PHÁT TRIỂN MỘT SỐ NGÀNH CÔNG NGHIỆP CÓ MỨC ĐỘ SỬ DỤNG TÀI SẢN TRÍ TUỆ CAO

21:09 - 14/12/2023

Lê Huy Khôi

Ths. Nguyễn Thị Trà giang

Phát triền ngành công nghiệp có mức độ sử dụng tài sản trí tuệ cao là việc gia tăng về lượng và chất của các ngành công nghiệp có mức độ sử dụng tài sản trí tuệ cao, là việc gia tăng số lượng, quy mô hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp trong các các ngành công nghiệp có mức độ sử dụng tài sản trí tuệ cao, gia tăng các hoạt động nghiên cứu phát triển, chuyển giao, hợp tác khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển công nghiệp và kinh tế của một quốc gia. Dựa vào mức độ quan trọng của tài sản trí tuệ đối với tăng trưởng của doanh nghiệp, của ngành, các ngành công nghiệp có mức độ sử dụng tài sản trí tuệ cao bao gồm: ngành ô tô, ngành công nghiệp điện tử, ngành công nghệ sinh học,…

Từ khóa: tài sản trí tuệ, tài sản trí tuệ cao, công nghiệp

  1. Vai trò của việc phát triển một số ngàng công nghiệp có mức độ sử dụng tài ản trí tuệ cao

Thứ nhất, góp phần tăng cường sức cạnh tranh của các ngành công nghiệp trên thị trường quốc tế, mở rộng thị trường xuất khẩu đối với các sản phẩm của ngành công nghiệp, cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng hiện đại, cạnh tranh, tăng cường sự đóng góp của ngành công nghiệp vào nền kinh tế đất nước. Các sản phẩm và dịch vụ của ngành công nghiệp trí tuệ cao thường là các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, có tính đột phá về công nghệ và phục vụ cho các lĩnh vực đa dạng như y tế, năng lượng, vật liệu và hóa chất, chế tạo máy, viễn thông,… Những sản phẩm này đem lại nhiều tiềm năng cho ngành chế biến, chế tạo, khi cung cấp cho họ các công nghệ mới và cập nhật để sản xuất các sản phẩm và dịch vụ mới. Ngoài ra, ngành công nghiệp trí tuệ cao cũng đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện năng suất lao động, giúp tăng cường độ tin cậy và an toàn của các sản phẩm chế biến, chế tạo.

Thứ hai, góp phần tác động lan tỏa, thúc đẩy các ngành khác phát triển. Sự phát triển của các ngành công nghiệp trí tuệ cao có thể có tác động lan tỏa đến nhiều ngành, lĩnh vực khác của nền kinh tế. Phát triển các ngành công nghiệp trí tuệ cao như công nghệ thông tin, truyền thông, robot và trí tuệ nhân tạo, chế tạo máy và tự động hóa, và các ngành công nghệ đích thực khác có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc hỗ trợ các ngành khác phát triển. Các sản phẩm và giải pháp trí tuệ cao được phát triển trong các ngành này có thể giúp các ngành khác tăng năng suất lao động, tối ưu hóa quy trình sản xuất và tạo ra các sản phẩm cạnh tranh.

Thứ ba, thúc đẩy đầu tư vào ngành công nghiệp: Sở hữu trí tuệ có thể giúp thu hút đầu tư, đặc biệt là từ các nhà đầu tư mạo hiểm và các nhà đầu tư tổ chức khác đang tìm cách đầu tư vào các công ty sáng tạo và có tiềm năng cao. Khoản đầu tư này có thể cung cấp cho các công ty các nguồn lực họ cần để mở rộng quy mô hoạt động và đưa các sản phẩm và dịch vụ mới ra thị trường.

Thứ tư, hỗ trợ cho việc nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực, gia tăng cơ hội việc làm và nâng cao đời sống cho người lao động. Các ngành công nghiệp trí tuệ cao còn nhiều tiềm năng phát triển tại Việt Nam, do đó tạo ra những nhu cầu việc làm mới, đặc biệt là nhu cầu đối với nguồn lao động chất lượng cao. Với mức lương cao, cạnh tranh, các ngành này sẽ giữ chân những lao động có năng lực đồng thời thúc đẩy phát triển đào tạo nguồn lao động này tại đất nước. Ngoài ra ngành có tác động phát triển lan tỏa đến nhiều ngành khác, tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp trong và ngoài ngành mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, qua đó gia tăng số lượng lao động, đặc biệt là lao động chất lượng cao.