THỰC TRẠNG THIẾT KẾ SẢN PHẨM TẠI VIỆT NAM, MỘT SỐ GIẢI PHÁP KẾT NỐI DOANH NGHIỆP VÀ CÁC NHÀ THIẾT KẾ SẢN PHẨM XUẤT KHẨU TRỌNG ĐIỂM
09:17 - 19/12/2023
ThS. Đặng Hoàng Mai
Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương
Hiện nay, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh mẽ, rộng khắp trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, với nhiều tác động tích cực cũng như cơ hội mới mà CMCN 4.0 mang lại, các doanh nghiệp Việt bắt buộc phải biến đổi, “nâng cấp phát triển” để thích ứng, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, chế tạo; nếu không, việc đối mặt với thất bại ngay trên sân nhà sẽ là điều tất yếu. Thông qua thực hiện Nhiệm vụ xúc tiến thương mại “Chuỗi Hội thảo Kết nối doanh nghiệp và các nhà thiết kế sản phẩm xuất khẩu trọng điểm”; tác giả - chủ nhiệm nhiệm vụ, tổng hợp kết quả thực hiện nhiệm vụ, qua đó đúc rút các bài học kinh nghiệm về thiết kế sản phẩm, kết nối nhà thiết kế tại Việt Nam, đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả kết nối giữa các nhà sản xuất và nhà thiết kế sản phẩm phục vụ xuất khẩu.
Từ khóa: thiết kế sản phẩm, CMCN 4.0, kết nối doanh nghiệp.
- NHIỆM VỤ XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI
1.1 Mục tiêu, nội dung triển khai chính
Thực hiện Quyết định số 1814/QĐ-BCT ngày 09 tháng 9 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc phê duyệt nhiệm vụ xúc tiến thương mại thường xuyên năm 2023 và giai đoạn 3 năm 2023-2025, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương (VIOIT) đã giao nhóm thực hiện nhiệm vụ xây dựng chương trình tổng thể chuỗi các hội thảo được tổ chức trên phạm vi cả nước. Với chủ đề trọng tâm là: “Kết nối doanh nghiệp với các nhà thiết kế sản phẩm xuất khẩu trọng điểm” , nhóm thực hiện nhiệm vụ đã triển khai chuỗi hội thảo chi tiết theo nhóm ngành, sản phẩm như: Kết nối các doanh nghiệp và nhà thiết kế trong lĩnh vực sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu; nhóm các doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực da giày, sản phẩm đồ da; nhóm doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu sản phẩm trong lĩnh vực dệt may; phát triển nguồn nhân lực ngành thiết kế sản phẩm tại Việt Nam…
Với mục tiêu tạo ra một diễn đàn kết nối linh hoạt, mang tính thuận tiện, khuyến khích việc tham gia, trao đổi của nhiều tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực thiết kế và xuất khẩu các sản phẩm trọng điểm của Việt Nam. Chuỗi hội thảo được lựa chọn, tổ chức tại các địa bàn tỉnh, thành có nhiều khu công nghiệp, tại các khu công nghiệp có nhiều doanh nghiệp sản xuất, gia công hàng hóa xuất khẩu như tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bình Dương, Đồng Nam, thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh…
Nội dung nhóm thực hiện triển khai bao gồm gặp gỡ doanh nghiệp, nắm bắt thông tin thực trạng hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; ghi nhận các ý kiến đóng góp, đề xuất về xây dựng cơ chế, chính sách của nhà nước trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại; tổ chức các buổi tọa đàm và hội thảo để kết nối các doanh nghiệp và nhà thiết kế sản phẩm. Qua đó, tăng cường sự liên kết, trao đổi giữa doanh nghiệp có sản phẩm xuất khẩu và các nhà thiết kế sản phẩm xuất trọng trọng điểm.
1.2. Kết quả thực hiện Chương trình hội thảo xúc tiến thương mại
Qua 09 tháng thực hiện nhiệm vụ tổ chức Chuỗi hội thảo, từ tháng 3 năm 2023 đến tháng 9 năm 2023, nhóm thực hiện nhiệm vụ đã gặp gỡ, kết nối được hơn 300 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến chế tạo, doanh nghiệp thiết kế, doanh nghiệp thương mại, xuất nhập khẩu,
Tổng số buổi tọa đàm được tổ chức là 6 buổi, số hội thảo được thực hiện là 8 buổi; một số buổi Hội thảo đáng chú ý gồm:
A, Hội thảo “Kết nối doanh nghiệp với các nhà thiết kế sản phẩm xuất khẩu trọng điểm” tại tỉnh Vĩnh Phúc.
Nhóm thực hiện nhiệm vụ đã có buổi làm việc với Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Phúc và khảo sát thực tế tại một số doanh nghiệp thiết kế, cơ sở sản xuất, xuất khẩu trên địa bàn.
Tổng hợp số liệu từ Sở Công Thương tỉnh, 8 tháng năm 2023, hoạt động xuất nhập khẩu của tỉnh Vĩnh Phúc diễn ra sôi động với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 14,23 tỷ USD, xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu 8 tháng năm 2023 của tỉnh đạt 6,61 tỷ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước, với thị trường xuất khẩu tại hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ với các sản phẩm chủ lực như linh kiện xe máy, điện tử, phụ tùng ô tô, hàng điện tử và linh kiện điện tử, hàng dệt may...; kim ngạch nhập khẩu đạt 7,62 tỷ USD, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm trước. Để đạt được kết quả trên là nhờ sự chung tay vào cuộc của UBND tỉnh và các sở, ban, ngành khi đã tập trung tháo gở khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là việc cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan, rút ngắn thời gian thông quan, tận dụng tối đa các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA), các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tích cực đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao tay nghề cho người lao động và thực hiện nghiêm quy định của các hiệp định để mở rộng thị trường xuất khẩu.
Thông qua trao đổi, khảo sát, Đoàn công tác đã tổ chức buổi hội thảo, tọa đàm kết nối doanh nghiệp với các nhà thiết kế sản phẩm xuất khẩu trọng điểm, thu thập tư liệu, tìm hiểu thực tiễn quy trình sản xuất và thực trạng thiết kế sản phẩm của các doanh nghiệp, phục vụ cho việc thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học của VIOIT, tiếp thu đề xuất các chính sách, giải pháp nhằm phát triển hoạt động thiết kế các sản phẩm xuất khẩu trọng điểm và cung cấp luận cứ khoa học phục vụ công tác quản lý nhà nước của Bộ Công Thương. Bên cạnh đó, thông qua buổi làm việc với Sở Công Thương Vĩnh Phúc, Đoàn công tác tổng hợp được tài liệu, số liệu cũng như nắm bắt tình hình phát triển các mặt hàng xuất khẩu trọng điểm của tỉnh; những thế mạnh và các vấn đề còn tồn tại; những đề xuất, kiến nghị của cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp, người dân;... đây là những thông tin quan trọng, cần thiết phục vụ quá trình triển khai nhiệm vụ của Ban Xúc tiến Hợp tác Quốc tế VIOIT.
Nội dung trao đổi tập trung vào những vấn đề như:
- Thực trạng về số lượng, quy mô, phân bố và hoạt động của doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn tỉnh;
- Thực trạng, tình hình sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng trọng điểm của doanh nghiệp;
- Thực trạng hoạt động thiết kế bao bì nhằm tăng giá trị sản phẩm xuất khẩu;
- Quy trình sản xuất, thiết kế mẫu mã sản phẩm (lên ý tưởng, gia công, in ấn, ra thành phẩm);
- Đánh giá thực trạng công tác quản lý của nhà nước đối với việc tổ chức kết nối doanh nghiệp với các nhà thiết kế (thực trạng ban hành/ áp dụng chính sách, hỗ trợ về vốn, công tác tổ chức các sự kiện/ hội trợ/ triển lãm kết nối doanh nghiệp với các nhà thiết kế,…);
- Đánh giá một số điều kiện thuận lợi, khó khăn đối với hoạt động thiết kế sản phẩm phù hợp với các thị trường xuất khẩu khác nhau;
- Một số đề xuất, kiến nghị của sở ngành tại địa phương và doanh nghiệp nhằm phát triển hoạt động kết nối doanh nghiệp với các nhà thiết kế sản phẩm xuất khẩu.
