HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ CỦA VIỆT NAM: THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP
11:25 - 05/12/2023
Lê Văn Hóa[1]; Phùng Thị Vân Kiều[2]
Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế (HNKTQT) từ năm 1995 với việc gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào tháng 7/1995. HNKTQT thời kỳ 1995 - 2022 đạt được những thành tựu như mở rộng và đưa quan hệ của nước ta với các đối tác đi vào chiều sâu, thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài, tăng kim ngạch, mở rộng thị trường, chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu… Bên cạnh những kết quả đạt được, HNKTQT còn những tồn tại, hạn chế như pháp luật, chính sách còn thiếu và chưa đồng bộ, việc ứng phó với biến động và xử lý những tác động từ môi trường khu vực, quốc tế còn bị động…Bởi vậy, bài viết sẽ phân tích thực trạng HNKTQT, chỉ ra những kết quả đạt được, những hạn chế và nguyên nhân, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả HNKTQT của Việt Nam đến năm 2030.
Từ khoá: Giải pháp; Hội nhập kinh tế quốc tế (HNKTQT); Hiệp định Thương mại tự do (FTA); Việt Nam.
Việt Nam HNKTQT từ năm 1995. Tính đến ngày 31/12/2022, Việt Nam đã là thành viên của tất cả các tổ chức khu vực, quốc tế lớn (ASEAN, ASEM, APEC, WTO…), tham gia đàm phán 18 hiệp định thương mại tự do (FTA), ký kết và thực thi 15 FTA, có quan hệ thương mại song phương với 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, ký kết trên 90 hiệp định thương mại song phương (ký với Hoa Kỳ năm 2000), gần 60 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, 54 hiệp định chống đánh thuế hai lần. 28 năm HNKTQT (1995 - 2022), kinh tế Việt Nam đã từng bước hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu. HNKTQT là một trong những động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế đất nước.
- Thực trạng hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam thời kỳ 1995 - 2022
1.1. Kết quả đạt được
HNKTQT của Việt Nam thời kỳ 1995 - 2022 đạt được các kết quả sau:
Thứ nhất, HNKTQT đã đóng góp quan trọng vào việc mở rộng và đưa quan hệ của nước ta với các đối tác đi vào chiều sâu, giữ vững độc lập, chủ quyền, nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế
Việt Nam chủ động đàm phán, ký kết và thực thi các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới và đảm nhiệm vai trò Chủ tịch APEC (năm 2006 và năm 2017), Chủ tịch ASEAN (năm 2010 và năm 2020)… giúp Việt Nam phát huy tiếng nói trong các khuôn khổ đa phương, cùng các đối tác tham gia quá trình định hình các cấu trúc, xây dựng luật lệ kinh tế - thương mại phù hợp lợi ích chung. Vì vậy, HNKTQT đã đóng góp quan trọng vào việc mở rộng và đưa quan hệ của nước ta với các đối tác đi vào chiều sâu, tạo thế đan xen lợi ích, góp phần gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội; quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam, nâng cao uy tín và vị thế của nước ta trên trường quốc tế.
Thứ hai, HNKTQT đã thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài, tăng kim ngạch, mở rộng thị trường và chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu
HNKTQT là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế, làm tăng sức mạnh tổng hợp quốc gia. Việc mở cửa nền kinh tế trở thành động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng (GDP tăng bình quân 11,43%/năm) và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực (tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp), nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm.
HNKTQT đã góp phần thúc đẩy thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam. Thời kỳ 1995 - 2022, Việt Nam thu hút được 39.313 dự án với tổng vốn đăng ký 541.149,4 triệu USD, tổng vốn thực hiện 269.227,4 triệu USD (chiếm 49,75% tổng vốn đăng ký). Số dự án và vốn thực hiện hàng năm có xu hướng gia tăng trong thời kỳ này, tăng từ 415 dự án với vốn thực hiện là 7.925,2 triệu USD năm 1995 lên 2.169 dự án với vốn thực hiện là 22.396 triệu USD năm 2022. Vốn FDI vào Việt Nam chiếm 22,87% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, đóng góp 18,16% GDP và 54,82% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa.
[1] Cử nhân, Trưởng phòng Nghiên cứu chiến lược, chính sách thương mại - Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương
[2] Thạc sĩ, Phó Trưởng phòng Nghiên cứu chiến lược, chính sách thương mại - Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương