Một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tận dụng các FTA thế hệ mới tham gia vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu
18:45 - 19/01/2022
ThS. Phan Thế Quyết, Đặng Anh Đào, Hoàng Hồng Anh
Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương
Việt Nam đã đàm phán và ký kết 17 Hiệp định thương mại tự do, trong đó có 4 Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với các liên minh kinh tế, quốc gia có nền kinh tế phát triển, các đối tác quan trọng của chúng ta trên thế giới. Phần lớn các doanh nghiệp ở nước ta là doanh nghiệp nhò và vừa (DNNVV), Việc khai thác các FTA đó vừa tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng,giá trị toàn cầu, vừa đặt ra những thách thức cho các DNNVV. Trong thời gian tới cần bên cạnh việc đổi mới thể chế, hành lang pháp lý, cần có những đề án, chiến lược, những giải pháp cụ thể nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tận dụng các FTA thế hệ mới để tham gia vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu một cách hiệu quả.
Từ khóa: FTA thế hệ mới, chuỗi cung ứng toàn cầu, chuỗi giá trị toàn cầu
1. Một số nét về các FTA thế hệ mới Việt Nam đã ký kết
Đến nay, Việt Nam đã tham gia 4 Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới:
- Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EU): là một FTA thế hệ mới giữa Việt Nam và 28 nước thành viên EU. EVFTA, là hai FTA có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao nhất của Việt Nam từ trước tới nay. Ngày 01/12/2015, EVFTA đã chính thức kết thúc đàm phán và đến ngày 01/02/2016, văn bản hiệp định được công bố. Ngày 26/06/2018, một bước đi mới của EVFTA được thống nhất. Hiệp định được ký kết ngày 30/06/2019. EVFTA được phê chuẩn bởi Nghị viện châu Âu vào ngày 12/2/2020, và được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn vào ngày 8/6/2020. Ngày 30/3/2020, Hội đồng châu Âu cũng đã thông qua EVFTA. Đối với EVFTA, do đã hoàn tất thủ tục phê chuẩn. Hiệp định này có hiệu lực từ từ ngày 1/8/2021.
- Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là Hiệp định thương mại tự do bao gồm 11 nước thành viên là Canada, Mexico, Peru, Chile, New Zealand, Australia, Nhật Bản, Singapore, Brunei, Malaysia và Việt Nam. CPTPP được chính thức ký kết vào tháng 3/2018 bởi 11 nước thành viên còn lại của TPP (không bao gồm Hoa Kỳ). Hiệp định CPTPP đã được 8 nước thành viên phê chuẩn, bao gồm Australia, Canada, Nhật Bản, Mexico, Singapore, New Zealand, Việt Nam, Peru. CPTPP chính thức có hiệu lực tại Australia, Canada, Nhật Bản, Mexico, Singapore và New Zealand vào ngày 30/12/2018, có hiệu lực tại Việt Nam từ 14/1/2019, và có hiệu lực tại Peru từ ngày 19/9/2021.
- Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc: được ký kết ngày 5/5/2015 và chính thức có hiệu lực từ ngày 20/12/2015. So với FTA ASEAN – Hàn Quốc (AKFTA), trong VKFTA Việt Nam và Hàn Quốc dành thêm nhiều ưu đãi cho nhau trong cả lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ và đầu tư. Tuy nhiên, VKFTA không thay thế AKFTA mà cả hai FTA này đều cùng có hiệu lực và doanh nghiệp có thể tùy chọn sử dụng FTA nào có lợi hơn.
- Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Vương quốc Anh và Bắc Irland (UKVFTA) đã chính thức hoàn tất đàm phán vào ngày 11/12/2020 và ký kết vào tối 29/12/2020. Hiệp định được đàm phán dựa trên nguyên tắc kế thừa các cam kết đã có trong Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) với những điều chỉnh cần thiết để đảm bảo phù hợp với khuôn khổ thương mại song phương giữa Việt Nam và Anh. Hiệp định đã có hiệu lực tạm thời từ 23h tối 31/12/2020 (tức 6h sáng ngày 01/01/2021 theo giờ Việt Nam), và chính thức có hiệu lực từ ngày 01/05/2021.
2. Tác động của các FTA đến sự tham gia của DNNVV vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu
2.1 Những tác động tích cực
- Cơ hội để nâng cao năng lực cạnh tranh để thâm nhập thị trường và các chuỗi cung ứng phát triển: Các FTA thế hệ mới (CPTPP, EVFTA) bao gồm các nền kinh tế phát triển, khu vực thị trường phát triển cao, hiện đại, nơi hoạt động của các công ty xuyên quốc gia lớn mạnh, nơi kết nối kinh doanh toàn cầu thông qua các chuỗi cung ứng hiện đại
- Kiến tạo môi trường kinh doanh: Việc tham gia các FTA thế hệ mới là sức ép để các nước thành viên đẩy mạnh cải cách thể chế nhằm tạo dựng môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẵng. Là cơ hội để ta tiếp tục cải cách thể chế - pháp luật theo hướng tiệm cận với chuẩn mực quốc tế, hoàn thiện môi trường kinh doanh theo hướng thông thoáng, minh bạch và dễ dự đoán hơn, từ đó thúc đẩy cả đầu tư trong nước lẫn đầu tư nước ngoài cũng như các hoạt động kinh doanh khác, bao gồm các giao dịch xuyên quốc gia, các loại hình dịch vụ cung cấp qua biên giới…
Bên cạnh đó, những điều chỉnh, sửa đổi quy định pháp luật để phù hợp với các FTA thế hệ mới trong một số lĩnh vực như sở hữu trí tuệ cũng sẽ góp phần giúp các doanh nghiệp được hưởng sự bảo hộ cao hơn đối với thành quả đầu tư cho hoạt động sáng tạo. Đây là động lực để các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư nhiều hơn vào hoạt động sáng tạo nhằm đổi mới công nghệ và tạo môi trường tốt cho việc thu hút chuyển giao công nghệ.
- Mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng trưởng kim ngạch XK: Các FTA thế hệ mới có các cam kết tự do hóa mạnh mẽ, đặc biệt là mở cửa thị trường hàng hóa và dịch vụ. Với các cam kết cắt giảm thuế quan ở mức cao nhất, tiến tới đưa các dòng thuế về o%, các DNNVV sẽ có nhiều cơ hội để mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng kim ngạch xuất khẩu. Mặt khác, các khu vực thị trường của các nước ký kết các hiệp định thương mại tự do nói chung và các FTA thế hệ mới là các khu vực thị trường lớn gồm nhiều quốc gia, là thị trường các nước phát triển, gồm các chuỗi cung ứng hàng hóa phát triển, có sự tham gia của nhiều hãng DN lớn…
- Hỗ trợ nâng cao năng lực tham gia của các doanh nghiệp vào chuỗi cung ứng khu vực: Các FTA thế hệ mới đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của các DNNVV và sự cần thiết phải tạo thuận lợi cho các DNNVV nâng cao năng lực cạnh tranh để tham gia vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu. “Đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp vừa và nhỏ” là một trong những nguyên tắc của các FTA dành sự quan tâm thỏa đáng tới các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), bởi họ là động lực của tăng trưởng, vừa là nguồn tạo việc làm quan trọng tại tất cả các nền kinh tế, nhất là các nền kinh tế đang phát triển. Một số mục tiêu đàm phán để hỗ trợ SME là tạo điều kiện tiếp cận các nguồn vốn, giải quyết nhanh các tranh chấp thương mại để giảm chi phí, cải thiện tính minh bạch của môi trường thể chế, bảo lãnh cho SME tham gia đấu thầu mua sắm chính phủ
- Cơ hội phát triển các ngành sản xuất có lợi thế, tái cấu trúc chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị
Những ngành có cơ hội phát triển khi thực thi các FTA thế hệ mới là: Ngành thủy sản; Ngành dệt may; Ngành da giầy; Ngành điện tử, máy vi tính; Ngành máy móc, phụ tùng; Ngành dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; Ngành logistics: Khi thực hiện các FTA thế hệ mới các ngành này sẽ tận dụng được các ưu đãi về thuế, có cơ hội tiếp cận thị trường, nâng cao kim ngạch xuất khẩu, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị.
2.2 Thách thức
- Áp lực cạnh tranh rất cao ở thị trường trong nước và ngoài nước. Tham gia chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị là thách thức rất lớn đối với DN các nước đang phát triển. Cạnh tranh trong các công đoạn tạo ra nhiều giá trị rất gay gắt. Thực hiện các cam kết hội nhập nói chung và FTA thế hệ mới nói riêng tạo cơ hội cho các DN tham gia vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị. Tuy nhiên, DN cần cải thiện năng lực cạnh tranh thông qua đổi mới công nghệ, chất lượng quản lý, quản trị, chất lượng nguồn nhân lực. Mở cửa thị trường Việt Nam cho hàng hóa, dịch vụ từ các thị trường nhập khẩu đồng nghĩa với việc doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải cạnh tranh khó khăn hơn ngay tại thị trường nội địa. Trên thực tế, đây là một thách thức rất lớn, bởi các doanh nghiệp khu vực thị trường các nước tham gia FTA thế hệ mới với chúng ta có lợi thế vượt trội so với các doanh nghiệp Việt Nam về năng lực cạnh tranh, kinh nghiệm thị trường cũng như khả năng tận dụng các FTA.
- Khó khăn trong việc đáp ứng các yêu cầu về hàng rào phi thuế quan: Các khu vực thị trường các nước ký kết FTA thế hệ mới với Việt Nam đều là những thị trường có các yêu cầu cao về sản phẩm như vệ sinh an toàn thực phẩm, dãn nhãn, môi trường, lao động… DN Việt Nam nói chung và DNNVV đang gặp nhiều khó khăn trong việc đáp ứng các quy định và tiêu chuẩn nói trên.
- Khó đáp ứng các yêu cầu về quy tắc xuất xứ: Các FTA thế hệ mới đều yêu cầu rất cao về quy tắc xuất xứ, quy định tỷ lệ nội địa hóa khi tham gia trao đổi hàng hóa, vào các chuỗi cung ứng. Trong điều kiện ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam chưa phát triển, phần lớn các DNNVV đều phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, đặc biệt là các ngành Việt Nam có lợi thế tạo chuỗi cung ứng và tham ga vào chuỗi cung ứng như dệt may, da giày, điện tử.
Chất lượng nguồn nhân lực cũng là vấn đề tạo khó khăn cho DN. Quá trình thu hút đầu tư nước ngoài vào đầu tư, sản xuất tại Việt Nam sẽ tạo áp lực cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Những DN có hệ thống quản lý tốt, trang thiết bị hiện đại, tính chuyên môn hóa cao, ngang bằng với DN nước ngoài thì có thể trụ vững. Những DN yếu thế hơn sẽ bị cạnh tranh rất khốc liệt về lao động, bởi DN nước ngoài có chính sách ưu đãi, trả lương cao hơn để thu hút lao động có tay nghề, chuyên môn sang làm việc.
- Nguy cơ về các biện pháp phòng vệ thương mại: Thông thường khi rào cản thuế quan không còn là công cụ hữu hiệu để bảo vệ nữa, doanh nghiệp ở thị trường nhập khẩu có xu hướng sử dụng nhiều hơn các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp hay tự vệ để bảo vệ ngành sản xuất nội địa. Và EU cũng là một trong những thị trường có “truyền thống” sử dụng các công cụ này
- Môi trường thể chế chưa hoàn thiện cũng là trở ngại hạn chế DNNVV nhanh cóng cải thiện năng lực tham gia vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị. Các FTA thế hệ mới đòi hỏi rất cao về nỗ lực của Chính phủ cải cách thể chế. Thứ nhất, về khung khổ pháp luật, thể chế, hoàn thiện môi trường kinh doanh theo hướng minh bạch, bình đẵng. Mức độ tự do hóa thị trường của nước ta còn thấp, thủ tục hành chính còn nhiều là rào cản đối với DN nói cung và DNNVV. Những cải cách về môi trường kinh doanh như thủ tục hải quan, sở hữu trí tuệ, lao động cần được nhanh chóng điều chỉnh theo các cam kết trong các FTA thế hệ mới.
- Kết cấu hạ tầng thương mại chưa phát triển cũng là trở ngại để DNNVV tham gia vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị. Mức độ phát triển của hạ tầng giao thông, dịch vụ logistic có ảnh hưởng rất lớn đối với việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng của doanh nghiệp, nhất là ảnh hưởng đến thời gian và chi phí. Chí phí logistics đối với DN nước ta vẫn còn cao, chiếm khoảng 20% giá thành. Hệ thoongsgiao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy chưa phát triển làm tăng chi phí và thời gia của DN.
3. Một số giải pháp hỗ trợ DNNVV tận dụng các FTA thế hệ mới tham gia chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu
3.1 Hỗ trợ nâng cao nhận thức, bồi dưỡng kiến thức về hội nhập và thị trường, nâng cao khả năng tiếp cận thông tin.
- Thống nhất cao về nhận thức, tư tưởng, hành động trong triển khai các chủ trương, Nghị quyết của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân, DNNVV. Nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội nhằm khuyến khích, tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân, DNNVV của Việt Nam trong nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập.
- Hỗ trợ DNNVV dễ dàng tiếp cận các kênh thông tin về chính sách, pháp luật, thị trường, quản trị, tư vấn, các cam kết của Việt Nam trong các FTA… thông qua việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu và các công cụ truyền tải. Xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu cập nhật nhằm phục vụ cho viêc đánh giá năng lực của DNNVV.
- Bồi dưỡng kiến thức về kinh doanh, hội nhập, phát triển chuỗi giá trị. Trước hết, bồi dưỡng kiến thức về các nội dung đàm phán của Việt Nam trong các FTA thế hệ mới. Giới thiệu các chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị tại các thị trường xuất khẩu chủ yếu của Viêt Nam, bồi dưỡng các kỹ năng đàm phán, nghiên cứu thị trường…
3.2. Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho DNNVV.
Hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư tư nhân và bảo đảm hoạt động của DNNVV của Việt Nam theo cơ chế thị trường. Thể chế hóa đầy đủ và bảo đảm thực hiện nghiêm minh quyền tự do kinh doanh, quyền sở hữu tài sản, các quyền, nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật. Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích thành lập DNNVV; Khuyến khích, tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động, tự nguyện liên kết hình thành các hình thức tổ chức hợp tác hoặc chuyển đổi sang hoạt động kinh doanh theo mô hình doanh nghiệp thông qua các chính sách như: miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền sử dụng đất trong những năm đầu hoạt động; tư vấn, hướng dẫn thủ tục thành lập doanh nghiệp, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh. Hoàn thiện và bảo đảm sự minh bạch, hiệu quả chính sách hỗ trợ phát triển DNNVV, phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Bảo đảm các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển DNNVV phù hợp với cơ chế thị trường và thúc đẩy tính tự chủ, cạnh tranh của DNNVV.
3.3. Hỗ trợ DNNVV của Việt Nam đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động.
Khuyến khích, hỗ trợ DNNVV của Việt Nam đầu tư vào các hoạt động nghiên cứu và phát triển, ứng dụng, chuyển giao công nghệ tiên tiến. Hoàn thiện và bảo đảm thực thi hiệu quả pháp luật về sở hữu trí tuệ. Phát triển các quỹ hỗ trợ đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ. Áp dụng chính sách thuế, hỗ trợ tài chính, tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi phù hợp với hoạt động nghiên cứu, đổi mới, hiện đại hóa công nghệ. Đẩy mạnh thực hiện chiến lược quốc gia về phát triển nguồn nhân lực. Đổi mới căn bản, toàn diện và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, nhất là đào tạo nghề, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng đủ số lượng và chất lượng nhân lực cho phát triển kinh tế tư nhân. Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
3.4. Hỗ trợ DNNVV thuận lợi trong việc tiếp cận và tích tụ các nguồn vốn
Hoàn thiện cơ chế chính sách tạo thuận lợi cho tập trung kinh tế thông qua các hoạt động M&A; Tiếp tục phát triển và đa dạng hóa các kênh huy động vốn mới cho doanh nghiệp; Tiếp tục phát triển thị trường chứng khoán thành một kênh huy động vốn cho doanh nghiệp; đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN nhằm tạo hàng hóa cho thị trường chứng khoán đồng thời hình thành các doanh nghiệp tư nhân mạnh trong tương lai.
3.5. Tạo dựng cơ sở hạ tầng thuận lợi cho DNNVV mở rộng thị trường và tham gia vào chuỗi giá trị trong nước, khu vực và toàn cầu.
- Xây dựng chiến lược phát triển giao thông vận tải nhằm rõ vai trò của nó trong việc tạo dựng năng lực cạnh tranh thương mại. Cần nhiều đầu tư tập trung hơn cho cơ sở hạ tầng cần thiết. Dù khu vực kinh tế tư nhân đóng vai trò quan trọng, không thể mong đợi họ sẽ giữ vai trò tiên phong trong việc phát triển cụm công nghiệp và hành lang giao thông có nhiều tác động ngoại biên kèm theo. Trong quá trình thực hiện, chính phủ cũng cần quan tâm tăng cường các sáng kiến hợp tác công tư.
- Phát triển hạ tầng số, thúc đẩy phát triển Chính phủ điện tử: Hoàn thành xây dựng các hệ thống nền tảng cho Chính phủ điện tử gồm: hệ thống kết nối, liên thông, tích hợp, chia sẻ dữ liệu các hệ thống thông tin ở Trung ương và địa phương; trục liên thông văn bản quốc gia.
- Tiếp tục nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông và hệ thống logistic: Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Hướng tới cắt giảm ít nhất 50% điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực giao thông vận tải. Rà soát các quy hoạch, kế hoạch, bảo đảm tính đồng bộ kết nối của hạ tầng giao thông và dịch vụ vận tải với mục tiêu phát triển ngành dịch vụ logistics, gắn kết quy hoạch về trung tâm logistics, cảng cạn, kho ngoại quan trong một tổng thể thống nhất. Tăng cường kết nối, phát triển hợp lý các phương thức vận tải, vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics. Trong đó đặc biệt chú trọng đến công tác đẩy mạnh tái cơ cấu thị trường vận tải nội địa theo hướng giảm thị phần vận tải bằng đường bộ, tăng thị phần vận tải bằng đường sắt và đường thủy nội địa, đặc biệt là trên các hành lang vận tải chính. Phát triển vận tải thủy nội địa và vận tải ven biển. Năm là, tăng cường hợp tác với các đối tác nước ngoài để mở rộng kết nối hạ tầng logistics. Mở rộng kết nối hạ tầng logistics với các nước trong khu vực ASEAN, Đông Bắc Á và các khu vực khác trên thế giới nhằm phát huy tác dụng của vận tải đa phương thức, vận tải xuyên biên giới và quá cảnh. Nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng vốn đầu tư trong xây dựng kết cấu hạ tầng. Khuyến khích, thu hút đầu tư ngoài ngân sách để xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.
3.6. Tăng cường hỗ trợ DNNVV trong việc đào tạo nhân lực
Hoàn thiện chính sách hỗ trợ DNVVN. Theo đó, Nhà nước cần hoàn thiện các chính sách vĩ mô nhằm khuyến khích phát triển DNNVV, hình thành quỹ phát triển nguồn nhân lực, tiếp tục thực hiện chương trình trợ giúp đào tạo nguồn nhân lực và đa dạng hóa các hoạt động hỗ trợ DNNVV. Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp. Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục triển khai hiệu quả hoạt động đào tạo, bồi dưỡng quản trị kinh doanh cho các DNNVV. Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề đảm bảo cung cấp nguồn nhân lực có kỹ năng cho doanh nghiệp. Chú trọng đào tạo nghề các ngành, lĩnh vực sử dụng công nghệ cao để chuyển dịch cơ cấu lao động từ thô sơ sang lao động có tay nghề trình độ, đáp ứng yêu cầu phát triển của DNNVV trong giai đoạn mới. Tăng cường công tác đào tạo bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp, tổ chức các hoạt động dưới nhiều hình thức nhằm tuyên truyền, khuyến cáo doanh nghiệp thực thi pháp luật. Đặc biệt là bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ Hiệp hội doanh nghiệp địa phương về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
3.7. Hỗ trợ doanh nghiệp tái cấu trúc chuỗi cung ứng, lựa chọn các khâu phù hợp để tham gia và nâng cao vị thế trong chuỗi.
Phát triển công nghiệp phụ trợ. Việc phát triển một ngành công nghiệp phụ trợ sẽ giúp các nhà xuất khẩu giảm chi phí và thời gian mua vật tư tại chỗ, tăng độ tin cậy giao hàng, và đáp ứng linh hoạt hơn với yêu cầu của khách hàng quốc tế. Ngoài ra, việc tăng tỷ lệ nội địa hóa và giảm tỷ trọng nguyên vật liệu nhập khẩu dùng trong chế biến xuất khẩu cũng sẽ giảm được chênh lệch cán cân thương mại; Nghiên cứu xác định những ngành hàng ưu tiên chiến lược và có cơ hội mở rộng thị trường nhờ thực thi các FTA, hỗ trợ doanh nghiệp xác định mặt hàng xuất khẩu có tiềm năng và xây dựng quy trình tham gia chuỗi cung ứng
3.8. Hỗ trợ DNNVV liên kết với các doanh nghiệp lớn trong nước và quốc tế, vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị
Hoàn thiện cơ chế thu hút đầu tư trong và ngoài nước gắn với việc hình thành các cụm, chuỗi liên kết ngành; Điều chỉnh các chính sách theo hướng gắn với hình thành và phát triển các cụm ngành; Hình thành các chuỗi giá trị ngay trên thị trường Việt nam; Đẩy mạnh mô hình hợp tác công tư trong các hoạt động nghiên cứu phát triển; kết nối các DNNVV với các DN lớn trong nước, công ty đa quốc gia và DN có FDI tại Việt Nam. Hỗ trợ nâng cao năng lực tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị trong lĩnh vực sản xuất, chế biến nhằm tạo ra sản phẩm có lợi thế cạnh tranh về chất lượng và giá thành, có đổi mới sáng tạo về quy trình công nghệ, vật liệu, linh kiện, máy móc, thiết bị. Đào tạo chuyên sâu về công nghệ, kỹ thuật sản xuất; tư vấn về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng, chiến lược phát triển sản phẩm theo cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị. Cung cấp thông tin về nhu cầu kết nối, sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị thì được hỗ trợ phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường sản phẩm của cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị.
- Thúc đẩy sản xuất nguyên liệu trong nước để giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu; Phối hợp với các ngành công nghiệp để xây dựng một tầm nhìn chung, kết hợp tăng giá trị của sản phẩm cuối cùng với giá trị gia tăng thông qua tái cấu trúc chuỗi cung ứng bằng cách thay đổi chu kỳ đặt hàng và các mô hình kinh doanh; Phát triển các cụm sản xuất để phát huy lợi thế kinh tế nhờ quy mô.
3.9. Hỗ trợ DNNVV chuyển đổi số
Thúc đẩy chuyển đổi số để hình thành các doanh nghiệp có năng lực tham gia chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện Chương trình chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Chiến lược Quốc gia về phát triển Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đến năm 2030; xây dựng và triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, phổ biến các mô hình doanh nghiệp chuyển đổi số thành công để tạo tác động lan tỏa trong cộng đồng doanh nghiệp.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 2021.
- Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ năm 2017
- Luật Doanh nghiệp 2020
- Luật Đầu tư 2020