Nghiên cứu xây dựng và vận hành Trung tâm lưu ký và giao dịch quốc tế về tín chỉ các-bon, liên thông với sàn giao dịch tín chỉ các-bon quốc gia tại Việt Nam

19:01 - 18/12/2023

Nguyễn Văn Hiến[1]

Trước những lo ngại về khí hậu toàn cầu ngày càng gia tăng, các quốc gia trên thế giới đã ký kết thỏa thuận toàn cầu nhằm thể hiện sự cam kết mạnh mẽ để chung tay tìm kiếm các giải pháp sáng tạo để giảm thiểu phát thải khí nhà kính và tác động của nó đối với môi trường. Việt Nam là một trong những thành viên tích cực tham gia và có trách nhiệm, nhưng đồng thời cũng là một nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Nhận thấy sự cần thiết phải giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, Việt Nam đang triển khai nghiên cứu việc thành lập thị trường các-bon trong nước, trong đó việc xây dựng và vận hành một hệ thống lưu ký các-bon được coi là một trụ cột quan trọng, trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình trên thế giới. Bài viết này đi sâu vào việc phân tích, đánh giá điều kiện, bối cảnh của Việt Nam và rút ra bài học kinh nghiệm từ các hệ thống lưu ký trên thế giới để đề xuất các giải pháp xây dựng một hệ thống lưu ký các- bon hiệu quả cho Việt Nam.

Từ khóa: Các-bon; Hệ thống đăng ký; Thị trường các-bon; Trung tâm lưu ký.

1. Mở đầu

Thực hiện cam kết cắt giảm khí nhà kính theo các thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam là một bên tham gia, đặc biệt các các thỏa thuận quan trọng như Nghị định thư Kyoto và Thỏa thuận Paris, việc phát triển thị trường các-bon với vai trò là một công cụ chính sách quan trọng giảm thiểu phát thải khí nhà kính, được xem là yêu cầu cấp thiết, vừa góp phần thể hiện là một thành viên tích cực, trách nhiệm đối với cuộc chiến chống biến đổi khí hẩu, vừa khuyến khích đổi mới công nghệ, sáng tạo, tăng cường khả năng cạnh tranh kinh tế, thương mại, đồng thời đóng góp quan trọng vào việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững đất nước. Trong nỗ lực xây dựng, phát triển thị trường các bon này, việc xây dựng, vận hành một hệ thống đăng ký các bon được coi là một trụ cột quan trọng. Nhiệm vụ này cần được ưu tiên thực hiện trước bởi vì nó được coi là một trung tâm dữ liệu quan trọng để trên cơ sở đó các thành phần khác trong thị trường các bon.

2. Thực trạng xây dựng và vận hành hệ thống đăng ký các bon tại Việt Nam

Tại Việt Nam, vấn đề xây dựng thị trường các bon đã được đặt ra từ năm 2011. Nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật đã được ban hành với nhiều nội dung, quy định liên quan đến định hướng, yêu cầu về việc thành lập một thị trường các bon. Những văn bản quan trọng bao gồm:

Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường (2013); Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (2020); Kết luận số 56-KL/TW của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về đẩy mạnh chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường (2019).

Các Luật, chiến lược có liên quan đến giảm phát thải khí nhà kính: Luật Bảo vệ môi trường (2020); Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon; Luật Lâm nghiệp (2017); Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (2011); Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 (2022); Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 (2021); Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030 (2021); Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (2015); Chiến lược phát triển giao thông vận tải Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (2013); Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 (2007).

 

[1] Nghiên cứu viên. Trung Tâm Tham vấn WTO – Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương