Hội thảo định kỳ Đóng góp ý kiến 16 báo cáo chuyên đề và 27 báo cáo khảo sát thuộc Dự án “Tạo thuận lợi và tăng cường hiệu quả thương mại biên giới giữa Việt Nam với Trung Quốc, Lào và Campuchia”. 7.9.2024
22:37 - 21/11/2024
Ngày 06/9/2024, tại hội trường tầng 1, trụ sở của Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương, số 17 Yết Kiêu, Phường Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội đã diễn ra Hội thảo định kỳ Đóng góp ý kiến 16 báo cáo chuyên đề và 27 báo cáo khảo sát thuộc Dự án “Tạo thuận lợi và tăng cường hiệu quả thương mại biên giới giữa Việt Nam với Trung Quốc, Lào và Campuchia”.
Trong phiên buổi sáng, Hội thảo do TS. Lê Huy Khôi – Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương chủ trì. Tham dự buổi Hội thảo còn có các chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo các Phòng, Ban của Viện và các đại biểu quan tâm đến dự.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Lê Huy Khôi cho rằng, Hội thảo được tổ chức nhằm tạo thuận lợi và tăng cường hiệu quả thương mại biên giới giữa Việt Nam với Trung Quốc, Lào và Campuchia trong giai đoạn tới, đặt ra những vấn đề buộc Việt Nam cần tập trung vào một số giải pháp hợp tác khu vực và song phương với Trung Quốc, Lào và Campuchia.
Hội thảo đã được nghe tham luận đóng góp cho Báo cáo về tỉnh Lào Cai của ông Hoàng Minh Hải – Nghiên cứu viên, Trung tâm Tham vấn WTO và FTAs, bao gồm các nội dung: Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Lào Cai; Tình hình thương mại biên giới; Phát triển hạ tầng và logistic; Chỉ ra các thách thức, vướng mắc và đề xuất một số kiến nghị. Cùng với đó, Hội thảo cũng được nghe một số nội dung về Thực trạng quản lý nhà nước và Thuận lợi hóa thương mại biên giới đối với các cửa khẩu tại tỉnh Thanh Hóa được nêu trong tham luận của ThS. Phan Thế Quyết – Phó Tổng biên tập, Tạp chí Nghiên cứu Công nghiệp và Thương mại.
Sau khi nghe tóm tắt nội dung, các chuyên gia, nhà khoa học, các đại biểu đã đưa ra các ý kiến nhận xét, đóng góp cho báo cáo các tỉnh Lào Cai và Thanh Hóa, trong đó tập trung vào các vấn đề như: phát triển cơ sở hạ tầng tại các cửa khẩu; đơn giản hóa thủ tục hành chính tại cửa khẩu và thúc đẩy hợp tác song phương giữa Việt Nam với Trung Quốc và Lào.
Phát biểu bế mạc phiên làm việc buổi sáng, TS. Lê Huy Khôi đã trân trọng cám ơn các chuyên gia, các nhà khoa học, các đại biểu đã đến tham dự và đóng góp những ý kiến thiết thực, có giá trị để nhóm chủ nhiệm tiếp thu chỉnh sửa và hoàn thiện báo cáo nghiên cứu thực tế tại các tỉnh Lào Cai và Thanh Hóa.
Tiếp nối phiên làm việc buổi sáng, trong buổi chiều, Hội thảo do TS. Nguyễn Văn Hội – Viện trưởng, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương điều hành, đã được nghe Báo cáo về các tỉnh Quảng Bình và Lạng Sơn lần lượt do bà Nguyễn Khánh Linh – Nghiên cứu viên, Tạp chí Nghiên cứu Công nghiệp và Thương mại và ThS. Trần Thị Hà My – Nghiên cứu viên, Phòng Môi trường và phát triển bền vững trình bày. Hai tham luận trên chủ yếu tập trung vào nội dung thực trạng thương mại biên giới giữa Việt Nam và Lào/Trung Quốc qua các cửa khẩu của Quảng Bình/Lạng Sơn giai đoạn 2015 – 2024, từ đó nêu lên một số vướng mắc về số liệu do chưa có điều kiện đi nghiên cứu thực tế.
Trả lời về vấn đề này, TS. Nguyễn Văn Hội bày tỏ sự chia sẻ đồng thời nhấn mạnh rằng việc khảo sát tại các cửa khẩu là một phần quan trọng để đảm bảo tính chính xác và toàn diện của báo cáo. Dữ liệu thu thập thực tế sẽ giúp đánh giá sâu hơn về tình hình thương mại biên giới, từ đó đề xuất các giải pháp cụ thể nhằm tăng cường hiệu quả giao thương.
Phát biểu bế mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Văn Hội đã trân trọng cám ơn các chuyên gia, các nhà khoa học, các đại biểu đã đến tham dự và đóng góp những ý kiến thiết thực, có giá trị. Hội thảo cũng đánh giá cao những nỗ lực nghiên cứu của các chủ nhiệm nhiệm vụ và đồng ý với kiến nghị về việc tổ chức khảo sát thực tế. Lãnh đạo Viện cam kết sẽ sắp xếp và hỗ trợ về mặt thời gian cũng như nguồn lực để tạo điều kiện cho các đoàn nghiên cứu có thể tiếp cận thực địa trong thời gian sớm nhất, giúp hoàn thiện báo cáo và nâng cao tính chính xác của các kết quả nghiên cứu./.
Nguyễn Minh Anh
Tạp chí Nghiên cứu Công nghiệp và Thương mại