Thực tiễn thu hút đầu tư Trung Quốc và chiến lược thu hút các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư tại tỉnh Quảng Ninh
14:43 - 25/03/2025
Lê Thanh Thùy Dương[1]
Nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và là một trong những điểm sáng phát kinh tế - xã hội của Việt Nam, Tỉnh Quảng Ninh đã khai thác hiệu quả tiềm năng với lợi thế địa kinh tế và chính trị. Đồng thời, nhiều năm qua, địa phương có tầm nhìn, chiến lược, chính sách tổng thể và triển khai nhiều giải pháp huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực nhằm cải thiện môi trường đầu tư theo hướng bền vững. Một trong những nhân tố ảnh hưởng đến thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (Foreign Direct Investment - FDI) của Trung Quốc vào Việt Nam, cụ thể là tỉnh Quảng Ninh là chính sách. Tác giả sử dụng phương pháp nghiên cứu tại bàn và phỏng vấn chuyên gia để có những nhận định về tầm nhìn, chiến lược và một số chính sách nổi bật của địa phương giai đoạn 2015-2022, tầm nhìn 2030. Bài viết này phân tích những yếu tố về tầm nhìn, chiến lược và chính sách ảnh hưởng đến thu hút đầu tư của các doanh nghiệp Trung Quốc vào tỉnh Quảng Ninh, trên cơ sở đó gợi ý một số chính sách liên quan.
Từ khóa: Chính sách; Chiến lược; FDI; Quảng Ninh; Thu hút đầu tư; Trung Quốc.
1. Tầm nhìn và tư duy chiến lược của tỉnh Quảng Ninh trong thu hút FDI
Tại Việt nam, khi đề cập đến những nhiệm vụ trọng tâm, các đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ Đại hội XIII, ba đột phá chiến lược là (i) hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển; (ii) phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; (iii) xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội[2]. Tiếp đến, khi đề cập đến hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đã nhận định “kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là một bộ phận quan trọng của kinh tế quốc dân, có vai trò lớn trong huy động nguồn vốn đầu tư, công nghệ, phương thức quản lý hiện đại, mở rộng thị trường xuất khẩu” [3] khi thống nhất và nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Cùng với đó, để tiếp tục hoàn thiện đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn thì cần xây dựng và thực thi pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch nâng cao chất lượng, hiệu quả quản trị quốc gia[4].
Với quyết tâm xây dựng Quảng Ninh thành một tỉnh tiêu biểu của cả nước, địa phương đã phê duyệt Quyết định số 80/QĐ-Ttg về quy hoạch giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050. Nội dung của Quyết định thể hiện chiến lược phát triển bền vững, toàn diện của Quảng Ninh; không chỉ chú trọng phát thế mạnh là trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, thế mạnh trung tâm logistics và du lịch quốc tế, ngoài ra còn rất chú trọng phát triển xanh nhằm khắc phục biến đổi khí hậu, cũng như tăng cường vững chắc về quốc phòng an ninh. Có thể thấy các ngành nghề quan trọng được tỉnh Quảng Ninh chú trọng phát triển và thu hút FDI là công nghiệp xanh, công nghiệp thân thiện với môi trường, công nghiệp chế biến chế tạo công nghệ cao, đặc biệt là dịch vụ tổng hợp hiện đại nhằm hướng tới phát triển Quảng Ninh thành trung tâm logistics của khu vực Đông Nam Á, là cửa ngõ trung chuyển vận tải đa phương thức quốc tế kết nối với các vùng quốc gia lân cận thông qua hệ thống đường bộ, cảng biển và sân bay quốc tế Vân Đồn. Ngành công nghiệp không khói - du lịch - cũng là một trong những ngành mũi nhọn, đem lại giá trị gia tăng lớn cho Quảng Ninh, và đang được tỉnh chú trọng phát triển và thu hút đầu tư để năng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ, hướng tới trở thành đầu tàu du lịch quốc gia và trung tâm du lịch quốc tế.
Với tầm nhìn, tư duy chiến lược phát triển của Tỉnh, có thể nhận thấy định hướng hướng mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) với thu hút các nguồn lực để đạt mục tiêu phát triển tổng thể của địa phương. Đó là các nguồn vốn đầu tư của trung ương và địa phương, nguồn vốn đầu tư công và đầu tư tư nhân, trong đó nguồn vốn FDI là một nguồn vốn bổ sung quan trọng. Tỉnh Quảng Ninh đã có quy hoạch tổng thể để thu hút FDI vào một số vùng đặc thù như huyện Quảng Yên với hạ tầng ngày càng hoàn thiện và kết nối với các vùng khác của địa phương. Tại địa phương hội tụ các nhóm yếu tố (i) các chính sách đặc thù Quảng Ninh thu hút FDI phát triển các nhóm ngành công nghiệp và dịch vụ; (ii) các yếu tố kinh tế như vị trí địa kinh tế kết nối với Trung Quốc, hệ thống giao thông kết nối quốc tế thuận tiện và với các địa phương, tập trung nguồn nhân lực chất lượng cao của vùng với một số trường đại học như Trường Đại học Ngoại thương, Trường Đại học Hạ Long; hệ thống cơ sở hạ tầng tiện ích như sân bay quốc tế, đường bộ, cảng biển kết nối (iii) các dịch vụ tiện ích phát triển, đặc biệt là các dịch vụ du lịch và dịch vụ hỗ trợ kinh doanh cho các doanh nghiệp ngày càng hoàn thiện.
Để hiện thực hóa chiến lược phát triển và thu hút FDI vào Tỉnh, trong thời gian dài, chính quyền địa phương đã nỗ lực dần hoàn thiện môi trường đầu tư định hướng cụ thể trọng tâm vào các ngành, lĩnh vực mà Quảng Ninh đang chú trọng phát triển. Chính quyền địa phương đã đưa ra các chính sách rất cụ thể về danh mục ngành nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư, địa bàn ưu đãi đầu tư, mức thuế thu nhập ưu đãi, thuế xuất nhập khẩu ưu đãi và miễn giảm tiền thuê đất cho các doanh nghiệp FDI. Theo đó, các dự án đầu tư mới hoặc các dự án nông lâm nghiệp, y tế giáo dục tại các vùng kinh tế xã hội (KTXH) đặc biệt khó khăn và vùng KTXH khó khăn sẽ có mức ưu tiên về thuế thu nhập cao nhất là 10:4:9 (thuế thu nhập 10%, miễn 4 năm, giảm 50% 9 năm), miễn tiền thuê đất với các dự án tại vùng KTXH đặc biệt khó khăn và các mức miễn giảm tiền thuê đất với các dự án thuộc ngành nghề ưu đãi khác. Đồng thời, thuế nhập khẩu sẽ được miễn hoàn toàn đối với hàng hóa tạo tài sản của đối tượng được ưu đãi đầu tư, đối với giống cây trồng, phân bón, đối với hàng hóa phục vụ đóng tàu, đối với hàng hóa phục vụ cho giáo dục y tế, bảo vệ môi trường hay hàng hóa để gia công xuất khẩu.
Thông tin chi tiết bài viết tại đây
[1] ThS, Giảng viên Trường Đại học Ngoại thương
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập 1 và Tập 2, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, tr.337-338.
[3] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập 1,Tr. 130
[4] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập 1, Tr 132