PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG THỊ TRƯỜNG VÙNG TRUNG DU MIỀN NÚI PHÍA BẮC - THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP

17:18 - 07/12/2023

Lâm Tuấn Hưng

Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương

Vùng Trung du miền núi phía Bắc bao gồm 14 tỉnh, là vùng có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng, là phên dậu của Tổ quốc, tiếp giáp với vùng đồng bằng sông Hồng, là nơi kinh tế phát triển năng động và thị trường tiêu thụ rộng lớn. Trong những năm qua, vùng Trung du miền núi phía Bắc đã nhận được nhiều sự quan tâm của Chính phủ trong việc đầu tư phát triển, đặc biệt là phát triển kinh tế tuy nhiên với đặc điểm là vùng có quy mô kinh tế nhỏ, các tiềm năng và thế mạnh chưa được khai thác hiệu quả. Bài viết sử dụng phương pháp nghiên cứu tại bàn đã nhằm đưa ra những đánh giá về những thành công đạt được, những hạn chế và nguyên nhân để từ đó đề xuất những giải pháp cơ bản nhằm phát triển bền vững thị trường vùng Trung du miền núi phía Bắc đến năm 2030, nhằm thực hiện các mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10 tháng 02 năm 2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Từ khoá: phát triển bền vững thị trường, vùng trung du miền núi phía Bắc.         

1. Đặt vấn đề

Vùng Trung du miền núi phía Bắc là địa bàn có vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, gìn giữ môi trường và bảo đảm an ninh quốc phòng của đất nước. Chính phủ luôn có sự quan tâm đến việc đầu tư phát triển mọi mặt với vùng Trung du miền núi phía Bắc trong đó có việc phát triển bền vững thị trường. Kinh tế toàn vùng đã có sự phát triển khá nhanh, song do là vùng núi cao, địa hình bị chia cắt, cơ sở hạ tầng còn khá nhiều hạn chế, dân cư sống phân tán và trình độ dân trí còn quá thấp nên kinh tế của vùng mặc dù đã có bước phát triển, nhiều lĩnh vực sản xuất kinh doanh mới được hình thành và phát triển như các ngành công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, dịch vụ.

Những năm vừa qua, Đảng, Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết về phát triển vùng Trung du miền núi phía Bắc, Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10 tháng 02 năm 2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đã đề ra mục tiêu: Đến năm 2030, vùng Trung du và miền núi phía Bắc là vùng phát triển xanh, bền vững và toàn diện, trên cơ sở tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng liên kết nội vùng và với vùng đồng bằng sông Hồng, Thủ đô Hà Nội; phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo và năng lượng; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ, đặc sản; kinh tế cửa khẩu, du lịch….Ngày 01/8/2022 Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị Quyết số 96/NQ-CP về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị.

Như vậy, để phát triển bền vững thị trường trong nước vung Trung du miền núi phía Bắc cần gắn kết chặt chẽ với mục tiêu phát triển của vùng và phát triển thương mại trong nước. Trước tiên phải đảm bảo quy luật kinh tế thị trường, đảm bảo cân đối cung cầu, trên cơ sở phát huy lợi thế cạnh tranh và gắn với hội nhập quốc tế, phát triển thị trường hàng hóa theo hướng bền vững và công bằng, đảm bảo lợi ích cho tất cả các địa phương trong vùng. Phát triển bền vững thị trường hàng hóa vùng Trung du miền núi phía Bắc có vai trò thực sự quan trọng trong phát triển kinh tế của vùng.

2. Thực trạng phát triển bền vững thị trường trong nước vùng Trung du miền núi phía Bắc

Thị trường vùng Trung du miền núi phía Bắc giai đoạn vừa qua phát triển theo hướng tích cực, một số chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu, góp phần vào mục tiêu phát triển bền vững kinh tế - xã hội Vùng. Tuy nhiên, một số chỉ tiêu và tình hình thực tế cho thấy, về tổng quan, thị trường Vùng TDMNPB vẫn phát triển chưa bền vững, cả về cung, cầu và trung gian thị trường.

2.1. Những kết quả đạt được

- Về cung hàng hóa thị trường trong nước tại vùng

Quy mô nền kinh tế được mở rộng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp và dịch vụ với thủy điện và kinh tế cửa khẩu. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục được tái cơ cấu theo hướng hiện đại, bền vững, có tác động tích cực tới nguồn cung hàng hóa trên thị trường. Tuy vậy, sản xuất nông nghiệp của vùng trong giai đoạn này có cả những thuận lợi từ kết quả sau hơn 30 năm thực hiện những chính sách hỗ trợ của nhà nước nhưng cũng vẫn còn những tồn tại, khó khăn, từ đó hạn chế sự phát triển của thị trường trong nước tại vùng.

Trong sản xuất nông nghiệp của vùng đã đạt được những thành tựu quan trọng đối với cả trồng trọt và chăn nuôi, năng suất và sản lượng sản phẩm hàng hóa tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng với việc hình thành các trang trại sản xuất tập trung, có sự liên kết với các DN trong sản xuất và tiêu thụ.

Về chế biến, bảo quản sau thu hoạch và cơ giới hóa nông nghiệp cùng với sự tác động của nhiều chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; công nghệ chế biến, bảo quản nông sản sau thu hoạch đã từng bước được nâng cao năng lực, một số hợp tác xã đã chú trọng đầu tư vào chế biến sản phẩm nông nghiệp, giúp nâng cao chất lượng, mẫu mã và đa dạng các mặt hàng nông nghiệp của vùng. Do vậy, mức độ tổn thất của nông sản đã giảm đáng kể.

- Về cầu hàng hóa thị trường trong nước tại vùng:

Tỷ lệ nghèo của vùng TDMNPB có xu hướng giảm, thu nhập dân cư có xu hướng tăng. Các chỉ số về cầu hàng hóa thị trường trong nước tại vùng có xu hướng phát triển theo hướng bền vững.

- Về trung gian thị trường và hạ tầng thương mại:

Số lượng HTTM, đặc biệt là HTTM hiện đại được quan tâm và phát triển về số lượng và chất lượng. Tỷ lệ hàng hóa phân phối qua HTTM hiện đại và phương thức phân phối hiện đại (TMĐT) có xu hướng tăng. HTTM có bước phát triển hơn trước, từng bước tiếp cận theo hướng văn minh, hiện đại: Các hình thức kinh doanh tiên tiến như trung tâm thương mại, siêu thị và cửa hàng tự phục vụ, hội chợ - triển lãm thương mại, trung tâm giao dịch hàng hóa…, đang từng bước được hình thành và phát triển ở một số thành phố, trung tâm một số tỉnh.

Tăng cường bố trí vốn đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động thương mại, chủ yếu là nâng cấp các chợ ở thành phố, thị trấn nhằm tạo điều kiện cho giao lưu thương mại và mua bán, trao đổi hàng hóa của dân cư. Việc đầu tư cải tạo mạng lưới chợ cũng đã tạo thị trường phục vụ cho nhu cầu lưu thông hàng hóa của dân cư, tạo tiền đề thúc đẩy hàng hóa phát triển; đó là nơi mua bán nông sản, bán buôn vật tư và hàng tiêu dùng, góp phần mở rộng các quan hệ trao đổi, phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân địa phương.

2.2. Những tồn tại, hạn chế

- Tồn tại, hạn chế về nguồn cung

Các sản phẩm công nghiệp sản xuất, gia công, chế biến thô nên giá trị gia tăng thấp. Các sản phẩm nông nghiệp vốn là thế mạnh của khu vực thì chậm đổi mới mô hình sản xuất dẫn đến hiệu quả thấp. Các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp, nhà nông, HTX còn chưa nhiều, trong khi chi phí logistics thì cao hơn so với các khu vực khác nên thiếu sức cạnh tranh. Sản xuất nông nghiệp hàng hóa vẫn ở quy mô nhỏ lẻ, manh mún, khó khăn trong hình thành các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch phần lớn ở dạng sơ chế, giá trị gia tăng thấp; làm cho giá trị, năng lực cạnh tranh các sản phẩm nông nghiệp vùng hạn chế…   

Đặt trong xu thế phát triển kinh tế hội nhập của cả nước, quá trình phát triển của lĩnh vực sản xuất nông nghiệp theo hướng chất lượng cao, bền vững của các địa phương vùng TDMNPB còn bộc lộ một số hạn chế như tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn vẫn còn quá ít so với số lượng nông sản của địa phương do những quy định khắt khe trong quy trình kỹ thuật và kinh phí chứng nhận và duy trì theo tiêu chuẩn tương đối cao; sản xuất nông nghiệp theo Tiêu chuẩn chất lượng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thiếu tính bền vững; tỷ lệ các sản phẩm chủ lực phù hợp Tiêu chuẩn chất lượng chưa cao.

Quy hoạch và phát triển các khu công nghiệp trong vùng còn chưa mang tính đồng bộ, phù hợp với quy hoạch chung của cả nước và quy hoạch phát triển đô thị. Quy hoạch và phát triển các khu công nghiệp còn chưa mang tính vùng; chưa đồng bộ với quy hoạch phát triển đô thị, khu dân cư nông thôn, hạ tầng kinh tế - xã hội, đang tạo sức ép lớn đối với môi trường. Tỷ lệ lấp đầy các khu, cụm công nghiệp thấp. Hầu hết các sản phẩm công nghiệp chế biến vẫn ở dạng chế biến thô và gia công. Cơ cấu lại ngành nông nghiệp và đổi mới mô hình sản xuất trong nông nghiệp còn chậm, hiệu quả thấp. Các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị nông sản giữa doanh nghiệp và nông dân chưa nhiều.

- Tồn tại, hạn chế về nhu cầu

Nhu cầu tiêu dùng thấp cùng với sự không đồng đều về thu nhập, mức sống, tập tục…, sự khác nhau về quy mô dân số giữa các địa phương, các nhóm DTTS dẫn đến sự khác nhau về nhu cầu thị trường, quy mô thị trường tại vùng, cầu hàng hóa của vùng này cũng phân tán, không tập trung, hạn chế sự phát triển của thị trường.

Tiêu thụ bền vững hầu như chưa được quan tâm, các sản phẩm sinh thái chưa có chỗ đứng trên thị trường, thói quen tiêu dùng bền vững hầu như chưa được định hướng trong thị trường ở vùng TDMNPB.

Về nhận thức, tuy đã có chuyển biến, nhưng nhìn chung, nhận thức của xã hội đối với hoạt động sản xuất và tiêu thụ bền vững (SX&TTBV) còn hạn chế. Do vậy, chưa có sự chủ động trong tiếp cận với các giải pháp SX&TTBV. Nhận thức của các cấp có thẩm quyền đã có nhưng chưa được thể hiện cụ thể vào các chính sách. Ngoài ra, mức độ nhận thức và sự quan tâm của cộng đồng đối với các sản phẩm thân thiện môi trường cho thấy chưa có sự quan tâm đáng kể đối với việc tiêu dùng và sản xuất các sản phẩm này. Do vậy chưa tạo được động lực cho việc phát triển các sản phẩm xanh. Chương trình cấp nhãn sinh thái cho các sản phẩm xanh đã triển khai nhưng chưa hiệu quả như kỳ vọng.

Vấn đề cạnh tranh chưa lành mạnh (tình trạng hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ) vẫn diễn ra ở từng địa phương và trên phạm vi toàn Vùng, góp phần dẫn đến phát triển chưa bền vững thị trường trong nước tại Vùng.

- Tồn tại, hạn chế về trung gian thị trường

Việc phát triển sản phẩm hiện nay chủ yếu vẫn được phân phối qua những kênh bán hàng truyền thống, như: Hội chợ, cửa hàng, siêu thị... và chưa có sự gắn kết cao giữa những sản phẩm nông nghiệp với sàn thương mại điện tử (TMĐT). Đặc biệt, người dân trong vẫn cần thông qua các thương lái để tìm đầu ra cho sản phẩm.

Sự khó khăn của người dân vùng TDMNPB trong việc tiếp cận với các loại hình hạ tầng thương mại hiện đại hơn so với loại hình chợ truyền thống. Bên cạnh đó, hàng hóa vẫn chủ yếu được tiêu thụ qua HTTM truyền thống và phương thức phân phối truyền thống. Tỷ lệ hàng hóa phân phối qua HTTM hiện đại và phương thức phân phối hiện đại (TMĐT) có xu hướng tăng nhưng còn chậm. Hệ thống hạ tầng thương mại còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển thương mại của các tỉnh Tây Bắc.

Mạng lưới hạ tầng thương mại tuy có bước phát triển nhưng số lượng, chất lượng, đặc biệt là chợ đa số cơ sở vật chất kỹ thuật vẫn nghèo nàn, sơ sài và còn đang trong quá trình củng cố, nâng cấp từng bước, một số chợ hoạt động kém hiệu quả hoặc không hoạt động; siêu thị, TTTM, cửa hàng tiện lợi mới chỉ phát triển ở khu vực thành thị và đa số siêu thị không đạt tiêu chuẩn xếp hạng; hệ thống kho bãi giao nhận vận tải và các dịch vụ logistic hầu như chưa có hoặc có quy mô nhỏ.

Cùng với đó là sự liên kết trong chuỗi cung ứng cơ bản trong nông nghiệp vùng bao gồm: sản xuất, thu hoạch và vận chuyển; xử lý và lưu trữ; đóng gói, phân phối; đưa ra thị trường của người nông dân và các Hợp tác xã nông nghiệp chưa thực sự chuyên nghiệp, đang là rào cản của sự kết nối giữa sản phẩm nông nghiệp với giao dịch điện tử hiện nay.

 

2.3. Nguyên nhân của hạn chế

- Nguyên nhân chung

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, các cơ chế, chính sách được hoạch định và xây dựng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội vùng TDMNPB giai đoạn 2011-2020 cũng cho thấy nhiều bất cập, hạn chế. Việc triển khai nhiều nghị quyết của Đảng, Quốc hội, chính sách của Chính phủ chưa theo kịp được với đòi hỏi của thực tế phát triển vùng TDMNPB.

Tổ chức quản trị vùng và cơ chế phối hợp còn nhiều hạn chế, làm giảm khả năng khai thác tiềm năng phát triển của Vùng. Đơn cử như vấn đề phân bổ vốn, mặc dù đã phân vùng nhưng ngân sách nhà nước từ Trung ương lại giao trực tiếp cho các địa phương, như vậy, vai trò của hội đồng vùng không có tính quyết định cao. Do vậy, khó đảm bảo được tính liên kết trong phát triển vùng nói chung và các chính sách để phát triển bền vững thị trường tại vùng Trung du miền núi phía Bắc nói riêng. Còn thiếu các chính sách gắn kết mục tiêu phát triển của từng địa phương với mục tiêu phát triển tổng thể cho vùng nên tăng trưởng vùng theo hướng rời rạc, thiếu sự gắn kết nội vùng. Trên thực tế đã có những liên kết (biên bản ghi nhớ, cam kết) giữa địa phương này với địa phương khác, vùng này với vùng khác để phát huy lợi thể của địa phương, của vùng. Tuy nhiên, các cam kết này chưa mang tính pháp lý và cũng không có chế tài để đảm bảo hiện lâu dài. Những liên kết này chưa phải là sự liên kết dựa trên các lợi thế phát triển và mang tính tương tác của cực tăng trưởng với các vùng kém phát triển.

Năng lực kết nối giao thông, bao gồm cả trục dọc và trục ngang còn nhiều hạn chế, hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, mới chỉ nghiêng về giao thông đường bộ (nhưng cũng chưa hoàn chỉnh, mới chỉ hình thành một số tuyến cao tốc như: Nội Bài – Lào Cai, Hà Nội – Thái Nguyên…). Điều này dẫn đến tình trạng muốn từ Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên đến Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ nhanh nhất chỉ có cách đi về Hà Nội rồi quay ngược lại vì thiếu trục giao thông ngang kết nối giữa các địa phương… Những điều đó đã ảnh hưởng lớn đến cơ hội giao thương, xúc tiến đầu tư của các tỉnh trong vùng .

Bên cạnh đó, việc triển khai một số chính sách lớn của vùng chưa phù hợp với thực tế và chưa đáp ứng nhu cầu của người dân và điều kiện của từng vùng, cụ thể:

+ Việc triển khai thực hiện chỉ thị 135 vẫn còn những khó khăn, hạn chế, như: nguồn vốn Trung ương có năm giao còn chậm và việc hướng dẫn cơ chế thực hiện của các bộ ngành Trung ương còn chậm; các công trình đầu tư mới chưa có  sự phối hợp, lồng ghép với vốn chương trình xây dựng nông thôn mới và các nguồn khác; cơ chế quản lý, lồng ghép các nguồn lực còn thiếu đồng bộ, chưa chặt chẽ, vì vậy chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của chương trình, dự án

+ Chính sách chủ yếu hỗ trợ, chưa chú trọng đầu tư có trọng điểm, công tác chỉ đạo điều hành thiếu đồng bộ: Chính sách hỗ trợ về nước sạch và môi trường nông thôn (6 chính sách); hỗ trợ đất sản xuất, đất nhà ở và văn hóa thông tin (6 chính sách); hỗ trợ giải quyết việc làm, hỗ trợ pháp lý và hỗ trợ xây dựng trạm y tế (4 chính sách); còn các lĩnh vực khác như hỗ trợ xây dựng đường sá, thủy lợi, trường học, giống, vốn, kỹ thuật đều có 3 chính sách quy định.

+ Một số chính sách thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm hiện hành mới chỉ dừng lại ở việc trợ giá, trợ cước vận chuyển, xây dựng đường, chợ... Các chính sách này rất quan trọng đối với vùng dân tộc thiểu số (DTTS), vì tại đây, giao thông khó khăn, quy mô sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Tuy nhiên, các chính sách này lại chưa thực sự giải quyết vấn để kết nối sản phẩm một cách cơ bản. Vì vậy, để sản xuất phát triển, đồng bào đang rất cần những chính sách kết nối. Đặc biệt là, chính sách phải giải quyết được những khó khăn trong quá trình sản xuất, đặc biệt là khó khăn trong việc tiếp cận thị trường, giải quyết đầu ra cho nông sản.

+ Thiếu chính sách về tái tạo môi trường, khôi phục cảnh quan, không gian sinh tồn cho người DTTS. Vùng TDMNPPB tập trung nhiều tài nguyên, khoáng sản, các danh lam thắng cảnh đẹp nhưng chưa có chính sách hiệu quả để khai thác tối đa các lợi thế của Vùng, đặc biệt là các chính sách liên kết vùng, ứng phó với biến đổi khí hậu để bảo vệ tái tạo môi trường, giữ gìn không gian sinh tồn và duy trì sinh kế cho người dân vùng Trung du miền núi  phía Bắc.

+ Giai đoạn vừa qua, thiếu một “nhạc trưởng” để biến quy hoạch liên kết các địa phương, liên kết vùng với nhau trở thành hiện thực. Song song với đó, các chính sách đưa ra cần phải có sự đột phá trong phát triển cơ sở hạ tầng hỗ trợ tăng liên kết vùng và thúc đẩy tăng trưởng.

- Nguyên nhân cụ thể khiến nguồn cung phát triển chưa bền vững

+ Điều kiện khí hậu đặc thù cùng với những tác động xấu của biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp nói chung và kinh tế vườn nói riêng như: nắng nóng, rét buốt, băng giá, sương muối... trong mùa đông và xói lở đất, lũ quét... trong mùa mưa bão. Địa hình đồi dốc cao, chia cắt cản trở việc thâm canh sản xuất.

+ Tiến bộ kỹ thuật áp dụng còn hạn chế, năng lực sản xuất và tư duy kinh tế của các nhà vườn chênh lệch cao, vì vậy, sản xuất nhiều loại nông sản nhỏ lẻ, thiếu đồng loạt, ít có số lượng hàng hóa lớn, thiếu liên kết, hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Đối với cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, các doanh nghiệp, HTX, hộ nông dân đã vào cuộc, tham gia tích cực vào quá trình cơ giới hóa, nhưng vẫn mang tính dàn trải, đầu tư cục bộ, nhỏ lẻ, ở đâu có nhu cầu mua máy động lực thì cung cấp; không có máy, người nông dân tự sáng chế hoặc hộ nông dân có nhu cầu về máy cơ giới thì đầu tư nhưng không rõ về hiệu quả với quy mô sản xuất của hộ gia đình.

+ Việc thu mua, chế biến, bảo quản nông sản còn thiếu doanh nghiệp tham gia. Chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế vườn còn nhiều hạn chế, nhất là về tín dụng, hỗ trợ áp dụng cơ giới hóa, liên kết sản xuất...- trong lĩnh vực kinh tế, phát triển của các địa phương trong vùng chưa đồng đều.

+ Năng lực cạnh tranh của vùng và kết cấu hạ tầng KT-XH chậm cải thiện, nhất là kết nối hạ tầng giao thông. Điều kiện cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông của miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới còn rất khó khăn, đòi hỏi phải có nguồn lực lớn để đầu tư trong khi khả năng ngân sách còn hạn chế. Tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh diễn ra thường xuyên và trên diện rộng.

+ Số lượng doanh nghiệp trong vùng còn thấp, nhất là doanh nghiệp có quy mô lao động lớn còn rất hạn chế, công nghệ sản xuất không cao chủ yếu chế biến và khai thác. Vùng chủ yếu là đồng bào dân tộc, mặt bằng dân trí, trình độ sản xuất hạn chế,tác động từ tự nhiên ngày càng phức tạp, khó dự báo. Phát triển kinh tế chưa tạo ra nhiều việc làm có năng suất, chất lượng; chuyển dịch cơ cấu kinh tế chưa tạo đột phá để kích thích chuyển dịch cơ cấu lao động.

+ Nguồn lực bố trí chưa thỏa đáng: Nguồn lực chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn, còn phụ thuộc phần lớn vào nguồn vốn trung ương và bị phân tán, dàn trải bởi nhiều chính sách; việc lồng ghép nguồn lực còn khó khăn; phương thức thực hiện còn hạn chế. Xã hội hóa thu hút nguồn lực đầu tư vào các dịch vụ xã hội cơ bản từ khu vực tư nhân và nước ngoài chưa khai thác hết tiềm năng. Các địa phương trong vùng đều chưa cân đối được ngân sách. Số lượng DN hoạt động thấp nhất nước; đa phần là những DN có quy mô siêu nhỏ và nhỏ.

+ Thiếu tính liên kết: mặc dù là khu vực có nhiều tiềm năng, lợi thế, tuy nhiên, chưa được khai thác triệt để, hiệu quả, phát triển kinh tế vùng TDMNPB vẫn còn nhiều hạn chế. Vùng TDMNPB là một trong 6 vùng kinh tế của cả nước, nhưng vẫn chỉ là phép cộng cơ học của các địa phương chứ chưa có chuỗi liên kết trong vùng, nhất là trong việc hình thành các khu kinh tế và các dự án phát triển mang dấu ấn của vùng.

- Nguyên nhân khiến cầu phát triển chưa bền vững

Người dân của vùng chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, rất khó khăn trong việc thoát nghèo, trở thành “lõi nghèo”: địa hình chia cắt, cách biệt về địa lý, khí hậu khắc nghiệt, rất khó khăn trong thu hút đầu tư, tiếp cận thị trường. Bị hạn chế về mặt xã hội, văn hóa, ngôn ngữ khác biệt, tỷ lệ di cư khỏi nơi sinh sống thấp nên việc học hỏi, nâng cao trình độ về văn hóa, kiến thức sản xuất, tiếp cận thị trường rất hạn chế. Hạn chế trong tiếp cận đất sản xuất có chất lượng, thiếu phương tiện sản xuất, chất lượng nguồn nhân lực thấp nên năng suất sản xuất thấp, thu nhập không bảo đảm cuộc sống. Hệ thống chính sách đối với vùng DTTS và miền núi nhiều nhưng phân tán, dàn trải, thuộc nhiều lĩnh vực và nhiều cơ quan quản lý. Vẫn còn tư tưởng trông chờ ỷ lại vào các chính sách trợ giúp của Nhà nước và cộng đồng.

Hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội có tính kết nối vùng giữa các huyện nghèo, xã ĐBKK với các khu vực trung tâm và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển còn rất hạn chế, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất, lưu thông hàng hóa, tiếp cận việc làm, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân và khả năng thoát nghèo của người dân, khả năng thoát khỏi tình trạng khó khăn của địa bàn nghèo.

- Nguyên nhân khiến trung gian thị trường phát triển chưa bền vững

+ Thị trường trong nước tại vùng TDMNPB cạnh tranh còn thiếu lành mạnh là do ý thức của cả người sản xuất, nhà phân phối và người tiêu dùng trong việc sản xuất, phân phối và tiêu thụ hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ trên thị trường trong nước tại Vùng. Bên cạnh đó, công tác quản lý thị trường đã được quan tâm nhưng vẫn còn hạn chế, một phần do điều kiện địa hình đặc trưng (nhiều cửa khẩu biên giới; giao thông đi lại khó khăn, địa hình chia cắt, ...) dẫn đến việc kiểm tra, kiểm soát gặp khó khăn trong khi lực lượng và ngân sách còn hạn chế.

+ Phát triển bền vững HTTM trong vùng TDMNPB còn gặp nhiều khó khăn do suất đầu tư cao, quy mô thị trường nhỏ và phân tán, trình độ tiêu dùng của cư dân còn thấp, khả năng thu hồi vốn chậm và khó, dẫn đến khó thu hút doanh nghiệp đầu tư theo hình thức xã hội hóa, trong khi, vốn ngân sách còn eo hẹp.

Điều kiện địa hình hiểm trở, phân tán, khó khăn về giao thông vận tải trong vùng và khó khăn trong kết nối với các trung tâm chính trị, kinh tế, thương mại của cả nước, chi phí lưu thông cao. Miền núi chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, dân cư phân tán (trừ khu vực thành thị), thu nhập bình quân đầu người thấp nhất cả nước, dẫn đến sức mua thấp và đây cũng là nơi có HTTM vừa thiếu, vừa yếu kém, từ đó ảnh hưởng đến quá trình vận chuyển, dự trữ, phân phối hàng hóa của khu vực miền núi. Vốn ngân sách chủ yếu tập trung bố trí đầu tư cơ sở hạ tầng chung phục vụ phát triển kinh tế - xã hội như: Đường giao thông, hệ thống nước sinh hoạt, điện… mà chưa chú trọng đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng thương mại. Trong khi đó, chưa có chính sách đồng bộ và hiệu quả để khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế theo hướng công tư kết hợp để đầu tư hoặc góp vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng chuyên dùng cho hoạt động thương mại, nhất là đối với khu vực vùng cao, biên giới.

- Nguyên nhân chuỗi cung ứng phát triển chưa bền vững

Khó khăn lớn nhất vẫn là vùng nguyên liệu còn nhỏ lẻ, manh mún chưa được chú trọng đến việc phát triển bền vững; các doanh nghiệp còn yếu kém trong việc chuẩn hoá pháp lý cho sản phẩm; năng lực quản trị còn yếu kém; sản phẩm chưa được đầu tư bao bì, vẫn còn đơn giản, thô sơ…

Cung – cầu thị trường đối với sản phẩm hàng hóa của vùng chưa gặp nhau là do, xu hướng hiện nay, các nhà phân phối ưu tiên phân phối sản phẩm bền vững, có chứng chỉ, đặc biệt là sản phẩm của các hợp tác xã (HTX), nhà sản xuất có chứng nhận của Mỹ, Nhật Bản hoặc VietGAP. Trong khi, hiện chưa có nhiều đơn vị của Việt Nam nói chung và vùng TDMNPB nói riêng có những chứng nhận này.

Liên kết giữa nhà sản xuất và nhà thu mua/ phân phối trên thị trường vùng TDMNPB, đặc biệt với mặt hàng nông sản, còn nhiều hạn chế. Một mặt, do tính cam kết của các HTX, người nông dân trong tuân thủ, thực hiện hợp đồng còn chưa cao. Mặt khác, nhà phân phối chưa phổ biến kỹ càng cho nhà sản xuất về tiêu chuẩn, mẫu mã, bao bì sản phẩm. Vai trò của nhà nước, cơ quan quản lý trong vấn đề kết nối, tạo “sân chơi” để nhà sản xuất tiếp cận thông tin và định hướng sản xuất theo yêu cầu của nhà bán buôn, nhà phân phối cũng rất quan trọng và cần thiết.

Bên cạnh đó là vấn đề chi phí logistics tại vùng TDMNPB còn rất cao, so với các vùng và cả nước do đặc thù về địa bàn rộng và chia cắt mạnh. Đây là một trong những hạn chế, trở ngại tác động mạnh đến kết nối cung – cầu hàng hóa trên địa bàn.

Liên kết vùng còn yếu, nhất là chuỗi giá trị sản phẩm liên kết vùng – yếu tố đặc biệt quan trọng để bảo đảm cho liên kết vùng có hiệu quả – chưa được thể hiện rõ trong quá trình xây dựng quy hoạch, kế hoạch liên kết vùng hiện nay. Ngoài ra, cách phân vùng kinh tế – xã hội còn nhiều mặt hạn chế, chưa phát huy được lợi thế so sánh từng vùng theo chuỗi giá trị sản phẩm, các chuỗi giá trị liên kết kinh tế nội vùng và liên vùng vẫn còn bị bỏ ngỏ.

3. Một số giải pháp cơ bản phát triển bền vững thị trường vùng Trung du miền núi phía Bắc đến năm 2030

3.1. Thúc đẩy liên kết vùng

Để tăng cường liên kết vùng trong phát triển các ngành, các lĩnh vực cần tạo điều kiện thực hiện các sáng kiến liên kết tiểu vùng hiện có và hình thành các liên kết tiểu vùng mới, chú trọng phát triển và cải thiện chuỗi giá trị cho một số sản phẩm chủ lực của Vùng. Các tỉnh cần phối hợp trong lập quy hoạch và kế hoạch cấp tỉnh theo hướng liên kết vùng trong hỗ trợ nông dân phát triển các cây trồng, vật nuôi có giá trị cao hơn và cải tiến kỹ thuật canh tác, ít gây hại cho môi trường, hỗ trợ phát triển các chuỗi giá trị cho các sản phẩm chủ lực của Vùng, hình thành các vùng sản xuất tập trung, kết nối với các trung tâm đầu mối. Việc quy hoạch và xây dựng các trung tâm đầu mối phải có sự phối hợp liên tỉnh, sao cho các điểm xây dựng các trung tâm đầu mối được quy hoạch gắn kết với các vùng nguyên liệu đủ lớn, được kết nối thuận lợi với hệ thống giao thông và các dịch vụ hỗ trợ cần thiết.

Chiến lược tổng thể về liên kết vùng, ngoài các vấn đề về liên kết giao thông, cần hướng đến một số nội dung: (1) Định hướng phát triển vùng động lực/khu vực động lực của toàn vùng, từ đó lan tỏa, kích thích kinh tế các khu vực lân cận. (2) Định hướng liên kết các chuỗi kinh tế, các chuỗi sản phẩm mang quy mô vùng, Trong đó:

- Dựa trên các điểu kiện phát triển, có thể xác định khu vực động lực của vùng tại vành đai Bắc Giang - Thái Nguyên - Phú Thọ gắn với Vùng thủ đô: Là khu vực giữ vai trò quan trọng đối với cả vùng, là trung tâm công nghiệp. Hệ thống kết cấu hạ tầng của vùng đã và đang được đầu tư tương đối đồng bộ, nguồn nhân lực chất lượng cao. Vùng có vị trí thuận lợi kết nối theo tất cả các phương thức vận tải quốc tế (hàng không, đường sắt, đường thủy, đường bộ). Nằm ở ví trí vùng Thủ đô, gắn với các Hành lang kinh tế quốc tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và Hành lang kinh tế Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng, khu vực này có dư địa mở rộng, phát triển dài hạn và có đủ điều kiện để trở thành động lực tăng trưởng cho cả Vùng.

- Hình thành các chuỗi liên kết, trung tâm kinh tế - đô thị vùng tạo động lực phát triển cho cả Vùng, như các đô thị động lực là các thành phố Việt Trì, Thái Nguyên, Bắc Giang, Hòa Bình. Gắn khu vực động lực tăng trưởng với các khu đô thị kinh tế cửa khẩu quốc gia, quốc tế vùng biên giới: Hữu Nghị, Đồng Đăng (Lạng Sơn), Lào Cai (Lào Cai).

- Hình thành chuỗi liên kết sản xuất, liên kết các ngành kinh tế, trong đó: hình thành cụm liên kết, trung tâm sản xuất cơ khí chế tạo có trình độ cao tại Thái Nguyên, Bắc Giang. Chế biến gỗ tại Phú Thọ để liên kết với các tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn. Chuỗi liên kết phát triển các sản phẩm nông nghiệp, cây ăn quả của các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình trong đó đưa Sơn La trở thành trung tâm chế biến sản phẩm nông nghiệp; liên kết, hợp tác với các đô thị lớn trong vùng Thủ đô Hà Nội, vùng Đông Bắc Bộ. Chuỗi liên kết phát triển du lịch giữa Lào Cai - Yên Bái – Phú Thọ theo trục đường sắt và đường bộ cao tốc Hà Nội - Lào Cai. Đồng thời, có cơ chế hình thành các chuỗi sản xuất công nghiệp, gắn công nghiệp khai thác với chế biến, chế tạo.

3.2. Giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ

Hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng tăng tưởng, duy trì tốc độ tăng trưởng cao dựa trên năng suất, chất lượng và hiệu quả, cần đưa khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trở thành nhân tố đóng góp chủ đạo vào phần nâng cao giá trị gia tăng, sức mạnh cạnh tranh của các sản phẩm lợi thế, mặt hàng chiến lược của vùng. Theo đó, cần ưu tiên xây dựng một số trung tâm nghiên cứu ứng dụng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của vùng tại Bắc Giang, Thái Nguyên, Sơn La. Phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông hiện đại, thông suốt, đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực, xây dựng nền kinh tế số, xã hội số. Ưu tiên chuyển đổi số trong một số ngành, lĩnh vực như y tế, giáo dục - đào tạo, thương mại, du lịch, tài chính - ngân hàng, nông nghiệp, giao thông vận tải và logistics, năng lượng, tài nguyên - môi trường, sản xuất công nghiệp. Xây dựng và phát triển đồng bộ hạ tầng dữ liệu vùng và địa phương kết nối đồng bộ và thống nhất với hệ thống dữ liệu quốc gia.

3.3. Giải pháp về phát triển hệ thống logistics

Phát triển hệ thống logistics nhằm góp phần tăng trưởng kinh tế và đảm bảo quốc phòng an ninh vùng TDMNPB bao gồm:

- Nhà nước tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách và pháp luật logistics nhằm tạo cơ sở pháp lý đầy đủ và đồng bộ thuận lợi cho các hoạt động logistics trên thị trường; Hoàn thiện thể chế pháp luật nhằm phát triển hệ thống logistics quốc gia và vùng Trung du miền núi phía Bắc. Hoàn thiện môi trường logistics và khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư phát triển logistics. Ban hành các chính sách thiết thực phát triển bền vững với hệ thống logistics xanh

-  Phát triển hệ thống logistics quốc gia trên tất cả các yếu tố, đảm bảo tính đồng bộ, hợp lý, nhằm kiến tạo môi trường phát triển để tận dụng các cơ hội từ mở cửa thị trường logistics mà các FTA thế hệ mới mang lại thông qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững;

- Xây dựng và ban hành chính sách phát triển doanh nghiệp logistics trong vùng thông qua cơ chế, chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển đa dạng các loại hình doanh nghiệp này ở vùng TDMNPB với tất cả các loại hình vận tải; Xây dựng và phát triển các loại hình doanh nghiệp logistics, bao gồm cả loại hình logistics chuyên doanh có khả năng cạnh tranh đi đôi với phát triển các loại hình dịch vụ;

- Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng logistics đồng bộ, hiện đại, trước hết ưu tiên xây dựng hạ tầng kết nối mạng lưới giao thông vận tải theo hướng vận tải đa phương thức để khai thác hiệu quả hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, thương mại hiện có của vùng TDMNPB và các vùng hiện nay;

- Nhà nước cần có chính sách đặc thù về đất và cơ chế sử dụng cho xây dựng các trung tâm logistics ở nước ta nói chung và vùng TDMNPB nói riêng theo các loại hình nhằm thực hiện liên kết kinh tế hiệu quả giữa các ngành, địa phương và vùng lãnh thổ, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững;

- Tăng cường đào tạo và phát triển nguồn nhân lực logistics theo hướng bài bản chuyên nghiệp cả trình độ đại học, sau đại học và cả dạy nghề, ngiệp vụ nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển Logictics của vùng TDMNPB và nền kinh tế.

3.4. Giải pháp tăng cường các nguồn lực để thực hiện phát triển bền vững thị trường vùng TDMNPB

Tăng tỷ trọng đầu tư từ ngân sách Trung ương cho vùng cả về số tuyệt đối và tỷ trọng. Đổi mới cơ cấu đầu tư theo hướng tăng tỷ trọng đầu tư cho xây dựng kết cấu hạ tầng (ưu tiên đường giao thông, điện, các công trình thủy lợi, trường học, trạm y tế, bệnh viện); đào tạo nguồn nhân lực, áp dụng khoa học - công nghệ (ưu tiên nghiên cứu, lai tạo giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất cao, chất lượng tốt, giá thành hạ); xây dựng các cơ sở công nghiệp chế biến nông sản mà vùng có thế mạnh. Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng như gạch ngói, xi-măng cũng cần được đầu tư để giảm bớt sự phụ thuộc vào các tỉnh miền xuôi, giảm chi phí vận chuyển... để tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Các công trình cần ưu tiên hàng đầu là xây dựng, nâng cấp hệ thống đường giao thông từ Hà Nội lên các tỉnh Tây Bắc, nâng cấp sân bay Điện Biên, Nà Sản để giải quyết sự bất cập về giao thông đang cản trở sự phát triển của vùng.

Đẩy mạnh công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường đối thoại với doanh nghiệp nhằm thu hút đầu tư tư nhân vào phát triển KT - XH vùng; thực hiện công khai, minh bạch trong điều hành của chính quyền các địa phương, tăng cường đào tạo nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp huyện, cấp xã và cấp thôn/bản nhằm đẩy mạnh thu hút nguồn vốn ODA, FDI, các nguồn tài trợ từ các tổ chức phi Chính phủ (NGOs) phục vụ cho việc thực hiện các định hướng quy hoạch PTBV vùng Trung du miền núi phía Bắc.

Tranh thủ tối đa các nguồn vốn hỗ trợ của các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu, các chính sách đặc thù đối với vùng Trung du miền núi phía Bắc, các chính sách ưu đãi đối với vùng dân tộc thiểu số để tăng cường khai thác các nguồn vốn tín dụng ưu đãi theo các chính sách hiện hành.

  1. Kết luận

Phát triển vùng Trung du miền núi phía Bắc đến năm 2030 cần có sự gắn kết chặt chẽ với mục tiêu phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó phát triển thương mại trong nước hiện đại, văn minh, tăng trưởng nhanh và bền vững, là điểm tựa vững chắc cho sản xuất trong nước ngày càng đổi mới, phát triển, xây dựng thương hiệu hàng hóa Việt Nam, bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong nước và của nền kinh tế, đáp ứng ngày càng cao về phát triển kinh tế - xã hội, tạo tiền đề vững chắc để tham gia hội nhập sâu hơn vào kinh tế khu vực và thế giới. Để thực hiện được mục tiêu đề ra, cần thiết phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó giải pháp liên kết vùng được cho là hạt nhân, đóng vai trò trung tâm trong việc phát triển bền vững thị trường vùng Trung du miền núi phía Bắc.

Tài liệu tham khảo

Tiếng Việt

  1. Nguyễn Ngọc Anh (2022), Giải pháp phát triển thị trường sản phẩm năng lượng tái tạo vùng Trung du miền núi phía Bắc Việt Nam giai đoạn 2020-2030, Luận án Tiến sĩ kinh tế.
  2. Đặng Hoàng Anh (2018), Thực trạng phát triển kết cấu hạ tầng thương mại miền núi đối với các tỉnh phía Bắc của Việt Nam, Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 5 + 6 tháng 4/2018.
  3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2021), Báo cáo quan điểm, mục tiêu các định hướng phát triển vùng Trung du miền núi phía Bắc Việt Nam giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2050.
  4. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2022), Nhìn lại hai thập kỷ phát triển kinh tế vùng Trung du và miền núi phía Bắc và các kịch bản tăng trưởng đến năm 2030, Nghiên cứu chuyên đề của TTTT và Dự báo KTXH Quốc gia.
  5. Đỗ Đức Minh (2010), Chính sách và giải pháp phát triển bền vững thị trường chứng khoán Việt Nam đến năm 2020, Đề tài cấp nhà nước, mã số KX,01,17/06-10, Chương trình KHCN trọng điểm cấp nhà nước “Những vấn đề cơ bản phát triển kinh tế Việt Nam đến năm 2020”
  6. Nguyễn Thanh Tuấn (2019), Xây dựng bộ tiêu chí phát triển bền vững theo lĩnh vực và theo lãnh thổ vùng Tây Bắc, Đề tài cấp nhà nước, mã số: KHCN-TB.25X/13-18 thuộc Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước giai đoạn 2013-2018 “Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc”.

Tiếng Anh

  1. Hao Ngo, Tran Hưu Ai (2021), Sustainalble development of in rural mountainous areas, Vietnam, European journal os Molecular Biotechnology (Phát triển bền vững ở các vùng nông thôn miền núi, Việt Nam), May 2021.
  2. Trinh Thi Thanh Thuy, Nguyen Thi Binh và cộng sự (2021), An Empirical Study of Commodity Market Patterns in Ethnic Minorities and Mountainous Areas: Evidence from Vietnam (Nghiên cứu thực nghiệm về mô hình thị trường hàng hóa ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi: Bằng chứng từ Việt Nam), Online ISSN 2288-4645, September 28, 2021.
  3. OECD (2023), Thailand’s development trajectory: Past and future strategies (Quỹ đạo phát triển của Thái Lan: Các chiến lược trong quá khứ và tương lai).
  4. Đỗ Kim Giang (2022), How Emerging Economies Vietnam and India Complement Each Other (Các nền kinh tế mới nổi Việt Nam và Ấn Độ bổ sung cho nhau như thế nào), Vietnam Briefing.