Một số giải pháp tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp Việt Nam - Bulgaria về công nghiệp, năng lượng thương mại

11:57 - 08/07/2025

Tạ Đức Tuân[1]

1. Khái quát chung về quan hệ hợp tác về kinh tế, thương mại Việt Nam và Bulgaria

- Quan hệ kinh tế

Trong giai đoạn năm (2011–2024), hợp tác kinh tế và thương mại giữa Việt Nam và Bulgaria có những bước tiến tích cực và ngày càng thực chất, đặc biệt trong bối cảnh hai nước hướng tới kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2025. Một dấu mốc quan trọng là việc ký kết lại Biên bản ghi nhớ (MOU) giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Bulgaria (BCCI) nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Bulgaria từ ngày 24–27/11/2024. MOU này thể hiện cam kết chiến lược trong việc mở rộng các hoạt động hợp tác hiệu quả, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp hai nước, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghiệp và đổi mới sáng tạo.

Kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Bulgaria có xu hướng tăng trưởng ổn định, phản ánh sự phát triển tích cực trong hợp tác xúc tiến thương mại song phương:

Giai đoạn năm (2011–2016), thương mại hai chiều ghi nhận mức tăng trưởng trung bình từ 5–6%/năm, với kim ngạch tăng từ khoảng 50 triệu USD năm 2011 lên 88 triệu USD năm 2016. Đây là thời kỳ mở rộng nền tảng hợp tác, đặc biệt trong các lĩnh vực hàng tiêu dùng, nông sản và dược phẩm.

Đến năm (2017–2020), mặc dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 và các gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu, thương mại giữa hai nước vẫn duy trì mức tăng trưởng nhất định, đạt 105 triệu USD vào năm 2020. Điều này cho thấy sự ổn định trong xuất khẩu các mặt hàng chủ lực như nông sản, dược phẩm và hàng hóa thiết yếu.

Từ năm (2021-2024), sau đại dịch, thương mại song phương đã phục hồi tích cực. Kim ngạch năm 2023 đạt 120 triệu USD, và ước tính năm 2024 tiếp tục tăng lên 127 triệu USD, tương ứng với mức tăng trưởng trung bình hàng năm khoảng 5–6%. Động lực chính đến từ việc tăng cường xúc tiến thương mại, tận dụng ưu đãi thuế quan từ Hiệp định EVFTA và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm công nghiệp – nông nghiệp.

Việt Nam xuất khẩu sang Bulgaria nhiều mặt hàng có lợi thế cạnh tranh, trong đó nổi bật là cà phê, hạt điều & hồ tiêu, gạo, dệt may và thủy sản (cá tra, tôm). Các mặt hàng này có mức tăng trưởng ổn định qua các năm, với tốc độ tăng trung bình 7-10% mỗi năm. Sự tăng trưởng này chịu ảnh hưởng bởi các hiệp định thương mại tự do (đặc biệt là EVFTA), nhu cầu thị trường, và các chính sách hỗ trợ xuất khẩu.

Cà phê tiếp tục giữ vững vai trò là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường Bulgaria. Năm 2011, kim ngạch xuất khẩu cà phê sang Bulgaria đạt khoảng 10 triệu USD và đã tăng lên 16 triệu USD vào năm 2016, nhờ nhu cầu tiêu thụ cà phê ngày càng cao của người dân Bulgaria và các nước thành viên EU. Tính đến năm 2024, kim ngạch xuất khẩu cà phê dự kiến đạt 38 triệu USD, với mức tăng trưởng trung bình 10%/năm trong giai đoạn năm  (2016 đến 2024). Bulgaria được đánh giá là một trong những thị trường tiêu thụ cà phê tiềm năng tại châu Âu, với xu hướng chuyển từ tiêu dùng cà phê truyền thống sang các dòng sản phẩm cà phê chất lượng cao và có truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Việc Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực đã tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu cà phê Việt Nam, đặc biệt thông qua giảm thuế nhập khẩu, giúp tăng tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường EU nói chung và Bulgaria nói riêng. Đây là cơ hội để doanh nghiệp Việt mở rộng thị phần, nâng cao giá trị gia tăng và xây dựng thương hiệu cà phê quốc gia tại thị trường châu Âu.

Dự báo đến năm 2030, với đà tăng trưởng hiện tại, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Bulgaria có thể đạt 300 triệu USD. Một số yếu tố thúc đẩy chính bao gồm: mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực công nghiệp chế tạo, dịch vụ logistics và nông nghiệp thông minh; tận dụng Bulgaria như một cửa ngõ chiến lược vào EU cho hàng hóa Việt Nam; đồng thời gia tăng xuất khẩu sản phẩm công nghiệp, dược phẩm và công nghệ cao từ Bulgaria sang Việt Nam. Sự bổ trợ về cơ cấu hàng hóa và chiến lược hội nhập kinh tế sâu rộng sẽ là nền tảng vững chắc cho tăng trưởng thương mại song phương bền vững trong thập kỷ tới.

Về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), từ năm (2011-2024), tổng vốn FDI từ Bulgaria vào Việt Nam đạt khoảng 50 triệu USD, tập trung vào các ngành năng lượng tái tạo, công nghiệp chế tạo, hóa dược, và công nghệ cao. Ngược lại, Việt Nam đã đầu tư khoảng 100 triệu USD vào Bulgaria trong cùng kỳ, chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất chế tạo, thực phẩm chế biến, và công nghệ thông tin, cho thấy xu hướng ngày càng rõ rệt của Việt Nam trong việc mở rộng hiện diện tại thị trường EU thông qua Bulgaria.

Hợp tác khoa học và công nghệ giữa hai nước cũng ngày càng được đẩy mạnh. Bulgaria đã hỗ trợ Việt Nam trong nhiều dự án về công nghệ sinh học, nghiên cứu dược phẩm, và năng lượng sạch. Một số chương trình hợp tác R&D đang được triển khai nhằm chuyển giao công nghệ từ EU vào Việt Nam, giúp nâng cao năng suất và chất lượng trong các ngành công nghiệp chiến lược.

Trong lĩnh vực tài chính và ngân hàng, hai bên đã mở rộng các kênh tài trợ thương mại và tín dụng xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn và mở rộng hợp tác song phương. Đây là nền tảng quan trọng giúp doanh nghiệp hai nước đẩy mạnh đầu tư, đặc biệt trong các lĩnh vực có tính đổi mới và ứng dụng cao.

Định hướng đến năm 2030: Việt Nam và Bulgaria xác định một số lĩnh vực chủ lực để thúc đẩy hợp tác gồm: công nghiệp chế tạo thông minh, năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, hydro xanh), công nghệ sinh học, chuyển đổi số, và nông nghiệp thông minh. Hai nước cũng hướng tới mở rộng các chương trình hợp tác công – tư (PPP) trong nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ, đồng thời phát triển các mô hình kết nối doanh nghiệp thông qua nền tảng số, giao dịch điện tử, và thương mại xanh. Đây sẽ là động lực then chốt để nâng tầm quan hệ kinh tế Việt Nam – Bulgaria trong thập kỷ tới.

