Một số giải pháp phát triển cơ khí nông nghiệp phục vụ chế biến nông sản và cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn 2045

19:49 - 22/12/2023

ThS. Đặng Anh Đào

Viện nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương

Cơ khí nông nghiệp đóng một vai trò quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển, ứng dụng thành tựu của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, ban hành các chủ trương, chính sách thúc đẩy phát triển ngành cơ khí nông nghiệp phục vụ chế biến nông sản và cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp. Bên canh những thành tựu đã đạt được thời gian qua, vẫn còn có những khó khăn, tồn tại. Để phát triển ngành cơ khí nông nghiệp bền vững, đáp ứng yêu cầu của phát triển kinh tế đất nước, yêu cầu của hội nhập cần có một số giải pháp cụ thể, mang tính dài hạn.

Từ khóa: Cơ khí nông nghiệp; Công nghệ chế biến, Cơ giới hóa

1. Một số vấn đề tổng quan về cơ khí nông nghiệp phục vụ chế biến nông sản và cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp

1.1. Vai trò ngành cơ khí nông nghiệp

Thứ nhất, ngành cơ khí nông nghiệp đóng vai trò là ngành công nghiệp “xương sống”, là nền tảng và là động lực thúc đẩy các ngành công nghiệp khác phát triển trong đó có ngành công nghiệp chế biến nông sản.

Thứ hai, cơ khí nông nghiệp là ngành có tính ứng dụng cao, giữ vai trò quan trọng trong sản xuất và đời sống. Ngoài việc cung cấp trang thiết bị, máy móc cho các ngành công nghiệp khác, các vật dụng thường ngày trong đời sống cũng mang nhiều tính đại diện của các sản phẩm ngành cơ khí. Nếu nền kinh tế Việt Nam thiếu hoặc không phát triển được công nghiệp cơ khí phụ trợ thì các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chỉ có thể làm thuê cho nước ngoài, được trả tiền công rẻ mạt, hạn chế tiềm lực kinh tế, quốc phòng.

Thứ ba, cơ khí nông nghiệp là ngành xương sống, là cơ sở cho sự phát triển của các ngành nghề khác trong đó có ngành công nghiệp chế biến nông sản, đóng góp  vào sự phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Ngành cơ khí nông nghiệp có nhiệm vụ cung cấp toàn bộ những trang thiết bị cho các ngành công nghiệp chế biến nông sản. Do đó, công nghiệp cơ khí nông nghiệp được coi là ngành mũi nhọn, là động lực thúc đẩy các ngành công nghiệp và kinh tế khác phát triển, giảm lệ thuộc vào công nghệ và sản phẩm nhập khẩu, góp phần cân bằng cán cân thương mại, nâng cao hàm lượng giá trị nội địa cho các ngành kinh tế. Qua đó, ngành công nghiệp cơ khí trực tiếp và gián tiếp tạo việc làm cho hàng triệu lao động, góp phần quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao NSLĐ quốc gia.

1.2 Các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển ngành cơ khí nông nghiệp phục vụ công nghiệp chế biến nông sản

Việt Nam là một trong những quốc gia Đông Nam Á có nguồn thu nhập chính là nông nghiệp. Vì vậy, việc đẩy mạnh nghiên cứu và tạo chính sách phát triển doanh nghiệp chế tạo máy nông nghiệp trong nước là giải pháp bền vững và tự chủ trong việc phát triển cơ giới hóa nông nghiệp. Để đề xuất các giải pháp, cần xác định được các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển ngành cơ khí nông nghiệp phục vụ công nghiệp chế biến nông sản.

Yếu tố chủ quan:

Thứ nhất, chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước . Xác định được vai trò quan trọng và nền tảng của ngành công nghiệp cơ khí đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, ngày 17/10/2003, Bộ Chính trị ban hành Kết luận 25-KL/TW về chiến lược phát triển ngành công nghiệp cơ khí Việt Nam với những quan điểm, đường lối cụ thể: “Cơ khí là một ngành công nghiệp nền tảng, có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phát triển kinh tế – xã hội” và “phải xây dựng ngành cơ khí để đủ sức cạnh tranh vươn lên trong cơ chế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế”; Nghị quyết 23/NQ-TW về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Qua đó càng có thể thấy, phát triển ngành cơ khí được coi là nhiệm vụ trọng tâm và cấp thiết, được Đảng và Chính phủ quan tâm.

