Một số yếu tố tác động và định hướng phát triển cụm liên kết ngành công nghiệp sản xuất - chế biến nông, lâm, thủy hải sản và thực phẩm vùng đồng bằng Sông Hồng

15:57 - 27/06/2025

Trần Thị Thu Hiền[1]

Đồng bằng Sông Hồng (ĐBSH) là một vùng rộng lớn nằm quanh lưu vực Sông Hồng ở miền Bắc Việt Nam, Phía Bắc của ĐBSH giáp với trung du và miền núi Bắc Bộ, phía Tây được giáp với Tây Bắc, phía Đông được giáp với vịnh Bắc Bộ và phía Nam được giáp với Bắc Trung Bộ, có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng an ninh. Những năm vừa qua, Đảng, Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết về phát triển vùng ĐBSH, Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23 tháng 11 năm 2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSH đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó nêu rõ Vùng ĐBSH là động lực phát triển hàng đầu để định hướng, dẫn dắt quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của đất nước và đề ra nhiệm vụ, giải pháp là cần phát triển các cụm liên kết ngành, hình thành các cụm liên kết sản xuất - chế biến và tiêu thụ nông sản. Việt Nam hiện chưa có Cụm liên kết ngành công nghiệp theo đúng nghĩa. Do vậy, để phát triển cụm liên kết ngành công nghiệp sản xuất - chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy hải sản vùng đồng bằng sông Hồng cần phải khắc phục những khó khăn, thách thức, dựa trên phân tích các yếu tố tác động sẽ tạo cơ sở cho việc phát triển cụm liên kết ngành công nghiệp sản xuất - chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy hải sản và thực phẩm vùng ĐBSH trong thời gian sắp tới.

Từ khóa: Công nghiệp chế biến; Cụm liên kết ngành công nghiệp; Nông, lâm, thủy hải sản; Sản xuất; Vùng ĐBSH.

1. Một số yếu tố tác động đến phát triển cụm liên kết ngành công nghiệp sản xuất – chế biến nông, lâm, thủy hải sản và thực phẩm vùng ĐBSH

1.1 Các yếu tố tự nhiên, kinh tế - xã hội

- Yếu tố tự nhiên

ĐBSH là một vùng rộng lớn nằm quanh lưu vực sông Hồng ở miền Bắc Việt Nam. Các tỉnh đồng bằng sông Hồng bao gồm 11 tỉnh gồm có Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Quảng Ninh. Phía Bắc của ĐBSH giáp với trung du và miền núi Bắc Bộ, phía Tây được giáp với Tây Bắc, phía Đông được giáp với vịnh Bắc Bộ và phía Nam được giáp với Bắc Trung Bộ.

Diện tích ĐBSH năm 2023 là 21.278 km2, chiếm 7% diện tích cả nước. Diện tích toàn vùng ĐBSH và các tỉnh thuộc vùng ĐBSH hầu như không có sự thay đổi qua 10 năm trở lại đây. Trong đó Quảng Ninh chiếm diện tích lớn nhất là 6.208 km2 năm 2023 chiếm 30% diện tích ĐBSH, sau đó đến Hà Nội có diện tích là 3.359 km2, đứng thứ hai chiếm 16 % diện tích ĐBSH, các tỉnh còn lại có diện tích trên dưới 6% diện tích của vùng ĐBSH. Địa lý vùng ĐBSH có đặc điểm địa hình bằng phẳng, sông ngòi dày đặc tạo điều kiện thuận lợi để phát triển hệ thống giao thông và cơ sở hạ tầng của vùng. Vùng có kết cấu hạ tầng khá tốt với rất nhiểu đô thị được hình thành từ lâu đời.

Trải dài khoảng 150 km chiều rộng, ĐBSH nằm ở vùng ven biển phía Tây của Vịnh Bắc Bộ. Sông Hồng là con sông lớn thứ hai ở Việt Nam và là một trong năm con sông lớn nhất ven biển Đông Á. ĐBSH có nhiều khu công nghiệp lớn tập trung tại Việt Trì, Hà Nội, Hải Phòng và Nam Định. Phần lớn dân cư làm nghề trồng lúa nhưng vùng đồng bằng có các hoạt động kinh tế quan trọng khác như đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, cải tạo đất nông nghiệp, xây dựng bến cảng, lâm nghiệp ngập mặn…Sự phát triển kinh tế, xã hội ở đồng bằng cũng bị ảnh hưởng bởi bão theo mùa, lũ lụt, xói mòn bờ biển, phù sa, xâm nhập mặn.

Đồng bằng Sông Hồng còn tập trung phát triển loại hình đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản ở vịnh Bắc Bộ. Phía đông vùng này là Biển Đông nên ĐBSH có đường bờ biển dài với những bãi tắm đẹp, thuận lợi để phát triển ngành thuỷ sản.

  • Yếu tố kinh tế

Đồng bằng Sông Hồng có vị trí thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội và có tiềm năng to lớn với nhiều lợi thế vượt trội so với các vùng kinh tế khác. Thủ đô Hà Nội đồng thời là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của Việt Nam nằm ở ĐBSH, là địa bàn chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước.

ĐBSH là cửa ngõ phía Bắc Việt Nam với hệ thống giao thông hiện đại như đường bộ, đường sông, đường biển, đường hàng không, đường sắt. Các cảng, sân bay quan trọng cũng nằm trong khu vực này như Cảng Hải Phòng và Sân bay Quốc tế Nội Bài là kết nối liên kết giữa Đồng bằng Sông Hồng với các vùng kinh tế trong cả nước, mở rộng giao lưu với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Về nông nghiệp ĐBSH là vùng sản xuất lúa gạo quan trọng thứ hai ở Việt Nam, chiếm 20% sản lượng cây trồng cả nước. Sản lượng lúa gần đạt mức tối ưu với chênh lệch năng suất rất nhỏ, khai thác và sử dụng các kỹ thuật canh tác kép để đạt năng suất gần đạt mức tối đa. Đất đai màu mỡ của đồng bằng có khả năng đa dạng hóa cây trồng và có tiềm năng phát triển thêm nghề nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển vùng phải chịu áp lực khi đối mặt với nguy cơ ô nhiễm, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản quá mức làm phá hủy môi trường sống tự nhiên, mất cân bằng sinh thái.

 Tính đa dạng sinh học của vùng được đặc trưng bởi địa hình đồng bằng, trung du và miền núi. Sinh thái phong phú là điều kiện cơ bản để phát triển toàn diện sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp. ĐBSH được coi là vựa lúa thứ hai của Việt Nam sau Đồng bằng sông Cửu Long góp phần quan trọng vào việc đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu nông sản.

Ngành nuôi trồng thủy sản được phát triển đáng kể tại vùng ĐBSH, đặc biệt là đánh bắt xa bờ. Trong những năm gần đây, cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch sang chăn nuôi, thủy sản, cây công nghiệp, cây lương thực tăng dần.

            Chỉ số phát triển tổng sản phẩm trong nước của các địa phương vùng ĐBSH khá cao, tăng trên dưới 10% so với năm trước (năm trước là 100%). Tổng sản phẩm bình quân đầu người vùng ĐBSH cao thứ hai so với các vùng trong cả nước, năm 2023: 131,0 triệu đồng/người/năm.

Cơ cấu chuyển dịch tương đối nhanh theo hướng tăng tỉ trọng công nghiệp - xây dựng, dịch vụ, các ngành công nghiệp mũi nhọn phát triển theo hướng hiện đại, quy mô lớn, ít thâm dụng lao động, hàm lượng công nghệ cao. Kinh tế biển phát triển khá, đặc biệt Hải Phòng, Quảng Ninh dần trở thành trung tâm kinh tế biển, dịch vụ cảng biển lớn của cả nước. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội được quan tâm; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, bảo vệ vững chắc biên giới, chủ quyền quốc gia.

Thông tin chi tiết bài viết tại đây

 

[1] Tiến sĩ, Phó trưởng phòng Thông tin và Truyền thông – Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương