Một số giải pháp chính sách về hoạt động kinh doanh rượu ở Việt Nam

23:29 - 22/12/2023

Nguyễn Thanh Tùng

Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương

Thực tế cho thấy, thời gian qua, chính sách, pháp luật về kinh doanh rượu ở Việt Nam đã đạt được một số thành tựu đáng ghi nhận. Nó là khung khổ pháp lý để hoạt động kinh doanh rượu phát triển đúng định hướng, tạo môi trường kinh doanh rượu thuận lợi và lành mạnh cho các chủ thể tham gia, phần nào thực hiện được mục tiêu của chính sách là hạn chế sử dụng rượu trong cộng đồng,… Bên cạnh đó, chính sách, pháp luật kinh doanh rượu của Việt Nam vẫn tồn tại một số bất cập hạn chế như: vẫn tồn tại những mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu tính khả thi, nhiều quy định chưa thực sự phù hợp,… Vì vậy, cần phải có những chỉnh sửa, bổ sung nhằm hoàn thiện chính sách kinh doanh rượu ở Việt Nam.

Từ khóa: Rượu; kinh doanh rượu; thị trường rượu Việt Nam

1. Một số đánh giá về công tác quản lý kinh doanh rượu ở Việt Nam

1.1 Những kết quả đạt được

Thứ nhất, quản lý nhà nước đối với kinh doanh rượu nhập khẩu ở Việt Nam đã trải qua quá trình lịch sử xây dựng và thực hiện chính sách tương đối dài. Từ ngày 25/5/1956, Phủ Thủ tướng đã ban hành văn bản quản lý nhà nước đầu tiên đối với kinh doanh rượu nói chung và kinh doanh rượu nhập khẩu nói riêng, đó là Nghị định số 897-TTg. Kể từ đó, một hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý nhà nước đối với kinh doanh rượu nhập khẩu được hoàn thiện qua từng giai đoạn kinh tế - xã hội khác nhau, bao gồm: Điều lệ tạm thời số 898-TTg của Phủ Thủ tướng ngày 25/5/1956 về thống nhất quản lý kinh doanh rượu; Thể lệ chi tiết thi hành điều lệ tạm thời số 09-TC-TT ngày 06/6/1956 của Bộ Tài chính về thống nhất quản lý kinh doanh rượu; Thông tư số 465-TC-VP ngày 25/9/1956 của Bộ Tài chính giải thích về chính sách thống nhất quản lý kinh doanh rượu; Quyết định số 261-TTg ngày 06/7/1959 của Phủ Thủ tướng về việc chuyển công tác thống nhất quản lý kinh doanh rượu.

Thứ hai, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý nhà nước đối với kinh doanh rượu nhập khẩu ở Việt Nam đã được xây dựng và hoàn thiện phù hợp với các điều ước quốc tế song phương và đa phương mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập. Nghị định số 40/2008/NĐ-CP ngày 07/4/2008 của Chính phủ về sản xuất, kinh doanh rượu là văn bản quy phạm pháp luật được xây dựng sau khi Việt Nam gia nhập WTO, đồng thời là cơ sở để hoàn thiện Nghị định số 94/2012/NĐ-CP ngày 12/11/2012 của Chính phủ về sản xuất, kinh doanh rượu. Để hoàn thiện quy định pháp luật về quản lý nhà nước đối với kinh doanh rượu nói chung và kinh doanh rượu nhập khẩu nói riêng, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 105/2017/NĐ-CP ngày 14/9/2017 về kinh doanh rượu; được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 17/2020/NĐ-CP ngày 05/02/2020 của Chính phủ.

Thứ ba, quản lý nhà nước đối với kinh doanh rượu nhập khẩu ở Việt Nam được thực thi thông qua các chính sách quản lý thương nhân. Kinh doanh rượu thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, do vậy tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh rượu phải tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành. Trước hết, thương nhân kinh doanh rượu nhập khẩu phải có giấy phép, đồng thời thương nhân phải tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm, phòng cháy và chữa cháy. Thương nhân phải nhập khẩu rượu nguồn gốc hợp pháp; niêm yết bản sao hợp lệ giấy phép đã được cơ quan có thẩm quyền; cấp tại các địa điểm bán rượu của thương nhân và chỉ được nhập khẩu, bán rượu theo nội dung ghi trong giấy phép đã được cấp; thực hiện chế độ báo cáo và các nghĩa vụ theo quy định.

