Tái cơ cấu công nghiệp Quảng Nam trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung giai đoạn đến năm 2030

13:03 - 03/03/2021

Ks Lê Nguyên Thành

Trưởng phòng Phòng Nghiên cứu Phát triển Công nghiệp và Năng lượng

  1. Vài nét về phát triển kinh tế-xã hội và công nghiệp tỉnh Quảng Nam trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (vùng KTTĐ miền Trung)

          Vùng KTTĐ miền Trung gồm 05 địa phương (TT-Huế, Tp Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định) có tổng diện tích trên 27.983 km2 và 6.477 ngàn người, chiếm 8,4% diện tích và 6,7% dân số của cả nước. Trong đó, tỉnh Quảng Nam chiếm 37,6% diện tích và 23,1% về số dân của Vùng.

Vùng nằm ở vị trí chuyển tiếp giữa phía Bắc và phía Nam của nước ta. Từ sự phát triển kinh tế của vùng sẽ góp phần tác động đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng các địa phương duyên hải Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Riêng với các tỉnh vùng Tây Nguyên và các tỉnh trong vùng KTTĐ miền Trung, cùng kết hợp thành một thể tương đối thống nhất, đặc thù, bổ trợ cho nhau trong phát triển kinh tế. Các địa phương trong vùng không những là điểm trung chuyển hàng hóa của các tỉnh Tây Nguyên mà còn là cửa ngõ ra biển thuận tiện nhất cho vùng Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan và Đông Bắc Campuchia thông qua hành lang kinh tế Đông-Tây trong tương lai.

Quảng Nam cùng với các địa phương trong vùng KTTĐ miền Trung nằm trên trục giao thông đường sắt, đường bộ, đường hàng không và hệ thống cảng biển quan trọng (Chân Mây, Tiên Sa, Liên Chiểu, Kỳ Hà, Dung Quất, Quy Nhơn,…) tạo thành hệ thống hạ tầng kết nối khá thuận lợi, phục vụ cho đầu tư phát triển kinh tế-xã hội Vùng và thông thương với thế giới.

          Trong giai đoạn từ 2011 đến nay, mật độ kinh tế của Vùng[1] có xu hướng tăng dần qua các năm, từ 5,0 tỷ đồng/km2 tăng lên 13,4 tỷ đồng/km2. Tuy nhiên, chỉ số này vẫn thấp hơn mức bình quân chung của cả nước (đạt 18,4 tỷ đồng/km2) và đang có sự chênh lệch lớn so với 02 vùng KTTĐ Bắc Bộ và Phía Nam.

Riêng với Quảng Nam, mật độ kinh tế của tỉnh trong giai đoạn vừa qua đã tăng từ 2,7 tỷ đồng/km2 (năm 2010), lên 8,7 tỷ đồng/km2 (năm 2018). Tuy nhiên, mức tăng này vẫn thấp hơn mức bình quân chung của Vùng trong cùng thời kỳ (đạt 13,4 tỷ đồng/km2).

Trong giai đoạn từ 2011-2018, GRDP của nền kinh tế Quảng Nam có tốc độ tăng trưởng tốt, đạt 11,5%/năm, cao hơn tăng trưởng kinh tế của Vùng (đạt 8,9%/năm). Từ mức tăng trưởng này, đóng góp GRDP của Quảng Nam trong Vùng đã có xu hướng tăng khá nhanh, từ 20,5% năm 2010, tăng lên 21,7% năm 2015 và đến năm 2018, đã chiếm khoảng 24,4% trong tổng GRDP của 05 địa phương trong vùng KTTĐ miền Trung.

Theo loại hình kinh tế, hiện GRDP của Vùng được đóng góp chủ yếu từ khu vực kinh tế ngoài Nhà nước, với tỷ trọng 59,6%; tiếp theo là khu vực Nhà nước (chiếm 24,7%), khu vực FDI (6,8%) và Thuế sản phẩm trừ trợ cấp xã hội (8,9%). Tính riêng khu vực kinh tế ngoài Nhà nước của Vùng, đóng góp của Quảng Nam tiếp tục tăng dần theo các năm, từ 21,6% năm 2010, tăng lên 22,1% năm 2015 và đến năm 2018, đạt 24,6% trong tổng GRDP khu vực kinh tế ngoài Nhà nước của vùng KTTĐ miền Trung.

Đến năm 2018, GRDP/người của tỉnh đạt khoảng 61,1 triệu đồng/người (~2.650 USD/người), tương đương 105% mức trung bình Vùng, qua đó cải thiện nhanh so với mức đạt 92% của tỉnh tại thời điểm năm 2015.

Năng suất lao động của kinh tế Quảng Nam đến nay đạt hơn 90 triệu đồng/lao động, tương đương 102% mức bình quân của vùng (xếp trên Quảng Ngãi, Bình Định, TT-Huế và chỉ đứng sau Tp Đà Nẵng).

Đến năm 2018, số dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực trên địa bàn Quảng Nam là 190 dự án với tổng vốn đăng ký đạt trên 6.037 triệu USD, cao nhất trong 05 địa phương và chiếm gần 35% tổng vốn đăng ký của cả vùng KTTĐ miền Trung. Hiện vốn đầu tư trung bình dự án FDI của Quảng Nam cũng đạt cao nhất trong Vùng, khoảng 31,8 triệu USD/dự án, cao gần 2 lần mức trung bình của Vùng (đạt ~16,1 triệu USD/dự án) và trên 2,5 lần trung bình của cả nước (đạt ~12,4 triệu USD/dự án).

Công nghiệp của Vùng hiện tập trung chủ yếu ở 03 nhóm ngành, đó là: Nhóm lọc dầu, hóa chất, nhựa, cao su; nhóm sản xuất cơ khí, chế tạo và nhóm chế biến thực phẩm, đồ uống, với tỷ trọng giá trị công nghiệp của 03 nhóm luôn chiếm trên 75% trong cơ cấu công nghiệp vùng.

Đến nay, số lượng doanh nghiệp công nghiệp của Quảng Nam có khoảng 2.000 doanh nghiệp, cùng số lao động khoảng 91.570 người, chiếm 35,6% số doanh nghiệp và 25,7% số lao động doanh nghiệp công nghiệp của 05 địa phương trong Vùng KTTĐ miền Trung.

So sánh ngành công nghiệp của từng địa phương trong Vùng, đến nay công nghiệp của Quảng Nam có quy mô thứ hai (sau tỉnh Quảng Ngãi)[2]. Cụ thể trong giai đoạn từ 2011-2018, ngành công nghiệp (không tính ngành xây dựng) của Quảng Nam đã đạt tăng trưởng 11,8%/năm, đưa tỷ trọng đóng góp của VA công nghiệp tỉnh trong VA công nghiệp Vùng tăng dần, từ 19,6% năm 2010, lên 22,0% năm 2015 và đạt 25% vào năm 2018.

Nổi bật trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh Quảng Nam trong các giai đoạn qua, là sự phát triển mạnh mẽ của Khu kinh tế mở Chu Lai, trong đó có một số ngành của khu kinh tế đã tạo ra sản phẩm công nghiệp chủ lực, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Trên thực tế khu kinh tế không những là khu vực động lực phát triển kinh tế và công nghiệp của tỉnh, mà còn là một trong những khu vực động lực phát triển của vùng KTTĐ miền Trung.

Thời gian tới, khu kinh tế sẽ tiếp tục được đầu tư và phát triển để trở thành khu kinh tế biển đa ngành, đa lĩnh vực; một trong những hạt nhân, trung tâm phát triển lớn của vùng KTTĐ miền Trung, với trọng tâm là phát triển trung tâm công nghiệp ô tô và công nghiệp phụ trợ ngành ô tô, hàng không; trung tâm cơ khí – điện và sản phẩm hóa dầu, nông nghiệp công nghệ cao và các ngành du lịch, dịch vụ gắn với việc khai thác sân bay Chu Lai và hệ thống cảng Chu Lai - Kỳ Hà…

Một số chỉ số kinh tế và công nghiệp của Quảng Nam chuyển dịch trong vùng kinh tế trọng điểm Miền Trung

 

Đơn vị: Giá hiện hành

TT

Chỉ tiêu

Đơn vị

2010

2015

2018

1

GRDP kinh tế Vùng

%

100

100

100

 

- GRDP Quảng Nam

20,5

21,7

24,4

 

- GRDP 04 địa phương còn lại

79,5

78,3

75,5

2

GRDP ngoài Nhà nước của Vùng

Tỷ đồng

82.004

165.697

220.515

 

- Quảng Nam

%

21,6

22,1

24,6

3

Tăng trưởng VA công nghiệp Vùng

(GĐ 2011-2015 và 2016-2018)

%/năm

(giá 2010)

 

11,5

7,5

 

- Quảng Nam

 

15,9

13,9

4

VA ngành công nghiệp Vùng

%

100

100

100

 

- Công nghiệp Quảng Nam

19,6

22,0

25,0

 

- Công nghiệp 04 ĐP còn lại

80,4

78,0

75,0

5

Tỷ trọng CN trong kinh tế Vùng

%

28,7

31,2

29,9

 

- Tỷ trọng CN của Quảng Nam

27,4

31,7

30,6

6

VĐT ngành CN toàn Vùng

Tỷ đồng

31.470

28.520

64.231

 

- Quảng Nam

%

17,5

18,8

20,8

7

GRDP/người Vùng

USD

1.207

2.043

2.525

 

- Quảng Nam

%

85

92

105

(Nguồn: NGTK các địa phương trong Vùng-Viện NCCLCSCT)

  1. Định hướng liên kết phát triển công nghiệp các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung

Trong quá trình phát triển, công nghiệp tỉnh Quảng Nam cần phối hợp với các địa phương trong Vùng, nhằm hạn chế tình trạng cục bộ, đầu tư chồng chéo, cạnh tranh không cần thiết, làm triệt tiêu nội lực phát triển của các địa phương trong vùng KTTĐ miền Trung.

Dựa trên thế mạnh, tiềm năng và điều kiện đặc thù của địa phương trong vùng KTTĐ, định hướng chung về liên kết phát triển công nghiệp Quảng Nam và các địa phương trong Vùng như sau:

- Tăng cường hợp tác, liên kết giữa các ngành, doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tỉnh với các địa phương trong vùng KTTĐ để sử dụng có hiệu quả, tiết kiệm các nguồn lực, nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh. Hình thành sự phân công sản xuất, tham gia chế tạo trong từng công đoạn sản phẩm.

- Gắn kết Khu kinh tế mở Chu Lai-tỉnh Quảng Nam với Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi) và các ngành công nghiệp phụ trợ gắn với Cảng hàng không Chu Lai. Phối hợp khai thác hiệu quả lợi thế so sánh về địa lý, hệ thống kết cấu hạ tầng và kinh tế Biển của hai khu kinh tế, trong việc thu hút và triển khai thực hiện dự án đưa khí vào bờ từ mỏ khí Cá Voi Xanh và các dự án tiếp theo (như điện khí…), tạo động lực phát triển mới của tỉnh, vùng trong các giai đoạn tới. Cụ thể:

+ Ngành sản xuất máy và thiết bị cơ khí nặng được bố trí sản xuất chủ yếu ở Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi).

+ Sản xuất ô tô, ưu tiên xe tải, xe buýt chất lượng cao, xe chuyên dụng tại Quảng Nam; sản xuất phương tiện vận tải thủy được triển khai ở cả Vùng, nhưng tập trung quy mô lớn ở Quảng Ngãi; vận tải thủy chuyên dụng ở Đà Nẵng.

+ Công nghiệp hỗ trợ cho ngành cơ khí chế tạo, luyện kim phát triển ở Quảng Nam, Đà Nẵng và Quảng Ngãi.

+ Thiết bị điện, thiết bị năng lượng tập trung sản xuất ở Đà Nẵng, Bình Định.

+ Ngành công nghiệp sản xuất máy và thiết bị nông nghiệp được khuyến khích đầu tư sản xuất ở các địa phương, nhưng tập trung chủ yếu ở Quảng Nam, Bình Định.

+ Sản xuất thiết bị y tế, cơ khí chính xác; dược phẩm, sản phẩm hóa dược khuyến khích tập trung ở TT-Huế, Đà Nẵng và Bình Định.

+ Sản xuất linh kiện, thiết bị điện tử, lắp ráp điện tử, pin năng lượng ở Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định.

+ Các sản phẩm từ lọc hóa dầu tại Quảng Ngãi, Quảng Nam.

