Thực trạng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường EU trong bối cảnh thực thi EVFTA
14:43 - 28/10/2024
Đỗ Tuấn Linh - Phòng Nghiên cứu và dự báo thị trường
Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương
Tóm tắt: Có thể nói, EU là một trong những đối tác thương mại truyền thống lớn nhất của Việt Nam và quan hệ kinh tế thương mại giữa Việt Nam và EU đã không ngừng phát triển, được củng cố và tăng cường trong giai đoạn vừa qua. Đặc biệt là việc Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 01 tháng 8 năm 2020 đã đánh dấu cột mốc quan trọng trên chặng đường gần 35 năm hợp tác và phát triển giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu. Hiệp định đã mở ra một giai đoạn mới đầy triển vọng cho mối quan hệ đối tác toàn diện đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả hơn, trong đó tạo nhiều cơ hội và thuận lợi mới cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường EU. Vì vậy, cần có những đánh giá, nhận định về tình hình xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường EU trong bối cảnh thực thi EVFTA được 04 năm nhằm tiếp tục khai thác, tận dụng hiệu quả EVFTA, giữ vững thị trường và gia tăng xuất khẩu, góp phần cho phát triển thịnh vượng và bền vững thương mại Việt Nam thời gian tới.
Bài viết là sản phẩm của nhiệm vụ: “Nghiên cứu, xây dựng tài liệu phân tích về ảnh hưởng/tác động của các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới (EVFTA) tới phát triển các sản phẩm và thị trường xuất khẩu tiềm năng, phục vụ việc xây dựng giải pháp hỗ trợ đăng ký, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động xuất khẩu thuộc Kế hoạch phối hợp hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài”
1. Khái quát về tình hình xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường EU giai đoạn 2016-2023
Về quy mô, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu
Kể từ Hiệp định có hiệu lực, dẫu gặp phải nhiều biến động do đại dịch Covid-19, song quan hệ kinh tế - thương mại đã thực sự trở thành điểm sáng trong bức tranh hợp tác song phương Việt Nam - EU. Số liệu tại Bảng 1 cho thấy, năm 2021, Việt Nam xuất khẩu sang EU đạt 40,12 tỷ USD, xuất siêu 23,26 tỷ USD; năm 2022, xuất khẩu sang EU đạt 46,8 tỷ USD, xuất siêu 31,3 tỷ USD và năm 2023 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang EU đạt 43,67 tỷ USD, xuất siêu 28,7 tỷ USD.
Đi vào cụ thể, số liệu tại Bảng 1 cho thấy, trong giai đoạn 2016 - 2023 xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường EU đã được mở rộng nhiều về quy mô, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu khá nhanh. Xuất khẩu đã tăng liên tục trong các năm 2016-2018, từ mức 30,9 tỷ USD năm 2015, đã tăng khá mạnh và đạt 41,9 tỷ USD vào năm 2018. Tuy nhiên, xuất khẩu có sự sụt giảm mạnh năm 2019 và tiếp tục giảm năm 2020 do tác động bởi dịch Covid-19 bùng phát toàn cầu và khu vực EU bị ảnh hưởng nặng nề. Xuất khẩu sang EU đã có sự phục hồi mạnh mẽ năm 2021 và ở mức cao kỷ lục vào năm 2022 với KNXK đạt 46,8 tỷ USD, tăng 16,5% so với năm 2021- một phần là nhờ tác động tích cực của việc thực thi EVFTA. Năm 2023, do ảnh hưởng nghiêm trọng của chiến tranh Nga-Ucraina, các nền kinh tế EU suy giảm tăng trưởng mạnh gần tới ngưỡng của suy thoái với lạm phát tăng cao, nhu cầu bị giảm mạnh, lòng tin của người tiêu dùng giảm cộng với những khó khăn trong nước của Việt Nam và sự sụt giảm tăng trưởng của kinh tế thương mại toàn cầu thời hậu Covid-19, khủng hoảng địa chính trị gia tăng, biến đổi khí hậu... đã khiến cho xuất khẩu của Việt Nam giảm không chỉ sang EU mà còn sang nhiều thị trường xuất khẩu lớn khác. Xuất khẩu sang EU đã giảm từ đỉnh cao 46,8 tỷ USD năm 2022 xuống còn 43,7 tỷ USD năm 2023, mức giảm tuyệt đối là 3,1 tỷ USD và giảm tương đối là -6,6%.