Quan điểm, định hướng và một số giải pháp phát triển đội ngũ thương nhân, doanh nghiệp hoạt động tại địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo đến năm 2030
18:11 - 28/11/2024
Phạm Hồng Lam
Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương
1. Quan điểm pháp phát triển đội ngũ thương nhân, doanh nghiệp hoạt động tại địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo đến năm 2030
- Phát triển đội ngũ thương nhân, doanh nghiệp hoạt động tại địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo đảm bảo thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã được đề ra trong Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII; Nghị quyết số 10-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Nghị quyết số 41-NQ/TW về xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nhân thời kỳ mới; các Nghị quyết về Phát triển đội ngũ thương nhân, doanh nghiệp của Chính phủ; mục tiêu và định hướng phát triển của ngành Công Thương đồng bộ, toàn diện.
- Đội ngũ thương nhân, doanh nghiệp hoạt động tại địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo có vị trí, vai trò quan trọng, là một trong những lực lượng nòng cốt góp phần phát triển kinh tế - xã hội khu vực, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh. Tăng cường liên kết, hợp tác giữa thương nhân, doanh nghiệp với công nhân, nông dân, trí thức cùng thực hiện mục tiêu phát triển đất nước.
- Phát triển quy mô và nâng cao chất lượng đội ngũ thương nhân, doanh nghiệp hoạt động tại địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Phát triển Đội ngũ thương nhân, doanh nghiệp hoạt động tại địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo phải đáp ứng nhu cầu và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, tăng cường xây dựng đảng và hệ thống chính trị vững mạnh toàn diện;
- Bảo đảm hài hòa về cơ cấu, độ tuổi, giới tính và cân đối theo ngành, lĩnh vực, địa phương. Tập trung phát triển nguồn nhân lực trong hệ thống chính trị; trong các lĩnh vực: giáo dục, du lịch, dịch vụ, xây dựng, công nghiệp nhẹ, công nghiệp chế biến, chế tạo, chuyển đổi số và nông nghiệp, nông thôn. Có cơ chế phù hợp và thỏa đáng nhằm ưu tiên đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng cao, biên giới.
- Phát huy tối đa nhân tố “con người” vừa là trung tâm, nguồn lực chủ yếu; vừa là mục tiêu của sự phát triển, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học để đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số nhằm tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và nâng cao sức cạnh tranh các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.
- Phát triển nguồn nhân lực gắn với việc phát triển quy mô nền kinh tế, thu hút chuyển dịch, tăng dân số cơ học. Thực hiện các chính sách thu hút đầu tư, phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp tạo việc làm mới để thu hút lao động đến làm việc, sinh sống tại các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.
- Xây dựng, tôn vinh, cổ vũ đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, khát vọng cống hiến, thượng tôn pháp luật, góp phần phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
2. Định hướng phát triển đội ngũ thương nhân, doanh nghiệp hoạt động tại địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo đến năm 2030
- Phát triển đội ngũ thương nhân, doanh nghiệp hoạt động tại địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo theo hướng lớn mạnh về số lượng, chất lượng, cơ cấu hợp lý, có tầm nhìn, trí tuệ, đạo đức, tinh thần kinh doanh, làm giàu chính đáng, năng động, sáng tạo, năng lực quản trị tiên tiến, tuân thủ pháp luật, có đạo đức, văn hoá kinh doanh mang bản sắc dân tộc; có trách nhiệm xã hội, ý thức bảo vệ môi trường, đóng góp xứng đáng cho các mục tiêu phát triển đất nước.
- Phát triển đội ngũ thương nhân, doanh nghiệp hoạt động tại địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo theo hướng thu hẹp khoảng cách về năng lực, trình độ, đáp ứng mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Phấn đấu ngày càng có nhiều thương nhân, doanh nghiệp đạt tầm quốc gia, một số doanh nghiệp lớn có vai trò dẫn dắt trong các ngành quan trọng như nông nghiệp, lâm nghiệp, chế biến thủy hải sản, giữ vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị.
- Phát triển đội ngũ thương nhân, doanh nghiệp hoạt động tại địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo phù hợp cơ cấu, đáp ứng yêu cầu phát triển của từng địa phương; thúc đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động theo hướng hiện đại, chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng theo chiều sâu gắn với kinh tế tri thức, tăng trưởng dựa trên đổi mới, sáng tạo gắn với thực hiện công bằng, tiến bộ xã hội, bảo đảm an sinh xã hội. Bảo đảm đội ngũ thương nhân, doanh nghiệp thực sự là khâu đột phá để the hẹp khoảng cách phát triển giữa khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo với các khu vực dô thị.
- Phát triển đội ngũ thương nhân, doanh nghiệp hoạt động tại địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo theo hướng tập trung đổi mới mạnh mẽ, toàn diện và cụ thể trong các chính sách, hình thức hỗ trợ, gắn chặt với từng loại hình kinh doanh, góp phần hình thành đội ngũ thương nhân, doanh nghiệp có kỹ năng và trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu của tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
- Chương trình hỗ trợ, kế hoạch đào tạo đội ngũ thương nhân, doanh nghiệp hoạt động tại địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo gắn với thực tiễn hoạt động kinh doanh và nhu cầu của doanh nghiệp; bảo đảm được xây dựng theo từng giai đoạn 5 năm cho từng ngành, từng lĩnh vực.
3. Giải pháp phát triển đội ngũ thương nhân, doanh nghiệp hoạt động tại địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo
3.1. Giải pháp về tạo môi trường kinh doanh
- Tập trung giải quyết các bất cập do quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật còn chưa cụ thể, chồng chéo, mâu thuẫn trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng và tài nguyên, môi trường đối với các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo;
- Thực hiện tích hợp các văn bản quy phạm pháp luật để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, minh bạch, dễ tra cứu, dễ hiểu và dễ tiếp cận của hệ thống pháp luật; chủ động hoặc đề xuất cấp thẩm quyền cắt giảm hoặc đơn giản hoá các quy định tạo ra rào cản mới gây khó khăn cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, trừ trường hợp cần thiết và phải đánh giá tác động tới doanh nghiệp.
- Chủ động rà soát, sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, hủy bỏ các thủ tục hành chính không còn phù hợp, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp; công khai, minh bạch, rút ngắn thời gian thực hiện quy trình giải quyết thủ tục hành chính trên cơ sở ứng dụng hiệu quả công nghệ số, triển khai dịch vụ công trực tuyến.
- Tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính của các tỉnh trên địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, xem đây là khâu đột phá để tạo môi trường thuận lợi, minh bạch cho hoạt động của người dân và doanh nghiệp. Tiến hành rà soát các thủ tục hành chính trên tất cả các lĩnh vực, kịp thời phát hiện những thủ tục, quy định pháp luật còn mâu thuẫn và chồng chéo, không phù hợp, để kiên quyết sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, hủy bỏ. Đây là khâu cản trở sự phát triển và gây nhiều bức xúc trong nhân dân, cần tập trung chỉ đạo tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong lĩnh vực này.
- Thực hiện có hiệu quả các giải pháp chấn chỉnh, kiểm soát thủ tục hành chính. Đề cao trách nhiệm người đứng đầu các đơn vị trực trong thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính; xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức tùy tiện đặt ra các quy định trái pháp luật, thẩm quyền, gây khó khăn, phiền hà cho nhân dân, tổ chức và doanh nghiệp. Thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong nội bộ từng cơ quan, đơn vị và giữa các cơ quan, đơn vị ở các cấp.
- Tổ chức đối thoại định kỳ giữa các bộ, ngành, chính quyền địa phương với doanh nghiệp nhằm tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc; đánh giá thực chất quá trình xử lý kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả đầu tư công; khuyến khích đầu tư của khu vực doanh nghiệp góp phần tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.
3.2. Giải pháp về hỗ trợ đầu tư, thuế, đất đai
- Về đầu tư: Ưu tiên đề xuất dự án ODA với đối tác nước ngoài cho phát triển thương mại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo. Các thương nhân, doanh nghiệp trên địa bàn này là đối tượng ưu tiên trong quá trình thực hiện các dự án có vốn ODA và vốn vay ưu đãi như quy định tại Nghị định số 114/2021/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài. và nghị định số 20/2023/NĐ-CP ngày 04 tháng 5 năm 2023 của Chính phủ về ban sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 114/2021/NĐ-CP.
- Vận dụng các chính sách hiện hành về hỗ trợ và ưu đãi đầu tư đối với khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo để phát triển ngành thương mại, nhất là trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng chợ, hạ tầng thương mại tại các khu kinh tế cửa khẩu… Sử dụng hiệu quả các nguồn vốn theo hướng đầu tư có trọng điểm.
- Lồng ghép nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, chương trình xóa đói giảm nghèo của Nhà nước và các tổ chức xã hội để đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.
- Áp dụng chính sách ưu đãi đầu tư hơn cho khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo là khu vực còn nhiều khó khăn cần được quan tâm và hỗ trợ để tạo đà phát triển.
- Tiếp tục thực hiện chương trình hiện đại hoá cắt giảm thời gian làm thủ tục cấp phép đầu tư, cấp phép xây dựng kết cấu hạ tầng thương mại, đấu thầu quản lý chợ, đăng ký thương nhân, xuất nhập khẩu, hải quan, thuế, ...); tăng cường áp dụng hành chính một cửa, hành chính điện tử. Đồng thời, xem xét quy định cụ thể về việc cung cấp và chứng thực chữ ký số để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp thương mại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.
- Về thuế: Mở rộng phạm vi hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp hơn so với Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2013 về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp theo hướng Áp dụng mức thuế suất 10% trong vòng 15 năm; được miễn thuế tối đa không quá 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp tối đa không quá 9 năm tiếp theo đối với các dự án đầu tư mới thực hiện tại địa bàn khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo; Áp dụng thuế thu nhập 10% suốt vòng đời dự án đối với thu nhập của doanh nghiệp từ: trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng; nuôi trồng nông, lâm, thủy sản khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.
- Về đất đai: Thương nhân, doanh nghiệp hoạt động tại địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo được giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất để phục vụ cho sản xuất kinh doanh thuộc nhóm sản phẩm ưu tiên phát triển, sản phẩm được trợ giá, bù giá theo quy định pháp luật. Ưu tiên dành quỹ đất cho các doanh nghiệp doanh nghiệp hoạt động tại địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo khi tại các khu thương mại tự do, khu hợp tác kinh tế qua biên giới trong thời gian tới. Trong đó, các doanh nghiệp có thể sử dụng các khu đất dành cho các dịch vụ chung như: trưng bày giới thiệu sản phẩm, công nghệ, dịch vụ kiểm định chất lượng vật tư, sản phẩm xuất xưởng, kho bãi...; Dành quỹ đất cho hành lang kết nối giao thông và dịch vụ hỗ trợ trên địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo theo quy mô quy hoạch phát triển dài hạn.
3.3. Hỗ trợ thương nhân, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ nâng cao năng suất lao động
- Khuyến khích, hỗ trợ Thương nhân, doanh nghiệp hoạt động tại địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo đầu tư phát triển ứng dụng, chuyển giao công nghệ quản lý hoạt động thương mại tiên tiến. Hoàn thiện và bảo đảm thực thi hiệu quả pháp luật về sở hữu trí tuệ, bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Phát triển các quỹ hỗ trợ đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ. Áp dụng chính sách thuế, hỗ trợ tài chính, tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi phù hợp với hoạt động nghiên cứu, đổi mới, hiện đại hóa công nghệ tổ chức quản lý. Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Khuyến khích, động viên tinh thần kinh doanh, ý chí khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội, nhất là trong cộng đồng doanh nghiệp. Đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền, giáo dục kiến thức kinh doanh, khởi nghiệp trong toàn xã hội.
3.4. Giải pháp về thu hút doanh nghiệp hoạt động tại địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo
- Phát triển mạnh thị trường lao động, dịch vụ thông tin giới thiệu việc làm là cầu nối giữa cung và cầu sức lao động, đảm bảo nhân lực được làm việc theo đúng ngành nghề đã đào tạo.
- Xây dựng và ban hành chính sách ưu đãi đặc biệt để thu hút nhân tài, các chuyên gia giỏi trong các lĩnh vực, khuyến khích mời gọi chuyên gia về làm việc tại địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo. Thực hiện đãi ngộ thích đáng để giữ nguồn nhân lực giỏi ở lại làm việc lâu dài. Để hỗ trợ các chính sách trên, cần chú trọng việc cải thiện nhanh việc giải quyết các thủ tục đầu tư, chính sách trợ giá giải tỏa đền bù đất đai, hỗ trợ tiền thuê đất, cung ứng và đào tạo lao động, xây dựng nhà ở cho người lao động, đảm bảo cơ sở hạ tầng kỹ thuật, chính sách tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư … trên cơ sở phù hợp với quy định của pháp luật và trong thẩm quyền của các địa phương.
- Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh tại địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo. Tạo điều kiện tối đa để các doanh nghiệp này nhận được hợp đồng cung cấp sản phẩm đối với các dự án xoá đói giảm nghèo, dự án thuộc vùng sâu vùng xa... Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia hội chợ, triển lãm và nâng cao khả năng tiếp thị.
- Có chính sách ưu tiên hỗ trợ phát triển doanh nhân nữ, doanh nhân trẻ, doanh nhân dân tộc thiểu số, doanh nhân hoạt động ở địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo. Quan tâm phát triển thương nhân tham gia kinh tế hợp tác với vai trò nòng cốt của hợp tác xã.
Tài liệu tham khảo:
Cục Thống kê 48 địa phương, Niên giám thống kê 48 địa phương năm 2016, 2023.
Sở Công Thương 48 địa phương, Báo cáo tình hình công nghiệp-thương mại 48 địa phương năm 2023.
Sở Kế hoạch và Đầu tư 48 địa phương, Tình hình kinh tế - xã hội 48 địa phương năm 2023.
Thủ tướng Chính phủ (2021) Quyết định số 1162/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021-2025.
Thủ tướng Chính phủ (2022), Quyết định số 919/QĐ-TTg ngày 01/8/2022 về phê duyệt Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2021-2025.
Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình Phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam 2023
Bộ Chính trị (2024) Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10 tháng 10 năm 2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.
Thủ tướng Chính phủ (2021), Quyết định 1163/QĐ-TTg ngày 13/7/2021 về việc phê duyệt Chiến lược Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Chính phủ (2024) Nghị quyết số 66/NQ-CP Ngày 09 tháng 5 năm 2024, Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10 tháng 10 năm 2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.