MỘT SỐ QUAN ĐIỂM, ĐỊNH HƯỚNG VÀ ĐỀ XUẤT CHÍNH SÁCH VỀ NÂNG CAO NĂNG LỰC THAM GIA VÀO CHUỖI GIÁ TRỊ TOÀN CẦU CỦA DNNVV NGÀNH CÔNG NGHIỆP Ô TÔ

16:58 - 07/12/2023

Vũ Quang Hùng

Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương

 Năm 2022, doanh số ô tô bán tại thị trường trong nước đạt gần 500.000 chiếc/năm. Đây là một dấu mốc rất quan trọng bởi nước ta đang ở giai đoạn đầu của quá trình “ô tô hóa”. vai trò của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam cũng được đánh giá là ngày càng quan trọng, có thể cho được xếp là một trong những ngành công nghiệp đi đầu, kéo theo sự phát triển của các ngành công nghiệp CNHT, trong đó có sự tham gia của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Vì vậy, sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp ô tô được xem là nhân tố tác động tích cực thúc đẩy các ngành có liên quan phát triển, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ, bởi ô tô là sản phẩm được cấu thành từ hơn 3.000 phụ tùng, linh kiện khác nhau. Tham gia ngày càng sâu, rộng vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng là mục tiêu cần đạt được của doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành công nghiệp ô tô Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, đây là một trong những điều kiện tiên quyết trong quá trình phát triển. Nhằm nâng khả năng lực tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành công nghiệp ô tô nói riêng, doanh nghiệp CNHT nói chung là yếu tố quan trọng tạo bước đột phá hướng tới năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm CNHT góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước.

Từ khóa: Công nghiệp hỗ trợ; Công nghiệp ô tô; Chuỗi giá trị toàn cầu; Doanh nghiệp nhỏ và vừa; Đổi mới sáng tạo.

 1. Tổng quan về công nghiệp ô tô Việt Nam

Trong giai đoạn vừa qua ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam đã có những sự phát triển đáng ghi nhận. Năm 2022 doanh số ô tô bán tại thị trường trong nước đạt gần 500.000 chiếc/năm. Đây là một dấu mốc rất quan trọng bởi nước ta đang ở giai đoạn đầu của quá trình “ô tô hóa” (một quốc gia được coi là bước vào giai đoạn "motorization" khi trung bình có trên 50 ô tô/1.000 dân, nghĩa là cứ khoảng 5 hộ gia đình sẽ có một hộ sở hữu ô tô xe du lịch dưới 9 chỗ ngồi). Theo đánh giá của một số chuyên gia trong lĩnh vực sản xuất ô tô thì giai đoạn ô tô hóa mạnh mẽ chắc chắn sẽ xảy ra tại Việt Nam trong vòng vài năm tới. Theo dự báo đến năm 2025, quy mô thị trường Việt Nam sẽ đạt mức cao, khoảng 800-900 nghìn xe/năm. Dòng xe dưới 9 chỗ sẽ tăng trưởng mạnh, chiếm trên 70% thị trường. Khi đó, tỷ lệ nội địa hóa ôtô sẽ là yếu tố tác động lớn đến cán cân thương mại của nền kinh tế. Cụ thể, nếu 50% thị phần là xe sản xuất trong nước thì kim ngạch nhập khẩu năm 2025 khoảng 9 tỷ USD, năm 2030 là 17 tỷ USD; nếu 80% thị phần là xe sản xuất trong nước thì kim ngạch nhập khẩu năm 2025 khoảng 5 tỷ USD và năm 2030 là 9 tỷ USD. Là ngành phát triển nhanh, vai trò của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam cũng được đánh giá là ngày càng quan trọng, có thể cho được xếp là một trong những ngành công nghiệp đi đầu, kéo theo sự phát triển của các ngành công nghiệp CNHT, trong đó có sự tham gia của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Vì vậy, sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp ô tô được xem là nhân tố tác động tích cực thúc đẩy các ngành có liên quan phát triển, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ, bởi ô tô là sản phẩm được cấu thành từ hơn 3.000 phụ tùng, linh kiện khác nhau (đối với ô tô con, số linh kiện, phụ tùng có thể từ hơn 20.000 đến 30.000, được sản xuất từ nhiều ngành nghề khác nhau, chủ yếu là cơ khí, điện tử, cao su-nhựa, trong đó nhiều phụ tùng lại được lắp ráp từ vài chục đến vài trăm linh kiện như động cơ, hộp số. Như vậy, phát triển của ngành công nghiệp ô tô sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyên sản xuất CNHT cho ngành ô tô phát triển.

