Giải pháp logistics xanh trong thương mại điện tử D2C

16:15 - 27/06/2025

Trịnh Thị Thanh Thuỷ[1]

Với sự phát triển và tăng trưởng mạnh mẽ (bình quân đến trên 20%/năm) trong những năm gần đây, logistics và thương mại điện tử cùng đóng góp tích cực đối với phát triển kinh tế - xã hội và các hoạt động của nền kinh tế, có vai trò quan trọng trong thúc đẩy sản xuất, lưu thông và tiêu thụ hàng hoá, dịch vụ trong nước, cũng như thương mại quốc tế.

Tiến trình chuyển đổi số và chuyển đổi xanh đã và đang tạo ra hạ tầng và điều kiện thiết yếu thúc đẩy thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ, trong đó, phương thức thương mại điện tử D2C (Direct-to-Consumer) - mô hình bán hàng trực tiếp từ nhà sản xuất hoặc từ các nhãn hàng đến thẳng người tiêu dùng cuối cùng, bỏ qua các khâu trung gian, đang được phát triển với tốc độ nhanh hơn, rộng rãi hơn các phương thức thương mại điện tử “truyền thống” trước đó. Phương thức thương mại điện tử D2C đã dựa vào trụ cột thiết yếu là các dịch vụ logistics và logistics xanh. Có thể thấy, thương mại điện tử D2C và logistics đều là điều kiện cần và đủ của nhau để cùng tăng trưởng và phát triển. Bài viết tập trung đề cập đến logistics xanh cho thương mại điện tử D2C với những khuyến nghị giải pháp trong bối cảnh mới – chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.

Từ khoá: Thương mại điện tử; D2C (Direct-to-Consumer); Logistics xanh; Chuyển đổi số; Chuyển đổi xanh.

1. Logistics và thương mại điện tử

Logistics và thương mại điện tử đều là những khâu cơ bản và là những mắt xích quan trọng của các chuỗi cung ứng hàng hoá, giúp cho dòng chảy hàng hoá liên tục và hiệu quả từ trước, trong và sau sản xuất, thậm chí cả sau quá trình tiêu dùng.

Trong bối cảnh mới, đặc biệt là Cách mạng công nghiệp 4.0 với những trụ cột Internet kết nối vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big data), chuỗi khối (Block Chain)  và các ứng dụng (APP) đã tạo nên nền tảng, điều kiện tiên quyết cho sự phát triển và tăng trưởng nhanh của thương mại điện tử và logistics.

Thương mại điện tử đặt ra những yêu cầu, nhu cầu đối với dịch vụ logistics, đến lượt mình, logitics mang đến các điều kiện nền tảng, cốt lõi cho sự vận hành của thương mại điện tử, thúc đẩy sự phát triển của thương mại điện tử, cũng như đặt ra nhu cầu đối với thương mại điện tử. Thực tiễn đã chứng minh, không có dịch vụ logistics thì thương mại điện tử không thể vận hành và phát triển được, trong cả điều kiện bình thường và đặc biệt trong cả những điều kiện bất bình thường như thiên tai, dịch bệnh phi truyền thống, chiến tranh, cấm vận.... Ở cả trong và ngoài nước, thương mại điện tử với đa dạng hình thái đã và đang trên đà phát triển nhanh cả về “lượng” và “chất”, đồng thời lấn sang cả lãnh địa của thương mại truyền thống (trao đổi, mua bán trực tiếp).

Là quốc gia mở cửa, Việt Nam chủ động hội nhập quốc tế sâu, rộng, với xu thế và thực hành chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, đang đặt ra nhiều cơ hội, tạo các điều kiện cho phát triển thương mại điện tử và logistics, đồng thời cũng đem đến nhiều thách thức cho hai lĩnh vực dịch vụ có mối quan hệ chặt chẽ và mang tính bổ trợ cho nhau.

Theo dự báo của các chuyên gia, các nhà lãnh đạo và quản lý trong lĩnh vực thương mại điện tử, đều khẳng định sự phát triển vượt trội, mạnh mẽ của thương mại điện tử và logistics trong thương mại điện tử ở thì tương lai.Trong đó, là sự sớm xuất hiện và tăng trưởng bứt phá của phương thức thương mại điện tử D2C trong thương mại điện tử đã và đang đòi hỏi sự phát triển xứng tầm của dịch vụ logistics và logistics xanh.

2. Logistics xanh trong thương mại điện tử D2C

2.1 Thương mại điện tử D2C

Thương mại điện tử D2C (Direct-to-Consumer) là mô hình bán hàng trực tiếp từ nhà sản xuất và từ các nhãn hàng đến người tiêu dùng cuối cùng, bỏ qua các khâu trung gian như các nhà phân phối, bán lẻ. Mô hình này đã và đang ngày càng phổ biến, được cả nhà sản xuất và khách hàng ưa chuộng trong quá trình mua bán hàng hoá trên không gian mạng.

Các yếu tố thúc đẩy sự phát triển mô hình thương mại điện tử D2C đến từ cả từ hai phía cung và cầu loại hình dịch vụ này trong hệ sinh thái số. Với sự phát triển của công nghệ số, đặc biệt là internet và mạng xã hội, tạo điều kiện cho nhà sản xuất, nhà cung cấp tiếp cận và tương tác trực tiếp với khách hàng, cùng khả năng kiểm soát toàn diện của các nhãn hàng đối với trải nghiệm khách hàng, từ khâu sản xuất đến phân phối và dịch vụ hậu mãi. Mô hình thương mại điện tử D2C cắt giảm các khâu trung gian, giúp doanh nghiệp tối ưu hóa chi phí và tăng lợi nhuận, cho phép doanh nghiệp nhanh chóng thử nghiệm và triển khai các chiến lược, sản phẩm mới một cách linh hoạt hơn. Đồng thời với sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng, khi người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng mua sắm trực tuyến và tìm kiếm các sản phẩm độc đáo, được cá nhân hóa theo nhu cầu của mình.

Có thể thấy, phương thức thương mại điện tử D2C đã đóng góp vào sự tăng trưởng mạnh mẽ của lĩnh vực thương mại điện tử, khi các doanh nghiệp trực tiếp kết nối và bán hàng với khách hàng thông qua các kênh trực tuyến để tận dụng lợi thế, gia tăng lợi ích của doanh nghiệp cũng như đem lại lợi ích cho khách hàng. Bên cạnh đó, tác động rõ rệt nhất của phương thức thương mại điện tử D2C là thay đổi hành vi mua sắm của khách hàng, thay vì mua hàng ở các nhà bán lẻ như trước đây, người tiêu dùng sẽ chuyển hướng mua hàng từ chính nhà sản xuất hoặc các nhãn hàng với niềm tin sẽ nhận được sản phẩm chính hãng với mức giá tốt hơn và dịch vụ tốt hơn.

Phương thức thương mại điện tử D2C góp phần gia tăng năng lực cạnh tranh cho các nhãn hàng truyền thống. Hầu hết các thương hiệu truyền thống đang phải thích nghi để không bị lạc hậu, tăng cường trực tuyến hóa kinh doanh của mình và tạo ra “chiến lược D2C” để tiếp cận khách hàng nhanh hơn và trực tiếp hơn.

Tuy nhiên, mô hình thương mại điện tử D2C tạo ra sự biến đổi lớn trong hành vi mua sắm trong thương mại điện tử, khi nhà sản xuất bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng và người tiêu dùng cũng ưa chuộng mua hàng trực tiếp từ các nhãn hàng hơn là từ các nhà bán lẻ đa thương hiệu. Điều đó cũng có nghĩa, mô hình thương mại D2C cũng là tác nhân gây đứt gãy chuỗi phân phối bán lẻ trong mô hình thương mại điện tử truyền thống, khi các nhà phân phối bán lẻ truyền thống trong thương mại điện tử đang mất dần lợi thế cạnh tranh, thậm chí còn bị cắt giảm cả về doanh số và khách hàng.

2.2 Logistics - dịch vụ thiết yếu trong thương mại điện tử D2C

Có thể coi dịch vụ logistics là yếu tố sống còn của thương mại điện tử. Để đáp ứng nhu cầu của thương mại điện tử D2C, các dịch vụ logistics cần được tổ chức và thiết kế tập trung vào sự linh hoạt, tốc độ và trải nghiệm khách hàng. Dưới đây là yêu cầu và nhu cầu một số dịch vụ logistics thiết yếu phục vụ cho thương mại điện tử D2C.

- Dịch vụ kho bãi: Các doanh nghiệp áp dụng phương thức thương mại điện tử D2C (sau đây gọi tắt là doanh nghiệp D2C) luôn cần kho bãi có thể điều chỉnh quy mô linh hoạt theo biến động của nhu cầu thị trường. Kho bãi cần được tối ưu hóa sắp xếp hàng hóa và quản lý tồn kho. Tuỳ theo tính chất thương phẩm của các loại hàng hoá khác nhau mà đòi hỏi các loại hình kho chuyên dụng, hay kho thông thường với các điều kiện về nhiệt độ, sức chứa, quạt gió phù hợp với điều kiện bảo quản, lưu giữ hàng hoá;

- Quản lý tồn kho theo thời gian thực: Giúp doanh nghiệp D2C tránh được tình trạng hết hàng hoặc tồn kho quá nhiều.

- Xử lý đơn hàng: Các doanh nghiệp D2C cần xử lý đơn hàng nhanh chóng và chính xác để đáp ứng nhu cầu và kỳ vọng của khách hàng.

- Đóng gói hàng theo yêu cầu: Cung cấp dịch vụ đóng gói theo yêu cầu của khách hàng, tạo ra trải nghiệm cá nhân hóa. Bao bì yêu cầu được thiết kế đẹp và bảo vệ sản phẩm tốt trong quá trình vận chuyển đến tay khách hàng.

- Vận chuyển: Dịch vụ vận chuyển là một trong những dịch vụ logistics cốt yếu nhất quyết định sự vận hành và hiệu quả của thương mại điện tử D2C, bao gồm: Giao hàng chặng cuối, đây là khâu quan trọng nhất của logistics trong thương mại điện tử D2C, ảnh hưởng trực tiếp đến trải nghiệm khách hàng. Các doanh nghiệp D2C lựa chọn các đối tác vận chuyển có mạng lưới giao hàng rộng khắp và dịch vụ giao hàng linh hoạt, tiết kiệm chi phí và hiệu quả; Giao hàng nhanh: Là yếu tố quan trọng để cạnh tranh trong thị trường thương mại điện tử D2C, đáp ứng kịp thời nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng. Các doanh nghiệp D2C có thể cung cấp các tùy chọn giao hàng nhanh như giao hàng trong ngày hoặc giao hàng hỏa tốc theo yêu cầu của khách hàng; Theo dõi vận chuyển (theo dõi đường đi của hàng hoá): Khách hàng được cung cấp thông tin theo dõi vận chuyển chi tiết để biết được tình trạng đơn hàng của mình.

- Dịch vụ logistics ngược, bao gồm: Xử lý hàng trả lại, các doanh nghiệp D2C thực hiện quy trình xử lý hàng trả lại một cách hiệu quả để đảm bảo sự hài lòng của khách hàng, cũng như thực hiện cam kết của doanh nghiệp D2C với khách hàng. Quy trình này bao gồm kiểm tra chất lượng hàng trả lại, hoàn tiền hoặc đổi, trả hàng cho khách hàng; Tái chế và tái sử dụng, doanh nghiệp D2C có thể thực hiện các hoạt động tái chế hàng hoá và tái sử dụng bao bì hoặc sản phẩm cũ, góp phần bảo vệ môi trường.

- Ứng dụng công nghệ, bao gồm: Phần mềm quản lý đơn hàng (giúp tự động hóa quy trình xử lý đơn hàng, từ khi nhận đơn hàng đến khi giao hàng cho khách hàng); Hệ thống quản lý vận tải (giúp tối ưu hóa lộ trình vận chuyển, giảm thiểu chi phí và thời gian giao hàng); Phần mềm quản lý quan hệ khách hàng (giúp doanh nghiệp D2C quản lý thông tin khách hàng và tương tác với khách hàng một cách hiệu quả).

Bằng cách lựa chọn và sử dụng các dịch vụ logistics phù hợp với nhu cầu của mình, các doanh nghiệp D2C có thể nâng cao hiệu quả hoạt động, bán được nhiều sản phẩm, cải thiện trải nghiệm khách hàng và tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường.

2.3 Tác động đến môi trường của logistics trong thương mại điện tử D2C

Hầu hết các dịch vụ logistics cho thương mại điện tử nói chung và thương mại điện tử D2C nói riêng đều có tác động đến môi trường, đặc biệt là phát thải khí nhà kính và rác thải rắn từ bao bì, bao gói và các vật liệu bảo quản hàng hoá. Ngoài ra, còn có các loại rác thải khác từ hàng hoá bị hư hại, chất thải lỏng và tiếng ồn trong quá trình thực hiện các dịch vụ kho, bến bãi, bảo quản, vận chuyển hàng hoá… các tác động này đến môi trường đã và đang góp phần vào biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và suy giảm tài nguyên thiên nhiên. Từ đó, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, hệ sinh thái và sự phát triển bền vững của xã hội.

Các nguồn gây ô nhiễm môi trường từ các hoạt động logistics trong thương mại điện tử nói chung và thương mại điện tử D2C có thể kể đến là:

+ Phát thải khí nhà kính: Từ vận chuyển hàng hoá, thương mại điện tử D2C thường gắn với giao hàng tận nhà, tận nơi khách hàng yêu cầu, dẫn đến gia tăng đáng kể các phương tiện vận chuyển, đặc biệt là xe máy và ô tô. Giao hàng chặng cuối, thường là các chuyến giao hàng nhỏ lẻ, cũng làm tăng lượng khí thải trên mỗi đơn hàng. Bên cạnh đó, các chuyến hàng từ kho đến tay người tiêu dùng cũng phát sinh lượng lớn khí CO2 từ các phương tiện vận tải; Từ hoạt động kho bãi, các kho bãi phục vụ thương mại điện tử D2C tiêu thụ một lượng lớn năng lượng cho chiếu sáng, làm mát, làm lạnh và vận hành các thiết bị. Quá trình sử dụng các thiết bị điện tử và hệ thống máy chủ cũng góp phần gia tăng lượng khí thải nhà kính.

+ Rác thải từ bao bì: trong thương mại điện tử D2C thường phải sử dụng nhiều lớp bao bì, đóng gói kỹ để bao gói và bảo vệ sản phẩm, hàng hoá trong quá trình vận chuyển, dẫn tới sử dụng bao bì nhiều hơn mức cần thiết, nên lượng rác thải càng tăng cao. Nhiều loại bao bì được sản xuất từ nhựa khó phân hủy, gây ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, hệ thống thu gom và xử lý rác thải tại Việt Nam còn nhiều hạn chế, dẫn đến nhiều loại bao bì không được tái chế và gây ô nhiễm môi trường. Nhiều loại rác thải nhựa và các loại bao bì từ thương mại điện tử chưa được thu gom, tái chế hoặc xử lý thân thiện với môi trường.

+ Tiêu thụ năng lượng: Bên cạnh năng lượng tiêu thụ trong quá trình vận chuyển, bảo quản, kho, bãi…, thì quá trình sử dụng các thiết bị điện tử trong mua sắm trực tuyến cũng góp phần vào gia tăng tiêu thụ năng lượng.

+ Ô nhiễm không khí và tiếng ồn: Sự gia tăng các phương tiện vận chuyển, đóng gói, bảo quản hàng hoá cũng làm tăng ô nhiễm không khí và tiếng ồn.

+ Nguồn ô nhiễm khác, như chất thải lỏng trong quá trình bảo quản, kho, bãi, làm mát…cũng gia tăng ô nhiễm môi trường nếu không được xử lý tốt.

2.3 Sự cần thiết phát triển logistics xanh trong thương mại điện tử D2C

Thương mại điện tử D2C luôn gắn liền, song hành và dựa trên các hoạt động và dịch vụ logistics – đều gây ra những tác động trực tiếp và gián tiếp đến môi trường. Do vậy, để góp phần bảo vệ môi trường, phát triển bền vững khi các hoạt động kinh tế, trong đó có thương mại điện tử đang tăng trưởng mạnh mẽ, cần thiết phải phát triển logistics “xanh”. Sự cần thiết phát triển logistics xanh trong thương mại điện tử D2C được khẳng định khi xuất phát từ những lý do chủ yếu như: Giảm thiểu tác động đến môi trường (logistics xanh giúp giảm lượng khí thải, rác thải và lãng phí tài nguyên); Góp phần khẳng định và lan toả hình ảnh, thương hiệu của doanh nghiệp (người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến các doanh nghiệp có trách nhiệm với môi trường, đồng thời, khi thực hành logistics xanh các doanh nghiệp D2C cũng sẽ xây dựng hình ảnh thương hiệu tích cực và thu hút khách hàng); Logistics xanh giúp tối ưu hóa quy trình, giảm thiểu lãng phí và tiết kiệm chi phí vận hành; Áp dụng logistics xanh, doanh nghiệp D2C còn mở rộng được thị trường xuất khẩu, khi nhiều thị trường lớn trên thế giới đã có những quy định nghiêm ngặt về bảo vệ môi trường.

Nội dung phát triển logistics xanh trong thương mại điện tử D2C

- Vận tải xanh: chủ yếu dựa trên chuyển đổi và sử dụng phương tiện vận chuyển là xe điện, xe hybrid hoặc xe chạy bằng nhiên liệu sinh học cho giao hàng chặng cuối; tối ưu hóa lộ trình giao hàng để giảm quãng đường và lượng khí thải trong vận chuyển; khuyến khích sử dụng các phương thức vận chuyển thân thiện với môi trường, như xe đạp hoặc đi bộ, cho các đơn hàng có quãng đường vận tải gần;

- Kho bãi xanh: thiết kế, xây dựng và vận hành kho bãi tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo và hệ thống chiếu sáng tự nhiên; tối ưu hóa quản lý kho để giảm thiểu lãng phí và tiêu thụ năng lượng.

- Bao bì xanh: trong toàn bộ hoạt động sẽ sử dụng bao bì có thể tái chế, tái sử dụng hoặc phân hủy sinh học; giảm thiểu lượng bao bì sử dụng và tối ưu hóa kích thước bao bì; khuyến khích khách hàng trả lại bao bì để tái sử dụng hoặc tái chế;

- Logistics ngược xanh: xây dựng và vận hành hệ thống thu hồi và tái chế sản phẩm bị trả lại hoặc hết hạn sử dụng; khuyến khích khách hàng tham gia vào các chương trình thu hồi sản phẩm cũ;

- Ứng dụng công nghệ: sử dụng các phần mềm quản lý logistics để tối ưu hóa quy trình và giảm thiểu tác động môi trường; ứng dụng internet kết nối (IoT) để theo dõi và quản lý hàng hóa, tối ưu hóa lộ trình vận chuyển và giám sát tiêu thụ năng lượng.

Bằng cách triển khai đồng bộ các giải pháp logistics xanh, hạn chế các nguồn xả thải ra môi trường, xử lý các nguồn gây ô nhiễm, các doanh nghiệp thương mại D2C sẽ vừa nâng cao hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh vừa cùng dịch vụ logistics xanh bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

3. Thực trạng logistics xanh trong thương mại điện tử D2C

Trên phạm vi toàn cầu, thương mại điện tử D2C đã tăng trưởng liên tục, tăng 34% và chiếm 13% thị trường thương mại điện tử trên toàn thế giới vào năm 2017, tiếp tục tăng 45,5% vào năm 2020, đạt doanh số bán hàng trị giá 111,54 tỷ USD. Theo Statista dự báo, thị trường thương mại điện tử D2C toàn cầu sẽ đạt hơn 450 tỉ USD vào năm 2025.

Theo báo cáo tại Hội nghị tổng kết của Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương), thương mại điện tử của Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng ở mức từ 18% đến 25% mỗi năm. Năm 2024, doanh số đạt trên 25 tỷ USD, tăng khoảng 20% so với năm 2023, chiếm 9% tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của cả nước. Trong đó, thương mại điện tử D2C đang trở thành xu hướng được nhiều doanh nghiệp Việt Nam lựa chọn, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ở Việt Nam, mô hình thương mại điện tử D2C đã và đang phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, nhất là từ khi xảy ra đại dịch Covid, khi các hệ thống cung ứng và phân phối trực tiếp bị đứt gãy và phải tạm dừng hoạt động. Đây cũng là thời kỳ mang đến thời cơ và nhu cầu mua sắm online tăng vọt, từ đó, thúc đẩy sự phát triển của mô hình thương mại điện tử D2C tại Việt Nam. Điển hình là sự tăng trưởng của thương hiệu Dr. Papie khi hợp tác với ACCESS D2C (doanh nghiệp cung cấp và xây dựng mô hình D2C của ACCESSTRADE). Trong quý 1 năm 2022, thương hiệu này đã tăng trưởng doanh thu lên đến 268%, tỷ lệ chuyển đổi đơn hàng thành công đạt 88% và lượng truy cập tăng 280%. Còn đối với nhãn hàng Ova Việt Nam, sau khi chuyển đổi sang kinh doanh theo mô hình thương mại điện tử D2C, với các sản phẩm chăm sóc cá nhân cũng ghi nhận tăng trưởng đáng kể, trung bình 400 đơn hàng/ngày, đạt đỉnh điểm 600 đơn hàng/ngày trong tháng 4/2022. Tỷ lệ chuyển đổi đơn hàng lên đến 81% và doanh thu tăng trưởng lên đến 232%.

Tại Việt Nam, mô hình D2C mặc dù đang trong giai đoạn đầu phát triển, nhưng đã cho thấy tiềm năng lớn với những ưu thế và cơ hội vượt trội. Thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam đã chứng kiến sự tăng trưởng ấn tượng, dự kiến sẽ đạt 50 tỉ đô la Mỹ vào năm 2025. Việt Nam có một cơ cấu dân số trẻ và năng động, với khoảng 70% dân số dưới 35 tuổi và tỷ lệ thâm nhập Internet đạt khoảng 79,1%, tương đương với 77,93 triệu người tiêu dùng trực tuyến. Thế hệ trẻ này có xu hướng trải nghiệm mua sắm cá nhân hóa và tiện lợi. Đây chính là cơ hội mà nhiều nhãn hàng đã nắm bắt bằng cách tìm đến và ứng dụng thương mại điện tử D2C.

Mặc dù có nhiều ưu thế vượt trội, nhưng thương mại điện tử D2C không phải là giải pháp cho mọi doanh nghiệp và nhãn hàng, không phải doanh nghiệp hay nhãn hàng nào cũng thành công khi áp dụng D2C, do nhiều nguyên nhân và rào cản khác nhau. Việt Nam là một quốc gia có địa hình trải dài, với hệ thống hạ tầng giao thông chưa thực sự hoàn thiện và thuận tiện, đặt ra thách thức lớn cho doanh nghiệp khi phải đáp ứng yêu cầu giao hàng nhanh chóng và hiệu quả trên các loại hình địa bàn, đặc biệt là tại các khu vực nông thôn rộng lớn, vùng sâu, vùng xa. Để triển khai thương mại điện tử D2C đòi hỏi doanh nghiệp và nhãn hàng phải đầu tư đáng kể vào công nghệ, hạ tầng số và logistics, trong đó cần xây dựng hệ thống quản lý đơn hàng, kho bãi, vận tải và dịch vụ khách hàng hiệu quả. Bối cảnh chuyển đổi số và chuyển đổi xanh với chiến lược phát triển thương mại điện tử bền vững, giảm thiểu các loại phát thải còn đòi hỏi phải xanh hoá các hoạt động logistics này.

Tại Hội thảo “Rác thải nhựa từ Thương mại điện tử – Thực trạng và Giải pháp” được tổ chức ngày 15 tháng 4 năm 2024, đã công bố một nghiên cứu được thực hiện trong khuôn khổ dự án Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam. Kết quả nghiên cứu cho thấy, quy mô thị trường bán lẻ hàng hoá trực tuyến năm 2023 của Việt Nam ước tính khoảng 17,3 tỷ USD với tổng số gói, kiện hàng hoá là 1,84 tỷ USD, quy mô của dịch vụ gọi đồ ăn công nghệ ước đạt trên 1,4 tỷ USD. Bao bì phổ biến cho các gói, kiện hàng hoá trong bán lẻ trực tuyến là hộp carton, túi giấy hoặc túi nilon. Vật liệu phụ dùng để chèn, lót, bọc bao gồm băng keo nhựa, băng keo giấy, xốp nilon bong bóng khí, giấy, thùng carton cắt sợi; mút xốp hoặc giấy để cố định sản phẩm; màng bọc nilon, màng bọc hay nhựa sinh học có khả năng tự phân huỷ quấn quanh hàng hoá.

Trên cơ sở tính toán quy mô bán lẻ trực tuyến và các dữ liệu về số đơn hàng, phân bổ khối lượng đơn hàng, giá trị trung bình của đơn hàng theo các kênh mua bán, mức độ sử dụng bao bì, vật liệu nhựa, năm 2023 thương mại điện tử ở Việt Nam sử dụng khoảng 332 nghìn tấn bao bì, trong đó khối lượng bao bì nhựa các loại là khoảng 171 nghìn tấn. Như vậy, khối lượng và số lượng bao bì với thành phần vật liệu, dụng cụ nhựa trong quá trình đóng gói rất cao. Do đóng gói bằng hộp carton vừa tăng chi phí bao bì, vừa tăng chi phí vận chuyển. Trong khi đó, các loại vật liệu nhựa sử dụng để đóng gói chi phí rẻ và nhẹ nên tiết kiệm chi phí chuyển phát. Với tốc độ tăng trưởng trên 25% mỗi năm có thể tới năm 2030 quy mô thương mại điện tử Việt Nam sẽ gấp trên 4,7 lần hiện tại, khi đó lượng rác thải nhựa từ thương mại điện tử ước tính sẽ lên tới 800 nghìn tấn/năm. Hầu hết rác thải nhựa từ thương mại điện tử nói chung và từ thương mại điện tử D2C nói riêng vẫn bị bỏ lẫn với rác thải sinh hoạt, chưa được thu gom, phân loại, tái chế hoặc xử lý thân thiện với môi trường.

Mặc dù chưa có số liệu công bố cụ thể và thực trạng logistics xanh trong thương mại điện tử D2C, nhưng có thể thấy, nhiều doanh nghiệp và nhãn hàng đã áp dụng giải pháp logistics xanh. Ví dụ, nhiều thương hiệu thời trang D2C đã chuyển sang sử dụng bao bì giấy tái chế và cung cấp dịch vụ giao hàng bằng xe đạp điện; công ty mỹ phẩm D2C áp dụng các chương trình thu hồi và tái chế bao bì sản phẩm; Một số hãng lớn đã triển khai chương trình giao hàng xanh và sử dụng bao bì thân thiện với môi trường… Tuy nhiên, quá trình xanh hoá các dịch vụ logistics diễn ra còn chậm và chưa toàn diện.

- Cơ hội và thách thức đối với phát triển logistics xanh trong thương mại điện tử D2C

Trong xã hội, nhận thức và hành vi người tiêu dùng có nhiều thay đổi, với ý thức bảo vệ môi trường tăng cao, ngày càng quan tâm đến các sản phẩm và dịch vụ thân thiện với môi trường; sẵn sàng ưu tiên lựa chọn các thương hiệu có cam kết về phát triển bền vững và sử dụng các giải pháp logistics xanh; Người tiêu dùng mong muốn các sản phẩm được đóng gói bằng bao bì tái chế, tái sử dụng hoặc phân hủy sinh học, thay vì sử dụng quá nhiều bao bì nhựa và các vật liệu gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng ủng hộ các phương thức giao hàng sử dụng các phương tiện giao hàng thân thiện với môi trường và giảm thiểu khí thải.

Về phía các doanh nghiệp, nhãn hàng D2C, nhận thức được tầm quan trọng của xây dựng hình ảnh thương hiệu gắn liền với trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường; áp dụng các giải pháp logistics xanh để thể hiện cam kết của mình và tạo sự khác biệt trên thị trường. Bên cạnh đó, các giải pháp logistics xanh có thể giúp các doanh nghiệp và thương hiệu D2C tối ưu hóa chi phí vận hành, tiết kiệm nhiên liệu, giảm thiểu chi phí xử lý rác thải.

Về phía các đối tác của các doanh nghiệp và nhãn hàng áp dụng thương mại điện tử D2C, như các sàn thương mại điện tử hoặc các nhà cung cấp dịch vụ logistics, cũng có những yêu cầu khắt khe về bảo vệ môi trường. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp và nhãn hàng D2C phải áp dụng các giải pháp logistics xanh để đáp ứng yêu cầu của đối tác.

Quy định pháp luật trong chuyển đổi xanh, bảo vệ môi trường, phát thải khí nhà kính, xử lý rác thải và phát triển kinh tế tuần hoàn đều đòi hỏi các chủ thể trong thương mại điện tử nói chung, thương mại điện tử D2C và logistics trong thương mại điện tử phải thực hiện chuyển đổi xanh và bảo vệ môi trường để phát triển bền vững. Ở nước ta, thúc đẩy phát triển bền vững đang được đưa vào các chiến lược phát triển kinh tế của quốc gia, đồng thời đã ban hành một số chính sách khuyến khích phát triển logistics xanh, như ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ xanh.

Trên thị trường, ngày càng có nhiều doanh nghiệp logistics cung cấp các giải pháp logistics xanh cho thương mại điện tử D2C để đáp ứng nhu cầu thị trường đối với các dịch vụ logistics xanh đang tăng cao. Các công nghệ như IoT, AI, Big Data đang được ứng dụng rộng rãi trong logistics xanh, giúp tối ưu hóa quy trình và giảm thiểu tác động môi trường. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và nhãn hàng ứng dụng thương mại điện tử D2C áp dụng các giải pháp logistics xanh.

Tuy nhiên, để chuyển đổi sang logistics xanh đòi hỏi các doanh nghiệp phải đầu tư lớn vào công nghệ, phương tiện và cơ sở hạ tầng. Điều này là cản trở và thách thức lớn đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, khi phải đối mặt với áp lực về chi phí để có thể đầu tư vào các giải pháp logistics xanh có chi phí cao. Bên cạnh đó, mặc dù nhận thức được nâng cao, nhưng chuyển đổi sang logistics xanh vẫn chưa được thực hiện một cách đồng bộ trên toàn ngành. Bên cạnh đó, ở nước ta còn thiếu đội ngũ nhân lực có trình độ chuyên môn về logistics xanh. Hạ tầng giao thông và logistics chưa đáp ứng được yêu cầu của logistics xanh. Phát triển các phương tiện vận tải xanh cũng còn gặp không ít khó khăn.

4. Một số kiến nghị và giải pháp

Việt Nam đang trên đà phát triển logistics xanh, nhưng rất cần có những giải pháp đồng bộ từ cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và toàn xã hội, cũng như cần có sự phối hợp giữa các doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử D2C, người tiêu dùng và cơ quan quản lý nhà nước trong triển khai các giải pháp logistics xanh và tiêu dùng bền vững.

4.1 Đối với cơ quan quản lý nhà nước

- Xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý về logistics xanh và thương mại điện tử, trong đó có thương mại điện tử D2C

 Nghiên cứu và ban hành các quy định, tiêu chuẩn về logistics xanh; Khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng các giải pháp thân thiện với môi trường; Ban hành chính sách thuế ưu đãi, hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp đầu tư vào logistics xanh. Bên cạnh đó là các quy định đối với thương mại điện tử D2C trong lựa chọn và sử dụng các dịch vụ logistics xanh.

- Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng logistics

 Có chính sách khuyến khích phát triển hệ thống giao thông công cộng, đường sắt, đường thủy để giảm tải cho đường bộ; Quy hoạch và phát triển các trung tâm logistics xanh, khu công nghiệp sinh thái; Xây dựng và thực thi chính sách và biện pháp chuyển đổi năng lượng xanh, năng lượng tái tạo cho thương mại điện tử và logistics; Quy hoạch và phát triển mạng lưới các trạm sạc điện cho xe điện;

- Tuyên truyền nâng cao nhận thức

 Tổ chức các chương trình tuyên truyền, giáo dục về chuyển đổi xanh, logistics xanh cho doanh nghiệp và người tiêu dùng; Khuyến khích nghiên cứu và phát triển các công nghệ và giải pháp logistics xanh

4.2 Đối với doanh nghiệp

- Áp dụng công nghệ xanh

 Sử dụng xe điện, xe hybrid, xe chạy bằng năng lượng tái tạo để vận chuyển và giao hàng; Tối ưu hóa lộ trình vận chuyển bằng phần mềm quản lý vận tải; Xây dựng và vận hành kho bãi xanh, sử dụng năng lượng mặt trời, hệ thống chiếu sáng LED.

- Tối ưu hóa quy trình

Áp dụng các giải pháp quản lý chuỗi cung ứng xanh, lựa chọn nhà cung cấp có cam kết bảo vệ môi trường; Sử dụng bao bì tái chế, tái sử dụng hoặc phân hủy sinh học; Thực hiện logistics ngược, thu hồi và tái chế sản phẩm.

- Đào tạo và nâng cao năng lựcđội ngũ nhân lực

 Đào tạo nhân lực về logistics xanh, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường; Xây dựng văn hóa doanh nghiệp xanh, khuyến khích người lao động tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường.

- Hợp tác và chia sẻ

 Các doanh nghiệp hợp tác với nhau và với các tổ chức nghiên cứu để chia sẻ kinh nghiệm và công nghệ về logistics xanh; Tham gia các hiệp hội, diễn đàn về logistics xanh để cập nhật thông tin và các xu hướng phát triển mới.

4.3 Đối với người tiêu dùng

- Ưu tiên lựa chọn và sử dụng sản phẩm và dịch vụ xanh

Ưu tiên lựa chọn các sản phẩm và dịch vụ từ các doanh nghiệp có cam kết bảo vệ môi trường; Sử dụng các sản phẩm có bao bì thân thiện với môi trường.

- Tham gia vào hoạt động logistics ngược

 Người mua hàng thực hiện trả lại bao bì, sản phẩm cũ cho các nhà sản xuất để tái chế; đồng thời Phân loại rác thải tại nguồn để tái chế.

- Nâng cao nhận thức

 Chủ động tìm hiểu về logistics xanh và tác động của hoạt động logistics đến môi trường; Chia sẻ thông tin và khuyến khích người thân, bạn bè tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường.

- Ứng dụng công nghệ thông tin

+ Ứng dụng IoT (Internet vạn vật)

 Các doanh nghiệp ứng dụng IoT để theo dõi và quản lý hoạt động vận chuyển, kho bãi, tối ưu hóa hiệu quả sử dụng năng lượng; để g iám sát khí thải và các tác động môi trường khác từ các hoạt động logistics.

+ Ứng dụng dữ liệu lớn (Big Data)

 Các doanh nghiệp ứng dụng dữ liệu lớn trong phân tích dữ liệu để tối ưu hóa quy trình logistics, giảm thiểu lãng phí và tác động môi trường; cũng như dự báo nhu cầu vận chuyển để lập kế hoạch và thực hiện vận chuyển hiệu quả.

+ Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI)

Các doanh nghiệp ứng dụng  trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa lộ trình vận chuyển, quản lý kho bãi, và dự báo nhu cầu; Tự động hóa các quy trình logistics để giảm thiểu sai sót và tránh lãng phí.

Bằng cách thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, Việt Nam có thể phát triển và cung ứng logistics xanh trong thương mại điện tử D2C một cách bền vững, góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả kinh doanh và năng lực cạnh tranh trên các cấp độ của nền kinh tế./.

 

Tài liệu tham khảo

1. “Phát triển dịch vụ logistics cho thương mại điện tử” sách chuyên khảo, NXB Công Thương 2023

2. “Logistics trong Thương mại điện tử tại Việt Nam” sách chuyên khảo, NXB Công Thương 2020

3. “Chuyển đổi kép trong lĩnh vực logistics ở Vùng Thủ đô”, Tạp chí Nghiên cứu Công nghiệp và Thương mại, số tháng 6/2024

4.https://thesaigontimes.vn/mo-hinh-d2c-xu-huong-toan-cau-va-co-hoi-cho-doanh-nghiep-viet-nam/

5.https://viettimes.vn/7-xu-huong-thuong-mai-dien-tu-hua-hen-bung-no-trong-nam-2024-post172574.html

6.https://subiz.com.vn/blog/mo-hinh-d2c.html

7.https://vietnam.panda.org/?384577/Chat-thai-nhua-tu-thuong-mai-dien-tu-2023

 

[1] Tiến sĩ, Nghiên cứu viên cao cấp - Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương