Kinh nghiệm của các nước thế giới về phát triển điện mặt trời và điện gió: Bài học kinh nghiệm rút ra cho Việt Nam và kiến nghị một số giải pháp
16:35 - 04/11/2024
CN Nguyễn Thanh Tùng, CN Nguyễn Thị Tùng Chi, Ths Trần Thị Hà My
Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương
Tóm tắt: Hiện nay nền khoa học các nước tiên tiến kỹ thuật trên thế giới có những bước phát triển vô cùng mạnh mẽ, cùng với chuyển đổi số, công nghệ trí tuệ nhân tạo AI và phát triển các nguồn năng lượng xanh, sạch mới. Như các công nghệ sử dụng pin năng lượng mặt trời mới để tối ưu hóa hiệu suất chuyển đổi từ ánh sáng mặt trời sang điện, phát triển các công nghệ điện gió , năng lượng hydro xanh, điện hạt nhân, pin nhiệt, hay công nghệ lưu trữ năng lượng phân tán. Tối ưu hóa truyền tải bằng các hệ thống cáp ngầm, hệ thống lưới điện thông minh… Từ kinh nghiệm của các nước phát triển, Việt Nam có thể học hỏi và áp dụng vào mô hình phát triển của mình trong bối cảnh nhu cầu năng lượng ngày càng tăng cao, yêu cầu về phát triển năng lượng bền vững.
Từ khóa: năng lượng sạch, phát triển năng lượng, năng lượng mới
Việt Nam đã có những hành động quyết liệt để thực hiện mục tiêu đặt ra. Nghị quyết số: 55/NQ-TW của Bộ Chính trị ngày 11tháng 02 năm 2020 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đề ra: “ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lương tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch; khai thác và sử dụng hợp lý các nguồn năng lượng hóa thạch trong nước”; “ Tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15-20% vào năm 2030; 25-30% vào năm 2045”; “về các nguồn năng lượng khác: kịp thời nắm bắt các thông tin liên quan để nghiên cứu, phát triển trong điều kiện cho phép về tiến bộ khoa học – kỹ thuật, nguồn nhân lực, khả năng tài chính và những yếu tố cần thiết khác”. Chính phủ cũng đã cụ thể hóa nghị quyết bằng các Quyết định 500/QĐ-TTg ngày 15 tháng 5 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 262/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Để thực hiện được mục tiêu đề ra cần phải phát nghiên cứu phát triển đa dạng các nguồn cung năng lượng mới, các nguồn điện mới, có những giải pháp tối ưu hóa truyền tải giảm thất thoát, và phải đảm bảo xanh và sạch.
Để thực hiện tốt các chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển bền vững các nguồn năng bền vững ở Việt Nam cần có những nghiên cứu, đánh giá tiền khả thi, có các đánh giá về điều kiện thực hiện các dự án phát triển các nguồn năng lượng. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu kinh nghiệm của các nước về phát triển nguồn năng lượng bền vững, từ đó rút ra bài học cho Việt Nam, trên cơ sở đó đề xuất giải pháp phát triển năng lượng bền vững để đảm bảo thực hiện cam kết COP 26 cũng như bảo đảm an ninh năng lượng cho nước nhà. Bài viết sẽ tập trung vào việc học tập kinh nghiệm phát triển điện mặt trời và điện gió.
1. Kinh nghiệm của một số nước về phát triển các nguồn năng lượng bền vững
1.1 Kinh nghiệm về phát triển nguồn điện mặt trời
1.1.1. Chính sách ưu đãi phát triển năng lượng mặt trời tại Đức
a) Luật Năng lượng Tái Tạo (Erneuerbare-Energien-Gesetz - EEG)
- Luật EEG (ban hành năm 2000 và được cập nhật nhiều lần) là văn bản pháp luật nền tảng, thiết lập các điều kiện thuận lợi cho việc phát triển năng lượng tái tạo tại Đức, đặc biệt là điện mặt trời. EEG tạo ra một khung pháp lý mạnh mẽ, cung cấp các ưu đãi tài chính ổn định và bền vững cho các nhà đầu tư tư nhân và doanh nghiệp, khuyến khích họ phát triển các dự án năng lượng tái tạo.
