Phát triển hệ sinh thái cho các doanh nghiệp Halal của Việt Nam

15:47 - 22/07/2024

TS. Lê Huy Khôi

Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự gia tăng nhanh chóng của nhu cầu tiêu dùng Halal trên toàn thế giới, việc phát triển một hệ sinh thái hỗ trợ cho các doanh nghiệp Halal của Việt Nam không chỉ là một yêu cầu cấp thiết mà còn là một cơ hội vàng để khai thác thị trường rộng lớn này. Sản phẩm Halal, vốn đã trở thành tiêu chuẩn tiêu dùng của khoảng 2 tỷ người Hồi giáo trên toàn cầu, không chỉ bao gồm thực phẩm mà còn mở rộng ra nhiều lĩnh vực khác như mỹ phẩm, dược phẩm, du lịch, và tài chính. Việt Nam, với nguồn tài nguyên phong phú và nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ, có tiềm năng lớn để tham gia và phát triển thị trường Halal. Tuy nhiên, để thực sự khai thác được cơ hội này, cần phải xây dựng một hệ sinh thái toàn diện, từ việc hiểu rõ các tiêu chuẩn Halal, đến việc phát triển chuỗi cung ứng và hệ thống quản lý chất lượng phù hợp.

Từ khóa: phát triển, hệ sinh thái, halal, doanh nghiệp Việt

1. Tầm quan trọng phát triển sản phẩm Halal

Halal có nghĩa là “được phép” và “hợp pháp” với các quy tắc Hồi giáo trong mọi khía cạnh của cuộc sống, đặc biệt là về tiêu thụ thực phẩm và trong lối sống. Do đó các sản phẩm đạt tiêu chuẩn halal là các sản phẩm đạt yêu cầu về các thành phần và đáp ứng các điều kiện trong sản xuất cũng như yêu cầu Tiêu chuẩn Halal (theo Kinh Qua'ran và luật Shariah). Sản phẩm đạt tiêu chuẩn Halal phải không có bất cứ nguyên liệu nào bị Luật Hồi giáo cấm. Việt phát triển các sản phẩm Halal có vai trò quan trọng do:

- Thị trường lớn, tốc độ tăng trưởng cao: 2 tỷ người hồi giáo tại 112 quốc gia, vùng lãnh thổ, chiếm 25% dân số thế giới, là khu vực có tốc độ Dân số Hồi giáo sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức trung bình 1,5%/ năm, cao gấp đôi so với dân số phi Hồi giáo (0,7%/năm); Quy mô nền kinh tế Halal toàn cầu đạt 7.000 tỷ USD năm 2022 và dự kiến tăng lên mức khoảng 10.000 tỷ USD trước năm 2028 ( tốc độ tăng trưởng khoảng 6 – 8%/năm).

- Chứng nhận Halal như một tiêu chuẩn kỹ thuật thu hút nhu cầu không chỉ đến từ người hồi giáo: Chứng nhận Halal nghiêm ngặt với nhiều yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ liên quan đến các vấn đề an toàn vệ sinh và bảo vệ động vật.

Thu hút khách du lịch hồi giáo đến Việt Nam. 

2. Thực trạng phát triển hệ sinh thái cho các doanh nghiệp Halal của Việt Nam

2.1 Thực trạng xuất khẩu các sản phẩm Halal của Việt Nam

Sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường Halal truyền thống tại Đông Nam Á, Nam Á và Trung Đông, Bắc Phi chủ yếu là nông, thủy sản nhưng ở dạng thô, sơ chế và chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu. Đồng thời, các doanh nghiệp Việt thường chỉ tập trung vào hai thị trường gần là Indonesia và Malaysia..[1] Năng lực xuất khẩu và thương hiệu thực phẩm ở tốp 20 thế giới nhưng Việt Nam chưa có tên trong danh sách 20 - 30 nước cung cấp thực phẩm Halal tiêu biểu của toàn cầu[2].

Trong giai đoạn 2018 – 2022: Kim ngạch xuất khẩu một số sản phẩm nông sản sang OIC của Việt Nam tăng từ 228.095 triệu USD năm 2018 lên 261.477 triệu USD năm 2022, chỉ đạt tỷ trọng 1,10% lượng nhập khẩu các sản phẩm cùng loại của OIC; đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 4,74% thấp hơn tốc độ tăng trưởng nhập khẩu 7,99% của OIC các sản phẩm cùng loại. Trong các mặt hàng nông sản, mặt hàng ngũ cốc chiếm tỷ trọng cao nhất, tuy nhiên có xu hướng giảm dần trong giai đoạn 2018 – 2022. Mặt hàng trái cây chiếm tỷ trọng xuất khẩu ngày một cao của các mặt hàng nông sản (từ 7,3% năm 2018 lên 14,39% năm 2022), mặt hàng thủy sản có xu hướng tăng nhẹ[3]

Hiện nay, 41% địa phương Việt Nam chưa có sản phẩm xuất khẩu có chứng nhận Halal[4].

2.2 Khái quát hệ sinh thái của các doanh nghiệp Halal ở Việt Nam

Hệ sinh thái Halal là một mạng lưới các thành phần tham gia vào chu kỳ tăng trưởng và cung cấp các sản phẩm hoặc dịch vụ Halal góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội chung. Mỗi thành phần trong hệ sinh thái đều có những hoạt động độc đáo riêng, có mối liên hệ với nhau, tạo nên mối quan hệ phát triển không ngừng hướng tới sự bền vững.

Trong khuôn khổ một quốc gia, hệ sinh thái Halal gồm tất cả các tương tác kinh tế để sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm Halal bao gồm: Các khía cạnh liên quan đến đầu tư, thương mại, đổi mới và nhân công như: Sự tin tưởng, Quản trị, Chính sách và kế hoạch, Dữ liệu thống kê, nghiên cứu khoa học và đổi mới, phát triển doanh nghiệp, cơ sở hạ tầng và logistics, nâng cao nhận thức[1]. Theo đó, đặc điểm của hệ sinh thái các doanh nghiệp Halal ở Việt Nam hiện tại có thể kể đến:

- Giao thương thương mại của Việt Nam với OIC: Việt Nam đã tham gia ký kết các hiệp định tự do thương mại với nhiều nước OIC lớn như: Malaysia, Indoneisa, Ấn Độ,….., đồng thời Việt Nam cũng có quan hệ ngọại giao tốt với nước xuất khẩu lớn các sản phẩm Halal như: Singapoor, thuận lợi cho hợp tác để phát triển.

- Các yếu tố sản xuất như:  dây chuyền sản xuất, trang thiết bị riêng biệt, nguồn nguyên liệu an toàn cho đến các khâu đóng gói, vận chuyển, bảo quản… theo tiêu chuẩn Halal  gặp thách thức do thiếu vốn, công nghệ. Để đáp ứng của tiêu chuẩn Halal cần đầu tư lớn, riêng biệt trong khi quy mô sản xuất, kinh doanh chưa lớn để tạo ra lợi thế để cạnh tranh.

- Nguồn nhân lực: Thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, có kiến thức về Halal trong quá trình sản xuất kinh doanh

- Cấp giấy chứng nhận Halal của Việt Nam: Việt Nam chưa có cơ quan nhà nước cấp chứng nhận về tiêu chuẩn Halal, thay vào đó là một số tổ chức tư nhân cấp chứng nhận Halal. các tổ chức chứng nhận Halal của Việt Nam hiện chưa tiếp cận yêu cầu ngày càng cao của ngành công nghiệp Halal thế giới. Đội ngũ kiểm định viên theo dõi hoạt động sản xuất các mặt hàng Halal còn có những hạn chế

- Cơ sở thông tin, dữ liệu: Thiếu, chưa phổ biến rộng.

- Đổi mới khoa học, công nghệ: Hạn chế trong việc áp dụng khoa học công nghệ như truy nguồn gốc xuất xứ, minh bạch quá trình sản xuất, vận chuyển,... Là những đặc điểm quan trọng để cấp giấy chứng nhận Halal, tạo niềm tin cho người tiêu dùng.

2.3 Chính sách phát triển hệ sinh thái cho các doanh nghiệp Halal ở Việt Nam

  1. a) Nhóm chính sách về hợp tác quốc tế

Các hiệp định với các nước trong khối OIC: VN, Malaysia, Indonesia, Brunei trong khối ASEAN; Malaysia, VN cùng tham gia CPTPP;  Hiệp định thương mại ASEAN - Ấn Độ; Đang đàm phán ký kết hiệp định thương mại với UAE

Các ký kết ngoại giao, hiệp định thương mại với các nước xuất khẩu chủ lực Halal sang OIC: Việt Nam, Singapore cùng tham gia CPTPP.

  1. b) Nhóm chính sách về chứng nhận Halal

Hiện Việt Nam có 05 tiêu chuẩn quốc gia về Halal:

- TCVN 12944 : 2020: Thực phẩm Halal – Yêu cầu chung

- TCVN 13708 : 2023: Thực hành nông nghiệp tốt đối với cơ sở sản xuất Halal

- TCVN 13709 : 2023: Thức ăn chăn nuôi Halal

- TCVN 13710 : 2023 : Thực phẩm Halal – Yêu cầu đối với giết mổ động vật

- TCVN 13888 : 2023: Đánh giá sự phù hợp – Yêu cầu đối với tổ chức chứng nhận sản phẩm, quá trình và dịch vụ Halal.

Hoạt động chứng nhận Halal: Các sản phẩm Halal được quản lý bởi Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa; Luật dược, Luật an toàn thực phẩm ; Tiêu chuẩn 13888 : 2023 đáp ứng yêu cầu về năng lực của tổ chức chứng nhận Halal

 Thiếu các chính sách về hỗ trợ các nguồn lực của doanh nghiệp, đảm bảo thực hiện các tiêu chuẩn Halal, hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại:

Quyết định số 10/ QĐ – TTg ngày 14/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án: “Đề án tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030”

2.4 Đánh giá chung

  1. a) Kết quả đạt được

- Xuất khẩu các sản phẩm Halal của Việt Nam đang có xu hướng gia tăng.

- Số lượng doanh nghiệp, sản phẩm Halal tham gia hoạt động xuất khẩu ngày một tăng.

- Đã hình thành một số tiêu chuẩn quốc gia về quá trình sản xuất Halal và tiêu chuẩn cho cơ sở cấp chứng nhận Halal.

- Thuận lợi trong mối quan hệ hợp tác ngoại giao, thương mại với nhiều nước thuộc khối OIC.

  1. b) Hạn chế, nguyên nhân

Sản lượng xuất khẩu các sản phẩm Halal của Việt Nam còn thấp so với các thị trường khác.

Việt Nam chủ yếu xuất khẩu các sản phẩm nông sản đơn giản, không sơ chế, không đòi hỏi tiêu chuẩn cao về chứng nhận Halal.

Việc cấp giấy chứng nhận Halal của Việt Nam còn hạn chế do đặc điểm khách quan  của giấy chứng nhận Halal chưa có sự thống nhất, khác nhau ở nhiều thị trường, thời hạn ngắn và có nhiều yêu cầu khắt khe.

Các khó khăn trong quá trình sản xuất, vận chuyển, kinh doanh: Do quy mô các sản phẩm Halal Việt Nam còn nhỏ, việc đầu tư máy móc, quy trình sản xuất riêng cho các sản phẩm này sẽ gây tốn kém, giảm sức cạnh tranh.

Số lượng người Hồi giáo tại Việt Nam không cao, chất lượng lao động thể hiện ở trình độ sản xuất và hiểu biết trong quá trình sản xuất các sản phẩm Halal thấp.

Việt Nam thiếu nhiều chính sách, chiến lược hỗ trợ phát triển các sản phẩm Halal.

  1. Một số giải pháp

3.1 Nhóm giải pháp từ phía nhà nước

- Hoàn thiện hệ thống pháp lý thúc đẩy phát triển các sản phẩm Halal. Trong đó chỉ đạo giao đơn vị đầu mối nghiên cứu, xây dựng “Chiến lược phát triển ngành Halal Việt Nam.

- Chỉ đạo các Bộ/ngành phối hợp với Bộ Công Thương trong việc xây dựng các chương trình XTTM quốc gia hàng năm nhằm phát triển các sản phẩm và doanh nghiệp ngành Halal.

- Quy hoạch phát triển các Khu công nghiệp Halal ở các tỉnh có thế mạnh về nguyên liệu, tích hợp mọi dịch vụ liên quan đến sản xuất, đóng gói, lưu kho, marketing, thẩm định, cấp chứng chỉ, chuẩn hóa và lưu thông, thương mại hóa sản phẩm Halal.

- Giao Bộ Công Thương chỉ đạo hệ thống các Thương vụ của Việt Nam ở nước ngoài cập nhật thông tin thị trường các nước có nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm Halal. Đồng thời xây dựng hồ sơ thị trường và mặt hàng Halal nhằm cung cấp kịp thời thông tin thị trường Halal cho doanh nghiệp.

- Chính phủ chỉ đạo Tổng cục Thống kê - Bộ Kế hoạch và đầu tư rà soát, đánh giá và xây dựng cơ sở dữ liệu về ngành Halal.

- Tăng cường công tác phối hợp liên ngành Công Thương - Khoa học va công nghệ - Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Y tế trong phát triển ngành Halal

- Xây dựng các chính sách thu hút đầu tư, đổi mới công nghệ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm và doanh nghiệp ngành Halal của Việt Nam.

- Hỗ trợ doanh nghiệp trong xây dựng và phát triển thương hiệu cho sản phẩm và doanh nghiệp Halal của Việt Nam.

- Xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp Halal còn cần được thiết kế dựa trên các nền tảng công nghệ cao như blockchain, thương mại điện tử, tự động hóa để quản lý chuỗi cung ứng, sản xuất, phân phối với khả năng truy xuất cao để sớm tiếp cận thị trường Halal toàn cầu.

- Tăng cường hỗ trợ cho doanh nghiệp trong tham gia các hoạt động xúc tiến thị trường, quảng bá sản phẩm, tạo thuận lợi có được giấy chứng nhận Halal.

- Xây dựng hệ thống tiêu chuẩn chất lượng quốc gia, hệ thống giám sát chặt chẽ, hiệu quả đối với các sản phẩm Halal.

- Tăng cường xúc tiến đầu tư, thu hút các doanh nghiệp của các quốc gia có nhu cầu lớn về các sản phẩm Halal đầu tư vào Việt Nam

3.2. Nhóm giải pháp từ phía doanh nghiệp

- Nâng cao năng lực đáp ứng các tiêu chuẩn và chứng nhận Halal.

- Tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng và quanghr bá thương hiệu cho sản phẩm và doanh nghiệp.

- Tập trung đầu tư, ứng dụng công nghệ vào sản xuất sản phẩm Halal.

- Nâng cao khả năng đáp ứng yêu cầu về sự phù hợp đối với sản phẩm, dịch vụ - Halal và chấp nhận/thừa nhận kết quả chứng nhận của các tổ chức chứng nhận nước ngoài.

- Đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ yêu cầu của sản phẩm, dịch vụ Halal,…

Tài liệu tham khảo:

  1. Dư địa xuất khẩu sản phẩm Halal của Việt Nam vào thị trường các nước Hồi giáo (logistics.gov.vn)

  2. Tập đoàn phát triển Halal, 2021, “Khái niệm và chỉ số hệ sinh thái Halal”

  3. Thiết lập hệ sinh thái Halal đầy đủ tại Việt Nam (baochinhphu.vn)

  4. Trademap.org

 

[1] Tập đoàn phát triển Halal, 2021, “Khái niệm và chỉ số hệ sinh thái Halal”

 

[1] Dư địa xuất khẩu sản phẩm Halal của Việt Nam vào thị trường các nước Hồi giáo (logistics.gov.vn)

[2] Thiết lập hệ sinh thái Halal đầy đủ tại Việt Nam (baochinhphu.vn)

[3] Tính toán của tác giả theo số liệu từ Trademap

[4] Dư địa xuất khẩu sản phẩm Halal của Việt Nam vào thị trường các nước Hồi giáo (logistics.gov.vn)