NGHIÊN CỨU KHẢ NĂNG XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN CHUỖI CUNG ỨNG VÀ XÂY DỰNG HỆ THỐNG KẾT NỐI TRONG LĨNH VỰC DA GIÀY, DỆT MAY VÀ TRONG CÔNG NGHIỆP CHẾ BIẾN CỦA VIỆT NAM ĐỂ TẬN DỤNG HIỆP ĐỊNH CPTPP
18:45 - 18/12/2023
Bùi Thị Thanh Thủy
Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), với sự tham gia của 11 nước bao gồm Việt Nam, Canada, Mexico, Peru, Chi Lê, New Zealand, Úc, Nhật Bản, Singapore, Brunei và Malaysia. Hiệp định CPTPP đã chính thức có hiệu lực từ ngày 30/12/2018. Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam đã thông qua Nghị quyết về việc phê chuẩn CPTPP và các văn kiện có liên quan vào ngày 12/11/2018. Theo đó, Hiệp định có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 14/1/2019. Hiệp định này tạo nên một khu vực kinh tế tự do rộng lớn, có phạm vi thị trường gồm 500 triệu người dân và chiếm 13% GDP toàn cầu. Sự tham gia vào Hiệp định CPTPP là cơ hội phát triển các ngành hàng của Việt Nam có lợi thế cạnh tranh, đặc biệt đối với ngành dệt may, da giày và công nghiệp chế biến thực phẩm. Việc tham gia CPTPP mở ra cơ hội rất lớn cho xuất khẩu ngành dệt may, da giày và công nghiệp chế biến thực phẩm. Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả nghiên cứu khả năng xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng và xây dựng hệ thống kết nối trong lĩnh vực da giày, dệt may và công nghiệp chế biến thực phẩm của Việt Nam để tận dụng Hiệp định.
Từ khóa: Công nghiệp chế biến thực phẩm; Da giày; Dệt may; Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
1. Thực trạng chuỗi cung ứng và hệ thống kết nối ngành dệt may, da giày và công nghiệp chế biến thực phẩm của Việt Nam
1.1 Thực trạng chuỗi cung ứng ngành dệt may của Việt Nam
Hiện nay, trong nước đã có một số cơ sở sản xuất nguyên phụ liệu phục vụ ngành, tuy nhiên sản xuất dệt may của Việt Nam vẫn bị phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên, phụ liệu nhập khẩu. Tỷ lệ nội địa hóa toàn ngành dệt may mới đạt khoảng 46%, tỷ lệ nguyên, phụ liệu nhập khẩu tới 60% trong đó: 45% nhu cầu vải dệt kim, xấp xỉ 70% nhu cầu vải dệt thoi, khoảng 50% phụ liệu may cho cả một ngành công nghiệp hoàn toàn phải nhập khẩu từ nước ngoài. Do thiếu nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước, nên năng lực sản xuất của ngành ít nhiều bị hạn chế.
Ngành trồng bông và kéo sợi là khâu ở đoạn đầu của chuỗi dệt may và giữ vai trò trọng yếu trong việc cung cấp nguyên liệu đầu vào cho các phân đoạn còn lại gồm dệt - nhuộm và may, nhưng cho đến nay khâu này vẫn chưa phát triển cân xứng với nhau. Chỉ trong hơn 10 năm, từ 2010 đến 2022, dệt may Việt Nam đã vươn lên trở thành ngành đạt kim ngạch xuất khẩu lớn từ 13,4 tỷ USD năm 2010 lên đến 37,5 tỷ USD. Ngành kéo sợi đã tăng trưởng gấp 3 lần từ 3,8 triệu cọc sợi đạt 420 nghìn tấn lên 10,7 triệu cọc đạt 125 nghìn tấn. Trong nhiều năm qua, Việt Nam phải nhập khẩu hầu hết các sản phẩm bông, xơ để phục vụ nhu cầu nguyên liệu cho ngành sợi.
Trong khi ngành may nước ta đã có những bước tiến tương đối thì ngành dệt vải, in nhuộm và hoàn tất vẫn chưa phát triển được như mong muốn. Công đoạn này của Việt Nam đang chậm hơn các nước trong khu vực 20%, nhất là công đoạn nhuộm với 30% máy móc thiết bị cần khôi phục, hiện đại hóa do đã sử dụng trên 20 năm. Những hạn chế này khiến năng suất dệt vải của Việt Nam rất thấp, nếu so với Trung Quốc chỉ bằng 30%.
Các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm may mặc của Việt Nam hiện nay vẫn sản xuất theo phương thức gia công đơn giản, thiếu khả năng cung cấp trọn gói. Tỷ lệ xuất khẩu hàng may mặc theo phương thức gia công CMT vẫn chiếm chủ yếu (khoảng 78%), xuất khẩu theo phương thức FOB chỉ khoảng 19% và chỉ có 3% xuất khẩu theo phương thức ODM. Các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng theo điều kiện FOB nên giá trị gia tăng của ngành còn thấp chỉ chiếm khoảng 20% so với kim ngạch xuất khẩu, tỷ suất lợi nhuận chỉ khoảng 5-10% và phải nhập khẩu đến 70-90% nguyên phụ liệu.
Hoạt động phân phối của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam hiện nay vẫn chưa phát triển và đang phụ thuộc vào các công ty phân phối nước ngoài. Mạng lưới các nhà mua này bao gồm: các doanh nghiệp bán lẻ, các nhà sản xuất và các công ty phân phối. Những doanh nghiệp bán lẻ, đa số thuộc thị trường EU, Nhật và Mỹ, họ sở hữu những thương hiệu hàng đầu quốc tế, những siêu thị, cửa hàng bán buôn và bán lẻ.
Theo thống kê của Hiệp hội dệt may Việt Nam (Vitas) năm 2022, tổng số doanh nghiệp trong ngành dệt may đạt khoảng 7.500 doanh nghiệp, 80% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, 40% là doanh nghiệp FDI, ngành sử dụng trên 3 triệu lao động, 70% năng lực của ngành dành cho sản xuất.
Tốc độ tăng trưởng bình quân số lượng doanh nghiệp giai đoạn 2016-2022 đạt 9,56%/năm. Trong đó, số doanh nghiệp sản xuất Xơ, bông nhân tạo tăng trưởng 13,87%, Doanh nghiệp sợi (4,7%); doanh nghiệp sản xuất vải (13,62%); Doanh nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu may (21,2%).
1.2 Thực trạng chuỗi cung ứng ngành da giày của Việt Nam
- Về sản xuất nguyên, phụ liệu
Về năng lực sản xuất nguyên liệu cung cấp cho ngành da giày, Việt Nam hoàn toàn có thể sản xuất được. Tuy nhiên do ảnh hưởng của nhiều yếu tố, nguồn nguyên liệu da hiện nay vẫn chưa nhiều và chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu sử dụng của toàn ngành. Các loại nguyên liệu như đế, lót hầu như chưa sản xuất được ở trong nước. Đã có nhà máy bắt đầu sản xuất giày hoàn chỉnh nhưng sản lượng chưa đáp ứng và đặc biệt chất lượng sản phẩm còn chưa hoàn thiện. Vì vậy, phần lớn hiện nay Việt Nam vẫn phải nhập khẩu từ nước ngoài.
- Về sản xuất, cung ứng phụ liệu ngành da giày: Bao gồm chỉ, chun, khuy, khóa, đường viền trang trí, mút xốp, miếng đệm lót giày, hộp đựng giày, đũa chống giày, giấy bọc giày, miếng nhựa độn giày dép, sắt lót đế, phom giày, keo dán, mủ cao su, … Về cơ bản Việt Nam đã sản xuất được.
- Về khâu phân phối: Hoạt động phân phối của các doanh nghiệp da giày Việt Nam hiện nay vẫn chưa phát triển và đang phụ thuộc vào các người mua nước ngoài. Các doanh nghiệp da giày Việt Nam vẫn phải thông qua các nhà cung cấp khu vực để có các hợp đồng gia công, rất ít doanh nghiệp da giày có được các hợp đồng trực tiếp từ các nhà bán lẻ để cung cấp sản phẩm của mình. Một số doanh nghiệp da giày thì thông qua các văn phòng đại diện ở Việt Nam của các thương hiệu nổi tiếng để cung cấp sản phẩm.
- Về số lượng cơ sở sản xuất: Năm 2020, tổng số doanh nghiệp trong ngành da giày đạt 1.731 doanh nghiệp, tăng 208 doanh nghiệp so với năm 2015. Trong đó doanh nghiệp thuộc da tăng 1 doanh nghiệp, ngành giày dép tăng 115 doanh nghiệp, túi xách tăng 92 doanh nghiệp. Tốc độ tăng trưởng doanh nghiệp bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 2,29%/năm. Trong đó, doanh nghiệp thuộc da tăng trưởng 2,58%, doanh nghiệp giày dép tăng 2,78%, túi xách tăng 2,59%.
1.3 Thực trạng chuỗi cung ứng ngành công nghiệp chế biến thực phẩm của Việt Nam
- Về số lượng trang trại: Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, số lượng trang trại trên cả nước tăng từ 29.389 trang trại năm 2015 lên 35.383 trang trại năm 2022. Phân theo lĩnh vực hoạt động, số lượng và tỷ lệ trang trại chăn nuôi tăng nhanh, tương ứng từ 15.068 trang trại lên 20.560 trang trại. Tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2022 đạt 2,69%, chiếm 62,85%. Trong khi đó, số lượng và tỷ trọng trang trại và trang trại nuôi trồng thủy sản có xu hướng giảm, từ 4.175 năm 2015 xuống 4.035 trang trại năm 2022
- Về số lượng và sản phẩm chăn nuôi: Về chăn nuôi gia súc, năm 2022 số lượng đàn trâu và lợn đều giảm nhẹ so với năm 2015. Số lượng đàn bò tăng từ 5,36 triệu con lên khoảng 6,42 triệu con. Số lượng đàn gia cầm tăng trưởng trên 5%/năm, từ 341,9 triệu con năm 2015 lên khoảng 523,5 triệu con năm 2022, trong đó gà đạt 420 triệu con, thủy cầm đạt 103 triệu con.
Năng suất và chi phí sản xuất chăn nuôi được cải thiện đáng kể. Tính riêng khu vực chăn nuôi trang trại, công nghiệp thì năng suất và chi phí chăn nuôi của Việt Nam ngang bằng các nước phát triển trong khu vực. Do vậy, mặc dù có sự biến động tăng, giảm về số lượng đàn nhưng sản lượng sản phẩm chăn nuôi tăng đều ở các loại sản phẩm giai đoạn 2015-2022.
Đối với khai thác thủy sản, nhờ thời tiết thuận lợi, trong năm 2022 các tàu cá nghề lưới kéo, lưới vây, lưới chụp hoạt động nhiều, hiệu quả khá; tàu nghề lưới rê nhiều địa phương hoạt động cầm chừng, hiệu quả thấp.
- Về chế biến sản phẩm nông sản:
Sự phát triển của công nghiệp chế biến nông sản đã góp phần chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Hiện nước ta đã hình thành được hệ thống công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản có công suất thiết kế khoảng 120 triệu tấn nguyên liệu mỗi năm với hơn 7.500 cơ sở quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu và hàng vạn cơ sở chế biến nông sản nhỏ lẻ, hộ gia đình. Ngành công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản Việt Nam đang duy trì tốc độ tăng trưởng 5-7%/năm.
2. Thực trạng hệ thống kết nối giữa các chủ thể trong ngành dệt may, da giày và công nghiệp chế biến thực phẩm của Việt Nam
2.1. Thực trạng hệ thống kết nối ngành dệt may
- Các doanh nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng hỗ trợ cho ngành dệt may phát triển. Doanh nghiệp ngành dệt may thường chia thành hai nhóm: cung ứng nguyên liệu chính và cung ứng phụ liệu. Thông thường, các doanh nghiệp hai nhóm này tự tìm hiểu, kết nối với nhau theo quy luật thị trường, quy luật giá cả và năng lực cung ứng với nhau.
- Sự tham gia của các doanh nghiệp thiết kế trong chuỗi cung ứng theo hình thức ký kết hợp đồng thiết kế. Các nước đi trước trong ngành công nghiệp dệt may, sau khi đã dịch chuyển hoạt động sản xuất sang các nước đi sau thường chỉ tập trung vào khâu nghiên cứu và thiết kế sản phẩm mới nhằm tạo ra những thương hiệu nổi tiếng để đạt được tỷ suất lợi nhuận cao nhất.
- Các doanh nghiệp may chiếm số lượng lớn trong hệ thống doanh nghiệp ngành dệt may. May là khâu mà các nước mới gia nhập ngành thường chọn để thâm nhập đầu tiên vì nó không đòi hỏi đầu tư cao về công nghệ và rất thâm dụng lao động. Đối với các doanh nghiệp tham gia hoạt động gia công, sự tham gia của các doanh nghiệp này trong chuỗi không chặt chẽ do sự phụ thuộc chủ yếu vào doanh nghiệp thuê gia công.
+ Doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ bao gồm mạng lưới marketing và phân phối sản phẩm. Các nhà bán lẻ nổi tiếng trên thế giới đang nắm giữ khâu này và thu được nguồn lợi nhuận khổng lồ hàng năm thông qua các hợp động ký kết với doanh nghiệp xuất khẩu và doanh nghiệp sản xuất sản phẩm cuối cùng. Các nhà phân phối thường chính là nhà thiết kế, vì hơn ai hết, chính họ là người tường tận nhất nhu cầu và điều kiện để thoả mãn thị hiếu của khách hàng. Các chuyên gia trong ngành dệt may ước tính, tới 70% lợi nhuận (tính trên một sản phẩm may mặc từ khâu đầu đến khâu cuối cùng của chuỗi giá trị) thuộc về các nhà phân phối bán lẻ này.
2.2. Thực trạng hệ thống kết nối ngành da giày của Việt Nam
- Chuỗi cung ứng doanh nghiệp da giày có đặc điểm tương tự như ngành dệt may. Tuy nhiên, đối với CPTPP, có ba điểm đã tạo ra được những thay đổi rất lớn đối với ngành da giày. Đầu tiên, có thể nhìn thấy rõ, đó là khối doanh nghiệp ở các nước trong khối CPTPP đã tăng lên rõ rệt sau khi CPTPP có hiệu lực. Đặc biệt, chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu đã đầu tư nhiều hơn tại Việt Nam trong vòng 5 đến 10 năm vừa qua.
- Các doanh nghiệp xuất khẩu tham gia ngày càng nhiều vào hệ thống kết nối, quá trình đáp ứng các yêu cầu của CPTPP làm cho năng lực nội tại của các doanh nghiệp được nâng lên rất nhiều. Cụ thể, hoạt động về thủ tục xuất nhập khẩu, đáp ứng tiêu chí của thị trường, yêu cầu của thị trường xuất khẩu, đã giúp doanh nghiệp phải thay đổi, đầu tư để phát triển.
- Đối với các DNNVV, điểm đầu tiên dễ thấy là đã tăng cường năng lực kết nối tham gia cái mạng lưới để tiếp nhận các thông tin. Ví dụ, hoạt động xúc tiến thương mại, tiếp nhận thông tin từ các tổ chức như hiệp hội, trung tâm xúc tiến thương mại. Thứ hai, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng đã kết nối thành mạng lưới, cùng tham gia hoạt động về xúc tiến thương mại ở thị trường nước ngoài.
Như vậy, trước đây, hoạt động của các doanh nghiệp chủ động làm đơn lẻ, thì nay đã liên kết rất mạnh mẽ trong hoạt động mà xúc tiến xuất khẩu. Doanh nghiệp đã đầu tư, đặc biệt như đầu tư về chuyển đổi số để đáp ứng năng lực nội tại. Bên cạnh đó, đảm bảo sự minh bạch trong chuỗi cung ứng.
2.3. Thực trạng hệ thống kết nối ngành công nghiệp chế biến thực phẩm của Việt Nam
Chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản, được xem là một trong những hoạt động mang lại nguồn thu nhập chính cho người nông dân với thời gian sản xuất quanh năm. Đặc biệt, các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản, đã và đang được nhiều chương trình, dự án trong và ngoài nước hướng dẫn, hỗ trợ về quy trình sản xuất, cách phòng chống dịch bệnh tổng hợp để họ chủ động ứng phó trong các điều kiện thời tiết. Việc kết nối/liên kết giữa người sản xuất với các doanh nghiệp chế biến thực phẩm được thực hiện bằng thoả thuận, cam kết theo hợp đồng mua bán, cung ứng, bao tiêu sản phẩm chủ yếu trong các trang trại lớn, các hơp tác xã hoặc các đối tác là các công ty thu gom có quy mô lớn.
Tuy nhiên, hiện nay, các hộ sản xuất chưa thật sự chú ý tới việc liên kết nhóm hộ mà mạnh ai nấy làm nên chưa tạo được vùng sản xuất tập trung, dòng sản phẩm chưa đủ lớn và ổn định.
Người thu gom là các công ty thu mua/cá nhân/ HTX thu gom; Họ vừa có khả năng giao dịch vừa có khả năng tìm kiếm kết nối các người mua, tiến hành thu mua sản phẩm từ các hộ nông dân, sau đó bán lại cho doanh nghiệp chế biến thực phẩm lẻ với quy mô và phương thức giao dịch khác nhau. Khách hàng của người thu gom là người bán buôn hay các đơn vị doanh nghiệp chế biến thực phẩm.
Doanh nghiệp bán buôn có thể thu mua nguyên liệu cho chế biến thực phẩm trực tiếp từ các hộ nông dân, HTX hoặc mua lại từ người thu gom. Khách hàng của người bán buôn là doanh nghiệp chế biến thực phẩm. Việc mua bán nguyên liệu cho chế biến thực phẩm giữa người bán buôn với các thành viên khác được thực hiện chủ yếu theo các cam kết miệng vốn không ổn định. Trong nhiều trường hợp, người bán buôn đồng thời là người thu gom, họ tập kết hàng và bán tại các chợ đầu mối. Lái buôn dễ phá vỡ các cam kết và tiến hành ép giá với người sản xuất. Dù bị nhiều bất lợi, nhưng nhiều hộ dân vẫn phải chấp nhận vì đầu ra quá khó khăn, trong khi các chi phí sản xuất vẫn cần được trang trải.
Hệ thống kết nối ngành công nghiệp chế biến thực phẩm với các thành viên tham gia chưa thực sự đủ mạnh cả về quy mô lẫn tầm ảnh hưởng để có thể lãnh đạo chuỗi, vai trò của từng thành viên khá độc lập, hoạt động sản xuất kinh doanh tách biệt nhau. Vì vậy, chuỗi vận hành thiếu các liên kết bền vững và giá trị gia tăng thấp.
3. Giải pháp xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng và hệ thống kết nôi giữa các chủ thể trong ngành dệt may, da giày và công nghiệp chế biến thực phẩm để tận dụng hiệu quả CPTTP
3.1 Giải pháp xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng và hệ thống kết nối giữa các chủ thể trong ngành dệt may, da giày và công nghiệp chế biến thực phẩm của Việt Nam để tận dụng hiệu quả hiệp định CPTPP
3.2.1. Xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng ngành dệt may
(1) Hoàn thiện chính sách về hỗ trợ phát triển chuỗi cung ứng
Nhà nước cần hoàn thiện chính sách đầu tư xây dựng phát triển các cụm công nghiệp dệt may theo từng vùng là định hướng phát triển mới có tính hiệu quả và khả thi cao. Việc đầu tư các cụm công nghiệp cần tính đến yếu tố liên hoàn để khai thác hết tiềm năng và chuyên môn của nội bộ ngành, đồng thời phải ưu tiên đầu tư vào công đoạn dệt nhuộm để tăng nhanh về số lượng, chủng loại, chất lượng vải để đáp ứng cho nhu cầu may xuất khẩu.
Nước ta có đủ điều kiện để phát triên cây bông trong khi với sự hỗ trợ của công nghệ, chất lượng bông xơ ngày càng cao. Nhiều giống bông lai tương đương bông nhập khẩu. Do đó, cần quy hoạch lại diện tích trồng bông và có chính sách khuyến khích phát triển trồng bông làm nguyên liệu cho ngành dệt may.
Khuyến khích đầu tư cho sản xuất phụ liệu giảm bớt phụ thuộc của ngành may vào nguồn nguyên phụ liệu nhập ngoại. Đồng thời xây dựng hệ thống các chính sách khuyến khích sử dụng nguyên phụ liệu sản xuất trong nước.
Nguồn nhân lực tốt là một đảm bảo cho sự phát triển lâu dài và bền vững. Nhà nước nên cấp kinh phí đào tạo cho các trường dạy nghề để đào tạo miễn phí cho lực lượng lao động ở những vùng nông thôn khó khăn nhưng chấp nhận học nghề may công nghiệp để vào làm việc tại các doanh nghiệp may với nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy phải được đổi mới cho phù hợp với sự phát triển của ngành.
Có chính sách hỗ trợ khuyến khích đầu tư cho khâu thiết kế và sản xuất hàng mẫu, đầu tư đào tạo đội ngũ cán bộ đủ khả năng thiết kế mẫu mã đồng thời có chính sách hỗ trợ bảo đảm công ăn việc làm, tạo nguồn thu nhập ổn định cho người lao động, khắc phục tình trạng thiếu lao động do các kỹ sư công nghệ và công nhân có tay nghề cao bị “hút” sang các công ty liên doanh đang ngày càng trở nên trầm trọng hơn trong ngành dệt may.
Nhà nước cần có các chính sách về tài chính và tín dụng nhằm hỗ trợ cho việc đầu tư phát triển ngành dệt, làm cho ngành dệt đứng vững và từng bước đáp ứng yêu cầu của ngành may. Nhà nước cần khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng vải trong nước để thay thế vải ngoại nhập để may hàng xuất khẩu.
Bên cạnh đó, cần có những chính sách ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp trong thời gian đầu triển khai áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng quốc tế. Kết hợp hài hoà giữa nhập khẩu thiết bị công nghệ hiện đại với thiết bị công nghệ qua sử dụng, vừa đáp ứng được yêu cầu phát triển sản phẩm vừa cân đối được vốn đầu tư cho trang thiết bị và đảm bảo tính cạnh tranh về giá của sản phẩm xuất khẩu trên cơ sở tính hiệu quả kinh tế.
(2) Phát triển và tăng cường liên kết các doanh nghiệp dệt may
Tiếp tục tăng cường công tác xúc tiến đầu tư để kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư các dự án sản xuất hàng dệt may, nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất hàng dệt may. Bên cạnh đó, cần có các chính sách hỗ trợ về tiếp cận vốn, khoa học kỹ thuật, nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp tư nhân, các doanh nghiệp đang có ý định xuất khẩu trong tương lai để góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu trong thời gian đến. Tận dụng nguồn lao động tại chỗ, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và thúc đẩy phát triển kinh tế của các địa phương có điền kiện kinh tế khó khăn.
Hình thành và nâng cao chất lượng chuỗi liên kết giữa các doanh nghiệp trong ngành, khép kín quy trình sản xuất từ sợi dệt - nhuộm hoàn tất – may.
Đẩy mạnh hợp tác, liên kết liên doanh hình thành mạng lưới phân phối kinh doanh sản phẩm mang thương hiệu của sản phẩm dệt may của Việt Nam, trong đó phát huy vai trò của Hiệp hội Dệt may; Mở rộng quan hệ lien kết giữa các doanh nghiệp dệt may trong các vùng, các khu vực trong việc cung cấp các yếu tố đầu vào và tiêu thụ sản phẩm.
(3) Giải pháp về phát triển khoa học và công nghệ
Khuyến khích các doanh nghiệp dệt may đầu tư nghiên cứu khoa học và áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, mua thiết bị, công nghệ tiến tiến của các nước phát triển, nhận chuyển giao công nghệ của các công ty hàng đầu thế giới.
Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí từ ngân sách nhà nước cho hoạt động nghiên cứu, đào tạo và đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật nhằm nâng cao năng lực tư vấn, nghiên cứu triển khai các tiến bộ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ của các viện nghiên cứu, các cơ sở đào tạo cho ngành dệt may. Ưu tiên hỗ trợ khuyến công theo quy định để khuyến khích phát triển, đầu tư, chuyển giao thiết bị máy móc tiến tiến vào sản xuất. Xây dựng hệ thống các tiêu chuẩn sản phẩm dệt may phù hợp và hài hoà với các tiêu chuẩn quốc tế.
(4) Phát triển khu, cụm công nghiệp ngành dệt may
Xây dựng và triển khai Đề án thu hút đầu tư vào Khu công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may theo hướng dẫn của Bộ Công Thương, góp phần tạo động lực phát triển ngành công nghiệp dệt may trong thời gian tới.
Rà soát quy hoạch chi tiết các khu công nghiệp hiện nay và triển khai hoàn thiện công tác lập quy hoach chi tiết Khu công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may để có cơ sở triển khai đầu tư xây dựng phát triển hạ tầng khu công nghiệp hỗ trợ được đồng bộ và thống nhất.
Đẩy mạnh xúc tiến kêu gọi nhà đầu tư hạ tầng, đồng thời cần ưu tập trung nguồn lực ngân sách nhà nước trong giai đoạn đến 2030 phấn đấu đầu tư cho các khu công nghiệp, cụm công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may có hạ tầng hoàn chỉnh để phục vụ thu hút các dự án đầu tư ngành công nghiệp hỗ trợ dệt may.
Đẩy mạnh kêu gọi đầu tư và phát triển các dự án sản xuất nguyên phụ liệu, vải, sợi để hình thành nên chuỗi cung ứng hoàn chỉnh
Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối ngành dệt may. Hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ xuất khẩu; nâng cao hiệu quả các dịch vụ thương mại và dịch vụ hỗ trợ kinh doanh. Để hưởng thuế suất ưu đãi của Hiệp định, sẽ phải đáp ứng quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi”. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu được hưởng ưu đãi ngay của các doanh nghiệp tại các nước chưa mạnh về công nghiệp dệt, Có thể tận dụng CPTPP có danh mục “nguồn cung thiếu hụt”, theo đó, các doanh nghiệp sẽ có quyền nhập khẩu một số chủng loại vải, sợi từ nước thứ ba (ngoài CPTPP) để làm ra sản phẩm may mà vẫn được hưởng ưu đãi. Ngoài ra, có một số cơ chế linh hoạt khác để ngành dệt may có thể được hưởng ưu đãi nhiều hơn mà không quá phụ thuộc vào quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi”.
3.2.2. Giải pháp xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng ngành da giày
(1) Hoàn thiện chính sách về hỗ trợ phát triển chuỗi cung ứng
Chính sách đầu tư phải mang tính trọng điểm, tập trung cho ngành sản xuất phụ liệu da giày và hạn chế ô nhiễm môi trường, nhất là khâu thuộc da. Đầu tư chọn lọc theo sản phẩm có thế mạnh nhằm tạo khả năng liên kết, hợp tác và khai thác tốt hơn năng lực thiết bị. Khuyến khích đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này, đặc biệt là khâu thuộc và hoàn thiện sản phẩm.
Nghiên cứu ban hành chính sách tạm thời cho nhập thiết bị công nghệ đóng giày, dập khuôn giày dép đã qua sử dụng để đảm bảo hài hoà giữa nhập khẩu thiết bị công nghệ hiện đại với thiết bị công nghệ qua sử dụng, vừa đáp ứng được yêu cầu phát triển sản phẩm vừa cân đối được vốn đầu tư cho trang thiết bị và đảm bảo tính cạnh tranh về giá của sản phẩm xuất khẩu trên cơ sở tính hiệu quả kinh tế.
Ban hành chính sách phát triển các cụm công nghiệp da giày theo từng vùng là định hướng phát triển mới có tính hiệu quả và khả thi cao. Tuy nhiên, cần tính đến yếu tố liên hoàn để khai thác hết tiềm năng và chuyên môn của nội bộ ngành.
Cần sớm có những quy hoạch vùng công nghiệp da giày, kể cả cho ngành thuộc da, thuận tiện cho bảo vệ môi truờng và tổ chức sản xuất tập trung, phát triển công nghiệp phụ trợ, với các cơ chế, chính sách trên thực tế thích hợp.
Nguồn nhân lực tốt là một đảm bảo cho sự phát triển lâu dài và bền vững. Nhà nước nên cấp kinh phí đào tạo cho các trường dạy nghề để đào tạo miễn phí cho lực lượng lao động ở những vùng nông thôn khó khăn học tập và làm việc tại các doanh nghiệp da giày. Nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy phải được đổi mới cho phù hợp với sự phát triển của ngành. Ngoài ra, đội ngũ công nhân đang làm việc cũng cần phải có những khóa đào tạo lại để thích nghi với môi trường sản xuất mới với công nghệ hiện đại.
Nhà nước cần có các chính sách về tài chính và tín dụng nhằm hỗ trợ cho việc đầu tư phát triển ngành Da giày, làm cho ngành đứng vững và từng bước đáp ứng yêu cầu của toàn ngành. Hiện nay, nguyên phụ liệu da giày chủ yếu phải nhập khẩu để sản xuất và gia công giày dép. Việc nhập khẩu nguyên phụ liệu, bán thành phẩm theo cam kết trong CPTPP để bán sản phẩm xuất khẩu thì được miễn thuế nhập khẩu, hoàn thuế VAT, song nếu dùng nguyên liệu trong nước thì vô hình chung các doanh nghiệp phải chịu thuế VAT. Như vậy, Nhà nước cần sửa đổi các qui định để không tạo sự phân biệt giữa các doanh nghiệp trong ngành.
Tạo vốn đầu tư thông qua vay tín dụng chiếm vai trò quan trọng trong quá trình thúc đẩy ngành phát triển.
Nhà nước cần có chính sách ưu đãi về vốn đối với các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế khi có áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng quốc tế. Đây là vấn đề quan trọng mà bản thân các doanh nghiệp khó giải quyết được nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước.
(2) Phát triển và tăng cường liên kết các doanh nghiệp ngành da giày
Hợp tác doanh nghiệp với các nhà thiết kế chuyên nghiệp để sáng tạo mẫu mã, mang tính đột phá đòi hỏi người thiết kế phải có kiến thức chuyên ngành, có thị hiếu thẩm mỹ, có thực tiễn xã hội, có kiến thức về thị trường... Doanh nghiệp cần hiểu và nắm bắt rõ quy trình: Mẫu mã - Sản suất - Sản phẩm - Thị trường để phát triển thương hiệu giày dép Việt Nam. Chủ động liên doanh liên kết với các trường chuyên ngành mỹ thuật thường xuyên mở các lớp đào tạo thiết kế mẫu mã ở các trình độ cho đội ngũ sáng tác mẫu, mã, tạo dáng công nghiệp…
(3) Phát triển khoa học và công nghệ
Đẩy mạnh đầu tư trang thiết bị hiện đại, đổi mới công nghệ gắn với thị trường nhằm tăng năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm và sản phẩm xuất khẩu, đổi mới công nghệ, thiết bị để sản xuất các sản phẩm da giày cao cấp có giá trị gia tăng cao.
Khuyến khích các doanh nghiệp da giày đầu tư nghiên cứu khoa học và áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, mua thiết bị, công nghệ tiến tiến của các nước phát triển, nhận chuyển giao công nghệ của các công ty hàng đầu thế giới.
Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí từ ngân sách nhà nước cho hoạt động nghiên cứu, đào tạo và đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật nhằm nâng cao năng lực tư vấn, nghiên cứu triển khai các tiến bộ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ của các viện nghiên cứu, các cơ sở đào tạo cho ngành da giày. Ưu tiên hỗ trợ khuyến công theo quy định để khuyến khích phát triển, đầu tư, chuyển giao thiết bị máy móc tiến tiến vào sản xuất. Xây dựng hệ thống các tiêu chuẩn sản phẩm da giày phù hợp và hài hoà với các tiêu chuẩn quốc tế.
(4) Phát triển khu, cụm công nghiệp
Xây dựng và triển khai Đề án thu hút đầu tư vào Khu công nghiệp hỗ trợ ngành da giày theo chỉ đạo của Bộ Công Thương, góp phần tạo động lực phát triển ngành công nghiệp da giày trong thời gian tới.
Cần tăng cường và đẩy mạnh triển khai tổ chức nhiều hội nghị xúc tiến đầu tư trong nước và quốc tế để giới thiệu tiềm năng thế mạnh và kêu gọi đầu tư vào Khu công nghiệp hỗ trợ da giày. Đặc biệt chú trọng đến khâu kết nối và điều phối của các công ty da giày lớn trong nước và trên thế giới để thu hút đầu tư.
Đẩy mạnh kêu gọi đầu tư và phát triển các dự án sản xuất phụ liệu ngành da giày
3.2. Nhóm giải pháp xây dựng và phát triển hệ thống kết nối giữa các chủ thể trong ngành dệt may, da giày và công nghiệp chế biến thực phẩm của Việt Nam để tận dụng hiệu quả hiệp định CPTPP
- Chính phủ cần tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách và tạo môi trường thuận lợi cho kết nối giữa doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực dệt may, da giày và công nghiệp chế biến thực phẩm nhằm tăng cường quản lý nhà nước, hoàn thiện cơ chế chính sách và thực hiện các chương trình kết nối.
- Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan chính phủ về chính sách và chương trình kết nối giữa các doanh nghiệp các nước tham gia CPTPP và doanh nghiệp Việt Nam trong ngành dệt may, da giày và công nghiệp chế biến thực phẩm, rà soát và loại bỏ chức năng trùng lắp của các đơn vị trực thuộc các bộ, ngành cùng quản lý một lĩnh vực.
- Cơ chế chế kết nối cần phải được thực hiện để phân bổ vai trò và trách nhiệm giữa các địa phương để tháo gỡ những rào cản hành chính trong môi trường kinh doanh và các quy định có thể có tác động tiêu cực đến việc hình thành và phát triển kết nối.
- Nhà nước cần đẩy mạnh tiếp xúc, quan hệ với các tập đoàn lớn quốc tế để tham gia kết nối giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt Nam trong ngành dệt may, da giày và công nghiệp chế biến thực phẩm để tận dụng CPTPP, cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp kết nối xuất khẩu sang thị trường CPTPP.
- Cần có cơ chế, chính sách ưu đãi dành cho nhà cung cấp là DNVVN trong lĩnh vực dệt may, da giày và chế biến thực phẩm có khả năng đạt được tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng, giá cả và năng lực tham gia liên kết, có thể miễn thuế thu nhập tới 100% thu nhập hợp pháp trong thời gian 10 năm,… để bù đắp chi phí vốn phát sinh và cùng với đó là ưu đãi thuê đất cho các DNNVV trong các cụm công nghiệp.
- Tích hợp quy hoạch phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông gắn với khu, cụm công nghiệp, logistics tạo điều kiện cho kết nối giữa các địa phương trong hoạt động cung ứng hóa hóa nói chung và hàng XNK nói riêng; Phát triển cơ sở hạ tầng kết nối đồng bộ, hiện đại và các phương tiện vận tải tiên tiến.
- Nâng cao năng lực doanh nghiệp trong lĩnh vực nông sản và dệt may trong nước thông qua các chương trình kết nối giữa các nhà cung cấp với doanh nghiệp XNK theo yêu cầu của thị trường.
- Có chính sách phát triển nhanh hệ thống phân phối, hệ thống logistic, các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh hàng dệt may, da giày và công nghiệp chế biến thực phẩm.
Hỗ trợ công tác xúc tiến thương mại, cung cấp thông tin thị trường cho các chủ thể liên quan./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Tiếng Việt
- Bộ Công Thương (2022). Báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2022.
- Đinh Văn Thành: Tăng cường năng lực tham gia của hàng nông sản vào chuỗi giá trị toàn cầu trong điều kiện hiện nay ở Việt Nam. Nxb Công Thương. Hà Nội. 2010.
- Quyết định số 1643/QĐ-TTg ngày ngày 29tháng 12 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Dệt May và Da Giầy Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035
- Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (2022). Báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam 2022. Hà Nội
- Nghị định số 39/2019/NĐ-CP ngày 10/5/2019 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). hướng dẫn chi tiết Điều 20 của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa về Quỹ
- Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ DNNVV
- Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030. tầm nhìn đến năm 2045
- Nguyễn Đình Tài (2013). “Mô hình nào cho cụm liên kết ngành ở Việt Nam”. Tạp chí Tài chính. số4.
- Nguyễn Văn Trịnh (2015). “Phát triển Công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế”. Luận án tiến sĩ Kinh tế. chuyên ngành Kinh tế học. Trường Đại học Kinh tế - Luật thuộc ĐHQG -HCM.
- Tiếng Anh
- O. M.. Choi. T.-M.. Olson. D.. và Salman. F. S. (2020). Data analytics for operational risk management. Decision Sci forthcoming.
- R. E.. và Evernett. S. J. (2020). Covid-19 and Trade Policy: Why turning inward won’t work. Center for Economic Policy Research.
- R. E.. và Mauro. B. W. (2020). Economics in the time of Covid-19. Center for Economic Policy Research.
- D. (2015). Opportunities for Adding Value: The Coffee. Cocoa and Tea Industries of Indonesia. Prepared for the Ministry of Trade. the Republic of Indonesia through the World Bank Technical Assistance on Competitiveness and Sustainability of Beverage Crops in Indonesia. funded by the Multi Donor Trust Fund for Trade and Investment Climate. Working Paper #5. February.
- Goodwill Consultant JSC và diễn đàn phát triển Việt Nam (VDF) (2011). “Survey on comparision of backgrounds. polycy measuares and outcomes for development of supporting industries in ASEAN (Malaysia and Thailand in comparion with VietNam)” (Điều tra so sánh bối cảnh. biện pháp. chính sách và kết quả phát triển CNHT ở ASEAN). Publishing House of Communication and Transport. Nhà xuất bản Giao thông Vận tải.
- Walter Odongo. Manoj Dora. Adrienn Molnár. Duncan Ongeng. Xavier Gellynck (2016). Performance perceptions among food supply chain members: A triadic assessment of the influence of supply chain relationship quality on supply chain performance. British Food Journal. Vol. 118 Iss: 7. pp.1783 – 1799.