Một số nhiệm vụ, giải pháp thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang trong thời gian tới
10:13 - 09/09/2024
Trần Văn Thống[1]
Thực hiện chủ trương và mục tiêu của Đảng và Nhà nước sớm đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, chính quyền, các Sở, Ban, ngành và cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Bắc Giang đang nỗ lực phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực để đưa tỉnh phát triển nhanh, toàn diện và bền vững; phát triển công nghiệp là động lực chủ yếu cho tăng trưởng gắn với phát triển không gian mới, đưa tỉnh trở thành một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của vùng; dịch vụ phát triển đa dạng, có bước đột phá theo hướng an toàn, chất lượng và hiệu quả; kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đô thị được đầu tư đồng bộ, hiện đại; khoa học, công nghệ, kinh tế tri thức được phát huy, trở thành nhân tố chủ yếu đóng góp cho nâng cao chất lượng tăng trưởng; phát triển mạnh nguồn nhân lực chất lượng cao... Phấn đấu đến năm 2030, Bắc Giang trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, quy mô GRDP đứng trong nhóm 15 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước và đứng đầu vùng Trung du và miền núi phía Bắc. quá trình này đã và đang đặt ra nhiều thách thức, khó khăn và nhiều vấn đề cần tập trung giải quyết, trong đó có yêu cầu phải phát triển công nghiệp nhanh và bền vững, phát triển công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp phụ trợ theo vùng kinh tế trọng điểm và các địa phương có lợi thế cạnh tranh. Trên cơ sở đó, bài viết đánh giá một số kết quả và khó khăn, vướng mắc trong công tác thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang thời gian qua, qua đó đưa ra một số định hướng và giải pháp đồng bộ trong thời gian tới.
Từ khóa: Bắc Giang; Khu công nghiệp; Phát triển công nghiệp; Thu hút đầu tư.
1. Một số thuận lợi và kết quả trong công tác thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang thời gian qua
1.1. Một số thuận lợi
Bắc Giang thuộc khu vực Đông Bắc Việt Nam, nằm trên tuyến Hành lang kinh tế Lạng Sơn - Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài (thuộc Hành lang xuyên Á Nam Ninh - Singapore), tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thái Nguyên; liền kề “Tam giác kinh tế phát triển” Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Diện tích tự nhiên của Bắc Giang là 389.589 ha với 10 đơn vị hành chính cấp huyện (bao gồm thành phố Bắc Giang, thị xã Việt Yên và 8 huyện), cách Thủ đô Hà Nội 50km; cách cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) 110km; cách sân bay quốc tế Nội Bài 50km; cách cảng biển Hải Phòng và cảng biển nước sâu Cái Lân - Quảng Ninh 130 km. Nhờ đó, Bắc Giang có vị trí địa lý khá thuận lợi, nằm trên tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng, liền kề vùng kinh tế trọng điểm phía bắc, cùng với hệ thống giao thông mới được đầu tư nâng cấp, nguồn nhân lực có trình độ, v.v. đã tạo cho Bắc Giang nhiều lợi thế trong quy hoạch các khu công nghiệp tập trung để thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp phụ trợ, nhất là một số ngành sản xuất: Vật liệu xây dựng, ứng dụng tự động hóa, điện, điện tử, hóa chất, linh kiện cho ngành điện tử và cơ khí chế tạo, ngành dệt may và da giày, công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp công nghệ cao, v.v.
Để bắt nhịp cùng với sự phát triển chung cả nước, trong những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh Bắc Giang đã tập trung chỉ đạo xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện nhiều nhiệm vụ trọng tâm lớn để thực hiện mục tiêu trên và bước đầu đã xây dựng chủ trương và lộ trình để phát triển công nghiệp, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ trong giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn đến 2050, trong đó việc quy hoạch và phát triển các KCN tập trung là mũi nhọn được ưu tiên hàng đầu. Theo Quy hoạch tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 219/QĐ-TTg ngày 17/02/2022, giai đoạn 2021-2030 tỉnh Bắc Giang quy hoạch phát triển 29 khu công nghiệp, với tổng diện tích khoảng 7.000 ha. Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang đã tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 3393/KH-UBND ngày 15/7/2022 triển khai thực hiện 15 khu công nghiệp ưu tiên thành lập giai đoạn 2022-2025.
1.2. Một số kết quả chủ yếu
- Về quy hoạch và phát triển các KCN tập trung: Theo Quyết định số 219/QĐ-TTg ngày 17/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050, theo đó đến năm 2030, tỉnh Bắc Giang được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch 29 KCN tập trung với tổng diện tích khoảng 7.000ha; và 38 cụm công nghiệp với tổng diện tích hơn 1.208 ha. Kết quả đến nay, tỉnh Bắc Giang đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư 09 KCN với tổng diện tích khoảng 2.238ha (Gồm các KCN: Đình Trám, Quang Châu, Song Khê - Nội Hoàng, Vân Trung, Hòa Phú, Việt Hàn, Tân Hưng, Yên Lư, Phúc Sơn); đã có 08 KCN đã và đang hoạt động gồm: Đình Trám, Quang Châu, Song Khê - Nội Hoàng, Vân Trung, Hòa Phú, Việt Hàn, Tân Hưng, Yên Lư; các KCN đã lấp đầy 100% diện tích gồm: KCN Đình Trám, KCN Song Khê-Nội Hoàng, KCN Vân Trung, KCN Quang Châu, KCN Hòa Phú (Giai đoạn 1), KCN Tân Hưng,KCN Việt Hàn (GĐ1); các KCN mới được chấp thuận chủ trương đầu tư và đang thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng như: KCN Yên Lư (diện tích 377 ha), KCN Hòa Phú mở rộng giai đoạn 1 (diện tích 85 ha), KCN Phúc Sơn (123 ha), KCN Việt Hàn mở rộng (147,31 ha), KCN Yên Lư (phần mở rộng). Diện tích đất công nghiệp đã cho thuê lại khoảng khoảng 1.250ha, tỷ lệ lấp đầy các KCN đạt khoảng 77%.
- Về thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp: Tính đến nay, trong 08 KCN trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã thu hút được 511 dự án đầu tư còn hiệu lực bao gồm 396 dự án đầu tư có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và 115 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 11,055 tỷ USD và 23.763 tỷ đồng, tổng vốn đầu tư thực hiện đạt khoảng 12.500 tỷ đồng và 7,95 tỷ USD.
- Về sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp khu công nghiệp: Theo số liệu báo cáo của Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Giang, đến nay, trong 09 KCN có 501 doanh nghiệp được thành lập, trong đó 441 doanh nghiệp đã đi vào hoạt động sản xuất và kinh doanh. Theo số liệu báo cáo tổng hợp, tổng doanh thu của các doanh nghiệp trong các KCN trên địa bàn tỉnh Bắc Giang năm 2023 đạt trên 516.000 tỷ đồng (trong đó giá trị sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp đạt trên 453.000 tỷ đồng); kim ngạch xuất khẩu ước đạt 22,05 tỷ USD; tổng các khoản thuế phát sinh nộp NSNN của các doanh nghiệp KCN năm 2023 đạt khoảng 6.800 tỷ đồng, trong đó thuế NK đạt khoảng 1.750 tỷ đồng (theo Chi cục Hải quan các KCN). Hiện các doanh nghiệp đã đi vào sản xuất và kinh doanh tạo việc làm trực tiếp cho khoảng 217.000 lao động trong và ngoài tỉnh Bắc Giang, trong đó lao động trong tỉnh Bắc Giang chiếm khoảng 70%, lao động ngoại tỉnh chiếm khoảng 30%, mức lương thu nhập bình quân/người/tháng đạt trên 7,6 triệu đồng.
- Về tổ chức quản lý:
+ Tỉnh đang tập trung chỉ đạo thực hiện tốt việc bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án khu công nghiệp; đầu tư hệ thống cung cấp điện, tiêu thoát nước trong và ngoài khu vực khu công nghiệp.
+ Tăng cường quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp trong khu công nghiệp, lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.
+ Thường xuyên rà soát các quy định mới của pháp luật, các nội dung trong thủ tục hành chính không cần thiết, kịp thời tham mưu cấp có thẩm quyền sửa đổi, thay thế; giải quyết 100% thủ tục hành chính đảm bảo xong trước và trong thời gian quy định.
+ Đôn đốc đầu tư hạ tầng đồng bộ các khu công nghiệp mới; đẩy mạnh thu hút đầu tư, ưu tiên các nhà đầu tư có đủ năng lực tài chính và trình độ quản lý, các dự án có công nghệ cao, suất đầu tư cao và ít ảnh hưởng tới môi trường và có khả năng thu nộp ngân sách Nhà nước lớn.
+ Tăng cường tuyên truyền pháp luật, kiểm tra, giám sát, kiên quyết xử lý các chủ đầu tư trong các khu công nghiệp có vi phạm pháp luật, làm ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng đất và môi trường đầu tư của tỉnh.
+ Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh thường xuyên và định kỳ tổ chức đối thoại với doanh nghiệp để kịp thời giải quyết, đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp…
+ Tập trung đầu tư phát triển hạ tầng (đặc biệt là hạ tầng khu công nghiệp); thúc đẩy cải cách hành chính (CCHC) thực chất; chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng; đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số và một số các giải pháp khác.
+ Tích cực tiếp xúc, mời gọi doanh nghiệp lớn ở nước ngoài, tỉnh đã đẩy mạnh “xúc tiến đầu tư tại chỗ” thông qua việc tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, thông thoáng cho các doanh nghiệp, dự án hiện đang triển khai, hoạt động, từ đó khuyến khích các dự án mở rộng đầu tư, nâng cấp dây chuyền sản xuất và tạo thêm nhiều việc làm cho lao động. Do đó, hơn một nửa nguồn vốn FDI thu hút vào tỉnh năm 2023 là các dự án điều chỉnh tăng vốn, thể hiện sự cam kết đầu tư lâu dài của các nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh.
+ Lãnh đạo tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương thường xuyên nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần, thái độ phục vụ người dân, doanh nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu; quy rõ trách nhiệm, thời gian giải quyết các thủ tục liên quan tới các nhà đầu tư.
Khu công nghiệp Vân Trung, Bắc Giang
2. Một số khó khăn, vướng mắc
Thứ nhất, trong các KCN chưa thu hút được các dự án đầu tư có quy mô lớn, có giá trị gia tăng cao, công nghệ hiện đại và tiên tiến, có khả năng đóng góp lớn vào sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế và ngân sách nhà nước của tỉnh Bắc Giang. Hiện các dự án lớn chủ yếu vẫn là gia công và lắp ráp, sử dụng nhiều lao động, giá trị gia tăng chưa cao, chưa có các ngành chế biến và chế tạo sâu, ngành công nghiệp bán dẫn, v.v.
Thứ hai là, tỷ trọng đóng góp của ngành công nghệ cao đối với sự tăng trưởng công nghiệp chung của tỉnh Bắc Giang ở một số ngành, sản phẩm còn chiếm tỷ trọng nhỏ, doanh nghiệp công nghệ cao còn rất hạn chế, việc tham gia của doanh nghiệp nội địa vào sản xuất sản phẩm hoặc chuỗi giá trị sản phẩm công nghệ cao rất ít, ngành công nghiệp hỗ trợ quy mô nhỏ bé, v.v.. Đến nay tỉnh Bắc Giang mới chỉ thu hút được một số doanh nhiệp nước ngoài đầu tư vào các khu công nghiệp: Đình Trám, Quang Châu, Vân Trung, Song Khê - Nội Hoàng, Hòa Phú, thuộc các ngành cơ khí, gia công kim loại, gia công và lắp ráp các linh kiện điện tử và điện gia dụng, năng lượng (chủ yếu là tấm pin mặt trời),…, có trình độ công nghệ khá và trung bình, chưa có hàm lượng chế tạo cao,
Thứ ba, chưa có sự tham gia của doanh nghiệp nội địa vào chuỗi giá trị sản xuất của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trên thế giới, dẫn đến ngành công nghiệp của tỉnh Bắc Giang trong nhiều năm qua tuy có tốc độ tăng trưởng khá nhanh, nhưng chất lượng tăng trưởng và năng suất lao động chưa cao, giá trị gia tăng còn thấp, đây cũng là thực tế chung của cả nước, chưa mang lại tính bền vững.
Thứ tư, quỹ đất công nghiệp sạch để dành cho thu hút các dự án đầu tư trong KCN tỉnh Bắc Giang đang rất hạn chế dẫn đến giá đất cho thuê đối với các nhà đầu tư thứ cấp rất cao so với các địa phương khác.
Thứ năm, nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho ngành công nghiệp, công nghiệp bán dẫn, công nghệ 4.0 của địa phương, các khu vực phụ cận đang dần trở lên khan hiếm và khó khăn trong tuyển dụng. Việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho công nghiệp và công nghệ cao, việc nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động bộ máy quản lý về phát triển nguồn nhân lực còn có hạn chế như: Chưa xây dựng hệ thống thông tin về cung - cầu giữa người lao động-chính quyền và doanh nghiệp, thị trường lao động và sàn giao dịch lao động còn chưa hiệu quả và chuyên nghiệp để bảo đảm cân đối cung - cầu nhân lực để phát triển kinh tế - xã hội; việc xây dựng cơ chế, chính sách và công cụ để khuyến khích và phát triển nguồn nhân lực (bao gồm: Môi trường làm việc, chính sách lao động, tiền lương, bảo hiểm, bảo trợ và an sinh xã hội, điều kiện nhà ở và các điều kiện sinh hoạt) còn có những trở ngại và chưa hiệu quả; quy định và chính sách về đào tạo nghề, khuyến khích các tổ chức và cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư đào tạo nghề và phát triển nguồn nhân lực chưa được cụ thể hóa hoặc thể chế hóa.
Thứ sáu, hạ tầng xã hội ngoài các KCN tập trung như nhà ở, giáo dục, thương mại, y tế, văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí, v.v. để phục vụ cho nhu cầu của người lao động, doanh nghiệp, nhà quản lý,v.v. chưa được tỉnh Bắc Giagn quan tâm quy hoạch và đầu tư đã ảnh hưởng đến việc thu hút lao động từ các nơi về làm việc, sinh sống lâu dài tại Bắc Giang.
Cuối cùng, việc quy hoạch các KCN tập trung của tỉnh Bắc Giang đã thu hút lượng lớn công nhân (khoảng hơn 70.000 lao động từ các tỉnh xa trong tổng số hơn 217.000 lao động trong các KCN của tỉnh) hiện nay đang có khó khăn về vấn đề nhà ở cho công nhân, bất cập này đang ảnh hưởng đến quá trình hoạt động của các doanh nghiệp thứ cấp trong các KCN, khó thu hút lao động ngoại tỉnh đến các KCN làm việc, nếu tình trạng này kéo dài, tính bền vững trong sự phát triển của các KCN sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nguyên nhân chính là trong quy hoạch phát triển các KCN đã không tính đến khu nhà ở và dịch vụ cho công nhân làm việc trong các KCN. Do đó, ngay từ trong khâu quy hoạch các KCN, các tổ chức và nhà đầu tư đã không tính đến nhau cầu nhà ở và khu dịch vụ cho công nhân, đây một trong số các nhân tố đảm bảo sự bền vững cho các KCN.
3. Định hướng trong thời gian tới
Để đạt được mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp có trình độ tiên tiến, hiện đại đang trở thành đòi hỏi tất yếu phải phát triển công nghiệp công nghệ cao. Nhằm xây dựng và phát triển công nghiệp của tỉnh trong giai đoạn 2020 - 2030 và tầm nhìn đến 2050, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng đón nhận và thu hút các doanh nghiệp có trình độ công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, sản phẩm có hàm lượng khoa học và công nghệ, có giá trị gia tăng cao và có khả năng đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Chú trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ phù hợp với điều kiện của tỉnh, đáp ứng nhu cầu thiết yếu 30-40 % cho sản xuất, tiêu dùng nội địa vào năm 2025, phục vụ cho công nghiệp điện tử, cơ khí chế tạo, khuôn mẫu, vật liệu xây dựng cao cấp, chế biến nông lâm sản, may mặc, v.v; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, tham gia và thực hiện có hiệu quả các hiệp định và thỏa thuận quốc tế về tự do hóa thương mại giữa Việt Nam với các nước, nhất là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do ASEAN (AFTA) Hiệp định thương mại tự do Trung Quốc - ASEAN (ACFTA)..., qua đó góp phần giảm tỷ lệ nhập khẩu các sản phẩm phụ trợ từ nước ngoài, nâng cao chất lượng phát triển công nghiệp, tạo giá trị gia tăng cao hơn trên đơn vị sản phẩm công nghiệp, giúp tăng nhanh giá trị xuất khẩu, duy trì tốc độ phát triển công nghiệp của tỉnh đạt từ 20%-30%/năm như mục tiêu Đại hội đã đề ra, tạo tiền đề vững chắc giúp công nghiệp tỉnh Bắc Giang phát triển triển nhanh, bền vững và thu hút các dự án có tiềm năng mới.
4. Một số giải pháp trong thời gian tới
Để thực hiện được các mục tiêu và nhiệm vụ trở thành địa phương có ngành công nghiệp phát triển, trong thời gian tới, tỉnh Bắc Giang cần tiếp tục tập trung tổ chức triển khai đồng bộ và có hiệu quả một số giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm như sau:
Một là: Tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch các khu công nghiệp tập trung, KCN phụ trợ, kế hoạch phát triển ngành, các lĩnh vực có liên quan gắn với quy hoạch phát triển công nghiệp; tổ chức thực hiện tốt các quy hoạch và kế hoạch gắn với cơ cấu lại sản xuất, lựa chọn sản phẩm công nghiệp mũi nhọn trên cơ sở phát triển ngành công nghiệp có trình độ công nghệ tiên tiến, có giá trị gia tăng cao, có khả năng đóng góp cho tỉnh và thân thiện với môi trường, như: Công nghệ chế tạo vật liệu siêu bền, siêu nhẹ, vật liệu mới, điện tử, cơ khí chính xác, v.v.; tập trung phát triển công nghiệp phụ trợ phục vụ các ngành dệt may và da giầy, công nghiệp chế biến nông-lâm-thủy sản và chế biến thực phẩm, sản xuất vật liệu xây dựng; sản xuất các sản phẩm điện, điện tử, ôtô và xe máy, v.v.
Hai là: Xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi đặc thù liên quan đến thuế, đất đai, nhân lực, tài chính-ngân hàng, v.v. trên cơ sở vận dụng các quy định của Đảng và Nhà nước cùng với tăng cường công tác quảng bá và giới thiệu các tiềm năng và lợi thế của tỉnh để tập trung thu hút các dự án, các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực và ngành công nghiệp ưu tiên vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đồng thời cần quan tâm lồng ghép nguồn vốn hỗ trợ cho các doanh nghiệp để đổi mới công nghệ, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư mở rộng quy mô và chiều sâu.
Ba là: Tích cực cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo chỉ đạo của Chỉnh phủ và Tỉnh ủy, đặc biệt là thủ tục hành chính liên quan đến các lĩnh vực: Đầu tư, đất đai, môi trường, xây dựng, thuế, hải quan, tài chính-ngân hàng, bảo hiểm, đăng ký kinh doanh, v.v. đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính thông thoáng, đơn giản, nhanh chóng, thuận tiện và minh bạch. Đồng thời tập trung nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác của đội ngũ cán bộ và công chức liên quan đến lĩnh vực đầu tư và phát triển công nghiệp, qua đó tiết kiệm chi phí, thời gian và sự hài lòng của nhà đầu tư và doanh nghiệp, tạo sức hấp dẫn thu hút các dự án đầu tư lớn để phát triển công nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp.
Chính quyền và các cơ quan quản lý nhà nước cần thường xuyên trao đổi, gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp để lắng nghe ý kiến phản ảnh, chia sẻ và cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc với doanh nghiệp, v.v. Trên cơ sở đó tập trung chỉ đạo công tác vận động và thu hút các dự án đầu tư để phát triển các ngành và lĩnh vực công nghiệp kỹ thuật và dịch vụ chất lượng cao như: Công nghiệp phần mềm, điện tử và tin học, sản xuất các thiết bị tự động hoá, sản phẩm công nghiệp cơ khí chế tạo, sản xuất các thiết bị và phụ tùng cho sản xuất ô tô và xe máy, thiết bị điện, linh kiện điện tử, các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh và giá trị gia tăng cao khác, v.v.
Bốn là: Phát triển nguồn nhân lực và nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động bộ của máy quản lý về phát triển nguồn nhân lực cụ thể như: Xây dựng hệ thống thông tin về cung - cầu của tỉnh và doanh nghiệp, hình thành thị trường lao động trên địa bàn tỉnh, nhằm bảo đảm cân đối cung - cầu nhân lực để phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng cơ chế, chính sách và công cụ để khuyến khích và phát triển nguồn nhân lực, bao gồm: Môi trường làm việc, chính sách lao động, tiền lương, bảo hiểm, bảo trợ và an sinh xã hội, điều kiện nhà ở và các điều kiện sinh hoạt; đẩy mạnh công tác xã hội hoá đào tạo nghề, khuyến khích các tổ chức và cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư vào đào tạo nghề và phát triển nguồn nhân lực, hình thành các quỹ hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực.
Các trường và cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh cần chủ động và tích cực liên kết và phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp để nắm bắt nhu cầu và đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực của các doanh nghiệp, gắn lý thuyết với thực hành giúp tiết kiệm chi phí và thời gian đào tạo; qua đó phát triển được nguồn nhân lực chất lượng có trình độ, kỹ năng và tay nghề cao, có khả năng tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiến tiến của các doanh nghiệp nước ngoài và đáp ứng yêu cầu phát triển trong quá trình hội nhập.
Năm là: Tiếp tục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - kỹ thuật và xã hội đồng bộ, như: Hệ thống giao thông, điện, thông tin liên lạc, cấp thoát nước; phát triển các loại hình dịch vụ: Tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, kho vận (logistics), bất động sản, giáo dục và y tế, v.v. đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp và nhân dân; Khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu, cụm công nghiệp nhằm nhanh chóng hoàn thiện đầu tư kêt cấu hạ tầng hiện đại và đồng bộ; tăng cường vận động thu hút các dự án đầu tư công nghệ cao và các dự án công nghiệp hỗ trợ vào các khu công nghiệp: Quang Châu, Vân Trung, Hòa Phú, Việt Hàn, Yên Lư, Tân Hưng, và sớm kiến nghị Thủ tưởng Chính phủ cho phép thành lập một số khu công nghiệp có tính phụ trợ: KCN Đức Giang, KCN Song Mai-Nghĩa Trung, KCN Châu Minh-Bắc Lý-Hương Lâm, KCN Đồng Phúc, ….. đó là các Khu công nghiệp có lợi thế về vị trí địa lý, giao thông, kết cấu hạ tầng đồng bộ và nguồn nhân lực dồi dào, v.v.
Sáu là: Tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, nâng cao tính chuyên nghiệp và đổi mới nội dung xúc tiến đầu tư có định hướng vào các dự án đầu tư có hàm lượng tri thức và công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, có khả năng đóng góp lớn vào ngân sách và sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, các dự án phát triển dịch vụ và chế biến nông-lâm sản mà tỉnh có lợi thế cạnh tranh; chú trọng thu hút các nhà đầu tư của các tập đoàn kinh tế lớn, các đối tác đầu tư dự án công nghệ cao, sản phẩm chủ lực, có tác động lớn đến các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội và tái cơ cấu nền kinh tế của tỉnh Bắc Giang. Đồng thời các ngành và địa phương cần thường xuyên theo dõi, nghiên cứu, đánh giá và dự báo về tình hình quốc tế để kịp thời trao đổi và tham mưu đề xuất với Tỉnh ủy các điều chỉnh và định hướng phù hợp trong công tác vận động và thu hút đầu tư, qua đó hạn chế ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển kinh tế-xã hội nói chung và sự phát triển công nghiệp của tỉnh nói riêng.
Bảy là, Ban Quản lý các khu công nghiệp Bắc Giang tiếp tục “tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh,… trọng tâm là nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, đổi mới tư duy, quyết liệt thực hiện một cách thực chất” theo Chị thị số 26/CT-TU ngày 02/6/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Tiếp tục tập trung cải thiện môi trường đầu tư, giải quyết nhanh các thủ tục hành chính, nắm bắt và giải quyết những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, đồng thời chỉ đạo các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng các KCN, nhằm tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư. Với chức năng nhiệm vụ được giao, Ban sẽ nâng cao năng lực tham mưu; phản ứng nhanh nhạy, kịp thời với những vấn đề nảy sinh; tăng cường trao đổi, học hỏi kinh nghiệm.
Quán triệt phương châm hành động “3 dám” (dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung); “3 hơn” (quyết liệt hơn, linh hoạt hơn, hiệu quả hơn); “5 rõ” (rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ trách nhiệm và rõ kết quả) theo tinh thần Chỉ thị số 26/CT-TU ngày 02/6/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang; đặc biệt chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ có tinh thần trách nhiệm cao, thân thiện với nhà đầu tư, giỏi chuyên môn, thông thạo ngoại ngữ; quan tâm đồng hành với nhà đầu tư./.
[1] Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang
SOME TASKS AND SOLUTIONS FOR ATTRACTING INVESTMENT AND DEVELOPING INDUSTRY IN INDUSTRIAL ZONES OF BAC GIANG PROVINCE IN THE COMING PERIOD
Tran Van Thong
In line with the Party and State’s policies and objectives to transform Vietnam into an industrialized nation oriented toward modernization, the government, departments, agencies, and business community of Bac Giang Province are making efforts to fully leverage all potentials, advantages, and resources to achieve rapid, comprehensive, and sustainable development for the province. The development of the industrial sector is seen as a primary driving force for growth, linked to expanding new spaces, positioning the province as one of the industrial development hubs of the region. The service sector is diversifying, with breakthroughs in safety, quality, and efficiency. Infrastructure, including both technical and social aspects, as well as urban development, is being invested in a synchronized and modern manner. Science, technology, and the knowledge-based economy are being promoted as key factors contributing to improved growth quality. The province is also focused on developing a high-quality workforce. The goal is for Bắc Giang to become an industrialized province by 2030, with its GRDP (Gross Regional Domestic Product) ranking among the top 15 provinces and cities nationwide and leading the Northern Midland and Mountainous Region. This process presents numerous challenges and issues that need to be addressed, particularly the need for rapid and sustainable industrial development, the development of high-tech industries, and supporting industries in key economic areas and localities with competitive advantages.
Based on this context, the article evaluates several achievements as well as the difficulties and obstacles in attracting investment and industrial development in the industrial zones of Bắc Giang Province over the past period. It also provides several orientations and coordinated solutions for the coming time.
Keywords: Bac Giang; Industrial Zones; Industrial Development; Investment Attraction.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Các Luật: Luật Đầu tưngày 17 tháng 6 năm 2020; Luật Doanh nghiệpngày 17 tháng 6 năm 2020; Luật Quy hoạch ngày 24 tháng 11 năm 2017; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch ngày 20 tháng 11 năm 2018.
- Nghị định 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 của Chỉnh phú quy định về quản lý các khu công nghiệp và khu kinh tế.
- Nghị quyết số 39/2021/QH15 ngày 13 tháng 11 năm 2021 của Quốc hội về quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021-2025.
- Quyết định số 219/QĐ-TTg ngày 17/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
- Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 09/03/2022 của Thủ tướng Chính phủ phân bổ chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021-2025.
- Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Giang nhiệm kỳ 2020-2025
- Chỉ thị số 26/CT-TU ngày 02/6/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang.
- Kế hoạch số 3393/KH-UBND ngày 15/7/2022 của UBND tỉnh Bắc Giang về triển khai thực hiện 15 khu công nghiệp ưu tiên thành lập giai đoạn 2022-2025.
- Báo cáo đánh giá 20 năm phát triển các KCN tỉnh Bắc Giang; Báo cáo kết quả công tác năm 2023 của Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Gian