Phát triển thương mại việt nam với các nước Bắc Âu: Thực trạng và giải pháp

14:54 - 02/10/2024

Nguyễn Thị Hoàng Thúy[1] và Nguyễn Thảo Hiền[2]

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu không chỉ là chiến lược mở rộng kinh tế mà còn là yêu cầu thiết yếu để bảo vệ nền kinh tế quốc gia trước những biến động toàn cầu. Những năm gần đây, sự chuyển dịch mạnh mẽ của chuỗi cung ứng toàn cầu, cạnh tranh thương mại giữa các cường quốc, và những biến cố lớn như đại dịch Covid-19 và xung đột Nga - Ukraine đã tạo ra những thách thức không nhỏ cho thương mại quốc tế. Đối với Việt Nam, những sự kiện này không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động thương mại xuất nhập khẩu mà còn thúc đẩy sự cần thiết phải tìm kiếm và phát triển các thị trường mới ngoài những thị trường truyền thống vốn đang bão hòa hoặc có sự cạnh tranh gay gắt.

Thị trường Bắc Âu, bao gồm Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan và Iceland, là khu vực có nền kinh tế phát triển, hệ thống phúc lợi xã hội tiên tiến và tiêu chuẩn sống cao, nhưng lại ít được các doanh nghiệp Việt Nam khai thác đầy đủ. Mặc dù dân số các nước này không lớn, nhưng mức tiêu thụ hàng hóa nhập khẩu của họ rất đáng kể, đặc biệt là các mặt hàng từ châu Á. Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ tập trung vào các thị trường lớn trong Liên minh Châu Âu (EU) như Đức, Pháp, Hà Lan và bỏ qua cơ hội lớn từ các nước Bắc Âu.

Với việc thực thi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) từ năm 2020, Việt Nam đang có những cơ hội lớn để tận dụng các ưu đãi về thuế quan và tiếp cận thuận lợi hơn với thị trường Bắc Âu. Hiệp định EVFTA không chỉ giúp xóa bỏ thuế quan cho phần lớn các sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam mà còn hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về môi trường và an toàn thực phẩm – những yếu tố rất quan trọng tại thị trường Bắc Âu. Do đó, việc tìm hiểu và đánh giá thực trạng thương mại Việt Nam với các nước Bắc Âu, từ đó đề xuất các giải pháp hiệu quả để thúc đẩy xuất khẩu sang khu vực này là hết sức cần thiết. Chính vì vậy, chuyên đề này nhằm mục tiêu phân tích và đánh giá thực trạng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các nước Bắc Âu, tập trung vào giai đoạn 2018 – 2023, đồng thời đưa ra các giải pháp khả thi để thúc đẩy xuất khẩu, tận dụng tối đa các ưu đãi từ Hiệp định EVFTA.

 

Từ khóa: Giải pháp; Thương mại; Thực trạng; Việt Nam; Bắc Âu; Thụy Điển; Đan Mạch; Phần Lan; Na Uy; Iceland.

 

  1. Thực trạng phát triển thương mại giữa Việt Nam và các nước Bắc Âu giai đoạn 2018-2022
    • Kết quả đạt được

Nhìn vào thực trạng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các nước Bắc Âu giai đoạn 2018-2022, chúng ta đã đạt được những kết quả sau:

- Thứ nhất, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Bắc Âu có xu hướng gia tăng. Tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu giai đoạn thực thi EVFTA là  15,18%/năm cao hơn so với giai đoạn trước khi thực thi Hiệp định 10,89%/năm.

Bảng: Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Bắc Âu

(Đơn vị: nghìn USD, %)

Năm

Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Bắc Âu

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa các nước Bắc Âu

Tỷ trọng

Kim ngạch

Tăng trưởng

2017

2.417.963

20,51

405.815.928

0,49

2018

2.666.827

10,29

445.606.956

0,54

2019

2.716.253

1,85

422.172.513

0,63

2020

3.091.256

13,81

400.512.560

0,68

2021

3.681.236

19,09

500.320.842

0,62

2022

4.146.681

12,64

544.482.756

0,68

2017-2019

2.600.348

10,89

424.531.799

0,56

2020-2022

3.639.724

15,18

481.772.053

0,66

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Trung tâm Thương mại quốc tế ITC

- Thứ hai, đa phần các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực Bắc Âu tận dụng tốt các ưu đãi trong EVFTA, và nhiều mặt hàng đã có tốc độ tăng trưởng cao hơn trong giai đoạn 2020-2022 so với giai đoạn 2017-2019. Các sản phẩm như máy móc thiết bị, điện tử, và sắt thép là những ví dụ điển hình. Xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử của Việt Nam sang các thị trường Bắc Âu đã có sự tăng trưởng ấn tượng sau khi EVFTA có hiệu lực, với mức tăng trưởng trung bình lên tới 34,55% trong giai đoạn 2020-2022, cao hơn nhiều so với mức trước đó. Tương tự, sản phẩm sắt thép cũng ghi nhận mức tăng trưởng trung bình rất cao, lên tới 139,83% trong giai đoạn sau EVFTA.

- Thứ ba, cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Bắc Âu có sự chuyển biến theo chiều hướng tích cực, với sự gia tăng mạnh mẽ của các nhóm hàng công nghệ cao và hàng tiêu dùng chất lượng cao. Các mặt hàng như máy móc thiết bị, điện thoại di động, và sản phẩm điện tử đã chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Bắc Âu. Điều này cho thấy sự dịch chuyển từ các mặt hàng truyền thống như dệt may và giày dép sang các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn, giúp nâng cao vị thế của Việt Nam trên thị trường quốc tế. Ngoài ra, ngày càng có thêm nhiều mặt hàng mới của Việt Nam thâm nhập thành công vào các thị trường Bắc Âu, như gạo, cà phê và các sản phẩm chế biến. Các mặt hàng này không chỉ tận dụng được ưu đãi thuế quan mà còn đáp ứng tốt các tiêu chuẩn chất lượng khắt khe của thị trường Bắc Âu, giúp mở rộng danh mục xuất khẩu của Việt Nam.

- Thứ tư, Việt Nam có lợi thế tương đối trong xuất khẩu sang Bắc Âu đối với các mặt hàng thực phẩm, nguyên liệu thô và các sản phẩm công nghiệp nhẹ đòi hỏi nhiều lao động. Đây là những nhóm hàng mà Việt Nam đã có uy tín trên thị trường quốc tế và tiếp tục phát huy lợi thế tại khu vực Bắc Âu. Các sản phẩm như nông sản, gỗ, và thủy sản của Việt Nam đã được đón nhận tích cực tại các thị trường này, nhờ vào chất lượng cao và sự đáp ứng tốt các tiêu chuẩn môi trường và an toàn thực phẩm.

- Thứ năm, một số thương hiệu hàng hóa Việt Nam đã dần được người tiêu dùng Bắc Âu biết đến và ưa chuộng, điều này là một kết quả tích cực nhờ vào quá trình xúc tiến thương mại và chất lượng sản phẩm. Ví dụ, thương hiệu cà phê Trung Nguyên và gạo ST 25 đã bắt đầu tạo dấu ấn tại các thị trường Bắc Âu nhờ vào việc đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng và xu hướng ưa chuộng sản phẩm chất lượng cao từ các nước đang phát triển. Điều này không chỉ giúp gia tăng kim ngạch xuất khẩu mà còn đóng góp vào việc xây dựng thương hiệu quốc gia cho Việt Nam trên thị trường quốc tế.

  • Tồn tại và hạn chế

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Bắc Âu thời gian vừa qua còn có những tồn tại và hạn chế sau:

- Thứ nhất, qui mô xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Bắc Âu còn quá nhỏ bé so với tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam và nhu cầu nhập khẩu của bạn. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực này chỉ chiếm chưa tới 1% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Bắc Âu giai đoạn 2018-2022.

- Thứ hai, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Bắc Âu tăng giảm thất thường trong giai đoạn 2018-2022. Tốc độ tăng trưởng trung bình trong 5 năm qua chưa cao.

- Thứ ba, sự chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực Bắc Âu còn chậm. Cơ cấu hàng xuất khẩu đơn điệu, giá trị gia tăng tương đối thấp. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta sang thị trường khu vực này vẫn chủ yếu là các sản phẩm của các tập đoàn lớn đã có sẵn chuỗi phân phối toàn cầu như điện thoại, đồ điện tử, các mặt hàng gia công như dệt may, da giày.

- Thứ tư, chất lượng hàng xuất khẩu của nước ta sang khu vực này còn chưa đáp ứng được yêu cầu, vi phạm qui định về vệ sinh, an toàn thực phẩm phải trả về, chất lượng hàng hóa chưa đồng đều, cơ chế đền bù cho khách hàng còn chậm trễ dẫn đến mất khách.

- Thứ năm, sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam tại Bắc Âu vẫn chưa mạnh, chất lượng hàng còn yếu, cơ cấu hàng chậm được cải thiện theo hướng mở rộng, đa dạng hóa mặt hàng đã làm cho hàng của nước ta trong nhiều trường hợp không thể cạnh tranh được với hàng của các đối thủ cạnh tranh, đặc biệt là hàng của các nước như Trung Quốc, Thái Lan, Han Quốc…

  • Nguyên nhân của các hạn chế

Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang khu vực Bắc Âu có thể kể đến:

- Thứ nhất, trong những năm gần đây, kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn do tác động kéo dài của các biến động lớn như chiến tranh thương mại giữa các nước lớn, đại dịch covid 19, xung đột giữa Nga và Ukraine, bất ổn chính trị ở nhiều nơi trên thế giới, và phản ứng chính sách của các nước nhằm đối phó với lạm phát. Với bức tranh kinh tế tổng thể như vậy, người tiêu dùng hạn chế chi tiêu không cần thiết, dẫn đến giảm nhu cầu tín dụng tiêu dùng và giảm nhập khẩu.

- Thứ hai, thị trường Bắc Âu là thị trường nhỏ, vị trí địa lý xa xôi, do vậy, các nước này thường nhập khẩu nội khối. 75,1% kim ngạch nhập khẩu của Thụy Điển đến từ các nước trong khu vực kinh tế châu Âu, trong khi số tương ứng của Đan Mạch là 72,3%.

- Thứ ba, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Bắc Âu nếu muốn hưởng ưu đãi thuế quan trước hết phải tuân thủ các qui định về xuất xứ từ giai đoạn sản xuất nguyên liệu. Tuy nhiên, hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam lại chưa chủ động được nguồn nguyên liệu nên đây sẽ là một khó khăn, thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam.

- Thứ tư, hoạt động xúc tiến thương mại của các doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều hạn chế và chưa hiệu quả: Hoạt động quảng bá sản phẩm mới tới người tiêu dùng còn chậm, chưa nắm rõ thị hiếu tiêu dùng và những thay đổi về thị hiếu tiêu dùng của thị trường này, còn chậm trong việc nắm bắt những thay đổi về chính sách của phía bạn liên quan đến nhập khẩu hàng hóa.

- Thứ năm, thương hiệu cho hàng xuất khẩu của Việt Nam vẫn chưa được các doanh nghiệp quan tâm, đầu tư và phát triển xứng tầm. Thực tế cho thấy, hầu hết những mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam được xuất khẩu vẫn chỉ ở dạng xuất thô, xuất khẩu nguyên liệu, sản phẩm đã qua chế biến thì phần lớn lại mang tên của đối tác nước ngoài.

  1. Một số giải pháp chủ yếu nhằm phát triển thương mại Việt Nam và các nước Bắc Âu đến năm 2030

Việc phát triển thương mại giữa Việt Nam và các nước Bắc Âu không chỉ yêu cầu sự nỗ lực từ phía doanh nghiệp mà còn cần có sự hỗ trợ toàn diện từ chính phủ. Các giải pháp cần tập trung vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đồng thời khai thác tối đa các cơ hội từ Hiệp định EVFTA. Dưới đây là các giải pháp chủ yếu được chia thành hai nhóm: giải pháp từ phía chính phủ và giải pháp từ phía doanh nghiệp.

  • Giải pháp từ phía chính phủ

Tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp

Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện môi trường kinh doanh, đặc biệt là việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến xuất nhập khẩu và đầu tư. Việc cải thiện môi trường pháp lý không chỉ giúp doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc tiếp cận các ưu đãi từ EVFTA, mà còn khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là từ Bắc Âu, tin tưởng và lựa chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư dài hạn. Ngoài ra, chính phủ cần tập trung vào việc xây dựng các cơ chế pháp lý rõ ràng, minh bạch, nhất quán, giúp doanh nghiệp nắm bắt được các thông tin cần thiết về thủ tục hải quan, quy định về chất lượng sản phẩm và các yêu cầu về xuất xứ hàng hóa theo quy định của EVFTA. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp tận dụng tốt hơn các lợi thế từ hiệp định, giảm thiểu rủi ro về pháp lý khi tiếp cận thị trường Bắc Âu.

Phát triển hạ tầng logistics và chuỗi cung ứng

Việc phát triển hạ tầng logistics là một trong những yếu tố quan trọng giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế, đặc biệt là Bắc Âu. Chính phủ cần đầu tư mạnh mẽ vào các dự án hạ tầng, bao gồm hệ thống cảng biển, sân bay, kho bãi và đường giao thông, để tối ưu hóa quy trình vận chuyển hàng hóa. Điều này không chỉ giúp giảm thiểu chi phí vận chuyển mà còn tăng cường khả năng tiếp cận các thị trường xa như Bắc Âu một cách nhanh chóng và hiệu quả. Đồng thời, Việt Nam cần liên kết với các đối tác quốc tế, đặc biệt là trong EU, để phát triển các chuỗi cung ứng quốc tế hiệu quả. Việc xây dựng các tuyến vận tải trực tiếp giữa Việt Nam và Bắc Âu sẽ giúp giảm chi phí và thời gian vận chuyển, từ đó nâng cao tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.

Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc đạt chuẩn quốc tế

Doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) thường gặp khó khăn trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, vốn là yêu cầu bắt buộc để thâm nhập thị trường Bắc Âu. Chính phủ cần có các chính sách hỗ trợ tài chính và kỹ thuật để giúp các doanh nghiệp này đầu tư vào công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, và đạt được các chứng nhận quốc tế như FSC cho gỗ, MSC cho thủy sản, và các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm khác. Đây là yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào các chuỗi cung ứng quốc tế.

Khuyến khích đầu tư từ Bắc Âu vào Việt Nam

Chính phủ cần có các chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư từ các quốc gia Bắc Âu, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ cao, năng lượng tái tạo, và công nghiệp chế biến. Việt Nam có thể trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư Bắc Âu nhờ vào lợi thế về nguồn lao động và chi phí sản xuất cạnh tranh. Chính sách ưu đãi về thuế, hỗ trợ cơ sở hạ tầng và thủ tục hành chính nhanh chóng sẽ là yếu tố thu hút các nhà đầu tư lớn từ Bắc Âu.

  • Giải pháp từ phía doanh nghiệp

Nâng cao chất lượng sản phẩm và phát triển các chứng nhận quốc tế

Để có thể xuất khẩu thành công sang Bắc Âu, các doanh nghiệp Việt Nam cần đầu tư vào nâng cao chất lượng sản phẩm. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải áp dụng công nghệ sản xuất tiên tiến, tuân thủ các quy trình sản xuất sạch và bền vững. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần đạt được các chứng nhận quốc tế như MSC cho thủy sản, FSC cho gỗ, và các tiêu chuẩn ISO khác để đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường Bắc Âu. Việc đạt được các chứng nhận này không chỉ nâng cao giá trị sản phẩm mà còn giúp doanh nghiệp tăng cường niềm tin từ phía đối tác quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi để thâm nhập sâu hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tận dụng các ưu đãi từ EVFTA

Các doanh nghiệp Việt Nam cần hiểu rõ các điều khoản và cam kết từ Hiệp định EVFTA để tận dụng tốt các ưu đãi về thuế quan và phi thuế quan. Đặc biệt, các doanh nghiệp cần chú trọng tuân thủ quy tắc xuất xứ để được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu từ EVFTA. Điều này đòi hỏi sự chủ động trong việc tìm hiểu các quy định, cũng như đầu tư vào chuỗi cung ứng nội địa nhằm đáp ứng yêu cầu xuất xứ từ hiệp định.

Phát triển thị trường ngách và sản phẩm đặc sản

Thị trường Bắc Âu có đặc điểm tiêu dùng đặc thù với yêu cầu cao về chất lượng và tính bền vững. Các doanh nghiệp Việt Nam có thể khai thác các thị trường ngách tại Bắc Âu, tập trung vào các sản phẩm có giá trị gia tăng cao như đồ gỗ nội thất, thực phẩm hữu cơ, và hàng thủ công mỹ nghệ. Việc phát triển các sản phẩm đặc sản Việt Nam như cà phê, trà, gia vị với chất lượng cao và tiêu chuẩn quốc tế cũng là cách giúp doanh nghiệp tạo dấu ấn riêng và gia tăng khả năng cạnh tranh tại thị trường này.

Đẩy mạnh hợp tác với các đối tác EU

Việc hợp tác với các đối tác trong EU sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam dễ dàng tiếp cận thị trường Bắc Âu hơn. Các doanh nghiệp nên xây dựng mối quan hệ chiến lược với các nhà nhập khẩu và phân phối lớn tại châu Âu, từ đó mở rộng mạng lưới phân phối và giảm thiểu rủi ro khi xuất khẩu hàng hóa sang Bắc Âu.

Phát triển kênh thương mại điện tử

Thương mại điện tử là xu hướng phát triển mạnh tại Bắc Âu, và doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng kênh này để tiếp cận trực tiếp người tiêu dùng tại khu vực này. Việc đầu tư vào các nền tảng thương mại điện tử quốc tế và xây dựng chiến lược marketing số sẽ giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Xuất khẩu tại chỗ thông qua hợp tác với các doanh nghiệp FDI

Doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng lợi thế của các doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam để thúc đẩy hình thức xuất khẩu tại chỗ. Việc hợp tác với các tập đoàn đa quốc gia trong nước sẽ giúp doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng thị trường quốc tế mà không cần trực tiếp xuất khẩu qua biên giới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Website của Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển www.vietnordic.com
  2. Số liệu của Trung tâm Thương mại Quốc tế ITC
  3. Số liệu của Tổng cục Hải quan

 

[1] Thạc sĩ, Vụ trưởng, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Thụy Điển, kiêm nhiệm Na Uy, Đan Mạch, Iceland, và Latvia

[2] Thạc sĩ, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Âu – Châu Mỹ, Bộ Công Thương