Một số giải pháp thúc đấy xuất khẩu một số mặt hàng công nghiệp của Việt Nam sang thị trường các nước Mercosur

10:26 - 03/03/2021

 

Ngô Văn Phong

Tổng cục Quản lý thị trường – Bộ Công Thương

 

Khối thị trường chung nam Mỹ (MERCOSUR)có quá trình phát triển mở và năng động với mục tiêu cơ bản là tạo ra một thị trường chung, tạo cơ hội thương mại và đầu tư thông qua sự hội nhập và cạnh tranh của các nền kinh tế thành viên.Thời gian qua, hàng công nghiệp của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường các nước khối MERCOSUS đã đạt được một số kết quả ban đầu. Tuy nhiên vẫn chưa tương xứng với tiềm năng vốn có, vì vậy những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, tăng cường thuận lợi hóa, lựa chọn mặt hàng xuất khẩu, dự báo thị trường,… là hết sức cần thiết để đẩy mạnh xuất khẩu hàng công nghiệp của Việt Nam vào thị trường khối này.

Tổng quan về thị trường các nước Mercosur

Khối MERCOSUR chính thức được thành lập ngày 26/3/1991 gồm 4 thành viên là Argentina, Brasil, Paraguay và Uruguay thông qua Hiệp ước Asunción, và trở thành một tổ chức được quốc tế công nhận chính thức vào ngày 15/12/1995 sau khi Khối này đưa ra Nghị định thư Ouro Preto, trong đó tuyên bố thành lập một khu vực thuế quan chung. Đến năm 1999, các nước thành viên nhất trí thành lập một khu vực miễn thuế cho nội bộ các quốc gia thành viên, mặc dù một loạt các mặt hàng không nằm trong diện được miễn thuế. Khối Mercosur được đánh giá là thể chế kinh tế - chính trị quan trọng nhất khu vực vào thời điểm hiện tại. Xét trên khía cạnh kinh tế, Khối MERCOSUR là một đối tác tiềm năng với quy mô GDP năm 2018 đạt khoảng 2500 tỷ USD, dân số khoảng 295 triệu người. Thế mạnh xuất khẩu của Khối MERCOSUR là các mặt hàng nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi, nguyên phụ liệu công nghiệp, khoáng sản. Đây đều là các sản phẩm Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu lớn. Ở chiều ngược lại, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực hiện nay của Việt Nam là thiết bị điện tử viễn thông, thuỷ sản, dệt may, da giày cũng đều là những sản phẩm dẫn đầu trong cơ cấu xuất khẩu của ta vào Khối MERCOSUR.

Khối MERCOSUR hoạt động dựa trên một Điều lệ Dân chủ, theo đó không cho phép các quốc gia bị đánh giá là thiếu dân chủ trở thành thành viên của Khối, đồng thời thiết lập một khu vực tự do thương mại với các hàng rào thuế quan thống nhất. Khối này còn có một loạt các cơ chế chung để thúc đẩy sản xuất và hội nhập kinh tế, xã hội và văn hoá, trong đó điển hình là thông tư về tự do đi lại giữa các nước thành viên. Mercosur là khu vực kinh tế-công nghiệp vô cùng năng động, cạnh tranh và phát triển không chỉ ở khu vực Mỹ Latinh mà còn trên toàn thế giới. Đây được đánh giá là liên minh kinh tế lớn thứ 4 trên thế giới nếu xét trên các tiêu chí về tầm quan trọng và kim ngạch trao đổi thương mại, và thứ 5 trên thế giới nếu xét về giá trị GDP.

Sự phát triển của Khối MERCOSUR là một quá trình mở và năng động. Ngay từ khi mới thành lập, khối này đã xác định mục tiêu cơ bản là tạo ra một thị trường chung với nhiều cơ hội thương mại và đầu tư thông qua sự hội nhập và cạnh tranh của các nền kinh tế thành viên. Nhờ việc ký kết một loạt các thỏa thuận chính trị và thương mại với các quốc gia và khu vực kinh tế trên thế giới, Khối MERCOSUR đôi khi có thể được coi là một tổng thể thống nhất của các nền kinh tế thành viên.

Kể từ khi thành lập, MERCOSUR đã thúc đẩy các trụ cột chính cho sự phát triển của khối, trong đó tập trung vào sự cải thiện tính dân chủ, sự phát triển và hội nhập kinh tế. Cho tới nay, MERCOSUR đã ký kết và thông qua nhiều thoả thuận liên quan tới nhập cư, lao động, văn hoá, xã hội và đã đem lại những kết quả tích cực.

Thực trạng xuất khẩu hàng công nghiệp của Việt Nam sang thị trường các nước khối Mercosur

2.1. Thực trạng xuất khẩu của Việt Nam sang Brasil

Mặt hàng công nghiệp của Việt Nam sang thị trường này là điện thoại và linh kiện điện tử, chiếm 38,7% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tiếp đó là mặt hàng máy tính và sản phẩm điện tử, chiếm 12,9% kim ngạch. Có thể thấy đây đều là các mặt hàng có giá trị gia tăng cao và có tiềm năng tiếp tục thúc đẩy trong tương lai.

Bảng 1. Kim ngạch xuất khẩu hàng công nghiệp của Việt Nam sang Brasil trong năm 2018

 

Stt

Xuất khẩu

Kim ngạch

(triệu usd)

1

Điện thoại các loại và linh kiện

798.653.610

3

Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện

265.347.370

2

Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác

154.860.711

4

Giày dép các loại

168.124.321

5

Xơ, sợi dệt các loại

81.290.233

6

Hàng dệt, may

53.761.021

7

Kim loại thường khác và sản phẩm

21.490.508

8

Sản phẩm từ sắt thép

21.435.366

9

Cao su

13.904.614

(Nguồn: Tổng Cục Hải quan)

Một số sản phẩm công nghiệp, tuy có kim ngạch không lớn nhưng lại có tiềm năng phát triển tốt như: sơ sợi dệt tổng hợp, nguyên liệu nhựa, cao su, sản phẩm mây tre, đồ dùng trong nhà, hàng dệt may....

Với dân số 207 triệu người, quy mô GDP đứng thứ 8 trên thế giới, dung lượng nhập khẩu hàng hoá đạt trị giá trên 200 tỷ USD/năm, Brasil là một thị trường rất tiềm năng đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam. Từ đây, hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam có thể lan toả, xâm nhập các thị trường lân cận như Colombia, Bolivia và cả hai thị trường ở ngã ba Nam Mỹ là Paraguay và Uruguay.

2.2. Thực trạng xuất khẩu hàng công nghiệp của Việt Nam sang Argentina

Năm 2018, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam Argentina đạt 2,86 tỷ USD, giảm 5,55% so với năm 2017. Trong đó xuất khẩu Việt Nam sang Argentina đạt 401 triệu USD giảm 16,72% so với năm 2017, nhập khẩu của Việt Nam từ Argentina đạt 2,46 tỷ, giảm 3,4%.

Các mặt hàng công nghiệp xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam sang Argentina trong những năm vừa qua là máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, cao su nguyên liệu, dệt may, giầy dép (thành phẩm), nguyên phụ liệu dệt may, da, giầy… Đây cũng là các mặt hàng mà Việt Nam đang tập trung thúc đẩy xuất khẩu trong các năm gần đây.

Bảng 2. Kim ngạch xuất khẩu hàng công nghiệp của Việt Nam sang Argentina năm 2018

 

Stt

Mặt hàng

Xuất khẩu 2018 (USD)

1

Cao su

2.832.619

2

Túi xách, ví,vali, mũ, ô, dù

5.734.165

3

Hàng dệt, may

24.781.373

4

Vải mành, vải kỹ thuật khác

8.981.477

5

Giày dép các loại

89.552.660

6

Nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày

41.989.639

7

Sản phẩm gốm, sứ

1.913.650

8

Sắt thép các loại

15.124.803

9

Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện

138.826.290

10

Điện thoại các loại và linh kiện

4.222.501

11

Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác

15.123.331

(Nguồn : Tổng cục Hải quan)

Tuy nhiên, việc tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu và hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Argentina bị chững lại và tiếp tục gặp nhiều khó khăn do nguyên nhân chủ quan của nền kinh tế Argentina, đặc biệt với việc biến động tỷ giá lớn khiến các doanh nghiệp nhập khẩu hiện tại có xu hướng tạm ngừng hoặc thu hẹp các hoạt động của mình chờ tỷ giá ổn định. Cuộc khủng hoảng tài chính hiện tại ở Argentina, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao đã khiến nhu cầu nội địa ở nước này giảm mạnh.

2.3. Thực trạng xuất khẩu hàng công nghiệp của Việt Nam sang Paraguay

Quan hệ thương mại Việt Nam-Paraguay đến nay còn rất hạn chế cả về kim ngạch Xuất nhập khẩu và số lượng mặt hàng. Năm 2018, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam Uruguay đạt 56 triệu USD giảm 7,6% so với năm 2017. Trong đó xuất khẩu Việt Nam sang Paraguay đạt 31 triệu USD giảm 19,8% so với năm 2017, nhập khẩu của Việt Nam từ Paraguay đạt 25 triệu USD  tăng 21% so với cùng kỳ năm 2017.

Các mặt hàng công nghiệp xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Paraguay gồm: giày dép các loại (6,5 triệu USD), điện thoại và linh kiện (5 triệu USD), phụ tùng xe máy (2,5 triệu USD), đồ chơi dụng cụ thể thao (2 triệu USD) ...

2.4. Thực trạng xuất khẩu hàng công nghiệp  của Việt Nam sang Uruguay

Năm 2018, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam-Uruguay đạt 140 triệu USD, tăng 19% so với năm 2017. Trong đó xuất khẩu Việt Nam sang Uruguay đạt 82 triệu USD, tăng 17,3% so với năm 2017, nhập khẩu của Việt Nam từ Uruguay đạt 58 triệu USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2017.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Uruguay gồm: giày dép các loại (17 triệu USD), sản phẩm dệt may (5 triệu USD), máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện(16 triệu USD), hàng thuỷ sản (4 triệu USD), điện thoại và linh kiện(4,3 triệu USD), sản phẩm mây tre, cói, thảm, sản phẩm từ thép, sản phẩm từ chất dẻo, sản phẩm gốm, sứ, xơ, sợi dệt các loại.

Một số giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu hàng công nghiệp của Việt Nam sang thị trường các nước Khối Mercosur

3.1 Giải pháp tạo thuận lợi hoá thương mại

- Các cơ quan ban ngành từ trung ương đến địa phương cần triển khai, thực hiện tốt, có hiệu quả những giải pháp đã được xác định tại Nghị quyết số 19-2016/NQ-Cp ngày 26 tháng 4 năm 2016 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2 năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020.

-  Với việc tham gia TFA, các tiêu chuẩn, yêu cầu bắt buộc phải đạt được đã được xác định rõ. Pháp luật trong nước hầu hết cũng đã có các quy định có liên quan nhưng vẫn chỉ là sự tự nguyện, chưa bị ràng buộc rõ ràng và chưa được kiểm soát hiệu quả. Do đó, TFA vừa là động lực vừa là sức ép để các cơ quan quản lý nhà nước như Tổng Cục Hải quan, Cục Hải quan các địa phương và các đơn vị có liên quan nỗ lực cải cách, tạo ra một môi trường kinh doanh ổn định góp nâng cao vị thế cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước.

- Cần có biện pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp một cách hợp lý thông qua các chính sách như tài chính, thông tin, đào tạo tư vấn, phát triển nguồn lực và công nghệ… Các chính sách phải thiết thực và phù hợp với các yêu cầu của thông lệ quốc tế. Tạo điều kiện thuận lợi và giúp đỡ doanh nghiệp trong việc quảng bá thương hiệu, vì trong thương mại, thương hiệu của hàng hoá và nguồn gốc xuất xứ có ý nghĩa rất quan trọng. Tích cực ủng hộ doanh nghiệp bảo vệ thương hiệu của mình khi có tranh chấp về thương hiệu xảy ra trong và ngoài nước.

3.2. Giải pháp về lựa chọn mặt hàng xuất khẩu

MERCOSUR là khu vực phát triển năng động, không ngừng tái cơ cấu kinh tế nên nhu cầu và dung lượng thị trường không ngừng biến đổi, hứa hẹn sẽ mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu hàng công nghiệp cho Việt Nam, do vậy việc lựa chọn mặt hàng cho từng thị trường này cần linh hoạt. Một số mặt hàng công nghiệp mà Việt Nam có thế mạnh và đã đạt được một số kết quả tích cực về kim ngạch xuất khẩu sang các nước trong khối này trong những năm gần đây  như công nghệ thông tin, điện tử, công nghiệp tiêu dùng, phù hợp với các thị trường, xếp thứ tự theo khả năng xâm nhập thị trường và tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu là: Điện tử, máy tính; Giày dép; Dệt may; Máy móc, thiết bị; Nhựa và các sản phẩm từ nhựa; Thực phẩm, nông sản chế biến; Cao su và các mặt hàng từ cao su tự nhiên. Cụ thể:

- Công nghệ thông tin, máy tính và linh kiện điện tử, tin học, phương tiện nghe nhìn và thiết bị bảo vệ, an ninh là các mặt hàng công nghệ tiên tiến có giá trị gia tăng cao, triển vọng tăng trưởng nhanh lại gặp ít các biện pháp rào cản kỹ thuật hơn hàng thực phẩm. Các thị trường có dân số đông, đời sống dân sinh được cải thiện nhanh nên nhu cầu thông tin giải trí, học tập tăng cao, sức mua lớn

- Giày dép là mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam trong thời gian qua sang các nước thuộc khối, đặc biệt ở một số thị trường chính như Brasil, Argentina, cần tiếp tục được duy trì và phát triển.

- Các sản phẩm dệt may là mặt hàng xuất khẩu phát triển mạnh trong vài năm trở lại đây của Việt Nam sang Brasil, Argentina, Uruguay. Song do đại đa số người tiêu dùng ở khu vực khối có thu nhập chưa cao, nhu cầu mẫu mã thị hiếu luôn thay đổi nên hàng dệt may của Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt với hàng Trung Quốc, Ấn Độ và với chính ngành hàng dệt may của các nước sở tại. Tuy nhiên, mặt hàng này sẽ vẫn có chỗ đứng ở thị trường các nước trong khối.

- Hàng điện máy, máy móc, thiết bị, phụ tùng, động cơ điện, hàng cơ khí, dụng cụ, dây cáp điện, thiết bị y tế và chăm sóc sức khoẻ có triển vọng lâu dài tại thị trường khối các nước MERCOSUR nhất là đối với các thị trường Brasil, Argentina do các nước này đang có nhu cầu phát triển sản xuất, đang tiến hành đẩy mạnh công nghiệp hoá.

- Sản phẩm hoá chất, Polimer, sản phẩm nhựa có triển vọng tốt, chiếm vị trí quan trọng trong cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam, kim ngạch tăng dần, phù hợp với nhu cầu thị hiếu của thị trường Argentina, Brasil,..

- Thực phẩm, nông sản chế biến, gạo là mặt hàng quan trọng đối với thị trường Brasil là nước có gần 2 triệu người châu Á, Hàn Quốc sinh sống, có tập quán dùng gạo là lương thực chính cùng các mặt hàng nông sản chế biến như mì ăn liền, bún, bánh phở, v.v.  Một số nước khác tuy đã tự lúc sản xuất lúa gạo nhưng sản lượng thấp, mùa vụ thất thường nên gạo của Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội.

- Cao su và các mặt hàng từ cao su tự nhiên như săm lốp, phụ tùng xe máy, phương tiện vận tải là mặt hàng quan trọng có uy tín chất lượng của Việt Nam ở các thị trường Brasil và các nước còn lại

 3.3. Tiếp tục nghiên cứu để đàm phán, ký kết Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với khối MERCOSUR

Hiện nay, tại các nước khu vực Nam Mỹ, Việt Nam đã ký Hiệp định thương mại tự do với Chile và đã ký kết Hiệp định CPTPP. Như vậy, thời gian tới cần nghiên cứu việc ký Hiệp định Thương mại tự do với khối MERCOSUR để mở cửa thị trường, đặc biệt là Brasil. Nếu các Hiệp định này được ký kết sẽ khai thông được các thị trường tại các nước MERCOSUR, hàng hoá của Việt Nam sẽ có lợi thế hơn hàng hoá của Trung Quốc tại những thị trường mà Trung Quốc không có FTA (đến nay Trung Quốc đã xác lập quan hệ đối tác chiến lược với 4 quốc gia khu vực Mỹ Latinh: Brasil, Mexico, Venezuela và Argentina và có một mối liên hệ truyền thống với Cuba. Về các FTA, Trung Quốc đã ký FTA với Chile (tháng 11/2005); với Costa Rica (tháng 8/2011); với Peru (tháng 4/2009). Như vậy, với việc sớm tiến hành đàm phán một Hiệp định FTA với khối MERCOSUR là một yêu cầu cần được đặt ra.

3.4. Hỗ trợ cho các doanh nghiệp việt Nam đầu tư vào các nước khu vực khối MERCOSUR

Trong thực tế có thể thấy, khi có đầu tư trực tiếp của Việt Nam sang một quốc gia khác sẽ tạo thuận lợi cho việc di chuyển thể nhân và nhờ đó góp phần đưa hàng hoá của Việt Nam sang một quốc gia đó. Vì vậy, thời gian tới cần có những chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra các thị trường trọng điểm tại các nước khu vực các nước Nam Mỹ.

Hiện tại, các công ty Việt Nam và các công ty có vốn Việt Nam góp đã đầu tư vào Brasil (chế biến mỳ ăn liền); Peru (5 dự án với 1,28 tỷ USD); Venezuela (dự án khai thác và nâng cấp mỏ dầu). Sắp tới, một số công ty của Việt Nam sẽ tiếp tục đầu tư sang Brasil và Chile.

Từ các dự án đầu tư của Việt Nam sang Brasil, Peru, Venezuela ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã tăng trưởng đáng kể. Do đó, Chính phủ cần khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang các nước MERCOSUR.

3.5. Tăn cường và nâng cao hiệu quả hoạt động của các Uỷ ban liên chính phủ hoặc các Uỷ ban hỗn hợp về kinh tế - thương mại với các nước khối MERCOSUR

Trong những năm qua, các Uỷ ban hỗn hợp/ Uỷ ban liên chính phủ có vai trò tương đối quan trọng trong việc phát triển xuất khẩu hàng hoá với các nước Nam Mỹ nói chung. Nếu không có cơ chế này, hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam khó có thể xâm nhập được thị trường cá nước này… Có thể nói, cơ chế này giúp Chính phủ hai nước đàm phán giải quyết những vướng mắc về cơ chế, chính sách và những việc mang tính sự vụ trong quan hệ thương mại song phương góp phần thúc đẩy phát triển thương mại song phương.

Các Uỷ ban hỗn hợp/hoặc liên chính phủ cần tiếp tục thúc đẩy quan hệ thương mại với các nước, đặc biệt là với Brasil và Argentina, hai thị trường mà hiện Việt Nam vẫn đang nhập siêu và cũng là 2 thị trường trong thời gian gần đây có tính bảo hộ cao. Trên cơ sở nguyên tắc “có đi có lại”, cần có các thảo luận về vấn đề mở cửa thị trường hơn nữa, hoặc đề xuất cam kết việc khi Việt Nam nhập khẩu nguyên liệu của các nước đó thì ngược lại họ phải thúc đẩy việc nhập khẩu hàng hoá trong đó có hàng công nghiệp từ Việt Nam,...

3.6. Đẩy mạnh các hoạt động dự báo, cảnh báo sớm và đấu tranh với các rào cản phi thuế quan

Thị trường các nước là thành viên trong khối MERCOSUR có xu hướng bảo hộ cao và luôn đặt các rào cản phi thuế quan đối với hàng hoá nhập khẩu vào các nước này. Do đó, Chính phủ cần đầu tư vào công tác dự báo, cảnh báo sớm và kiên quyết đấu tranh trước các biện pháp tự vệ không bình đẳng của các nước Nam Mỹ (đặc biệt là các nước trong khối MERCOSUR).

Hiện tại, Việt Nam vẫn bị thụ động trong việc đối phó với các rào cản kỹ thuật do các nước mới dựng lên. Nguyên nhân chủ yếu là ở chỗ, Việt Nam chưa có một phương thức cảnh báo sớm về TBT một cách hữu hiệu cho sản phẩm xuất khẩu. Về phía cơ quan quản lý nhà nước, chỉ khi có các thông báo chính thức từ Ban Thư ký WTO hoặc từ quốc gia nhập khẩu thì mới có thông báo trên phương tiện thông tin. Các doanh nghiệp của Việt Nam đa phần là nhỏ và siêu nhỏ nên khó có điều kiện về nguồn lực để tiếp cận một lượng lớn thông tin sớm về TBT từ nhiều thị trường nhập khẩu cũng như tìm ra những giải pháp phù hợp để vượt qua những rào cản đó. Việc thiếu thông tin, bị động với những hàng rào kỹ thuật mới được dựng lên từ các thị trường nhập khẩu đã và đang gây ra những tác động tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp. Do vậy, việc xây dựng phương thức cảnh báo sớm cho sản phẩm xuất khẩu của các quốc gia trong WTO và xây dựng chế độ cảnh báo sớm cho doanh nghiệp là rất cần thiết.

3.7. Tăng cường hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam trong các hoạt động xúc tiến thương mại, tổ chức các hội thảo, gặp gỡ doanh nghiệp, cung cấp thông tin về thị trường và chính sách thương mại của các nước Nam Mỹ nói chung và từng nước nói riêng.

Do ở xa, các nước MERCOSUR sử dụng chủ yếu tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, vì vậy giới doanh nghiệp Việt Nam còn bị hạn chế giao tiếp, thiếu thông tin về thị trường. Trong giai đoạn tới, cần tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về chính sách và các quy định bổ sung sửa đổi về chính sách thương mại, tập quán buôn bán, tình hình cạnh tranh và nguy cơ có các vụ kiện chống bán phá giá, kênh lưu thông phân phối, đầu mối nhập khẩu, nhu cầu, dung lượng thị trường, giá cả hàng hoá, động thái và biến động của thị trường, thị phần, thị hiếu, đối tác cạnh tranh, thông tin dự báo thị trường. Cần tăng cường biên soạn, phát hành tài liệu thông tin quảng bá về chính sách thương mại các nước, về thị trường, tập quán và cơ hội kinh doanh với các nước thuộc khối MERCOSUR.

Tổ chức các đoàn đi khảo sát thị trường tìm đối tác; tham dự hội chợ, triển lãm tại các nước MERCOSUR. Mời các doanh nghiệp các nước này tham dự các hội chợ thương mại trong nước. Cần đẩy mạnh việc tổ chức các đoàn đi dự hội chợ, triển lãm, khảo sát thị trường, tìm bạn hàng, đối tác. Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến xuất khẩu.

Xây dựng các chương trình, tổ chức triển lãm hội chợ trong nước để thu hút giới doanh nghiệp của MERCOSUR đến Việt Nam tìm đối tác, nguồn hàng. Hỗ trợ các thủ tục và có cơ chế khuyến khích hỗ trợ một phần chi phí về thủ tục, thuê gian hàng, kho bãi cho các doanh nghiệp ở các nước MERCOSUR là những thị trường xa đến tham dự hội chợ triển lãm tại Việt Nam. Đối với mỗi thị trường tại MERCOSUR mà Việt Nam có đại diện Thương vụ, hàng năm, cần mời ít nhất một hoặc hai đoàn cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp trung ương để trao đổi, hợp tác, đàm phán ký kết các hiệp định kinh tế thương mại, hiệp định chuyên ngành cũng như các thoả thuận lẫn nhau về công tác kiểm định chất lượng hàng hoá, sản phẩm với mục đích khai thông hơn nữa về quan hệ kinh tế thương mại cũng như mời các đoàn doanh nghiệp vào khảo sát thị trường, tham dự các hoạt động như hội thảo, gặp gỡ doanh nghiệp, tham luận giới thiệu về chính sách thương mại, thông tin thị trường, thực tiễn, tập quán thương mại, đầu mối kênh nhập khẩu.

3.8. Tăng cường thông tin về Việt Nam cho các doanh nghiệp các nước khối MERCOSUR

Giới doanh nghiệp thuộc các nước Nam Mỹ nói chung và các nước khối MERCOSUR nói riêng hiện nay có ít thông tin về chính sách thương mại, nguồn hàng và tiềm năng kinh tế của Việt Nam. Vì vậy, nội bộ từng doanh nghiệp Việt Nam cần thường xuyên cập nhật thông tin, lập trang web, xây dựng thương hiệu để quảng bá cho doanh nghiệp mình. Cần đẩy mạnh công tác trao đổi thông tin với thị trường trong và ngoài nước, với khách hàng, nghiên cứu, nắm bắt năng lực tài chính và lý lịch kinh doanh của đối tác thương nhân nước ngoài, liên hệ mật thiết với cơ quan quản lý các cấp trong và ngoài nước (đặc biệt cần liên hệ với các cơ quan Thương vụ của Việt Nam). Công tác thông tin tuyên truyền cần đặt trọng tâm vào khâu quảng bá cơ hội kinh doanh, tiềm năng thị trường, hàng hoá của Việt Nam, giới thiệu tính ưu việt, giá cả của hàng hoá, kênh phân phối, phương thức hợp đồng, thủ tục thanh quyết toán, quy định vận chuyển, đặt hàng.

Đẩy mạnh phát hành tài liệu, thông tin, in ấn bằng tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha để quảng bá về Việt Nam cho doanh nghiệp của các nước khối MERCOSUR. Biên tập mới và cập nhật các tài liệu giới thiệu kinh doanh, đầu tư, buôn bán tại Việt Nam, giới thiệu môi trường kinh doanh, chính sách thương mại, đối tác, sản phẩm của Việt Nam cho các đối tác của các nước Nam Mỹ.

3.9. Đẩy mạnh thông tin hỗ trợ xuất khẩu trực tuyến

Cần nhanh chóng xây dựng, nâng cấp, hoàn thiện hệ thống các website bằng tiếng quốc tế thông dụng (chú trọng tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha) để giới thiệu tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam giúp doanh nghiệp các nước thuộc khối MERCOSUR nắm bắt thông tin. Tra cứu danh sách các nhà xuất nhập khẩu, nguồn hàng.

Xây dựng chuyên trang bằng tiếng Tây Ban Nha trên Cổng thông tin Xuất khẩu Việt Nam (VNEX) để giới thiệu tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam cho thị trường Châu Mỹ Latinh nói chung và các nước thuộc khối Mercosus nói riêng. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, đưa vào vận hành chuyên trang bằng tiếng Tây Ban Nha trên VNEX và hoàn thành hệ thống thông tin trực tuyến giúp các doanh nghiệp của các nước này có thể tìm đối tác xuất nhập khẩu của Việt Nam một cách nhanh chóng.

Các cơ quan chức năng về thị trường ngoài nước của Bộ Công Thương cần tăng cường cung cấp thông tin cập nhật bằng tiếng Việt về thị trường các nước Nam Mỹ cho Cổng thông tin Thị trường nước ngoài (TTNN), các cơ quan báo chí (báo Công Thương, Tạp chí Công Thương,…) để thông tin cho các doanh nghiệp trong nước nắm bắt kịp thời đặc điểm và diễn biến của từng thị trường.


 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Tiếng Việt

Bộ Công Thương 2015, Thương mại hai chiều Việt Nam – Mỹ Latinh tiếp tục tăng mạnh trong năm 2015, Website Bộ Công Thương 2015, website: http://www.moit.gov.vn/vn/tin-tuc/6724/thuong-mai-hai-chieu-viet-nam-my-latinh-tiep-tuc-tang-manh-trong-nam-2015.aspx

Cù Chí Lợi, 2009, Kinh tế Mỹ Latinh, tiềm năng và giải pháp thúc đẩy hợp tác với Việt Nam, Hội thảo Việt Nam – Mỹ Latinh – hướng tới hợp tác và phát triển bền vững.

Đỗ Đức Bình, Nguyễn Thường Lạng, 2012, Giáo trình Kinh tế quốc tế, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân.

Khu Thị Tuyết Mai, 2000, Cải cách chính sách thương mại Mỹ Latinh, Tạp chí Châu Mỹ ngày nay số 3/2000.

Ngô Văn Phong, 2015, Nghiên cứu giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu hàng công nghiệp của Việt Nam sang thị trường các nước khu vực Mỹ Latinh, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, Vụ Thị trường Châu Mỹ.

Nguyễn Lan Hương, 2009, Những vấn đề chính trị nổi bật của Braxin từ 2001 đến 2010 và xu hướng biến động đến năm 2020, Đề tài nhánh của Đề tài cấp Bộ.

Ban Thư ký WTO 2016, Các báo cáo rà soát chính sách thương mại; Số liệu thương mại quốc tế.

Tiếng Anh

Alicia B, Antonio, Osvaldo K, 2011, Estudio Económico de América Latina y el Caribe

Ambassador Deepak Bhojwawi, 2012, La integracion regional en americas latinas y el caribe

WTO, 2013, Trade Policy Review - Argentina, WTO 2013.

WTO, 2013, Trade Policy Review - Brazil, WTO 2013.

WTO, 2016, Statistics on Anti-dumping Measures of North American countries from 1995 to now, WTO 2016, website: https://www.wto.org/english/tratop_e/adp_e/adp_e.htm

WTO, 2016, Statistics on Safeguards Measures of North American countries from 1995 to now, WTO 2016, website: https://www.wto.org/english/tratop_e/safeg_e/safeg_e.htm

WTO, 2016, Statistics on Subsidies and Countervailing Measures of North American countries from 1995 to now, WTO 2016, website: https://www.wto.org/english/tratop_e/scm_e/scm_e.htm

WTO, 2016, WTO Annual Report 2016, WTO, 2016.

USTR, 2016, The 2016 National Trade Estimated Report, Office for the United States Trade Representative, 2016, website: https://ustr.gov/sites/default/files/2016-NTE-Report-FINAL.pdf