Hiện trạng và giải pháp phát triển cụm ngành công nghiệp điện tử tại Việt Nam
09:10 - 19/11/2024
ThS. Phạm Ngọc Bích, ThS. Nguyễn Mạnh Linh
Mô hình cụm ngành công nghiệp (CNCN, hay cụm liên kết công nghiệp; cụm liên kết ngành) đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác, liên kết trong sản xuất, kinh doanh. Sự tập trung về mặt địa lý giúp các thành viên trong cụm ngành phát huy hiệu quả kinh tế theo quy mô như thị trường, công nghệ, nhân lực, các yếu tố đầu vào, các dịch vụ hỗ trợ,... Tại Việt Nam, công nghiệp điện tử có đóng góp lớn nhất vào giá trị tăng thêm và kim ngạch xuất khẩu của ngành công nghiệp. Trong nước đã hình thành các khu vực có tích tụ công nghiệp, có điều kiện để phát triển mô hình CNCN. Tuy nhiên mức độ phát triển còn khá sơ khai, hợp tác, liên kết giữa chủ thể trong cụm ngành mờ nhạt. Bài viết phân tích hiện trạng phát triển CNCN điện tử tại Việt Nam và đề xuất một số giải pháp trọng tâm để phát triển mô hình này.
- Hiện trạng công nghiệp điện tử Việt Nam
Năm 2022, giá trị tăng thêm (VA) công nghiệp điện tử Việt Nam đạt 418,6 nghìn tỷ đồng (theo giá hiện hành), cao nhất trong các ngành công nghiệp cấp 2 (theo Hệ thống ngành kinh tế) và đóng góp khoảng 13,2% VA toàn ngành công nghiệp. Giai đoạn 2016 - 2022, tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 15,1%/năm, cao gấp 2,2 lần tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp (là 6,9%/năm). Chỉ số sản xuất công nghiệp ngành điện tử tăng trưởng rất nhanh, đặc biệt là trong giai đoạn 2015 - 2018. Năm 2023, sau nhiều năm liên tục tăng, chỉ số sản xuất công nghiệp ngành điện tử giảm còn 99,2%. Nguyên nhân chủ yếu do lạm phát, suy giảm kinh tế, tổng cầu thế giới về các sản phẩm điện tử giảm mạnh.
Về doanh nghiệp (DN), lao động, tính đến hết 31/12/2022, số DN ngành điện tử là 2.526, thu hút 829,4 nghìn lao động. Số lao động bình quân trên mỗi DN điện tử là rất lớn, đạt 328 lao động/DN, gấp 5,2 lần mức bình quân chung của toàn ngành công nghiệp. Sản phẩm chủ yếu của ngành điện tử là các loại điện thoại di động, tivi, máy in,… Trong đó sản lượng điện thoại di động cao nhất là năm 2015, đạt 235,6 triệu chiếc, sau đó có xu hướng giảm dần, năm 2023 còn 158,9 triệu chiếc. Sản lượng điện thoại cố định cũng suy giảm. Nguyên nhân chính là do các nhà sản xuất đã tăng sản lượng sản phẩm điện thoại cao cấp, đa chức năng, giảm sản lượng các sản phẩm đơn giản, thế hệ cũ.
Về xuất khẩu, hiện nay điện tử là ngành có đóng góp lớn nhất vào kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, chiếm khoảng trên 30% tổng kim ngạch xuất khẩu. Việt Nam cũng nằm trong nhóm các quốc gia xuất khẩu hàng điện tử hàng đầu trên thế giới.[1] Giai đoạn 2015 - 2022, kim ngạch xuất khẩu ngành điện tử liên tục tăng nhưng có giảm nhẹ vào 2023 (năm 2023 đạt 117,3 tỷ USD, giảm so với 119,9 tỷ USD năm 2022 nguyên nhân do tổng cầu thế giới giảm mạnh). Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là: (i) hàng điện tử, máy tính và linh kiện và (ii) điện thoại và linh kiện. Tuy có đóng góp lớn vào giá trị xuất khẩu, nhưng xuất khẩu chủ yếu là thuộc về khu vực DN FDI, số DN nội địa tham gia xuất khẩu hầu như không có. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, DN FDI chiếm tới trên 99% giá trị xuất khẩu sản phẩm điện tử.
(Thông tin chi tiết bài viết tại đây)
[1] Năm 2020, Việt Nam đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu hàng điện tử, sau Trung Quốc; Hong Kong - Trung Quốc; Hàn Quốc và Singapore.