Thành phố Hồ Chí Minh tập trung phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm

11:33 - 07/03/2021

 

 

Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt; trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ; đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế; đầu tàu, động lực, có sức hút và sức lan tỏa lớn của Vùng. &

 

Tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP năm 2020 ước đạt 1.372.272 tỷ đồng (theo giá hiện hành). Tính theo giá so sánh  năm 2010 đạt  991.424 tỷ đồng, tăng 1,39% so với cùng kỳ. Tỷ trọng đóng góp của khu vực công nghiệp và thương nghiệp trong GRDP năm 2020 đạt 35,3% GRDP của thành phố. Quy mô sản xuất của các ngành công nghiệp trọng yếu của thành phố năm 2020 tăng 0,5% so với năm 2019, góp phần tạo tác động lan tỏa tích cực đến các ngành, lĩnh vực khác. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn thành phố tuy có giảm (1,3% so với năm 2019), nhưng lĩnh vực bán lẻ hàng hóa vẫn tăng 19,1% so với năm 2019 (chiếm 19% của cả nước); tổng kim ngạch xuất khẩu tiếp tục duy trì tăng trưởng 3,1% (chiếm 15,6% cả nước) tập trung ở nhóm ngành công nghiệp như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện.

Về sản xuất công nghiệp: Năm 2020, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) trên địa bàn thành phố giảm 4% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 4,6%; sản xuất và phân phối điện giảm 1,1%; cung cấp nước và xử lý rác thải giảm 0,8%. Nguyên nhân chủ yếu do Việt Nam bị ảnh hưởng  của dịch COVID-19, một số nước là đối tác quan trọng của Việt Nam đang phải tiếp tục đối phó với đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 2 khiến cho nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu bị thiếu hụt và thị trường tiêu thụ hàng hóa bị thu hẹp.

Đối với ngành công nghiệp cấp II, thì 11/30 ngành cấp II có chỉ số đều tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó các ngành có mức tăng cao như: Khai khoáng khác tăng 76,4%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 18,7%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 17,7%; sản xuất thuốc hóa dược và dược liệu tăng 7,2% sản xuất chế biến thực phẩm tăng 2,2% và sản xuất thiết bị điện tăng 1,5%. Một số ngành có chỉ số sản xuất giảm mạnh so với cùng kỳ như: Chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế) giảm 22,5%; sản xuất trang phục giảm 20,4%; thoát nước và xử lý rác thải giảm 20,2%; sản xuất kim loại giảm 19,6%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị giảm 19,0%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) giảm 18,4%.

Đối với 4 ngành công nghiệp trọng điểm: Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 0,5% so với năm 2019, cao hơn 4,5 điểm phần trăm so với chỉ số sản xuất chung của toàn ngành công nghiệp, trong đó: ngành sản xuất hàng điện tử tăng 18,7%; ngành hóa dược tăng 4,7%. Cần thúc đẩy phát triển công nghiệp theo đúng định hướng, ưu tiên đầu tư phát triển 4 ngành công nghiệp trọng yếu; xây dựng và hỗ trợ phát triển các sản phẩm công nghiệp chủ lực, công nghiệp hỗ trợ làm động lực để phát triển các ngành công nghiệp khác; ưu tiên phát triển quỹ đất phục vụ công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp khởi nghiệp và công nghiệp hỗ trợ.

Đối với các ngành công nghiệp truyền thống: Gồm: ngành dệt; sản xuất trang phục (ngành may); ngành sản xuất da và sản phẩm liên quan (thuộc da, vali, túi xách, giày dép da) : Tính chung cả năm 2020, chỉ số sản xuất công nghiệp của các ngành truyền thống giảm 16,4% so với năm 2019, trong đó ngành dệt giảm 1,8%, ngành sản xuất trang phục giảm 20,4%, ngành da giày giảm 17,4%. 

Nhằm tạo động lực phát triển doanh nghiệp (DN) trong thời gian tới, ngành Công Thương đã triển khai hoạt động các hội đồng phát triển các ngành công nghiệp thành phố; xây dựng chương trình hỗ trợ phát triển DN và sản phẩm cơ khí - tự động hóa, cao su- nhựa, chế biến thực phẩm thành phố giai đoạn 2020 - 2030. Trong đó, với ngành cao su- nhựa đã xác định danh mục sản phẩm chủ lực để có giải pháp thu hút đầu tư và hỗ trợ phát triển đúng trọng tâm, trọng điểm. Thành lập Trung tâm Nghiên cứu, thí nghiệm và Kiểm nghiệm sản phẩm ngành cao su- nhựa đạt chuẩn quốc tế; đầu tư phát triển sản xuất sản phẩm nhựa tái chế, nhựa phân hủy sinh học, nhựa y tế nhằm nâng cao giá trị gia tăng và giảm thiểu ô nhiễm môi trường...

Với ngành cơ khí, xác định danh mục sản phẩm cơ khí- tự động hóa chủ lực có khả năng cạnh tranh, thay thế sản phẩm nhập khẩu và hình thành một số DN giao công nghệ nhằm hiện đại hóa máy móc, thiết bị và trình độ công nghệ cho các DN của ngành trên địa bàn. Hình thành các chuỗi sản xuất, phát triển sản phẩm, phụ tùng cho sản phẩm cơ khí nông nghiệp, ô tô và thiết bị nâng hạ, kết cấu thép, kết cấu hạ tầng giao thông, cầu cảng, đường sắt, metro và ngành chế tạo máy móc thiết bị tự động phục vụ cho các ngành công nghiệp.

Với ngành chế biến thực phẩm, sẽ xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng khép kín, đồng bộ từ nguyên liệu đến thành phẩm, bảo đảm chất lượng và bảo vệ môi trường trong ngành chế biến thực phẩm; xây dựng và quảng bá một số thương hiệu Việt Nam ra thị trường thế giới, nhất là các ngành có lợi thế cạnh tranh.

Để giữ vững vai trò đầu tàu phát triển, với quan điểm không ngừng đổi mới, sáng tạo, phát triển toàn diện vì cả nước, cùng cả nước, vì hạnh phúc của nhân dân, thành phố Hồ Chí Minh xác định mục tiêu và phương hướng phát triển đến năm 2025, là tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, đi đầu trong thực hiện mô hình tăng trưởng mới… Nhằm hiện thực hóa những mục tiêu, nhiệm vụ đã đặt ra ngành Công Thương thành phố cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động phối hợp thực hiện chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa, mở rộng thị trường trong nước, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh; thường xuyên tố chức, phối hợp với các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam, triển khai các chương trình tiêu thụ hàng hóa tại thị trường nội địa thông qua các kênh thương mại điện tử; thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn giá cả hàng hóa trên thị trường. Khuyến khích tận dụng cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu khi Hiệp định Thương mại tự do như  EVFTA, RCEP... có hiệu lực; đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng mẫu mã sản phẩm, ưu tiên công nghệ sạch, phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản; mở các mô hình chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm sau thu hoạch, nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường xuất khẩu trong bối cảnh hội nhập quốc tế... cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm về chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và sản phẩm ngành cơ khí - tự động hóa, cao su - nhựa, chế biến thực phẩm thành phố giai đoạn 2020 – 2030; đề án phát triển ngành logistics đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; chương trình kết nối các ngân hàng, tổ chức tín dụng và nhà nước để hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cần chú trọng cải cách hành chính gắn với xây dựng chính quyền đô thị, ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết các thủ tục hành chính; đẩy mạnh phối hợp với các sở, ngành tập trung kêu gọi đầu tư vào 4 ngành công nghiệp trọng yếu, các nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực, tiềm năng. Đa dạng hóa các chương trình xúc tiến thương mại trong nước có trọng tâm, trọng điểm; xúc tiến đưa hàng Việt Nam vào các thị trường tiềm năng như Australia, Singapore, Lào, Campuchia; tiếp tục phối hợp thực hiện chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; xây dựng chương trình kích cầu đầu tư, nhất là lĩnh vực công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ. tăng cường tham mưu lãnh đạo thành phố các chính sách hỗ trợ; tận dụng và phát huy mọi nguồn lực cho sự phát triển gắn với các yêu cầu phát triển thực tiễn, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; tận dụng thời cơ hội nhập quốc tế, các xu hướng phát triển của thời đại để thành phố có cơ hội đi tắt, đón đầu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2021./.

Nguồn: Báo cáo Sở Công thương TP.Hồ Chí Minh

Đinh Thị Bích Liên

Phòng Thông Tin Thư viện và Xúc tiến Thương mại - VIOIT