Thứ tư, quản lý nhà nước đối với kinh doanh rượu nhập khẩu ở Việt Nam được thực thi thông qua hệ thống chính sách thuế, bao gồm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng. Thuế nhập khẩu đối với rượu nhập khẩu vào Việt Nam được xây dựng và hoàn thiện theo các cam kết quốc tế song phương và đa phương mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập, nhất là phù hợp với các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; thực hiện theo Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu ngày 06 tháng 4 năm 2016; Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 18/2021/NĐ-CP ngày 11 tháng 03 năm 2021 của Chính phủ. Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu nhập khẩu được hoàn thiện phù hợp với thông lệ quốc tế, đó là Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt số 27/2008/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 70/2014/QH13, Luật số 71/2014/QH13, Luật số 106/2016/QH13 và Luật số  03/2022/QH15, rượu nhập khẩu thuộc đối tượng phải nộp thuế tiêu thụ đặc biệt. Thuế giá trị gia tăng đối với rượu nhập khẩu đã được xây dựng và hoàn thiện theo hướng hài hòa với các mặt hàng kinh doanh có điều kiện, bao gồm Luật Thuế giá trị gia tăng số 13/2008/QH12 được sửa đổi bổ sung theo luật số 31/2013/QH13, Luật số 71/2014/QH13 và Luật số 106/2016/QH13.

Thứ năm, quản lý nhà nước đối với kinh doanh rượu nhập khẩu ở Việt Nam được thực thi thông qua hệ thống chính sách quản lý mặt hàng cụ thể. Mặt hàng rượu nhập khẩu được quy định cụ thể về dán tem theo Nghị định số 105/2017/NĐ-CP ngày 14/9/2017 của Chính phủ về kinh doanh rượu, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 17/2020/NĐ-CP ngày 05/02/2020 của Chính phủ; Thông tư số 15/2020/TT-BTC ngày 23 tháng 3 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn việc in, phát hành, quản lý và sử dụng tem đối với rượu sản xuất để tiêu thụ trong nước và rượu nhập khẩu. Bên cạnh đó, mặt hàng rượu nhập khẩu được thực hiện ghi nhãn rượu nhập khẩu theo quy định tại Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa, được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 111/2021/NĐ-CP ngày 09 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ. Đồng thời, mặt hàng rượu nhập khẩu được quản lý thông qua chính sách kiểm tra nhà nước về chất lượng và an toàn thực phẩm theo quy định tại Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật ngày 29 tháng 6 năm 2006; Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngày 21 tháng 11 năm 2007; Luật An toàn thực phẩm ngày 17 tháng 6 năm 2010.

Thứ sáu, quản lý nhà nước đối với kinh doanh rượu nhập khẩu ở Việt Nam được thực thi thông qua chính sách về điều kiện kinh doanh và phân phối rượu nhập khẩu ở Việt Nam. Điều kiện về thủ tục nhập khẩu rượu thể hiện thông qua các văn bản hướng dẫn của Tổng cục Hải quan – Bộ Tài chính, hiện nay thực hiện theo Công văn số 6358/TCHQ-GSQL ngày 29 tháng 9 năm 2020 của Tổng cục Hải quan về thủ tục nhập khẩu rượu. Quản lý về quy hoạch đối với kinh doanh rượu nhập khẩu hiện được thực hiện theo Quyết định số 3690/QĐ-BCT ngày 12/9/2016 của Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt quy hoạch phát triển ngành bia, rượu, nước giải khát Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035; Luật Quy hoạch ngày 24/11/2017 và Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07/5/2019 của Chính phủ.

Thứ bảy, quản lý nhà nước đối với kinh doanh rượu nhập khẩu ở Việt Nam được thực thi thông qua chính sách quản lý hoạt động phân phối rượu nói chung. Trước hết, chính sách quy định địa điểm không được kinh doanh bán buôn, bán lẻ rượu nhập khẩu được chỉ rõ, đó là cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, cơ sở cai nghiện, cơ sở bảo trợ xã hội, nơi làm việc của cơ quan nhà nước và các địa điểm khác. Bên cạnh đó, quản lý việc quảng cáo đối với rượu nhập khẩu quy định các hành vi bị nghiêm cấm đó là quảng cáo rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên, đồng thời quy định quản lý việc quảng cáo rượu, bia có độ cồn dưới 5,5 độ cũng như quản lý việc quảng cáo rượu có độ cồn từ 5,5 độ đến dưới 15 độ và bia có độ cồn từ 5,5 độ trở lên. Đồng thời, quản lý việc khuyến mại đối với rượu nhập khẩu quy định các hành vi bị nghiêm cấm: khuyến mại rượu nhập khẩu cho người chưa đủ 18 tuổi; khuyến mại trong hoạt động kinh doanh rượu nhập khẩu có độ cồn từ 15 độ trở lên; sử dụng rượu nhập khẩu có độ cồn từ 15 độ trở lên để khuyến mại dưới mọi hình thức. Ngoài ra, quy định điều kiện bán rượu nhập khẩu theo hình thức thương mại điện tử.

1.2 Những hạn chế, tồn tại và nguyên nhân

Một là, điều kiện quản lý thương nhân kinh doanh nhập khẩu rượu còn chưa chặt chẽ, đặc biệt là chưa phù hợp với Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019. Quản lý thương nhân kinh doanh rượu nhập khẩu chưa hướng tới giám mức tiêu thụ rượu, bia nói chung và rượu nhập khẩu nói riêng. Thương nhân kinh doanh rượu nhập khẩu trong thời gian qua tăng nhanh cả về số lượng và quy mô. Chưa có giải pháp hữu hiệu để hạn chế mức tăng hoặc giảm số lượng và quy mô thương nhân kinh doanh rượu nhập khẩu. Chưa có những điều kiện chặt chẽ trong quản lý cấp phép cho thương nhân kinh doanh rượu nhập khẩu, bao gồm những điều kiện về thời gian thành lập, điều kiện về kho hàng hóa, bến bãi giao nhận, tổ chức hệ thống phân phối theo đúng quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 về những địa điểm không được bán buôn, bán lẻ hoặc quy định về quảng cáo, khuyến mãi.

Hai là, quản lý nhà nước đối với kinh doanh rượu nhập khẩu chưa gắn với những chính sách quy định nhằm nâng cao trách nhiệm của thương nhân kinh doanh rượu nhập khẩu ở Việt Nam về hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu, bia. Chưa có những quy định cụ thể bắt buộc thương nhân kinh doanh rượu nhập khẩu phải có trách nhiệm trong hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông về Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019, bao gồm chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tác hại của rượu, bia; các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống tác hại của rượu, bia; các chế tài xử phạt và vận động cá nhân, tổ chức tuân thủ quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia; quyền, nghĩa vụ của cá nhân và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cộng đồng trong phòng, chống tác hại của rượu, bia; tác hại của rượu, bia; tác hại của rượu, bia giả, không bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm; các mức độ nguy cơ khi uống rượu, bia; các biện pháp giảm tác hại của rượu, bia.

Ba là, quản lý nhà nước đối với kinh doanh rượu nhập khẩu ở Việt Nam chưa có những quy định về chính sách giá. Chưa có quy định về giá tối thiểu nhằm giảm mức tiêu thụ rượu nhập khẩu theo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019. Chưa có quy định mức giá tối thiểu đối với những chủng loại hoặc nhóm rượu cụ thể, áp dụng chung đối với rượu sản xuất trong nước và rượu nhập khẩu, bao gồm Brandy (Cognac), Whisky, Rhum, Vodka, Gin, Tequila và các loại rượu vang. Nhìn chung, chưa có những quy định trên cơ sở phối hợp hài hòa giữa đặc thù rượu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, quản lý phải theo hướng giảm mức tiêu thụ chứ không phải theo hướng phát triển, tuy nhiên vẫn đảm bảo phù hợp với các cam kết quốc tế song phương và đa phương mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.

