Tăng cường nội địa hóa trong lĩnh vực công nghiệp điện năng lượng tái tạo Việt Nam

11:17 - 05/05/2025

ThS. Nguyễn Mạnh Linh, ThS. Phạm Ngọc Bích, ThS. Nguyễn Đức Tùng

Sử dụng năng lượng tái tạo (NLTT) thay thế các nguồn năng lượng hóa thạch truyền thống có chỉ số phát thải cao như than đá, dầu mỏ đã và đang trở thành xu hướng tất yếu trên toàn cầu. Trong đó đặc biệt quan trọng và cấp thiết là sản xuất điện NLTT. Hiện nay, đây là lĩnh vực được các quốc gia trên thế giới ưu tiên, quan tâm phát triển. Nhu cầu thị trường cho thiết bị, dịch vụ phục vụ sản xuất điện NLTT cũng rất lớn. Mặc dù đã có một số chính sách khuyến khích nhưng tỷ lệ nội địa hóa trong các dự án sản xuất điện NLTT tại Việt Nam còn thấp, tập trung chủ yếu ở các khâu đơn giản, giá trị và hàm lượng công nghệ không cao. Bài viết phân tích hiện trạng sản xuất và cung ứng thiết bị, dịch vụ trong các dự án điện mặt trời và điện gió tại Việt Nam, từ đó đề xuất một số giải pháp trọng tâm để phát triển lĩnh vực này.

Từ khóa: Năng lượng tái tạo; Tỷ lệ nội địa hóa; Công nghiệp điện

1. Chủ trương, chính sách khuyến khích nội địa hóa trong công nghiệp năng lượng tái tạo

Song hành cùng chủ trương phát triển công nghiệp NLTT, Việt Nam luôn định hướng ưu tiên, khuyến khích sản xuất, cung ứng thiết bị, dịch vụ trong công nghiệp NLTT. Tại Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, về sản xuất thiết bị trong ngành năng lượng, Nghị quyết chỉ đạo: “Khẩn trương xây dựng và thực thi các cơ chế, chính sách khuyến khích nâng cao tỉ lệ nội địa hoá trong ngành năng lượng; bảo đảm thực hiện tốt các yêu cầu, chỉ tiêu cụ thể về tỉ lệ nội địa hoá đối với các nhà máy điện nói riêng và dự án năng lượng nói chung”“Tiếp tục triển khai chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm quốc gia về nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng giai đoạn 2021 - 2030, trọng tâm là nghiên cứu chế tạo thiết bị năng lượng và ứng dụng các dạng năng lượng mới, năng lượng tái tạo, năng lượng thông minh, tiết kiệm năng lượng”.

Tại Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển NLTT của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, mục tiêu về sản xuất thiết bị phục vụ công nghiệp NLTT: “Thúc đẩy sự phát triển của công nghệ năng lượng tái tạo và các ngành công nghiệp, xây dựng hệ thống công nghiệp năng lượng tái tạo, đưa tỷ lệ giá trị thiết bị sản xuất trong nước trong lĩnh vực năng lượng tái tạo: Đạt khoảng 30% vào năm 2020; nâng lên đến 60% vào năm 2020; đến năm 2050, đảm bảo đáp ứng nhu cầu trong nước, một phần dành cho xuất khẩu đến các nước trong khu vực và trên thế giới”.

Tại Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch nhấn mạnh giải pháp về tăng cường năng lực trong nước, nội địa hóa thiết bị ngành điện, xây dựng phát triển ngành cơ khí điện, trong đó “tập trung phát triển ngành công nghiệp chế tạo thiết bị năng lượng tái tạo, thiết bị lưu trữ điện năng, công nghệ thu hồi, hấp thụ, lưu trữ và sử dụng các-bon... trong nước để chủ động khai thác tiềm năng sẵn có của nước ta, tăng tính độc lập tự chủ, giảm giá thành sản xuất điện từ năng lượng tái tạo”.

Luật Điện lực (sửa đổi) năm 2024 đã định nghĩa cụ thể về điện NLTT[1] và quy định một điều riêng (Điều 8) về ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN), phát triển công nghiệp chế tạo trong lĩnh vực điện lực. Trong đó nêu rõ: “Các hạng mục, thiết bị và dịch vụ tư vấn quan trọng để duy trì cung cấp điện liên tục, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia phải được sản xuất và cung cấp trong nước ở một số công đoạn. Khuyến khích và hỗ trợ phát triển nghiên cứu công nghệ, công nghiệp thiết kế, chế tạo, lắp đặt và dịch vụ trong lĩnh vực điện lực đáp ứng tối đa nhu cầu trong nước, hướng đến xuất khẩu. Ưu tiên phát triển các ngành chế tạo thiết bị điện, dịch vụ điện. Bảo đảm thực hiện tốt các yêu cầu, chỉ tiêu cụ thể về tỷ lệ nội địa hóa trong công nghiệp điện. Khuyến khích phát triển các doanh nghiệp trong nước có quy mô lớn, đạt trình độ công nghệ tiên tiến, có khả năng thực hiện những dự án phức tạp, đòi hỏi kỹ thuật cao trong lĩnh vực điện lực, đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế”.

Thực hiện các chủ trương trên, công nghiệp sản xuất máy móc, thiết bị cho công nghiệp NLTT đã được ưu tiên, phát triển với một số chính sách ưu đãi, khuyến khích. Cụ thể như sau:

- Thiết bị NLTT, gồm năng lượng gió, mặt trời, sinh khối thuộc Danh mục sản phẩm cơ khí trọng điểm được ưu tiên đầu tư phát triển giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2025 theo Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định số 319/QĐ-TTg, ngày 15/03/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Dự án được hưởng các chính sách khuyến khích về sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm như ưu đãi về đầu tư; thuế xuất, nhập khẩu; vốn và tín dụng;…

- Một số công nghệ, thiết bị phục vụ NLTT thuộc danh mục công nghệ cao và danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển theo Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định số 38/2020/QĐ-TTg ngày 30/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển. Cụ thể là các sản phẩm như: Tấm quang điện (PV) hiệu suất cao và thân thiện môi trường; Hệ thống, thiết bị lưu trữ NLTT hiệu năng cao, dung lượng lớn; Thiết bị điều khiển, thiết bị biến đổi điện tử công suất hiệu suất cao dùng cho: trạm phát điện NLTT, truyền tải điện thông minh;… Các sản phẩm này được ưu đãi, khuyến khích theo Luật Công nghệ cao và các văn bản hướng dẫn; tham gia các chương trình hỗ trợ theo Quyết định số 130/QĐ-TTg, ngày 27 tháng 01 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030.

- Các cụm linh kiện, phụ tùng cho hệ thống thiết bị sản xuất điện năng từ năng lượng mới và NLTT thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển theo Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 03/11/2015 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ. Các sản phẩm CNHT này được ưu đãi đầu tư; thuế thu nhập doanh nghiệp; thuế nhập khẩu;…

- Các doanh nghiệp sản xuất thiết bị điện gió, tấm quang năng, pin lưu trữ và thiết bị chuyển đổi điện sẽ được hưởng ưu đãi về thuế, vốn vay và hỗ trợ đào tạo nhân lực theo Nghị định số 58/2025/NĐ-CP ngày 03/3/2025 của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều của Luật Điện lực về phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới.

2. Thực trạng nội địa hóa trong công nghiệp điện năng lượng tái tạo

Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về phát triển NLTT, đặc biệt là điện mặt trời và điện gió. Với tốc độ tăng trưởng ấn tượng về công suất lắp đặt, Việt Nam trở thành quốc gia đi đầu trong khu vực Đông Nam Á về NLTT. Tính đến hết năm 2024, theo khảo sát của Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương (VIOIT), tổng công suất lắp đặt điện mặt trời đạt khoảng 19.707 MW; điện gió khoảng 5.069 MW. Sự phát triển mạnh mẽ của điện NLTT giúp Việt Nam giảm sự phụ thuộc vào nguồn điện từ năng lượng hóa thạch, hạn chế ô nhiễm môi trường và giảm phát thải khí nhà kính. Điều này phù hợp với cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 về việc đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Trong nước cũng đã thu hút được một số dự án đầu tư sản xuất thiết bị, cung ứng dịch vụ cho công nghiệp điện NLTT. Qua đó nâng cao năng lực sản xuất trong nước. Tỷ lệ nội địa hóa trong các dự án điện NLTT vào khoảng trên 35%. Tuy nhiên hiện nay trong nước mới đảm bảo cung ứng được các công đoạn như lập dự án, lắp đặt, đấu nối. Về máy móc, thiết bị, mới cung ứng các sản phẩm có chi phí và giá trị gia tăng thấp trong tổng thành dự án. Các linh kiện quan trọng, có giá trị cao hầu hết phải nhập khẩu. Cụ thể như sau:

- Trong các dự án điện mặt trời: Hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam có năng lực cung ứng các sản phẩm thuộc hệ khung lắp ráp tấm quang năng; bộ giám sát, điều khiển; dây cáp điện; trạm biến áp, tủ điện. Hai thiết bị quan trọng và có giá trị cao nhất trong hệ thống là tấm quang năng và bộ biến tần chủ yếu phải nhập khẩu. Về tấm quang năng, trong nước có khoảng 10 doanh nghiệp sản xuất, trong đó doanh nghiệp FDI đóng vai trò chủ chốt. Tấm quang năng sản xuất tại Việt Nam chủ yếu phục vụ xuất khẩu (thị trường chính là Hoa Kỳ), trong khi các dự án điện mặt trời trong nước nhập khẩu khoảng 95% tấm quang năng để sử dụng. Về bộ biến tần, mặc dù trong nước cũng đã có doanh nghiệp sản xuất (tiêu biểu là các công ty FDI như KSTAR Việt Nam; Growatt Việt Nam) nhưng các dự án trong nước cũng hầu hết sử dụng bộ biến tần nhập khẩu. Trong giai đoạn tới 2030, Việt Nam có tiềm năng thu hút đầu tư vào sản xuất thiết bị cho điện mặt trời từ khu vực FDI và doanh nghiệp nội địa. Trong đó cần ưu tiên các dự án có công nghệ và sản phẩm chất lượng cao; có định hướng chuyển giao công nghệ và xây dựng chuỗi cung ứng trong nước; phục vụ thị trường nội địa.

- Trong các dự án điện gió trên bờ và gần bờ: hiện các doanh nghiệp Việt Nam đủ năng lực thiết kế, xây dựng phần móng trụ cho điện gió. Về tháp điện gió, hiện trong nước có 02 doanh nghiệp FDI sản xuất và cung ứng cho một số dự án tại Việt Nam (công ty CS Wind và SRE). Về tuabin gió và cánh quạt, hiện trong nước chưa sản xuất được. Ở lớp cung ứng thứ nhất, cung ứng trực tiếp cho các công ty sản xuất tuabin gió, chỉ có một số rất ít doanh nghiệp FDI tham gia như GE Hải Phòng sản xuất máy phát và hệ thống điều khiển điện. Cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia cung ứng trực tiếp khá thấp do chi phí đầu tư lớn, chuỗi cung ứng yêu cầu cao về công nghệ, tiêu chuẩn và chất lượng sản phẩm. Đối với các lớp cung ứng thấp hơn, theo Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, hiện nay tại Việt Nam có khoảng 05 công ty cung cấp các linh kiện cơ khí, với khoảng 100 chủng loại linh kiện phục vụ sản xuất tuabin gió. Các sản phẩm phục vụ công ty FDI và xuất khẩu. Đây là thị trường ngách mà doanh nghiệp Việt Nam có lợi thế để tham gia. Nhìn chung, trong giai đoạn tới 2030, việc thu hút sản xuất nguyên chiếc tuabin gió tại Việt Nam là khó khả thi, tuy nhiên sẽ có tiềm năng sản xuất một số bộ phận cụ thể. Xu hướng hiện nay trên thế giới là tổ chức mạng lưới sản xuất toàn cầu. Một chiếc tua-bin gió thông thường (loại > 1 MW) bao gồm 8.000 chi tiết linh kiện. Cơ hội cho Việt Nam tham gia sản xuất một phần trong đó là khá lớn. Để xác định được bộ phận có lợi thế của Việt Nam, ta có thể chia các bộ phận chính của một chiếc tuabin thành ba loại chính. Loại thứ nhất là các bộ phận đòi hỏi nhiều nguyên vật liệu như tháp điện gió. Loại thứ hai là bộ phận đòi hỏi nhiều lao động như cánh quạt gió. Loại cuối cùng cần nhiều vốn đầu tư như các bộ phận hub, ổ bi, hộp số, máy phát,... Với lợi thế về tài nguyên; lao động; cảng biển; thị trường lớn, cả trong nước và thị trường ASEAN; xu hướng dịch chuyển đầu tư FDI, trong giai đoạn tới Việt Nam có thể thu hút đầu tư FDI vào các sản phẩm thuộc nhóm một và hai. Mặt khác, cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, linh kiện, phụ tùng cho các sản phẩm thuộc nhóm ba có thể trở thành điểm đột phá để Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất tuabin toàn cầu. Thực tế cho thấy đã có một số doanh nghiệp Việt Nam tham gia sản xuất linh kiện, phụ tùng cho tuabin gió và có kết quả khả quan. Tóm lại, đối với cụm tuabin gió, cần tập trung thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế, dựa trên các ưu thế về thị trường, cảng biển (logistic) và nguồn nhân lực. Trong đó ưu tiên các đối tác chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia nắm giữ bí quyết công nghệ sản xuất; các dự án có tác động lan tỏa tới khu vực doanh nghiệp nội địa, có định hướng chuyển giao công nghệ và xây dựng chuỗi cung ứng trong nước. Phát triển hệ thống các doanh nghiệp nội địa cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, linh kiện, phụ tùng, từng bước tham gia vào mạng lưới sản xuất tuabin gió.

- Trong các dự án điện gió ngoài khơi. Hiện chưa có dự án điện gió ngoài khơi nào được triển khai xây dựng tại Việt Nam. Tuy nhiên các dự án điện gió ngoài khơi và các dự án dầu khí có nhiều điểm tương đồng. Theo Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN), đối với điện gió ngoài khơi, ngoài phần tuabin và cáp điện ngầm do một số ít các công ty nước ngoài độc quyền về công nghệ, Việt Nam chưa sản xuất được, thì các phần còn lại đều tương đồng về công nghệ với ngành dầu khí ngoài khơi. Thực tế một số công ty thuộc PVN cũng đã tham gia chế tạo các chân đế tuabin, trạm biến áp ngoài khơi phục vụ các dự án điện gió ngoài khơi trên thế giới. Tiêu biểu là Công ty TNHH MTV dịch vụ cơ khí hàng hải PTSC (PTSC M&C). Tháng 12/2024, PTSC M&C đã hạ thủy và bàn giao 33 kết cấu móng chân đế hút chân không (suction bucket) cho tuabin gió của khách hàng Orsted (Đan Mạch). Hiện nay, PVN đã được Chính phủ giao thí điểm thực hiện dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên tại Việt Nam.

3. Một số giải pháp nhằm tăng cường nội địa hóa trong công nghiệp điện năng lượng tái tạo

Thúc đẩy nội địa hóa trong công nghiệp NLTT có vai trò rất quan trọng, thể hiện ở các khía cạnh: (i) hỗ trợ doanh nghiệp khai thác thị trường rất lớn về công nghiệp NLTT, tạo công ăn việc làm và phát triển kinh tế trong nước; (ii) nâng cao năng lực cạnh tranh của hệ thống DN trong nước; (iii) giảm vốn đầu tư dự án, góp phần giảm giá thành điện sản xuất từ NLTT; (iv) giảm sự phụ thuộc vào thiết bị nhập khẩu, phát triển ngành năng lượng Việt Nam độc lập, tự chủ, gắn với đảm bảo an ninh quốc gia. Trong giai đoạn tới, nhu cầu đầu tư NLTT là rất cao, dung lượng thị trường về máy móc, thiết bị phục vụ công nghiệp điện NLTT cũng rất lớn. Bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều điểm thuận lợi để thu hút đầu tư sản xuất máy móc, thiết bị phục vụ công nghiệp NLTT tại Việt Nam. Tuy nhiên đây là lĩnh vực công nghệ cao, yêu cầu vốn đầu tư lớn, chuỗi cung ứng phức tạp. Mặt khác các quốc gia đều ưu tiên thu hút đầu tư, phát triển sản xuất trong nước, sức ép cạnh tranh là rất lớn. Vì vậy, để phát triển sản xuất trong nước, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa trong các dự án công nghiệp điện NLTT, cần sự quyết tâm và chính sách mạnh mẽ từ phía Chính phủ và doanh nghiệp. Trong giai đoạn tới 2030, xin khuyến nghị một số giải pháp trọng tâm như sau:

Một là, khuyến khích sử dụng NLTT, mở rộng thị trường cho các lĩnh vực sản xuất máy móc, thiết bị, dịch vụ phục vụ công nghiệp NLTT. Triển khai nghiên cứu, xây dựng Luật NLTT theo danh mục nhiệm vụ tại Nghị quyết số 111/NQ-CP ngày 22/07/2024 của Chính phủ: Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17 tháng 11 năm 2022 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Triển khai hiệu quả Nghị định số 57/2025/NĐ-CP ngày 03/03/2025 của Chính phủ Quy định cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện NLTT và khách hàng sử dụng điện lớn. Từng bước hình thành và phát triển thị trường mua bán điện điện cạnh tranh, mở rộng thị trường điện NLTT.

Hai là, nghiên cứu, xây dựng chính sách khuyến khích đầu tư vào sản xuất máy móc, thiết bị, công nghiệp hỗ trợ phục vụ công nghiệp NLTT. Trọng tâm là các ưu đãi, hỗ trợ về thuế, phí; tài chính, tín dụng; hỗ trợ nâng cao năng lực doanh nghiệp về khoa học và công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, hợp tác, liên kết, phát triển thị trường. Giai đoạn đến năm 2030, tập trung ưu tiên phát triển sản xuất một số sản phẩm quan trọng như: tấm quang năng hiệu suất cao; bộ biến tần; tuabin gió và linh kiện, phụ tùng; hệ thống lưu trữ năng lượng; công nghệ xử lý rác thải từ dự án NLTT;... Triển khai xây dựng Nghị định quy định chi tiết về ứng dụng khoa học, công nghệ và phát triển công nghiệp chế tạo trong lĩnh vực điện lực theo Luật Điện lực 2024. Trong đó ưu tiên phát triển công nghiệp chế tạo thiết bị, công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp NLTT; các lĩnh vực công nghiệp nền tảng có liên quan đến sản xuất thiết bị NLTT như công nghiệp luyện kim, cơ khí chế tạo, điện, điện tử.

Ba là, tạo điều kiện thuận lợi nhất để DN nội địa tham gia vào các dự án công nghiệp NLTT. Nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách ưu tiên, khuyến khích các dự án NLTT có sử dụng vật tư, máy móc, thiết bị trong nước sản xuất, tỷ lệ nội địa hóa cao. Các dự án sử dụng vật tư, thiết bị trong nước sản xuất được xét điểm ưu tiên khi tham gia đấu thầu; hỗ trợ tài chính, tín dụng cho phần nghiên cứu, sản xuất trong nước; hỗ trợ giá FIT cho dự án có tỷ lệ nội địa hóa cao khi đi vào hoạt động. Xem xét yêu cầu tỷ lệ nội địa hóa (tỷ lệ sản xuất trong nước) tối thiểu trong các dự án công nghiệp NLTT, nhất là các dự án trọng điểm quốc gia.

Bốn là, nghiên cứu, xây dựng chính sách khuyến khích để thu hút đầu tư, phát triển 2 trung tâm công nghiệp, dịch vụ NLTT liên vùng (tại tại Bắc Bộ, Nam Trung Bộ, Nam Bộ). Trong đó phát triển đồng bộ hệ sinh thái phát triển: các cơ sở sản xuất NLTT; các nhà máy chế tạo thiết bị phục vụ phát triển NLTT, dịch vụ cảng biển, hậu cần phục vụ xây lắp, vận hành, bảo dưỡng; các khu công nghiệp xanh, phát thải các bon thấp; các cơ sở nghiên cứu, đào tạo. Chủ động trong thu hút đầu tư và phân bố không gian phát triển công nghiệp, tăng cường hợp tác, liên kết trong sản xuất thiết bị, dịch vụ công nghiệp NLTT.

Năm là, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp nội địa tiếp cận các khoản tài chính, tín dụng ưu đãi, nhất là cho các hoạt động mở rộng sản xuất, nâng cấp và hoàn thiện quy trình công nghệ, phát triển sản phẩm mới. Nghiên cứu, hoàn thiện chính sách tín dụng xanh cho NLTT; Quỹ phát triển NLTT; Quỹ thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nâng cấp công nghệ, đổi mới công nghệ, chuyển giao công nghệ trong các lĩnh vực sản xuất máy móc, thiết bị, công nghiệp hỗ trợ phục vụ công nghiệp NLTT từ Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia; Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia; Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Sáu là, triển khai hiệu quả Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Trong đó nghiên cứu, ban hành Chương trình phát triển công nghệ và công nghiệp chiến lược; Quỹ đầu tư phát triển công nghiệp chiến lược. Xem xét xây dựng một số viện nghiên cứu trọng điểm quốc gia về NLTT và thiết bị sản xuất NLTT. Khai thác và phát huy hiệu quả hoạt động của các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia; phát triển đồng bộ với hệ thống tổ chức khoa học và công nghệ của doanh nghiệp./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Luật Điện lực (sửa đổi) năm 2024.

2. Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11 tháng 02 năm 2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

3. Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25 tháng 11 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

4. Dự án Năng lượng sạch, chi phí hợp lý và an ninh năng lượng cho các quốc gia Đông Nam Á (CASE), 2023, Đồng lợi ích của chuyển dịch năng lượng trong phát triển công nghiệp Việt Nam.

5. Nguyễn Hoài Sơn, Hà Dương Minh, 2017, Phát triển công nghiệp tua-bin gió nội địa: Con đường nào cho Việt Nam?, Trung tâm con người và thiên nhiên.

 

[1] Theo đó điện NLTT là điện được sản xuất từ một hoặc nhiều nguồn năng lượng sơ cấp sau: a) Năng lượng mặt trời; b) Năng lượng gió; c) Năng lượng đại dương, gồm thủy triều, sóng biển, hải lưu; d) Năng lượng địa nhiệt; đ) Năng lượng từ sức nước, gồm cả thủy điện; e) Năng lượng sinh khối gồm nhiên liệu sinh học và các dạng năng lượng có nguồn gốc từ thực vật; g) Năng lượng từ chất thải của quá trình sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt, trừ chất thải của quá trình sản xuất, kinh doanh có sử dụng nhiên liệu hóa thạch và chất thải được xác định là nguy hại theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; h) Dạng NLTT khác theo quy định của pháp luật.