Lễ bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Viện của NCS. Trịnh Văn Thảo

23:42 - 16/05/2023

Ngày 13 tháng 5 năm 2023, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương đã tổ chức lễ bảo vệ luận án Tiến sỹ cấp Viện chuyên ngành kinh doanh thương mại, mã số 9.34.01.21 cho NCS. Trịnh Văn Thảo với đề tài: “Tác động của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU đến hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam”. Luận án được thực hiện dưới sự hướng dẫn khoa học của PGS.TS. Nguyễn Văn Lịch và TS. Nguyễn Trường Giang.

Hội đồng đánh giá luận án tiến sỹ cấp Viện được thành lập theo quyết định số 221/QĐ-CLCT ngày 28 tháng 03 năm 2023 của Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương gồm 7 thành viên: PGS.TS Đinh Văn Thành - Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương, Chủ tịch hội đồng; PGS.TS Nguyễn Xuân Quang - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Ủy viên phản biện 1; TS. Trịnh Thị Thanh Thủy - Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương, Ủy viên phản biện 2; PGS.TS Doãn Kế Bôn - Trường Đại học Thương mại, Ủy viên phản biện 3; PGS.TS Trần Thị Ngọc Quyên - Trường Đại học Ngoại Thương, Ủy viên; GS.TS. Nguyễn Bách Khoa - Trường Đại học Quốc gia Hà Nội, Ủy viên; TS. Lê Huy Khôi - Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương, Ủy viên, Thư ký hội đồng.

Đến dự lễ bảo vệ có TS. Nguyễn Văn Hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương, đại diện cơ quan đào tạo và cũng là đại diện đơn vị công tác của nghiên cứu sinh; PGS.TS. Nguyễn Văn Lịch và TS. Nguyễn Trường Giang đại diện tập thể giáo viên hướng dẫn của nghiên cứu sinh cùng các nhà khoa học, các nghiên cứu sinh của Viện, đồng nghiệp, người thân và bạn bè của NCS. Trịnh Văn Thảo.

Luận án “Tác động của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU đến hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam” được cấu trúc gồm 4 chương. Cụ thể: (i) chương 1: Tổng quan các công trình nghiên cứu đã công bố ở trong và ngoài nước liên quan đến chủ đề nghiên cứu của luận án; (ii) chương 2: Cơ sở lý luận về tác động của hiệp định thương mại tự do đến hàng nông sản xuất khẩu của quốc gia; (iii) chương 3: Thực trạng tác động của hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU đến hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam; (iv) chương 4: Giải pháp tận dựng cơ hội, hạn chế thách thức từ hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU đến hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU giai đoạn đến năm 2030. Luận án có kết quả nghiên cứu như sau:

1) Luận án đã góp phần tổng hợp và hệ thống hoá cơ sở lý luận về tác động của hiệp định thương mại tự do đến hàng nông sản xuất khẩu của một quốc gia. Trong đó, cơ sở lý luận của luận án được tổng hợp từ (i) lý thuyết về tự do hoá thương mại và hiệp định thương mại tự do; (ii) lý thuyết marketing về mặt hàng nông sản xuất khẩu và chuỗi cung ứng mặt hàng nông sản xuất khẩu. Luận án đã chỉ ra, tự do hoá thương mại và việc thực thi các hiệp định thương mại tự do là cơ hội thuận lợi (điều kiện cần) để hàng hoá nói chung và mặt hàng nông sản xuất khẩu nói riêng có những lợi thế tại thị trường quốc gia nhập khẩu, tuy nhiên, để có thể khai thác được những cơ hội do hiệp định thương mại tự do mang lại, các mặt hàng nông sản xuất khẩu cần phải thoả mãn được yêu cầu cụ thể của thị trường (điều kiện đủ), các mặt hàng nông sản phải cung ứng được giá trị gia tăng cho thị trường, khách hàng.

2) Luận án đã khái quát thực trạng sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam sang thị trường EU trong bối cảnh trước và sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU được thực thi. Luận án phân tích, đánh giá đa chiều về tác động của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU đến mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam, trong đó, đi sâu phân tích, đánh giá ba mặt hàng là cà phê; rau quả và gạo.  

3) Trên cơ sở đó luận án đề xuất các nhóm giải pháp có cơ sở khoa học nhằm tăng cường khả năng khai thác các cơ hội do hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU mang lại đối với mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam. Cụ thể: (i) Nhóm giải pháp đối với doanh nghiệp; (ii) Nhóm giải pháp nhằm nâng cao giá trị cho mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam; (iii) Nhóm giải pháp khác. Bên cạnh đó, những kiến nghị cũng được đề xuất đến các cơ quan như Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ.

Khả năng ứng dụng trong thực tiễn của luận án “Tác động của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU đến hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam” đó là: Kết quả nghiên cứu của luận án có thể là tài liệu tham khảo phục vụ công tác nghiên cứu, công tác đào tạo sau đại học đối với chuyên ngành kinh doanh thương mại nói riêng và khối ngành kinh doanh - quản lý nói chung. Đồng thời, các giải pháp được đề xuất trong luận án có thể được áp dụng trong thực tiễn đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và các doanh nghiệp thu mua, chế biến hàng nông sản nhằm tăng cường khả năng khai thác các cơ hội do hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU mang lại đối với mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam.

Mặc dù, luận án đã cố gắng đánh giá tác động của hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU đến một số mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam là: gạo, cà phê và rau quả, tuy nhiên, kết quả đánh giá tác động sẽ có sức thuyết phục hơn nếu như luận án đánh giá được các mặt hàng tương ứng với từng thị trường cụ thể và sử dụng mô hình phân tích định lượng. Đây là vấn đề được đặt ra để các nghiên cứu tiếp theo có thể hoàn thiện trong thời gian tới.

Phát biểu kết luận, PGS.TS. Đinh Văn Thành - Chủ tịch hội đồng khẳng định tên luận án Tác động của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU đến hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam” phù hợp với nội dung và mã số chuyên ngành, luận án có tính cấp thiết với thực tiễn, không trùng với các luận án khác đã được bảo vệ.

Hội đồng đã tiến hành bỏ phiếu kín đánh giá luận án của NCS. Trịnh Văn Thảo với kết quả 7/7 phiếu tán thành. Hội đồng chấm luận án tiến sĩ cấp Viện đã nhất trí đánh giá luận án của NCS. Trịnh Văn Thảo đảm bảo yêu cầu của một luận án Tiến sỹ kinh tế và đề nghị Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương cấp bằng Tiến sĩ cho tác giả của luận án theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo./.

Một số hình ảnh tại buổi bảo vệ: