Tiềm năng, triển vọng và một số giải pháp phát triển ngành Halal ở Việt Nam

10:16 - 16/10/2024

Nguyễn Thị Quỳnh Hoa[1]

Ngành công nghiệp phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng Hồi giáo (ngành Halal) ở Việt Nam hiện đang ở giai đoạn đầu của sự phát triển với những cơ hội và thách thức mới, đặc biệt là trong việc đáp ứng những tiêu chuẩn Halal, hay việc tuân thủ các yêu cầu chặt chẽ về quy trình sản xuất và chất lượng. Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng và triển vọng phát triển ngành công nghiệp Halal, nhất là đối với các sản phẩm nông, lâm, thủy sản có thế mạnh.

Để phát triển ngành Halal ở Việt Nam, cần có sự hỗ trợ từ phía Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước thông qua xây dựng và ban hành các chính sách khuyến khích, hỗ trợ về tài chính, thu hút đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị công nghệ phù hợp nhằm đáp ứng quy trình chứng nhận tiêu chuẩn Halal quốc tế. Trên cơ sở đó, bài viết khái quát về tiềm năng và triển vọng phát triển ngành Halal ở Việt Nam, từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm phát huy tiềm năng, tận dụng cơ hội phát triển ngành Halal trong thời gian tới.

Từ khóa: Halal; Hồi giáo; Ngành Halal.

1. Một số khái niệm về Halal

Khái niệm “Halal” được diễn giải từ các từ gốc như halla, yahillu, hillan, wahalan, chỉ sự cho phép và hợp pháp trong Hồi giáo (Al-Qaradaawi, 2013). Định nghĩa tiếng Ả Rập của Halal có nghĩa là những nguyên tắc “được phép”, “được thực hiện” hoặc “hợp pháp” (ngược lại với Haram được định nghĩa là “không được phép” hoặc bị “cấm kỵ”, “không được thực hiện”) được xây dựng dựa trên những điều quy định trong Kinh Qur’an, Sunna, Luật lệ/khế ước Idjma và Án lệ Qiyas (đây là bốn thành tố nằm trong Luật Shari'ah/Luật Hồi giáo của các nước Islam giáo).

Khái niệm Halal không chỉ được sử dụng trong thực phẩm, đồ uống và những sản phẩm tiêu dùng hàng ngày như mỹ phẩm và dược phẩm, mà còn mở rộng bao hàm tất cả các khía cạnh khác trong cuộc sống của người Hồi giáo như chính trị, văn hóa, kinh tế và xã hội. Thuật ngữ Halal có thể áp dụng vào các mặt vô hình như mối quan hệ con người, cách ứng xử xã hội, chuẩn mực đạo đức, giao dịch tài chính, thương mại.

Theo quy định của Luật Hồi giáo, toàn bộ dây chuyền sản xuất sản phẩm Halal phải tách biệt với các sản phẩm không Halal, các nguyên liệu từ động vật, bắt buộc phải có chứng nhận Halal của nguyên liệu đó, đồng thời phải có người Hồi giáo tham gia quản lý sản xuất các sản phẩm Halal... Chứng nhận Halal là bằng chứng cho việc sản phẩm không bị nhiễm các chất cấm hoặc sau các công đoạn chế biến không có thành phần là các chất cấm Haram. Chứng nhận Halal giúp chứng minh về chất lượng sản phẩm và đảm bảo về an toàn vệ sinh thực phẩm.

2. Tiềm năng và triển vọng phát triển ngành Halal ở Việt Nam

Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng và triển vọng phát triển ngành công nghiệp Halal, nhất là đối với các sản phẩm nông, lâm, thủy sản có thế mạnh. Cụ thể:

Thứ nhất, thị trường Halal toàn cầu có quy mô rất lớn và còn có xu hướng gia tăng. Tỷ lệ người theo đạo Hồi chiếm khoảng hơn 24% dân số thế giới, riêng khu vực Đông Nam Á hiện nay có gần 300 triệu người. Quy mô nền kinh tế Halal toàn cầu đạt 2.200 tỷ USD năm 2020 và dự kiến đạt 3.200 tỷ USD năm 2025, với tốc độ tăng trưởng thị trường hàng năm 6,2%. Chi tiêu cho thực phẩm Halal bình quân tăng 3,1%/năm, từ 1.400 tỷ USD năm 2020 lên 1.900 tỷ USD vào năm 2024. Thị trường tiêu thụ sản phẩm Halal được phân bố rộng khắp trên thế giới. Mức chi tiêu và sử dụng các sản phẩm Halal có xu hướng ngày càng tăng, mở rộng sang cả thị trường phi Hồi giáo do sản phẩm Halal đáp ứng nhiều tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng và bảo vệ môi trường. Hơn nữa, các quốc gia sản xuất sản phẩm Halal lớn nhất trên thế giới phần lớn không phải là các quốc gia Hồi giáo. Nhu cầu các sản phẩm Halal tăng mạnh không chỉ do sự gia tăng về số lượng người Hồi giáo mà còn do xu hướng tiêu dùng mới trên toàn thế giới.

Thứ hai, nhiều quốc gia Hồi giáo là các thị trường tiêu dùng hoặc xuất khẩu sản phẩm Halal lớn trên thế giới (như Hàn Quốc, Saudi Arabia, Indonesia, Malaysia…) hiện đang rất quan tâm, mong muốn thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trong đầu tư, phát triển sản xuất các sản phẩm Halal, hình thành một ngành công nghiệp Halal để phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Việc phát triển ngành Halal sẽ thúc đẩy sự phát triển các lĩnh vực dịch vụ đi kèm như logistics, vận chuyển, bảo quản, đồng thời đây là cơ hội để thu hút các nhà đầu tư, các du khách Hồi giáo đến kinh doanh và du lịch tại Việt Nam, góp phần thúc đẩy tăng cường hợp tác giữa Việt Nam với 57 quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) để phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong những năm tới.

Thứ ba, so với các nước trong khu vực, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển ngành Halal như vị trí địa lý thuận lợi, gần những thị trường tiêu dùng sản phẩm Halal, có thế mạnh về nông nghiệp, thực phẩm, du lịch, dịch vụ, đặc biệt là thế mạnh về xuất khẩu nông sản, thủy sản lớn trên thế giới. Bên cạnh đó, Việt Nam là thị trường rộng lớn và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, toàn diện khi tham gia nhiều liên kết kinh tế hàng đầu khu vực, trong đó có các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Việt Nam hiện là mắt xích quan trọng trong nhiều liên kết kinh tế hàng đầu khu vực và liên khu vực: Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)... Đây là cơ sở quan trọng giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường, kể cả các thị trường khó tính, tiêu chuẩn cao như EU, thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm của Việt Nam, trong đó có sản phẩm Halal.

Thứ tư, mức độ và hiệu quả tham gia thị trường Halal toàn cầu chưa tương xứng với tiềm năng của Việt Nam. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang các quốc gia Hồi giáo trong khu vực ASEAN trong 9 tháng đầu năm 2023 đạt trên 26,37 tỷ USD; trong đó Indonesia 10,18 tỷ USD, Malaysia 9,31 tỷ USD, Singapore 6,7 tỷ USD, Bruney143 triệu USD. Đây là những con số còn khá khiêm tốn so với tiềm năng và lợi thế của Việt Nam, cũng như nhu cầu tiêu thụ và xu hướng tiêu dùng mới của khu vực. Việt Nam chỉ có khoảng 20 mặt hàng xuất khẩu sang thị trường Halal - một con số rất thấp, có tới 40% các địa phương Việt Nam chưa có sản phẩm xuất khẩu có chứng nhận Halal. Hiện nay, ở Việt Nam, cộng đồng Hồi giáo có khoảng hơn 32.000 tín đồ, tập trung ở 14 tỉnh, thành phố trong đó có TP. Hồ Chí Minh, bên cạnh đó là khách du lịch người Hồi giáo. Báo cáo Chỉ số hồi giáo toàn cầu cho thấy, những năm gần đây, số người theo đạo Hồi đi du lịch trên thế giới tăng khá nhanh, năm 2023 có khoảng 140 triệu lượt khách du lịch Hồi giáo, trong đó có các nước Hồi giáo có khả năng chi trả cao, du lịch dài ngày như các nước khu vực Trung Đông, Malaysia, Indonesia, Singapore, Ấn Độ. Tuy nhiên, đối với thị trường du lịch Việt Nam, số lượng khách quốc tế theo đạo Hồi còn rất khiêm tốn. Du lịch Hồi giáo ở Việt Nam chưa thực sự được quan tâm, đầu tư đúng mức, chưa chú trọng khai thác và mở rộng nhà hàng Halal phục vụ nhu cầu ẩm thực cho khách du lịch Hồi giáo, với các sản phẩm thực phẩm có tem chứng nhận Halal được người Hồi giáo tin dùng. Như vậy có thể nói, Việt Nam mới chỉ bước đầu tiếp cận thị trường Halal.

Thứ năm, trên cơ sở tiềm năng phát triển ngành công nghiệp Halal và triển vọng phát triển thị trường sản phẩm Halal, Chính phủ Việt Nam đã bắt đầu quan tâm tới việc khai mở và hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia hiệu quả vào thị trường Halal toàn cầu. Nhằm hạn chế những khó khăn, đồng thời giúp doanh nghiệp trong nước chủ động đa dạng hóa thị trường tiêu thụ, bao gồm cả thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu, ngày 14/02/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 10/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030”, trong đó xác định một số nhiệm vụ trọng tâm bao gồm: Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đầu tư về sản phẩm, dịch vụ Halal; hỗ trợ, kết nối các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam với các thị trường Halal toàn cầu…

Như vậy, có thể khẳng định, tiềm năng và triển vọng phát triển ngành Halal ở Việt Nam rất lớn. Tham gia vào thị trường Halal toàn cầu đem lại cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam, không chỉ nhằm đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, phát triển du lịch, thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm Việt Nam có thế mạnh trong các lĩnh vực về nông nghiệp, dược phẩm, mỹ phẩm…, mà còn giúp thu hút đầu tư vốn của các tập đoàn quốc tế vào Việt Nam, qua đó góp phần giúp các doanh nghiệp, địa phương nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng nguồn nhân lực và thúc đẩy chuyển giao công nghệ, nhất là công nghệ sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển... sản phẩm Halal đạt tiêu chuẩn Halal quốc tế, hướng đến mục tiêu phát triển ngành Halal gắn với sản xuất, tiêu dùng xanh, xuất khẩu bền vững.

3. Một số giải pháp nhằm phát huy tiềm năng, tận dụng cơ hội phát triển ngành Halal ở Việt Nam

Để thực hiện các mục tiêu đề ra và phát huy tiềm năng, nắm bắt cơ hội tham gia vào thị trường Halal toàn cầu, đồng thời tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch và cơ chế, chính sách thu hút các nhà đầu tư phát triển ngành Halal, góp phần thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực Halal, một số giải pháp được đề xuất cụ thể như sau:

Thứ nhất, đẩy mạnh triển khai Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030” thông qua việc tổ chức Hội nghị toàn quốc về Halal, hoàn thiện hệ thống pháp lý, cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển sản xuất, phân phối nội địa và xuất khẩu các sản phẩm Halal; xây dựng các chính sách hỗ trợ giúp ngành Halal Việt Nam đủ nội lực về tài chính, nhân lực, công nghệ và sức cạnh tranh về mẫu mã, chất lượng sản phẩm.

- Thúc đẩy nâng cao nhận thức và giáo dục về văn hóa và nguyên tắc Halal trong các doanh nghiệp và cộng đồng, quảng bá những lợi ích của sản phẩm và dịch vụ Halal để tăng nhu cầu từ phía người tiêu dùng và nâng cao khả năng đáp ứng các yêu cầu về Halal của doanh nghiệp.

- Hoàn thiện hệ thống pháp lý, cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và khuyến khích thu hút đầu tư phát triển ngành Halal, bao gồm cung cấp hỗ trợ tài chính và giải quyết các thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Halal; đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng kinh tế - kỹ thuật và nâng cao năng lực sản xuất, cải tiến mẫu mã, chất lượng sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn Halal; đầu tư chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực đảm bảo tuân thủ tiêu chuẩn Halal quốc tế.

- Nghiên cứu xây dựng chiến lược và kế hoạch thực hiện để thúc đẩy Hệ sinh thái Halal tại Việt Nam (sản xuất, dịch vụ phân phối, hạ tầng chất lượng quốc gia, nguồn nhân lực, tài chính, công nghệ...).

- Việc xây dựng chiến lược phát triển ngành công nghiệp Halal cần được thiết kế dựa trên các nền tảng công nghệ cao như: Blockchain, thương mại điện tử, tự động hóa để quản lý chuỗi cung ứng, sản xuất, phân phối với khả năng truy xuất cao để sớm tiếp cận thị trường Halal toàn cầu.

- Quy hoạch phát triển các Khu công nghiệp Halal ở các tỉnh có thế mạnh về nguyên liệu, tích hợp mọi dịch vụ liên quan đến sản xuất, đóng gói, lưu kho, marketing, thẩm định, cấp chứng chỉ, chuẩn hóa và lưu thông, thương mại hóa sản phẩm Halal.

Thứ hai, triển khai hiệu quả các hoạt động của Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia, xây dựng Nghị định về quản lý sản phẩm, dịch vụ Halal; xây dựng hệ thống tiêu chuẩn chất lượng quốc gia, hệ thống giám sát chặt chẽ, hiệu quả đối với các sản phẩm Halal; hoàn thiện bộ tiêu chuẩn quốc gia cho sản phẩm, dịch vụ Halal hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, khu vực; chủ động, tích cực thông tin về thị trường, các quy định, chính sách khuyến khích phát triển, hỗ trợ kết nối các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác Halal trên toàn cầu…

- Đầu tư và xây dựng cơ sở hạ tầng chứng nhận Halal đáng tin cậy và có thẩm quyền, bao gồm việc đào tạo và cấp chứng chỉ cho các chuyên gia Halal, xây dựng các tổ chức chứng nhận Halal đáng tin cậy và phát triển quy trình kiểm tra và chứng nhận chất lượng theo tiêu chuẩn Halal.

- Song song với việc nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia (HALCERT), cần nghiên cứu thành lập cơ quan quản lý Halal tại Việt Nam, xây dựng hệ thống giám sát chặt chẽ, hiệu quả đối với các sản phẩm Halal và triển khai các hoạt động tiêu chuẩn hóa, thử nghiệm, cấp chứng nhận Halal cho các doanh nghiệp nhằm tăng cường thống nhất quản lý nhà nước trong lĩnh vực chứng nhận Halal.

- Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện bộ tiêu chuẩn quốc gia cho sản phẩm, dịch vụ Halal trên cơ sở hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, khu vực và nước nhập khẩu, đồng thời tăng cường ký kết các Hiệp định công nhận tiêu chuẩn lẫn nhau với các quốc gia Hồi giáo (OIC, Ả Rập Xê Út, Malaysia, Indonesia, Pakistan…), từ đó tạo điều kiện thuận lợi giúp các doanh  nghiệp Việt Nam tiết kiệm chi phí, nâng cao khả năng đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế để thâm nhập hiệu quả vào thị trường Halal toàn cầu.

- Hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thông tin, nắm rõ yêu cầu quy định đối với sản phẩm, dịch vụ Halal của từng thị trường xuất khẩu nhằm đẩy mạnh kết nối và hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm Halal. Tổ chức đào tạo, tập huấn về các tiêu chuẩn Halal cho các tổ chức/doanh nghiệp Việt Nam nhằm nâng cao khả năng đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu. Đồng thời, nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp, địa phương tại Việt Nam về tiềm năng của thị trường Halal, trang bị kiến thức về các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình chứng nhận Halal, quan hệ hợp tác quốc tế về Halal...

Thứ ba, lồng ghép nội dung Halal trong các hoạt động đối ngoại, nhất là cấp cao, tăng cường triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế, xúc tiến thương mại trong lĩnh vực Halal với các nước thị trường Halal.

Trong bối cảnh thị trường Halal toàn cầu phát triển mạnh mẽ, cạnh tranh ngày càng tăng, nhiều nước có xu hướng sử dụng tiêu chuẩn Halal như rào cản kỹ thuật nhằm bảo hộ thị trường nội địa, nếu không kịp thời nắm bắt những thay đổi và xu hướng của nền kinh tế Halal thế giới, doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc giữ vững thị phần hiện có, lỡ nhịp trong quá trình tham gia vào chuỗi sản xuất và cung ứng hàng hóa, dịch vụ Halal thế giới, việc tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển ngành Halal đang trở thành một nhiệm vụ thiết yếu, cụ thể:

- Tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm xây dựng hạ tầng chất lượng quốc gia đối với ngành Halal, chú trọng đến nghiên cứu xây dựng hệ thống tiêu chuẩn và chứng nhận về Halal.

- Tăng cường các hoạt động xúc tiến xuất khẩu, quảng bá ngành Halal và sản phẩm Việt Nam trên thị trường Halal toàn cầu thông qua: (i) Tăng cường hợp tác, trao đổi với các nước Hồi giáo và các nước là điểm đến yêu thích của khách Hồi giáo; (ii) Tăng cường giới thiệu về sản phẩm, dịch vụ Halal trên các chuyến bay của Vietnam Airlines, Bamboo Airways, Vietjet; (iii) Xây dựng tài liệu cơ bản về Halal, các thị trường tiềm năng và các báo cáo chuyên sâu định kỳ về thị trường Halal; (iv) Phát huy vai trò của cộng đồng người Việt Nam trong việc xúc tiến, quảng bá các sản phẩm, dịch vụ Halal ở nước sở tại.

- Thực hiện các chương trình phổ biến kiến thức, đào tạo, tư vấn, hội nghị, hội thảo và kết nối thị trường, xây dựng thương hiệu, định vị, tiếp thị sản phẩm Halal cho các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong ngành Halal và các đối tượng quan tâm khác.

- Thúc đẩy hợp tác quốc tế và thu hút các nguồn lực hỗ trợ từ các nước có thị trường Halal phát triển, thu hút FDI (vốn, công nghệ, nhân lực) nhằm xây dựng các chi nhánh, cơ sở sản xuất Halal tại Việt Nam đạt tiêu chuẩn xuất khẩu ra thị trường Halal toàn cầu, thúc đẩy phát triển ngành Halal trong các lĩnh vực ưu tiên (thực phẩm, nông sản, du lịch, may mặc…).

- Thúc đẩy đầu tư trong nước và tăng cường hợp tác chung trong các lĩnh vực liên quan đến ngành Halal, thúc đẩy chuyển đổi số và thương mại điện tử để xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ sang thị trường Halal.

          Bộ ngoại giao cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) trong việc đẩy mạnh hơn nữa hoạt động hợp tác quốc tế để huy động tối đa nguồn lực từ bên ngoài phục vụ cho xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam toàn diện, bài bản, chuyên nghiệp, trong đó chú trọng tìm kiếm, kết nối hợp tác giữa Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia và các đối tác có uy tín về chứng nhận Halal trên thế giới.

Thứ tư, đẩy mạnh “Ngoại giao kinh tế” với các nước Hồi giáo, nghiên cứu ký kết FTA giữa Việt Nam và các thị trường Halal tiềm năng (CEPT với UAE…), tận dụng lợi thế từ các hiệp định khu vực (AfCFTA, OIC, GCC…).

          - Tiếp tục lồng ghép các nội dung về phát triển ngành Halal tại Việt Nam trong hợp tác song phương giữa Việt Nam và các đối tác Hồi giáo lớn và trọng điểm thông qua các hoạt động đối ngoại cụ thể: (i) Trao đổi đoàn của lãnh đạo cấp cao và lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương; (ii) Thúc đẩy ký kết biên bản ghi nhớ về thương mại, đầu tư, du lịch trong lĩnh vực Halal với các đối tác như Ả-rập Xê-út, UAE, Qatar, Iran, Ai Cập, Indonesia, Malaysia và ký kết các thỏa thuận công nhận lẫn nhau (MRA) giữa Việt Nam và các tổ chức chứng nhận của các nước; (iii) Các Kỳ họp Ủy ban liên Chính phủ, Ủy ban hỗn hợp về kinh tế và thương mại, tiểu ban hợp tác song phương và đa phương với Thổ Nhĩ Kỳ, Ả-rập Xê-út, Kuwait, UAE, Qatar, Oman, Ma-rốc, Hàn Quốc, Indonesia, Malaysia và Pakistan...