Qua chương trình hội thảo, đại diện doanh nghiệp trên địa bản tỉnh đã đề nghị Bộ Công Thương, Sở Công Thương tiếp tục tổ chức tập huấn, hội thảo giúp các doanh nghiệp nắm bắt đầy đủ hơn kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế; đổi mới các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu trong và ngoài nước trên môi trường trực tuyến; ứng dụng công nghệ thông tin trên các lĩnh vực quản lý, giám sát hàng hóa xuất nhập khẩu nhằm giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp.
B, Hội thảo “Kết nối doanh nghiệp với các nhà thiết kế sản phẩm xuất khẩu trong lĩnh vực dệt may, da giày” tại Hà Nội
Nhằm kết nối được xa hơn, kết nối với số lượng lớn hơn các doanh nghiệp trong ngành dệt may, da giày và các đơn vị có kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế mẫu mã sản phẩm; chương trình Hội thảo đã được tổ chức trực tiếp và trực tuyến với sự tham dự của đại diện lãnh đạo VIOIT, Viện nghiên cứu da giày, Viện Máy và Dụng cụ Công nghiệp (IMI), một số doanh nghiệp trong ngành may mặc, cơ khí, dược liệu, doanh nghiệp thiết kế thuộc Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc, Hiệp hội doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam…
Đại biểu tham dự Hội thảo nhận định, những năm gần đây, vai trò của giá trị gia tăng trong sản phẩm ngày càng được chú trọng, là yếu tố chính góp phần vào kết quả phát triển của doanh nghiệp. Trong các yếu tố làm nên giá trị gia tăng cho sản phẩm, thiết kế là yếu tố vô cùng quan trọng.
Tuy nhiên hiện nay, tại Việt Nam, vai trò của thiết kế chưa được đánh giá đúng tầm, đơn củ như các công ty sản xuất trong các ngành da giày, dệt may của Việt Nam đa phần đang nhận hợp đồng gia công là chính, khâu thiết kế mẫu mã sản phẩm được đưa từ nước ngoài vào. Chính vì vậy, vai trò của khâu thiết kế sản phẩm rất cần được chú trọng và nâng cao.
Hội thảo là cơ hội cho các nhà quản lý đưa ra các ý đóng góp tạo điều kiện cho sự phát triển của các nhà thiết kế Việt Nam kết nối với các nhà xuất khẩu, đưa sản phẩm Made in Vietnam, Make in Vietnam ra thị trường quốc tế.
Phát biểu tham luận tại hội thảo về giải pháp nâng cao nghiên cứu sản phẩm da giày tại Việt Nam, ông Nguyễn Hùng Sơn - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu da giày Việt Nam cho biết, Viện Nghiên cứu da giày Việt Nam là đơn vị vừa thiết kế, vừa sản xuất. Trong thời gian qua, các sản phẩm của Viện thay đổi rất nhiều, đặc biệt là về mẫu mã, và khối lượng sản phẩm được các đối tác đặt hàng ngày một tăng.
Các bài tham luận tập trung vào các chủ đề: Giải pháp nâng cao năng lực nghiên cứu, thiết kế, phát triển sản phẩm da giày tại Việt Nam; kinh nghiệm phát triển các trung tâm thiết kế sản phẩm của Hàn Quốc và kết nối với doanh nghiệp; giải pháp tăng cường năng lực thiết kế sản phẩm trong các doanh nghiệp may mặc của Việt Nam; đánh giá vai trò của thiết kế sản phầm đối với nâng cao giá trị gia tăng cho doanh nghiệp… Các đại biểu cũng đã thảo luận, trao đổi kinh nghiệm phát triển thiết kế, đổi mới mẫu mã sản phẩm của doanh nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu.
Những bài học kinh nghiệm thực tế từ các doanh nghiệp đã mang lại cho đại biểu cái nhìn rõ hơn về thực tế xây dựng thiết kế bao bì, nhãn mác sản phẩm, để hiểu hơn về thị hiếu người tiêu dùng, từng bước chinh phục thị trường trong và ngoài nước.
C, Hội thảo “Kết nối doanh nghiệp với các nhà thiết kế sản phẩm xuất khẩu tại các tỉnh thành khu vực phía nam”
Trong khuôn khổ của chương trình làm việc, nhóm thực hiện nhiệm vụ đã gặp gỡ và trao đổi với nhiều doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm chủ lực tại Khu công nghiệp Sóng Thần (tỉnh Bình Dương), Khu Công nghiệp Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai), Khu công nghiệp Tân Bình, Khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi và Khu công nghiệp Cát Lái II tại thành phố Hồ Chí Minh, đại diện một số đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương, Viện nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương tại phía Nam về các nội dung như:
- Các mặt hàng xuất khẩu trọng điểm của tỉnh trong giai đoạn 2017-2022;
- Thực trạng, tình hình sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng trọng điểm của doanh nghiệp;
- Thực trạng, quy trình hoạt động thiết kế bao bì, sản phẩm nhằm tăng giá trị sản phẩm xuất khẩu;
- Quy trình sản xuất, thiết kế mẫu mã sản phẩm (gia công, in ấn, thành phẩm…);
- Đánh giá một số điều kiện thuận lợi, khó khăn đối với hoạt động thiết kế sản phẩm phù hợp với các thị trường xuất khẩu khác nhau như Trung Quốc, Hàn Quốc, EU;
- Một số đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp nhằm phát triển hoạt động xuất nhập khẩu, hoạt động thiết kế sản phẩm và tăng cường sự kết nối doanh nghiệp với các nhà thiết kế sản phẩm xuất khẩu.
Thông qua ví dụ điển hình như sự phát triển của tỉnh Bình Dương, từ một tỉnh nghèo, sản xuát nông nghiệp là chủ yếu, sau hơn 20 năm tái lập, Bình Dương đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, trở thành trung tâm công nghiệp - đô thị hiện đại của cả nước, gắn kết các tỉnh, thành phố của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Nghiên cứu một số mô hình phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua của Bình Dương giúp chúng ta có góc nhìn tổng quan hơn về nỗ lực, kỳ tích phát triển của tỉnh, đúc rút những kinh nghiệm quý cho giai đoạn phát triển tiếp theo và cho các tỉnh thành khác có thể học tập.
Hiện nay, kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng hằng năm ở mức khá cao; sức cạnh tranh và quy mô của nền kinh tế được nâng lên đáng kể; đóng góp quan trọng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Cụ thể: Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 9,35%/năm; quy mô GRDP đến năm 2020 đạt gấp 1,7 lần so với năm 2015; GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 155,7 triệu đồng, cao hơn mức bình quân của vùng Đông Nam Bộ, gấp 2,5 lần mức bình quân chung cả nước. Năm 2022, tốc độ tăng trưởng GRDP tăng 8,29%; tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tăng 16,8%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng 12,9%; thu hút vốn đầu tư nước ngoài đứng thứ 2 cả nước, thu hút vốn đầu tư trong nước đạt 96.722 tỷ đồng, tương tương gần 4 tỷ USD, tăng 28,1% so với năm 2021.
Thông qua hội thảo, nhiều doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng như da giày, may mặc, thực phẩm, nông sản tại tỉnh Bình Dương… đã gặp gỡ và kết nối được với nhiều doanh nghiệp, nhà thiết kế sản phẩm nhãn mác, bao bì; giới thiệu thông tin các doanh nghiệp tới đông đảo các khách mời. Các đại biểu của hội thảo cũng trao đổi về các nội dung khác như: thực tiễn quy trình sản xuất và thực trạng thiết kế sản phẩm của các doanh nghiệp, một số kinh nghiệm thiết kế sản phẩm tại một số doanh nghiệp, tổng hợp được tài liệu, số liệu cũng như nắm bắt tình hình phát triển các mặt hàng xuất khẩu trọng điểm của tỉnh; những thế mạnh và các vấn đề còn tồn tại; những đề xuất, kiến nghị của cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp…
Tổng kết tại Hội thảo, nhóm thực hiện nhiệm vụ ghi nhận “Các thông tin và tài liệu được chia sẻ trong hội thảo là những thông tin quan trọng, cần thiết phục vụ quá trình triển khai nhiệm vụ của Ban Xúc tiến Hợp tác Quốc tế nói riêng và cũng là những tư liệu có ý nghĩa quan trọng để phục vụ cho các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học của Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương - Bộ Công Thương nói chung, sự kết nối giữa các doanh nghiệp đã gợi mở tương lai tươi sáng hơn cho ngành xuất nhập khẩu và ngành thiết kế, tạo động lực nâng cao giá trị hàng xuất khẩu của Việt Nam”. Phía đại diện các doanh nghiệp cũng bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc tới đoàn công tác và Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương (VIOIT) đã tạo cơ hội để các doanh nghiệp có thể gặp gỡ, trao đổi về lĩnh vực mà Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn; bày tỏ mong muốn tiếp tục được tham gia nhiều chương trình kết nối, tọa đàm do Viện tổ chức trong những thời gian tới.
- THỰC TRẠNG THIẾT KẾ CÁC SẢN PHẨM XUẤT KHẨU Ở VIỆT NAM
2.1. Đối với mặt hàng thủ công mỹ nghệ
Theo báo cáo từ Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu hàng Thủ công mỹ nghệ trong những năm qua luôn trong top 10 mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt nam và ngành này đóng góp một phần quan trọng trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn. Đây cũng là ngành thu hút nhiều lao động tham gia làm hàng xuất khẩu, giúp tăng cơ hội việc làm và xóa đói giảm nghèo ở các vùng nông thôn.
Theo thống kê của Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ tại Việt Nam, cứ 1 triệu USD xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ thì mang lại lợi nhuận gấp 5-10 lần so với ngành khai thác; giải quyết việc làm từ 3-5 ngàn lao động, do đó nhóm ngành nghề này được xếp vào nhóm có tiềm năng xuất khẩu lớn và có tỉ suất lợi nhuận cao. Ngoài ra kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này mang lại giá trị gia tăng lớn và được cọi là ngành mũi nhọn để tập trung phát triển xuất khẩu trong những năm tới.
Do việc sản xuất hàng thủ công phần lớn được sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước và hầu như không phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu, nên mặt hàng này có tính nội lực cao. Bên cạnh đó, lực lượng lao động có khả năng tiếp thu công nghệ mới khá nhanh và có kĩ năng, mức lương thấp so với các nước trong khu vực nên đây cũng là ưu thế để phát triển và nâng cao sức cạnh tranh sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ một cách đa dạng.
Hiện nay, các sản phẩm thủ công của Việt Nam đã được xuất khẩu tại 163 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Từ giai đoạn 2015-2019, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam tăng trung bình 9,5% / năm, từ 1,6 tỷ USD lên 2,23 tỷ USD. Trong đó, Mỹ là thị trường tiêu thụ lớn nhất ( với doanh số chiếm 35% kim ngạch xuất khẩu hàng năm), tiếp đó là Nhật Bản, Liên minh châu Âu ( đặc biệt là Đức, Anh, Pháp, Hà Lan,…), Úc, Hàn Quốc.
Hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu chủ yếu gồm 5 nhóm: Túi xách, ví, vali, mũ, ô dù; Đồ chơi, dụng cụ thể thao và các dụng cụ liên quan; Hàng gốm sứ; Sản phẩm mây tre, cói, thảm; Gỗ mỹ nghệ. Bên cạnh đó, nhiều mặt hàng thời trang, quà tặng được xuất khẩu tại chỗ thông qua việc phục vụ nhu cầu mua sắm từ khách nước ngoài đến Việt Nam du lịch ( chiếm 15% tổng chi tiêu – trung bình 15 USD/ khách). Tuy nhiên các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa chú trọng thị trường xuất khẩu tại chỗ một cách có chiến lược. Việc thiết kế sản phẩm trong ngành thủ công mỹ nghệ vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Tại hầu hết các cơ sở, việc thiết kế chủ yếu được thực hiện tại chỗ với tay nghề cá nhân của người thợ, doanh nghiệp chưa có sự đầu tư máy móc, đào tạo bài bản về thiết kế cho người lao động. Kinh nghiệm về thiết kế và sáng tạo sản phẩm tại các doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ phần lớn vẫn là thói quen, kinh nghiệm tích lũy cả các thợ cả đi trước và “truyền miệng” cho thế hệ sau
2.2 Đối với mặt hàng dệt may, da giày và túi xách
Năm 2022, xuất khẩu dệt may của Việt Nam duy trì ở vị trí thứ 3 trên thế giới sau Trung Quốc, Bangladesh. Xét về tốc độ tăng trưởng, Việt Nam đứng thứ hai sau Bangladesh, với mức tăng 10,5-11%.
Năm 2023, tác động tiêu cực của dịch bệnh cùng những biến động chính trị trên thế giới khiến cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu tiếp tục suy giảm. Ngành dệt may VN theo đó chịu ảnh hưởng bởi sự sụt giảm đơn hàng từ các thị trường chính như Mỹ, EU. Xuất khẩu 5 tháng đầu năm 2023 sang các thị trường lớn hầu hết đều giảm: Mỹ giảm 27,1%, EU giảm 6,2%, Nhật Bản tăng 6,6%, Hàn Quốc giảm 2%, Canada giảm 10,9%...
Sự sụt giảm sâu này, không chỉ bởi tác động của nền kinh tế, mà còn đến từ áp lực “xanh hóa” ngành, chỉ thị tra soát chuỗi cung ứng của OECD, EU và Luật thẩm định chuỗi cung ứng của Đức.
Đối với việc nghiên cứu, thiết kế mẫu mã sản phẩm, ngoài một số ít các doanh nghiệp lớn trong ngành như Tổng Công ty May 10, Việt Tiến… có đội ngũ thiết kế sản phẩm riêng thì đa phần các doanh nghiệp thực hiện gia công, chế tạo sản phẩm theo đơn đặt hàng từ phía đối tác. Mẫu mã được đơn vị đặt hàng thiết kế từ nước ngoài sau đó chuyển giao cho phía Việt Nam thực hiện. Quy trình để thiết kế ra 1 sản phẩm của May 10, đại diện đơn vị cho biết, trước khi đầu tư vào 1 sản phẩm mới, doanh nghiệp nghiên cứu rất kỹ về xu hướng thời trang, tìm hiểu thị hiếu quốc tế và thị hiếu nội địa, từ đó có cái nhìn tổng quát, rồi nội địa hóa cho từng thị trường phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Doanh nghiệp cũng tính rất kỹ tới yếu tố mùa vụ, thời tiết, chất liệu, màu sắc, thẩm mỹ, từ đó nhóm thiết kế mới đưa ra các phương án thiết kế sản phẩm phù hợp nhất.
Về mặt hàng da giày, hiện trung bình mỗi năm Việt Nam xuất khẩu khoảng 1,1 tỷ đôi giày dép các loại, 400 ngàn túi xách sang nhiều thị trường, mang lại nhiều ngoại tệ, thu hút khoảng 1,4 triệu lao động. Trên bình diện ngành da giày thế giới, ngành da giày Việt Nam đứng top 3 về sản lượng, top 5 về giá trị kim ngạch.
Tính đến cuối 2022, cả nước có khoảng 1.700 doanh nghiệp xuất khẩu giày dép, tập trung nhiều ở khu vực miền Đông và Tây Nam Bộ, trong đó doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước chiếm hơn 70%, còn lại dưới 30% là các doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Đặc biệt, doanh nghiệp FDI nắm toàn bộ khâu nghiên cứu, thiết kế, phân phối, là những khâu có giá trị gia tăng cao, trong khi Việt Nam chủ yếu chỉ sản xuất gia công. Do đó, doanh nghiệp trong nước bị động cả về mẫu mã và nguyên vật liệu. Vốn đầu tư cho công tác nghiên cứu thiết kế sản phẩm rất lớn, cần thời gian lâu dài, cũng như cần đội ngũ nhân sự giỏi và sáng tạo, đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng.
Cũng tại hội thảo, đại diện tới từ Viện Nghiên cứu da giày, Bộ Công Thương; Công ty TNHH truyền thông thiết kế Mass C&G Hàn Quốc; Viện Máy và Dụng cụ công nghiệp (IMI); Công ty thảo dược Tuệ Tâm… cũng đã trình bày những bài tham luận về thực trạng và kinh nghiệm hoạt động tại đơn vị, đặc biệt trong lĩnh vực thiết kế mẫu mã sản phẩm.
III. MỘT SỐ GIẢI PHÁP KẾT NỐI DOANH NGHIỆP VÀ CÁC NHÀ THIẾT KẾ SẢN PHẨM XUẤT KHẨU TRỌNG ĐIỂM
3.1 Nâng cáo chất lượng nguồn nhân lực ngành thiết kế
Thiết kế sản phẩm đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao giá trị xuất khẩu của sản phẩm. Với hình dáng bắt mắt, tem nhãn đầy đủ nội dung thông tin, mầu sắc nổi chội, đúng quy định, chắc chắn sẽ chiếm được sự tin cậy của người tiêu dùng. Để có thể sản xuất ra các sản phẩm như vậy, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thiết kế là điều tất yếu. Để làm được điều này, doanh nghiệp cần đánh giá thực trạng thiết kế sản phẩm một cách khách quan, có sự đầu tư, đào tạo một cách đúng mức đối với đội ngũ nhân lực làm thiết kế sản phẩm. Việc đào tạo ngành thiết kế cần gắn đào tạo thẩm mỹ sử dụng công nghệ trong làm nghề và khả năng liên kết, làm việc nhóm, những yếu tố thời đại, công nghệ mới, cũng như kết hợp với doanh nghiệp ngành thiết kế để phát huy hiệu quả.
3.2 Thiết lập mối quan hệ giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo
Trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khoá VII (tháng 7-1994), Đảng ta đã chỉ rõ “xây dựng quan hệ chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo với các cơ quan quản lý nhân lực và việc làm, giữa cơ sở đào tạo với cơ sở sử dụng nhân lực”. Tuy nhiên, trong thời gian qua, chúng ta chưa làm tốt được việc này, do vậy, vẫn đang xảy ra tình trạng vừa thừa lại vừa thiếu lao động kỹ thuật, lao động có tay nghề, trình độ cao.
Song song với sự phát triển đi lên của nền kinh tế, các yêu cầu về trình độ, chuyên môn đối với từng ngành nghề cũng đòi hỏi khắt khe hơn, lên tầm cao hơn. Đặc biết với các ngành nghề cần tay nghề cao như thủ công mỹ nghệ, thiết kế sản phẩm, việc đào tạo ra các nghệ nhân, kỹ sư thiết kế đóng một vai trò vô cùng cần thiết. Bên cạnh đó là sự kết nối giữa đội ngũ thiết kế và các doanh nghiệp, co sở sử dụng lao động. Để tạo hiệu quả cao trong xuất khẩu hàng hóa, tăng cơ hội có việc làm cho đội ngũ nhân lực ngành thiết kế, việc thiết lập mối quan hệ giữa nhà trường, các cơ sở đào tạo với doanh nghiệp đang rất được chú trọng, quan tâm. Hệ thống giáo dục nước ta những năm qua đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, tuy nhiên cũng còn không ít nhược điểm, đáng kể nhất là khâu đào tạo chưa gắn với sản xuất, với sử dụng lao động.
Chính vì vậy, việc trao đổi thông tin về nhu cầu đào tạo giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo là rất cần thiết. Doanh nghiệp cần sẵn sàng tham gia với nhà trường trong việc xây dựng mục tiêu, chuẩn đầu ra các chương trình đào tạo và tham gia đánh giá chất lượng học sinh, sinh viên tốt nghiệp trình độ đào tạo. Nhờ vậy, các chương trình đào tạo của các trường thường xuyên cập nhật được các tiến bộ khoa học và công nghệ mà sản xuất đang áp dụng, tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên tốt nghiệp có cơ hội tìm được việc làm. Thông qua liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp, các đơn vị đào tạo có thể sử dụng được các thiết bị hiện đại của sản xuất, những thiết bị đắt tiền mà nhà trường không thể có để học sinh thực hành; đội ngũ giáo viên được tiếp cận với công nghệ và phương tiện sản xuất hiện đại; huy động được những kỹ sư, công nhân giỏi trong sản xuất tham gia giảng dạy để nâng cao chất lượng đào tạo; có sự hỗ trợ của doanh nghiệp về kinh phí đào tạo qua đó, giúp doanh nghiệp có cơ hội để theo dõi và tuyển chọn được những học sinh, sinh viên giỏi, có năng lực thực tế phù hợp với yêu cầu của mình để thực hiện những nhiệm vụ sản xuất phù hợp.
3.3 Chính sách hỗ trợ của nhà nước
Nhà nước đảm bảo thông tin phát triển thị trường cho các doanh nghiệp. Tạo thuận lợi cho nhập khẩu công nghệ, nguyên liệu để phát triển sản xuất, xuất khẩu một số ngành hàng chủ lực mà Việt Nam đang có cơ hội. Xây dựng cơ chế, chính sách nhằm hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn của Việt Nam theo hướng tương thích với hệ thống tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu. Đổi mới và nâng cao hiệu quả chính sách xúc tiến thương mại và chương trình thương hiệu quốc gia, tăng cường kết nối với các hệ thống phân phối nước ngoài. Phát huy vai trò của quản lý Nhà nước trong việc theo dõi, tổ chức thực hiện và kiểm soát, đánh giá chính sách. Tham tán thương mại cần có sự cập nhật và dự báo chính sách của nước sở tại, đặc biệt là chính sách thuế, chính sách và tiêu chuẩn về môi trường/tiêu chuẩn sản phẩm, thông tin cụ thể về chính sách tồn trữ, chiến lược phát triển ngành, chính sách bảo vệ môi trường và dự báo dòng dịch chuyển cơ sở sản xuất. Đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, nhà nước nên khuyến khích việc đổi mới sáng tạo trong thiết kế sản phẩm bằng các hình thức như điều chỉnh giảm các loại thuế phí, hỗ trợ đối với doanh nghiệp có mối liên kết với các doanh nghiệp thiết kế.
Tiếp tục đầu tư cho các Viện, Trung tâm nghiên cứu, thiết kế để có đủ năng lực nghiên cứu và chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, thiết kế mẫu mã vào sản xuất đại trà.
Kết luận
Thông qua thực hiện nhiệm vụ xúc tiến thương mại “Chuỗi Hội thảo Kết nối doanh nghiệp và các nhà thiết kế sản phẩm xuất khẩu trọng điểm”; nhóm thực hiện đã kết nối được hơn 300 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực xuất khẩu sản phẩm, doanhh nghiệp thiết kế. Qua các buổi hội thảo, tọa đàm do VIOIT tổ chức, nhiều doanh nghiệp có sản phẩm xuất khẩu thời gian qua đã tìm được đối tác thiết kế để nâng cao hình ảnh thương hiệu, chất lượng mẫu mã, tăng giá trị sản phẩm xuất khẩu, đồng thời, các nhà thiết kế cũng có cơ hội tìm được đối tác để chia sẻ các thiết kế mang tính trào lưu mới, thiết kế được người tiêu dùng đón nhận hơn. Chuỗi hội thảo do VIOIT thực hiện đã đạt được mục tiêu đặt ra, tạo một diễn đàn kết nối linh hoạt, mang tính thuận tiện, khuyến khích việc tham gia, trao đổi của nhiều tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực thiết kế và xuất khẩu các sản phẩm trọng điểm của Việt Nam.
Bên cạnh đó, chủ nhiệm nhiệm vụ thông qua tổng hợp kết quả thực hiện nhiệm vụ, đã đúc rút được một số bài học kinh nghiệm về thiết kế sản phẩm, kết nối nhà thiết kế tại Việt Nam, đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả kết nối giữa các nhà sản xuất và nhà thiết kế sản phẩm phục vụ xuất khẩu. Đây sẽ là các tham khảo có giá trị trong công tác xây dựng cơ chế, chính sách phục vụ phát triển ngành Công Thương thời gian tới./.