Theo đó, nhằm thể chế hóa các chủ trương thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp cơ khí, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 10/2009/QĐ-TTg ngày 16/01/2009 về Cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm và Danh mục các sản phẩm cơ khí trọng điểm, Danh mục dự án đầu tư sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm, giai đoạn 2009-2015; Nghị quyết số 53/NQ-CP ngày 17/07/2019 về giải pháp khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả, an toàn và bền vững và Quyết định 889/QĐ-TTg của Chính phủ ngày 10/6/2013 về tái cơ cấu nông nghiệp….đã tạo ra sự nhất quán lớn về quyết tâm chính trị và các giải pháp phát triển nông nghiệp; trong đó nhấn mạnh việc nâng cao năng lực công nghiệp chế biến và phát triển thị trường tiêu thụ nông sản hàng hóa. Đặc biệt,  triển khai thực hiện Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 15/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, trong đó ưu tiên phát triển các loại máy kéo phục vụ sản xuất nông nghiệp, các loại máy canh tác, bảo quản, chế biến sản phẩm nông lâm thủy sản thuộc danh mục sản phẩm cơ khí trọng điểm được ưu tiên đầu tư phát triển giai đoạn 2017 - 2025. Thực hiện Chương trình cơ khí trọng điểm, tập trung một số dự án phục vụ cơ giới hoá nông nghiệp và giảm tổn thất sau thu hoạch như: chế tạo máy gặt đập thu hoạch lúa, mía; chế tạo động cơ diezen công suất lớn (trên 100 mã lực) và các loại máy kéo; các loại máy sấy hiện đại, đảm bảo yêu cầu bảo quản các loại nông sản hàng hoá.

Thứ hai, dư địa lớn từ ngành nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản. Về nông nghiệp, Việt Nam có điều kiện tự nhiên thuận lợi để sản xuất các nông sản nhiệt đới phong phú, đa dạng với nhiều sản phẩm nông sản nhiệt đới, cận nhiệt đới có sản lượng lớn, nhiều loại nông đặc sản vùng miền phục vụ cho công nghiệp chế biến phát triển. Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO), gạo, ngô, đậu tương, mía, mè, sắn, đậu, chuối, tiêu và nhiều loại khác là những cây trồng chính được sản xuất trong nước. Để người dân tiếp cận được gần hơn với các loại máy móc nông nghiệp, Chính phủ đang thực hiện các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nông sản ứng dụng cơ giới hoá. Đây là một trong những yếu tố chính thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường. Việc thuê máy móc nông nghiệp theo yêu cầu còn nhiều, do sản xuất máy móc nông nghiệp trong nước còn thấp. Các hợp tác xã nông nghiệp và doanh nghiệp tư nhân là những người cung cấp máy móc cho thuê. Các tổ chức cung cấp dịch vụ tuyển dụng có máy móc hiệu quả trong việc làm đất, thu hoạch, đập lúa, sấy khô, bảo quản ngũ cốc và vận chuyển.

Về công nghiệp chế biến nông sản, trên thực tế, Việt Nam đã hình thành công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản có đủ năng lực để chế biến ra các nông sản hàng hóa đáp ứng yêu cầu thị trường. Nhiều doanh nghiệp đã bước đầu tiếp thu các công nghệ hiện đại để chế biến sâu sản phẩm tạo giá trị gia tăng cao. Nhiều nhà máy chế biến nông, lâm, thủy sản quy mô lớn đã được đầu tư, lắp đặt dây chuyền thiết bị công nghệ hiện đại. Với quy mô dân số gần 100 triệu người, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân luôn ở mức 6% - 6,5%/năm, quy mô của nền kinh tế trên 250 tỷ USD, có thể xác định quy mô thị trường ngành cơ khí chế tạo ở Việt Nam giai đoạn 2019 - 2030 ở mức khoảng 310 tỷ USD. Trong đó, máy nông nghiệp và chế biến nông, lâm sản chiếm khoảng 15 tỷ USD. Như vậy có thể thấy, nhu cầu phát triển của thị trường trong nước đối với ngành cơ khí rất cao và đa dạng. Tuy nhiên, hiện nay các sản phẩm của ngành cơ khí Việt Nam chưa chiếm lĩnh được thị trường trong nước do năng lực cạnh tranh còn hạn chế. Hiện nay, mỗi năm nước ta phải chi hàng chục tỷ USD nhập khẩu máy móc, thiết bị sản xuất, ngành cơ khí hiện nay mới chỉ đáp ứng được khoảng 32% nhu cầu trong nước.

Yếu tố khách quan:

Thứ nhất, tiềm năng tiêu thụ nông sản rất lớn của thị trường trên thế giới. Theo dự báo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng nông sản trên thế giới trong giai đoạn tới tiếp tục tăng lên. Trong giai đoạn 2018-2026, tiêu dùng thịt, cá dự báo thịt tăng 1,24%/năm và 1,49%/năm, nhu cầu nông sản làm nguyên liệu chế biến nhiên liệu sinh học tăng bình quân 3-5%/năm, tiêu dùng gỗ chế biến làm nội thất tăng 10,6%/năm. Chỉ tính riêng tổng giá trị xuất khẩu các sản phẩm chế biến từ rau quả của thế giới đã lên tới 2.200 tỷ USD/năm. Về quy mô các thị trường nông sản toàn cầu, theo UNIDO, hiện nay thế giới có 15 thị trường lớn với quy mô trên 100 tỷ USD để Việt Nam tập trung nguồn lực xúc tiến thương mại, tháo dỡ rào cản phát triển các thị trường này.

Thứ hai, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng mở ra nhiều cơ hội mới thúc đẩy sản xuất và chế biên nông sản phát triển. Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, nhất là đã ký kết và thực hiện 15 Hiệp định thương mại (FTAs) đa phương, song phương và đang tiếp tục đàm phán thêm. Các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận được thị trường khu vực và thị trường toàn cầu, cũng như tiếp cận thị trường dịch vụ của các nước thuận lợi hơn. Xuất khẩu các sản phẩm nông sản chế biến của Việt Nam sẽ được gia tăng nhờ phần lớn các rào cản và điều kiện trong buôn bán đã được cam kết dỡ bỏ, chủ yếu là các hàng rào thuế quan. Các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tiếp thu khoa học công nghệ hiện đại, kỹ thuật tiên tiến từ các nước phát triển, tranh thủ được vốn đầu tư nước ngoài và các nguồn lực quan trọng khác. Đây là cơ hội để Việt Nam phát huy những lĩnh vực có thế mạnh, lợi thế so với các nước để cất cánh phát triển.

Tuy nhiên, ảnh hưởng từ tiến trình Hội nhập AEC, EVFTA, CPTPP khiến các rào cản thuế quan được dỡ bỏ, các sản phẩm nước ngoài ồ ạt, chất lượng tốt đáp ứng tiêu chuẩn, giá thành rẻ là thách thức đối với sản phẩm cơ khí trong nước, vốn chưa tự chủ được nguyên vật liệu và linh kiện phụ tùng sử dụng trong sản phẩm, chủ yếu là nhập khẩu.

Thứ ba, tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang mở ra cơ hội rất lớn cho ngành nông nghiệp, sẽ giúp giúp mở ra cơ hội thay đổi phương thức sản xuất cũ, rút ngắn thời gian và tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giúp giải quyết nhiều thách thức đặc biệt là tình trạng khan hiếm nguồn lực (đất đai, lao động, năng lượng tự nhiên,….).

Công nghệ 4.0 dự báo sẽ tác động tới tất cả các khâu trong chuỗi giá trị của các mặt hàng nông sản từ khâu sản xuất, chế biến, tiêu dùng. Quy mô sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, chưa thật sự hình thành một nền nông nghiệp lớn theo hướng hiện đại. Nguyên liệu phục vụ chế biến chất lượng chưa cao, vẫn còn tiềm ẩn mất an toàn thực phẩm (nhất là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh trong chăn nuôi), kiểm soát chất lượng nông sản đang là thách thức lớn. Năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam còn ở mức thấp của thế giới, các nguồn lực (vốn, công nghệ, nguồn nhân lực, năng lực quản trị và hội nhập) còn hạn chế, ảnh hưởng đến quá trình đầu tư đổi mới công nghệ và thay đổi cơ cấu sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường.

2. Đánh giá chung về hiện trạng cơ khí phục vụ chế biến nông sản và cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp thời gian qua

2.1 Kết quả đạt được

- Ngành cơ khí phục vụ nông nghiệp tại Việt Nam đã có sự phát triển với đa dạng các chủng loại sản phẩm từ máy làm đất, máy kéo nông nghiệp, máy gặt đập liên hợp, gặt lúa xếp dãy, máy tuốt lúa, máy bảo quản và chế biến.

- Sản xuất máy móc, thiết bị máy nông nghiệp của Việt Nam có sự phát triển tương đối ổn định. Số lượng, chủng loại máy và thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp tăng nhanh. Trong giai đoạn 2016 - 2021, số lượng máy kéo các loại tăng 30%, máy cấy tăng 3 lần; máy bơm nước tăng 30%; máy gặt đập liên hợp tăng 40%; máy sấy nông sản tăng 20%; máy chế biến thức ăn gia súc tăng 45%; máy chế biến thức ăn thủy sản tăng 1,2 lần và máy phun thuốc bảo vệ thực vật tăng 2,5 lần.

- Ngoài sản xuất các loại máy kéo nông nghiệp, một số nhà máy đã tập trung sản xuất các loại máy móc bảo quản, chế biến sau thu hoạch như máy sấy, máy xay xát, máy phân loại, máy gia công chế biến thức ăn.

- Số lượng doanh nghiệp sản xuất máy móc, thiết bị cơ khí nông nghiệp tăng nhẹ qua các năm với khoảng 8.500 doanh nghiệp.

- Cơ giới hóa nông nghiệp đã giải quyết được khâu lao động nặng nhọc, tính thời vụ khẩn trương, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của một số nông sản, tạo các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu hàng đầu thế giới.

- Mức độ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp ngày càng tăng, nhiều loại máy móc, thiết bị công nghệ được sử dụng trong nông nghiệp; nhiều khâu sản xuất có mức độ cơ giới hóa cao. Vùng Đồng bằng sông Hồng có mức độ cơ giới hóa cao nhất, một số tỉnh đạt gần 100% như Thái Bình, Nam Định, Hải Dương.

- Công nghiệp chế biến và bảo quản nông sản thực sự có tiến bộ lớn và thu hút được sự quan tâm đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, góp phần đáng kể vào nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản, tiêu thụ đầu ra cho sản xuất nông nghiệp.

- Chính sách của Nhà Nước đã cụ thể và có hiệu quả hơn, trực tiếp đến doanh nghiệp như quy định về nhập khẩu dây chuyền, công nghệ, trang thiết bị; cho phép nhập khẩu dây chuyền, công nghệ đã qua sử dụng; hỗ trợ mua máy, thiết bị nông nghiệp đã góp phần nâng cao mức độ cơ giới hóa và khuyến khích thúc đẩy các cơ sở cơ khí chế tạo máy nông nghiệp trong nước đầu tư chiều sâu, cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng máy móc thiết bị sản xuất có hiệu quả.

2.2. Hạn chế

- Mức độ trang bị động lực cho nền nông nghiệp của nước ta còn thấp so với các nước trong khu vực và châu Á, mới đạt bình quân đạt 2,4 HP/ha canh tác.

- Tốc độ tăng trưởng bình quân số lượng doanh nghiệp chưa cao, đạt 2,02%/năm cho giai đoạn 2016-2022.

- Các doanh nghiệp sản xuất máy móc, thiết bị máy nông nghiệp chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm 95% trong tổng số các doanh nghiệp nhưng chỉ đáp ứng khoảng 30% tổng sản lượng sản xuất trong nước.

- Mức độ tập trung của doanh nghiệp sản xuất máy nông nghiệp chủ yếu trong các khu Công nghiệp tại các tỉnh thành lớn như TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Đà Nẵng, Khánh Hòa....

- Mức độ cơ giới hoá sản xuất nông nghiệp một số khâu tuy đã đạt cao, nhưng chưa đồng bộ, mới tập trung chủ yếu một số khâu như làm đất, chăm sóc lúa, mía; thu hoạch lúa. Một số khâu mức độ cơ giới hóa còn thấp, như cấy lúa, chăm sóc cây ăn quả, thu hoạch mía, cà phê.

- Trình độ trang bị máy động lực còn lạc hậu, cơ khí trong nước chưa đáp ứng nhu cầu máy, thiết bị công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp về chủng loại, số lượng, cũng như chất lượng máy.

- Nhiều chính sách, chiến lược liên quan đã được ban hành, nhưng chưa có các quy định cụ thể về các tiêu chí đánh giá mức độ cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp, các chỉ số đánh giá hoạt động cơ giới hóa nông nghiệp. Công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trong sử dụng, vận hành máy, thiết bị nông nghiệp, hay chế biến nông sản... hầu hết chưa được quan tâm, nguy cơ tiềm ẩn tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp cao. Chính sách hỗ trợ nông dân mua máy sản xuất nông nghiệp ví dụ như Quyết định 68/2013/QĐ-TTg đối với tiếp cận vốn vay của người dân còn khó khăn do không có tài sản thế chấp. Cơ chế hỗ trợ tín dụng đầu tư phát triển cho các cơ sở chế tạo máy, thiết bị nông nghiệp không hấp dẫn các cơ sở đầu tư cơ khí

2.3 Nguyên nhân của hạn chế

Thứ nhất, doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là loại hình doanh nghiệp nhỏ và vừa, nguồn vốn đầu tư mua sắm, nâng cấp trang thiết bị thiếu.

Thứ hai, khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường của các nhà sản xuất tại Việt Nam (bao gồm cả các doanh nghiệp có vốn Đầu tư nước ngoài). Nhìn chung, các cơ sở chế tạo máy kéo, máy nông ngiệp ở Việt Nam có sản lượng thấp, quy trình sản xuất khép kín, thiếu chuyên môn hóa, thiếu hợp tác liên kết tổ chức sản xuất. Các loại máy nông nghiệp có nhu cầu cao như máy thu hoạch, dây chuyền chế biến chủ yếu là máy ngoại nhập, chưa được chế tạo trong nước.

Thứ ba, năng lực công nghiệp hỗ trợ tạo ra các linh phụ kiện cung ứng cho các sản phẩm máy nông nghiệp của các doanh nghiệp trong nước cũng như FDI vẫn còn yếu.

Ngoài ra, công tác tổ chức thực hiện các chính sách ưu đãi, ưu tiên đối với phát triển nông nghiệp, nông thôn còn bất cập. Nguồn vốn có hạn của chính quyền địa phương, thủ tục phức tạp, cách sử dụng nguồn vốn hỗ trợ không rõ ràng của người thực thi cũng là một trong những nguyên nhân làm cho ngành cơ khí nông nghiệp phục vụ công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp chưa phát triển như tiềm năng và nhu cầu phát triển nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh mới.

3. Một số giải pháp phát triển cơ khí nông nghiệp phục vụ chế biến nông sản và cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

3.3.1 Chính sách phát triển ngành cơ khí nông nghiệp phục vụ công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp

- Nhà nước rà soát và ban hành hệ thống các chính sách phát triển ngành cơ khí nông nghiệp phục vụ công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp trên cơ sở các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, chế biến nông sản.

- Rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, các quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật, nghiên cứu hoàn thiện quy định để quản lý về cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông lâm thủy sản.

- Xây dựng, hoàn thiện và áp dụng hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về máy, thiết bị, công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp, năng lực chế biến và sản phẩm nông sản chế biến; hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về truy xuất nguồn gốc cho các ngành hàng nông sản. Cập nhật, hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế chung, các tiêu chuẩn khu vực và tiêu chuẩn của các thị trường lớn.

- Hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai theo hướng khuyến khích và tạo điều kiện tích tụ đất đai và cơ chế phối hợp giữa các ngành, địa phương trong công tác tổ chức sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn được cơ giới hóa đồng bộ và kết nối với cụm ngành chế biến, thị trường tiêu thụ, phù hợp với điều kiện từng vùng, ngành hàng.

- Nghiên cứu xây dựng chính sách thúc đẩy xã hội hóa nghiên cứu và chuyển giao, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông sản; các chính sách hỗ trợ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực lao động và quản lý phục vụ cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông sản.

- Đẩy mạnh triển khai các chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và các chính sách tín dụng hỗ trợ để phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông sản, phát triển các mô hình trung tâm, cụm liên kết sản xuất - chế biến, bảo quản - tiêu thụ nông sản gắn với các vùng nguyên liệu tập trung. Rà soát, đề xuất sửa đổi chính sách ưu đãi về thuế đối với lĩnh vực chế biến nông sản và máy móc, thiết bị, công nghệ phục vụ nông nghiệp khi sửa đổi các Luật về thuế.

- Các Bộ, Ngành có các chương trình, đề án kế hoạch thúc đẩy việc ứng dụng khoa học công nghệ trong ngành nông nghiệp, đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp, chế biến nông lâm sản, phát triển, mở rộng thị trường tiêu thụ cho nông sản Việt Nam trong thời gian tới.

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với Chính phủ và các bộ, ngành tiếp tục rà soát, nghiên cứu các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp phù hợp với cam kết trong hiệp định và cam kết trong WTO, thúc đẩy chuyển đổi sản xuất, ưu tiên phát triển sản xuất áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, hoàn thiện và đẩy mạnh áp dụng quy trình sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu, sản xuất các sản phẩm phù hợp với thị trường nhưng đảm bảo yêu cầu về bền vững, thúc đẩy phát triển ngành cơ khí nông nghiệp phục vụ công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa đồng bộ  trong nông nghiệp.

- Nghiêm túc thực hiện các cam kết quốc tế, nỗ lực thực hiện đầy đủ các quy định trong thương mại quốc tế, đồng thời sẽ đẩy mạnh đàm phán quốc tế để thúc đẩy mở cửa thị trường cho các mặt hàng nông sản, tận dụng tốt các cơ hội trong các hiệp định FTAs thế hệ mới.

- Tích cực phối hợp trong công tác đàm phán mở cửa thị trường cho các nông sản Việt Nam để xuất khẩu đi các nước trên thế giới. Đây là quá trình rất khó khăn cần có sự thay đổi từ khâu sản xuất, chế biến đến thương mại. Qua đó , thúc đẩy phát triển ngành cơ khí nông nghiệp phục vụ công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa đồng bộ  trong nông nghiệp.

- Tiếp tục rà soát, nghiên cứu các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp phù hợp với cam kết trong hiệp định và cam kết trong WTO, thúc đẩy chuyển đổi sản xuất, ưu tiên phát triển sản xuất áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, hoàn thiện và đẩy mạnh áp dụng quy trình sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu, sản xuất các sản phẩm phù hợp với thị trường nhưng đảm bảo yêu cầu về bền vững, bảo vệ môi trường, giảm phát thải.

3.3.2 Chuyển đổi số ngành cơ khí nông nghiệp phục vụ công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp

- Đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành cơ khí nông nghiệp phục vụ công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa đồng bộ là quá trình ứng dụng các công nghệ kỹ thuật số từ sản xuất đến chế biến, phân phối và tiêu thụ sản phẩm.

- Khuyến khích doanh nghiệp, lao động trẻ tham gia chuyển đổi số. Đào tạo các chuyên gia chuyển đổi số trong nông nghiệp giỏi cả lý thuyết lẫn thực hành. Tăng cường truyền thông, tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn kỹ năng cho nông dân. Đào tạo người dân về việc sử dụng sàn thương mại để quảng bá sản phẩm. Kết nối doanh nghiệp, tổ chức để giúp đỡ lẫn nhau trong quá trình áp dụng công nghệ. Khuyến khích người dân sử dụng các thiết bị điện tử hiện đại, tham gia thảo luận về cách ứng dụng công nghệ cao..

- Thực hiện chuyển đổi số kinh tế số trong nông nghiệp phải dựa trên nền tảng dữ liệu. Thay đổi thổi thói quen ghi chép nhật lý canh tác và nhật ký chăn nuôi của nông dân trên giấy rồi số hóa trên thiết bị điện tử bằng cách tập huấn, hướng dẫn nông dân tham gia mô hình ghi nhật ký sản xuất.

- Thiết kế phần mềm quản trị dữ liệu và phân công cá nhân, tổ chức ở địa phương sử dụng phần mềm để thu thập, cập nhật, khai thác, quản lý và bảo quản cơ sở dữ liệu.

- Có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành cơ khí nông nghiệp phục vụ công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa đồng bộ  trong nông nghiệp.

- Có cơ chế phối hợp trong việc xây dựng, hoàn thiện và khai thác cơ sớ dữ liệu nhằm ngành cơ khí nông nghiệp phục vụ công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa đồng bộ  trong nông nghiệp.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. An Hòa (2022). Thị trường cơ khí nông nghiệp Việt Nam hấp dẫn nhưng đang thuộc về ai. Truy cập tại https://cafef.vn/thi-truong-co-khi-nong-nghiep-viet-nam-hap-dan-nhung-dang-thuoc-ve-ai-2022082608294295.chn
  2. Ban Chấp hành TW Đảng (2008). Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 (khóa X) về vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
  3. Bùi Văn Phương. 2013. “Một số giải pháp đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa ở nước ta”, trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội.
  4. Chính phủ (2018), Nghị định số 98/2018/NĐ-CP, về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp
  5. Chính phủ (2018). Nghị định số 57/2018/NĐ-CP, về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
  6. Cù Ngọc Bắc và cộng sự. 2012. “Giáo trình Cơ khí nông nghiệp”, Nhà xuất bản Nông nghiệp, Hà Nội.
  7. Hoàng Phê. 2005. Từ điển Tiếng Việt. Nhà xuất bản Hồng Đức. Hà Nội.
  8. Lê Văn Bảnh. 2013. “Tình hình ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long”, trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội.
  9. Nghị định 172/2016/NĐ-CP, ngày 27, tháng 12 năm 2016 về sửa đổi Nghị định số 67/2014/NĐ-CP, ngày 7, tháng 7 năm 2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản
  10. Nghị định số 67/2014/NĐ-CP, ngày 7, tháng 7 năm 2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản.
  11. Nguyễn Minh Sơn (2011), Sản xuất máy nông nghiệp: Thực trạng và định hướng phát triển, Bộ Nong nghiệp và phát triển nông thôn
  12. Phan Hiếu Hiền (2016). Kỹ sư Cơ khí nông nghiệp và 3N (Nông nghiệp, Nông thôn và Nông dân). Kỷ yếu “Hội nghị cơ giới hóa nông nghiệp: Thực trạng và giải pháp” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức, tỉnh Đồng Nai, tháng 6/2016.
  13. Phùng Thị Hồng Hà, Nguyễn Trí Lạc (2015), Việc làm và thu nhập của lao động nông thôn Hà Tĩnh dưới tác động của cơ khí hóa nông nghiệp, Tạp chí khoa học Đại học Huế, Số 2 (2015).
  14. Quyết định số 1791/2012/QĐ-TTg, ngày 29, tháng 11 năm 2012, của Thủ tướng Chính phủ về "Phê duyệt cơ chế thực hiện thí điểm thiết kế, chế tạo thiết bị trong nước của các nhà máy nhiệt điện giai đoạn 2012-2025".
  15. Quyết định số: 679/QĐ-TTg, ngày 09 tháng 6 năm 2014, về Phê duyệt Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.
  16. Thủ tướng Chính phủ (2013). Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 14/11/2013, về chính sách hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp.
  17. Thủ tướng Chính phủ (2018), Quyết định số 319/QĐ-TTg Phê duyệt Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035