Feed-in Tariff (FIT) – Cơ chế giá điện cố định:
- Chính sách Feed-in Tariff (FIT) là một trong những thành tố quan trọng nhất của luật EEG. Theo đó, các nhà cung cấp điện mặt trời được phép bán lại điện cho lưới điện quốc gia với mức giá cố định, cao hơn so với giá thị trường. Mức giá này đảm bảo nhà đầu tư có thể thu hồi vốn và có lợi nhuận ổn định trong khoảng thời gian dài, thường lên tới 20 năm.
Năm 2004, mức FIT cho điện mặt trời dao động từ 45 đến 57 cent EUR/kWh Nhờ sự phát triển công nghệ và quy mô, giá FIT đã giảm dần qua các năm. Đến năm 2020, mức FIT cho điện mặt trời ở Đức chỉ còn từ 9 đến 12 cent EUR/kWh. Sự sụt giảm này phản ánh chi phí sản xuất giảm mạnh nhưng vẫn đủ thu hút đầu tư, đồng thời khuyến khích các công ty tiếp tục tối ưu hóa hiệu suất.
b) Tác động của chính sách FIT:
Nhờ chính sách FIT, công suất điện mặt trời của Đức đã tăng từ mức chỉ 1.5 GW năm 2000 lên tới 63 GW vào năm 2023, đưa Đức trở thành một trong những quốc gia có công suất lắp đặt điện mặt trời lớn nhất châu Âu. Nguồn năng lượng mặt trời hiện chiếm hơn 10% tổng sản lượng điện quốc gia, một đóng góp đáng kể cho an ninh năng lượng bền vững của đất nước
c) Chính sách “KfW Solar Loan” và các chương trình hỗ trợ tài chính
KfW Solar Loan: Bên cạnh cơ chế FIT, chính phủ Đức cũng hỗ trợ tài chính mạnh mẽ cho các dự án lắp đặt điện mặt trời thông qua chương trình KfW Solar Loan do Ngân hàng Phát triển Đức (KfW) quản lý. Đây là một trong những chương trình tín dụng lớn nhất của châu Âu dành cho phát triển năng lượng tái tạo.
KfW Solar Loan cung cấp các khoản vay lãi suất thấp, thường chỉ từ 1-2% với thời hạn lên đến 20 năm, giúp giảm đáng kể gánh nặng tài chính cho các hộ gia đình và doanh nghiệp lắp đặt hệ thống điện mặt trời.
Ngoài ra, Đức còn áp dụng chính sách miễn giảm thuế VAT (khoảng 19%) cho chi phí lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời, giúp người tiêu dùng giảm bớt gánh nặng tài chính khi đầu tư vào năng lượng tái tạo.
d) Quy định bắt buộc đấu nối và quyền truy cập lưới điện
Một trong những quy định quan trọng nhất trong luật EEG là quy định bắt buộc đấu nối và quyền truy cập lưới điện. Theo luật này, các nhà cung cấp điện tái tạo, bao gồm điện mặt trời, có quyền đấu nối vào lưới điện quốc gia và bán lại điện cho các công ty quản lý lưới.
Điều này giúp đảm bảo ràng mọi dự án điện mặt trời, dù nhỏ hay lớn, đều có khả năng tiếp cận thị trường, từ đó khuyến khích các hộ gia đình và doanh nghiệp nhỏ lẻ tham gia vào quá trình chuyển đổi năng lượng.
Quy định này đã tạo điều kiện cho hơn 1 triệu hệ thống điện mặt trời mái nhà được lắp đặt trên khắp nước Đức tính đến năm 2023.
e) Chính sách khuyến khích lưu trữ năng lượng
Năm 2016, Chính phủ Đức đã khởi xướng một chương trình hỗ trợ tài chính mới, tập trung vào việc khuyến khích lưu trữ năng lượng mặt trời thông qua hệ thống pin lưu trữ. Chính sách này hỗ trợ tới 30% chi phí đầu tư cho các hệ thống lưu trữ năng lượng, giúp giảm phụ thuộc vào lưới điện trong những thời điểm ánh sáng mặt trời không đủ.
Các hộ gia đình và doanh nghiệp có thể kết hợp các hệ thống pin lưu trữ với hệ thống điện mặt trời, giúp tận dụng tối đa lượng điện sản xuất trong ngày và giảm phụ thuộc vào nguồn điện từ lưới trong buổi tối hoặc khi thời tiết không thuận lợi.
- f) Tác động kinh tế - xã hội và môi trường
- Tăng trưởng năng lượng mặt trời: Nhờ các chính sách ưu đãi như FIT và KfW Solar Loan, công suất lắp đặt điện mặt trời tại Đức đã tăng mạnh mẽ từ 1.5 GW năm 2000 lên 63 GW vào năm 2023. Điều này đã giúp Đức giữ vững vị thế là một trong những quốc gia đi đầu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo tại châu Âu.
- Giảm chi phí đầu tư và sản xuất: Chính sách hỗ trợ đã góp phần làm giảm mạnh chi phí đầu tư và sản xuất năng lượng mặt trời. Từ mức 0.50 EUR/kWh vào đầu thập kỷ 2000, đến nay chi phí sản xuất đã giảm xuống chỉ còn 0.07-0.12 EUR/kWh, khiến điện mặt trời trở thành một nguồn năng lượng ngày càng cạnh tranh.
- Giảm phát thải CO2: Sự phát triển mạnh mẽ của năng lượng tái tạo, trong đó có điện mặt trời, đã giúp Đức giảm đáng kể lượng khí thải CO2. Tính từ năm 2000 đến 2023, Đức đã giảm được hơn 40 triệu tấn CO2 mỗi năm nhờ thay thế nhiên liệu hóa thạch bằng năng lượng mặt trời.
1.1.2 Chính sách ưu đãi phát triển năng lượng mặt trời tại Trung Quốc
- Công nghệ và quy mô phát triển năng lượng mặt trời tại Trung Quốc
Trung Quốc là quốc gia có quy mô phát triển năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới. Tính đến cuối năm 2023, tổng công suất lắp đặt điện mặt trời tại Trung Quốc đã đạt 392 GW, chiếm khoảng 40% tổng công suất toàn cầu. Đây là một sự phát triển mạnh mẽ nhờ vào sự kết hợp giữa các yếu tố công nghệ, chính sách hỗ trợ và chiến lược đầu tư công nghiệp.
- Sự phát triển công nghệ: Trung Quốc đã đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển (R&D) trong ngành công nghiệp sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời. Các công ty hàng đầu như LONGI Green Energy và JA Solar đã đóng vai trò tiên phong trong việc sản xuất pin năng lượng mặt trời với hiệu suất cao và chi phí thấp.
Trung Quốc là quốc gia sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới, với hơn 70% tấm pin trên toàn cầu được sản xuất tại Trung Quốc. Các công ty lớn như LONGI, JA Solar, và Trina Solar không chỉ tập trung vào việc sản xuất tấm pin hiệu suất cao mà còn tối ưu hóa quy trình sản xuất để giảm chi phí. Khả năng sản xuất hàng loạt với quy mô lớn đã giúp Trung Quốc giảm giá thành tấm pin nhanh hơn so với Nhật Bản.
- Chi phí sản xuất thấp: Nhờ việc kết hợp giữa công nghệ tiên tiến và quy mô sản xuất khổng lồ, Trung Quốc đã giảm mạnh chi phí sản xuất điện mặt trời. Trong khi chi phí sản xuất điện mặt trời tại Nhật Bản vẫn còn ở mức 0.13-0.15 USD/kWh vào năm 2023, Trung Quốc đã giảm chi phí này xuống còn 0.05-0.07 USD/kWh, khiến năng lượng mặt trời trở thành một trong những nguồn năng lượng rẻ nhất tại Trung Quốc.
Tăng công suất tấm pin: Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã đẩy mạnh việc tăng công suất của tấm pin mặt trời. Các sản phẩm mới nhất từ LONGi và Trina Solar đạt công suất lên tới 550-600 W cho mỗi tấm pin, vượt trội hơn so với công suất trung bình khoảng 400-450 W của Nhật Bản. Điều này giúp các hệ thống điện mặt trời của Trung Quốc sản xuất ra nhiều điện hơn từ cùng một diện tích lắp đặt.