- Vận động các tổ chức quốc tế, khu vực chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật trong các lĩnh vực: (i) Xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, chính sách quản lý, chính sách pháp luật liên quan đến chứng nhận Halal tại Việt Nam; điều chỉnh, bổ sung các chính sách về thu hút đầu tư, phát triển và xuất, nhập khẩu các sản phẩm dịch vụ Halal; (ii) Xây dựng bộ tiêu chuẩn Halal trên toàn quốc; (iii) Quản lý nhà nước trong lĩnh vực Halal như xác định cơ quan chủ trì và quản lý nhà nước thống nhất trong lĩnh vực Halal; cơ chế phân cấp, phân quyền cho các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp; cơ chế hậu kiểm, kiểm tra, giám sát, chế tài xử phạt, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước về Halal.

- Tăng cường giao lưu, tìm hiểu về văn hóa, phong tục Hồi giáo và thúc đẩy giao lưu nhân dân giữa Việt Nam với các nước Hồi giáo, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp về Halal và tiềm năng của thị trường Halal: (i) Lồng ghép các nội dung liên quan đến Halal trong triển khai các Chiến lược lớn về văn hóa, du lịch, qua đó góp phần định hình thông điệp quốc gia, đất nước, người dân Việt Nam; (ii) Tăng cường trao đổi đoàn, tổ chức Hội nghị, hội thảo, triển lãm, ký thỏa thuận hợp tác về văn hóa, giao lưu nhân dân với các nước Hồi giáo; (iii) Cung cấp sản phẩm, dịch vụ Halal đến các sự kiện thể thao quốc tế mà Việt Nam đăng cai tại các nước; (iv) Khuyến khích hỗ trợ các nước Hồi giáo mở chuyến bay thẳng, nâng số chuyến bay đến Việt Nam và từ Việt Nam đi các nước; (v) Tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch Halal, phát huy tiềm năng để trở thành điểm đến du lịch Halal hấp dẫn cho du khách Muslim từ khắp nơi trên thế giới trên cơ sở đảm bảo các dịch vụ và tiện ích Halal như các nhà hàng Halal, khu lưu trú và các hoạt động giải trí phù hợp với nguyên tắc Halal; (vi) Tăng cường hợp tác, thúc đẩy truyền thông nhằm thực hiện công tác truyền thông bài bản, toàn diện về Halal và sản phẩm Halal.

Tóm lại, để thực hiện các mục tiêu đề ra và nắm bắt cơ hội tham gia vào thị trường Halal toàn cầu nhằm phát triển ngành Halal ở Việt Nam, cần có sự hỗ trợ từ phía Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước thông qua xây dựng và ban hành chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp về tài chính, thu hút đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị công nghệ phù hợp nhằm đáp ứng quy trình chứng nhận tiêu chuẩn Halal quốc tế, từ đó giúp các doanh nghiệp Việt Nam có điều kiện nghiên cứu, thay đổi chiến lược sản xuất, kinh doanh theo hướng phù hợp hơn với từng thị trường Hồi giáo. Đồng thời, cần tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch và cơ chế, chính sách thu hút các nhà đầu tư phát triển ngành công nghiệp Halal, tăng cường triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế, xúc tiến thương mại trong lĩnh vực Halal./.

Tài liệu tham khảo

  1. Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam (2023), Xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam bài bản, chuyên nghiệp, toàn diện, https://dangcongsan.vn/thoi-su/xay-dung-va-phat-trien-nganh-halal-viet-nam-bai-ban-chuyen-nghiep-toan-dien-637033.html.
  2. Chu Văn (2023), “Tiềm năng và năng lực của Việt Nam trong lĩnh vực thực phẩm Halal”, Báo Thế giới và Việt Nam.
  3. Hồng Điệp (2024), Triển vọng và giải pháp thúc đẩy nông sản tiêu chuẩn Halal ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên, Thông tấn Xã Việt Nam.
  4. Lê Anh (2024), “Cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam mở rộng xuất khẩu Halal”, Tạp chí Tài chính.
  5. Vietnam Plus - TTXVN (2020), Cơ hội để Việt Nam tiến sâu vào chuỗi cung ứng sản phẩm Halal toàn cầu, Https://www.vietnamplus.vn/co-hoi-de-viet-nam-tien-sau-vao-chuoi-cung-ung-san-pham-halal-toan-cau/637307.vnp.

 

[1] Tiến sĩ, Phó trưởng phòng Nghiên cứu và dự báo thị trường – Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương