MỘT SỐ QUAN ĐIỂM VÀ ĐỊNH HƯỚNG TÁI CƠ CẤU NGÀNH CÔNG NGHIỆP, THƯƠNG MẠI CÁC ĐỊA PHƯƠNG VÙNG TRUNG DU MIỀN NÚI PHÍA BẮC ĐẾN NĂM 2030

12:16 - 05/12/2023

Đặng Công Hiến[1]

Thời gian qua, kinh tế - xã hội các địa phương trong Vùng trung du miền núi phía Bắc (TDMNPB) đã đạt được một số thành tựu nhất định. Cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng, từng bước hoàn thiện đã làm thay đổi tích cực diện mạo của vùng. Kinh tế tăng trưởng cao hơn bình quân cả nước, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ; bước đầu phát triển sản xuất hàng hóa gắn với thị trường. Tuy nhiên, do xuất phát điểm thấp, đến nay vùng TDMNPB vẫn là vùng khó khăn nhất cả nước. Là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng, giàu tài nguyên và có vai trò quyết định đối với môi trường sinh thái của cả vùng Bắc Bộ nhưng đây vẫn là "vùng trũng" trong phát triển và là "lõi nghèo” của cả nước.

Nhằm phát triển mạnh mẽ hơn nữa vùng TDMNPB, ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW về Phương hướng phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết 11-NQ/TW đã xác định rất rõ mục tiêu tổng quát và một số chỉ tiêu cụ thể, thể hiện rõ khát vọng, ý chí và quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Để thực hiện mục tiêu phát triển vùng TDMNPB đến năm 2030, chính phủ và các địa phương cần xây dựng và triển khai đồng bộ các giải pháp để ngành công nghiệp (CN), thương mại (TM)  của vùng phát triển đúng định hướng. Vấn đề đặt ra là cần phải thực hiện tái cơ cấu ngành CN, TM các địa phương trong vùng. Việc này phải được thực hiện trên cơ sở những quan điểm và định hướng phù hơp.

Từ khóa: Công nghiệp; Tái cơ cấu; Thương mại; Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ.

1. Thực trạng cơ cấu ngành CN, TM địa phương vùng TDMNPB

1.1. Thực trạng cơ cấu ngành CN các địa phương vùng TDMNPB

Giai đoạn 2011-2022, cơ cấu giá trị các ngành sản xuất công nghiệp của toàn vùng TDMNPB có sự thay đổi theo chiều hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, giảm tỷ trọng ngành công nghiệp khai khoáng, khai thác tài nguyên. Tỷ trọng của CN chế biến chế tạo trong ngành CN của vùng tăng từ 69,62% năm 2011 lên 71,13% năm 2020, trong khi ngành khai khoáng lại giảm từ 12,42% năm 2011 xuống 5,67% năm 2020. Đến năm 2022, tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục tăng lên mức 74,45% và tỷ trọng ngành khai khoáng giảm xuống còn 4,97%.

[1] Tiên sĩ, Phó trưởng phòng Quản lý khoa học và đào tạo – Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương