Tác động của Hiệp định EVFTA đến xuất khẩu mặt hàng nông sản của Việt Nam: Thực trạng và giải pháp

09:52 - 06/09/2022

Trịnh Văn Thảo

Thạc sĩ, Nghiên cứu sinh tại Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương

(Bài viết đăng trên Tạp chí in số 74 (T8/2022)

Liên minh châu Âu (EU) là thị trường có kim ngạch nhập khẩu đứng thứ 2 thế giới, nhưng Việt Nam mới chiếm khoảng 2% thị phần trong tổng kim ngạch nhập khẩu của EU. Việt Nam đã nỗ lực để có thể tham gia vào các khâu có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị toàn cầu với nhiều sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu cao như cà phê, gạo, hoa quả và từng bước, tiếp cận được với hệ thống bán lẻ ở nước ngoài thông qua các chuỗi cung ứng của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- EU (EVFTA) là cơ hội để Việt Nam nâng cao kim ngạch xuất khẩu nông sản, nhất là với các sản phẩm có thế mạnh, có lợi thế cạnh tranh, với những cam kết sâu như cam kết xoá bỏ thuế nhập khẩu lên tới 99% dòng thuế nhập khẩu giữa hai bên được xóa bỏ trong vòng 7-10 năm. Bài viết giới thiệu các cam kết về nông sản trong EVFTA, sử dụng phương pháp nghiên cứu tình huống để đánh giá thực trạng xuất khẩu mặt hàng vải thiều và gạo sang thị trường EU, rút ra những tác động của EVFTA đến một số mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam nói chung và mặt hàng vải thiều, gạo nói riêng, từ đó đề xuất những giải pháp nhằm đẩy mạnh xuất khẩu các hàng nông sản của Việt Nam sang thị trường EU trong thời gian sắp tới.

Từ khoá: Gạo; EU; EVFTA, Nông sản; Vải thiều; Xuất khẩu.

 1. Khái quát về các cam kết về nông sản trong EVFTA

EVFTA là Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới nhằm cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, đồng thời phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Hiệp định gồm 17 Chương, 2 Nghị định thư và một số biên bản ghi nhớ kèm theo với các nội dung chính là: thương mại hàng hóa (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), quy tắc xuất xứ, hải quan và thuận lợi hóa thương mại, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS), các rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT), thương mại dịch vụ (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ, thương mại và Phát triển bền vững, hợp tác và xây dựng năng lực, các vấn đề pháp lý - thể chế.

Đối với xuất khẩu của Việt Nam, ngay khi hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 07 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%. Đối với hàng nông sản của Việt Nam, cam kết trong EVFTA dành nhiều ưu đãi cho nhiều nhóm hàng, phù hợp với những lợi thế của Việt Nam trong quan hệ với thị trường này (xem bảng 1).

2. Năng lực cạnh tranh của mặt hàng vải thiều và gạo của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU

2.1. Mặt hàng vải thiều

Hiện nay, vải thiều của Việt Nam đã được xuất khẩu, tiêu thụ tới khoảng hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. Mặc dù Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu chính, nhưng trong thời gian vừa qua Việt Nam đã đẩy mạnh xuất khẩu vải sang một số thị trường mới như EU, Nhật Bản, Australia, Mỹ... Đặc biệt, vải thiều Việt Nam rất được yêu thích tại thị trường EU nhưng các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa xuất khẩu trực tiếp được nhiều sang thị trường này. Đây là các thị trường tiềm năng mà các vùng trồng vải Việt Nam đang cố gắng kết nối để mở rộng phạm vi tiêu thụ loại quả đặc sản này thông qua những cơ hội mà Hiệp định EVFTA mang lại. Cùng với sự phát triển của hội nhập quốc tế, Việt Nam tham gia nhiều FTA với nhiều đối tác mới đang tạo ra các cơ hội lớn để tiếp tục đưa trái vải Việt Nam ra thị trường thế giới. Hiện EU là thị trường xuất khẩu thứ tư của rau, quả Việt Nam, với nền tảng sẵn có này cộng thêm việc miễn giảm thuế nhập khẩu theo cam kết trong EVFTA đang tiếp sức để giúp tăng khả năng cạnh tranh của trái cây Việt Nam so với các đối thủ chưa có FTA với EU như Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia, Indonesia...

Tháng 6 năm 2021, đánh dấu sự kiện lần đầu tiên quả vải thiều Việt Nam được đưa vào thị trường EU theo đường chính ngạch, bắt đầu là Cộng hòa Séc, sau đó là Pháp, Bỉ, Hà Lan. Việc miễn giảm thuế nhập khẩu theo cam kết trong Hiệp định EVFTA là một điều kiện thuận lợi cho quả vải thiều Việt Nam chinh phục Cộng đồng 27 quốc gia nổi tiếng khắt khe về tiêu chí an toàn thực phẩm. Vải thiều của Việt Nam được biết đến Thanh Hà của Hải Dương và Lục Ngạn tại Bắc Giang được trồng theo tiêu chuẩn Global GAP, Vietgap, … được khách hàng thế giới ưa chuộng và các doanh nghiệp trong nước đã có những nỗ lực nhằm đáp ứng nhiều yêu cầu khắt khe của các thị trường EU. Các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam đã mất nhiều thời gian để tìm hiểu, nghiên cứu nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật để tiến hành xuất khẩu vải thiều sang thị trường châu Âu và tiến tới đàm phán các thủ tục cần thiết cho việc xuất khẩu. Với những yêu cầu nghiêm ngặt của thị trường EU, hành trình để quả vải sang được tay người tiêu dùng châu Âu không hề đơn giản. Ngay từ đầu vụ, vùng vải phục vụ sản xuất sang EU phải được các đối tác nhập khẩu kiểm tra hệ thống quản lí sản xuất và chấp nhận về phần mềm giám sát. Các doanh nghiệp sản xuất/chế biến của Việt Nam đã thực hiện liên kết với nhiều đối tác khác nhau nhằm đầu tư máy móc, trang thiết bị trong khâu sơ chế, bảo quản như xây dựng quy trình xông hơi khử trùng quả vải bằng khí methyl bromide để quả vải đến được thị trường EU vẫn giữ nguyên được độ thơm ngon, an toàn. Tất cả các lô vải thiều chính ngạch vào châu Âu đều được dán tem truy xuất nguồn gốc itrace247 do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) xây dựng. Đây là một trong những tiêu chí quan trọng giúp tạo được niềm tin cho người tiêu dùng châu Âu về an toàn thực phẩm. Vải thiều có tem truy xuất nguồn gốc được bán với nhiều mức giá khác nhau, dao động từ 15 đến 20 euro/kg, thậm chí tại một số siêu thị trong hệ thống Carrefour ở Bruxelles (Bỉ) là 25 euro/kg. Dù được đánh giá về chất lượng nhưng đây vẫn là mức giá cao, gấp 3 lần so với quả vải nhập từ Madagascar hay Nam Phi được bán rộng rãi vào dịp lễ cuối năm ở châu Âu.

Để phục vụ xuất khẩu sang thị trường này, hai tỉnh Hải Dương và Bắc Giang đã có những nỗ lực trong việc xây dựng vùng nguyên liệu đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường EU, cụ thể là:

+ Tỉnh Hải Dương hiện có hơn 9.000 ha vải thiều, trong đó huyện Thanh Hà có hơn 3.300 ha, Chí Linh có hơn 3.500 ha với tổng sản lượng khoảng 55 nghìn tấn. Tỉnh hiện có 45 vùng vải với tổng diện tích 450 ha trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP; 6.300 ha trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Đến nay đã có 1.000 ha được cấp chứng nhận VietGAP, GlobalGAP và 8.000 ha được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu.

+ Năm 2021, tỉnh Bắc Giang có diện tích vải thiều dự kiến đạt khoảng 28.100 ha, sản lượng dự kiến đạt 180.000 tấn. Trong đó, diện tích vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP của tỉnh dự kiến trên 15.200 ha, theo tiêu chuẩn GlobalGAP là 82 ha. Vùng sản xuất để xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Australia.. có diện tích 218 ha, sản lượng ước đạt 1.800 tấn; vùng sản xuất vải thiều sang thị trường Nhật Bản là 219 ha, sản lượng ước đạt 1.800 tấn.

Một số tiêu chuẩn các lô vải thiều xuất khẩu sang thị trường EU:

+ Về độ chín: Thịt quả phải đạt được chất lượng mang hương thơm đặc trưng của vải thiều. Vị ăn vào ngọt đậm đà, tươi mọng nước. Tổng hàm lượng chất khô hòa tan của dịch quả vải không dưới 17%. Toàn bộ mỗi quả vải thiều không hề có mùi vị lạ nào khác. Đồng thời, màu sắc của trái vải tươi sáng, ửng hồng hoặc đỏ đồng đều toàn vỏ.

+ Về cân nặng: Xét về đường kính khi cắt ở bề mặt ngang lớn nhất phải đạt được đúng như tiêu chuẩn đã cam kết trong hợp đồng mua bán giữa hai bên đối tác và không được nhỏ hơn 25mm. Đồng thời, số quả trong tổng lượng cân 1kg không nhiều hơn 65 quả, các cuống vải không dài quá 5mm và được ngắt ở “khất” tự nhiên của cuống quả. Những tiêu chuẩn khắt khe ở trên giúp đảm bảo chất lượng vải thiều xuất khẩu là sản phẩm nông sản tốt nhất.

+ Về hình dáng: Quả vải thiều để có thể đạt chất lượng xuất khẩu còn phải đảm bảo về hình dáng quả. Quả phải tươi, đầy đặn và phát triển bình thường, không bị dập nát hoặc bầm. Đồng thời, chiều dài cuống quả phải đạt mức cho phép như đã thỏa thuận trước trong hợp đồng mua, bán sản phẩm.

Bên cạnh những nỗ lực từ phía các doanh nghiệp, để có được những thành công nhất định trong việc đưa quả vải xâm nhập được vào thị trường EU còn phải kể đến những cố gắng, nỗ lực từ phía các cơ quan quản lý Nhà nước tại các địa phương. Điển hình như huyện Thanh Hà đã quy hoạch vùng trồng tập trung, hướng dẫn quy trình chăm sóc cho bà con nông dân, cử cán bộ tại phòng nông nghiệp xuống theo dõi, giám sát quá trình sản xuất, đặc biệt là việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Đồng thời, huyện Thanh Hà đã triển khai dán tem truy xuất nguồn gốc cho quả vải để bảo vệ thương hiệu đặc sản địa phương. Trước bối cảnh dịch Covid – 19 diễn biến phức tạp, các chuyên gia và đoàn giám sát của EU gặp khó khăn trong công tác kiểm tra, giám sát cũng đã nhận được sự hỗ trợ từ các địa phương trồng vải trong việc đơn giản hoá các thủ tục hành chính, hỗ trợ tối đa mọi điều kiện có thể để giúp thương lái và chuyên gia nước ngoài có thể đến Việt Nam thúc đẩy hoạt động xuất khẩu vải.

Tuy nhiên, hiện tại quả vải xuất khẩu sang đây mới chỉ phục vụ trong cộng đồng của người Việt, chưa xuất hiện nhiều tại các siêu thị, các chuỗi phân phối lớn tại thị trường EU. Bên cạnh đó, vấn đề bao bì đang được đánh giá còn sơ sài, trong thời gian tới cần thiết phải có sự cải tiến để nâng giá trị quả vải so với thị trường Châu Âu.

2.2 Mặt hàng gạo Jasmine 85

Hàng năm EU nhập khẩu khoảng 2,3 triệu tấn gạo, kim ngạch là 1,4 tỷ Euro. Tuy nhiên, năm 2019, Việt Nam xuất khẩu gạo sang EU chỉ đạt 50 nghìn tấn, với kim ngạch 28,5 triệu Euro, trong khi tổng nhập khẩu gạo của EU 2,3 triệu tấn gạo, kim ngạch là 1,4 tỷ Euro. Xuất khẩu gạo của Việt Nam vào EU chỉ bằng 1/6 với Thái Lan, 1/10 Myamnar, 1/4 Campuchia.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 8 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt hơn 4,6 triệu tấn, với trên 2,25 tỷ USD, tăng 10,4% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, các giống OM5451, OM4900, Hương Nhài 85, ST20, RVT, VD20, Nàng Hoa 9, Tài Nguyên Chợ Đào thuộc danh mục gạo thơm xuất khẩu sang EU được hưởng hạn ngạch ưu đãi thuế quan, chiếm từ 43% đến 46% tổng lượng gạo xuất khẩu hàng năm với khoảng trên 3,0 triệu tấn.

Theo cam kết trong EVFTA, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm (gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm). Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm với cam kết này giúp Việt Nam có thể xuất khẩu khoảng 100.000 tấn vào EU hàng năm. Đối với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau 3-5 năm. Năm 2021, lượng gạo của Việt Nam xuất khẩu sang EU đạt 60.000 tấn, trị giá 41 triệu USD, tăng gần 1% về lượng, nhưng tăng hơn 20% về trị giá so với năm 2020. Kể từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam sang EU đã tăng thêm 10 - 20 USD/tấn. Theo cơ quan thống kê của châu Âu, trong số các nguồn cung cấp gạo vào EU, giá gạo của Việt Nam tăng mạnh nhất, với mức tăng hơn 20%.

Xuất khẩu xuất khẩu gạo đang dần khẳng định chỗ đứng tại thị trường EU bởi chất lượng gạo của Việt Nam trong nhiều năm qua đã không ngừng được cải thiện. Các loại gạo thơm, gạo chất lượng cao như ST24, ST25, Jasmine… được người dân khu vực này ưa chuộng. Tháng 9 năm2020, Việt Nam đã xuất khẩu 126 triệu tấn gạo thơm (giống gạo Jasmine 85) sang thị trường EU, đây là lô hàng đầu tiên được hưởng thuế suất 0% kể từ khi hiệp định EVFTA được ký kết, đặc biệt đây là lô hàng được đóng gói theo chuẩn EU là 18 kg/bao.

Đón đầu các cơ hội xuất khẩu gạo chất lượng cao theo cam kết trong EVFTA, thời gian gần đây nhiều địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long đã hạn chế trồng lúa phẩm chất thấp, dần chuyển sang sử dụng giống lúa thơm, lúa chất lượng cao phục vụ cho xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng trong nước. Tại Cần Thơ, bên cạnh các giống lúa thơm Jasmine 85, Đài Thơm 8, VD 20, những năm gần đây, người dân còn sản xuất các giống thơm khác như KDM, lúa Nhật, Hương Châu 6, Nàng Hoa 9. Vụ lúa Đông Xuân 2019-2020, Cần Thơ xuống giống được 79.244ha lúa; trong đó, các loại lúa thơm gồm Jasmine 85, Đài Thơm 8 và RVT chiếm tỷ lệ khoảng 75% diện tích xuống giống, lúa chất lượng cao OM 5451 chiếm 8%. Còn nhóm giống lúa có chất lượng gạo trung bình, phẩm cấp thấp (IR50404) chỉ chiếm 10% diện tích. Tương tự, tỉnh Sóc Trăng cũng đang bước đầu triển khai thực hiện đề án “lúa thơm-tôm sạch” gắn với phát triển thương hiệu giống lúa ST.

  1. Tác động của EVFTA đến xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam

Tác động của EVFTA sẽ là thúc đẩy gia tăng xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam sang thị trường EU thông qua quá trình chuyên môn hoá và khai thác tính kinh tế của quy mô; giúp các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu nông sản Việt Nam sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực, nâng cao năng lực cạnh tranh và tính hiệu quả trong sản xuất. Tuy nhiên, EVFTA có thể gây ra hiện tượng xuất khẩu nông sản vòng và làm phát sinh những chi phí điều chỉnh cho các doanh nghiệp nông sản Việt Nam từ sức ép mở cửa và cải cách. Sức ép cạnh tranh trên thị trường nội địa, những quy định liên quan vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường, lao động, quy trình công nghệ sản xuất và chế biến. Ngoài ra, do cạnh tranh với hàng nhập khẩu từ Việt Nam được hưởng ưu đãi về thuế nên các nước thành viên EU rất chú trọng tới quy định về hàng rào kỹ thuật trong thương mại.

3.1. Tác động tích cực

- Thúc đẩy cải cách thể chế và phát triển kinh tế trong nước

Thông qua những cơ hội EVFTA mang lại, hoạt động xuất khẩu nông sản sang EU có thể là tiền đề khuyến khích và đẩy mạnh một cách mạnh mẽ các chương trình cải cách trong nước vượt ra ngoài phạm vi của các vấn đề “thương mại” trong các hiệp định như: thúc đẩy cạnh tranh, hợp tác và nâng cao năng lực, khuyến khích phát triển các dịch vụ. Nhiều điều khoản của EVFTA cũng sẽ kích thích cải cách thể chế nhằm củng cố và chuẩn hóa các quy tắc, thúc đẩy tính minh bạch, và hỗ trợ thiết lập các thể chế hiện đại ở Việt Nam, đặc biệt là trong những lĩnh vực như môi trường, đầu thầu công, sở hữu trí tuệ, đầu tư, tiêu chuẩn lao động, vấn đề pháp lý, quy tắc xuất xứ và các biện pháp phi thuế quan.

- Gia tăng kim ngạch xuất khẩu nông sản nói chung và các mặt hàng như vải thiều, gạo sang thị trường EU

EVFTA đã mở đường chính ngạch cho các mặt hàng nông sản nói chung cũng như vải thiều và gạo của Việt Nam có cơ hội tiến sâu vào thị trường Châu Âu, kết nối Việt Nam tới một thị trường rộng lớn với 450 triệu dân. Kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường EU đánh dấu những bước phát triển đầu tiên sau khi ký kết hiệp định EVFTA. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU giai đoạn từ 1/8/2019- 1/8/2020 đạt 37,5%, giai đoạn từ 1/8/2020 đến 1/8/2021 là 39.8%. Trong bối cảnh cả Việt Nam và EU đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi Covid-19 thì đây là một kết quá đáng ghi nhận. Nguyên nhân chủ yếu để đạt được kết quản này là hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực từ 1/8/2020. Ngay trong tháng đầu tiên EVFTA có hiệu lực, các mặt hàng nông sản Việt Nam xuất sang EU đã tăng 15% - 17% so với cùng kỳ năm 2019. So với các nước đối thủ cạnh tranh khác tại thị trường này, các sản phẩm của Việt Nam đang có lợi thế khi hưởng thuế 0%.

- Thúc đẩy tốc độ ứng dụng công nghệ, đáp ứng tiêu chuẩn của các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam

EVFTA đã góp phần nâng cao nhận thức của bà con nông dân cũng như các doanh nghiệp sản xuất/chế biến và các doanh nghiệp xuất khẩu nếu muốn tiếp cận thị trường EU cần phải tiến hành sản xuất bài bản, thiết lập vùng trồng nguyên liệu chuyên biệt, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Trước kia, ngành nông sản Việt Nam tập trung phát triển khâu cung ứng nguyên liệu thô, sản phẩn chưa qua chế biến dẫn đến giá trị xuất khẩu thấp. Nhiều nhà máy được trang bị máy móc, thiết bị hiện đại và tất cả đã được chứng nhận về tiêu chuẩn quản lý chất lượng (ISO 9001 và HACCAP). Việc quản lý những nhà máy này được duy trì tốt thông qua các tiêu chuẩn thất lượng do các nước nhập khẩu đề ra đặc biệt đối với sản phẩm nhiễm hoá chất vượt mức dư lượng cho phép (MRL’s) và quy trình sản xuất nông nghiệp tốt (GAP).

- Tạo áp lực cho các doanh nghiệp xuất khẩu tái cấu trúc hoạt động xuất khẩu

EVFTA giúp các doanh nghiệp xuất khẩu tái cấu trúc hoạt động của mình thông qua việc nghiên cứu, tìm hiểu, thiết lập quy trình đưa nông sản của Việt Nam vào thị trường EU thông qua các siêu thị, đưa sản phẩm mẫu để có thể tiếp cận người tiêu dùng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần phải chủ động chuẩn bị năng lực, nguồn hàng, nâng cao sức cạnh tranh thông qua việc xây dựng kế hoạch dài hạn, bài bản và tuân thủ chặt chẽ các quy định về truy xuất nguồn gốc, đồng thời xây dựng và bảo vệ được thương hiệu để thúc đẩy xuất khẩu sang EU bền vững.

3.2. Tác động tiêu cực

- Giảm KNXK do chưa đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật, quy tắc xuất xứ, an toàn vệ sinh thực phẩm

EU là thị trường khó tính, đòi hỏi cao trong tiêu chuẩn sản phẩm. Quy tắc xuất xứ trong EVFTA tuy không mới nhưng khá phức tạp. Đặc biệt, chỉ dẫn địa lý là yêu cầu nhằm nâng cao giá trị nông sản lẫn giá trị pháp lý mặt hàng nông sản trong xuất khẩu là yêu cầu bắt buộc để nông sản Việt Nam tiếp cận với thị trường EU thì lại chưa được nhiều các doanh nghiệp quan tâm và đăng ký bảo hộ ở các thị trường nước ngoài. Điều này gây ra những thiệt hại nhất định và nguy cơ rủi ro cao, thậm chí gặp những vấn đề về pháp lý khi ra thị trường quốc tế.

Đối với mặt hàng vải thiều, một số doanh nghiệp gặp khó trong việc bảo quản, giữ tươi và đảm bảo chất lượng cho sản phẩm xuất khẩu, đặc biệt như vải thiều chỉ có khoảng 40% - 50% giữ được chất lượng sau khi đến thị trường do các yếu tố liên quan đến hậu cần như đảm bảo nhiệt độ trong quá trình vận chuyển, làm thủ tục hải quan. Chứng chỉ VietGap phổ biến tuy nhiên khách hàng trê thị trường thế giới không biết về chứng chỉ này và chứng chỉ này không có ý nghĩa với khách hàng trên thế giới, các khách hàng trên thế giới, đặc biệt là thị trường EU yêu cầu chứng chỉ Global Gap trong khi tiêu chuẩn này chỉ được áp dụng rất ít đối với một số khu vực tại Bắc Giang và Hải Dương.

Đối với mặt hàng gạo, các doanh nghiệp thu mua, chế biến mặt hàng gạo còn gặp những khó khăn nhất định trong quá trình thu hoạch, phơi, sấy, sơ chế, bảo quản, xay xát, chế biến và đóng gói do còn sử dụng các công nghệ khá lạc hậu vì đa phần là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ.Ngoài ra, khâu đóng gói và thiết kế bao bì xuất khẩu nông sản chưa đáp ứng yêu cầu, việc đóng gói và thiết kế bao bì cho các sản phẩm thực phẩm hiện nay chưa phù hợp và đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của khách hàng tại thị trường EU

Mặt khác, bên cạnh những yêu cầu chung trong xuất khẩu nông sản tới các thị trường nước ngoài như như nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm nông sản; riêng thị trường EU coi trọng trách nhiệm xã hội, minh bạch hoá thông tin về lao động, môi trường sản xuất (vốn dĩ chưa được nhiều doanh nghiệp quan tâm); thì các rào cản kỹ thuật về quyền sở hữu trí tuệ, an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh dịch tễ, quy tắc ứng xử, các quy định về bảo vệ môi trường, nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa, chỉ dẫn địa lý, các quy định về tỷ lệ nội địa hóa… là vấn đề khó khăn đối với doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.

Về bảo đảm an toàn thực phẩm cho thị trường EU hiện nay đáng quan tâm nhất là mặt hàng nông sản. Dù trước mắt EVFTA có ưu đãi với những quy định SPS linh hoạt nhưng đa số ngành hàng nông sản của nước ta như chè, rau quả... vẫn nhỏ lẻ, tự phát, trong khi ở một số nơi, nông dân chưa được hướng dẫn về sản xuất sạch, an toàn, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, tiêu chuẩn chất lượng, xây dựng chuỗi giá trị toàn cầu cho nông sản. Như vậy, một số mặt hàng nông sản và các sản phẩm thủy sản của Việt Nam sẽ đứng trước đòi hỏi rất cao từ phía khách hàng như: Cam kết về chất lượng, mẫu mã, giá cả, tính chuyên nghiệp... hoặc việc tăng chi phí. Mặt khác, doanh nghiệp cũng cần phải lưu ý về khả năng EU có thể sẽ tăng hàng rào phi thuế quan đối với sản phẩm nhập khẩu, trong đó, các tiêu chuẩn, quy chuẩn về chất lượng sẽ ngặt nghèo hơn nữa.

- Doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam chưa đáp ứng yêu cầu về quy mô

Các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa thậm chí siêu nhỏ. Đặc điểm chung của nhóm doanh nghiệp này là tài chính hạn hẹp, công nghệ lạc hậu, khả năng tiếp cận, nắm bắt thông tin pháp luật còn hạn chế, hoạt động còn nhỏ lẻ, manh mún, thiếu chuyên nghiệp, khó có thể đáp ứng yêu cầu về quy mô nông sản khi xuất khẩu sang thị trường lớn như EU. Trong khi đó, các nội dung cam kết trong các Hiệp định khá phức tạp đòi hỏi các doanh nghiệp phải có kiến thức nhất định, có cán bộ chuyên trách, khả năng thích ứng cao, nắm vững công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong doanh nghiệp.

3. Giải pháp tận dụng cơ hội từ hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU để tăng cường xuất khẩu hàng nông sản của việt nam vào thị trường EU trong thời gian sắp tới

3.1. Đối với doanh nghiệp xuất khẩu nông sản

Doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam cần thực hiện các biện pháp ổn định nguồn hàng, đầu tư sản xuất bài bản, quy mô lớn, áp dụng công nghệ, giảm chi phí vận chuyển, ứng dụng công nghệ trong bảo quản nông sản, thay đổi nhãn mác để hấp dẫn và phù hợp với thị hiếu của khách hàng hơn.

Các doanh nghiệp cần tăng cường phối hợp, hình thành các liên minh, hiệp hội để cùng quảng bá cho thương hiệu rau quả và nông sản của quốc gia. Doanh nghiệp xuất khẩu cần đặc biệt quan tâm các cam kết của Hiệp định, từ đó có có chiến lược khai thác tối đa những lợi ích mà Hiệp định mang lại cho xuất khẩu nông nghiệp. Ngoài những thị trường lớn đã xâm nhập, cac doanh nghiệp xuất khẩu nghiên cứu để mở rộng sang những thị trường tiềm năng khác thuộc 27 nước thành viên EU.

Doanh nghiệp chủ động tìm hiểu thông tin hữu ích về quy định áp dụng tại EU bao gồm: (i) Những quy định chung;(ii) Những quy định của EU về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra, trước xu hướng sử dụng sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, tốt cho sức khỏe, đa dạng về chủng loại và hương vị nhưng phải đáp ứng yêu cầu tiện lợi và thuộc chuỗi cung ứng bền vững. Do đó, doanh nghiệp cần đáp ứng các sản phẩm đòi hỏi ít phải chế biến và dễ sử dụng. Ví dụ, gói sản phẩm có kích thước nhỏ gọn, Rau quả tươi được cắt, gọt, sơ chế sẵn; Nho và các loại quả không hạt, Sản phẩm có thời hạn sử dụng lâu hơn; Rau đông lạnh kèm các loại gia vị, rau thơm và nước sốt có thể trộn salad… Đồng thời, các loại thực phẩm tiện lợi cũng mang lại những lợi ích rõ ràng cho các nhóm khách hàng cụ thể như: trẻ sơ sinh, trẻ em, người già cũng là lựa chọn đối với doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu của thị trường EU.

3.2. Đối với doanh nghiệp thu mua, chế biến nông sản

  1. a) Đổi mới công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản xuất khẩu

EU là một thị trường tiêu dùng khó tính với nhiều rào cản kỹ thuật. Bên cạnh yếu tố giá cả thì chất lượng của sản phẩm là yếu tố được quan tâm hàng đầu với phần lớn người tiêu dùng tại thị trường này, đặc biệt đối với những mặt hàng liên quan đến thực phẩm. Vì vậy, các doanh nghiệp cần đầu tư theo hướng áp dụng các hệ thống tiêu chuẩn chất lượng như ISO 9000, HACCP, ISO 14000. Đồng thời, các doanh nghiệp chế biến cần lựa chọn công nghệ có tuổi thọ dài, hiện đại, tránh những công nghệ lạc hậu, lỗi thời.

  1. b) Thực hiện chuyển đổi nhóm hàng nông sản phù hợp với thị trường EU.

Trước những cơ hội lớn mang lại từ hiệp định EVFTA trong xuất khẩu nông sản, ngành nông nghiệp Việt Nam cũng đã từng bước triển khai tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác, gắn sản xuất nguyên liệu với chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi, kết nối với hệ thống tiêu thụ tại các nước EU. Việc tăng cường chế biến, gia tăng giá trị sản phẩm nhiều hơn đã tạo ra nhiều việc làm, thu nhập cao hơn cho nông dân, ngư dân Việt Nam.

Các doanh nghiệp cần phải có kế hoạch đầu tư dài hạn, chú trọng tổ chức lại sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản, đáp ứng các tiêu chuẩn về sản xuất sạch như Viet GAP, Global GAP. Các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất hàng nông sản nên lưu ý trên toàn bộ chuỗi giá trị, các khâu sản xuất phải được phòng vệ rủi ro; truy xuất nguồn gốc, tem nhãn của sản phẩm... phải công khai, minh bạch, tạo đà cho xuất khẩu nông sản sang EU tăng trưởng bền vững. Mặc dù hiện nay Việt Nam đã từng bước hình thành được một số vùng sản xuất nông sản tập trung, chuyên canh, nhưng thiếu đồng bộ của các yếu tố đầu vào và yếu tố hỗ trợ sản xuất nông sản xuất khẩu như điện, nước, thị trường, vốn, kỹ thuậ... còn yếu kém, làm hạn chế đến khả năng khai thác, phát huy các tiềm năng và lợi thế so sánh. Khối lượng hàng hóa nông sản xuất khẩu, tuy được sản xuất từ các vùng chuyên canh, nhưng trình độ sản xuất và thâm canh của các đơn vị sản xuất, đặc biệt là hộ nông dân, các hợp tác xã nhỏ lẻ trong vùng và giữa các vùng khác nhau trong cả nước rất khác nhau. Chính sự phân tán trong sản xuất, sự không đồng bộ trong đầu tư, nhiều vùng không có đủ khả năng cung cấp các dịch vụ phục vụ yêu cầu phát triển sản xuất như giống, thuỷ lợi, thu mua, chế biến…là nguyên nhân dẫn đến số lượng nông sản không đáp ứng yêu cầu xuất khẩu của những đơn hàng lớn, chất lượng không đồng đều, chi phí thu gom, vận chuyển cao chi phí cao, chất lượng thấp.

  1. c) Tăng cường đầu tư công nghệ

Tăng cường đầu tư công nghệ nhằm nâng cao chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm và đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật khác; đầu tư công nghệ xử lý chất thải, khí thải, đảm bảo các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường theo cam kết trong EVFTA; phát triển mạnh hình thức thuê mua tài chính trong mua sắm máy móc, thiết bị, công nghệ cho các doanh nghiệp xuất khẩu nhằm nâng cao khả năng phát triển và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần chủ động tìm hướng hợp tác với các nhà đầu tư của các nước thành viên EU để thu hút mạnh mẽ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam, nhằm tận dụng hiệu quả nguồn vốn và việc chuyển giao công nghệ từ các nhà đầu tư. Trước mắt, cần liên kết với các tập đoàn siêu thị lớn của châu Âu đang đầu tư ở Việt Nam để xuất khẩu các sản phẩm nông sản thực phẩm bán tại các chuỗi siêu thị ở nước ngoài để người tiêu dùng châu Âu quen dần với hàng của Việt Nam. Đây cũng chính là cơ hội tốt để các doanh nghiệp tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi cung ứng trong khu vực và toàn cầu.

3.3. Các giải pháp khác

a) Tăng cường các biện pháp khuyến khích đầu tư sản xuất nông sản

Thời gian tới, các cấp, các ngành và địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền chính sách của Trung ương và tỉnh trong hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản, nhất là sản xuất theo hướng nông sản an toàn, đáp ứng tiêu chí xuất khẩu vào thị trường khó tính như EU, Nhật Bản...; thực hiện tốt quy hoạch, đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đã được phê duyệt; đồng thời rà soát, điều chỉnh một số quy hoạch phù hợp với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; xác định thứ tự ưu tiên thực hiện quy hoạch để khai thác tối đa tiềm năng lợi thế của vùng; chỉ đạo triển khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, ưu tiên vùng chuyên canh như lúa, cao su, sắn, gỗ rừng trồng, chăn nuôi tập trung... Bên cạnh đó, các địa phương tập trung chỉ đạo dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất hoặc cho thuê đất, kêu gọi doanh nghiệp liên kết thực hiện mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị; đẩy nhanh tiến độ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho trang trại tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân yên tâm đầu tư phát triển sản xuất; tổng kết kinh nghiệm, đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nhân rộng mô hình sản xuất, quản lý có hiệu quả trong thực tiễn; khuyến khích hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị nhằm thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

  1. b) Hoàn thiện xây dựng và thực thi chiến lược, kế hoạch, chương trình xuất khẩu nông sản

Trong điều kiện thị trường quốc tế suy giảm và hàng rào phi thuế đang có xu hướng tăng, đòi hỏi phải có cách tiếp cận mới trong phát triển hoạt động thương mại nông sản. Đã đến thời điểm sau một giai đoạn tăng trưởng xuất khẩu dựa vào chiều rộng, dựa vào một vài ngành hàng chủ lực, cần phải thiết kế một chiến lược phát triển XKNS bền vững dựa theo chiều sâu và kích thích những nhân tố mới đột phá. Cần phải thay đổi tổng thể chiến lược XKNS theo hướng tăng giá trị XKNS bằng cách đổi mới công nghệ, xuất khẩu sản phẩm đã qua chế biến, đảm bảo an toàn thực phẩm và tăng chất lượng sản phẩm. Chiến lược XKNS cần định hướng cho các doanh nghiệp chuyển từ việc chạy theo số lượng với giá cả, chất lượng thấp sang chú trọng xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị hàng NSXK. Từ đó, giúp nông sản Việt Nam có cơ hội thâm nhập vào thị trường các nước phát triển. Cần xây dựng chiến lược xuất khẩu cho một số ngành hàng nông sản chủ lực và một số ngành hàng tiềm năng. Trong thời gian tới, các mặt hàng gạo, cà phê, cao su, hạt tiêu, hạt điều là những mặt hàng nông sản có KNXK cao, ảnh hưởng lớn tới sản xuất nông nghiệp, có tiềm năng cần phải xây dựng chiến lược phát triển.

  1. c) Tăng cường các biện pháp tuyên truyền, đào tạo

Các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức cộng đồng về các vấn đề môi trường, lao động và sở hữu trí tuệ; tăng cường giáo dục ý thức của doanh nghiệp về tầm quan trọng của việc chuyển sang sử dụng công nghệ sạch, đầu tư công nghệ xử lý môi trường và ý thức trong việc sử dụng đúng tiêu chuẩn các dư lượng hóa chất trong sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản.

 


 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Hà Xuân Bình (2020), Giải pháp phát triển xuất khẩu bền vững mặt hàng gạo của Việt Nam sang thị trường EU trong bối cảnh thực hiện hiệp định EVFTA, Kỷ yếu Hội thảo quốc gia “Tác động của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đến thương mại và đầu tư Việt Nam” năm 2020, Trường Đại học Thương mại
  2. Hoa Hữu Cường (2018), Xuất khẩu hàng nông sản chủ lực của Việt Nam sang thị trường EU trong bối cảnh triển khai hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Đề tài KHCN cấp Bộ, Viện Hàn Lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
  3. Mai Thế Cường và Trịnh Mai Chi (2020), EVFTA với xuất khẩu quả vải tươi của Việt Nam, Kỷ yếu Hội thảo quốc gia “Tác động của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đến thương mại và đầu tư Việt Nam” năm 2020, Trường Đại học Thương mại
  4. Vũ Thanh Hương (2017), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU: tác động thương mại hàng hoá giữa hai bên và hàm ý cho Việt Nam, Luận án tiến sĩ, Đại học Kinh tế - ĐHQG Hà Nội
  5. Vũ Thanh Hương (2017), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU: tác động thương mại hàng hoá giữa hai bên và hàm ý cho Việt Nam, Luận án tiến sĩ, Đại học Kinh tế - ĐHQG Hà Nội
  6. Nguyễn Văn Lịch và Nguyễn Trọng Nhân (2020), Tác động của EVFTA đối với xuất khẩu nông sản của Việt Nam, Kỷ yếu Hội thảo quốc gia “Tác động của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đến thương mại và đầu tư Việt Nam” năm 2020, Trường Đại học Thương mại
  7. Doãn Nguyên Minh, Trần Thu Thuỷ (2020), Tác động của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đến xuất khẩu rau củ của Việt Nam, Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế “Phát triển kinh tế và thương mại Việt Nam trong bối cảnh bảo hộ thương mại” năm 2020, Trường Đại học Thương mại.