Tìm kiếm phương thức hợp tác công tư hiệu quả trong các dự án xây dựng và vận hành đường cao tốc theo mô hình BOT tại Việt Nam
17:17 - 21/06/2022
Ngày 21/6, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Ủy ban quan hệ đối tác công tư thuộc Ủy ban Quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh với sự hỗ trợ kỹ thuật của Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAid) cùng tổ chức Tọa đàm Tìm kiếm phương thức hợp tác công tư hiệu quả trong các dự án xây dựng và vận hành đường cao tốc theo mô hình BOT tại Việt Nam.
TS Vũ Tiến Lộc phát biểu khai mạc
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VIAC, Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết: “Theo các Báo cáo của Ngân hàng Phát triển Châu Á, hợp tác công tư theo mô hình BOT trong lĩnh vực hạ tầng giao thông hiện là mô hình được dùng nhiều nhất tại Châu Á chiếm gần 46% trong số hợp đồng đối tác công – tư (không kể các hoạt động dịch vụ). BOT trong xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông mang tiềm năng lớn trong việc thu hút nguồn tài chính tư trong việc xây dựng cải thiện cơ sở hạ tầng”.
Trong thời gian qua, quá trình xã hội hóa đầu tư trong lĩnh vực hạ tầng giao thông trước đây được thực hiện trong bối cảnh thiếu khung pháp lý đầy đủ ở mức độ đạo luật, thiếu các hướng dẫn đồng bộ gây ra một số vấn đề tại một số dự án cụ thể: phương án tài chính của dự án bị ảnh hưởng, khó khăn trong thanh quyết toán công trình, các dạng vi phạm hợp đồng dự án từ phía nhà đầu tư, cơ quan nhà nước…. dẫn tới vừa chưa bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước – nhà đầu tư trong hợp tác công – tư và lợi ích của người thụ hưởng dịch vụ công – người dân, gây hiểu nhầm và tạo ra sự thiếu thiện cảm từ phía dư luận xã hội và người dân.
Quốc hội đã thông qua Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2021. Sự ra đời của Luật PPP được kỳ vọng sẽ tháo gỡ nhiều vướng mắc, tạo niềm tin cho nhà đầu tư, thúc đẩy hợp tác công tư bền vững.
Tọa đàm được chia thành 2 phiên xoay quanh những nội dung chính như: (1) Mô hình BOT trong đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và (2) Thảo luận về Phương thức hợp tác công – tư (PPP) hiệu quả trong các dự án xây dựng và vận hành đường cao tốc theo mô hình BOT tại Việt Nam.
Hạn chế cơ bản của pháp luật về hợp đồng BOT
Dương Đăng Huệ – Chuyên gia pháp lý, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự – Kinh tế Bộ Tư pháp cho biết, pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư cơ bản đã được hình thành với một hệ thống văn bản tương đối hoàn chỉnh, bao gồm một luật, hai nghị định hướng dẫn thi hành và một số văn bản khác có liên quan.
Dương Đăng Huệ chỉ ra bốn hạn chế cơ bản đang diễn ra trong thực tiễn và gây ra không ít khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư BOT.
Vấn đề thứ nhất: Tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (“Luật PPP”) và các văn bản hướng dẫn thi hành còn diễn ra khá phổ biến.
Vấn đề thứ hai: Tình trạng cơ quan ký hợp đồng lạm dụng vị thế, quyền lực của mình để ép doanh nghiệp dự án, nhà đầu tư chấp nhận yêu cầu của mình, kể cả những yêu cầu không phù hợp với quy định của pháp luật.
Vấn đề thứ ba: Luật PPP và các văn bản hướng dẫn thi hành còn nhiều quy định không cụ thể, đầy đủ, rõ ràng, do đó đã và đang gây ra không ít khó khăn cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án trong quá trình ký kết cũng như thực hiện hợp đồng dự án trên thực tế.
Vấn đề thứ tư: Một số quy định trong pháp luật PPP không đảm bảo sự bình đẳng giữa các bên, gây bất lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án.
Thế Quyết