2. Một số định hướng thúc đẩy kết nối doanh nghiệp giữa hai nước

- Định hướng kết nối doanh nghiệp công nghiệp: Trong lĩnh vực công nghiệp, định hướng hợp tác giữa Việt Nam và Bulgaria tập trung vào việc tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành công nghiệp hỗ trợ, chế tạo cơ khí, sản xuất thiết bị và công nghệ cao. Trên cơ sở tận dụng thế mạnh sản xuất của Việt Nam và nền tảng công nghệ kỹ thuật của Bulgaria, hai bên hướng tới việc xây dựng chuỗi giá trị chung trong khuôn khổ hợp tác công – tư (PPP) và liên doanh doanh nghiệp. Việc hình thành các cụm công nghiệp hợp tác Việt Nam – Bulgaria tại khu vực miền Bắc và miền Trung Việt Nam, cũng như tại các vùng công nghiệp phía Tây Bulgaria, sẽ tạo nền tảng cho sự kết nối bền vững giữa doanh nghiệp hai nước. Đồng thời, Việt Nam sẽ tạo điều kiện để các doanh nghiệp công nghiệp tiếp cận công nghệ tiên tiến từ Bulgaria, đẩy mạnh các hoạt động chuyển giao công nghệ, tự động hóa, số hóa quy trình sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh quốc tế.

- Định hướng kết nối doanh nghiệp Năng lượng: Hợp tác năng lượng giữa Việt Nam và Bulgaria hướng đến phát triển bền vững thông qua mở rộng các dự án năng lượng tái tạo, bao gồm điện mặt trời, điện gió, sinh khối và hydro xanh. Mục tiêu cụ thể là đến năm 2030 sẽ triển khai ít nhất 10 dự án nghiên cứu và đầu tư chung giữa doanh nghiệp hai nước, trong đó Bulgaria cung cấp công nghệ và kinh nghiệm quản lý, còn Việt Nam cung cấp tiềm năng thị trường và điều kiện triển khai thực địa. Ngoài ra, hai bên đặt trọng tâm vào việc thiết lập chuỗi cung ứng năng lượng thông minh, bao gồm công nghệ lưu trữ điện, lưới điện thông minh, phần mềm giám sát và tối ưu hóa tiêu thụ năng lượng. Đây là những lĩnh vực mà Bulgaria có thế mạnh về công nghệ và có thể chuyển giao hiệu quả cho đối tác Việt Nam. Bên cạnh đó, cần tạo hành lang pháp lý và cơ chế hỗ trợ để doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng năng lượng sạch của EU, với Bulgaria là cầu nối chiến lược, từ đó góp phần mở rộng thị phần và nâng cao giá trị sản phẩm năng lượng sạch xuất khẩu.

- Định hướng kết nối doanh nghiệp lĩnh vực thương mại: Trong lĩnh vực thương mại, định hướng hợp tác tập trung vào phát triển nền tảng thương mại điện tử song phương, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam và Bulgaria đẩy mạnh giao dịch trực tuyến và tiếp cận thị trường mới. Mục tiêu đến năm 2030 là ít nhất 30% giao dịch thương mại song phương được thực hiện qua các nền tảng số, giúp giảm chi phí trung gian, nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại và phù hợp với xu thế toàn cầu. Bên cạnh đó, hai nước sẽ phối hợp xây dựng trung tâm phân phối hàng hóa tại Bulgaria, đóng vai trò trung chuyển hàng Việt Nam vào thị trường EU, và kho ngoại quan tại Việt Nam, phục vụ doanh nghiệp Bulgaria tiếp cận thị trường ASEAN. Song song, các hoạt động xúc tiến thương mại sẽ được triển khai bài bản, với việc tổ chức định kỳ các diễn đàn doanh nghiệp, hội chợ thương mại chuyên ngành và các chương trình kết nối B2B, nhằm tăng cường giao lưu doanh nghiệp, tìm kiếm đối tác và hình thành chuỗi cung ứng hiệu quả. Việc đầu tư vào logistics thương mại cũng được chú trọng, giúp rút ngắn thời gian vận chuyển, tối ưu hóa chi phí và nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa hai nước trên thị trường quốc tế.

- Tầm nhìn đến năm 2050

Đến năm 2050, Việt Nam và Bulgaria sẽ trở thành đối tác chiến lược trong sản xuất công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp xanh và công nghiệp hỗ trợ. Hai bên sẽ thiết lập liên minh công nghiệp song phương, bao gồm cụm sản xuất, trung tâm R&D, và trung tâm chuyển giao công nghệ tại cả hai quốc gia. Mô hình hợp tác công – tư và liên doanh giữa các doanh nghiệp sẽ được khuyến khích, hướng tới sản xuất thông minh, tích hợp AI và công nghệ số trong quản trị chuỗi cung ứng. Đồng thời, Việt Nam sẽ trở thành cứ điểm sản xuất của doanh nghiệp Bulgaria tại ASEAN, còn Bulgaria đóng vai trò là cửa ngõ vào thị trường EU cho hàng hóa và công nghệ Việt Nam.

Trong lĩnh vực năng lượng, hai nước hướng tới xây dựng mạng lưới doanh nghiệp năng lượng tái tạo và sạch, kết nối chặt chẽ với các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu. Bulgaria sẽ hỗ trợ Việt Nam chuyển giao công nghệ, triển khai các hệ thống năng lượng thông minh (smart grid), lưu trữ năng lượng và điện mặt trời quy mô lớn. Đồng thời, các doanh nghiệp Việt Nam có năng lực sẽ tham gia vào chuỗi cung ứng năng lượng sạch của châu Âu, đặc biệt trong lĩnh vực hydro xanh, năng lượng gió ngoài khơi, và công nghệ pin lưu trữ thế hệ mới. Từ nay đến 2050, hai nước đặt mục tiêu hợp tác phát triển ít nhất 20 dự án năng lượng lớn, có giá trị tác động lan tỏa khu vực.

Tầm nhìn đến 2050 là xây dựng hệ sinh thái thương mại số toàn diện giữa hai quốc gia, với ít nhất 50% giá trị giao dịch thương mại được thực hiện qua nền tảng số và tích hợp công nghệ AI trong phân tích thị trường, định giá, logistics và truy xuất nguồn gốc. Hai nước sẽ hình thành mạng lưới logistics song phương, kết nối cảng biển, kho ngoại quan, trung tâm phân phối hàng hóa và thương mại điện tử xuyên biên giới. Đặc biệt, Bulgaria sẽ đóng vai trò là trung tâm phân phối hàng hóa Việt Nam tại châu Âu, còn Việt Nam là điểm trung chuyển hàng hóa Bulgaria vào khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Thương mại xanh và tiêu chuẩn môi trường sẽ trở thành tiêu chí bắt buộc, định hướng phát triển hàng hóa và chiến lược xuất khẩu của doanh nghiệp hai nước.

3. Một số giải pháp vĩ mô thúc đẩy kết nối doanh nghiệp giữa Việt Nam - Bulgaria về công nghiệp, năng lượng thương mại

Chính sách tăng cường kết nối doanh nghiệp giữa Việt Nam và Bulgaria cần tập trung vào việc cải thiện môi trường pháp lý, thúc đẩy đầu tư và thương mại, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước phát triển hợp tác. Các giải pháp này cần có sự phối hợp giữa chính phủ hai nước, các tổ chức xúc tiến thương mại, và doanh nghiệp nhằm khai thác hiệu quả các tiềm năng và cơ hội hợp tác. Dưới đây là các giải pháp chính sách cụ thể:

Một là, Chính sách hỗ trợ thương mại song phương

Chính phủ hai nước cần tiếp tục làm việc với nhau để giảm thiểu các rào cản phi thuế quan, như thủ tục hải quan, tiêu chuẩn kỹ thuật và yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm. Điều này giúp doanh nghiệp dễ dàng xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai quốc gia.

Thực hiện chính sách hợp tác song phương để đơn giản hóa thủ tục hành chính và tăng cường tính minh bạch trong quy trình cấp phép, thông quan hàng hóa.

Tận dụng các điều khoản từ Hiệp định EVFTA để tối ưu hóa ưu đãi thuế quan và mở rộng các cơ hội hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Bulgaria. Các doanh nghiệp cần được hỗ trợ về thông tin và quy định liên quan để hiểu và khai thác triệt để các ưu đãi này.

Đảm bảo việc thực hiện các quy tắc xuất xứ, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm của EVFTA để các doanh nghiệp hai nước tận dụng tốt nhất các lợi thế từ hiệp định này.

Hai là, Chính sách khuyến khích đầu tư trực tiếp nước ngoài

Chính phủ Việt Nam và Bulgaria cần có các chính sách thu hút đầu tư có mục tiêu vào các lĩnh vực chiến lược như công nghiệp chế tạo, năng lượng tái tạo, công nghệ cao, và công nghiệp hỗ trợ. Đưa ra các ưu đãi thuế, hỗ trợ về đất đai, và các thủ tục đầu tư thuận lợi cho các dự án FDI giữa hai nước.

Tăng cường hợp tác đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, chế biến thực phẩm và dược phẩm, nơi cả hai quốc gia đều có tiềm năng lớn. Các chính sách đầu tư cần được thiết kế để khuyến khích chuyển giao công nghệ, tạo giá trị gia tăng cao cho sản phẩm.

Các tổ chức tài chính và ngân hàng của hai nước có thể phối hợp cung cấp các gói tài chính, tín dụng ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư vào nhau, đặc biệt là trong các dự án có tính chất dài hạn như năng lượng tái tạo và sản xuất công nghệ cao.

Chính phủ hai nước cũng cần phối hợp với các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) để huy động các nguồn tài chính phát triển cho các dự án hợp tác quy mô lớn giữa doanh nghiệp hai nước.

Ba là, Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ

Các tổ chức xúc tiến thương mại của hai nước, như VCCI và BCCI, cần tăng cường hợp tác để cung cấp thông tin về thị trường, cơ hội hợp tác kinh doanh và quy định pháp lý cho các SMEs từ cả hai bên.

Chính phủ hai nước cần hỗ trợ việc tổ chức các hội nghị, diễn đàn kinh doanh, và các sự kiện xúc tiến thương mại để tạo điều kiện cho doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp gỡ, tìm kiếm đối tác và mở rộng thị trường.

Chính sách cần khuyến khích việc chuyển giao công nghệ và hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc áp dụng công nghệ hiện đại, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.

Hỗ trợ SMEs tiếp cận các nền tảng TMĐT quốc tế, giúp họ mở rộng thị trường và giảm bớt rào cản về khoảng cách địa lý. Các chính sách cần tạo điều kiện cho SMEs tận dụng các cơ hội từ TMĐT để tiếp cận trực tiếp thị trường quốc tế.

Bốn là, Chính sách phát triển năng lượng tái tạo

Chính phủ hai nước cần ban hành các chính sách ưu đãi đặc biệt dành cho các dự án đầu tư vào năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, gió và sinh khối. Các chính sách này có thể bao gồm miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn thuế nhập khẩu thiết bị công nghệ năng lượng sạch và hỗ trợ tài chính cho các dự án phát triển năng lượng sạch.

Khuyến khích hợp tác giữa các doanh nghiệp năng lượng của hai nước trong việc phát triển các dự án năng lượng sạch. Đồng thời, chính phủ cần hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực cho ngành năng lượng tái tạo.

Để đảm bảo các dự án năng lượng tái tạo được triển khai hiệu quả, chính phủ hai nước cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng truyền tải và phân phối năng lượng. Việc phát triển mạng lưới truyền tải điện hiện đại, đặc biệt là trong các khu vực có tiềm năng năng lượng tái tạo, sẽ giúp đảm bảo tính ổn định và hiệu quả của các dự án năng lượng sạch.

Năm là, Chính sách về phát triển nguồn nhân lực và giáo dục

Tăng cường hợp tác giữa các trường đại học, cơ sở đào tạo nghề của Việt Nam và Bulgaria trong việc phát triển các chương trình đào tạo chuyên sâu về công nghệ, năng lượng tái tạo, và quản lý doanh nghiệp. Điều này giúp nâng cao trình độ nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi công nghệ và công nghiệp hóa.

Chính phủ cần khuyến khích các chương trình trao đổi sinh viên, học bổng và các dự án nghiên cứu khoa học giữa hai nước để thúc đẩy việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu của thị trường lao động quốc tế.

Cần có các chương trình đào tạo chuyên biệt dành cho các SMEs về kỹ năng quản lý, phát triển chiến lược kinh doanh quốc tế và hiểu biết về thị trường toàn cầu. Chính sách này sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.

Sáu là, Chính sách phát triển cơ sở hạ tầng và logistics

Để hỗ trợ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Bulgaria, cần phát triển hệ thống logistics hiện đại, bao gồm các tuyến vận tải biển, hàng không và đường sắt kết nối châu Á và châu Âu. Các dự án phát triển cảng biển, kho bãi và các trung tâm logistics quốc tế sẽ giúp giảm chi phí và thời gian vận chuyển hàng hóa giữa hai nước.

Chính phủ cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp logistics hai nước hợp tác phát triển dịch vụ logistics thông minh, ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý chuỗi cung ứng và tối ưu hóa hoạt động vận tải.

Chính phủ cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào cơ sở hạ tầng số, bao gồm mạng lưới viễn thông, hệ thống thanh toán điện tử và các nền tảng TMĐT để thúc đẩy kết nối kinh doanh giữa các doanh nghiệp hai nước.

Đẩy mạnh hợp tác giữa các doanh nghiệp công nghệ và viễn thông của Việt Nam và Bulgaria trong việc phát triển các giải pháp công nghệ cho ngành logistics và thương mại điện tử, giúp tăng cường kết nối và mở rộng thị trường.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. VCCI (2024), Tuyên bố chung Việt Nam – Bulgaria, https://baochinhphu.vn/tuyen-bo-chung-viet-nam-bulgaria-102241125163347029.htm
  2. Bộ Công Thương (2023). Báo cáo hợp tác kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và các nước Đông Âu. Nhà xuất bản Công Thương. https://trungtamwto.vn/file/22306/vn-report-one-year-implementation-of-european-union-vietnam-free-trade-agreement-evfta-impacts-on-th.pdf
  3. VCCI, Hiệp định Tránh Đánh thuế Hai lần giữa Việt Nam và Bulgaria, https://trungtamwto.vn/upload/files/hiep-dinh-khac/323-chau-au/345-viet-nam---bulgaria/3.%20HD%20tranh%20danh%20thue%202%20lan%20-%20Bulgaria.pdf
  4. VCCI (2022), Nghị định số 116/2022/NĐ-CP về Biểu thuế xuất, nhập khẩu ưu đãi Hiệp định EVFTA giai đoạn 2022-2027, Truy cập tại: https://trungtamwto.vn/chuyen-de/22564--nghi-dinh-so-1162022nd-cp-ve-bieu-thue-xuat-nhap-khau-uu-dai-hiep-dinh-evfta-giai-doan-2022-2027
  5. Bộ Công Thương (2020), Việt Nam – Bulgaria ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác xúc tiến thương mại, https://moit.gov.vn/tin-tuc/thi-truong-nuoc-ngoai/viet-nam-bulgaria-ky-ket-bien-ban-ghi-nho-hop-tac-xuc-tien-t.html
  6. VCCI (2024), Việt Nam - Bulgaria: Triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác, thúc đẩy quan hệ song phương, https://trungtamwto.vn/chuyen-de/26281-viet-nam--bulgaria-trien-khai-hieu-qua-cac-co-che-hop-tac-thuc-day-quan-he-song-phuong

 

[1] Nghiên cứu viên, Phòng Tham vấn và hội nhập, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương