Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
15:45 - 27/02/2025
ThS. Mai Thị Huệ
Phó Hiệu trưởng - Trường Cao đẳng Du lịch Hải Phòng
Tóm tắt: Du lịch Việt Nam được xác định phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Trong bối cảnh xu thế hội nhập quốc tế và tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch đóng vai trò quan trọng có yếu tố quyết định đến sự phát triển du lịch và góp phần vào việc thực hiện công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Bài viết phân tích sự ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, xu thế hội nhập và trên cơ sở đó đề xuất một số giải pháp phát huy hiệu quả của việc đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực du lịch thời kỳ hội nhập góp phần đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Từ khóa: Công nghiệp 4.0; nâng cao chất lượng đào tạo;nguồn nhân lực, du lịch hội nhập;
1. Đặt vấn đề
Du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợpcó tính liên ngành, liên vùng, xã hội hóa và hội nhập quốc tế cao, mang đậm tính văn hóa và dân tộc. Sản phẩm du lịch chủ yếu là dịch vụ du lịch, quá trình sản xuất, bán và tiêu dùng sản phẩm thường diễn ra cùng thời điểm trong đó lao động du lịch đóng vai trò trực tiếpvà cũng lànhân tố tác động trực tiếp đến quá trình cung ứng sản phẩm du lịch. Do đó, nguồn nhân lực du lịchlà nguồn lực quan trọng nhất - nguồn vốn đặc biệt, là yếu tố nền tảng, căn bản có tính quyết định đến sự thành công của mọi doanh nghiệp du lịch. Chất lượng nguồn nhân lực du lịch quyết định quan trọng đến năng suất lao động và hiệu quả sản xuất, kinh doanh dịch vụ du lịch.Có thể khẳng định, phát triển và đầu tư cho nguồn nhân lực du lịch có ý nghĩa quan trọng bậc nhất đối với doanh nghiệp du lịch nói riêng và ngành Du lịch Việt Nam nói chung.
Như chúng ta đã biết, hội nhập quốc tế về du lịch của Việt Nam thời gian qua được triển khai theo hướng thúc đẩy, ký kết và thực hiện các thỏa thuận hợp tác cấp chính phủ, cấp ngành với các hình thức song phương, đa phương, tranh thủ hợp tác, hỗ trợ của các quốc gia thông qua các chương trình, dự án và các cam kết mở cửa tự do thương mại dịch vụ du lịch trong khuôn khổ WTO,ASEAN, APEC.... Bên cạnh đó, sự phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) với các ứng dụng tối ưu như là một giải pháp đột phá để nâng cao tính cạnh tranh do đó ngành Du lịch Việt Nam cần phải ứng dụng công nghệ thông tin mạnh hơn, phát triển du lịch thông minh, chính quyền điện tử, đổi mới môi trường phục vụ. Như vậy, để tạo được đột phá trong phát triển Du lịch phụ thuộc lớn vào việc đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực du lịch có chất lượng cao từ đó mới có thể nắm bắt được cơ hội, đối diện với thách thức tạo ra các sản phẩm đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của du khách.
Để nghiên cứu vấn đề nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 bài viết đã áp dụng phương pháp thu thập tổng hợp tài liệu; phương pháp phân tích, xử lý số liệu; phương pháp so sánh, đánh giá; phương pháp chuyên gia.
2. Một số vấn đề lý luận
2.1.Khái niệm về nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao
Nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao là tập hợp những cá nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch, có kiến thức chuyên môn vững vàng, kỹ năng nghiệp vụ xuất sắc, tư duy đổi mới, năng lực sáng tạo và thái độ làm việc chuyên nghiệp, đáp ứng được nhu cầu của thị trường du lịch trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0.
Theo Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), nhân lực du lịch chất lượng cao không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn phải có khả năng thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của ngành, đặc biệt là sự ứng dụng của công nghệ vào các dịch vụ du lịch.
2.2. Một số tiêu chí của nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao
2.2.1. Kiến thức chuyên môn và năng lực nghề nghiệp
-Am hiểu về hệ thống ngành du lịch, thị trường du lịch, tâm lý và hành vi khách du lịch.
- Nắm vững các quy định pháp luật về du lịch trong nước và quốc tế.
- Có kiến thức sâu về quản trị du lịch, quản lý điểm đến, marketing du lịch, phát triển sản phẩm du lịch…
2.2.2 Kỹ năng nghề nghiệp
-Kỹ năng giao tiếp và phục vụ khách hàng: Biết cách tạo ấn tượng, xử lý tình huống, giao tiếp linh hoạt với khách hàng trong nước và quốc tế.