Perovskite và Tandem Solar Cells: Trung Quốc đã đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển công nghệ pin Perovskite, một vật liệu có khả năng thay thế silicon trong tương lai gần. Hiện tại, các phòng thí nghiệm tại Trung Quốc đã đạt được hiệu suất chuyển đổi lên đến 29% trong các tấm pin thử nghiệm sử dụng công nghệ Perovskite-Silicon Tandem Cells, vượt qua cả hiệu suất của pin silicon truyền thống. Nhật Bản cũng đang nghiên cứu công nghệ này, nhưng Trung Quốc đã dẫn đầu về quy mô nghiên cứu và tiềm năng triển khai.
Trung Quốc đã triển khai các dự án điện mặt trời quy mô lớn khắp cả nước. Đặc biệt là các dự án điện mặt trời trên sa mạc và các vùng đất khô cằn, giúp tối ưu hóa việc sử dụng không gian.
Nhờ quy mô sản xuất lớn và cải tiến công nghệ, Trung Quốc hiện nay là quốc gia sản xuất hơn 70% tấm pin năng lượng mặt trời toàn cầu, khiến giá thành sản phẩm giảm mạnh. Sự giảm giá này đã giúp điện mặt trời trở nên cạnh tranh hơn với các nguồn năng lượng truyền thống.
- Chính sách ưu đãi và khung pháp lý phát triển năng lượng mặt trời tại Trung Quốc
+ Chính sách trợ cấp trực tiếp: Chính phủ Trung Quốc đã thực hiện một loạt các chính sách trợ cấp để hỗ trợ tài chính cho các dự án năng lượng mặt trời. Từ năm 2011 đến 2020, Trung Quốc đã cung cấp trợ cấp cho các dự án năng lượng mặt trời quy mô lớn thông qua các chương trình Giảm chi phí đấu nối lưới điện và Giảm thuế nhập khẩu thiết bị năng lượng mặt trời. Các khoản trợ cấp có thể chiếm tới 20-30% chi phí đầu tư vào các dự án điện mặt trời.
+ Chương trình phát triển điện mặt trời quy mô lớn (2011): Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra Chương trình phát triển điện mặt trời quy mô lớn vào năm 2011, với mục tiêu đạt được 50 GW công suất lắp đặt vào năm 2020. Tuy nhiên, mục tiêu này đã vượt quá mong đợi khi đến năm 2020, Trung Quốc đã đạt gần 250 GW công suất lắp đặt.
+ Kế hoạch hành động về năng lượng tái tạo (2017-2025): Trong Kế hoạch hành động về năng lượng tái tạo (2017-2025), Trung Quốc đã đặt mục tiêu nâng cao tỷ lệ năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn điện quốc gia. Kế hoạch này nhấn mạnh đến việc phát triển các công nghệ năng lượng mặt trời tiên tiến và khuyến khích các dự án điện mặt trời quy mô lớn ở các khu vực khô hạn phía Bắc và Tây Bắc Trung Quốc. Chính phủ cũng đưa ra các mức giá FIT cho điện mặt trời, dao động từ 0.40 đến 0.55 CNY/kWh (tương đương 0.06-0.08 USD/kWh), tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư hưởng lợi từ sản xuất điện mặt trời trong thời gian dài.
+ Chính sách liên kết và đấu nối lưới điện: Trung Quốc đã đầu tư mạnh vào phát triển cơ sở hạ tầng lưới điện, đặc biệt là tại các khu vực có điều kiện thuận lợi cho năng lượng mặt trời. Chính sách đấu nối lưới điện cho phép các nhà đầu tư điện mặt trời dễ dàng bán điện trở lại cho lưới điện quốc gia, với mức giá ưu đãi.
1.2 Kinh nghiệm về phát triển nguồn điện gió
1.2.1 Sự phát triển công nghệ điện gió tại Trung Quốc
- Công nghệ tuabin gió tiên tiến
Trung Quốc đã đạt được nhiều bước tiến quan trọng trong công nghệ điện gió, bao gồm cả công nghệ tuabin gió trên đất liền và ngoài khơi. Những tiến bộ trong công nghệ này không chỉ giúp Trung Quốc khai thác tiềm năng năng lượng tái tạo một cách hiệu quả hơn mà còn nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
- Công nghệ tuabin gió lớn nhất thế giới: Trong năm 2023, Trung Quốc đã phát triển và thương mại hóa thành công tuabin gió ngoài khơi có công suất 20 MW, được sản xuất bởi công ty Mingyang Smart Energy. Đây là tuabin gió lớn nhất thế giới tính đến thời điểm hiện tại. Mỗi tuabin có khả năng sản xuất 80-100 GWh điện mỗi năm, cung cấp đủ điện cho khoảng 60.000 hộ gia đình. Tuabin này được thiết kế để hoạt động ở vùng biển nước sâu, với cánh quạt dài 140 mét và sử dụng công nghệ tự điều chỉnh góc cánh quạt để tối ưu hóa việc khai thác năng lượng gió ngay cả trong điều kiện gió yếu.
- Công nghệ trụ nổi cho các dự án ngoài khơi nước sâu: Các dự án điện gió ngoài khơi vùng biển sâu sử dụng các trụ nổi như Semi-submersible, Spar-buoy, và Tension Leg Platform (TLP). Các trụ này có thể được triển khai ở vùng biển có độ sâu lên tới 1000 mét. Trụ nổi giúp mở rộng khả năng triển khai điện gió tại các khu vực biển sâu xa bờ, nơi có tiềm năng gió mạnh và ổn định hơn. Trung Quốc đã triển khai thành công các dự án thử nghiệm sử dụng công nghệ trụ nổi này, giúp đảm bảo sự ổn định của tuabin trong các điều kiện môi trường khắc nghiệt trên biển.
- Quy mô phát triển điện gió
+ Tăng trưởng công suất: Tính đến cuối năm 2023, tổng công suất lắp đặt điện gió của Trung Quốc đã đạt 365 GW, tăng mạnh từ 41 GW năm 2010. Trung Quốc đã và đang dẫn đầu thế giới về công suất điện gió, vượt xa các quốc gia khác như Mỹ và Đức. Trong đó, công suất điện gió trên đất liền đạt khoảng 290 GW, và công suất điện gió ngoài khơi đạt 75 GW. Sự phát triển điện gió ngoài khơi là trọng tâm của chính sách năng lượng tái tạo của Trung Quốc trong những năm tới.
1.2.2 Phát triển điện gió tại Hoa Kỳ
- Quy mô phát triển điện gió tại Hoa Kỳ
Hoa Kỳ là quốc gia có công suất lắp đặt điện gió lớn thứ hai thế giới, sau Trung Quốc. Điện gió đóng vai trò quan trọng trong việc đa dạng hóa nguồn cung năng lượng, giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, và góp phần vào mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của quốc gia.
+ Công suất lắp đặt: Tính đến cuối năm 2023, tổng công suất lắp đặt điện gió của Hoa Kỳ đã đạt hơn 140 GW, chiếm khoảng 11% tổng công suất điện của quốc gia. Điện gió đã vượt qua thủy điện và trở thành nguồn năng lượng tái tạo lớn nhất tại Mỹ.
+ Sự tăng trưởng: Công suất lắp đặt điện gió tại Hoa Kỳ đã tăng trưởng đều đặn trong suốt thập kỷ qua, với trung bình 10-12 GW công suất mới mỗi năm. Năm 2020, Hoa Kỳ đã ghi nhận kỷ lục lắp đặt 16.9 GW công suất điện gió mới.
+ Điện gió trên đất liền: Phần lớn các trang trại gió tại Mỹ nằm trên đất liền, đặc biệt là ở các bang có tiềm năng gió cao như Texas, Iowa, Oklahoma, Kansas, và California. Trong đó, Texas là bang dẫn đầu với hơn 37 GW công suất lắp đặt.
+ Điện gió ngoài khơi: Mặc dù bắt đầu muộn, điện gió ngoài khơi đang trở thành một lĩnh vực trọng điểm tại Hoa Kỳ, với các dự án lớn đang triển khai dọc theo bờ biển phía Đông. Các dự án như Vineyard Wind và Empire Wind là những dự án quan trọng trong kế hoạch phát triển năng lượng ngoài khơi của quốc gia.
- Công nghệ và sự phát triển công nghệ điện gió tại Hoa Kỳ
Hoa Kỳ là một trong những quốc gia đi đầu trong việc phát triển và ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong ngành điện gió, từ công nghệ tuabin đến quản lý lưới điện thông minh.
+ Công nghệ tuabin gió: Hoa Kỳ đã áp dụng công nghệ tuabin gió tiên tiến với công suất trung bình tăng đáng kể trong thập kỷ qua. Các tuabin gió hiện nay có công suất trung bình từ 2.5 MW đến 4 MW đối với các trang trại trên đất liền và lên đến 8-12 MW đối với các dự án điện gió ngoài khơi.
+ Hiệu suất cao hơn và công nghệ điều khiển tiên tiến: Các công ty sản xuất tuabin như GE Renewable Energy và Siemens Gamesa đã phát triển các dòng tuabin có hiệu suất cao hơn, tích hợp công nghệ điều khiển thông minh để tối ưu hóa sản lượng điện dựa trên điều kiện gió thực tế.
+ Điện gió ngoài khơi: Dự án ngoài khơi đầu tiên: Hoa Kỳ đã bắt đầu phát triển các dự án điện gió ngoài khơi, với dự án thương mại đầu tiên là Block Island Wind Farm ở bang Rhode Island, hoàn thành vào năm 2016 với công suất 30 MW.
+ Các dự án quy mô lớn: Chính phủ Mỹ đang đầu tư mạnh vào các dự án điện gió ngoài khơi, đặc biệt là dọc theo bờ biển phía Đông. Dự án Vineyard Wind với công suất 800 MW ở ngoài khơi bang Massachusetts là dự án quan trọng đầu tiên trong chuỗi các dự án điện gió ngoài khơi quy mô lớn.
2. Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
2.1. Điện mặt trời
Qua nghiên cứu kinh nghiệm thực thi chính sách phát triển điện năng lượng mặt trời của Trung Quốc, Đức, Hoa Kỳ có thể rút ra một số bài học cho Việt Nam như sau:
Thứ nhất, đặt ra những mục tiêu vừa phải và có tính ràng buộc. Trung Quốc cam kết sản xuất 30% nguồn cung năng lượng từ các nguồn năng lượng tái tạo vào năm 2030 như một cách để giảm ô nhiễm không khí. Đây chính là động lực chính cho cuộc cách mạng năng lượng mặt trời của Trung Quốc thành công như hiện nay. Đối với Việt Nam, trước hết, các cơ quan quản lý điện lực cần phối hợp với các địa phương rà soát, đánh giá đúng tiềm năng về điện mặt trời, quy hoạch sử dụng đất trên kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để xây dựng quy hoạch cụ thể, cũng như các dự án thu hút đầu tư.
Thứ hai, kinh nghiệm từ Trung Quốc và Hoa kỳ cho thấy, để thúc đẩy sự phát triển của ngành năng lượng sạch cũng như năng lượng mặt trời, Việt Nam cần một chính sách khoa học cụ thể kết hợp giữa công nghiệp và năng lượng để giúp ngành điện năng lượng mặt trời phát triển nhanh chóng, đồng thời phải có sự quyết liệt trong chỉ đạo thực hành các chính sách đó.
Thứ ba, Việt Nam cần có một mô hình tạo ra lợi nhuận. Trung Quốc sau thời gian dài áp dụng chính sách trợ cấp FiT một cách phát triển và ổn định thị trường thì hiện tại các nước đã đang chuyển sang hình thức đấu giá. Vì vậy Việt Nam cần thực hiện các đánh giá chuyên sâu về cách tiếp cận chính sách hiện nay của mình, và chọn một cách tiếp cận đáp ứng được các mục tiêu về biến đổi khí hậu, sự sẵn sàng của thị trường cho những công nghệ năng lượng tái tạo và thiết kế một hệ thống chính sách tạo ra nhiều lợi ích.
Thứ tư, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách ưu đãi đối với các dự án nhà máy điện mặt trời, như ưu đãi về thuế, đất đai, bù giá, vay vốn tín dụng và các hình thức hỗ trợ khác. Nghiên cứu ban hành các quy định về quản lý, các quy định về thu gom, xử lý, tái chế thiết bị chính của điện mặt trời khi không còn sử dụng. Đây là vấn đề lớn trong tương lai gần, cần có quy định pháp lý và chính sách rõ ràng, cộng với các cơ chế hạ tầng cụ thể. Với chính sách này, nếu áp dụng cho Việt Nam cần phải tạo môi trường đầu tư công bằng. Qua thực tế các chủ đầu tư “lách luật” chia nhỏ dự án dưới 1 MWp để được xác định là điện mặt trời mái, điều này dẫn đến tình trạng mất công bằng đối với các nhà đầu tư chân chính. Khi đó, các chủ đầu tư nghiễm nhiên được hưởng mức giá bán điện tốt hơn điện mặt trời nối lưới và không cần thực hiện các thủ tục pháp lý theo quy định. Vì vậy để hạn chế tình trạng này, các cơ quan chức năng cần làm rõ hơn thế nào là điện mặt trời mái nhà, thế nào là điện mặt trời nối lưới để làm rõ hai hình thức trên, trách tình trạng lợi dụng kẽ hở trong quản lý để chục lợi của các nhà đầu tư.
Thứ năm, cần lựa chọn công nghệ tiên tiến và thích hợp với điều kiện của quốc gia để đưa vào sản xuất. Để chuyển dần từ việc sử dụng các nguồn năng lượng truyền thống như điện than sang sử dụng các nguồn năng lượng sạch như điện mặt trời, Việt Nam cần có những bước đi cẩn trọng vì công nghệ sử dụng trong ngành năng lượng mặt trời là công nghệ rất cao.
Thứ sáu, nâng cao năng lực xây dựng, quản lý và vận hành các dự án nhà máy điện mặt trời ở các cấp thông qua việc phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam trong lĩnh vực điện mặt trời. Nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển năng lượng mặt trời bao gồm: những nhà quản lý có trình độ về xây dựng và tổ chức thực thi chính sách, pháp luật pháp triển điện mặt trời; những nhà nghiên cứu có trình độ nghiên cứu, chế tạo ra các công nghệ, thiết bị phục vụ cho khai thác, sản xuất và sử dụng năng lượng mặt trời; những người lao động có trình độ lắp đặt, vận hành, sửa chữa thiết bị cho các dự án nhà máy điện mặt trời.
2.1. Phát triển điện gió
- Tận dụng tiềm năng gió ven biển: Việt Nam có thể học từ các nước để phát triển điện gió ngoài khơi, tận dụng đường bờ biển dài của miền Trung và miền Nam để phát triển các dự án trang trại gió ngoài khơi. Tích hợp vào lưới điện thông minh: Việt Nam cần phát triển lưới điện thông minh để đảm bảo khả năng tích hợp điện gió vào hệ thống điện quốc gia, tăng cường ổn định và hiệu quả
- Chính sách: Khuyến khích đầu tư vào điện gió: Chính phủ cần cung cấp ưu đãi tài chính, tín dụng thuế, và các khoản vay ưu đãi cho các nhà đầu tư phát triển điện gió ngoài khơi, tương tự như cách mà các nước đã thực hiện.
- Bảo vệ quyền lợi cộng đồng địa phương: Việt Nam cần có các chính sách bảo vệ quyền lợi cho ngư dân và cộng đồng sống gần các dự án điện gió, đảm bảo rằng họ không bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các dự án.
- Một số giải pháp
3.1 Rà soát, tổng hợp lại các nguồn điện
Cần sớm rà soát, tổng hợp lại các nguồn điện theo Quy hoạch điện VIII để phân tích, đánh giá những khó khăn, thách thức trong phát triển tổng công suất lắp đặt nguồn điện bao gồm:
- Điện gió, bao gồm cả điện gió trên bờ và điện gió ngoài khơi còn nhiều cơ chế cần phải sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện
- Điện mặt trời đang gặp nhiều khó khăn trên thực tế có thể phát triển.
- Thủy điện phát triển không thuận lợi vì dung lượng không còn nhiều để phát triển
- Nguồn điện khí, bao gồm nhiệt điện khí trong nước và nhiệt điện LNG cần có những cơ chế, chính sách cụ thể để tiếp tục phát triển.
- Nguồn nhiệt điện than là một trong những nguồn điện đã, đang và sẽ gặp nhiều khó khăn đẻ phát triển bởi cam kết quốc tế và tài chính
3.2 Giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển
- Đối với nguồn điện đang phát triển ổn định, khuyến khích đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu suất và công suất phát điện. Đồng thời, bổ sung vào Quy hoạch điện VIII các nguồn điện có tiềm năng nhưng chưa có trong quy hoạch.
- Đối với nguồn nhiệt điện than, tìm giải pháp tháo gỡ, trước mắt tiếp tục duy trì phát triển nguồn điện than, sau đó hướng tới giảm dần tỉ trọng nhiệt điện than
- Đối với nhiệt điện khí, ưu tiên phát triển nguồn điện khí trong nước, phát triển các nguồn điện khí LNG nhập khẩu với quy mô phù hợp; xây dựng cơ chế chính sách phát triển nguồn điện khí.
- Tiếp tục đẩy mạnh phát triển nguồn điện gió trên bờ; thí điểm tiến tới triển khai thí điểm phát triển nguồn điện gió ngoài khơi.
- Xây dựng cơ chế chính sách tiếp tục đẩy mạnh phát triển nguồn điện mặt trời, bao gồm nguồn điện tự sản tự tiêu, điện mặt trời mái nhà.
- Rà soát, tiếp tục khuyến khích phát triển nguồn thủy điện, tập trung vào các nguồn thủy điện vừa và nhỏ.
- Xây dựng cơ chế, chính sách phát triển các nguồn năng lượng sinh khối và các nguồn năng lượng mới. Năng lượng sạch (hydrogen, amoniac…)
3.3 Giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách có liên quan nhằm phát triển nguồn năng lượng
- Cần nâng cao công tác thẩm định, thanh tra, kiểm tra và có chế tài nghiêm khắc đối với các dự án điện mặt trời không tuân thủ theo quy định pháp luật. Các cơ quan quản lý, các địa phương cần quản lý chặt chẽ hoạt động, mục đích của các dự án; không để chủ đầu tư hoạt động, sử dụng đất sai mục đích, không đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật, xây dựng, phòng chống cháy nổ, môi trường.
- Đẩy mạnh thực hiện chính sách hội nhập, mở cửa cho nước ngoài đầu tư vào ngành năng lượng và có ưu đãi trong áp thuế nhập khẩu đối với ngành công nghiệp năng lượng mặt trời, điện gió ngoài khơi.
- Các cơ quan quản lý điện lực cần tăng cường công tác giám sát cung – cầu điện, giám sát tiến độ thực hiện các dự án nguồn và lưới điện trong quy hoạch được phê duyệt, để đảm bảo các dự án nhà máy điện mặt trời sớm đi vào hoạt động và cung cấp điện cho phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài ra, các sở, ngành, địa phương cần thống nhất trách nhiệm quản lý các dự án. Theo đó, địa phương cần quản lý một cách chặt chẽ hoạt động, mục đích của nhà máy; không để chủ đầu tư hoạt động và sử dụng đất sai mục đích. Dù Nhà nước khuyến khích chủ trương phát triển điện mặt trời, cơ chế mở nhưng không thể buông lỏng trong quản lý.
- Đảm bảo sự an toàn về năng lượng, Việt Nam phải lựa chọn công nghệ tiên tiến và thích hợp với điều kiện của mình để đưa vào sản xuất. Đồng thời có những chính sách khuyến khích sự tham gia đầu tư hạ tầng truyền tải điện, với công nghệ lưới điện thông minh đã ứng dụng phổ biến trên thế giới, việc tư nhân đầu tư thêm đường truyền tải sẽ giúp các dự án điện mặt trời giải tỏa hết công suất mà vẫn có thể xác định chính xác lượng điện truyền tải, tiêu thụ đi các nơi.
1.Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 tại Đại Hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
- Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11 tháng 02 năm 2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
- Quyết định số 165/QĐ-TTg ngày 07/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng Hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
- Quyết định số 215/QĐ-TTg ngày 01 tháng 3 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030. Tầm nhìn đến năm 2045.
- Quyết định số 893/QĐ-TTg ngày 26/7/2023 Phê duyệt quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
- Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/52023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.