Quản lý trí tuệ nhân tạo (AI): Kinh nghiệm từ Liên minh Châu Âu và khuyến nghị cho Việt Nam

15:20 - 11/08/2023

Bài tạp chí đăng trên Tạp chí in số 86 (tháng 8 năm 2023)

Trần Gia Hiển

Viện Nghiên cứu Chiến lược Chính sách Công Thương

 Việt Nam đang nhanh chóng chuyển đổi sang Chính phủ điện tử cũng như thúc đẩy việc thành lập các thành phố thông minh, phát triển công nghệ 5G và đẩy mạnh thương mại điện tử. Do đó, cần có các quy định và chính sách toàn diện, mang tính chiến lược nhằm thúc đẩy nền kinh tế số với mục đích đảm bảo tăng trưởng và giảm thiểu các rủi ro tiềm ẩn. Trong số nhiều văn bản quy phạm pháp luật, các nghiên cứu về vấn đề phát triển kinh tế số, vẫn còn rất ít tài liệu thảo luận về quản lý trí tuệ nhân tạo (AI) và quản lý các hoạt động liên quan đến AI. Vì vậy, dựa trên các chiến lược, chương trình phát triển kinh tế số và các văn bản liên quan của Liên minh Châu Âu, bài viết này nhằm cung cấp thêm thông tin về các chính sách và mô hình quản trị AI cũng như các bài học có thể áp dụng cho Việt Nam.

Từ khóa: Khung pháp lý; Liên minh Châu Âu; Nền kinh tế số; Quản trị AI; Việt Nam.

 1. Khung pháp lý phát triển trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam

Trong những năm gần đây, thế giới đã chứng kiến sự phát triển cực kỳ nhanh chóng và thành công của trí tuệ nhân tạo và học máy. Việc trí tuệ nhân tạo phát triển đột phá đã trở thành một trong những lý do chính dẫn đến tình trạng sa thải lớn ở các công ty công nghệ như Twitter, Meta (facebook), Google, Microsoft, Apple, Roku vào năm 2023. Amazon, Dell, HP, Cisco, IBM và SAP đều đang giảm số lượng nhân viên trên toàn cầu để theo đuổi đầu tư vào trí tuệ nhân tạo. Có nhiều ý kiến cho rằng các công ty này sẽ cắt giảm số lượng nhân viên để giảm chi phí, khắc phục vấn đề tuyển dụng quá mức và giúp công ty đạt được các mục tiêu tài chính. Tuy nhiên, hầu hết các vụ sa thải này đều nhằm vào bộ phận nhân sự (bộ phận có thể dễ dàng bị thay thế bởi AI). Ngoài ra, cũng có thông tin cho rằng “các công ty như Amazon đã sử dụng AI để xác định nhân viên có hiệu suất thấp và sau đó sa thải họ” (Forbes, 2023).

Tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành một số quy định nhằm phát triển trí tuệ nhân tạo, nổi bật là Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 04/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Thực tế, Việt Nam đang gặp rất nhiều thách thức trong giai đoạn chuyển đổi số trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nổi bật như việc đổi mới và phát triển ngành công nghệ thông tin, thúc đẩy nghiên cứu và phát triển trong quản lý dữ liệu và phân tích dữ liệu, sử dụng dữ liệu để đưa ra các quyết định chiến lược chính xác và đúng đắn. Ngoài ra, Việt Nam cũng cần một hệ thống quản lý tài sản trí tuệ mới trong thời đại kỹ thuật số và đồng thời nâng cao các tiêu chuẩn an ninh mạng. Chỉ thị số 16/CT-TTg xác định AI là lĩnh vực ưu tiên đầu tư phát triển. Việc đầu tư vào AI rõ ràng sẽ mang lại lợi ích lớn cho Việt Nam trong quá trình theo đuổi Công nghiệp 4.0 một cách hiệu quả và tối ưu nhất.

Một quyết định quan trọng khác về phát triển trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam là Quyết định số 1269/QĐ-TTg ngày 02/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc Thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia với mục tiêu hỗ trợ và phát triển hệ sinh tái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của Việt Nam, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học và công nghệ . Trong quá trình phát triển ngành trí tuệ nhân tạo, Việt Nam cũng có thể tận dụng những tiến bộ khoa học công nghệ để thúc đẩy các ngành quan trọng khác, như y tế; công nghiêp, nông nghiệp, tài nguyên, môi trường v.v... Đơn cử trong lĩnh vực y tế, ngày 18/10/2019 Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 4888/QĐ-BYT phê duyệt Đề án ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin y tế thông minh giai đoạn 2019-2025. Việc sử dụng AI trong ngành y tế có thể nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, góp phần tạo nên một hệ thống y tế chất lượng cao, được quốc tế công nhận. Tuy nhiên, các khung pháp lý tiếp theo cần được phát triển để giải quyết các rủi ro bảo mật, chẩn đoán lỗi có thể xảy ra, v.v...

Hơn nữa, AI có thể được áp dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm cả tại các cơ quan tư pháp. Trong đại dịch COVID-19, nhiều tổ chức đã bắt đầu làm việc trực tuyến thông qua các ứng dụng như Teams, Zoom Meet hoặc Google Hangouts. Với sự ra đời của trí tuệ nhân tạo, thậm chí các phiên tòa có thể được tổ chức trực tuyến (giải quyết tranh chấp trực tuyến) trong trường hợp có trọng tài viên/hòa giải viên AI. Mặc dù còn rất nhiều việc phải làm để đảm bảo tính hợp pháp của hoạt động này, nhưng chính phủ cần bắt đầu “xây dựng các quy định để đảm bảo quản lý hiệu quả các hoạt động AI” và hoàn thiện khung pháp lý tương ứng (Đỗ, 2020).

2. Quản lý trí tuệ nhân tạo (AI) tại Liên minh Châu Âu

Trí tuệ nhân tạo đang phát triển gần đây, với sự ra đời của ChatGPT (Chat Generative Pre-training Transformer) và rất nhiều công cụ khác để minh họa, phân tích dữ liệu, phục vụ mục đích nghệ thuật, nghiên cứu, tài chính, giáo dục... Việc truy cập, sử dụng các công cụ này đang trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết: “Một số mô hình AI tạo sinh (generative AI), bao gồm ChatGPT và trình tạo hình ảnh có tên là Stable Diffusion, hiện có thể truy cập trực tuyến miễn phí hoặc đăng ký với chi phí thấp, nghĩa là mọi người trên khắp thế giới có thể làm mọi thứ từ việc viết một quyển sách dành cho trẻ em cho đến lập trình chỉ bằng vài cú nhấp chuột” (Heilweil, 2023). Thông qua học máy và tiếp xúc với rất nhiều dữ liệu, các hệ thống AI tạo sinh này có thể “đào tạo và cuối cùng học cách bắt chước” (Heilweil, 2023). AI chắc chắn có thể thay đổi cách sống của con người bằng cách giúp cuộc sống của họ trở nên dễ dàng hơn, từ việc tự động hóa các tác vụ đơn giản như viết email hay thậm chí là soạn thảo các văn bản pháp lý (ví dụ: hợp đồng) (Heilweil, 2023).

Mặc dù không thể tranh cãi về tiềm năng và lợi ích của AI, nhưng chúng được tạo ra bởi các công ty công nghệ “muốn cải thiện mô hình và công nghệ của họ và những người chơi sử dụng các phiên bản dùng thử của phần mềm sẽ cung cấp cho các công ty này nhiều dữ liệu đào tạo hơn” (Heilweil, 2023). Cuối cùng, những công cụ này sẽ được bán ra thị trường để kiếm lời. Do đó, điều quan trọng là các chính phủ phải sớm đưa ra các sáng kiến kịp thời để quản lý AI “từ góc nhìn chiến lược về cách thị trường dự kiến sẽ phát triển trong 10-15 năm tới” (Synodinou và nnk, tr.233, 2021).

Liên minh châu Âu (EU) đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm quản lý trí tuệ nhân tạo, chẳng hạn như xuất bản “Bộ hướng dẫn đạo đức cho AI” và tung ra “Sách trắng về trí tuệ nhân tạo” nhằm tạo điều kiện cho sự phát triển đồng bộ của AI trên khắp các quốc gia châu Âu cũng như để tránh sự phát triển không đồng đều (Synodinou và nnk, tr.238-239, 2021). Sự phát triển thống nhất về AI ở EU, kết hợp với “cơ cấu quản trị châu Âu về AI dưới hình thức khuôn khổ hợp tác của các cơ quan có thẩm quyền” sẽ “cho phép tránh phân tán trách nhiệm, nâng cao năng lực ở các quốc gia thành viên” (Synodinou và nnk, tr.239, 2021). Tóm lại, kế hoạch quản trị trí tuệ nhân tạo của EU phụ thuộc vào sự tham gia nhiệt tình, kịp thời của tất cả các quốc gia thành viên cũng như “tất cả các tổ chức người tiêu dùng và đối tác xã hội, doanh nghiệp, nhà nghiên cứu và tổ chức xã hội dân sự” (Synodinou và nnk, tr.240, 2021).

Gần đây, vào tháng 6 năm 2023, Nghị viện EU đã thông qua dự thảo luật có tên là A.I “Đạo luật này sẽ đặt ra những hạn chế mới đối với những gì được coi là cách sử dụng rủi ro nhất của công nghệ” (Satariano, 2023). Mặc dù phiên bản cuối cùng của luật này vẫn chưa được thông qua, nhưng nó bao gồm các quy tắc “là quy định toàn diện đầu tiên cho AI” (Browne, 2023). Dự luật này “áp dụng cách tiếp cận “dựa trên rủi ro” để điều chỉnh A.I., tập trung vào các ứng dụng có khả năng gây hại lớn nhất cho con người” (Satariano, 2023). Rủi ro AI được phân thành ba loại chính: Đầu tiên, các ứng dụng và hệ thống tạo ra rủi ro không thể chấp nhận được, chẳng hạn như tính điểm xã hội do chính phủ điều hành thuộc loại được sử dụng ở Trung Quốc, đều bị cấm. Thứ hai, các ứng dụng có rủi ro cao, chẳng hạn như công cụ quét CV để xếp hạng người xin việc, phải tuân theo các yêu cầu pháp lý cụ thể. Cuối cùng, các ứng dụng không bị cấm rõ ràng hoặc được liệt kê là có rủi ro cao phần lớn không được kiểm soát (Đạo luật AI).

Đạo luật cũng đưa ra một định nghĩa trung lập về Trí tuệ nhân tạo, đó là: “một phần mềm được phát triển bằng một hoặc nhiều kỹ thuật và phương pháp được liệt kê trong Phụ lục I và có thể, đối với một nhóm mục tiêu nhất định do con người xác định, tạo ra các đầu ra như nội dung, dự đoán, đề xuất hoặc quyết định ảnh hưởng đến môi trường mà chúng tương tác” (Sioli, 2021). Rủi ro AI không thể chấp nhận được như tính điểm xã hội sẽ bị cấm, trong khi các ứng dụng có rủi ro cao như công cụ tuyển dụng hoặc thiết bị y tế sẽ cần “tuân thủ các yêu cầu về AI” và được “đánh giá mức độ tuân thủ” (Sioli, 2021). Ngoài ra, “AI với các nghĩa vụ minh bạch cụ thể” (ví dụ: bot mạo danh) sẽ “được phép nhưng phải tuân theo các nghĩa vụ về thông tin/minh bạch” (Sioli, 2021). Các yêu cầu chi tiết đối với AI có rủi ro cao được trình bày chi tiết trong Điều III của Đề xuất về Đạo luật Trí tuệ Nhân tạo (COM/2021/206). Nghĩa vụ đáng chú ý của các nhà cung cấp AI có rủi ro cao là: Thiết lập và triển khai “hệ thống quản lý chất lượng trong tổ chức của mình”; lập và lưu giữ “tài liệu kỹ thuật cập nhật”; “Nghĩa vụ ghi nhật ký để cho phép người dùng giám sát hoạt động của hệ thống AI có rủi ro cao”; trải qua “đánh giá sự phù hợp và có khả năng đánh giá lại hệ thống (trong trường hợp có những sửa đổi quan trọng)”; đăng ký “Hệ thống trí tuệ nhân tạo trong cơ sở dữ liệu EU”; dán “Dấu CE và ký tuyên bố hợp quy”; tiến hành “giám sát sau thị trường” và cộng tác “với các cơ quan giám sát thị trường” (Sioli, 2021).

Đạo luật AI được coi là nhằm mục đích xây dựng “các biện pháp bảo vệ đối với việc phát triển và sử dụng các công nghệ này để đảm bảo chúng ta có một môi trường thân thiện với đổi mới cho các công nghệ này để xã hội có thể hưởng lợi từ chúng” (Brown, 2023). Nghị viện Châu Âu cũng đã đặt ra mục tiêu “đảm bảo rằng các hệ thống AI ở EU đều minh bạch, có thể truy xuất nguồn gốc, không phân biệt đối xử và thân thiện với môi trường” (Đạo luật AI của EU, 2023). Bằng cách để các hệ thống AI do con người giám sát thay vì dựa vào tự động hóa, EU có thể ngăn chặn “những hậu quả có hại” tiềm ẩn (Đạo luật AI của EU, 2023). Các mục tiêu chính sách của EU về AI có thể được tóm tắt thành bốn mục tiêu chính: (i) thiết lập các điều kiện thuận lợi cho sự phát triển và tiếp nhận AI ở EU (thu thập dữ liệu và nâng cao khả năng tính toán); (ii) biến “EU trở thành địa điểm phù hợp; xuất sắc từ phòng thí nghiệm đến thị trường”; (iii) đảm bảo công nghệ AI hoạt động vì con người; (iv) xây dựng “sự lãnh đạo chiến lược trong các lĩnh vực” (Sioli, 2021).

Mặc dù EU đã đi trước nhiều so với các quốc gia khác trong việc điều chỉnh trí tuệ nhân tạo, nhưng EU cũng phải đối mặt với những thách thức nhất định. Điển hình như vấn đề về nhận dạng khuôn mặt đã gây nhiều tranh cãi: “Nghị viện Châu Âu đã bỏ phiếu cấm sử dụng nhận dạng khuôn mặt trực tiếp, nhưng vẫn còn câu hỏi về việc liệu có nên cho phép miễn trừ trong các trường hợp vì mục đích an ninh quốc gia và thực thi các pháp luật khác hay không” (Satariano, 2023). Một lĩnh vực tranh luận khác là việc sử dụng dữ liệu sinh trắc học trên các trang mạng xã hội để xây dựng cơ sở dữ liệu. Trong khi các nhà lãnh đạo của các công ty công nghệ cho rằng điều này khó có thể tuân thủ hoàn toàn, các nhà hoạch định chính sách lại muốn cấm triệt để loại hoạt động này (Satariano, 2023).

3. Khuyến nghị cho Việt Nam

Kinh tế số đang được coi là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng bậc nhất của Việt Nam trong 5 thập kỷ tới để đưa nước ta trở thành nước phát triển. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã xác định đến năm 2025 kinh tế số sẽ chiếm khoảng 20% GDP (hiện nay tỷ trọng này chiếm khoảng 10%), đến năm 2030 kinh tế số sẽ chiếm khoảng 30% GDP quốc gia. Để đạt được mục tiêu này, nền kinh tế số phải tăng trưởng nhanh gấp 3 - 4 lần tốc độ tăng trưởng GDP. Vì vậy, thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số quốc gia, phát triển nền kinh tế số, xã hội số để tạo đột phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế là yêu cầu cấp thiết.

Quá trình phát triển kinh tế số ở Việt Nam cũng đang phải đối mặt với những tồn tại, hạn chế và thách thức như: Quản lý nhà nước hay xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết. Việc xây dựng và triển khai các chương trình, khung pháp lý, chính sách phát triển kinh tế số còn nhiều vấn đề cần hoàn thiện. Hệ thống thể chế pháp luật chưa thực sự đầy đủ, đồng bộ cho phát triển kinh tế số, trong đó, có các quy định đối với hoạt động kinh doanh số, nhất là đối với mảng kinh tế số. Hoàn thiện khung pháp lý để thí điểm áp dụng các mô hình kinh doanh, dịch vụ mới của nền kinh tế số. Cần tiếp tục khắc phục tình trạng thiếu các công cụ pháp lý và hệ thống công nghệ giám sát, quản lý hoạt động của các nền tảng kỹ thuật số, nền tảng xuyên biên giới trên không gian mạng.

Trong bối cảnh trên, tác giả xin đưa ra một số khuyến nghị như sau: Việt Nam cần sớm nắm bắt, nghiên cứu việc quản lý trí tuệ nhân tạo. Bên cạnh việc xây dựng các trung tâm hỗ trợ phát triển và chuyển giao công nghệ trí tuệ nhân tạo, cần xây dựng mạng lưới các viện, trung tâm nghiên cứu và phát triển về trí tuệ nhân tạo. Tập trung xây dựng thêm cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, đặc biệt là các cơ sở dữ liệu để làm nền tảng cho các công nghệ đang phát triển nhanh chóng khác. Ngoài ra, cần chú trọng các quy định, tiêu chuẩn, quy trình về công nghệ, bảo mật thông tin, chia sẻ dữ liệu và bảo vệ dữ liệu khi soạn thảo các chính sách liên quan đến ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI. Xây dựng chính sách khuyến khích các doanh nghiệp trong nước thử nghiệm, triển khai ứng dụng AI vào sản xuất, kinh doanh cũng như khảo sát, nghiên cứu các mô hình triển khai thành công trên thế giới, từ đó có chính sách phù hợp đối với từng địa phương.

ARTIFICIAL INTELLIGENCE (AI) GOVERNANCE: EXPERIENCE FROM THE EU AND RECOMMENDATION FOR VIETNAM

Tran Gia Hien

 The Vietnamese Government is quickly making a transition to e-governance as well as promoting the establishment of smart cities, 5G technology and e-commerce. Hence, there is currently a dire need for comprehensive, strategic, calculated regulations and policies to advance the digital economy in order to guarantee growth and minimize potential risks. Among many legal documents raising the issue of digital economy development, there are still few discussions on AI governance and regulating AI-related activities. Therefore, based on digital economy development strategies, programs and related documents from the European Union, this article aims to provide more information on AI governance policies and models as well as possible lessons for Vietnam.

Keywords: AI governance; Digital economy; Legal framework, The European Union; Vietnam

 

 Tài liệu tham khảo:

  1. Bộ Thông tin và Truyền thông (2022). “Đề xuất các khung pháp lý và chính sách ưu tiên cho phát triển trí tuệ nhân tạo”, 30 tháng 8. Địa chỉ: https://www.mic.gov.vn/mic_2020/Pages/TinTuc/153444/de-xuat-cac-khung-phap-ly-va-chinh-sach-uu-tien-cho-phat-trien-tri-tue-nhan-tao.html (Truy cập ngày 2/8/2023)
  2. Browne, R. (2023). ‘Các nhà lập pháp EU thông qua quy định trí tuệ nhân tạo mang tính bước ngoặt’, CNBC, 14 tháng 6. Địa chỉ: https://www.cnbc.com/2023/06/14/eu-lawmakers-pass-landmark-artificial-intelligence-regulation.html (Truy cập ngày 2/8/2023).
  3. Đỗ, L. K. (2020). “Khung pháp lý cho nền kinh tế số tại Việt Nam”, PS-engage, 14 tháng 12. Địa chỉ: https://ps-engage.com/legal-framework-for-the-digital-economy-in-vietnam/ (Truy cập ngày 6/7/2023).
  4. Heilweil, R. (2023). “Generative AI là gì và tại sao nó đột nhiên xuất hiện ở khắp mọi nơi?, Vox, 5 tháng 1. Địa chỉ: https://www.vox.com/recode/2023/1/5/23539055/generative-ai-chatgpt-stable-diffusion-lensa-dall-e (Truy cập ngày 2/8/2023).
  5. Marr, B. (2023). “ý do thực sự cho việc sa thải hang loạt tại các công ty công nghệ lớn như Google, Microsoft, Meta và Amazon”, 30 tháng 1. Địa chỉ: https://www.forbes.com/sites/bernardmarr/2023/01/30/the-real-reasons-for-big-tech-layoffs-at-google-microsoft-meta-and-amazon/?sh=3c6d0b572b67 (Truy cập ngày 6/7/2023).
  6. Satariano, A. (2023). “Châu Âu thực hiện một bước tiến quan trọng trong việc quản lý A.I., The New York Times, 14 tháng 6. Địa chỉ: https://www.nytimes.com/2023/06/14/technology/europe-ai-regulation.html (Truy cập ngày 2/8/2023).
  7. Sioli, L. (2021). “Chiến lược châu Âu về trí tuệ nhân tạo” [Thuyết trình Powerpoint]. European Commission. Địa chỉ: https://www.ceps.eu/wp-content/uploads/2021/04/AI-Presentation-CEPS-Webinar-L.-Sioli-23.4.21.pdf (Truy cập ngày 2/8/2023).
  8. Synodinou, T. E.; Jougleux, P.; Markou, C. and Prastitou-Merdi, T. (2021). “Luật Internet của EU trong Thị trường đơn kỹ thuật số”, New York: Springer.
  9. The AI Act. “Đạo luật trí tuệ nhân tạo”. Địa chỉ: https://artificialintelligenceact.eu/ (Truy cập ngày 2/8/2023)