chế biến, tiêu thụ. Đồng thời, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và tham gia vào chuỗi giá trị. Tăng cường công tác quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm, xây dựng hệ thống kiểm tra, giám sát chặt chẽ từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, đảm bảo chất lượng và an toàn cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, cần nâng cao hiệu quả thực thi, đảm bảo tính minh bạch, công khai, hiệu quả trong việc thực thi các chính sách, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả thực thi. Không những thế, cần tăng cường vai trò của chính quyền địa phương trong hỗ trợ nông dân tiếp cận vốn vay, khuyến khích đầu tư vào công nghệ chế biến, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất và kinh doanh.

4.2. Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng

Nhà nước cần nâng cấp hệ thống giao thông nông thôn, xây dựng và nâng cấp đường giao thông, cầu cống, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển nông sản. Đầu tư xây dựng kho bãi, cơ sở chế biến, bảo quản đáp ứng nhu cầu bảo quản, chế biến nông sản, giảm thiểu hao hụt sau thu hoạch. Phát triển hệ thống thủy lợi, đảm bảo nguồn nước tưới cho sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là trong mùa khô.

4.3. Hỗ trợ kỹ thuật và chuyển giao công nghệ

Tăng cường công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ như nghiên cứu và chuyển giao các giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với điều kiện địa phương. Đào tạo, tập huấn cho nông dân giúp nâng cao kiến thức, kỹ năng canh tác, quản lý, và kinh doanh cho nông dân. Hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (Ví dụ như mô hình trồng rau sạch, chăn nuôi an toàn sinh học, quy trình chế biến thạch đen Cao Bằng,...). Hỗ trợ nông dân tiếp cận thông tin, kiến thức, kỹ thuật sản xuất, kinh doanh, tiếp cận các chính sách, nguồn vốn vay,... Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, chuyên gia về chuỗi giá trị nông sản. Đào tạo, chuyển giao kỹ thuật canh tác tiên tiến, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.

4.4. Thúc đẩy liên kết thị trường

Hỗ trợ xây dựng các mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ giúp kết nối nông dân với doanh nghiệp, hợp tác xã, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, và các kênh phân phối khác. Thúc đẩy phát triển thương mại điện tử thông qua hỗ trợ nông dân bán hàng trực tuyến thông qua các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội. Quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông sản Cao Bằng bằng cách tổ chức các hội chợ, triển lãm, tham gia các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước. Phát triển các sản phẩm OCOP, hỗ trợ xây dựng thương hiệu và quảng bá các sản phẩm nông sản đặc trưng của Cao Bằng. Khuyến khích và hỗ trợ các hình thức liên kết, hợp tác giữa các thành viên trong chuỗi giá trị, đặc biệt là nông dân và doanh nghiệp. Phát triển ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử để nâng cao hiệu quả quản lý, kết nối và tiêu thụ sản phẩm nông sản. Xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc, chứng nhận chất lượng sản phẩm để tăng cường sức cạnh tranh trên thị trường. Bên cạnh đó, nhà nước cần xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân liên kết chặt chẽ trong chuỗi giá trị nông sản, tạo ra mối quan hệ hợp tác cùng có lợi. Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, đa dạng hóa kênh phân phối, tiếp cận thị trường trong và ngoài nước. Tăng cường hợp tác quốc tế, học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia có nền nông nghiệp phát triển, thu hút đầu tư nước ngoài, và mở rộng thị trường xuất khẩu cho nông sản Cao Bằng

Như vậy, cần có sự chung tay của các bên liên quan để khắc phục những hạn chế hiện tại, thúc đẩy phát triển chuỗi giá trị nông sản bền vững, hiệu quả và góp phần nâng cao vị thế của nông nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Kết luận

Việc hình thành và phát triển chuỗi giá trị nông sản tại Cao Bằng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho người nông dân, và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhà nước cần phát huy vai trò quản lý, tạo môi trường thuận lợi, và hỗ trợ tích cực cho các tác nhân tham gia chuỗi giá trị, góp phần đưa nông sản Cao Bằng vươn xa, khẳng định vị thế trên thị trường trong nước và quốc tế bằng cách (1) Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, xây dựng cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các sở, ban, ngành liên quan đến phát triển chuỗi giá trị nông sản; (2) Tăng cường thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nhờ xây dựng các chính sách ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có năng lực về công nghệ, quản lý, và thị trường; (3) Phát triển mạnh các hợp tác xã nông nghiệp thông qua hỗ trợ các hợp tác xã nâng cao năng lực quản lý, sản xuất, và kinh doanh, trở thành cầu nối hiệu quả giữa nông dân và doanh nghiệp; (4) Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và chú trọng phát triển nguồn nhân lực, đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, chuyên gia kỹ thuật, và nông dân có kiến thức, kỹ năng đáp ứng yêu cầu phát triển chuỗi giá trị nông sản; (5) Tăng cường hợp tác quốc tế, học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia có nền nông nghiệp phát triển, thu hút đầu tư nước ngoài, và mở rộng thị trường xuất khẩu cho nông sản Cao Bằng./.

The State’s management role in forming agricultural value chains for Cao Bang province in the context of integration

Nguyen Thuy Linh

Building a stable, sustainable, competitive agricultural value chain in integration is the main goal in developing modern agriculture. Cao Bang possesses diverse agricultural potential and has many favorable opportunities for development. However, the development of agricultural value chains for the province is still facing many difficulties and limitations, requiring state management in forming value chains. Therefore, this article analyzes the state's management role in forming and improving the efficiency of agricultural value chains in Cao Bang, focusing on aspects of policy, infrastructure, technical support, and market linkages.

Keywords: Agricultural products; Cao Bang; Policy; State management; Value chain.

Tài liệu tham khảo

  1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, (2021). Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
  2. UBND tỉnh Cao Bằng, (2021). Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Cao Bằng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
  3. FAO, (2010). Hướng dẫn về phát triển chuỗi giá trị.
  4. World Bank, (2013). Chuỗi giá trị nông nghiệp: Hướng dẫn về phương pháp tiếp cận.
  5. Deepak Pal, D. P., & Laveena Sharma, L. S. (2018). Agricultural value chain: concepts, definitions and analysis tool.
  6. Dubey, S. K., Gills, R., Singh, A., Sah, U., & Burman, R. R. (2022). Agricultural Value Chains: A Cardinal Pillar for Future Development and Management of Farming. In Agriculture, Livestock Production and Aquaculture: Advances for Smallholder Farming Systems Volume 2(pp. 243-273). Cham: Springer International Publishing.
  7. Truelove, R. N., Lellyett, S. C., Issaka, A. I., & Huda, S. (2023). Agricultural value chains in developing economies: a theoretical framework. In Sustainable Food Value Chain Development: Perspectives from Developing and Emerging Economies(pp. 107-152). Singapore: Springer Nature Singapore.
  8. Lim, S. (2019). Global agricultural value chains and structural transformation. Risks in Agricultural Supply Chains, 29.

[1] Thanh tra Bộ Công Thương