TÁC ĐỘNG CỦA CƠ CHẾ ĐIỀU CHỈNH BIÊN GIỚI CAC-BON (CBAM) CỦA EU TỚI MỘT SỐ NGÀNH HÀNG XUẤT KHẨU CÓ CƯỜNG ĐỘ CAC-BON CAO CỦA VIỆT NAM VÀ ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP ỨNG PHÓ

05:37 - 08/12/2023

Ngô Đức Thanh[1], Nguyễn Hồng Thơm[2]

Tháng 3 năm 2021, Nghị viện Châu Âu đã thông qua  Nghị quyết ủng hộ việc áp dụng cơ chế điều chỉnh biên giới Carbon (CBAM) tương thích với WTO.  Ủy ban châu Âu đã công bố đề xuất CBAM trong Thỏa thuận Xanh Châu Âu, đối với các lĩnh vực nhất định, để giảm nguy cơ rò rỉ carbon. Điều này đảm bảo rằng giá hàng nhập khẩu phản ánh chính xác hơn hàm lượng carbon và tuân thủ các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới và các nghĩa vụ quốc tế khác của EU. Cơ chế này là một giải pháp thay thế cho các biện pháp giải quyết rủi ro rò rỉ carbon trong Hệ thống mua bán phát thải của EU (“EU ETS”) và nhằm giảm lượng phát thải ra bên ngoài thông qua việc phân bổ lại sản xuất hoặc tăng nhập khẩu các sản phẩm ít carbon hơn nhằm tránh sự gia tăng tổng lượng khí thải toàn cầu. Bài viết xem xét CBAM của EU và đưa ra một số khả năng tác động đến xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Liên minh châu Âu trong thời gian tới.

Từ khóa: Cơ chế điều chỉnh biên giới (Carbon); Liên minh châu Âu (EU); Xuất khẩu.

 

  1. Khái quát về Cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon (CBAM)

Cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon (CBAM) được chính thức đề xuất lần đầu tiên vào ngày 11 tháng 12 năm 2019 trong khuôn khổ Thỏa thuận xanh của Liên minh châu Âu và đã được Nghị viện châu Âu (EP) phê duyệt. Đề xuất được thông qua vào ngày 10 tháng 3 năm 2021 và trở thành một trong bốn cơ chế định giá các-bon trong kế hoạch của EU. Ngoài cơ chế CBAM, EU cũng sẽ sửa đổi Hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính (ETS), bao gồm kế hoạch loại bỏ dần việc phân bổ miễn phí cho hầu hết các lĩnh vực công nghiệp, cải cách Chỉ thị đánh thuế năng lượng (ETD) nhằm dừng trợ cấp cho ngành nhiên liệu hóa thạch và áp dụng một loại thuế mới đối với nhựa.

Dựa trên đề xuất tháng 3 năm 2021, Ủy ban Châu Âu (EC) đã tiến hành các cuộc họp tham vấn với các quốc gia thành viên cũng như các chuyên gia, nhà khoa học và doanh nghiệp. Với những khuyến nghị này, Ủy ban đã sửa đổi dự thảo và trình lên EC. Vào ngày 14 tháng 7 năm 2021, EC đã chính thức ban hành cơ chế CBAM được đề xuất để xem xét. Phiên bản cuối cùng sẽ được đưa ra bỏ phiếu tại Nghị viện Châu Âu. Để một chỉ thị trở thành luật ở EU phụ thuộc vào một số yếu tố. Nếu cơ chế CBAM được đề xuất như một loại thuế các-bon hoặc thuế tiêu thụ đặc biệt (ví dụ: thuế nhập khẩu), sẽ phải được thông qua bằng “thủ tục đặc biệt”. Điều này có nghĩa là tất cả các quốc gia thành viên trong EU, bỏ phiếu trong Hội đồng Liên minh châu Âu, phải đồng ý nhất trí với văn bản. Nghị viện EU sẽ chỉ có vai trò tham vấn trong quá trình này. Tuy nhiên, cơ chế CBAM không được đưa ra như một đề xuất về thuế. Thay vào đó, được cấu trúc như một cơ chế hỗ trợ hệ thống ETS của châu Âu, và do đó, thủ tục bỏ phiếu thông thường sẽ được áp dụng. Hội đồng Liên minh châu Âu có thể thông qua CBAM bằng việc đạt đa số phiếu đủ điều kiện của 55% các Quốc gia thành viên EU đại diện cho ít nhất 65% dân số EU. Do đó, nhiều khả năng, cơ chế CBAM sẽ được phê duyệt vào năm 2022 và triển khai vào năm 2023.

[1] Phó trưởng phòng Nghiên cứu Môi trường và phát triển bền vững - Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương – Bộ Công Thương

[2] Nghiên cứu viên - Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương – Bộ Công Thương