- Các nguyên liệu cho cao su (dây thép tanh, than đen, chất độn, hóa chất phụ gia,…) tại Quảng Ngãi. Các chi tiết nhựa linh kiện kỹ thuật, ô tô tại Quảng Nam.

+ Sản phẩm may mặc, giày dép tại 05 địa phương trong Vùng. Phát triển các sản phẩm phụ trợ cho ngành dệt may, da giày tại Quảng Nam, Bình Định.

III. Tái cơ cấu ngành công nghiệp Quảng Nam trong vùng KTTĐ miền Trung giai đoạn đến năm 2030

  1. Quan điểm tái cơ cấu ngành công nghiệp

Tái cơ cấu công nghiệp Quảng Nam phải đặt trong mối quan hệ tổng thể với tái cơ cấu kinh tế toàn tỉnh, phù hợp với quá trình tái cơ cấu công nghiệp chung của cả nước và vùng KTTĐ Miền Trung, đồng thời gắn với quá trình hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế.

Đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu công nghiệp của Quảng Nam gắn với nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh. Chuyển dịch cơ cấu nội bộ các ngành công nghiệp của tỉnh theo hướng tăng dần cơ cấu công nghiệp công nghệ cao, trên cơ sở sắp xếp các nhóm ngành công nghiệp theo mức độ ưu tiên để phân bổ các nguồn lực hợp lý và phù hợp với thế mạnh của từng ngành/lĩnh vực công nghiệp.

Tận dụng thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ ngành công nghiệp và đổi mới sáng tạo; gia tăng tỷ lệ giá trị nội địa trong sản xuất các ngành công nghiệp.

Xây dựng môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư của các thành phần kinh tế; từng bước nâng cao năng lực quản lý điều hành và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, gắn với điều chỉnh cơ cấu ngành nghề đào tạo.

Tái cơ cấu công nghiệp Quảng Nam cần gắn chặt với phát triển dịch vụ; xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng công nghiệp, và phát triển hệ thống đô thị, đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường và an sinh xã hội.

  1. Mục tiêu phát triển

2.1. Giai đoạn đến năm 2025

- Tiếp tục tập trung vận hành và khai thác hiệu quả Khu kinh tế mở Chu Lai. Đẩy mạnh phát triển các sản phẩm cơ khí trong một số ngành/lĩnh vực ô tô, linh kiện phụ tùng ô tô; sản phẩm máy nông nghiệp, thiết bị công nghiệp,… theo hướng đầu tư chiều sâu, nâng cao chất lượng và hiệu quả sản phẩm, thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao tỷ trọng công nghiệp-dịch vụ.

- Tập trung thu hút đầu tư mạnh một số sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong các ngành/sản phẩm điện tử, cơ khí, dệt may, da giày,… gắn kết với phát triển một số ngành công nghiệp của tỉnh và trong toàn vùng KTTĐ miền Trung.

- Tiếp tục hoàn thiện hạ tầng khu, cụm công nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư và phát triển các dự án sản xuất. Hướng lựa chọn các dự án công nghiệp có hiệu quả đầu tư và công nghệ cao, có hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường tiên tiến.

- Trong giai đoạn đến năm 2025, Quảng Nam trở thành trung tâm công nghiệp lớn của cả nước và mang tầm khu vực về công nghiệp cơ khí ô tô và công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô, có sức lan tỏa, tác động đến phát triển công nghiệp toàn Vùng.

2.2. Giai đoạn 2026-2030

- Phát triển công nghiệp sử dụng khí thiên nhiên, năng lượng sạch; công nghiệp chế biến, chế tạo phục vụ nông nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Phát triển chế biến lương thực, thực phẩm và công nghiệp dệt may, da giày, nhưng ưu tiên tập trung vào các khâu tạo giá trị gia tăng cao, gắn với các quy trình sản xuất thông minh, tự động hóa.

- Ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp như: công nghệ cơ khí, điện tử; công nghệ thông tin;... ở trình độ tiên tiến của thế giới, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo ra nền tảng công nghệ số cho một số ngành công nghiệp và kinh tế khác của tỉnh Quảng Nam cũng như toàn vùng phát triển.

- Đầu tư xây dựng và phát triển Khu kinh tế mở Chu Lai từng bước trở thành khu kinh tế biển đa ngành, đa lĩnh vực, một trong những hạt nhân, trung tâm phát triển lớn của vùng KTTĐ miền Trung.

- Phấn đấu trong giai đoạn đến năm 2030, công nghiệp tỉnh Quảng Nam có một số nhóm ngành/sản phẩm công nghiệp hiện đại, chuyên môn hóa cao, gắn với phát triển ổn định và bền vững trong vùng KTTĐ miền Trung và cả nước.

  1. Định hướng phát triển nhóm ngành/sản phẩm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đến năm 2030

Trên cơ sở các ngành công nghiệp đã được hình thành và phát triển trên địa bàn tỉnh, cùng quan điểm và định hướng quá trình tái cơ cấu công nghiệp tỉnh Quảng Nam; sự hợp tác, liên kết giữa các địa phương trong vùng KTTĐ miền Trung và đặc biệt là từ mục tiêu phấn đấu xây dựng tỉnh Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển khá của vùng và cả nước, dự kiến các nhóm ngành/sản phẩm công nghiệp sẽ được ưu tiên, khuyến khích phát triển trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn đến năm 2030, được định hướng như sau:

3.1. Nhóm ngành/sản phẩm công nghiệp ưu tiên phát triển

Đây là các ngành/sản phẩm công nghiệp luôn duy trì chiếm tỷ trọng cao so với ngành công nghiệp khác trong cơ cấu công nghiệp của tỉnh. Những ngành, sản phẩm công nghiệp này có vị thế chi phối và tốc độ tăng trưởng ảnh hưởng đến phát triển và ổn định của toàn ngành công nghiệp nói riêng và kinh tế của tỉnh nói chung.

          Nhóm ngành này có khả năng tạo ra giá trị gia tăng cao, làm thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu công nghiệp Quảng Nam, theo hướng hiện đại, trên cơ sở hàm lượng kỹ thuật, công nghệ và tính chuyên môn hóa cao. Ngoài ra, đây cũng chính là nhóm ngành/sản phẩm công nghiệp có tính dẫn dắt và tác động đến phát triển công nghiệp toàn vùng, góp phần quan trọng đưa tỉnh Quảng Nam trở thành một trung tâm động lực phát triển công nghiệp của vùng KTTĐ miền Trung và cả khu vực duyên hải miền Trung-Tây Nguyên.

          Dự kiến nhóm ngành/sản phẩm công nghiệp được tập trung ưu tiên phát triển trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, bao gồm: Công nghiệp cơ khí phục vụ cho sản xuất, lắp ráp ô tô; cơ khí chế tạo, lắp ráp xe-máy phục vụ cho sản xuất; điện tử, cơ khí-điện và sản phẩm hóa dầu; điện-khí và các sản phẩm công nghiệp sử dụng năng lượng, sản phẩm sau khí;… và một ngành công nghiệp có kỹ thuật cao khác.

3.2. Nhóm ngành/sản phẩm công nghiệp duy trì phát triển và mở rộng hợp lý

Đây là nhóm ngành công nghiệp không có nhiều điều kiện, cơ hội đầu tư và phát triển mạnh hoặc là những ngành/sản phẩm công nghiệp tạo nhiều việc làm cho lao động, nhưng vẫn cần thu hút đầu tư một cách hợp lý để phục vụ cho phát triển hạ tầng, nhu cầu tiêu dùng, tham gia xuất khẩu, mở rộng thương mại quốc tế và góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, đóng góp cho công tác an sinh xã hội.

Dự kiến trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, nhóm ngành/sản phẩm công nghiệp này gồm có: Chế biến nông, lâm, thủy sản, thực phẩm; năng lượng mới và năng lượng tái tạo; dệt may-da giày; sản xuất VLXD; TTCN và sản phẩm nông thôn.

3.3. Nhóm ngành/sản phẩm công nghiệp hỗ trợ

Dự kiến là các nhóm ngành/sản phẩm công nghiệp sau: Công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí chế tạo, điện tử và công nghiệp công nghệ cao; Công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may, da giày.

  1. Một số giải pháp tái cơ cấu công nghiệp Quảng Nam

Công nghiệp tỉnh Quảng Nam đã và đang có những cơ hội để tiếp tục đầu tư, khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của tỉnh, để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tiếp tục đưa ngành công nghiệp Quảng Nam đóng góp cao trong công nghiệp của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Để có thể tiếp tục phát triển với một tốc độ cao, ổn định và nâng cao chất lượng phát triển công nghiệp trong một thời gian dài đến 2030, hướng đến một cơ cấu công nghiệp hợp lý, năng động, có giá trị tăng thêm cao và nhất là phải thân thiện với môi trường, ngành công nghiệp Quảng Nam cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:

Tạo lập môi trường đầu tư và phát triển dịch vụ công nghiệp: Tiếp tục ổn định và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Quảng Nam, trong đó tập trung cải thiện vào 04/10 chỉ số, bao gồm: Chi phí không chính thức, Cạnh tranh bình đẳng, Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp và Đào tạo lao động.

Cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, hỗ trợ nhà đầu tư từ khâu khảo sát, tìm kiếm cơ hội đầu tư đến khâu triển khai thực hiện và đưa dự án vào hoạt động. Tập trung vào một đầu mối giải quyết thủ tục cho nhà đầu tư; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết các thủ tục hành chính phục vụ đầu tư phát triển ngành công nghiệp.

Hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận dễ dàng, thuận lợi với nguồn vốn vay, thị trường, khoa học công nghệ.

Bảo đảm quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp theo khuôn khổ pháp luật. Tạo dựng môi trường pháp lý thuận lợi, an toàn, thông thoáng, công bằng, minh bạch, không phân biệt thành phần kinh tế, vì doanh nghiệp, trợ giúp doanh nghiệp, nhà đầu tư yên tâm đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh.

Phát triển thị trường: Triển khai các Hiệp định thương mại, cam kết của Việt Nam đã ký kết, để các doanh nghiệp trên địa bàn Quảng Nam, tranh thủ cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu. Tổ chức hội nghị, hội thảo cho các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn tỉnh, để tăng cường, bổ sung kiến thức, thông tin về các hiệp định thương mại FTA mà Việt Nam đã ký kết và chuẩn bị ký kết.

Xây dựng Danh mục xác định ngành, sản phẩm công nghiệp có lợi thế và không có lợi thế, xác định thị trường trọng điểm, thị trường tiềm năng tham gia xuất khẩu trong quá trình hội nhập, dựa trên các FTA đã và chuẩn bị ký kết làm cơ sở hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường xuất khẩu.

Xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu dùng (kết nối nhà sản xuất, kinh doanh với nhà phân phối trong nước), tăng sự hiện diện các mặt hàng của Quảng Nam trên thị trường trong nước. Ưu tiên phát triển thị trường trung và dài hạn cho thị trường nội địa; xây dựng kênh truyền thông về tuyên truyền quảng bá sản phẩm của tỉnh trên địa bàn cả nước.

Xây dựng và thực hiện hiệu quả chương trình hợp tác về thương mại giữa tỉnh Quảng Nam và các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung để tổ chức nghiên cứu thị trường và hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng quan hệ cung ứng hàng hóa một cách ổn định, lâu dài.

Thu hút vốn đầu tư ngành công nghiệp và phát triển doanh nghiệp: Vận dụng phù hợp các cơ chế chính sách của Trung ương ban hành, kết hợp với cơ chế, chính sách của tỉnh để có sức hấp dẫn các nhà đầu tư. Tập trung giải quyết các cơ chế, chính sách về giao đất, cho thuê đất; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư chuẩn bị mặt bằng; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu; xúc tiến thị trường tiêu thụ sản phẩm; đào tạo lao động...

Xây dựng giải pháp và chính sách đột phá tạo lập môi trường khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp. Thu hút mời gọi các quỹ đầu tư khởi nghiệp, các quỹ đầu tư mạo hiểm trong và ngoài nước. Thúc đẩy, hỗ trợ hộ kinh doanh cá thể công nghiệp, từng bước chuyển sang hoạt động theo hình thức doanh nghiệp.

Tạo thuận lợi và phát triển mạnh doanh nghiệp tư nhân; hoàn thiện các thủ tục hành chính và xây dựng cơ chế, chính sách, đất đai hợp lý để thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã, kinh tế hộ gia đình; khuyến khích hình thành doanh nghiệp lớn hơn.

Xây dựng và triển khai các chính sách nâng cao năng lực công nghệ, quản trị cho doanh nghiệp công nghiệp của tỉnh; khuyến khích khởi nghiệp, mở rộng sản xuất kinh doanh, phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp chủ lực, công nghiệp hỗ trợ của Quảng Nam.

Giải pháp khoa học và công nghệ phục vụ chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp và phát triển nguồn nhân lực: Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ phục vụ sản xuất của doanh nghiệp. Khuyến khích các doanh nghiệp trên địa bàn Quảng Nam tập trung đầu tư cải tiến, đổi mới công nghệ sản xuất, đồng bộ hóa công nghệ trong những ngành có lợi thế của tỉnh.

Không thu hút các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm cao, dự án có công nghệ lạc hậu, tiêu hao nhiều nhiên, nguyên, vật liệu.

Cải cách thủ tục hành chính trong việc thực hiện các chương trình hỗ trợ của Nhà nước, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia và hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước về khoa học công nghệ.

Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng cho những người làm quản lý, quản trị, trong các doanh nghiệp hiện hữu và khởi sự để chủ động thích ứng với biến động của thị trường, và hội nhập kinh tế quốc tế.

Đẩy mạnh xã hội hóa đào tạo kỹ thuật, công nghệ. Khuyến khích khu vực tư nhân và doanh nghiệp tham gia đào tạo nhân lực công nghiệp chất lượng cao; gắn chặt chẽ giữa đào tạo với hoạt động sản xuất, kinh doanh và nhu cầu của thị trường lao động công nghiệp.

Tập trung các giải pháp xây dựng đội ngũ công nhân lành nghề, có tác phong công nghiệp; làm tốt công tác dự báo, kết nối cung-cầu lao động để định hướng ngành nghề đào tạo trong tỉnh.        

Tăng cường quản lý Nhà nước ngành công nghiệp: Đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm công khai minh bạch, nâng cao hiệu quả chỉ số quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), chỉ số cải cách hành chính (PAR-index).

Nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động hành chính, đảm bảo phần lớn các giao dịch hành chính, cung cấp dịch vụ công, thông tin về cơ chế, chính sách được thực hiện qua mạng; đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, thái độ phục vụ… của cán bộ, công chức, nhất là khi làm việc với nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Kiện toàn tổ chức (bộ máy, nhân sự) đáp ứng nhu cầu quản lý Nhà nước về công nghiệp (quận, huyện); tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan Nhà nước trong công tác phục vụ doanh nghiệp và xã hội phát triển.

Tuyên truyền cho xã hội và nâng cao nhận thức của lãnh đạo các cấp, các ngành và địa phương, doanh nghiệp và toàn xã hội về cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tăng cường hội nhập quốc tế và thông tin, truyền thông tạo hiểu biết và nhận thức đúng về bản chất, đặc trưng, các cơ hội và thách thức của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để có cách tiếp cận, giải pháp phù hợp, hiệu quả trong quá trình quản lý, điều hành và sản xuất kinh doanh.                                                                                  

Bảo vệ môi trường: Đẩy mạnh công tác truyền thông môi trường nhằm tăng cường thực thi trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với môi trường. Tăng cường công tác giáo dục, đào tạo, nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và người lao động, trong việc phòng ngừa ô nhiễm và bảo vệ môi trường.

Khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư phát triển ngành công nghiệp môi trường (xử lý chất thải rắn, tái sử dụng chất thải…). Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp môi trường được hưởng các chính sách ưu đãi cao nhất về đất đai, vốn, thuế theo quy định của pháp luật.

Thực hiện đầy đủ các giải pháp bảo vệ môi trường theo quy định tại Thông tư số 35/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về bảo vệ môi trường khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và Thông tư 31/2016/TT-BTNMT ngày 14 tháng 10 năm 2016 về bảo vệ môi trường cụm công nghiệp, khu kinh doanh, dịch vụ tập trung, làng nghề và cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ.

 

 

 

Tài liệu tham khảo:

- Niên giám Thống kê 05 địa phương Vùng KTTĐ miền Trung.

- Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

- Quy hoạch phát triển công nghiệp Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

- Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Quảng Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

 

[1] GDP/km2 hoặc GRDP/km2 (Phản ánh quy mô, hiệu quả hoạt động, độ hấp dẫn của vùng địa lý)

[2] Riêng N/m lọc dầu Dung Quất chiếm 70-75% giá trị sản xuất công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi