Kế hoạch phát triển công nghiệp - thương mại giai đoạn 2021 - 2025 Tỉnh Khánh Hòa

11:59 - 07/03/2021

 

Giai đoạn 2021 - 2025, kinh tế Việt Nam được dự báo có nhiều thuận lợi và khó khăn đan xen. Về mặt thuận lợi, sự phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0 và việc tham gia các FTA thế hệ mới như CPTPP và FTA Việt Nam - Li<

 

Dự báo giai đoạn 2021 - 2025, tình hình phát triển công nghiệp và thương mại trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa tiếp tục có sự phát triển, các dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp đang triển khai đầu tư xây dựng như: Nhà máy Nhiệt điện Sumitomo công suất 2.640MW, giai đoạn 1 dự kiến đi vào hoạt động năm 2023 với công suất 1.320MW, Nhà máy chế biến Lâm sản Ninh Thủy có công suất 100.000 BMDT/năm dự kiến đi vào hoạt động năm 2020; các khu công nghiệp Suối Dầu, Ninh Thủy triển khai đầu tư xây dựng nhà xưởng sẽ đi vào hoạt động trong năm 2020; một số khu, cụm công nghiệp đang được các nhà đầu tư quan tâm để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như Nam Cam Ranh, Dốc Đá Trắng, Tân Lập, Ninh Xuân, …; các Cụm công nghiệp Trảng É 1, Diên Phú VCN hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng, các đơn vị đầu tư thứ cấp đi vào hoạt động; các dự án điện mặt trời đi vào hoạt động góp phần tạo thêm năng lực mới cho ngành công nghiệp của tỉnh.

Tuy nhiên một số ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh như ngành chế biến thủy sản, sản xuất thuốc lá (bị ảnh hưởng bởi Luật Phòng chống tác hại thuốc lá, thuốc lá nhập lậu), sản xuất bia các loại (bị ảnh hưởng bởi Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ) sẽ có tốc độ tăng trưởng không cao, năng lực mới tăng thêm còn hạn chế. Bên cạnh đó, tình hình thời tiết thất thường, dịch bệnh cây trồng, vật nuôi còn nhiều diễn biến phức tạp, thị trường xuất khẩu đang ngày càng gia tăng các tiêu chuẩn và yêu cầu kỹ thuật đối với các mặt hàng xuất khẩu, các doanh nghiệp gặp phải những khó khăn về hàng rào kỹ thuật, các biện pháp phòng vệ thương mại của nhiều thị trường nhập khẩu lớn của Việt Nam.

Đứng trước những thuận lợi, khó khăn trên, ngành Công Thương tỉnh đặt ra một số kế hoạch, định hướng phát triển công nghiệp, thương mại giai đoạn 2021 - 2025 như sau: 

1.Kế hoạch phát triển công nghiệp - thương mại:

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng bình quân 6,3%/năm; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh ước đạt 598,515.95 tỷ đồng, tăng bình quân 9%/năm;  Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa phấn đấu đến năm 2025 đạt 2.000 triệu USD, tốc độ tăng bình quân giai đoạn từ 5 - 6%/năm.

2. Định hướng, nhiệm vụ chủ yếu phát triển công nghiệp - thương mại:

 - Tập trung ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp như: công nghiệp đóng tàu; công nghiệp chế biến, chế tạo; công nghiệp điện, điện tử, công nghiệp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; công nghiệp chế biến sâu vật liệu xây dựng.

- Tiếp tục phát triển công nghiệp dệt may, da giày ưu tiên tập trung vào các khâu tạo giá trị gia tăng cao gắn với các quy trình sản xuất thông minh, tự động hóa.

- Xây dựng các chính sách hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên phù hợp với từng giai đoạn cụ thể, trong đó chú trọng chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ, chương trình đồng bộ phát triển và nâng cấp cụm ngành và chuỗi giá trị sản xuất các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh.

-Thực hiện phân bố không gian phát triển công nghiệp theo 3 vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh: Khu kinh tế Vân Phong; thành phố Nha Trang; Khu vực Vịnh Cam Ranh.

- Đối với Khu kinh tế Vân Phong: tập trung thu hút đầu tư một số dự án lớn như: Trung tâm Điện lực Vân Phong, Cảng biển; Đóng tàu; Lọc hoá dầu, công nghiệp nặng, năng lượng mặt trời, công nghiệp hỗ trợ, vật liệu xây dựng…xây dựng kết cấu hạ tầng và lấp đầy Khu công nghiệp Ninh Thuỷ, cụm công nghiệp Ninh Xuân, chú trọng phát triển công nghiệp công nghệ cao khu vực Bắc Vân Phong. Với khu vực thành phố Nha Trang và vùng phụ cận: tập trung phát triển các ngành công nghiệp kỹ thuật cao như điện tử, tin học, công nghệ vật liệu mới; các ngành công nghiệp ít ô nhiễm môi trường, di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường ra khỏi nội thành, nội thị; phát triển cở sở công nghiệp nông thôn, sản phẩm công nghiệp phục vụ du lịch nhằm giải quyết lao động khu vực ngoại thành và lân cận. Tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng và lấp đầy các Cụm công nghiệp lân cận thành phố Nha Trang như: CCN Diên Phú – VCN, CCN Sông Cầu, CCN Diên Thọ.

- Khu vực vịnh Cam Ranh tập trung phát triển công nghiệp đóng tàu, công nghiệp phụ trợ, năng lượng mặt trời, chế biến nông sản thực phẩm, sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp may mặc, giày da…Tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng và lấp đầy 60% diện tích đất cho thuê đối với Khu công nghiệp Nam Cam Ranh, xây dựng kết cấu hạ tầng và lấp đầy các Cụm công nghiệp tại Cam Ranh, Cam Lâm như: Cam Thành Nam, Trảng É1,2,3; Tân Lập.

- Triển khai các dự án có tính động lực, sử dụng công nghệ cao; phát triển công nghiệp nông thôn, tiểu thủ công nghiệp phục vụ nhu cầu tại chỗ, hoạt động du lịch và xuất khẩu, góp phần giải quyết việc làm. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các cơ sở hạ tầng tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư, sản xuất kinh doanh, góp phần ổn định và tạo nguồn thu mới.

- Tăng cường thu hút FDI quy mô lớn và các ngành công nghệ cao, công nghệ mới, tiên tiến, thân thiện môi trường; tăng cường sự kết nối giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI thông qua các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước.

3. Giải pháp thực hiện chủ yếu:

Để hoàn thành các mục tiêu và định hướng trên, ngành Công Thương của tỉnh triển khai thực hiện tốt các giải pháp sau.

Thứ nhất, tiếp tục triển khai thực hiện quy hoạch phát triển công nghiệp giai đoạn 2015 - 2025, có xét đến năm 2030, Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2016 - 2025, có xét đến 2035 làm cơ sở cho việc điều hành, quản lý và phát triển.

Thứ hai, triển khai thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh thực hiện Chương trình hành động số 23-CTr/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính
sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Thứ ba, tiếp tục thực hiện Kế hoạch số 12176/KH-UBND ngày 28/11/2018 triển khai thực hiện Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 04/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế theo hướng hiệu lực và hiệu quả hơn trên
địa bàn tỉnh Khánh Hòa và Kế hoạch thực hiện Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa theo Quyết định số 765/QĐ-UBND ngày 18/3/2019 của UBND tỉnh.

Thứ tư, tăng cường công tác kêu gọi các tập đoàn lớn trong và ngoài nước đầu tư các dự án công nghiệp, đầu tư hạ tầng khu công nghiệp trên địa bàn nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp.

Thứ năm, thực hiện có hiệu quả chương trình hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, lựa chọn các nhóm ngành công nghiệp hỗ trợ cần ưu tiên phát triển phù hợp với điều kiện phát triển của tỉnh.

Thứ sáu, chuyển từ tăng trưởng chủ yếu theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu trên cơ sở sử dụng có hiệu quả các thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến, coi trọng các ngành hàng và sản phẩm công nghiệp sử dụng công nghệ cao để tăng năng suất lao động, nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm hàng hoá và dịch vụ trong môi trường hội nhập kinh tế quốc tế. Chú trọng nâng cao hàm lượng khoa học công nghệ của sản phẩm hàng hoá và dịch vụ phục vụ cho thị trường nội địa và xuất khẩu.

Thứ bảy, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và bình đẳng hơn cho khu vực tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bên cạnh đó, phát triển nguồn nhân lực và đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ phục vụ cho các các lĩnh vực công nghiệp.

Thứ tám, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình khuyến công nhằm phát triển công nghiệp nông thôn, tiểu thủ công nghiệp truyền thống, nhất là sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, vật liệu xây dựng, đồ mộc dân dụng, chế biến lương thực thực phẩm,... nhằm tăng thêm thu nhập cho người lao động, giải quyết việc làm và góp phần từng bước hiện đại hóa nông thôn; đào tạo nghề, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp mới; nâng cao năng lực quản lý cho các cơ sở công nghiệp nông thôn; hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và tiến bộ khoa học kỹ thuật; phát triển hoạt động tư vấn, cung cấp thông tin; hỗ trợ liên doanh, liên kết, hợp tác kinh tế.

Thứ chín, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá trực tiếp các sản phẩm đến người tiêu dùng của các thị trường nước ngoài, đặc biệt là các nước mà Việt Nam đã ký kết hiệp định thương mại tự do. Đẩy mạnh công tác phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Tăng cường công tác quản lý các hoạt động thương mại điện tử, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tham gia quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm, mua bán hàng hóa thông qua Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Khánh Hòa.

Thứ mười, phổ biến kịp thời đến các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xuất khẩu về các chính sách về xuất khẩu, thị trường tiêu thụ sản phẩm ở nước ngoài và những thông tin về thay đổi chính sách từ các nước nhập khẩu. Tạo điều kiện
cho doanh nghiệp mở rộng thị trường, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh./.

Nguồn: Báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Khánh Hòa

Đỗ Thị Bích Thủy

Phòng Thông tin, Thư viện và Xúc tiến Thương mại