THÚC ĐẨY XUẤT KHẨU MỘT SỐ NÔNG SẢN CHÍNH CỦA TỈNH LÂM ĐỒNG TRONG BỐI CẢNH HIỆN NAY
14:03 - 07/10/2021
PGS. TS Phan Thế Công;ThS. Vũ Anh Tuấn
Đại học Thương mại
(Bài viết đăng trên Tạp chí in số 59 (T5/2021)
(*) Nghiên cứu này được tài trợ bởi Trường Đại học Thương mại trong khuôn khổ đề tài KH&CN cấp Quốc gia “Phát triển bền vững xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam trong bối cảnh bảo hộ thương mại”.
Lâm Đồng là một trong năm tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên, tiếp giáp với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, với nhiều lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng để phát triển nông nghiệp. Cùng với đó, xuất khẩu nông sản của Tỉnh cũng có sự gia tăng mạnh trong những năm qua. Tuy nhiên, xuất khẩu nông sản của Tỉnh vẫn đang đối mặt với nhiều tồn tại và bất cập, cần có những giải pháp cả về phía Chính phủ, chính quyền địa phương và của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bản Tỉnh. Với cách tiếp cận nêu trên, bài viết đánh giá thực trạng sản xuất và xuất khẩu nông sản của tỉnh Lâm Đồng, tử đó đề xuất giải pháp thúc dẩy hoạt động xuất khẩu nông sản trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Từ khóa: Lâm Đồng; Nông sản; Xuất khẩu
- Tổng quan về xuất khẩu nông sản của tỉnh Lâm Đồng
Lâm Đồng là một trong năm tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên, tiếp giáp với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Lâm Đồng là tỉnh có nhiều lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng để phát triển nông nghiệp. Với trên 380 nghìn ha diện tích đất nông nghiệp, có khí hậu ôn hòa á nhiệt đới tỉnh Lâm Đồng sản xuất nhiều nông sản trong đó có những mặt hàng chủ lực như chè, rau củ quả, cà phê, điều...
Trong những năm qua, nông nghiệp Lâm Đồng đã có bước phát triển vượt bậc về quy mô sản xuất, giá trị, thu nhập trên một đơn vị diện tích. Giá trị sản xuất bình quân của tỉnh năm 2020 đạt 185 triệu đồng/ha/năm, tăng 27,5% so với năm 2016.Tỉnh hiện có 60.288 ha nông nghiệp công nghệ cao, chiếm 20,1% diện tích canh tác, giá trị trị ước đạt trên 40% giá trị sản xuất ngành trồng trọt; giá trị sản xuất bình quân đơn vị diện tích canh tác công nghệ cao đạt 400 triệu đồng/ha.
Tỉnh Lâm Đồng cũng xác định phát triển công nghiệp chế biến. Tỉnh đã quy hoạch và xây dựng 2 khu công nghiệp chế biến nông, lâm sản (Khu công nghiệp Phú Hội, huyện Đức Trọng và Khu công nghiệp Lộc Sơn, TP Bảo Lộc) và 4 Cụm công nghiệp gắn với nguồn nguyên liệu nông sản tại chỗ tại TP Bảo Lộc và các huyện Đơn Dương, Di Linh, Đạ Huoai. Đến nay tỷ lệ nông sản qua sơ chế, chế biến đạt 75%, ngành công nghiệp chế biến nông sản chiếm khoảng 47% giá trị sản xuất ngành công nghiệp chế biến chế tạo và chiếm 35% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp. Theo thống kê của Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước có trên 150 cơ sở chế biến rau quả quy mô công nghiệp với tổng công suất thiết kế trên 1 triệu tấn sản phẩm/năm. Trong đó, Lâm Đồng là một trong số ít tỉnh thành có từ 10 doanh nghiệp chế biến lớn trở lên với sản phẩm chế biến chủ lực như sấy khô hoa quả, sản xuất mứt hoa quả, dưa chuột muối…
Về xây dựng thương hiệu cho nông sản Lâm Đồng, tỉnh đã xây dựng và triển khai mạnh mẽ đề án phát triển nông nghiệp theo hướng tiếp cận đa ngành, xây dựng thành công các chỉ dẫn địa lý cũng như thương hiệu nông sản Lâm Đồng với nhãn hiệu “Đà Lạt – Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”.
Hiện nông sản Lâm Đồng đã xuất khẩu đi hơn 40 nước trên thế giới trong đó thị trường truyền thống là khu vực Đông Bắc Á, Liên minh châu Âu và Bắc Mỹ. Đặc biệt, nông sản Lâm Đồng đã xuất khẩu được sang những thị trường kho tính như Nhật Bản, EU và Mỹ. Đồng thời, nông sản Lâm Đồng cũng được nhiều tập đoàn đa quốc gia và các nhà phân phối lớn thu mua nguyên liệu. Giá trị nông sản xuất khẩu hiện chiếm khoảng 53% tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa của tỉnh lâm đồng với tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 – 2020 đạt khoảng 13%/năm.
- Thực trạng xuất khẩu một số nông sản chính của tỉnh Lâm Đồng
2.1 Kết quả xuất khẩu một số nông sản chính
- Về mặt hàng rau củ
Lâm Đồng hiện gieo trồng 70.050 ha rau các loại sản lượng 2,57 triệu tấn với 3 nhóm sản phẩm chính là (1) nhóm rau ăn lá (xà lách, cải bắp, cải ngọt, rau thơm…) chiếm khoảng 48% (2) nhóm rau ăn củ (khoai tây, cà rốt, hành tây…) chiếm khoảng 20% và (3) nhóm rau ăn quả (su su, cà tím, cà chua, đậu cove…) chiếm khoảng 32%. Tỉnh hiện có 118 doanh nghiệp chế biến rau củ quả, mỗi năm chế biến được khoảng 44.221 tấn thành phẩm,
Năm 2020 Lâm Đồng đã xuất khẩu 34.559 tấn rau các loại, thu về 60,73 triệu USD tăng 77,45% về lượng và tăng 44,59% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Các sản phẩm rau xuất khẩu chủ yếu là: khoai lang, bí đỏ, ớt chuông, bắp ngọt, cà rốt, khoai mỡ, rau bó xôi, bắc cải… Thị trường xuất khẩu rau chủ yếu là các nước Đông Á (Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc, Hồng Kong), thị trường EU (Anh, Hà Lan, Pháp, Bỉ), thị trường Mỹ và ASEAN (Singapore, Malaysia).
- Về mặt hàng hoa
Lâm Đồng hiện gieo trồng 9.323 ha hoa các loại sản lượng 3.658 triệu cành. Diện tích canh tác hoa các loại sử dụng công nghệ cao đạt khoảng 2.927 ha hoa. Mô hình sản xuất hoa công nghệ cao tại Thái Phiên, phường 12 với quy mô 150 ha áp dụng hệ thuống tưới phun tự động, tưới nhỏ giọt, nhà kính, nhà lưới, giá thể…
Năm 2020 tỉnh Lâm đồng xuất khẩu 371 triệu cành hoa và chậu hoa các loại trị giá 58.71 triệu USD, tăng 19,57% về lượng và tăng 15,22% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Hoa Lâm Đồng được tiêu thu chủ yếu ở các các thành phố lớn nội địa (chiếm 89,6%) và một phần xuất khẩu (chiếm 10,4%). Thị trường xuất khẩu hoa khá đa dạng, đứng đầu là các nước Đông Á, tiếp theo là Australia, Châu Âu (Hà Lan, Đan Mạch, Bỉ, Nga) và khu vực ASEAN (Singapore, Thái Lan, Indonesia).
- Về mặt hàng chè
Diện tích chè tại Lâm Đồng năm 2020 là 12.104,9 ha, sản lượng 174.882 tấn, trong đó có khoảng 6.583 ha chè. Trong đó, có khoảng 2.750 ha chè chất lượng cao ứng dụng đồng bộ hệ thống tưới và bón phân tự động. Tỉnh hiện có 167 công ty chế biến chè với quy mô 38.563 tấn thành phẩm/năm tập trung tại thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc, Bảo Lâm, Lâm Hà và Di Linh. Công suất chế biến chè hiện nay vượt quá nhiều so với khả năng sản xuất nguyên liệu do diện tích và sản lượng chè đang giảm dẫn đến việc thiếu hụt nguyên liệu tại một số cơ sở chế biến. Các sản phẩm chè chế biến khá đa dạng như chè xanh viên, chè Ô Long, chè đen, chè xanh ướp hương và chè xanh sơ chế.
Chè Lâm Đồng xuất khẩu chủ yếu sang Đài Loan và thị trường Trung Đông như Pakistan, Afghanistan… Năm 2020 Lâm Đồng xuất khẩu 8,928 tấn chè với giá trị 21,2 triệu USD, giảm 16,46% về lượng và 15,8% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.
- Về mặt hàng cà phê
Lâm Đồng hiện có 174.142 ha cà phê với sản lượng 516.603 tấn. Diện tích cà phê ứng dụng công nghệ cao đạt 21.945,8 ha, chủ yếu áp dụng canh tác bền vững, ghép cải tạo, tưới tự động và tiết kiêm. Trên địa bàn tỉnh hiện có 25 doanh nghiệp hoạt động chế biến cà phê với quy mô chế biển 190.059 tấn và trên 250 cơ sở chế biến nhỏ lẻ quy mô hộ cá thể với công xuất khoảng 109.941 tấn cà phê nhân. Về cà phê rang xay, cà phê bột, Lâm Đồng hiện có 168 doanh nghiệp, cơ sở chế biến được cấp chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm với tổng sản lượng khoảng 10.244 tấn/năm.
Cà phê Lâm Đồng xuất khẩu hiện chủ yếu là cà phê nhân. Năm 2020, tỉnh xuất khẩu 99,52 nghìn tấn cà phê nhân trị giá 153,74 triệu USD, giảm 18,91% về lượng và 22,19% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay 80% cà phê của Lâm Đồng được các tập đoàn như OLAM, Louis Dryfus, Nestle thu mua, 20% được chế biến và xuất khẩu trực tiếp bởi các công ty khác. Cà phê Lâm Đông được xuất khẩu đi nhiều quốc gia, trong đó chủ yếu là Mỹ, Mexico, Anh, Ý, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Đan Mạch, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Singapore…
2.2 Đánh giá chung thực trạng xuất khẩu một số nông sản chính của tỉnh Lâm Đồng
Trong thời gian qua, hoạt động sản xuất và xuất khẩu nông sản của tỉnh Lâm Đồng đã đạt được những thành công nhất định, xuất khẩu được nhiều mặt hàng với giá trị kinh tế cao như rau, hoa, chè, cà phê, điều. Ngành nông nghiệp Lâm Đông đã nỗ lực tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, kết nối với hệ thống tiêu thụ toàn cầu. Việc gia tăng chế biến, gia tăng giá trị sản phẩm nhiều hơn của ngành nông nghiệp tỉnh đã tạo ra nhiều việc làm với thu nhập cao hơn cho nông dân. Qua đó, một số nông sản chủ lực của Tỉnh và một số chuỗi giá trị riêng biệt của doanh nghiệp đã tham gia được vào các khâu có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, bên cạnh những thành công, hiện còn không ít những hạn chế làm ảnh hưởng đến kết quả xuất khẩu các nông sản chính của tỉnh như:
Một là, tình trạng sản xuất manh mún khiến cho việc thực hiện cơ giới hóa gặp khó khăn năng suất thấp chất lượng không đồng đều. Hầu hết các hộ nông dân đều thiếu năng lực tiếp cận thị trường. Hàng nông sản chủ yếu xuất khẩu ở dạng thô có giá trị gia tăng thấp trong chuỗi giá trị hàng nông sản.
Hai là, mối liên kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản của Tỉnh được thực hiện chưa nhiều, thiếu tính đồng bộ nên chưa mang tính bền vững. Nhân tố hạt nhân nòng cốt cho việc phát triển các liên kết sản xuất là các doanh nghiệp và hợp tác xã. Tuy nhiên cả hai lực lượng này phát triển còn chậm, chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh.
Ba là, năng suất lao động đã được cải thiện nhưng còn ở mức thấp do mức độ cơ giới hóa trong sản xuất còn thấp, đặc biệt là khâu chăm sóc và thu hoạch. Phần lớn nông sản xuất khẩu chính của tỉnh (rau, hoa, cà phê...) đều thu hoạch hoàn toàn thủ công. Việc thực hiện chủ trương tích tụ ruộng đất có chuyển biến chậm nên sản xuất mặc dù đã hình thành được các vùng chuyên canh tập trung nhưng thiếu sự đồng đều trong quá trình canh tác là yếu tố cản trở lớn để thực hiện các giải pháp cơ giới hóa.
Bốn là, số cơ sở chế biến nông sản có quy mô vừa và nhỏ, hộ gia đình ở Lâm Đồng khá đông nhưng thiết bị cũ, công nghệ lạc hậu, tốn nhiều nguyên liệu, năng lượng, năng suất thấp. Tổn thất sau thu hoạch còn lớn, giao động từ 10 - 20%. Do đó, hiện chỉ có doanh nghiệp xuất khẩu lớn tham gia vào công nghiệp chế biến bởi đầu tư một nhà máy chế biến nông sản có dây chuyền hiện đại đòi hỏi kinh phí rất lớn, thời gian thu hồi vốn lâu.
Năm là, Các doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh hầu hết có quy mô nhỏ, yếu về năng lực tài chính dẫn đến bị hạn chế trong đầu tư công nghệ, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm.
- Đề xuất nhằm thúc đẩy xuất khẩu nông sản tỉnh Lâm Đồng trong thời gian tới
Tỉnh Lâm Đồng còn nhiều tiềm năng phát triển hoạt động xuất khẩu nông sản. Để thúc đẩy xuất khẩu nông sản Lâm Đông trong giai đoạn tiếp theo khi vẫn phải đối phó với dịch Covid-19, theo tác giả cần cả những giải pháp cả về phía cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp
- Về phía cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh Lâm Đồng
Một là, Sở Công Thương Lâm Đồng cần tiếp tục triển khai nhiều hoạt động để hỗ trợ xuất khẩu. Trong đó, xây dựng, triển khai các đề án phát triển các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực có sự phối hợp đồng bộ của nhiều đơn vị. Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc mở rộng thị trường, tìm kiếm đối tác thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại. Khuyến khích các doanh nghiệp phát triển thương mại điện tử, tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử để tăng cơ hội quả bá sản phẩm đến với khách hàng.
Hai là, Sở Công Thương nên thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn nâng cao kỹ năng trong hoạt động xuất khẩu cho doanh nghiệp, phổ biến thông tin về các hiệp định thương mại mà Việt Nam tham gia, tập huấn nghiệp vụ xuất khẩu, khai báo nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, cách tìm kiếm khách hàng thông qua các dịch vụ trực tuyến. Tiếp tục tổ chức các diễn đàn hội nghị kết nối giao thương hội chợ nhằm quảng bá sản phẩm xúc tiến tiêu thụ hàng nông sản của Lâm Đồng trong và ngoài nước để đưa nông sản Lâm Đồng tham gia vào các thị trường chiến lược.
Ba là, Sở Nông nghiêp và phát triển nông thôn đẩy mạnh việc tập hợp nông dân thành Hợp tác xã. Sản xuất xuất khẩu yêu cầu thực hiện truy xuất nguồi gốc, chiếu xạ… rất khắt khe, từng hộ nông dân không thể đáp ứng, lúc này hợp tác xã sẽ thay mặt người nông dân xây dựng thương hiệu, tiếp thị sản phẩm.
Bốn là, Tỉnh thúc đẩy các kết nối và tổ chức các chương trình đưa nông sản nói chung vào các hệ thống phân phối lớn tại các thị trường nhập khẩu. Việc kết nối với các bộ phân mua hàng của các Tập đoàn phân phối lớn như Aeon, Wallmart, Central Retail, Lotte, Mega Market có thể giúp các sản phẩm nông sản của Lâm Đồng từng bước tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu.
Năm là, Tỉnh cần có chính sách phát triển nhân lực cho ngành xuất khẩu nông sản của tỉnh. Nhân lực sẽ đến từ việc thu hút nhân tài về làm việc lâu dài tại tỉnh và từ việc đào tạo nhân lực tại chỗ. Nhân lực cần đào tạo bồi dưỡng ở đây bao gồm cả cán bộ quản lý nhà nước về xuất khẩu và nhân lực cho doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu nông sản trên địa bàn tỉnh.
Sáu là, Tỉnh cần thúc đẩy phát triển dịch vụ logicstic nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp mới tham gia xuất khẩu, các dịch vụ trọn gói (đóng gói, lưu kho, thực hiện các thủ tục hải quan, vận chuyển, giao hàng…)
- Về phía doanh nghiệp xuất khẩu nông sản trên địa bản tỉnh Lâm Đồng
Một là, Doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng nông sản xuất khẩu. Để thâm nhập vào thị trường nước ngoài và gia tăng giá trị, doanh nghiệp phải nâng chất cho sản phẩm bằng cách đầu tư nhiều hơn về kỹ thuật, cũng như chế biến sâu.
Hai là, Doanh nghiệp cần đẩy mạnh công tác xây dựng thương hiệu song song với việc nâng cao chất lượng sản phẩm. Nông sản Lâm Đồng xuất khẩu phần nhiều dưới dạng thô, thương hiệu nông sản Lâm Đồng đã qua chế biến chưa được người tiêu dùng trên thế giới biết đến còn hạn chế. Các doanh nghiệp chịu trách nhiệm chính trong việc xây dựng thương hiệu của riêng mình. Các doanh nghiệp cần khảo sát nhu cầu của thị trường (thị hiếu, chất lượng, giá cả…) từ đó xác định mình sẽ bán bao nhiêu phần trăm sản phẩm sơ chế; bao nhiêu phần trăm sản phẩm tinh chế để định hướng phát triển sản phẩm, xây dựng chiến lược marketing, định vị thương hiệu phù hợp với năng lực của mình.
Ba là, để xúc tiến thương mại, các doanh nghiệp cần chú trọng phát triển tuyển dụng và đào tạo cán bộ có trình độ ngoại ngữ và chuyên môn; chủ động tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại do các bộ, ngành, hiệp hội tổ chức; tham dự các hội chợ, triển lãm quốc tế ở cả trong và ngoài nước để giới thiệu sản phẩm và tìm kiếm bạn hàng; cập nhật thông tin và những thay đổi diễn biến thương mại nhằm kịp thời điều chỉnh các hoạt động sản xuất kinh doanh phù hợp với tín hiệu của thị trường.
Tài liệu tham khảo
- Hiệp hội Hoa Đà Lạt (2020), Một số khó khăn, vướng mắc và các giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu hoa bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Truy cập tại: https://lamdongdost.gov.vn/home/gioi-thieu/so-khoa-hoc-cong-nghe/tai-lieu/type/detail/id/4555
- Sở Công thương Lâm Đồng (2019), Tình hình xuất khẩu của tỉnh Lâm Đồng năm 2018. Truy cập tại https://lamdongdost.gov.vn/home/gioi-thieu/so-khoa-hoc-cong-nghe/tai-lieu/type/detail/id/3411
- Trần Đức Quận (2021), Tổ chức kết nối nông nghiệp với công nghiệp chế biến, thị trường xuất khẩu và chuỗi giá trị toàn cầu của tỉnh Lâm Đồng. Truy cập tại: http://dalat-info.vn/vn/thang-3-2021/to-chuc-ket-noi-nong-nghiep-voi-cong-nghiep-che-bien-thi-truong-xuat-khau-va-chuoi-gia-tri-toan-cau-cua-tinh-lam-dong-43802.phtml
- Ủy ban nhân dân Tỉnh Lâm Đồng, Quyết định Số: 756/QĐ-UBND ngày 19 tháng 04 năm 2017 quyết địnhban hành kế hoạch thực hiện nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 11/11/2016 của tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025. Truy cập tại: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/linh-vuc-khac/Quyet-dinh-756-QD-UBND-2017-phat-trien-nong-nghiep-toan-dien-ben-vung-hien-dai-Lam-Dong-347367.aspx
- Ủy ban nhân dân Tỉnh Lâm Đồng, Quyết định Số: 854/QĐ-UBND ngày 18 tháng 5 năm 2020phê duyệt kế hoạch phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng năm 2020. Truy cập tại: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/linh-vuc-khac/Quyet-dinh-854-QD-UBND-2020-phat-trien-nong-nghiep-ung-dung-cong-nghe-cao-tinh-Lam-Dong-443538.aspx
Bàn từ