Phê duyệt Chiến lược phát triển Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam đến năm 2035

12:33 - 18/01/2024

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp vừa ký Quyết định số 780/QĐ-UBQLV phê duyệt Chiến lược phát triển Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam đến năm 2035 (Chiến lược).

Theo đó mục tiêu tổng quát của Chiến lược là Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam tiếp tục đầu tư phát triển trong chuỗi giá trị sản xuất kinh doanh thuốc lá nhằm giữ vững vị thế là doanh nghiệp dẫn đầu trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh các sản phẩm thuốc lá, nguyên phụ liệu và xuất nhập khảu thuốc lá tại thị trường Việt Nam và hướng tới thị trường Đông Nam Á; đáp ứng nhu cầu tiêu dùng xã hội; góp phần ngăn chặn thuốc lá nhập lậu. Phát huy vai trò nòng cốt để thực thi một cách có hiệu quả các chính sách kiểm soát hoạt động sản xuất kinh doanh thuốc lá; đồng thời, là nhân tố quan trọng trong tham gia định hướng phát triển ngành thuốc lá và là đầu mối hợp tác với các tập đoàn thuốc lá quốc tế nhằm khai thác vốn và công nghệ để phát huy hiệu quả năng lực sản xuất của Vinataba.

Phát triển ngành thuốc lá bền vững gắn với đổi mới công nghệ, hiện đại hóa máy móc trong sản xuất và chế biến thuốc lá có hiệu quả nhằm sản xuất những sản phẩm giảm thiểu tác hại, hạn chế ô nhiễm môi trường, hướng tới mục tiêu vì sức khỏe cộng đồng và trách nhiệm xã hội. Nâng cao năng lực cạnh tranh và tối ưu hóa nguồn lực của Vinataba trên thị trường trên cơ sở cơ cấu nguồn vốn để đảm bảo năng lực tại chính, hiện đại hóa hệ thống quản trị, phương thức kinh doanh, cơ chế quản lý và điều hành, chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ, tổ chức hợp lý thị trường và quản lý tốt quá trình hoạt động kinh doanh; bảo toàn và phát triển vốn nhà nước đầu tư tại Vinataba.

Về mục tiêu cụ thể, trong đó:

- Mục tiêu về thị phần và cơ cấu danh mục sản phẩm:

+ Thị phần: Giữ vững và phát triển thị phần thuốc lá nội địa phấn đấu từ 65% trở lên.

+ Cơ cấu danh mục sản phẩm: Phân khúc phổ thông đến năm 2030 chiếm tỷ trọng 41,9% tổng sản lượng nội tiêu của Vinataba, đến năm 2035 chiếm tỷ trọng 36,2%; Phân khúc trung cấp: đến năm 2030 chiếm tỷ trọng 44,5%, đến năm 2035 chiếm tỷ trọng 49,1%; Phân khúc cận cao cấp: đến năm 2030 chiếm tỷ trọng 1,7%; đến năm 2035 chiếm tỷ trọng 1,5%; Phân khúc cao cấp đến năm 2030 chiếm tỷ trọng 12,0%, đến năm 2035 chiếm tỷ trọng 13,2%.

- Mục tiêu về mức tăng trưởng của các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh:

+ Đối với Công ty mẹ -Vinataba: Tổng doanh thu (không bao gồm thuế tiêu thụ đặc biệt) giai đoạn 2021-2025 tăng trưởng bình quân 2,7%/năm; giai đoạn 2025-2030 dự kiến tăng trưởng bình quân 1,9%/năm; giai đoạn 2030-2035 dự kiến tăng trưởng bình quân 1,0%/năm. Lợi nhuận trước thuế giai đoạn 2021-2025 tăng trưởng bình quân 1,6%/năm; giai đoạn 2025-2030 dự kiến tăng trưởng bình quân 1,9%/năm; giai đoạn 2030-2035 dự kiến tăng trưởng bình quân 1,0%/năm. Nộp ngân sách giai đoạn 2021-2025 tăng trưởng bình quân 6,8%/năm; giai đoạn 2025-2030 dự kiến tăng trưởng bình quân 1,8%/năm; giai đoạn 2030-2035 dự kiến tăng trưởng bình quân 1,0%/năm. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu không thấp hơn 7%/năm.

+ Đối với toàn Vinataba: Tổng doanh thu (không bao gồm thuế tiêu thụ đặc biệt) giai đoạn 2021-2025 tăng trưởng bình quân 3,9%/năm; giai đoạn 2025-2030 dự kiến tăng trưởng bình quân 1,0%/năm; giai đoạn 2030-2035 dự kiến tăng trưởng bình quân 1,5%/năm. Nộp ngân sách giai đoạn 2021-2025 tăng trưởng bình quân 2,3%/năm; giai đoạn 2025-2030 dự kiến tăng trưởng bình quân 2,2%/năm; giai đoạn 2030-2035 dự kiến tăng trưởng bình quân 1,6%/năm. Lợi nhuận trước thuế giai đoạn 2021-2025 tăng trưởng bình quân 1,0%/năm; giai đoạn 2025-2030 dự kiến tăng trưởng bình quân 1,0%/năm; giai đoạn 2030-2035 dự kiến tăng trưởng bình quân 1,5%/năm. Kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2021-2025 tăng trưởng bình quân 2,0%/năm; giai đoạn 2025-2030 dự kiến tăng trưởng bình quân 1,1%/năm; giai đoạn 2030-2035 dự kiến tăng trưởng bình quân 1,7%/năm.

Để thực hiện mục tiêu trên, Chiến lược đưa ra các chiến lược thành phần và giải pháp thực hiện cụ thể: (Chiến lược sản phẩm; Chiến lược thị trường; Chiến lược tài chính; Chiến lược nguồn nhân lực; Chiến lược quản trị doanh nghiệp; Chiến lược cơ cấu lại mô hình tổ chức; Chiến lược khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo và Chiến lược nguồn nguyên, phụ liệu).

 Chi tiết tại file đính kèm

 Đỗ Văn Long –Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương