Giải pháp hoàn thiện tiêu chí phân loại các loại hình hạ tầng thương mại ở Việt Nam

09:55 - 27/03/2024

Vụ Thị trường trong nước – Bộ Công Thương

1. Đặt vấn đề

Thời gian qua, thị trường trong nước đã có những bước phát triển mạnh mẽ, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Năm 2023, theo số liệu của Tổng cục thống kê, khu vực dịch vụ chiếm 42,54% GDP; các hoạt động thương mại, dịch vụ duy trì tăng trưởng cao (6,82% so với năm trước), đóng góp tích cực vào tăng trưởng của khu vực dịch vụ cao (0,86 điểm phần trăm). Cùng với sự phát triển của thương mại, các loại hình hạ tầng thương mại hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại… cũng ngày càng phát triển, đặc biệt tại các thành phố, thị xã.

Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2009, Việt Nam đã mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ. Cục diện thị trường bán lẻ Việt Nam đang thay đổi cả về chất và lượng. Nhiều tập đoàn bán lẻ quốc tế đã tham gia thị trường, đặc biệt các hệ thống phân phối nước ngoài đã phát triển và mở rộng một cách nhanh chóng bằng việc đầu tư mới và mua bán, sáp nhập của doanh nghiệp ngoại với các hệ thống bán lẻ trong nước. Cho thấy, thị trường bán lẻ của Việt Nam rất hấp dẫn. Nhiều loại hình hạ tầng thương mại hiện đại mới đã phát triển tại Việt Nam.

Ngày 24 tháng 9 năm 2004, Bộ trưởng Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) đã ký ban hành Quyết định số 1371/2004/QĐ-BTM về việc ban hành Quy chế siêu thị, trung tâm thương mại. Tuy nhiên, với quá trình hội nhập và phát triển kinh tế, đã hình thành đa dạng các loại hình hạ tầng thương mại từ các loại hình siêu thị đến các trung tâm thương mại, hệ thống cửa hàng tiện ích, tiện lợi đa chủng loại phục vụ nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân tại mọi miền đất nước. Hơn nữa, các mô hình thương mại bán lẻ hiện nay được xây dựng và phát triển với các quy mô, số lượng và phân thành các kênh phân phối khác nhau.

Cho đến nay quy định tại các văn bản hiện hành: Nghị định số 09/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 01 năm 2018 quy định chi tiết Luật Thương mại và Luật Quản lý ngoại thương về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư ngước ngoài tại Việt Nam; Nghị định số 94/2022/NĐ-CP ngày 07 tháng 11 năm 2022 của Chính phủ quy định nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và quy trình biên soạn chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước, chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Thông tư số 33/2022/TT-BCT ngày 20 tháng 12 năm 2022 của Bộ Công Thương ban hành hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Công Thương chỉ mới quy định về một số loại hình hạ tầng thương mại bao gồm: trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi.

Tại Chiến lược “Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” được phê duyệt tại Quyết định số 1163/QĐ-TTg ngày 13 tháng 7 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 111/QĐ-BCT ngày 27 tháng 01 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Kế hoạch ban hành kế hoạch hành động của ngành công thương thực hiện chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã giao nhiệm vụ cho Bộ Công Thương:“Rà soát, xây dựng và hoàn thiện hệ thống tiêu chí, tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với các loại hình hạ tầng thương mại đồng thời hướng dẫn các địa phương trong công tác quản lý để phù hợp với nhu cầu thực tiễn”. Thực hiện Quyết định số 979/QĐ-BCT ngày 20 tháng 4 năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc đặt hàng thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ năm 2023, Vụ Thị trường trong nước đã triển khai thực hiện Đề tài “Nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí phân loại các loại hình hạ tầng thương mại ở Việt Nam”.

Triển khai thực hiện nhiệm vụ nêu trên, ngày 15 tháng 3 năm 2024, Vụ Thị trường trong nước đã tổ chức hội thảo “Nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí phân loại các loại hình hạ tầng thương mại ở Việt Nam”. Hội thảo có sự tham gia của đại diện một số hệ thống phân phối tại Việt Nam (Công ty TNHH AEON, Công ty Cổ phần Central Retail Corporation, Công ty cổ phần dịch vụ thương mại tổng hợp Vincommerce, Tập đoàn BRG, Liên hiệp Hợp tác xã thương mại Thành phố Hồ Chí Minh) cùng một số chuyên gia có kinh nghiệp trong lĩnh vực nghiên cứu và các thành viên tham gia thực hiện đề tài. Tại Hội thảo các báo cáo viên đã trình bày về kinh nghiệm của một số nước về tiêu chí nhận dạng, phân loại một số loại hình hạ tầng thương mại, quy định hiện hành về hạ tầng thương mại, quy định hiện hành của Nhật Bản về các cơ sở bán lẻ quy mô lớn. Bên cạnh đó đại diện các hệ thống phân phối cũng đã đề xuất sự cần thiết phải ban hành các tiêu chí nhận dạng, phân loại một số loại hình hạ tầng thương mại hiện đại.

Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu tại Hôi thảo nêu trên. Đồng thời, để có căn cứ cho các địa phương xây dựng và thực hiện các quy hoạch về hạ tầng thương mại, để thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển các loại hình hạ tầng thương mại hiện đại nhằm đạt mục tiêu theo Chiến lược phát triển thương mại trong nước đã đề ra thì các loại hình hạ tầng thương mại cần được định dạng, phân loại, phân hạng.

2. Một số giải pháp chủ yếu

Để hoàn thiện các tiêu chí phân hạng và nhằm phát triển một số loại hình hạ tầng thương mại hiện đại tại Việt Nam, thời gian tới cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, nghiên cứu các tiêu chí nhận dạng, phân loại một số loại hình hạ tầng thương mại tại một số nước trên thế giới. Sau khi Việt Nam gia nhập WTO và mở cửa hoàn toàn hệ thống phân phối, nhiều hệ thống phân phối nước ngoài đã đầu tư phát triển các loại hình hạ tầng thương mại tại Việt Nam nổi bật như Tập đoàn Central retail (Thái Lan), MM Mega Market (Thái Lan), Công ty TNHH Aeon (Nhật Bản), Công ty TNHH GS 25 (Hàn Quốc), Công ty TNHH vòng tròn đỏ (Mỹ)…do đó việc nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước trên thế giới để rút ra bài học cho Việt Nam nhằm hoàn thiện các tiêu chí nhận dạng, phân loại hạ tầng thương mại của Việt Nam để phù hợp với thực tiễn trong và ngoài nước là nội dung cần triển khai nhằm hoàn thiện các tiêu chí nhận dạng phân loại một số loại hình hạ tầng thương mại tại Việt Nam.

Thứ hai, rà soát, đánh giá việc thực hiện áp dụng các tiêu chí phân hạng một số loại hình hạ tầng thương mại hiện hành tại Việt Nam hiện nay: theo phân tích thực trạng nêu trên, hiện nay có trung tâm thương mại và siêu thị đã được quy định các tiêu chí phân hạng tại một số văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, do sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế cũng như các loại hình hạ tầng thương mại, có tiêu chí nhận dạng, phân hạng các loại hình trung tâm thương mại và siêu thị không còn phù hợp với thực tiễn. Bên cạnh đó, một số loại hình hạ tầng thương mại chưa được quy định các tiêu chí nhận dạng. Do đó, cần rà soát lại hệ thống các quy định hiện hành về hạ tầng thương mại để đánh giá mặt được, mặt hạn chế cần chỉnh sửa, bổ sung nhằm hoàn thiện các tiêu chí phân hạng một số loại hình hạ tầng thương mại.

Thứ ba, xây dựng tiêu chí nhận dạng, phân hạng một số loại hình hạ tầng thương mại và để xuất hình thức văn bản ban hành. Trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước trên thế giới, rà soát các quy định hiện hành, thực trạng phát triển và áp dụng các quy định tiêu chí phân hạng của một số loại hình hạ tầng thương mại, đánh giá mặt được và mặt hạn chế, xây dựng và hoàn thiện các tiêu chí nhận dạng, phân hạng các loại hình hạ tầng thương mại. Các tiêu chí phân hạng các loại hình hạ tầng thương mại đặc biệt là trung tâm thương mại, siêu thị là cơ sở cho các địa phương quy hoạch hoặc xây dựng phương áp phát triển các loại hình hạ tầng thương mại tại địa phương. Do đó, việc hoàn thiện các tiêu chí nhận dạng, phân loại các loại hình hạ tầng thương mại cần phải có tính kế thừa, các tiêu chí mới cần xem xét quy định theo hướng khuyến khích áp dụng.

Sau khi xây dựng, hoàn thiện các tiêu chí phân hạng một số loại hình hạ tầng thương mại, cần nghiên cứu đề xuất cấp có thẩm quyền hình thức văn bản ban hành các tiêu chí để áp dụng trên thực tiễn./.