-Kỹ năng ngoại ngữ: Thành thạo ít nhất một ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh để đáp ứng nhu cầu hội nhập.
-Kỹ năng công nghệ số: Thành thạo các nền tảng công nghệ hỗ trợ quản lý, vận hành du lịch như phần mềm đặt phòng, trí tuệ nhân tạo, big data…
-Kỹ năng làm việc nhóm và giải quyết vấn đề: Có khả năng phối hợp, làm việc theo nhóm hiệu quả, linh hoạt xử lý các tình huống phát sinh trong ngành du lịch.
2.2.3. Đạo đức nghề nghiệp và thái độ làm việc
- Tận tâm với nghề, tôn trọng khách hàng, có trách nhiệm trong công việc.
- Giữ gìn hình ảnh quốc gia, tôn trọng văn hóa và truyền thống bản địa.
-Tinh thần sáng tạo, sẵn sàng thích ứng với những xu hướng mới của ngành.
2.2.4. Năng lực đổi mới và thích ứng với công nghệ
-Cập nhật xu hướng du lịch thông minh, chuyển đổi số trong du lịch.
- Khả năng khai thác dữ liệu lớn (Big Data) để phân tích hành vi khách du lịch.
- Sử dụng thành thạo các nền tảng số như AI, VR/AR để nâng cao trải nghiệm du lịch.
2.2.5. Khả năng quản lý và lãnh đạo (đối với cấp quản lý)
- Có tư duy chiến lược trong phát triển du lịch.
- Biết cách xây dựng và điều hành doanh nghiệp du lịch hiệu quả.
- Có khả năng ra quyết định và quản lý nhân sự, tối ưu hóa các nguồn lực trong doanh nghiệp du lịch.
3. Một số tác động của CMCN 4.0 đối với ngành Du lịch Việt Nam
3.1.Cơ hội CMCN 4.0 tạo ra cho ngành Du lịch Việt Nam
Thứ nhất,CMCN 4.0 làm xuất hiện nhiều loại hình, sản phẩm du lịch mới và nâng cao chất lượng dịch vụ
CMCN 4.0 thúc đẩy mô hình "Du lịch thông minh" nhờ vào sự hỗ trợ của công nghệ, nhằm tạo ra và cung cấp dịch vụ tốt nhất cho du khách, biến du lịch trở thành một ngành công nghiệp có guồng máy hoạt động không ngừng nghỉ, chạy hết công suất không bị bó hẹp về thời gian có thể hoạt động mọi lúc, mọi nơi. Ví dụ: với sự ra đời của kính thực tế ảo và hàng loạt các công nghệ mới, sự cảm nhận và hài lòng của du khách sẽ tăng lên rất nhiều bởi họ có thể trải nghiệm bằng tất cả các giác quan (thính giác, vị giác, khứu giác, xúc giác, tri giác) của mình. Hàng loạt sản phẩm du lịch mới được tạo ra một cách phong phú, hấp dẫn hơn với công nghệ 4.0, mà nổi trội nhất chính là hình thức du lịch thực tế ảo. Công nghệ ảo sử dụng các hình ảnh, thước phim 3D/4D nhằm tái dựng lại những sự kiện, di tích lịch sử, không gian văn hóa cổ xưa, các thắng cảnh thiên nhiên hùng vĩ… để du khách có thể trải nghiệm và đắm chìm vào nó. Những thước phim trải nghiệm ảo này có thể được bán, chia sẻ trên không gian mạng hoặc trình chiếu trực tiếp tại các điểm du lịch, qua đó tất cả mọi người trên khắp thế giới (trong đó có các du khách) sẽ dễ dàng khám phá, tìm hiểu tài nguyên du lịch của mỗi địa phương, mỗi quốc gia.
Trí tuệ nhân tạo sẽ mang đến nhiều lựa chọn nhờ việc phân tích dữ liệu về khách hàng. Điều này cũng giúp các doanh nghiệp tạo lập chuỗi giá trị và cung cấp các loại hình du lịch theo đúng sở thích của khách hàng. Công nghệ số có thể tính toán được xu hướng nhu cầu của khách đối với loại hình du lịch, địa điểm, hình thức mua sắm hay loại cơ sở lưu trú mà khách thường lựa chọn,… Đó chính là cơ sở phát triển "du lịch thông minh".
Thứ hai, CMCN 4.0 có tác động rất lớn đến hoạt động quảng bá và tiếp thị du lịch, kích cầu du lịch
Với yếu tố cốt lõi vạn vật kết nối - Internet of Things (IoT)tạo nên thế giới phẳng, chỉ cần có kết nối internet là có thể truy cập và tìm hiểu tất cả những di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh du lịch nổi tiếng trên toàn thế giới hay những thông tin về khách sạn, nhà hàng, kinh nghiệm du lịch. Đây chính là cú huých quan trọng làm nảy sinh nhu cầu đi du lịch ở mọi người dân, là cơ hội vàng để mở rộng thị trường du lịch đã tạo ra cơ hội phát triển rất lớn cho ngành Du lịch của Việt Nam. Tại Việt Nam, theo khảo sát của Công ty Nghiên cứu thị trường Q&Me, có 88% khách du lịch tra cứu thông tin qua mạng, trong đó, 35% thường xuyên sử dụng internet để tìm kiếm thông tin du lịch. Tra cứu Google Trends cho thấy, từ khóa “du lịch” được tìm kiếm tăng 3 lần trong 5 năm gần đây.
Việc sử dụng hình ảnh, các thước phim 3D, 4D tái dựng lại các sự kiện, di tích lịch sử, văn hóa, các di sản thiên nhiên và đưa lên internet hoặc trình chiếu tại các điểm du lịch sẽ giúp cho tất cả mọi người (trong đó có các du khách) dễ dàng khám phá, hiểu hơn, yêu hơn và thích thú tìm hiểu tài nguyên du lịch của mỗi địa phương, mỗi quốc gia. Đây cũng là một trong những phương pháp kích cầu du lịch hiệu quả.
Thứ ba, CMCN 4.0 giúp giảm chi phí quảng cáo, tiếp thị trong du lịch.
Ngược lại với hình thức marketing truyền thống tốn kém nhiều chi phí và khó xác định hiệu quả của chiến lược tiếp thị như quảng cáo trên sóng truyền hình, đài phát thanh, báo, tờ rơi, tập gấp, bản đồ,đặt các đại lý du lịch,…thì nay thông qua ứng dụng các website thông minh như:Web30s, Smart Live Chart, Smart Marketing Tool, Chatbot và tổng đài ảo vừa giảm chi phíquảng cáo, thời gian mà còn hỗ trợ nhận diện gần như chính xác nhu cầu và thị hiếu của khách hàng. Từ đó, có được các chiến lược quảng bá tour/dịch vụ lưu trú, phát triển điểm đến hiệu quả trên các nền tảng công nghệ với chi phí “rẻ” hơn.
Thứ tư, CMCN 4.0 giúp số hóa cơ sở dữ liệu du lịch
Số hóa các cơ sở dữ liệu du lịch nhưgiới thiệu các dạng tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa, bản đồ các điểm du lịch, hệ thống các nhà hàng, khách sạn, hệ thống giao thông,… của mỗi địa phương, mỗi quốc gia đang được triển khai rộng rãi, mang lại tiện ích cho các nhà quản lý, kinh doanh du lịch và du khách ở khắp nơi trên thế giới. Đây là một cơ hội rất lớn đảm bảo cho ngành Du lịch phát triển một cách bền vững và hiệu quả.
Thứ năm, CMCN 4.0 góp phầngiatăng hoạt động bán hàng qua mạng và thanh toán trực tuyến, giảm giá thành và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch
Ứng dụng công nghệ hiện đại trong vận hành và quản lý của các doanh nghiệp du lịch làm giảm đáng kể nguồn nhân lực lao động, rút ngắn thời gian làm việc, giảm mạnh các chi phí dẫn tới giảm giá thành các sản phẩm và dịch vụ du lịch. Hoạt động kinh doanh trực tuyếndu lịch diễn ra trên các sàn thương mại điện tử, các website, các ứng dụng và có lẽ phổ biến nhất là trên nền tảng các mạng xã hội.
Những công nghệ đột phá của cuộc CMCN 4.0 như vạn vật kết nối Internet, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo và kỹ thuật số đã tạo tiền đề giúp cho các doanh nghiệp du lịch xây dựng mạng lưới liên kết và hợp tác. Thông qua các công nghệ này, họ dễ dàng kết nối tour, tuyến điểm, từ đó gia tăng số lượng khách hàng và tối ưu hóa chi phí nhờ chuyên môn hóa khâu vận hành. Kết quả là họ có thể đề xuất giá các dịch vụ du lịch cực kỳ hấp dẫn, gia tăng hiệu suất kinh doanh du lịch.
3.2. Thách thức CMCN 4.0 đối với nguồn nhân lực du lịch Việt Nam
Thứ nhất, đào tạo nguồn nhân lực phảiđáp ứng được yêu cầu phát triển
Bên cạnh những cơ hội to lớn về mặt kinh tế mang lại cho ngành Du lịch, cuộc CMCN 4.0 cũng đặt ra những thách thức về sự thiếu hụt nguồn nhân lực có trình độ cao, đáp ứng được tiêu chuẩn toàn cầu. Trong khi đó, mục tiêu tổng quát của quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 như sau: Đến năm 2020, du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tính chuyên nghiệp với hệ thống cơ sở vật chất - kỹ thuật đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, cạnh tranh được với các nước trong khu vực và trên thế giới. Đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia có ngành Du lịch phát triển. Quy hoạch tổng thể cũng xác định chỉ tiêu cụ thể về việc làm cho ngành Du lịch: năm 2020 là 2,9 triệu (trong đó 870 nghìn lao động trực tiếp), năm 2025 là 3,5 triệu (trong đó 1,05 triệu lao động trực tiếp), năm 2030 là 4,7 triệu (trong đó 1,4 triệu lao động trực tiếp). Để tận dụng được những cơ hội mà CMCN 4.0 mang lại, việc đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng được những yêu cầu về số lượng và chất lượng là yếu tố rất quan trọng.
Vấn đề đặt ra hiện nay, cơ bản nhân sự du lịch Việt Nam chủ yếu được đào tạo theo phương pháp truyền thống, thiếu kiến thức và kỹ năng số. Nhiều hướng dẫn viên du lịch, nhân viên khách sạn, lữ hành chưa quen với việc sử dụng AI, phân tích dữ liệu khách hàng hoặc vận hành hệ thống quản lý du lịch thông minh. Trong khi đó hành vi khách du lịch đã có sự thay đổi, họ ngày càng ưu chuộng các nền tảng số để tìm kiếm thông tin, đặt dịch vụ và chia sẻ trải nghiệm.
Thứ hai, CMCN 4.0 đòi hỏi năng lực cạnh tranh rất cao.
Để tăng cường sức cạnh tranh của doanh nhiệp du lịch trong thời đại CMCN 4.0, các doanh nghiệp phải thay đổi từ cách quản trị truyền thống sang quản trị thông minh. Các doanh nghiệp du lịch phải xây dựng và số hóa các nghiệp vụ, khởi tạo các cơ sở dữ liệu có nội dung giới thiệu các điểm đến bằng nhiều ngôn ngữ quốc tế; Tận dụng cơ hội để tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp, tiến tới ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (Al) trong việc giới thiệu điểm tham quan. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp du lịch cũng phải nâng cao năng lực cho đội ngũ hướng nhân viên, tư vấn viên về kỹ năng mềm, kỹ năng ứng dụng công nghệ mới, kỹ năng giao tiếp và sử dụng ngoại ngữ trong hoạt động kinh doanh.
Theo báo cáo Tương lai việc làm 2020 của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), những kỹ năng mà người lao động cần có khi tham gia trên thị trường việc làm vào năm 2025 đó là: tư duy phân tích và đổi mới, tư duy học tập suốt đời, kỹ năng giải quyết vấn đề, tư duy phản biện, sáng tạo -độc đáo- năng động, kỹ năng lãnh đạo và dẫn dắt, tư duy nhanh nhạy với CNTT-TT… Trong bối cảnh mới, cạnh tranh và xu hướng “công nghệ hóa” các vị trí công việc tạo áp lực buộc người lao động phải chủ động nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, trình độ ngoại ngữ, tin học và công nghệ để có thể đáp ứng tốt với nhu cầu mới của thị trường lao động.
Thứ ba, vấn đề an toàn và bảo mật thông tin
Công nghệ mới sẽ đem lại cho ngành Du lịch Việt Nam nhiều cơ hội để phát triển như IoT, điện toán đám mây, công nghệ thực tế ảo,… Tuy nhiên, mặt trái của thế giới kết nối đó là nguy cơ rò rỉ thông tin khách hàng, lừa đảo trực tuyến và tấn công mạng. Do đócác doanh nghiệp phải đầu tư vào hệ thống bảo mật, đảm bảo an toàn cho dữ liệu khách hàngđể đảm bảo sự phát triển bền vững và trên hết là các quyền lợi của du khách. Nhân viên của ngành Du lịch được học cách vận hành hệ thống và tính trung thực, tôn trọng bảo mật dữ liệu khách hàng.
Thứ tư, sự chậm trễ trong chính sách và quy định pháp lý
Hiện nay hệ thống pháp lý chưa theo kịp sự phát triển nhanh chóng của công nghệ.Việc quản lý du lịch trực tuyến, thuế cho các nền tảng đặt phòng quốc tế, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng số vẫn còn nhiều bất cập.