Bốn là, hiện nay mức độ tiêu thụ rượu tại Việt Nam đứng trong nhóm 10 nước cao nhất Châu Á và nhóm 30 nước cao nhất thế giới. Bên cạnh đó giá đồ uống có cồn tại Việt Nam nói chung và giá rượu tại Việt Nam nói riêng tương đối thấp so với các quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực và trên thế giới. Do vậy, tổng lượng rượu nhập khẩu vào Việt Nam tăng liên tục trong giai đoạn 2013-2021. Giá rượu nhập khẩu tại Việt Nam thấp một phần là do chính sách thuế đối với rượu nhập khẩu chưa phù hợp. Mức thuế đối với rượu nhập khẩu vào Việt Nam tương đối thấp dẫn đến giá rượu nhập khẩu rẻ, có tính cạnh tranh cao so với rượu sản xuất trong nước. Mức thuế đối với rượu nhập khẩu vào Việt Nam là do: (i) trị giá hải quan đối với rượu nhập khẩu chưa phù hợp với thực tiễn; (ii) thuế suất thuế nhập khẩu đối với những quốc gia không ký hiệp định thương mại tự do với Việt Nam còn ở mức thấp; (iii) thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu nói chung còn thấp, chưa phù hợp với Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019; (iv) chưa có cơ chế thuế suất thuế giá trị gia tăng riêng đối với rượu, bao gồm rượu nhập khẩu.

Năm là, kiểm tra nhà nước về chất lượng và an toàn thực phẩm đối với mặt hàng rượu nhập khẩu còn nhiều bất cập, chưa phù hợp với tình hình thực tế. Rượu nhập khẩu được kinh doanh, lưu hành tại Việt Nam chưa bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng sản phẩm, hàng hóa và an toàn thực phẩm theo quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019. Các luật có liên quan đến kiểm tra nhà nước về chất lượng và an toàn thực phẩm đối với mặt hàng rượu nhập khẩu đều được ban hành trên 10 năm, chưa được rà soát, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, bao gồm: Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật năm 2006; Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007; Luật An toàn thực năm 2010. Ngoài ra, chưa có những quy định, hướng dẫn cụ thể (bằng Nghị định) về kiểm tra nhà nước về chất lượng và an toàn thực phẩm đối với rượu nhập khẩu. Do vậy, hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với rượu nhập khẩu chưa được cao, đồng thời, chưa đảm bảo quản lý chặt chẽ, đúng quy định pháp luật đối với rượu nhập khẩu trong bối cảnh cần đảm bảo an ninh quốc gia, an toàn kinh tế.

Sáu là, hoạt động kinh doanh rượu nói chung và kinh doanh rượu nhập khẩu nói riêng là lĩnh vực đặc thù, kinh doanh có điều kiện. Do vậy, việc quản lý hiện hành theo Luật thương mại năm 2005 và Luật đầu tư năm 2014 không phù hợp, nhất là trong bối cảnh thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019. Điều kiện kinh doanh rượu nói chung và kinh doanh rượu nhập khẩu nói riêng phải thực hiện theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12 tháng 05 năm 2020 của Chính phủ ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 – 2025 cũng như chủ trương thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo mọi điều kiện thuận lợi, tạo môi trường bình đẳng cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp là chưa phù hợp Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019. Do vậy, chưa có những điều kiện chặt chẽ riêng về kinh doanh rượu nhập khẩu ở Việt Nam.

Bảy là, quản lý nhà nước đối với kinh doanh rượu nhập khẩu nói riêng cũng như quản lý là nước đối với kinh doanh rượu nói chung chưa thực sự theo hướng hạn chế sự tiếp cận của người tiêu dùng đối với rượu. Chưa có những cơ chế, giải pháp hữu hiệu để hạn chế tính sẵn có của rượu và tăng giá rượu. Ngược lại, quản lý nhà nước đối với kinh doanh rượu nhập khẩu ở Việt Nam hiện nay đang theo hướng “phát triển”, bao gồm cả về phát triển thương nhân kinh doanh, phát triển mặt hàng rượu nhập khẩu… là đang đi ngược lại với chính sách phòng, chống tác hại của rượu, bia. Quản lý nhà nước đối với kinh doanh rượu nhập khẩu nói riêng cũng như quản lý là nước đối với kinh doanh rượu nói chung chưa có những quy định cụ thể hoặc các quy định khả thi về địa điểm công cộng không được uống rượu, bia; hạn chế hình ảnh diễn viên uống rượu, bia trong tác phẩm điện ảnh, sân khấu, truyền hình; một số biện pháp quản lý việc quảng cáo rượu có độ cồn dưới 15 độ và bia; thực hiện biện pháp ngăn ngừa người chưa đủ 18 tuổi tiếp cận, truy cập, tìm kiếm thông tin và mua rượu, bia trong hoạt động bán rượu, bia theo hình thức thương mại điện tử cũng như các cơ chế, biện pháp hữu hiệu khác.

2. Quan điểm tăng cường quản lý nhà nước đối với kinh doanh rượu nhập khẩu ở Việt Nam

- Tăng cường quản lý nhà nước đối với kinh doanh rượu nhập khẩu ở Việt Nam bảo đảm phù hợp, hài hòa với pháp luật quốc tế trong xu thế hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu.

- Tăng cường quản lý nhà nước đối với kinh doanh rượu nhập khẩu ở Việt Nam theo các quan điểm, đường lối và chính sách của Đảng và Nhà nước để bảo đảm hài hòa tối đa các lợi ích kinh tế với lợi ích xã hội trong quá trình phát triển, góp phần quan trọng để đạt các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.

- Tăng cường quản lý nhà nước đối với kinh doanh rượu nhập khẩu ở Việt Nam trên cơ sở khắc phục những hạn chế, bất cập, khoảng trống của pháp luật về quản lý kinh doanh rượu hiện hành; tăng tính khả thi, đồng bộ của các quy định pháp luật về kinh doanh rượu nhập khẩu theo Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia năm 2019, bảo đảm hài hòa với các lợi ích phát triển.

- Tăng cường quản lý nhà nước đối với kinh doanh rượu nhập khẩu ở Việt Nam trên cơ sở huy động sự tham gia tích cực của toàn xã hội, cơ quan, tổ chức, cá nhân để bảo đảm thực hiện quản lý hiệu quả.

- Tăng cường quản lý nhà nước đối với kinh doanh rượu nhập khẩu ở Việt Nam trên cơ sở ưu tiên bảo vệ sức khoẻ của mỗi người dân, gia đình và xã hội, giảm gánh nặng bệnh tật, tử vong do sử dụng rượu gây ra.Tăng cường quản lý nhà nước đối với kinh doanh rượu nhập khẩu ở Việt Nam trên cơ sở đảm bảo phòng ngừa và giảm bớt các hậu quả về xã hội, an toàn giao thông, hạn chế bạo lực gia đình, tội phạm, thương tích, an ninh trật tự, bất bình đẳng giới, đói nghèo.

3. Một số giải pháp tăng cường quản lý kinh doanh rượu thời gian tới

3.1 Điều kiện đối với thương nhân nhập khẩu rượu

Hiện tại, theo Nghị định số 105/2017/NĐ-CP ngày 14/9/2017 của Chính phủ về kinh doanh rượu thì doanh nghiệp có Giấy phép phân phối rượu hoặc doanh nghiệp có Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp được phép nhập khẩu rượu. Quy định như vậy khó cho việc thực hiện biện pháp giảm mức tiêu thụ rượu, bia; biện pháp quản lý việc cung cấp rượu, bia; biện pháp giảm tác hại của rượu, bia theo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019.

Trên cơ sở Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 và Nghị định số 24/2020/NĐ-CP ngày 24/02/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, cần nghiên cứu ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 105/2017/NĐ-CP ngày 14/9/2017 của Chính phủ về kinh doanh rượu. Theo đó, có thể không thể tách riêng được “Giấy phép nhập khẩu rượu” ra khỏi “Giấy phép phân phối rượu” và “Giấy phép sản xuất rượu”. Tuy nhiên, căn cứ trên tình hình thực tiễn và thông lệ quốc tế, cần phải có những điều kiện bổ sung đối với thương nhân kinh doanh nhập khẩu rượu từ nước ngoài vào Việt Nam.

Kinh doanh nhập khẩu rượu là kinh doanh có điều kiện đặc thù, vì vậy cần phải nghiên cứu bổ sung những quy định đặc thù theo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019. Những điều kiện đó có thể là: doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật trong một thời gian nhất định (thí dụ 3-5 năm); có kho hàng hóa, bến bãi giao nhận đảm bảo cho kiểm tra giám sát của các cơ quan chức năng; có hệ thống phân phối hoặc ký hợp đồng có thời hạn nhất định đối với thương nhân kinh doanh bán buôn, bán lẻ ở Việt Nam và những điều kiện khác có liên quan.

Ngoài ra, cần xây dựng cơ sở dữ liệu về thương nhân kinh doanh nhập khẩu rượu vào Việt Nam, tách riêng hệ thống thương nhân trực tiếp nhập khẩu với các thương nhân phân phối hoặc doanh nghiệp sản xuất. Có như vậy mới tạo điều kiện cho hoạt động kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời, có khả thể truy suất, phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại.

3.2 Nâng cao trách nhiệm của thương nhân kinh doanh rượu nhập khẩu ở Việt Nam đối với hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu, bia

- Cần nâng cao trách nhiệm đối với thương nhân kinh doanh rượu nhập khẩu ở Việt Nam đối với hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu, bia. Thương nhân kinh doanh rượu nhập khẩu ở Việt Nam có trách nhiệm nâng cao nhận thức, định hướng hành vi, thay đổi thói quen có hại để phòng, chống tác hại của rượu, bia đối với sức khỏe con người, gia đình, cộng đồng, an toàn giao thông, trật tự, an toàn xã hội, kinh tế và các vấn đề xã hội khác.

- Thương nhân kinh doanh rượu nhập khẩu ở Việt Nam có trách nhiệm thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu, bia phải bảo đảm các yêu cầu: Chính xác, khách quan và khoa học; Thường xuyên; phù hợp, dễ tiếp cận và hiệu quả đối với từng đối tượng, trình độ, lứa tuổi, giới tính; phù hợp với truyền thống, văn hóa, bản sắc dân tộc, tôn giáo và phong tục tập quán của người Việt Nam.

- Thương nhân kinh doanh rượu nhập khẩu ở Việt Nam có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội có liên quan, thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu, bia. Trong đó tập trung về chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tác hại của rượu, bia; các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống tác hại của rượu, bia; các chế tài xử phạt và vận động cá nhân, tổ chức tuân thủ quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia.

- Đồng thời, thương nhân kinh doanh rượu nhập khẩu ở Việt Nam, trong quá trình hoạt động kinh doanh, phải có trách nhiệm thường xuyên làm rõ quyền, nghĩa vụ của cá nhân và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cộng đồng trong phòng, chống tác hại của rượu, bia. Trong hoạt động kinh doanh phải thường xuyên thông tin, giáo dục, truyền thông về tác hại của rượu, bia; tác hại của rượu, bia giả, không bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm; các mức độ nguy cơ khi uống rượu, bia; các biện pháp giảm tác hại của rượu, bia; vận động hạn chế uống rượu, bia và không điều khiển phương tiện giao thông, vận hành máy móc sau khi uống rượu, bia.

3.3 Hoàn thiện chính sách giá rượu nhập khẩu

Hiện nay, có nhiều tranh luận về mức giá tối thiểu cho rượu đã được thực hiện do những lo ngại về mức độ uống rượu cao, ảnh hưởng của nó đối với sức khỏe cộng đồng và trật tự công cộng. Hầu hết các quan điểm đều cho rằng rượu chủ yếu tạo nên hành vi say xỉn là do giá và hoạt động bán vô trách nhiệm của thương nhân và sự quản lý chưa chặt chẽ của cơ quan nhà nước. Những sự lựa chọn chính sách về giá đó là: (i) Đặt mức giá tối thiểu cho mỗi đơn vị rượu; (ii) Cấm bán rượu dưới giá thành (bao gồm cả các loại thuế).

Cần nghiên cứu chính sách giá rượu một số nước để bổ sung chính sách giá rượu nhập khẩu vào Việt Nam. Thí dụ, Đạo luật Rượu Scotland 2012 đã mở đường cho sự ra đời của “Đơn giá tối thiểu”. Các Hiệp hội rượu Whisky Scotland đã không thành công khi khiếu nại luật pháp đến tòa án Châu Âu và Scotland. Đơn giá tối thiểu 50 pence / đơn vị được áp dụng vào ngày 1/5/2018. Tại Anh và xứ Wales: Lệnh năm 2014 cấm bán rượu dưới mức chịu các loại thuế cộng với thuế VAT đã được áp dụng kể từ ngày 28/5/2014. Chính sách y tế công cộng ở Wales: Đạo luật sức khỏe cộng đồng (Giá tối thiểu cho rượu) (Wales) năm 2018 có hiệu lực: Đơn giá tối thiểu 50p được áp dụng từ ngày 02/3/2020.

Cần căn cứ vào chính sách của các nước xuất khẩu để xây dựng đơn giá tối thiểu, đặt giá sàn cho một đơn vị rượu khi nhập khẩu vào Việt Nam. Điều này có nghĩa là rượu nhập khẩu không thể được bán hợp pháp với giá thấp hơn trên thị trường nội địa Việt Nam. Đồ uống càng chứa nhiều rượu (độ cồn cao) thì rượu càng mạnh và do đó đơn giá tối thiểu càng cao. Đơn giá tối thiểu không phải là thuế; đó là một cách có mục tiêu để đảm bảo rượu nhập khẩu được bán với giá hợp lý khi phân phối tại Việt Nam.

Khi rượu trở nên hợp túi tiền hơn, việc uống rượu và tác hại liên quan đến rượu sẽ tăng lên, và một trong những cách tốt nhất để giảm lượng rượu rẻ là làm cho khó mua rượu nhập khẩu hơn vì giá cả. Giá cả phải chăng là một trong ba tiêu chí 'mua tốt nhất' của Tổ chức Y tế Thế giới để ngăn ngừa tác hại liên quan đến rượu, giảm tác hại thông qua việc sử dụng bằng chứng có tác động mạnh, đó là các biện pháp can thiệp dựa trên chi phí hiệu quả.

Ngoài ra, cũng cần nghiên cứu kinh nghiệm và thông lệ quốc tế để xây dựng và thực thi chính sách giá cấm bán rượu nhập khẩu dưới giá thành, bao gồm cộng cả các loại thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế VAT. Quy định cấm này nhằm ngăn chặn các doanh nghiệp bán rượu nhập khẩu với giá chiết khấu cao và nhằm mục đích giảm tiêu thụ rượu nhập khẩu quá mức cũng như tác động của nó đối với tội phạm liên quan đến rượu và các tác hại đối với sức khỏe con người

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Angus, C, Holmes, J. & Meier, P. S. (2019). Comparing alcohol taxation throughout the European Union. Addiction, 114, p.1489–1494.
  2. Botha, A. (2009). Understanding alcohol availability. Noncommercial beverages. In M. Grant, & M. Leverton (Eds.), Working together to reduce harmful drinking (pp. 39–62). New York, NY: Routledge.
  3. Bộ Y tế (2018). Báo cáo số 916/BC-BYT ngày 6/9/2018 đánh giá tác động của chính sách trong Dự án Luật Phòng, chống tác hại rượu bia.
  4. Chaiyasong, S., Limwattananon, S., Limwattananon, C., Thamarangsi, T., Tangchareonsathien, V. & Schommer, J. (2011). Impacts of excise tax raise on illegal and total alcohol consumption: A Thai experience. Drugs: education, prevention and policy, 18(2), p.90–99.
  5. Godden, D. & Allen, E. (2017). The development of modern revenue controls on alcoholic beverages. World Customs Journal, 11(2), p.3-22.
  6. Health Bridge (2015). Alcohol Taxation and Price Policies in Vietnam and in the World: Literature Review.
  7. Huỳnh Xuân Phong, Huỳnh Ngọc Thanh Tâm, Hà Thanh Toàn và Ngô Thị Phương Dung (2007). Khảo sát chất lượng men làm rượu và rượu Xuân Thạnh, Trà Vinh. Tạp Chí Khoa học, (7) p.121-129
  8. International Tax and Investment Center (2011). Guidebook to the Successful Introduction of a Specifc Excise Tax on Alcohol Beverages.
  9. International Tax and Investment Center (2014). ASEAN Excise Tax Reform: A Resource Manual.
  10. Lachenmeier, D., W., Hoanh Anh, P. T., Popova, S., Rehm, J. (2009). The Quality of Alcohol Products in Vietnam and Its Implication for Public Health. International Journal of Environment Research and Public Health, 2009 (6), p.2090- 2101.