Thực trạng phát triển và kinh nghiệm quốc tế về phát triển công nghiệp ưu tiên trong bối cảnh mới

14:14 - 07/11/2024

TS. Vũ Quang Hùng

Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương

Tóm tắt: Giai đoạn 2010 - 2020, tỷ trọng nhóm ngành ngành khai khoáng liên tục giảm (từ 9,1% năm 2010 còn 5,55% năm 2020). Trong khi đó, nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo không ngừng được mở rộng và chiếm tỷ trọng cao nhất trong các ngành công nghiệp với đóng góp trong GDP tăng liên tục qua các năm (tăng từ 13% năm 2010 lên 16,7% vào năm 2020). Công nghiệp hỗ trợ được quan tâm thúc đẩy, tăng cường liên kết, đặc biệt là trong những ngành sản xuất chủ lực của Việt Nam. Tuy nhiên năng lực cạnh tranh, khả năng tham gia vào chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu còn rất hạn chế, sản xuất công nghiệp chủ yếu là gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng thấp; chưa có ngành công nghiệp mũi nhọn đóng vai trò dẫn dắt; nhiều ngành công nghiệp ưu tiên phát triển không đạt mục tiêu đề ra. Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 17/11/2022, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vẫn nhấn mạnh: “Coi phát triển công nghiệp chế tạo, chế biến là then chốt” và “Chuyển dịch cơ cấu nội ngành công nghiệp sang các ngành có tính nền tảng, ưu tiên, mũi nhọn, có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao”.

Từ khóa: Công nghiệp ưu tiên, chế biến chế tạo, hàm lượng công nghệ, tăng trưởng, giá trị tăng thêm, công nghệ cao, cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển dịch cơ cấu công nghiệp.

1. Thực trạng phát triển công nghiệp ưu tiên

Qua gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện. Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay. Để đạt được những thành tựu đó, ngành công nghiệp Việt Nam đã có những đóng góp to lớn, quan trọng. Sản xuất công nghiệp trong thời kỳ đổi mới đạt tốc độ tăng trưởng cao, ổn định. Bình quân 20 năm (1986 - 2005) tăng 12,3%, bằng 1,7 lần tốc độ tăng bình quân của 20 năm trước đổi mới (1966 - 1985). Trong thời kỳ chiến lược (2011 - 2020), công nghiệp là ngành có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong các ngành kinh tế quốc dân với đóng góp xấp xỉ 30% vào GDP và trở thành ngành xuất khẩu chủ lực của đất nước, góp phần đưa Việt Nam từ vị trí thứ 50 (năm 2010) lên vị trí thứ 23 (năm 2021) trong các quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới. Cùng với tăng trưởng ổn định, công nghiệp đã hình thành được một số ngành chủ lực của nền kinh tế, như: khai thác, chế biến dầu khí; điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin; luyện kim, sắt thép; xi măng và vật liệu xây dựng; dệt may, da giày; cơ khí chế biến chế tạo, ô tô, xe máy..., tạo nền tảng quan trọng cho tăng trưởng dài hạn, thúc đẩy quá trình hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất nước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế, với mức đóng góp trong GDP tăng từ 13% năm 2010 lên 16,7% năm 2020.

Cơ cấu nội ngành công nghiệp chuyển dịch tích cực theo hướng giảm tỷ trọng nhóm ngành khai khoáng, tăng tỷ trọng ngành chế biến, chế tạo trong GDP. Giai đoạn 2010 - 2020, tỷ trọng nhóm ngành ngành khai khoáng liên tục giảm (từ 9,1% năm 2010 còn 5,55% năm 2020). Trong khi đó, nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo không ngừng được mở rộng và chiếm tỷ trọng cao nhất trong các ngành công nghiệp với đóng góp trong GDP tăng liên tục qua các năm (tăng từ 13% năm 2010 lên 16,7% vào năm 2020). Công nghiệp hỗ trợ được quan tâm thúc đẩy, tăng cường liên kết, đặc biệt là trong những ngành sản xuất chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày, điện tử, công nghiệp chế biến nông sản... Bước đầu hình thành hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ và gia tăng tỷ lệ nội địa hóa.

Thành công trong phát triển công nghiệp không thể phủ nhận được vai trò dẫn dắt của các ngành công nghiệp ưu tiên, một trong những ngành được quan tâm thúc đẩy phát triển thông qua các cơ chế chính sách được Chính phủ ban hành. Thực tế cho thấy, qua từng giai đoạn phát triển vai trò dẫn dắt và đóng góp của ngành công nghiệp ưu tiên trong cơ cấu ngành công nghiệp ngày càng quan trọng.