4 Một số giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch
4.1. Giải pháp đào tạo tại các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp
Một là, Đầu tư nângcấp và phát triển mới cơ sở đào tạo du lịch chất lượng cao
Sửa đổi, bổ sung Luật Du lịch và Luật Giáo dục Nghề nghiệp với nội dung: đưa chương trình đào tạo số hóa và ứng dụng công nghệ vào hệ thống giáo dục du lịch; bổ sung quy định về đào tạo kỹ năng số, kỹ năng mềm, và năng lực thích ứng với công nghệ; cho phép linh hoạt trong việc công nhận chứng chỉ đào tạo trực tuyến (E-learning, MOOC).
Ban hành chính sách khuyến khích hợp tác giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo. Doanh nghiệp du lịch bắt buộc tham gia đào tạo nhân lực theo mô hình “Học đi đôi với hành”. Cung cấp ưu đãi thuế, hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp đầu tư vào đào tạo nhân lực.
Chuẩn hóa chứng chỉ hành nghề du lịch theo tiêu chuẩn ASEAN & quốc tế.Xây dựng khung tiêu chuẩn nghề du lịch (VTOS 4.0) theo hướng số hóa và tự động hóa.Công nhận chứng chỉ kỹ năng số và công nghệ (AI, VR/AR, Big Data, Digital Marketing...) trong ngành du lịch.
Hai là,Phát triển và nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo, nhà quản lý có chuyên môn về công nghệ và du lịch
Phát triển đội ngũ nhà giáo, nhà quản lý đào tạo du lịch đảm bảo về số lượng, chất lượng đáp ứng yêu cầu theo xu hướng hội nhập và những yêu cầu của ngành trong sự phát triển công nghệ số. Song song với việc tập trung đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ nhà giáo giảng dạy thực hành chuyên môn nghiệp vụ thông qua các chương trình đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn, dài hạn trong nước và ở nước ngoài , trong đó tập trung vào các lĩnh vực chuyên môn về nghiệp vụ lễ tân, nghiệp vụ nhà hàng (bàn- bar), nghiệp vụ buồng, kỹ thuật chế biến món ăn, nghiệp vụ lữ hành, nghiệp vụ điều hành tour du lịch, nghiệp vụ hướng dẫn du lịch thì các cơ sở đào tạo cũng như chính các nhà giáo, nhà quản lý thường xuyên tham gia và cập nhật về ứng dụng công nghệ (AI, Big Data, VR/AR) trong giảng dạy.
Chú trọng nâng cao năng lực sử dụng ngoại ngữ của nhà giáo, áp chuẩn ngoại ngữ theo khung trình độ ngoại ngữ quốc gia. Tăng cường đào tạo nhà giáo trong môi trường kinh doanh dịch vụ du lịch bằng việc cử nhà giáo định kỳ nghiên cứu thực tế, làm việc thực tế tại doanh nghiệp để tăng năng lực thực tiễn, cập nhật kịp thời xu hướng dịch vụ du lịch mới, trên cơ sở đó điều chỉnh nội dung, phương pháp giảng dạy phù hợp. Khuyến khích nhà giáo tham gia nghiên cứu và hợp tác quốc tế để cập nhật xu hướng mới.
Ba là, Cải tiến chương trình đào tạo theo hướng số hóa và thực tiễn tiếp cận tiêu chuẩn khu vực và quốc tế, tăng cường đào tạo kỹ năng số và công nghệ
Nghiên cứu triển khai áp dụng tiêu chuẩn ASEAN để đáp ứng yêu cầu của thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về du lịch trong ASEAN (MRA-TP). Cần xây dựng chương trình đào tạo kỹ năng nghiệp vụ chuyên môn du lịch đáp ứng các yêu cầu của phát triển nguồn nhân lực du lịch trong bối cảnh hội nhập và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 phù hợp với tiêu chuẩn nghề du lịch chung ASEAN và quốc tế (tập trung vào tiêu chuẩn kỹ năng nghề nghiệp vụ lễ tân, nghiệp vụ nhà hàng, nghiệp vụ buồng, kỹ thuật chế biến món ăn, nghiệp vụ lữ hành, nghiệp vụ điều hành tour du lịch, hướng dẫn du lịch).
Các cơ sở đào tạo nên tích hợp công nghệ số (AI, Big Data, VR/AR) vào chương trình giảng dạy, phát triển các khóa học trực tuyến, thực tế ảo để đào tạo kỹ năng phục vụ, quản lý khách sạn, lữ hành; để làm được điều đó các nhà trường và doanh nghiệpcần phải trang bị kỹ năng sử dụng phần mềm quản lý du lịch, hệ thống đặt chỗ trực tuyến, chatbot chăm sóc khách hàng cho người học và nhân viên.Trong đào tạo phải đưa nội dung về phân tích dữ liệu khách du lịch để cá nhân hóa dịch vụ, liên tục bồi dưỡng kỹ năng tiếp thị số (digital marketing) cho nhân viên ngành du lịch.Kết hợp học tập lý thuyết với thực hành thông qua các mô hình mô phỏng du lịch thông minh.
Bốn là,Đầu tư đồng bộ, hiện đại cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ đào tạo nguồn nhân lực du lịch
Cơ sở vật chất, thiết bị là điều kiện căn bản, là một trong ba điều kiện cần và đủ để thực hiện hoạt động đào tạo. Để đảm bảo cơ sở vật chất thiết bị phục vụ đào tạo theo hướng thực hành và ứng dụng công nghệ mà đối tượng chính là lao động du lịch trực tiếp trong các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lưu trú và doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, cần thiết phải đầu tư đồng bộ, hiện đại và đủ số lượng cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ đào tạo, trong đó trọng tâm là cơ sở vất chất, thiết bị thực hành nghề, đảm bảo thực hiện chương trình đào tạo có thời lượng tối thiểu 70% thực hành nghề nghiệp, tránh tình trạng “học chay, thực hành chay, thực hành luân phiên”. Do đó, trên cơ sở chương trình đào tạo được xây dựng, căn cứ nội dung giảng dạy, phương pháp giảng dạy, cơ sở vật chất, thiết bị phải được đầu tư đảm công nghệ phù hợp với thực tiễn hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, tạo cho người học có cơ hội làm quen với thiết bị có công nghệ theo xu hướng thị trường lao động. Cần tập trung đầu tư hệ thống phòng thực hành nghiệp vụ lễ tân, phòng thực hành nghiệp nhà hàng, phòng thực hành nghiệp vụ buồng, phòng thực hành kỹ thuật chế biến món ăn (món ăn Á, món ăn Âu, chế biến bánh Á-Âu), phòng thực hành nghiệp vụ lữ hành, phòng thực hành điều hành tour du lịch, phòng thực hành nghiệp vụ hướng dẫn du lịch, hệ thống phần mềm quản lý khách sạn, phần mềm điều hành tour.
Tăng cường đầu tư hình thành cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trong cơ sở đào tạo du lịch và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý triển khai mô hình hiệu quả, đúng quy định của pháp luật, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. Phương án hình thành cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trong cơ sở đào tạo đã được thực hiện thành công ở một số quốc gia như Lúc-xăm-bua, Hà Lan, Úc.
Năm là,Tăng cường liên kết giữa Nhà trường và Doanh nghiệp trong phát triển nguồn nhân lực du lịch
Để thực hiện hiệu quả đổi mới phương pháp đào tạo, đổi mới chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận năng lực thực hiện, ứng dụng công nghệ số cần huy động sự tham gia tích cực của doanh nghiệp du lịch vào hoạt động đào tạo, cần phải tăng cường hợp hợp tác giữa doanh nghiệp và nhà trường trong đó có vai trò dẫn dắt của cơ quan quản lý nhà nước thông qua các cơ chế, chính sách phù hợp. Doanh nghiệp vừa là nhà tuyển dụng, sử dụng lao động du lịch và cũng là một chủ thể tham gia quá trình đào tạo. Ngoài việc khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển cơ sở đào tạo nguồn nhân lực du lịch, cần đẩy mạnh sự tham gia hoạt động đào tạo du lịch của của doanh nghiệp với các cơ sở đào tạo du lịch.
Cần tuyên truyền nâng cao nhận thức của các bên liên quan về vai trò quan trọng của doanh nghiệp trong quá trình đào tạo nguồn nhân lực du lịch, đặc biệt ở trình độ giáo dục nghề nghiệp. Các chuyên gia tại doanh nghiệp tham gia trực tiếp quá trình giảng dạy thông qua tọa đàm, hướng dẫn, kèm cặp tại cơ sở đào tạo và tại môi trường làm việc trong doanh nghiệp. Đồng thời, các chuyên gia trực tiếp tham gia hội đồng đánh giá kết quả học tập của người học trong các kỳ đánh giá định kỳ, tốt nghiệp. Sự tham gia của các chuyên gia từ doanh nghiệp du lịch vào tất cả các khâu của quá trình đào tạo rất quan trọng, sẽ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, thu hẹp dần khoảng cách chất lượng đào tạo với yêu cầu trong thực tiễn nghề nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, tăng giá trị gia tăng của sản phẩm dịch vụ du lịch, tăng khả năng cung ứng và cạnh tranh của doanh nghiệp du lịch.
Sáu là, Khuyến khích tự học, học tập suốt đời và phát triển tư duy đổi mới, sáng tạo
Các cơ sở đào tạo xây dựng nền tảng học tập trực tuyến cung cấp kiến thức cập nhật về công nghệ du lịch. Các doang nghiệp hỗ trợ nhân sự ngành du lịch tham gia các khóa học kỹ năng số miễn phí hoặc có trợ cấp.
Nhà trường và Doanh nghiệp tạo môi trường khuyến khích nhà giáo, nhân viên du lịch đề xuất ý tưởng sáng tạo trong áp dụng công nghệ. Kết hợp tổ chức cuộc thi đổi mới sáng tạo du lịch nhằm phát hiện và phát triển nhân tài công nghệ.
4.2. Giải pháp thể chế trong chính sách
Một là,Hoàn thiện chính sách và khung pháp lý về đào tạo nguồn nhân lực du lịch
Sửa đổi, bổ sung Luật Du lịch và Luật Giáo dục Nghề nghiệp với nội dung: đưa chương trình đào tạo số hóa và ứng dụng công nghệ vào hệ thống giáo dục du lịch; bổ sung quy định về đào tạo kỹ năng số, kỹ năng mềm, và năng lực thích ứng với công nghệ; cho phép linh hoạt trong việc công nhận chứng chỉ đào tạo trực tuyến (E-learning, MOOC).
Ban hành chính sách khuyến khích hợp tác giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo. Doanh nghiệp du lịch bắt buộc tham gia đào tạo nhân lực theo mô hình “Học đi đôi với hành”. Cung cấp ưu đãi thuế, hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp đầu tư vào đào tạo nhân lực.
Chuẩn hóa chứng chỉ hành nghề du lịch theo tiêu chuẩn ASEAN & quốc tế.Xây dựng khung tiêu chuẩn nghề du lịch (VTOS 4.0) theo hướng số hóa và tự động hóa.Công nhận chứng chỉ kỹ năng số và công nghệ (AI, VR/AR, Big Data, Digital Marketing...) trong ngành du lịch.
Hai là, Xây dựng chính sách ưu đãi và bảo vệ lao động du lịch trong thời đại số
Cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm và phúc lợi cho lao động du lịch;Đề xuất chế độ lương linh hoạt theo năng lực và mức độ sử dụng công nghệ.Bổ sung quy định về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho lao động tự do trong ngành du lịch (hướng dẫn viên,những người làm việc tự do không thuộc tổ chức nào (freelancer).
Tạo cơ chế pháp lý cho mô hình làm việc linh hoạt và từ xa trong du lịch,cho phép hướng dẫn viên, nhân viên du lịch làm việc từ xa với hợp đồng lao động linh hoạt.Công nhận lao động du lịch trên các nền tảng số (như hướng dẫn viên trên Airbnb Experiences, Klook...).
Quy định về bảo vệ quyền lợi lao động trước sự thay thế của công nghệ, xây dựng lộ trình chuyển đổi việc làm cho nhân lực du lịch bị ảnh hưởng bởi tự động hóa.Đưa ra chính sách hỗ trợ tái đào tạo nhân lực có nguy cơ mất việc do AI & robot.
Thứ ba, Phát triển chính sách hỗ trợ tài chính và đầu tư công nghệ cho đào tạo du lịch
Tạo quỹ hỗ trợ đào tạo nhân lực du lịch 4.0, Thành lập Quỹ Đổi mới sáng tạo trong đào tạo du lịch hỗ trợ đào tạo VR/AR, AI, blockchain.Cung cấp tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp du lịch đầu tư vào đào tạo số.
Hỗ trợ tài chính cho cá nhân học các kỹ năng công nghệ du lịch, cấp học bổng hoặc miễn giảm học phí cho sinh viên theo học các chương trình số hóa du lịch.Xây dựng hệ thống vay vốn giáo dục dành cho lao động du lịch muốn học thêm kỹ năng số.
Khuyến khích đầu tư tư nhân vào đào tạo du lịch công nghệ cao. Miễn giảm thuế cho doanh nghiệp phát triển nền tảng đào tạo trực tuyến du lịch.Hợp tác công - tư trong xây dựng trung tâm đào tạo du lịch ứng dụng VR/AR.
Bốn là, Ứng dụng công nghệ trong quản lý và phát triển nguồn nhân lực du lịch
Tạo Cơ sở dữ liệu Quốc gia về nguồn nhân lực du lịch. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu số giúp theo dõi trình độ, kinh nghiệm, chứng chỉ của lao động du lịch.Ứng dụng hệ thống cơ sở dữ liệu chuỗi (blockchain) để quản lý bằng cấp, chứng chỉ du lịch số hóa.
Quy định về đào tạo và sử dụng công nghệ AI, Big Data, IoT trong du lịch. Bắt buộc doanh nghiệp lữ hành, khách sạn cập nhật công nghệ quản lý nhân sự số.Xây dựng hệ thống quản lý nhân lực thông minh bằng AI (tự động đánh giá năng lực, đề xuất đào tạo).
Tăng cường giám sát chất lượng đào tạo du lịch bằng công nghệ số.Áp dụng chấm điểm AI và hệ thống kiểm định trực tuyến để đánh giá chất lượng giảng dạy.Tích hợp VR/AR trong kiểm tra năng lực thực tế của sinh viên du lịch.
Năm là, Quốc tế hóa và hội nhập chính sách phát triển nhân lực du lịch
Đồng bộ khung pháp lý với tiêu chuẩn ASEAN và quốc tế.Điều chỉnh khung đào tạo du lịch Việt Nam phù hợp với ASEAN Tourism Professional Standards (ATPS).Công nhận chứng chỉ nghề du lịch quốc tế để nhân lực du lịch Việt Nam có thể làm việc toàn cầu. Tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo nhân lực du lịch.Ký kết thỏa thuận hợp tác đào tạo du lịch với các nước tiên tiến (Singapore, Úc, EU).Khuyến khích các tập đoàn du lịch quốc tế (Marriott, Hilton, Agoda, Accor..) tham gia đào tạo nhân sự.
Xây dựng mô hình "Du học tại chỗ" cho nhân lực du lịch Việt Nam. Tạo điều kiện cho sinh viên du lịch học theo chương trình đào tạo quốc tế ngay tại Việt Nam.Áp dụng mô hình du lịch học tập thực tế (Edu-tourism)giúp sinh viên du lịch có trải nghiệm thực tế tại nước ngoài.
Kết luận
Xu thế hội nhập và sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là đòn bẩy để các nhà trường và doanh nghiệp cùng hướng về mục tiêu phải đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, điều này có ý nghĩa quyết định đến việc du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch trong CMCN 4.0 đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà nước, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo và bản thân người lao động. Để đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng được yêu cầu trong thời đại CMCN 4.0 thì vai trò đầu tiên thuộc về các cơ sở đào tạo du lịch. Ngoài ra sự tham gia của các cơ quan quản lý du lịch, các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch cũng là yếu tố rất quan trọng. Khi sở hữu được nguồn nhân lực đủ về số lượng, tốt về kỹ năng nghề nghiệp và thành thạo công nghệ thì ngành Du lịch sẽ vững vàng cất cánh trong kỷ nguyên công nghệ số.
Những giải pháp quan trọng cần thực hiện để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: có các chính sách ưu tiên đào tạo nhân lực chất lượng cao, mục tiêu đào tạo phải thay đổi, đội ngũ giảng viên giỏi về chuyên môn tay nghề, đáp ứng được yêu cầu hội nhập, đổi mới, tiếp cận năng lực thực hiện của ngành, trình độ tiên tiến của khu vực và trên thế giới, đẩy mạnh các hoạt động liên kết đào tạo giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp; tăng cường cơ sở vật chất nhất là công nghệ thông tin phục vụ nghiên cứu, giảng dạy, học tập là yếu tố vô cùng quan trọng trong thời kỳ công nghiệp 4.0 để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trong bối cảnh hội nhập.
Tài liệu tham khảo:
- Ban chấp hành Trung ương Đảng ( 2017), Nghị quyết số 08- QĐ/TƯ của Bộ Chính trị về phát triển Du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.
- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (2016), Đề án tăng cường đào tạo theo nhu cầu xã hội lĩnh vực Du lịch đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030.
- Bùi Thị Hạnh (2021), “Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0”, Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch , Hà Nội.
- Tạp chí du lịch, Đánh giá chất lượng lao động nghề du lịch của Việt Nam, https://bit.ly/3lZ2tLE (xem ngày 12/05/2022)
- Nhân dân, Rút ngắn khoảng cách đào tạo- việc làm trong ngành du lịch, https://bit.ly/3x5Wfjk (xem ngày 12/05/2022)
- Cổng thông tiên điện tử Đài tiếng nói Việt Nam VOV, Hơn 50% lao động nghề du lịch thiếu kỹ năng nghiệp vụ, https://bit.ly/3GGCu5i (xem ngày 12/05/2022)
- Klaus Schwab (2018). Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Hà Nội: NXB Chính trị Quốc gia Sự thật.