Giải pháp phát triển Logistics của Việt Nam đến năm 2030

14:05 - 29/03/2023

Bài viết đăng trên tạp chí in số 82 (T2/2023)

Nguyễn Văn Hội, ThS. Phùng Thị Vân Kiều và ThS. Hà Ngọc Thanh

                        Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương

Việt Nam có nhiều tiềm năng và lợi thế trong phát triển logistics. Chính phủ Việt Nam đã chú trọng vào việc xây dựng và phát triển logistics trên cơ sở tận dụng các tiềm năng, lơi thế và đưa dịch vụ logistics trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam, đóng góp tích cực vào cải thiện năng lực cạnh tranh chung của nền kinh tế. Phát triển logistics Việt Nam giai đoạn 2017 - 2022 đã đạt được các kết quả như tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ khá cao 14% - 16%/năm, với quy mô khoảng 40 - 42 tỷ USD/năm… Bên cạnh những kết quả đạt được, logistics Việt Nam giai đoạn này còn những tồn tại, hạn chế như năng lực cạnh tranh vẫn còn thấp, chi phí logistics cao hơn nhiều so với các nước trên thế giới (tương đương 20,9% GDP, trong khi mức bình quân thế giới là 14%), đóng góp vào GDP chỉ từ 4% - 5%... Bởi vậy, bài viết sẽ phân tích thực trạng phát triển logistics Việt Nam giai đoạn 2017 - 2022, chỉ ra những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp phát triển logistics Việt Nam đến năm 2030.

Từ khoá: Giải pháp; Logistics; Phát triển; Thực trạng; Việt Nam.

1. Thực trạng phát triển logistics Việt Nam giai đoạn 2017 - 2022

1.1. Kết quả đạt được

Phát triển logistics Việt Nam giai đoạn 2017 - 2022 đã đạt được một số kết quả sau:

Thứ nhất, hệ thống các văn bản chính sách, pháp luật về logistics được xây dựng tương đối đầy đủ, phù hợp với các cam kết quốc tế

Hệ thống các văn bản chính sách, pháp luật về logistics được xây dựng tương đối đầy đủ, phù hợp với các cam kết quốc tế và các Điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, tạo hành lang pháp lý, hệ thống chính sách, pháp luật đồng bộ về mọi lĩnh vực, giúp hàng hóa lưu chuyển nhanh, với chi phí thấp và hiệu quả, thúc đẩy hoạt động logistics ngày càng phát triển bền vững.

Thứ hai, kết cấu hạ tầng logistics được đầu tư phát triển nhanh, bước đầu phát huy hiệu quả

Giai đoạn 2017 - 2022, kết cấu hạ tầng logistics được đầu tư phát triển nhanh, bước đầu phát huy hiệu quả. Nhiều công trình lớn, hiện đại đã được đưa vào khai thác. Các hạ tầng liên quan như đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không đã có sự phát triển đột phá và mạnh mẽ.  Việc tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông có trọng tâm, trọng điểm đã góp phần tái cơ cấu hợp lý lĩnh vực vận tải, bảo đảm kết nối hài hoà các phương thức vận tải, phát huy thế mạnh của từng phương thức, làm giảm chi phí vận tải, nâng cao hiệu quả, chất lượng dịch vụ vận tải, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. 

Kết cấu hạ tầng logistics được cải thiện đáng kể từ hệ thống đường bộ, đường cao tốc, đường hàng không, đường sắt, đường thủy nội địa, cảng biển, cảng cạn, sân bay đến trung tâm logistics, kho tàng, bến bãi (kho ngoại quan, kho bảo thuế, kho lạnh…). Chính phủ và các Bộ, ngành quan tâm đầu tư phát triển hệ thống đường bộ, đặc biệt các tuyến cao tốc, các sân bay, các cảng biển, các trung tâm logistics, các bến bãi vận tải, giao nhận hàng hóa phục vụ cho giao thương hàng hóa nội địa và hoạt động xuất nhập khẩu. Nâng cấp và xây mới nhiều tuyến cao tốc, sân bay, bến cảng và trung tâm logistics hiện đại đã góp phần nâng cao năng lực xử lý hàng hóa, thúc đẩy lưu thông hàng hóa nhanh chóng và thuận tiện.

Thứ ba, doanh nghiệp logistics tăng về số lượng và dần được cải thiện về năng lực

Số lượng doanh nghiệp logistics Việt Nam tăng trưởng bình quân 4,76%/năm, từ 24.016 doanh nghiệp năm 2017 tăng lên 30.442 doanh nghiệp năm 2022. Chỉ số năng lực hoạt động logistics của Việt Nam tăng và đạt 3,27 điểm (năm 2018) so với 2,98 điểm của năm 2016.

Giai đoạn 2017 - 2022, doanh nghiệp logistics Việt Nam tăng về số lượng, từng bước nâng cao năng lực và tham gia tích cực vào việc hỗ trợ sản xuất, lưu thông trong nước, xuất nhập khẩu hàng hóa. Các doanh nghiệp tham gia vào nhiều khâu trong chuỗi dịch vụ logistics, tiến dần đến những khâu có giá trị gia tăng cao. Đã từng bước hình thành một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong lĩnh vực logistics, ứng dụng công nghệ hiện đại, có khả năng cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài như Tân Cảng Sài Gòn, có đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.

Thứ tư, chất lượng dịch vụ logistics được nâng lên

Chất lượng dịch vụ logistics của các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng được nâng lên. Hiện có khoảng 5.000 doanh nghiệp Việt Nam cung cấp dịch vụ 3PL. Việt Nam có đầy đủ các dịch vụ trong ngành logistics, nhiều dịch vụ đang phát triển theo mô hình tiên tiến trên thế giới như các dịch vụ giao nhận và chuyển phát, dịch vụ cảng cạn ICD. Những dịch vụ này đã áp dụng nhiều tiến bộ khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo (AI), đội ngũ quản lý ngày càng có trình độ…

Một số doanh nghiệp nội địa có quy mô lớn đã cung ứng dịch vụ logistics sang các nước Đông Nam Á. Hiện có khá nhiều doanh nghiệp logistics đang nghiên cứu các thị trường tại châu Á, châu Phi để cung ứng dịch vụ logistics quốc tế.

Thứ năm, mở rộng thị trường logistics 

Thị trường logistics Việt Nam ngày càng được mở rộng. Theo bảng xếp hạng của Agility 2022, thị trường logistics Việt Nam được xếp hạng thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu. Xếp hạng, điểm số, cơ hội quốc tế và nguyên tắc cơ bản về kinh doanh có xu hướng tăng trong giai đoạn 2017 - 2022 (xem Bảng 1.8 trong Báo cáo tổng hợp).

Ngành dịch vụ logistics Việt Nam đã thể hiện vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa, góp phần thực hiện các FTA thế hệ mới. Khối lượng vận chuyển hàng hóa bằng các phương thức vận tải tăng trưởng bình quân 8,16%/năm giai đoạn 2017 - 2022, từ 1.383,2 triệu tấn năm 2017 lên 2.009,6 triệu tấn năm 2022.

1.2. Tồn tại, hạn chế và nguyên nhân

Bên cạnh những kết quả đạt được, phát triển logistics Việt Nam giai đoạn 2017 - 2022 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế sau:

Thứ nhất, logistics phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của đất nước  

Việt Nam có tiềm năng và lợi thế trong phát triển logistics, giai đoạn 2017 - 2022 logistics Việt Nam phát triển nhanh, nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của đất nước. Chi phí logistics còn cao tương đương 20,8% GDP (trong khi mức bình quân của thế giới là 14%), năng lực cạnh tranh thấp. Tỷ trọng đóng góp của dịch vụ logistics vào GDP hàng năm ở mức 4% - 5% GDP.

Thứ hai, chính sách, pháp luật về logistics chưa hoàn thiện

Hệ thống khung pháp lý, các văn bản chính sách, pháp luật về logistics tuy nhiều nhưng chưa hoàn thiện. Hiện nay, Nghị định số 163/2017/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2017 quy định về kinh doanh dịch vụ logistics là văn bản điều chỉnh trực tiếp điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics, tuy nhiên doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics còn phải tuân thủ quy định tại nhiều văn bản pháp luật chuyên ngành khác. Các quy định này lại chỉ tập trung vào các khía cạnh liên quan như kinh doanh xuất nhập khẩu hàng hóa, lưu kho hải quan…

Một số quy định của chính sách, pháp luật về logistics vẫn còn chồng chéo, phát sinh nhiều thủ tục hành chính và kiểm tra chuyên ngành chưa phù hợp. Mặc dù, các cơ quan chủ quản đã ban hành nhiều văn bản để hướng dẫn khắc phục nhưng chưa có sự đánh giá tình hình thực hiện các chính sách quản lý, phát triển ngành logistics một cách tổng thể để kịp thời sửa đổi cho phù hợp với đặc thù của hoạt động logistics trong thực tiễn.

Thứ ba, hạ tầng logistics chưa đồng bộ, còn phân tán và thiếu tính kết nối

Hạ tầng logistics Việt Nam đã được cải thiện đáng kể trong giai đoạn 2017 - 2022 từ hệ thống đường bộ, đường cao tốc, đường hàng không, đường sắt, đường thủy nội địa, cảng biển, cảng cạn, sân bay đến trung tâm logistics, kho tàng, bến bãi, nhưng vẫn chưa hoàn thiện và đồng bộ, chưa tạo thuận lợi cho hoạt động logistics giảm chi phí lưu thông và phát triển bền vững.

Hệ thống đường bộ, đặc biệt là đường cao tốc giữa các địa phương và quy hoạch cảng biển, kho bãi còn phân tán, thiếu tính kết nối. Nước ta có khoảng 90 trung tâm logistics nhưng dưới 10 ha, với diện tích này chỉ như một “cảng cạn”. Do đó đã làm cản trở sự phát triển bền vững của các ngành, địa phương, đặc biệt với ngành logistics. Xuất khẩu hiện nay 90% là đường biển, nhưng chúng ta chỉ đảm nhận được có 10% cầu logistics, còn lại 90% do nước ngoài. Đây là những rào cản đối với sự phát triển các hoạt động vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu, lưu trữ kho bãi, quản trị chuỗi cung ứng toàn diện tại Việt Nam hiện nay. 

Thứ tư, doanh nghiệp logistics chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hạn chế cả về vốn, nhân lực cũng như kinh nghiệm hoạt động quốc tế

Tính đến năm 2022, Việt Nam có 37.406 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trong lĩnh vực logistics với mã ngành 5229. Doanh nghiệp logistics trong nước chiếm 89% tổng số doanh nghiệp logsitics, nhưng chỉ chiếm khoảng 30% thị phần. Trong khi, doanh nghiệp logistics có vốn đầu tư nước ngoài chỉ chiếm 11% tổng số doanh nghiệp logistics, nhưng có quy mô lớn nên chiếm giữ khoảng 70% thị phần.

 Doanh nghiệp logistics Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ (chiếm 95% tổng số doanh nghiệp logistics), hạn chế cả về vốn, nhân lực cũng như kinh nghiệm hoạt động quốc tế, chưa có sự liên kết giữa các khâu trong chuỗi cung ứng và giữa doanh nghiệp dịch vụ logistics với doanh nghiệp xuất, nhập khẩu nên sức cạnh tranh yếu, đa phần làm dịch vụ ở các chuỗi cung ứng nhỏ, thiếu chuyên nghiệp… Nhìn vào thực tế, doanh nghiệp logistics Việt Nam chỉ mới được khách hàng thuê vận chuyển tới cảng nội địa, sau cảng là do doanh nghiệp nước ngoài quyết định đơn vị vận chuyển. Vì thế, ở cả chiều mua và bán, doanh nghiệp logistics trong nước đều hạn chế về “sân chơi”. 

Thứ năm, thị trường logistics còn thiếu tính minh bạch

Thị trường logistics còn thiếu tính minh bạch, cạnh tranh chưa lành mạnh, chưa phát huy được hết nội lực và lợi thế để phát triển một cách bền vững. Chi phí logistics cao, liên kết kinh tế giữa các địa phương và vùng lãnh thổ vẫn chưa chặt chẽ… Hoạt động logistics lượng hàng hóa vận chuyển, vận tải qua hình thức đường bộ vẫn đang chiếm một tỷ trọng rất lớn (khoảng 70%). Trong khi các phương thức khác như đường sắt, đường biển, đường thủy thì tỷ trọng còn nhỏ.

Những tồn tại, hạn chế nêu trên xuất phát từ những nguyên nhân chính sau:

- Cơ chế phối hợp liên ngành trong lĩnh vực logistics có lúc có nơi còn chưa được phát huy hiệu quả và đồng bộ. 

- Hoạt động triển khai, điều phối các nhiệm vụ phát triển logistics quốc gia còn gặp nhiều khó khăn do đặc thù ngành logistics bao gồm nhiều lĩnh vực thuộc sự quản lý của nhiều Bộ, ngành khác nhau.

- Công tác phối hợp nghiên cứu, triển khai xây dựng quy hoạch của các Bộ, ngành, địa phương chưa thực sự phát huy hiệu quả, hiệu lực. Hầu hết các chiến lược, quy hoạch tổng thể về phát triển dịch vụ logistics của Chính phủ mới dừng ở cấp chiến lược, tầm nhìn dài hạn, chưa có quy hoạch chi tiết cho dịch vụ logistics.

- Quy hoạch hạ tầng logistics ở Việt Nam còn mang tính rời rạc và thường tập trung vào các phương thức đơn lẻ như quy hoạch mạng lưới đường bộ, quy hoạch hệ thống cảng, quy hoạch mạng lưới cảng cạn/ICD; quy hoạch kết nối các đầu mối logistics hay quy hoạch kết nối giữa các phương thức vận tải đa phương thức còn rất hạn chế; chưa có quy hoạch nào kết nối giữa đường bộ và đường thủy; đầu tư cho hạ tầng giao thông vẫn chủ yếu chỉ tập trung vào đường bộ (đường ô tô) mà không chú ý đầu tư phát triển hạ tầng để kết nối với đường sắt, đường sông, đường biển.

- Khả năng phối hợp của các địa phương trong thực hiện nhiệm vụ tại Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14 tháng 02 năm 2017 về việc phê duyệt Kế hoạch hành động Logistics và sự phối giữa địa phương và doanh nghiệp logistics còn nhiều hạn chế.

- Hạn chế về quy mô doanh nghiệp và khả năng kêu gọi, huy động vốn, về kinh nghiệm và trình độ quản lý, khả năng áp dụng công nghệ thông tin cũng như trình độ nguồn nhân lực chưa đáp ứng yếu cầu hoạt động quốc tế và một nguyên nhân quan trọng nữa là không có đầu mối nguồn hàng do Việt Nam chủ yếu xuất FOB và nhập CIF, ngoài ra có hạn chế về kết cấu hạ tầng logistics và chi phí vận tải trên đường bộ, phụ phí cảng biển do các chủ tàu nước ngoài áp đặt.

- Nguồn nhân lực logistics của Việt Nam hiện nay còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng yêu cầu, đặc biệt thiếu các chuyên viên logistics giỏi có năng lực ứng dụng và triển khai tại các doanh nghiệp. Nguồn nhân lực thiếu về số lượng, yếu về trình độ chuyên môn, thiếu kinh nghiệm và tính chuyên nghiệp. Các chuyên gia được đào tạo chuyên nghiệp về lĩnh vực này quá ít so với yêu cầu phát triển của ngành dịch vụ logistics. Hiện nay, chỉ khoảng 30% nhân lực trong lĩnh vực logistic được đào tạo về logistic bài bản, số còn lại là tự học ngay trong qua trình làm việc. Phần lớn kiến thức mà những người làm logistics có được là từ thực tiễn làm việc hoặc làm đối tác cho các doanh nghiệp nước ngoài chuyên làm trong ngành dịch vụ này.

  1. Một số giải pháp chủ yếu nhằm phát triển logistics Việt Nam đến năm 2030

Giai đoạn đến năm 2030, kinh tế và thương mại toàn cầu có xu hướng phục hồi trong bối cảnh thế giới có những chuyển biến lớn và khó lường, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xu hướng bảo hộ, xung đột thương mại tiếp tục gia tăng; Cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra mạnh mẽ, làm thay đổi cấu trúc sản xuất, phương thức vận chuyển, nâng cấp công nghệ trong lĩnh vực logistics; Chuyển đổi số (số hóa) chuỗi cung ứng là việc ứng dụng các giải pháp công nghệ để tối ưu hóa quy trình cung ứng, giúp quá trình này diễn ra nhanh hơn, chủ động và đáp ứng được khối lượng giao dịch lớn hơn; Ngành logistics ngày càng nhận được sự quan tâm phát triển của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo; Việt Nam hội nhập ngày càng sâu vào kinh tế khu vực và thế giới, bên cạnh việc phải thực hiện các cam kết mở cửa thị trường, mở ra nhiều cơ hội phát triển thương mại và logistics... Bối cảnh quốc tế và trong nước với nhiều cơ hội và thách thức đan xen sẽ ảnh hưởng tới phát triển logistics Việt Nam trong những năm tới.

2.1. Giải pháp về phía Nhà nước

(1) Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về logistics

- Rà soát các văn bản chính sách, pháp luật liên quan đến logistics, sửa đổi, ban hành mới các chính sách, pháp luật điều chỉnh dịch vụ logistics nói chung và từng ngành cụ thể (vận tải, kho bãi, giao nhận, giám định…), nội luật hóa các cam kết quốc tế về logistics tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho hoạt động logistics.

- Sửa đổi, bổ sung các nội dung liên quan đến logistics trong Luật Thương mại, tạo nhận thức đầy đủ về bản chất, vai trò và vị trí của logistics - phân phối, lưu thông hàng hóa trong kinh tế thị trường. Theo đó, cần rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách về quản lý logistics, nhất là, chính sách phí, lệ phí, tháo gỡ các rào cản đối với hàng hóa lưu thông trên thị trường. Sửa đổi chính sách phí, lệ phí liên quan đến logistics, áp dụng phí dịch vụ sử dụng hạ tầng giao thông và phí tại cảng theo hướng tạo thuận lợi cho hoạt động logistics.

- Rà soát các cam kết quốc tế về dịch vụ logistics tại WTO, ASEAN và các FTA. Kiến nghị các biện pháp đảm bảo tính tương thích trong cam kết về logistics tại các diễn đàn quốc tế, giữa cam kết quốc tế về logistics với pháp luật trong nước.

- Điều chỉnh bổ sung chính sách, pháp luật về logistics tạo điều kiện phát triển hoạt động dịch vụ logistics cũng như doanh nghiệp logistics trong nước.

(2) Hoàn thiện hạ tầng logistics theo hướng đồng bộ

- Xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển hạ tầng ngành logistics của Việt Nam giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn 2045; xây dựng các quy hoạch chi tiết về thiết lập, hiện đại hóa các hành lang vận tải quốc gia và quốc tế; quy hoạch hệ thống cảng biển, cảng cạn, cảng hàng không, đường sắt, đường bộ đồng bộ; quy hoạch các trung tâm logistics đồng bộ, gắn với quy hoạch chung, với các mục tiêu phát triển của địa phương, khu vực, vùng miền, quốc gia...

- Phát triển đồng bộ hạ tầng logistics. Hạ tầng logistics gồm 3 nhóm: Hạ tầng giao thông vận tải, hạ tầng công nghệ và hạ tầng kết nối. Hạ tầng giao thông vận tải gồm đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không cùng với hệ thống công trình phụ trợ như đường sá, nhà ga, sân bay và các cảng biển. Hạ tầng công nghệ gồm hệ thống phần mềm và thiết bị điện tử phục vụ cho việc quản lý quy trình, quản lý vận chuyển, lưu kho và kiểm kê. Hạ tầng kết nối bao gồm các trung tâm logistics, cảng cạn/ICD.

- Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào hạ tầng logistics: Ban hành chính sách nhằm thu hút vốn đầu tư trong nước và nước ngoài, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào lĩnh vực logistics và phát triển kết cấu hạ tầng logistics; nới lỏng tỷ lệ vốn đầu tư vào logistics trên vốn đầu tư nước ngoài để không kìm hãm nguồn vốn FDI vào logistics Việt Nam; nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách về đất đai, thủ tục đầu tư để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án hạ tầng logistics.

- Đầu tư phát triển các khu công nghiệp logistics, cụm logistics, trung tâm logistics nhằm góp phần giảm áp lực quá tải lên đường bộ, đường hàng không, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, đặc biệt là giảm chi phí logistics cho các doanh nghiệp.

(3) Nâng cao năng lực doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ

- Ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp logistics, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thuận lợi trong việc tiếp cận các nguồn vốn trong và ngoài nước, phát triển thị trường, đào tạo, tiếp cận thông tin; Hỗ trợ khởi nghiệp đối với các doanh nghiệp dịch vụ logistics và các doanh nghiệp nghiên cứu, phát triển công nghệ ứng dụng cho hoạt động logistics.

- Ưu tiên bố trí ngân sách hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ và tiến bộ kỹ thuật cho phát triển dịch vụ logistics, xã hội hóa nguồn lực cho phát triển dịch vụ logistics. Nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ mới, tiến bộ kỹ thuật trong quản lý, vận hành, đào tạo về chuỗi cung ứng và dịch vụ logistics.

- Có cơ chế, chính sách để khuyến khích, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp logistics, doanh nghiêp vận tải biển chủ động liên doanh, liên kết với doanh nghiệp vận tải đường sắt, đường thủy nội địa, đường bộ để cung cấp các dịch vụ vận tải đa phương thức, cũng như dịch vụ logistics trọn gói.

(4) Phát triển nguồn nhân lực logistics

- Xây dựng chiến lược đào tạo và phát triển nguồn nhân lực logistics; nâng cao công tác đào tạo và tính hiệu quả.

- Ban hành và thực thi chính sách phát triển nguồn nhân lực logistics đáp ứng nhu cầu phát triển chuỗi cung ứng dịch vụ logistics. Thiết lập các chương trình quốc gia về nguồn nhân lực logistics...

- Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực logistics thông qua đào tạo nguồn nhân lực cho ngành logistics một cách bài bản, chuyên sâu để xây dựng đội ngũ nhân lực logistics có tác phong chuyên nghiệp, có kiến thức chuyên môn, ngoại ngữ, ứng dụng tốt công nghệ thông tin vừa am hiểu hệ thống pháp luật, thông lệ của nước sở tại, hiểu pháp luật quốc tế và có mối quan hệ rộng khắp trên thế giới.

2.2. Giải pháp về phía doanh nghiệp

- Đẩy mạnh chuyển đổi phương thức kinh doanh, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới.

- Đầu tư cơ sở vật chất, nâng cấp và mở rộng hệ thống kho bãi, các trang thiết bị bốc xếp, vận chuyển chuyên dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác; Liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài nước để kết nối, mở rộng mạng lưới dịch vụ.

- Đầu tư cơ sở hạ tầng kho bãi hiện đại, áp dụng quản lý số và tự động hóa trong vận hành chuỗi cung ứng dịch vụ.

- Có chính sách đào tạo và xây dựng đội ngũ nhân viên, phát huy sức mạnh của nguồn nhân lực trong doanh nghiệp một cách tối ưu, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững.

 

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Trần Thị Ngọc Ánh (2021), “Giải pháp phát triển ngành dịch vụ logistics ở Việt Nam hiện nay”, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, Số 11 năm 2021, Tr.52 - 54.
  2. Bộ Công Thương (2022), Tài liệu Diễn đàn Logistics Việt Nam 2022, https://vlf.logistics.gov.vn/.
  3. Cục Xuất nhập khẩu (2022), Báo cáo kết quả thực hiện Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14 tháng 02 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics đến năm 2025, Báo cáo ngày 24/11/2022, https://vlf.logistics.gov.vn/.
  4. Trần Thanh Hải (2022), “5 năm kế hoạch hành động về logistics - Nhìn lại và bước tiếp”, Tài liệu Diễn đàn Logistics Việt Nam năm 2022, https://vlf.logistics.gov.vn/.
  5. Nguyễn Văn Hội (2023), Chiến lược phát triển logistics Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045, Nhiệm vụ cấp Viện, Hà Nội - 2023.
  6. NXB Công Thương (2022), Báo cáo logistics Việt Nam 2022 “Logistics xanh”, Hà Nội - 2022.
  7. Vũ Phương Nhi (2022), “Phát triển logistics thành ngành dịch vụ đem lại giá trị gia tăng cao”, https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/, đăng ngày 16/12/2022.