Mặc dù vậy, phát triển ngành công nghiệp ưu tiên trong giai đoạn vừa qua cũng còn có những vấn đề bất cập. Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cho rằng: “năng lực cạnh tranh, khả năng tham gia vào chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu còn rất hạn chế, sản xuất công nghiệp chủ yếu là gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng thấp; chưa có ngành công nghiệp mũi nhọn đóng vai trò dẫn dắt; nhiều ngành công nghiệp ưu tiên phát triển không đạt mục tiêu đề ra; công nghiệp hỗ trợ kém phát triển, tỉ lệ nội địa hoá của các ngành công nghiệp ở mức thấp”. Nguyên nhân của vấn đề này được chỉ rõ tại Nghị quyết 23-NQ/TW là: “việc lựa chọn phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn còn dàn trải; chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ thiếu đồng bộ, tính khả thi thấp....”

Như vậy, có thể thấy việc lựa chọn ngành công nghiệp ưu tiên chưa thực sự trọng tâm, trọng điểm, cần phải rõ ràng hơn và điều quan trọng nữa là xác định đúng thời điểm, bởi mỗi giai đoạn có những ưu tiên những ngành khác nhau nhằm phù hợp với sự phát triển kinh tế xã hội và xu thế phát triển của quốc tế và khu vực. Sự dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm trong xác định ngành công nghiệp ưu tiên thể hiện qua từng giai đoạn xác định công nghiệp ưu tiên của nước ta giai đoạn vừa qua như sau:

- Năm 2007 Quyết định 55/2007/QĐ-TTg ngày 23/4/2007 phê duyệt Danh mục các ngành công nghiệp ưu tiên, ngành công nghiệp mũi nhọn giai đoạn 2007-2010, tầm nhìn đến năm 2020 xác định các ngành công nghiệp ưu tiên gồm: Dệt may (sợi, vải, lụa, quần áo xuất khẩu, nguyên phụ liệu); Da giầy (giầy dép xuất khẩu, nguyên phụ liệu); Nhựa (nhựa gia dụng, bao bì, chai lọ, ống...; nhựa kỹ thuật); Chế biến nông, lâm, thủy hải sản; Thép (phôi thép, thép đặc chủng); Khai thác, chế biến bauxít nhôm; Hóa chất (hóa chất cơ bản, phân bón, hóa dầu, hóa dược, hóa mỹ phẩm);Cơ khí chế tạo (ô tô, đóng tầu, thiết bị toàn bộ, máy nông nghiệp, cơ điện tử); Thiết bị điện tử, viễn thông và công nghệ thông tin; Sản phẩm từ công nghệ mới (năng lượng mới, năng lượng tái tạo, công nghệp phần mềm, nội dung số).

- Năm 2014 Quyết định số 879/QĐ-TTg ngày 09/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035,  lựa chọn các ngành công nghiệp ưu tiên là: (1) Máy móc và thiết bị phục vụ nông nghiệp, (2) Đóng tàu, (3) Ô tô và phụ tùng cơ khí, (4) Thép chế tạo, (5) Hóa dầu, (6) Nhựa – cao su kỹ thuật, (7) Hóa dược (kháng sinh, tá dược, vitamin), (8) Chế biến nông, lâm, thủy sản, (9) Nguyên, phụ liệu cho ngành may mặc, giày dép phục vụ XK; (10) Thiết bị thông tin viễn thông, (11) Linh kiện điện tử, (12) Phần mềm công nghiệp, (13) Năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình.

- Năm 2018 Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định: (i) Đến năm 2030, tập trung ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp như: Công nghệ thông tin và viễn thông, công nghiệp điện tử ở trình độ tiên tiến của thế giới, đáp ứng được yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhằm tạo ra nền tảng công nghệ số cho các ngành công nghiệp khác; công nghiệp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, năng lượng thông minh; công nghiệp chế biến, chế tạo phục vụ nông nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế….. Tiếp tục phát triển công nghiệp dệt may, da giày nhưng ưu tiên tập trung vào các khâu tạo giá trị gia tăng cao gắn với các quy trình sản xuất thông minh, tự động hoá. Ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực cơ khí như: Ô tô, máy nông nghiệp, thiết bị công trình, thiết bị công nghiệp, thiết bị điện, thiết bị y tế…. (ii) giai đoạn 2030 - 2045, tập trung ưu tiên phát triển các thế hệ mới của ngành công nghiệp công nghệ thông tin và viễn thông; phổ cập công nghệ kỹ thuật số, tự động hoá, thiết bị cao cấp, vật liệu mới, công nghệ sinh học.

- Để tập trung cơ chế hỗ trợ có trọng tâm trọng điểm, việc lựa chọn ngành công nghiệp ưu tiên cần xác định lại, rõ ràng hơn và chuẩn chỉ hơn. Do vậy Đề án Tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030 được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 165/QĐ-TTg phê duyệt có nhấn mạnh: “Xây dựng tiêu chí để cơ cấu lại danh mục các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên cho giai đoạn tới năm 2030 và 2045 để đảm bảo tính thống nhất và theo hướng thu hẹp để tập trung xây dựng cơ chế, chính sách ưu tiên và bố trí nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực về đầu tư để phát triển có trọng tâm, trọng điểm”. Căn cứ vào tình hình thực tế và căn cứ vào Quyết định số 165/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, việc triển khai thực hiện nhiệm vụ “Đề xuất một số tiêu chí xác định danh mục các ngành công nghiệp ưu tiên thwo hướng thu hẹp nhằm tập trung xây dựng cơ chế, chính sách ưu tiên” là mang tính khoa học và thực tiễn.

- Phát triển công nghiệp ưu tiên vẫn là trọng tâm trong phát triển ngành công nghiệp nước ta trong giai đoạn tới. Vai trò dẫn dắt và tầm quan trọng trong đóng góp vào cơ cấu GDP của những ngành công nghiệp ưu tiên vẫn được xác định là vô cùng quan trọng, Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 17/11/2022, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vẫn nhấn mạnh: “Coi phát triển công nghiệp chế tạo, chế biến là then chốt” và “Chuyển dịch cơ cấu nội ngành công nghiệp sang các ngành có tính nền tảng, ưu tiên, mũi nhọn, có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao”.

Như vậy, mặc dù các ngành công nghiệp ưu tiên được lựa chọn xác định qua các giai đoạn khá nhiều, có những nhóm ngành lớn trong đó có nhiều phân ngành nhỏ. Hơn nữa vẫn mang tính chung chung, chưa cụ thể và chưa chuẩn xác với phân ngành kinh tế Việt Nam tại Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg, ngày 06 tháng 7 năm 2018 Ban hành hệ thống ngành kinh tế Việt Nam. Hơn nữa, không có bất kỳ tiêu chí nào được đưa ra trao đổi, thảo luận. Do vậy ý kiến phản biện đối với danh mục các ngành công nghiệp ưu tiên giai đoạn trước là rất ít. Nhiều ý kiến còn cho rằng việc lựa chọn các ngành công nghiệp ưu tiên giai đoạn trước đây chủ yếu theo định tính do vậy vẫn dàn trải và thiếu tập trung.  Kết quả là, qua quá trình triển khai các cơ chế, chính sách thúc đẩy đã có những bất cập phát sinh. Một trong những vấn đề khá nổi cộm là do việc lựa chọn vẫn còn quá nhiều trong khi đó các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với các ngành công nghiệp ưu tiên phải theo cơ chế thị trường, tuân thủ các điều khoản cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết; có thời hạn cụ thể (trung bình là 5 năm nhưng không quá 10 năm). Đầu tư của Nhà nước vào các ngành công nghiệp ưu tiên chủ yếu đóng vai trò hỗ trợ, khuyến khích khu vực tư nhân tham gia. Việc dàn trải trong lựa chọn các ngành công nghiệp ưu tiên, đã ảnh hưởng đến việc bảo đảm đủ các nguồn lực cần thiết, dẫn đến việc hiệu quả của các có chế ưu tiên chưa được mong muốn.

2. Kinh nghiệm lựa chọn ngành công nghệp ưu tiên của một số quốc gia

Dưới tác động của toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều quốc gia đã chủ động định hình lại cơ cấu kinh tế thông qua việc lựa chọn và phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên. Đây không chỉ là chiến lược nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn là công cụ để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế và đảm bảo sự bền vững trong dài hạn. Mỗi quốc gia, dựa trên điều kiện kinh tế, nguồn lực tự nhiên, và mục tiêu phát triển của mình, đã có những cách tiếp cận riêng trong việc lựa chọn các ngành ưu tiên. Việc nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế trong lựa chọn ngành công nghiệp ưu tiên trở thành bài học quý giá cho các quốc gia và Việt Nam trong việc tìm kiếm và xác định ngành công nghiệp ưu tiên để phát triển bền vững và hiệu quả. Sau đây là kinh nghiệm của một số quốc gia đã có nhiều thành công trong phát triển nền công nghiệp từ việc lựa chọn và tập trung đầu tư cho các ngành công nghiêp ưu tiên.

Kinh nghiệm của Nhật Bản:

Thập niên 1970 cũng là thời điểm Nhật Bản bắt đầu phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp ô tô, một trong những ngành công nghiệp mang lại danh tiếng toàn cầu cho quốc gia này. Các công ty như Toyota, Honda và Nissan đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường quốc tế nhờ vào việc sản xuất những chiếc xe có chất lượng cao, tiết kiệm nhiên liệu và đáng tin cậy. Điều này không chỉ giúp Nhật Bản trở thành một trung tâm sản xuất ô tô hàng đầu thế giới mà còn thúc đẩy các ngành công nghiệp phụ trợ như sản xuất linh kiện, kỹ thuật cơ khí và thiết bị điện tử. Việc lựa chọn ngành ô tô làm ưu tiên không chỉ dựa trên nhu cầu xuất khẩu mà còn phản ánh chiến lược dài hạn nhằm xây dựng một ngành công nghiệp mang tính biểu tượng, tạo ảnh hưởng mạnh mẽ trên thị trường quốc tế.

Trong giai đoạn 1980 - 1990, Nhật Bản tiếp tục tập trung vào công nghệ cao và điện tử tiêu dùng. Sự trỗi dậy của các thương hiệu điện tử như Sony, Panasonic và Sharp đã đưa Nhật Bản trở thành người dẫn đầu trong lĩnh vực công nghệ điện tử tiêu dùng, từ sản xuất tivi, đầu đĩa đến máy tính và các thiết bị công nghệ cao. Chính phủ Nhật Bản thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ cho ngành công nghiệp điện tử và công nghệ thông tin. Sự lựa chọn các ngành công nghệ cao dựa trên hai yếu tố: (1) đây là lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng nhanh và có tiềm năng lớn trong xuất khẩu; (2) sự phát triển của các ngành công nghiệp này đóng vai trò quan trọng trong quá trình hiện đại hóa nền kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh của Nhật Bản trên trường quốc tế.

Từ đầu thế kỷ 21 đến nay, Nhật Bản tiếp tục chuyển dịch ưu tiên sang các ngành công nghiệp công nghệ cao và bền vững. Trong đó, trí tuệ nhân tạo AI, công nghệ robot, và năng lượng tái tạo trở thành các lĩnh vực được đầu tư mạnh mẽ. Nhật Bản đã và đang duy trì vị thế dẫn đầu toàn cầu trong lĩnh vực robot và tự động hóa, nhờ vào nền tảng vững chắc về kỹ thuật và công nghệ. Việc lựa chọn các ngành này phản ánh nhu cầu của một quốc gia phát triển với dân số già, nơi mà tự động hóa và trí tuệ nhân tạo đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì năng suất kinh tế và chất lượng cuộc sống. Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng tập trung vào ngành năng lượng tái tạo và bảo vệ môi trường, với mục tiêu đối phó với các thách thức về biến đổi khí hậu và thiếu hụt tài nguyên.

Như vậy, thấy được rằng Nhật Bản đã lựa chọn các ngành công nghiệp ưu tiên qua các giai đoạn phát triển trên là nhằm đáp ứng nhu cầu nội tại và bắt nhịp các xu hướng toàn cầu. Từ việc tái thiết kinh tế sau chiến tranh, đến việc tận dụng cơ hội từ các ngành công nghiệp nặng, điện tử, ô tô, và sau này là công nghệ cao và năng lượng tái tạo, Nhật Bản luôn có những lựa chọn chiến lược nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững và lâu dài. Chính sách của Nhật Bản luôn gắn liền với mục tiêu tạo ra các ngành công nghiệp có khả năng cạnh tranh toàn cầu, tạo ra giá trị gia tăng cao và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Kinh nghiệm của Trung Quốc

Trung Quốc là quốc gia với cấu trúc hệ thống chính sách công nghiệp có sự tương đồng khá lớn với cấu trúc hệ thống chính sách công nghiệp quốc gia của nước ta. Hệ thống chính sách công nghiệp quốc gia bắt đầu từ chủ trương, đường lối của Đảng Cộng sản Trung Quốc về phát triển công nghiệp qua các văn kiện Đại hội của Đảng, các nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp của từng khóa. Đặc biệt là quy hoạch 5 năm phát triển kinh tế - xã hội, trong đó xác định rõ nhiệm vụ, mục tiêu, chiến lược phát triển công nghiệp Trung Quốc trong thời gian 5 năm. Tiếp đến, Trung Quốc sẽ thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng Cộng sản Trung Quốc về phát triển công nghiệp thành các bộ luật, luật, chiến lược, chính sách cụ thể. Trong mỗi thời kỳ, giai đoạn phát triển khác nhau dựa trên những điều kiện thực tế, Trung Quốc xác định những ngành công nghiệp ưu tiên khác nhau.

Trong những năm 2000–2010, Trung Quốc bắt đầu tập trung nhiều hơn vào việc nâng cao giá trị gia tăng trong chuỗi sản xuất và mở rộng ảnh hưởng ra toàn cầu. Các ngành công nghiệp công nghệ cao như công nghệ thông tin, sản xuất thiết bị điện tử và xe hơi trở thành các ngành chiến lược. Trung Quốc không chỉ sản xuất các thiết bị điện tử cho các thương hiệu toàn cầu mà còn phát triển các thương hiệu nội địa như Huawei và Xiaomi, cạnh tranh trực tiếp trên thị trường quốc tế. Sự phát triển của ngành công nghiệp xe hơi, đặc biệt là xe điện, cũng đánh dấu một bước chuyển quan trọng. Trung Quốc đã đầu tư mạnh mẽ vào ngành này, với mong muốn không chỉ giảm thiểu sự phụ thuộc vào dầu mỏ mà còn dẫn đầu thế giới trong việc phát triển công nghệ xe hơi điện và năng lượng sạch. Các công ty như BYD và NIO đã nổi lên như những người dẫn đầu trong lĩnh vực này, định hình lại toàn bộ ngành công nghiệp xe hơi toàn cầu.

Trong hơn thập kỷ gần đây từ năm 2010 đến nay, Trung Quốc tiếp tục thể hiện tầm nhìn dài hạn với việc chuyển đổi sang nền kinh tế dựa trên tri thức và công nghệ cao. Chính phủ Trung Quốc đã đề ra kế hoạch "Made in China 2025" nhằm đưa quốc gia này trở thành trung tâm công nghệ toàn cầu, với sự ưu tiên vào các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), tự động hóa, công nghệ sinh học và năng lượng tái tạo. Các ngành công nghiệp như AI, robot và sản xuất thông minh trở thành nền tảng cho sự phát triển của ngành công nghiệp Trung Quốc trong tương lai. Đặc biệt, sự chuyển hướng sang phát triển năng lượng sạch và công nghệ sinh học cho thấy Trung Quốc đang đáp ứng nhu cầu toàn cầu về phát triển bền vững và giảm thiểu tác động môi trường.

Tóm lại, Trung Quốc lựa chọn các ngành công nghiệp ưu tiên qua các giai đoạn này phần lớn dựa trên hai yếu tố chính: nội lực kinh tế và bối cảnh quốc tế. Trong giai đoạn đầu, khi sức cạnh tranh của nền công nghiệp Trung Quốc còn yếu và chưa hội nhập với thế giới, trọng tâm phát triển là các ngành cơ bản nhằm tự chủ về công nghiệp và quốc phòng. Tuy nhiên, sau khi cải cách, với sự mở cửa kinh tế, Trung Quốc nhanh chóng tận dụng lợi thế lao động giá rẻ và tiềm năng xuất khẩu để phát triển các ngành công nghiệp sản xuất tiêu dùng và chế tạo, đặc biệt là trong các lĩnh vực có khả năng sinh lợi nhanh chóng. Khi nền sản xuất dần mạnh mẽ và phát triển hơn, Trung Quốc bắt đầu chuyển hướng sang các ngành công nghệ cao, năng lượng tái tạo và công nghệ sinh học nhằm nâng cao giá trị gia tăng và đảm bảo sự phát triển bền vững lâu dài.

Kinh nghiệm Hàn Quốc:

Sang thập niên 1970, Hàn Quốc nhận thấy rằng chỉ tập trung vào công nghiệp nhẹ sẽ không đủ để đưa quốc gia đi lên, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế ngày càng khốc liệt. Chính phủ quyết định thúc đẩy công nghiệp nặng và công nghiệp hóa chất. Các ngành ưu tiên gồm: (i) Thép: Sự ra đời của POSCO (Pohang Iron and Steel Company) vào năm 1968 là bước ngoặt quan trọng. Thép là nguyên liệu thiết yếu cho nhiều ngành khác như đóng tàu, ô tô, và xây dựng. Hàn Quốc cho rằng để trở thành một quốc gia công nghiệp mạnh, việc phát triển ngành thép là nền tảng quan trọng, đặc biệt khi quốc gia thiếu nguồn tài nguyên tự nhiên; (ii) Đóng tàu: Ngành đóng tàu được ưu tiên để tận dụng đường bờ biển dài và nhu cầu gia tăng về tàu biển quốc tế. Hàn Quốc đã đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ đóng tàu, và đến thập niên 1980, nước này đã trở thành một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về xuất khẩu tàu; (iii) Hóa dầu và máy móc công nghiệp: Để phát triển các ngành công nghiệp nặng, Hàn Quốc cũng tập trung phát triển ngành hóa chất và máy móc. Sản phẩm hóa dầu không chỉ phục vụ cho công nghiệp trong nước mà còn được xuất khẩu, trong khi máy móc công nghiệp hỗ trợ cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng và công nghiệp hóa.

Trong những năm 1980-1990, Hàn Quốc bước vào giai đoạn hiện đại hóa công nghiệp với trọng tâm chuyển sang công nghệ cao và điện tử. Các ngành ưu tiên trong giai đoạn này bao gồm:

- Bán dẫn (Semiconductors): Hàn Quốc xác định bán dẫn là ngành công nghiệp tương lai, có thể mang lại giá trị gia tăng cao và phù hợp với chiến lược xuất khẩu. Với sự đầu tư lớn từ Samsung và SK Hynix, Hàn Quốc đã nhanh chóng trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về sản xuất chip nhớ, đóng vai trò quan trọng trong các thiết bị điện tử và máy tính toàn cầu.

- Điện tử tiêu dùng: Các thương hiệu lớn như Samsung và LG đã đẩy mạnh sản xuất các thiết bị điện tử tiêu dùng như TV, tủ lạnh, máy giặt và sau này là điện thoại di động. Sự phát triển của ngành này giúp Hàn Quốc cạnh tranh trực tiếp với các cường quốc công nghệ khác như Nhật Bản và Mỹ.

- Ô tô: Ngành ô tô với Hyundai và Kia là một trong những động lực tăng trưởng lớn. Chính phủ hỗ trợ các tập đoàn trong việc phát triển công nghệ và mở rộng thị trường xuất khẩu, giúp Hàn Quốc trở thành một trong những nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới.

Giai đoạn từ năm 2000 đến nay là giai đoạn phát triển công nghiệp công nghệ cao , Hàn Quốc tiếp tục khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế bằng việc tập trung vào các ngành công nghệ tiên tiến và công nghiệp tương lai. Những ngành công nghiệp ưu tiên trong giai đoạn này bao gồm:

- Công nghệ thông tin và viễn thông (ICT): Hàn Quốc trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về phát triển công nghệ thông tin và viễn thông. Mạng 5G được triển khai sớm và rộng rãi, tạo điều kiện thuận lợi cho các ứng dụng công nghệ cao như AI, IoT, và công nghệ tự động hóa.

- Trí tuệ nhân tạo và Robotics: Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, Hàn Quốc đầu tư mạnh vào AI, robotics, và tự động hóa nhằm đảm bảo rằng nền kinh tế sẽ tiếp tục phát triển trong thời kỳ công nghệ số và tự động hóa.

- Ô tô điện: Trước áp lực về môi trường và xu hướng toàn cầu hóa, Hàn Quốc đã đầu tư mạnh mẽ vào ô tô điện, với các mẫu xe của Hyundai và KIA đạt được sự công nhận quốc tế. Việc phát triển ô tô điện cũng đồng nghĩa với việc thúc đẩy ngành công nghiệp pin và năng lượng tái tạo.

- Năng lượng tái tạo và công nghệ xanh: Hàn Quốc chú trọng phát triển năng lượng mặt trời, gió, và các giải pháp năng lượng tái tạo nhằm giảm thiểu phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và đối phó với biến đổi khí hậu. Các chính sách khuyến khích phát triển công nghệ xanh nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững và tuân thủ các cam kết quốc tế về khí hậu.

  1. Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Việc xác định ngành công nghiệp ưu tiên là một nhiệm vụ chiến lược, ảnh hưởng trực tiếp đến định hướng phát triển kinh tế của mỗi quốc gia. Đối với Việt Nam, trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, việc lựa chọn các ngành công nghiệp ưu tiên không chỉ đảm bảo sự phát triển ngắn hạn mà còn tạo nền tảng cho tăng trưởng bền vững về dài hạn. Thông qua việc nghiên cứu kinh nghiệm của một số quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Đài Loan, có thể rút ra bài học quý báu cho Việt Nam trong quá trình lựa chọn và phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên, cụ thể như sau:

Phát triển phải phù hợp với điều kiện kinh tế và nguồn lực của quốc gia

Một trong những yếu tố quan trọng nhất mà Việt Nam cần học hỏi từ các quốc gia như trên là việc lựa chọn các ngành công nghiệp ưu tiên phải phù hợp với điều kiện kinh tế và nguồn lực của quốc gia ở các giai đoạn và thời kỳ phát triển. Trung Quốc là một ví dụ điển hình khi nước này tận dụng tối đa các lợi thế nguồn lực nội tại như quy mô lao động lớn và chi phí sản xuất thấp để phát triển các ngành sản xuất hàng loạt như dệt may và điện tử trong giai đoạn đầu. Sau đó, họ chuyển dịch sang các ngành công nghệ cao như công nghệ thông tin, viễn thông, và hiện nay là xe điện và trí tuệ nhân tạo.

Qua đó, Việt Nam cần nhìn nhận tiềm năng và điểm mạnh của nền kinh tế nội địa để lựa chọn các ngành công nghiệp ưu tiên phát triển. Danh mục các ngành công nghiệp ưu tiên cần thu gọn và tập trung để đảm bảo có đủ nguồn lực về vốn đầu tư, về cong người, về tổ chức và thể chế để có thể triển khai các hoạt động hỗ trợ ưu tiên phát triển được hiệu quả. Với lợi thế về nguồn lao động trẻ và dồi dào, Việt Nam có thể tiếp tục đẩy mạnh các ngành công nghiệp gia công, chế biến và xuất khẩu. Tuy nhiên, bài học từ Trung Quốc cũng chỉ ra rằng, việc chỉ dựa vào lao động giá rẻ sẽ không bền vững. Để không phụ thuộc vào các ngành công nghiệp thâm dụng lao động, Việt Nam cần xác định rõ các ngành công nghiệp có khả năng tạo giá trị gia tăng cao hơn trong dài hạn, chẳng hạn như công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, và chế tạo máy móc.

Phải có khả năng tạo giá trị gia tăng cao

Tiêu chí này nhấn mạnh rằng các ngành được chọn phải có khả năng tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, với hàm lượng tri thức và công nghệ cao, thay vì chỉ dừng ở sản xuất các sản phẩm thô hoặc gia công đơn giản. Ví dụ, ngành công nghiệp chế tạo điện tử không chỉ tập trung vào sản xuất thiết bị mà còn phải phát triển công nghệ lõi, các thành phần có giá trị cao như chip bán dẫn, vi mạch, hay phần mềm. Điều này giúp Việt Nam chuyển từ vị trí là nhà sản xuất giá rẻ sang nhà cung cấp các sản phẩm và dịch vụ có giá trị gia tăng cao hơn, nâng cao vị thế trên trường quốc tế và gia tăng lợi nhuận.

Phải có đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế và xuất khẩu

Tiêu chí này tập trung vào việc các ngành công nghiệp không chỉ thúc đẩy tăng trưởng GDP mà còn tạo ra việc làm, tăng cường xuất khẩu và giảm nhập siêu. Kinh nghiệm từ Trung Quốc và Đài Loan cho thấy, việc lựa chọn những ngành công nghiệp có tiềm năng đóng góp lớn vào nền kinh tế đã mang lại thành công vượt bậc cho sự phát triển của họ. Trung Quốc đã ưu tiên các ngành như dệt may và điện tử nhờ khả năng xuất khẩu cao và tạo ra lượng lớn việc làm, góp phần ổn định kinh tế và cải thiện cán cân thương mại. Khi các ngành trên trở nên bão hòa Trung Quốc đã chuyển hướng ưu tiên phát tiển các ngành công nghiệp công nghệ cao, bao gồm điện tử và viễn thông, ô tô điện, năng lượng tái tạo,...tiếp tục tăng cường năng lực xuất khẩu và đóng góp mạnh mẽ vào GDP quốc gia. Trong khi đó, Đài Loan chọn ngành bán dẫn và công nghệ cao để xây dựng hệ sinh thái công nghiệp hoàn chỉnh, tạo giá trị gia tăng lớn và vị thế toàn cầu trong ngành công nghệ.

Như vậy, Việt Nam là cần chú trọng ưu tiên phất triển vào các ngành có tiềm năng đóng góp lớn vào GDP và xuất khẩu. Những ngành như dệt may, da giày, điện tử, và công nghệ thông tin của Việt Nam đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những năm gần đây nhờ vào khả năng xuất khẩu lớn. Trong giai đoạn tới, trước những cơ hội phát triển mới Việt Nam cần lựa chọn những ngành không chỉ mang lại giá trị cao trong nước mà còn có tiềm năng xuất khẩu mạnh, giúp thu hút vốn đầu tư nước ngoài và tăng cường năng lực sản xuất quốc gia. Ví dụ, ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, như điện gió và điện mặt trời, không chỉ giúp giải quyết nhu cầu năng lượng trong nước mà còn có thể trở thành ngành xuất khẩu công nghệ trong tương lai.

Phải có khả năng tạo ra nhiều việc làm và nâng cao thu nhập

Một trong những yếu tố then chốt khi lựa chọn ngành công nghiệp ưu tiên là khả năng tạo ra nhiều việc làm, đặc biệt cho lao động phổ thông và những người đang chuyển dịch từ khu vực nông nghiệp sang công nghiệp. Ngành công nghiệp ưu tiên phải có khả năng tạo ra việc làm ổn định và góp phần cải thiện mức sống cho người lao động. Ví dụ, ngành dệt may và da giày không chỉ tạo ra số lượng việc làm lớn mà còn là một nguồn thu nhập ổn định cho hàng triệu lao động Việt Nam. Tuy nhiên, để đảm bảo tính bền vững, Việt Nam cần khuyến khích các ngành có thể tạo ra việc làm chất lượng cao hơn, đòi hỏi kỹ năng và trình độ chuyên môn cao, qua đó góp phần nâng cao thu nhập bình quân và cải thiện chất lượng đời sống người lao động.

Phải có tiềm năng cạnh tranh quốc tế

Ngành công nghiệp được chọn phải có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Đây là tiêu chí quan trọng vì trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, các ngành công nghiệp chỉ có thể phát triển bền vững nếu chúng có sức cạnh tranh với các nước khác. Việt Nam cần tập trung vào những ngành có tiềm năng đáp ứng được nhu cầu lớn của thị trường quốc tế, chẳng hạn như công nghiệp chế biến thực phẩm, điện tử, dệt may, hoặc các sản phẩm có liên quan đến công nghệ cao như phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin. Việc này đòi hỏi doanh nghiệp trong nước phải đổi mới công nghệ, cải thiện chất lượng sản phẩm, và nâng cao hiệu suất sản xuất để đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.

Phải phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới

Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, ngành công nghiệp ưu tiên cần có khả năng thích ứng và nắm bắt các xu hướng công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, tự động hóa, Internet vạn vật (IoT), và dữ liệu lớn (Big Data). Các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc đã thành công nhờ theo dõi sát sao những thay đổi lớn trong xu hướng phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhanh chóng định hướng phát triển phù hợp. Chẳng hạn, Nhật Bản đã tiên phong trong lĩnh vực công nghệ cao và tự động hóa, đặc biệt là robot và AI, nhờ nắm bắt xu hướng công nghệ 4.0. Hàn Quốc đã nhanh chóng chuyển hướng đầu tư vào các ngành công nghiệp sáng tạo như công nghệ thông tin, truyền thông, hóa dược đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường quốc tế. Trung Quốc cũng tận dụng xu hướng phát triển của ngành công nghiệp xe điện và năng lượng tái tạo, giúp nâng cao vị thế quốc tế. Như vậy, Việt Nam là cần lựa chọn những ngành phù hợp với các xu hướng toàn cầu như số hóa, công nghệ xanh, và dịch vụ sáng tạo, giúp nền sản xuất công nghiệp không chỉ bắt kịp mà còn có thể đi trước trong xu hướng phát triển của thế giới, đồng thời tăng cường khả năng cạnh tranh quốc tế.

Phải có khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu

Chúng ta có thể biết đến Hàn Quốc và Trung Quốc đã rất thành công nhờ biết cách tận dụng cơ hội từ quá trình toàn cầu hóa để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Hàn Quốc, với những tập đoàn lớn như Samsung và LG, đã phát triển mạnh các sản phẩm công nghệ cao và xuất khẩu ra toàn thế giới. Trung Quốc cũng đã chuyển mình từ một "công xưởng thế giới" sang việc trở thành trung tâm công nghệ và sản xuất xe điện hàng đầu. Việt Nam với lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do và vị trí địa lý chiến lược trong khu vực châu Á, cần tiếp tục đẩy mạnh việc tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Bởi vậy, Việt Nam nên lựa chọn những ngành công nghiệp ưu tiên phát triển có khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Điều này không chỉ giúp thúc đẩy xuất khẩu mà còn giúp Việt Nam tiếp cận được công nghệ hiện đại, đồng thời nâng cao năng lực sản xuất và quản lý.

Phải có khả năng phát triển dài hạn và khả năng đổi mới công nghệ

Một rong những tiêu chí quan trọng mà Nhật Bản và Hàn Quốc đã áp dụng là đánh giá khả năng phát triển dài hạn và tiềm năng đổi mới công nghệ của ngành công nghiệp. Nhật Bản, từ sau Thế chiến II, đã định hướng phát triển các ngành như ô tô, điện tử, và công nghệ cao vì những ngành này có khả năng cải tiến công nghệ liên tục và tạo ra giá trị gia tăng lớn cho nền kinh tế. Hàn Quốc cũng đã xây dựng được ngành công nghiệp bán dẫn và viễn thông mạnh mẽ nhờ vào khả năng đổi mới công nghệ, nghiên cứu và phát triển. Điểm quan trọng ở đây là các quốc gia này đã chọn ra những ngành có thể liên tục cải tiến công nghệ và đóng góp lớn vào nền kinh tế không chỉ ở hiện tại mà còn trong tương lai. Điều này giúp họ tạo ra những ngành công nghiệp không ngừng phát triển, đổi mới và giữ vững vị thế trên thị trường toàn cầu. 

Bởi vậy, để lựa chọn ngành công nghiệp ưu tiên Việt Nam cần phải chú trọng đến những ngành có tiềm năng phát triển dài hạn, đặc biệt là những ngành có khả năng ứng dụng và đổi mới công nghệ. Những ngành như công nghệ thông tin, sản xuất thiết bị điện tử bán dẫn và năng lượng tái tạo là những lĩnh vực không chỉ có tiềm năng hiện tại mà còn có thể tạo ra sự đột phá trong tương lai. Việc khuyến khích các ngành này sẽ giúp nâng cao năng suất lao động và tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn cho nền kinh tế.

Phải có tính bền vững và thân thiện với môi trường

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu, phát triển bền vững trở thành tiêu chí không thể thiếu khi lựa chọn ngành công nghiệp ưu tiên. Việt Nam cần ưu tiên các ngành công nghiệp thân thiện với môi trường, giúp giảm phát thải khí nhà kính, tiết kiệm năng lượng và sử dụng tài nguyên một cách hiệu quả. Các ngành như năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời), công nghệ xử lý nước thải, và sản xuất các sản phẩm sinh thái là những ngành tiềm năng. Việc phát triển các ngành công nghiệp này không chỉ giúp Việt Nam đáp ứng các cam kết quốc tế về môi trường mà còn tạo cơ hội cho Việt Nam gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu trong lĩnh vực công nghệ xanh.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

  2. Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

  3. Quyết định số 165/QĐ-TTg ngày 28/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030;

  4. Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035;

  5. Xác định các ngành công nghiệp ưu tiên trong chính sách Quốc gia – TS. Vũ Thành Tự Anh - Trường Đại học Fulbright Việt Nam

  6. Nghiên cứu đánh giá việc thực hiện chính sách lựa chọn ngành ưu tiên phát triển của Việt Nam thời gian qua, từ đó đề xuất một số khuyến nghị triển khai chu trình chính sách trong thời gian tới. TS. Nguyễn Thị Thu Huyền - Giảng viên Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải.