PHÁT TRIỂN MÔ HÌNH KINH TẾ TUẦN HOÀN Ở CÁC KHU CÔNG NGHIỆP TẠI VIỆT NAM

18:26 - 08/12/2023

Phạm Hồng Hiệp, Nguyễn Tùng Chi, Trần Thị Hà My

Phòng Môi trường và phát triển bền vững - VIOIT

1. Đặt vấn đề

Kinh tế tuần hoàn (KTTH) là một mô hình kinh tế hướng tới sự phát triển bền vững, trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, dịch vụ được định hình để kéo dài tuổi thọ sản phẩm, giảm chất thải và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Mô hình này nổi lên nhằm khắc phục nhược điểm của mô hình kinh tế truyền thống, tập trung chỉ vào việc khai thác tài nguyên mà không quan tâm đến kiểm soát chất thải và ô nhiễm môi trường.

Mô hình KTTH mang tính chủ động trong quản lý và tái tạo tài nguyên theo một vòng lặp khép kín có quy mô từ doanh nghiệp, khu công nghiệp (KCN), khu đô thị và vùng.

2. Những đặc trưng cơ bản thực hiện kinh tế tuần hoàn trong KCN

Thiết kế nhằm loại bỏ chất thải: khuyến khích các doanh nghiệp thứ cấp tích hợp thiết kế tuần hoàn và sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường;

Năng lượng tái tạo: thúc đẩy sản xuất và sử dụng nhằm đạt được tính trung hòa carbon;

Đầu tư vào cơ sở hạ tầng dịch vụ: tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên (hơi nước, thu hồi carbon dioxide (CO2), đồng phát xử lý/phát điện sinh khối)

Mạng lưới cộng sinh: khuyến khích doanh nghiệp thứ cấp tạo mạng lưới cộng sinh, trao đổi chất thải để bảo tồn vật liệu và tài nguyên;

Tái chế và phân loại: thúc đẩy thành lập các doanh nghiệp tái chế và phân loại chất thải trong KCN;

Tư duy hệ thống: tập trung vào tư duy hệ thống để tối ưu hóa quản lý năng lượng, nước và chất thải trong KCN.

3. Thực trạng phát triển kinh tế tuần hoàn trong KCN

3.1. Thực trạng phát triển các KCN

Đến tháng 12/2022 Việt Nam hiện có 407 KCN, KCX được thành lập phân bố rộng khắp tại 61 tỉnh/thành trong cả nước (ngoại trừ Điện Biên, Lai Châu chưa có KCN) với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 128.684 ha. Trong số 407 KCN thành lập có 292 KCN đã đi vào hoạt động còn lại 115 KCN đang trong giai đoạn đền bù giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ bản. Diện tích đất công nghiệp đã cho thuê và đã đi vào hoạt động là 45.323 ha, đạt tỷ lệ lấp đầy gần 72%.

KCN, KKT đã thu hút được gần 10.400 dự án đầu tư trong nước và 11.200 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký tương ứng khoảng 2,54 triệu tỷ đồng và 231 tỷ đô la Mỹ tạo ra hơn 3,9 triệu lao động trực tiếp, chiếm 8,3% lực lượng lao động của cả nước, trong đó tính riêng lao động trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng là 21%. Trên thực tế, ở Việt Nam hiện đang tồn tại 5 mô hình KCN như sau:

- KCN được thành lập trên cơ sở giải tỏa, cải tạo và hoàn thiện kết cấu hạ tầng như KCN Gang Thép (Thái Nguyên), KCN Việt Trì (Phú Thọ), KCN Hòa Xá (Nam Định), KCN Nguyễn Đức Cảnh (Thái Bình);

- KCN được thành lập mới theo quy hoạch: là khu vực có ranh giới địa lý xác định, chuyên sản xuất hàng công nghiệp và cung ứng dịch vụ cho sản xuất công nghiệp như là KCN Biên Hòa (Đồng Nai), KCN Thăng Long…;

- Khu chế xuất là KCN chuyên sản xuất hàng xuất khẩu, cung ứng dịch vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu và hoạt động xuất khẩu; được ngăn cách với khu vực bên ngoài theo quy định áp dụng đối với khu phi thuế quan quy định tại pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu như khu chế xuất Tân Thuận, Linh Trung I, II (Tp. HCM)… ;

Khu công nghiệp hỗ trợ là KCN chuyên sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ và cung ứng dịch vụ cho sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, tối thiểu 60% diện tích đất công nghiệp của KCN được sử dụng để thu hút các dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ như là KCN hỗ trợ Nam Hà Nội, Đồng Văn, KCN cơ khí hỗ trợ (Bình Dương)…

- Khu công nghiệp công nghệ cao là KCN thu hút các dự án đầu tư công nghệ cao, công nghệ thông tin thuộc Danh mục ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư, dự án có chuyển giao công nghệ thuộc Danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao, cơ sở ươm tạo công nghệ, doanh nghiệp khoa học và công nghệ… có tối thiểu 30% diện tích đất công nghiệp của KCN được sử dụng để thu hút các dự án đầu tư này như KCN công nghệ cao Hòa Lạc, KCN công nghệ cao Tp. HCM… ;

Như vậy, với mỗi mô hình KCN đều có những đặc điểm riêng, được hình thành phụ thuộc vào mục tiêu chiến lược và đặc điểm kinh tế, xã hội của khu vực cụ thể. Do vậy, cần có chính sách linh hoạt trong quản lý phù hợp với từng loại mô hình KCN để tối ưu hóa lợi ích và giảm thiểu tác động tiêu cực.

3.2. Thực trạng phát triển Kinh tế tuần hoàn trong KCN

Theo thống kê của Bộ Công Thương đến năm 2020, mô hình sản xuất sạch hơn (SXSH) đã được triển khai áp dụng rộng rãi với gần 350 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã được hỗ trợ đánh giá nhanh, 90 doanh nghiệp được hỗ trợ áp dụng SXSH trở thành các mô hình điểm về áp dụng SXSH. Ngoài ra còn có một số mô hình cũng được Bộ Công Thương triển khai như: (1) xây dựng và triển khai thực hiện mô hình sử dụng thí điểm các dạng năng lượng thay thế và mô hình hộ gia đình tiết kiệm năng lượng; (2) Phát triển, triển khai nhân rộng các mô hình trình diễn hộ gia đình sử dụng các dạng năng lượng tái tạo (như mặt trời, khí sinh học…) tại chỗ quy mô công nghiệp.

KCN sinh thái là một phương tiện hiệu quả để đạt được một nền KTTH và tăng khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp và ngành công nghiệp. KCN sinh thái tăng cường tính tuần hoàn của các nguồn tài nguyên quan trọng đối với các quy trình công nghiệp (nước, năng lượng, vật liệu và chất thải, v.v.) bằng cách giảm đáng kể sự phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên có thể cạn kiệt như nhiên liệu hóa thạch.

- Giai đoạn 2015-2019: Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với UNIDO, SECO và các nhà tài trợ khác triển khai thí điểm mô hình KCN sinh thái tại Ninh Bình, Đà Nẵng và Cần Thơ. Kết quả đã có trên 72 doanh nghiệp thực hiện hơn 900 giải pháp tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn, tiết kiệm 76 tỷ đồng/năm và huy động được khoảng 207 tỷ đồng từ khu vực tư nhân, cắt giảm được 32 Kt tấn khí CO2/năm, bước đầu đem lại hiệu quả về mặt kinh tế, xã hội và môi trường.

- Giai đoạn 2020-2023: Chính phủ Thuỵ Sỹ tiếp tục hỗ trợ dự án “Triển khai KCN sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ chương trình KCN sinh thái toàn cầu” có tổng kinh phí là 1.821.800 USD, được triển khai thực hiện trong ba năm tại 5 địa phương gồm: Tp. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đồng Nai, Đà Nẵng và Hải Phòng, cụ thể tại các KCN: Hiệp Phước, Trà Nóc 1&2, Amata - Biên Hoà, Hoà Khánh và Đình Vũ (Deep C).

3.3. Chính sách về KTTH

Ở Việt Nam, thuật ngữ KTTH được đề cập phổ biến từ năm 2016 và chính thức được bàn luận nhiều từ năm 2019 khi Việt Nam tiến hành nghiên cứu xây dựng các Văn kiện tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đặc biệt là đã được đề cập hầu hết trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-20230.

Về pháp luật về KTTH: Luật Bảo vệ môi trường số 72/QH14 đã tiếp cận và đưa ra quy định về KTTH như (1) khái niệm KTTH, (2) yêu cầu thực hiện lồng ghép KTTH khi xây dựng chính sách (3) Trách nhiệm của hệ thống quản lý và (4) Xây dựng tiêu chí, lộ trình và cơ chế khuyến khích thực hiện KTTH. Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định tiêu chí chung về KTTH đối với chủ dự án đầu tư hạ tầng KCN gồm và chủ dự án đầu tư thứ cấp trong KCN.

Ngoài ra, Nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn và dự thảo kế hoạch hành động Quốc gia thực hiện KTTH đến năm 2030 đang được xây dựng và ban hành trong thời gian tới.

Tuy nhiên, từ thực tế cho thấy một số tồn tại và hạn chế như chưa ban hành kế hoạch và lộ trình thực hiện tỷ lệ KCN áp dụng KTTH, chính sách ưu đãi thuế, sản xuất và sử dụng sản phẩm tái chế, cơ chế tài chính xanh… Chưa có quy trình tự thủ tục và hồ sơ chứng nhận KCN đạt tiêu chí KTTH.

4. Đề xuất các giải pháp phát triển kinh tế tuần hoàn trong KCN

4.1. Chính sách ưu tiên

Chính sách khuyến khích phát triển các mô hình KTTH: trước tiên, xây dựng cơ chế thử nghiệm KTTH trong KCN thông qua chuyển đổi hoặc thành lập mới KCN nhằm lựa chọn mô hình và lộ trình thực hiện phù hợp.

Phát triển và thiết lập văn bản quy phạm pháp luật hỗ trợ mô hình kinh tế tuần hoàn, trong đó ưu tiên xây dựng các tiêu chuẩn xanh và các quy định về tái chế song hành là chính sách ưu đãi thuế và các biện pháp khác. Đặc biệt xây dựng Luật về KTTH toàn diện tầm quốc gia nhằm thể hiện rõ quyết tâm và cam kết của Chính phủ.

4.2. Chính sách về năng lượng

Việc khuyến khích, hỗ trợ phát triển NLTT được quy định và phân tán trong các nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau như Luật Điện lực, Luật Đầu tư, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả. Do vậy, Việt Nam cần xây dựng Luật về năng lượng tái tạo nhằm hợp nhất các Luật trên cũng như giải quyết các tồn tại trên thực tế như các yêu cầu liên quan đến thủ tục pháp lý như cấp phép đầu tư, cấp phép xây dựng, thẩm duyệt PCCC.

Bên cạnh đó, cần xây dựng lộ trình chuyển đổi công nghệ dựa trên các tiêu chí tiết kiệm hiệu quả năng lượng, giảm thiểu chất thải.

4.3. Chính sách về tái sử dụng nước

Tổng công suất xử lý nước thải của 266 KCN đạt hơn 1.250.000 m3/ngày đêm tuy nhiên tỷ lệ tái dụng rất thấp và không đáng kể. Do vậy, chính sách sẽ tập chung vào tăng cường, tái sử dụng nước mưa và nước thải sau xử lý.

Đối với việc tái sử dụng và tái chế nước: (1) thúc đẩy chính sách hạn chế thông qua tuân thủ các quy định về môi trường như phí xả nước thải, thực hiện kiểm toán ngẫu nhiên hoặc định kỳ; (2) Giảm hoặc miễn thuế ưu đãi bao gồm thuế thu nhập doanh nghiệp hay thuế VAT; (3) Áp thuế cao đối với doanh nghiệp sử dụng nước vượt quá giới hạn định mức. Đồng thời thành quỹ nhằm thúc đẩy dự án tiết kiệm nước, sử dụng nguồn nước thay thế và các hoạt động tái chế.

Hợp tác quốc tế về chuyên môn, kỹ thuật và công nghệ nhằm phát triển năng lực công nghệ xử lý trong nước. Điều này, sẽ tạo cơ hội hợp tác công tư và phát triển giải pháp công nghệ cũng như mô hình tài chính phù hợp.

Tối ưu hóa sử dụng nguồn nước thay thế, đặc biệt là thông qua tái sử dụng nước mưa (bao gồm cả nước mưa chảy tràn và nước mưa từ mái nhà), là một phương pháp quan trọng trong việc đảm bảo bền vững và hiệu quả trong quản lý tài nguyên nước. Để thúc đẩy hành vi này, chính sách có thể áp dụng các biện pháp như tăng thuế tài nguyên nước, ưu đãi thuế và triển khai các chương trình nhằm tăng cường nhận thức về tiềm năng tiết kiệm tài nguyên nước, đặc biệt trong việc thu nước mưa.

Tích hợp nội dung về sử dụng nước hiệu quả (chỉ số tiêu thụ nước trên đơn vị sản lượng công nghiệp) vào chiến lược phát triển công nghiệp và quy hoạch phát triển vùng cũng như kế hoạch kinh tế xã hội của các địa phương. Điều này giúp định hình hướng phát triển của cộng đồng và doanh nghiệp theo hướng bền vững và sử dụng hiệu quả tài nguyên nước.

4.4. Chính sách đối với chủ dự án kinh doanh hạ tầng

Triển khai hoạt động quản lý, bảo vệ, khai thác và sử dụng tài nguyên nước hợp lý và tiết kiệm là một ưu tiên quan trọng trong các KCN nhằm đáp ứng các quy trình công nghiệp của các doanh nghiệp thứ cấp.

Quản lý hiệu quả nhu cầu về xử lý nước và tổng hợp nhu cầu tái sử dụng nước thải sau xử lý thông qua cơ chế giá - luôn được duy trì và cập nhật thông qua hệ thống giám sát. Cơ chế này sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp thứ cấp tối ưu hóa tiêu thụ nước và khuyến khích tái sử dụng nước.

Xây dựng hệ thống xử lý, lưu giữ và tái sử dụng nước tập trung nhằm giảm áp lực tài chính cho các doanh nghiệp thứ cấp. Việc thu phí dịch vụ và cung cấp nước sạch cho các doanh nghiệp thứ cấp theo cơ chế thị trường sẽ tạo động lực cho doanh nghiệp trong quản lý và sử dụng nước hiệu quả.

Đồng thời, áp dụng chính sách bắt buộc hoặc khuyến khích xử lý và tái sử dụng nước thải phù hợp, tạo ra một thị trường cạnh tranh trong cung cấp dịch vụ xử lý và tái sử dụng nước cho bên thứ ba. Điều này không chỉ thúc đẩy sự chủ động từ phía doanh nghiệp mà còn đảm bảo rằng các dịch vụ này được cung cấp một cách hiệu quả và bền vững từ góc độ tài nguyên nước.

  1. Kết luận

Hoạt động triển khai mô hình KTTH trong KCN tại Việt Nam là bước quan trọng hướng tới sự phát triển bền vững. Mặc dù đã đạt được tiến bộ đáng kể như mô hình sản xuất sạch hơn và mạng lưới công nghiệp sinh thái, nhưng để đạt được hiệu quả tối ưu của KTTH việc tăng cường chính sách và ưu đãi để thúc đẩy sự  tham gia của doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng, doanh nghiệp thứ cấp và cơ quan quản lý là hết sức cần thiết.

Sự chủ động trong quản lý và tái tạo tài nguyên được xem là chìa khóa quan trọng để tạo nên một môi trường sản xuất KCN thân thiện với môi trường và có thể giúp nâng cao cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Tiếng Việt

  1. Nguyễn Đình Chúc, Trần Duy Đông (2020). Phát triển khu công nghiệp ở Việt Nam theo lý thuyết sinh thái học công nghiệp. NXB Khoa học xã hội;
  2. Tài liệu hội thảo Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức (2021), Cơ hội và thách thức cho phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam” - Tham luận Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường.
  3. TS. Nguyễn Việt Anh, KS. Ứng Thị Linh Chi, ThS. Vũ Minh Thanh, ThS. Nguyễn Trà My (2019). Xử lý, tái sử dụng nước thải. Nhà xuất bản xây dựng.

 

Tiếng Anh

  1. European Recycling Platform (2017), "Circular Economy: Roles and Responsibilities for involved stakeholders," https://erp-recycling.org/wp- ontent/uploads/2017/11/ERP-Circular-Economy-Roles-and-Responsibilities.pdf.
  2. The World Bank (2021), Circular Economy in Industrial Parks: Technologies for Competitiveness
  3. Walter R.S (2019), The Circular Economy A User’s Guide, Routledge, Oxon.
    Sadhan K.G (2020). Circular Economy: Global Perspective, Springer, Singapore;
  4. UNIDO (2017a). Implementation Handbook for Eco-Industrial Parks. https://www.unido.org/sites/default/files/files/2018-05/UNIDO%20Eco-Industrial%20Park%20Handbook_English.pdf