Lễ bảo vệ luận án Tiến sỹ cấp Viện cho NCS. Nguyễn Phúc Nam

10:14 - 25/04/2023

Ngày 18 tháng 4 năm 2023, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương đã tổ chức lễ bảo vệ luận án Tiến sỹ cấp Viện chuyên ngành kinh doanh thương mại, mã số 9.34.01.21 cho NCS. Nguyễn Phúc Nam về đề tài: Tái cơ cấu thương mại Việt Nam - ASEANLuận án được thực hiên dưới sự hướng dẫn khoa học của: TS. Trịnh Thị Thanh Thủy và PGS.TS. Nguyễn Văn Tuấn.

Hội đồng đánh giá luận án tiến sỹ cấp Viện  theo quyết định số 113/QĐ-CLCT ngày 14 tháng 02 năm 2023 của Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương gồm 7 thành viên: PGS.TS Nguyễn Văn Lịch - Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương, Chủ tịch hội đồng; PGS.TS Phan Tố Uyên - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Ủy viên phản biện 1; PGS.TS. Đinh Văn Thành - Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương, Ủy viên phản biện 2; GS.TS Từ Thúy Anh - Trường Đại học Ngoại Thương, Ủy viên phản biện 3; PGS.TS Nguyễn Thị Bích Loan - Trường Đại học Ngoại Thương, Ủy viên; GS.TS. Lê Huy Đức - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Ủy viên; TS. Lê Huy Khôi - Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương, Ủy viên, Thư ký hội đồng.

Đến dự lễ bảo vệ có TS. Nguyễn Văn Hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương, đại diện cơ quan đào tạo. Ngoài ra còn có ông Trần Quang Huy, Vụ trưởng Vụ thị trường Châu Á - Châu Phi, đại diện đơn vị công tác của nghiên cứu sinh; TS. Trịnh Thị Thanh Thủy đại diện tập thể giáo viên hướng dẫn của nghiên cứu sinh cùng các nhà khoa học, các nghiên cứu sinh của Viện, đồng nghiệp, người thân và bạn bè của NCS. Nguyễn Phúc Nam.

Luận án “Tái cơ cấu thương mại Việt Nam - ASEAN” có kết quả nghiên cứu như sau:

1) Luận án đã hệ thống hóa, xây dựng, phát triển cơ sở lý luận về tái cơ cấu thương mại của một quốc gia với một khu vực thị trường, trong trường hợp này là giữa Việt Nam với ASEAN. Luận án đã làm rõ nội dung, chủ thể, vai trò của tái cơ cấu xuất nhập khẩu, các nhân tố tác động đến tái cơ cấu xuất nhập khẩu. Luận án nghiên cứu kinh nghiệm của Thái Lan, Trung Quốc trong tái cơ cấu xuất nhập khẩu với ASEAN và rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.

2) Luận án đã khái quát chính sách thương mại của Việt Nam đối với các nước ASEAN ở góc độ song phương và đa phương, nghiên cứu thực trạng xuất nhập khẩu và thực trạng chuyển dịch cơ cấu xuất nhập khẩu của Việt Nam với ASEAN giai đoạn 2015 – 2020. Luận án đã đánh giá kết quả tích cực đạt được và những hạn chế trong chuyển dịch cơ cấu xuất nhập khẩu của Việt Nam với ASEAN, luận giải nguyên nhân của những hạn chế, làm rõ những vấn đề đặt ra đối với tái cơ cấu xuất nhập khẩu của Việt Nam với ASEAN trong thời gian tới.

3) Luận án đã phân tích, đánh giá toàn diện và sâu sắc bối cảnh mới trong và ngoài nước tác động đến quan hệ thương mại giữa Việt Nam và ASEAN. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu về bối cảnh mới, định hướng chính sách thương mại của Việt Nam với ASEAN, đặc điểm, điều kiện phát triển và nhu cầu của Việt Nam, cùng với những đánh giá về thực trạng xuất nhập khẩu và chuyển dịch cơ cấu xuất nhập khẩu của Việt Nam với ASEAN, bài học kinh nghiệm quốc tế, luận án đưa ra hệ thống quan điểm, định hướng và các giải pháp tái cơ cấu xuất nhập khẩu của Việt Nam với ASEAN.

4) Nhóm giải pháp đối với cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến phát triển thị trường bao gồm: (i) Xây dựng, thực thi chính sách thương mại phù hợp với thị trường ASEAN; (ii) Xây dựng và triển khai định hướng xuất nhập khẩu phù hợp với thị trường ASEAN, trong đó lồng ghép các mục tiêu, yêu cầu về chuyển dịch cơ cấu xuất nhập khẩu; (iii) Nâng cao hiệu quả khai thác các cơ hội từ Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN và các hiệp định liên quan; (iv) Tăng cường theo dõi, phát hiện và có biện pháp ứng phó các rào cản thương mại; (v) Tăng kinh phí, nâng cao chất lượng các hoạt động xúc tiến thương mại tại thị trường ASEAN; (vi) Tăng cường công tác thông tin, hướng dẫn tiếp cận thị trường các nước ASEAN.

5) Nhóm giải pháp đối với cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến đầu tư, sản xuất bao gồm: (i) Thu hút đầu tư nước ngoài, khuyến khích các tập đoàn đa quốc gia đặt trung tâm chế tạo tại Việt Nam để sản xuất hàng xuất khẩu sang ASEAN; (ii) Phát triển công nghiệp hỗ trợ để cải thiện vị trí và nâng cao hiệu quả tham gia của Việt Nam trong các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu; (iii) Xây dựng, phát triển lợi thế so sánh cho các ngành sản xuất của Việt Nam, đặc biệt là các ngành sản xuất hàng hóa thay thế nhập khẩu và các ngành sản xuất theo xu thế mới có nhiều tiềm năng phát triển; (iv) Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư triển khai các dự án hạ tầng tại các nước CLM, thông qua đó thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm phục vụ dự án.

6) Luận án cũng đã đưa ra các khuyến nghị giải pháp đối với các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp để tái cơ cấu xuất nhập khẩu với thị trường ASEAN.

Phát biểu kết luận, PGS.TS. Nguyễn Văn Lịch - Chủ tịch hội đồng khẳng định tên luận án Tái cơ cấu thương mại Việt Nam - ASEAN” phù hợp với nội dung và mã số chuyên ngành, luận án có tính cấp thiết với thực tiễn, không trùng với các luận án khác đã được bảo vệ.

Hội đồng đã tiến hành bỏ phiếu kín đánh giá luận án của NCS. Nguyễn Phúc Nam với kết quả 7/7 phiếu tán thành. Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ cấp Viện đã nhất trí đánh giá luận án của NCS. Nguyễn Phúc Nam đảm bảo yêu cầu của một luận án Tiến sỹ kinh tế và đề nghị Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương cấp bằng Tiến sĩ cho tác giả của luận án theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo./.

Một số hình ảnh tại buổi bảo vệ: