Lễ bảo vệ Luận án Tiến sỹ cấp Viện của NCS Nguyễn Thị Ninh
13:11 - 04/01/2023
Ngày 29 tháng 12 năm 2022, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương đã tổ chức Lễ bảo vệ Luận án Tiến sỹ cấp Viện chuyên ngành kinh doanh thương mại, mã số 9.34.01.21 cho Nguyễn Thị Ninh về đề tài: “Giải pháp thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường ASEAN trong bối cảnh hình thành Cộng đồng kinh tế AEC”. Luận án được thực hiện dưới sự hướng dẫn khoa học của: TS. Lê Huy Khôi và PGS.TS. Đỗ Hương Lan.
Hội đồng đánh giá luận án tiến sỹ cấp Viện được thành lập theo quyết định số 978/QĐ-CLCT ngày 02 tháng 12 năm 2022 của Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương gồm 7 thành viên: PGS.TS. Đinh Văn Thành - Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương, Chủ tịch hội đồng; PGS.TS. Trịnh Thị Thu Hương - Trường ĐH Ngoại Thương - Phản biện 1; GS.TS. Đỗ Đức Bình - Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, Phản biện 2; PGS.TS. Nguyễn Văn Lịch - Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương, Phản biện 3; PGS.TS. Phan Thế Công - Trường ĐH Thương Mại, Ủy viên; PGS.TS. Phan Đăng Tuất - Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương, Ủy viên; TS. Trịnh Thị Thanh Thủy - Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương, Ủy viên, Thư ký hội đồng.
Tham dự lễ bảo vệ có TS. Nguyễn Văn Hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương, đại diện cơ quan đào tạo; TS. Lê Huy Khôi giáo viên hướng dẫn khoa học. Ngoài ra đến dự còn có bà Vũ Thị Kim Khuyên, Ủy viên Hội đồng quản trị, phó chủ nhiệm khoa Kinh tế quản trị kinh doanh, trường Đại học Phương Đông, đại diện đơn vị công tác của nghiên cứu sinh, các nhà khoa học và các nghiên cứu sinh của Viện cùng đông đảo đồng nghiệp, người thân, bạn bè của NCS. Nguyễn Thị Ninh.
Báo cáo của Luận án “Giải pháp thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường ASEAN trong bối cảnh hình thành Cộng đồng kinh tế AEC” có những đóng góp mới như sau:
Thứ nhất, luận án đã hệ thống hóa và làm rõ một số vấn đề lý luận về thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa; qua đó, xác lập được khung khổ lý thuyết về thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường các nước trong ASEAN. Trên cơ sở đó, luận án đã giới hạn và lựa chọn các biện pháp vĩ mô của nhà nước và kết hợp các biện pháp này một cách có hiệu quả cho thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường ASEAN.
Thứ hai, trên cơ sở các tài liệu, số liệu sơ cấp và thứ cấp, luận án đã đánh giá được bức tranh thực trạng về thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường các nước ASEAN trong giai đoạn 2011-2020 theo các biện pháp đã lựa chọn. Từ đó, đưa ra được những nhận định, đánh giá về những thành công, hạn chế và nguyên nhân của việc sử dụng các biện pháp thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường các nước ASEAN trong bối cảnh hình thành AEC.
Thứ ba, trên cơ sở luận cứ khoa học vững chắc, cùng với việc phân tích, nhận định về bối cảnh trong nước và quốc tế trong thời gian tới có tác động đến xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam nói chung và xuất khẩu sang ASEAN nói riêng, luận án đã đưa ra được hệ thống các quan điểm, định hướng và giải pháp thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường ASEAN trong bối cảnh hình thành AEC thời kỳ đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Nhận xét về luận án, các thành viên trong Hội đồng đều cho rằng luận án là một công trình nghiên cứu khoa học nghiêm túc, công phu, có ý nghĩa thực tiễn, là tài liệu bổ ích cho công tác nghiên cứu, giảng dạy về giải pháp thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các thị trường ở nước ngoài.
Phát biểu kết luận, PGS.TS. Đinh Văn Thành - Chủ tịch hội đồng khẳng định tên luận án “Giải pháp thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường ASEAN trong bối cảnh hình thành Cộng đồng kinh tế AEC” phù hợp với nội dung và mã số chuyên ngành, luận án có tính cấp thiết với thực tiễn, không trùng với các luận án khác đã được bảo vệ.
Hội đồng đã tiến hành bỏ phiếu kín đánh giá luận án của NCS. Nguyễn Thị Ninh với kết quả 7/7 phiếu tán thành. Hội đồng chấm luận án tiến sĩ cấp Viện đã nhất trí đánh giá luận án của NCS. Nguyễn Thị Ninh đảm bảo yêu cầu của một luận án Tiến sỹ kinh tế và đề nghị Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương cấp bằng Tiến sĩ cho tác giả của luận án theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo./.