Tuy nhiên, có thể thấy số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa, thực chất chủ yếu là doanh nghiệp CNHT của Việt Nam, tham gia vào quá trình sản xuất lắp ráp ô tô còn rất ít. Theo số liệu của Cục Công nghiệp với dòng xe cá nhân, hiện nay mới có chưa tới 80 doanh nghiệp sản xuất linh kiện, cung cấp cho 10 nhà sản xuất gốc, trong đó, có 18 nhà cung cấp cấp 1 và 58 nhà cung cấp cấp 2, cấp 3. Con số này quá nhỏ bé nếu so với gần 2.000 nhà sản xuất linh kiện tại Thái Lan và 1.000 tại Indonesia. Không những vậy linh kiện của các nhà sản xuất tại Việt Nam chủ yếu là các cụm chi tiết đơn giản, cồng kềnh như: khung ghế, ắc quy, chi tiết nhựa cỡ lớn. Bên cạnh đó, ngoài vấn đề về số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa tham trong trong sản xuất, lắp ráp của ngành ô tô còn ít thì vấn đề thì để nâng cao năng lực tham gia và chuỗi giá trị toàn cầu của các doanh nghiệp này vẫn còn rất nhiều vấn đề cần quan tâm như vấn đề quản trị doanh nghiệp, vấn đề trang thiết bị máy móc và dây chuyển công nghệ, vẫn đề nguồn nhân lực, vấn đề vốn,….Đối với vấn đề công nghệ, có thể thấy trong giai đoạn gần đây, phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa nói chung và trong lĩnh vực CNHT trong ngành ô tô nói riêng đã có nhiều cố gắng trong đầu tư hoặc đổi mới công nghệ theo hướng ứng dụng công nghệ hiện đại, sử dụng dây chuyền thiết bị có trình độ tự động hóa cao, tính đồng bộ, giảm lao động, giảm diện tích nhà xưởng, tiêu tốn ít nguyên liệu, nhiên liệu.

Điều đó cho thấy việc năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ngành sản xuất ô tô thấp. Sản xuất, kinh doanh thiếu tính đồng bộ, chủ yếu giải quyết vấn đề trong ngắn hạn mà không mang tính lâu dài, bền vững. Kết quả là năng lực tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của các doanh nghiệp này ở mức hạn chế, dẫn đến việc hiệu quả sản xuất, kinh doanh chưa được như mong muốn. Chính vì vậy đặt vấn đề nghiên cứu nâng khả năng lực tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của các doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành sản xuất ô tô là cấp thiết và cần được triển khai sớm nhằm giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ngành sản xuất ô tô tiếp cận và tham gia vào chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu một cách sâu, rộng, mang lại hiệu quả cao trong sản xuất kinh doanh và đặc biệt là nâng cao được năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động như hiện nay.

2. Quan điểm, định hướng và một số chính sách phát triển

2.1. Một số quan điểm

- Tham gia ngày càng sâu, rộng vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng là mục tiêu cần đạt được của doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành công nghiệp ô tô Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, đây là một trong những điều kiện tiên quyết trong quá trình phát triển.

- Nâng khả năng lực tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành công nghiệp ô tô nói riêng, doanh nghiệp CNHT nói chung là yếu tố quan trọng tạo bước đột phá hướng tới năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm CNHT góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước.

- Khoa học công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao là nhân tố quan trọng trong nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành công nghiệp ô tô nên cần quan tâm đặc biệt và tạo điều kiện thuận lợi của nhà nước, đây là động lực chính để nâng cao năng lực trình độ, năng lực công nghệ và chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu cho mục tiêu tham gia sâu trong chuỗi giá trị toàn cầu.

- Định hướng, lựa chọn lĩnh vực sản xuất sản phẩm ưu tiên phát triển phù hợp và khai thác hiệu quả thành tựu của CMCN 4.0 sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành công nghiệp ô tô phát triển đúng hướng, ổn định, tăng năng lực cạnh tranh, rút ngắn khoảng cách với các doanh nghiệp nhỏ vừa ngành sản xuất ô tô của các nước phát triển trong khu vực và thế giới để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

2.2. Định hướng phát triển

- Đầu tư mới, đầu tư chiều sâu với công nghệ tiên tiến để phát triển sản xuất các sản phẩm đang có thế mạnh, nâng cao năng lực chế tạo, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm của các doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành sản xuất ô tô;

- Đầu tư sản xuất phụ tùng, linh kiện từng bước thay thế nhập khẩu và đẩy mạnh xuất khẩu đến các quốc gia trong khu vực và thế giới từng bước tham gia sâu vào chuỗi giá trị;

- Ưu tiên nghiên cứu, thiết kế, đổi mới công nghệ để có thể chế tạo các sản phẩm đáp ứng yêu cầu sản xuất lắp ráp ô tô trong nước; nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp và đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp FDI để tham gia chuỗi giá trị sản xuất trong ngành sản xuất ô tô.

- Tăng cường sự liên kết, phối hợp giữa doanh nghiệp nhỏ và vừa với doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô. Đồng thời khai thác tối đa năng lực của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nghiên cứu, thiết kế, sản xuất các thiết bị đáp ứng yêu cầu trong sản xuất, lắp ráp của doanh nghiệp trong nước tạo nền tảng tham gia sâu trong chuỗi giá trị toàn cầu.

2.3. Một số cơ chế, chính sách về nâng cao năng lực tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành công nghiệp ô tô

a) Cơ chế, chính sách về vốn

- Hoàn thiện đồng bộ các cơ chế, chính sách liên quan nhằm đạt những mục tiêu phát triển chung của công nghiệp ô tô thông qua điều chỉnh chính sách cho vay dài hạn vốn tín dụng đầu tư phát triển với lãi suất phù hợp theo từng thời kỳ đối với những dự án sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô của các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

- Về sản xuất công nghiệp hỗ trợ, cần xây dựng chi tiết thủ tục phê duyệt, cách thức phối hợp giữa các bộ, ban ngành thực hiện và đưa các danh mục sản phẩm CNHT ngành công nghiệp ô tô được ưu đãi vào các văn bản pháp luật có liên quan đến công nghiệp hỗ trợ như Luật Đầu tư, Luật Công nghệ cao, Luật Doanh nghiệp… để thực thi. Cần dự báo đánh giá mức cầu trong dài hạn 5-10 năm tới của một số ngành hàng về khả năng bảo đảm lợi thế kinh tế nhờ quy mô hay không, qua đó, có thể xác định mức độ khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là các công ty đa quốc gia đầu tư vào CNHT ngành công nghiệp ô tô. Đồng thời xem xét điều chỉnh chính sách ưu đãi tài chính cụ thể đối với một số lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ngành công nghiệp ô tô.

b) Cơ chế, chính sách về thuế

- Hỗ trợ doanh nghiệp hỗ và vừa ngành công nghiệp ô tô chi phí tư vấn đặt tên thương hiệu; thiết kế biểu tượng, hệ thống các dấu hiệu nhận diện và xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu sản phẩm và thương hiệu doanh nghiệp. Hỗ trợ chi phí bảo vệ thương hiệu khi có tranh chấp hoặc khi bị vi phạm thương hiệu.

- Xem xét, hoàn thuế tiêu thụ đặc biệt hoặc giảm giá trị tính thuế tiêu thụ đặc biệt để khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất dòng xe chiến lược nâng cao tỷ lệ sử dụng linh kiện lắp ráp có xuất xứ trong nước. Tùy theo tỷ lệ sử dụng linh kiện lắp ráp có xuất xứ trong nước sẽ có các mức khuyến khích phù hợp.

- Tăng thuế suất thuế nhập khẩu đối với các loại linh kiện, phụ tùng trong nước đã sản xuất được. Giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp cho các dự án sản xuất cơ khí (dự án đầu tư mới, đầu tư mở rộng và CNHT ngành công nghiệp ô tô) trong 2 năm tiếp theo kể từ khi hết thời hạn ưu đãi theo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.

- Các dự án đầu tư mới, dự án đầu tư mở rộng để sản xuất linh kiện, phụ tùng cho sản xuất, lắp ráp ô tô được xem xét cho vay vốn dài hạn với lãi suất thấp từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

c) Cơ chế, chính sách về đầu tư

- Xây dựng các cơ chế khuyến khích tài chính hấp dẫn hơn cho đầu tư vào sản xuất CNHT ngành công nghiệp ô tô để thu hút doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nhất là các doanh nghiệp có năng lực vốn và có mạng lưới sản xuất toàn cầu. Theo đó cần có các chương trình hỗ trợ cụ thể với các sản phẩm, các tổ chức tham gia và có liên quan trong các chương trình tài chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

- Nghiên cứu cơ chế ưu đãi đặc thù với dự án sản xuất phụ tùng, linh kiện ô tô. Theo đó dự án đầu tư sản xuất, lắp ráp động cơ, hộp số, cụm truyền động, dập thân vỏ xe đến 9 chỗ được hưởng các ưu đãi đối với loại dự án đặc biệt khuyến khích đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư khi thực hiện đúng cam kết nâng cao dần giá trị linh kiện xuất xứ trong nước dùng để lắp ráp xe chiến lược hoặc xuất khẩu, cam kết quản lý chất lượng và môi trường và các cam kết khác nêu trong dự án đầu tư.

- Xem xét đưa các dự án sản xuất động cơ, hộp số, cụm truyền động, dập thân vỏ xe đến 9 chỗ áp dụng công nghệ tiên tiến, được chuyển giao từ các hãng có thương hiệu mạnh trên thế giới được hưởng các chính sách ưu đãi như sản phẩm cơ khí trọng điểm.

- Xây dựng hệ thống chính sách ưu đãi đồng bộ, nhất quán gắn với công tác tuyên truyền, xúc tiến đầu tư để thu hút nguồn vốn trong xã hội và đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư vào phát triển sản phẩm phục vụ sản xuất lắp ráp ô tô.

d) Cơ chế, chính sách về khoa học - công nghệ

- Xây dựng lộ trình đổi mới công nghệ và các cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, thiết bị. Đặc biệt là cơ chế chính sách hỗ trợ đối với những dự án sản xuất sản thông minh, sử dụng công nghệ hiện đại; Nghiên cứu, ban hành các cơ chế hỗ trợ thích hợp từ ngân sách nhà nước để thực hiện xúc tiến các chương trình chuyển giao công nghệ phù hợp, hiện đại theo từng nhóm ngành, công nghệ và giai đoạn phát triển.

- Hỗ trợ liên kết giữa các Viện nghiên cứu với doanh nghiệp trong hoạt động nghiên cứu và ứng dụng kết quả vào sản xuất; xây dựng cơ chế đầu tư của doanh nghiệp vào các cơ sở nghiên cứu, hỗ trợ miễn, giảm các loại thuế, phí trong quá trình sản xuất thử tại doanh nghiệp, hỗ trợ thực hiện quyền sở hữu trí tuệ.

- Đối với chuyển đổi số: xem xét cơ chế hỗ trợ số hóa các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cơ khí như: kênh phân phối, kênh marketing, chăm sóc khách hàng, tiếp cận thị trường; Hỗ trợ số hóa quy trình quản trị như các nghiệp vụ quản lý tài chính, kế toán, nhân sự, báo cáo; Đồng thời, hàng năm tiếp tục triển khai chương trình “Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho DNNVV” bao gồm các nội dung đào tạo như sau: (1) Khởi sự doanh nghiệp; (2) Quản trị kinh doanh; (3) Quản trị kinh doanh chuyên sâu; (4) Đào tạo trực tiếp tại doanh nghiệp sản xuất, chế biến.

- Nghiên cứu, ban hành cơ chế hỗ trợ thích hợp từ ngân sách nhà nước để thực hiện xúc tiến chương trình chuyển giao công nghệ phù hợp, hiện đại theo từng nhóm ngành và giai đoạn phát triển; xây dựng cơ chế, chính sách về hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động: chuyển giao công nghệ, sản xuất thử nghiệm, đầu tư các phòng thí nghiệm, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến của thế giới;

- Tiếp tục hoàn thiện chính sách về thuế nhập khẩu công nghệ nguồn và hỗ trợ nhận chuyển giao công nghệ;

- Ban hành cơ chế khuyến khích thành lập các tổ chức thẩm định dự án độc lập, trong đó có thẩm định dự án đầu tư đổi mới công nghệ. Đây là một tổ chức trung gian có tư cách pháp nhân và chịu trách nhiệm pháp lý về độ tin cậy của kết quả đánh giá, tổ chức này sẽ cung cấp cho ngân hàng, các tổ chức tín dụng những thông tin cần thiết về dự án đổi mới công nghệ, cũng như tư vấn cho doanh nghiệp lập kế hoạch sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả nhằm giải quyết mâu thuẫn giữa doanh nghiệp (với tư cách là người sử dụng vốn) và tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại (với tư cách là người cấp vốn). Trên cơ sở đánh giá của tổ chức độc lập về tiềm năng của doanh nghiệp và khả năng cấp vốn của các tổ chức tín dụng, ngân hàng; doanh nghiệp và tổ chức tín dụng, ngân hàng sẽ xác định tỷ lệ % cho vay, lượng tiền vay, thời gian vay và lãi suất vay nhằm đáp ứng được nhu cầu đổi mới công nghệ của doanh nghiệp.

- Không nhập khẩu công nghệ và thiết bị lạc hậu. Thực hiện nhất quán Quyết định số 46/2001/QÐ-TTg; Nghị định số 12/2006/NÐ-CP; Thông tư số 23/2015/TT-BKHCN. Thông tư số 23/2015/TT-BKHCN đưa ra quy định máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng phải đáp ứng điều kiện tuổi thiết bị không quá 10 năm và đã được sản xuất phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN), tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) hoặc tiêu chuẩn G7 về an toàn, tiết kiệm năng lượng và môi trường. Tăng cường công tác kiểm soát nhập khẩu và gắn trách nhiệm của các cơ quan trong việc thẩm định nhằm đảm bảo thiết bị được nhập khẩu đáp ứng tiêu chuẩn quy định tại Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017.

đ) Cơ chế, chính sách về tham gia chuỗi giá trị toàn cầu

- Xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cơ khí tham gia chuỗi giá trị trên cơ sở hỗ trợ doanh nghiệp thông tin để nhận diện xu hướng thay đổi cấu trúc chuỗi giá trị của ngành cơ khí và khả năng dịch chuyển các cơ sở sản xuất từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển trên cơ sở phân tích ngành và phân tích phí sản xuất trung bình của toàn ngành; Đồng thời xác định nhóm doanh nghiệp và thông tin chi tiết về các doanh nghiệp cơ khí ở các nước phát triển có nhu cầu di chuyển nhà máy sang các nước đang phát triển;

- Nghiên cứu ban hành cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài, từng bước nâng cấp sản phẩm để từng bước tham gia chuỗi giá trị và trở thành nhà cung ứng cấp

e) Cơ chế, chính sách về nguồn nhân lực

Xây dựng một số cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp ngành cơ khí chế tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua đào tạo nhân lực, đồng thời theo đó kết hợp 100 đẩy mạnh hoạt động đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng và nâng cao hiệu quả, mức độ lan tỏa của các chương trình đào tạo phối hợp giữa công ty có vốn đầu tư nước ngoài với các doanh nghiệp trong nước; khuyến khích thuê chuyên gia nước ngoài để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ cho các dự án sản xuất sản phẩm mới.

f) Cơ chế chính sách về thị trường

Xây dựng Chương trình xúc tiến thương mại trong các giai đoạn đến năm 2035, trong đó có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành công nghiệp ô tô nâng cao năng lực tiếp cận và mở rộng thị trường bao gồm cả thị trường đầu vào và thị trường đầu ra, trong đó đặc biệt chú ý tới các thị trường mới, giàu tiềm năng.

g) Một số cơ chế, chính sách đặc thù

- Cần cơ cơ chế hỗ trợ đối với các sản phẩm CNHT ngành công nghiệp ô tô được ưu tiên, sản phẩm thay thế nhập khẩu cần với cá chính sách ưu đãi cao hơn các dự án khác, tùy theo quy mô và tính chất của sản phẩm.

- Cho phép chủ đầu tư dự án CNHT ngành công nghiệp ô tô ứng trước vốn để thực hiện phần hạ tầng phục vụ (dịch vụ kho vận, nhà ở công nhân, công trình xử lý chất thải ô nhiễm), sau đó trừ dần vào các khoản nộp ngân sách mà dự án có nghĩa vụ nộp Nhà nước. - Ưu tiên bố trí đủ nhu cầu về đất trong các khu, cụm công nghiệp cho dự án CNHT ngành công nghiệp ô tô đầu tư mới, đầu tư mở rộng (kể cả dự án kết hợp với di chuyển địa điểm SX) đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt./.

 SOME PERSPECTIVES, ORIENTATIONS AND POLICY PROPOSALS ON IMPROVEMENT OF THE CAPACITY TO PARTICIPATE IN THE GLOBAL VALUE CHAIN OF SMEs IN THE AUTOMOBILE INDUSTRY

 Vu Quang Hung

 In 2022, automobile sales in the domestic market will reach nearly 500,000 units per year. This is a very important milestone because our country is in the early stages of the "automotiveization" process. The role of Vietnam's automobile industry is also considered increasingly important, it can be classified as one of the leading industries, leading to the development of supporting industries, including participation of small and medium enterprises. Therefore, the strong development of the automobile industry is considered a positive factor promoting the development of related industries, especially supporting industries, because cars are a product composed of from more than 3,000 different spare parts and components. Participating more and more deeply in the value chain and supply chain is the goal to be achieved by small and medium-sized enterprises in the Vietnamese automobile industry in the current period, this is one of the prerequisites in development process. In order to increase the ability of small and medium-sized enterprises to participate in the global value chain in the automobile industry in particular, and supporting industry enterprises in general, it is an important factor to create a breakthrough towards productivity, quality, and competitiveness. competition of supporting industry products contributes to promoting the development of domestic automobile production and assembly.

Keywords: Automobile industry; Creation and innovation; Global value chain; Small and medium enterprises; Supporting industry.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. TÀI LIỆU TIẾNG VIỆT
  2. Báo cáo bán hàng các năm 2016, 2017, 2018, 2019, 2020, 2021, 2022, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam.
  3. Báo cáo ngành ô tô 2019, Trung tâm Nghiên cứu – Phân tích Viettibank
  4. Chiến lược phát triển ngành ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, Bộ Công Thương.
  5. Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, Bộ Công Thương.
  6. Nghị quyết số 115/NQ-CP về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, Chính phủ
  7. Giáo trình Quản trị Marketing, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân.
  8. Quy hoạch phát triển ngành ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, Bộ Công Thương.
  9. Quyết định số 1556/QĐ-TTg ngày 26 tháng 8 năm 2011 phê duyệt Đề án trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.
  10. Quyết định số 229/QĐ-TTg ngày 04/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách thực hiện Chiến lược và Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.
  11. TÀI LIỆU TIẾNG ANH
  12. Chain Yu-Ni T “Research on the Transformation and Upgrading of China’s Automobile Industry From the Perspective of Global Value”, Advances in Social Science, Education and Humanities Research, volume 403.
  13. Wang Yuanbin, Wang Chunyu, Zheng Xuedang “Chinese A Chinese Automobile Industr omobile Industry’s Position in the Global V osition in the Global Value Chain alue Chain and Its Development Paths Under New Circumstances”, Contemporary Social Sciences 2020, No 3, Article 5