Giải pháp hoàn thiện chính sách quản lý hoạt động phân phối hàng hoá của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam

14:39 - 11/11/2024

Phùng Thị Vân Kiều[1] và Nguyễn Thị Thanh Mai[2]

Chính sách quản lý hoạt động phân phối hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam dần được hoàn thiện, ngày càng phù hợp với thực tiễn hội nhập kinh tế quốc tế, tạo khung pháp lý cho hoạt động phân phối hàng hóa, góp phần tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh… Bên cạnh những kết quả đạt được, chính sách quản lý hoạt động phân phối hàng hoá của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam còn một số hạn chế như chính sách còn thiếu đồng bộ, quy định chưa rõ, hiệu quả thực thi chưa cao… Bởi vậy, bài viết sẽ phân tích thực trạng hoàn thiện chính sách quản lý hoạt động phân phối hàng hoá của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và đưa ra một số giải pháp hoàn thiện chính sách quản lý hoạt động phân phối hàng hoá của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam giai đoạn đến năm 2030.

Từ khóa: Chính sách quản lý hoạt động phân phối hàng hoá; Giải pháp; Hoàn thiện; Nhà đầu tư nước ngoài; Tổ chức có vốn đầu tư nước ngoài; Việt Nam.

Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTA thế hệ mới phải thực hiện cam kết mở cửa thị trường phân phối để các nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường phân phối tại Việt Nam. Do đó, thu hút đông đảo các tập đoàn phân phối lớn trên thế giới vào Việt Nam như Metro Cash & Carry, Casino, Aeon, Lotte, Central Group… Hoạt động phân phối hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng đóng góp quan trọng vào phát triển thị trường phân phối nói riêng, phát triển sản xuất, tiêu dùng và nền kinh tế Việt Nam nói chung. Để phát triển và quản lý hoạt động phân phối hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, Nhà nước Việt Nam đã tiến hành xây dựng chính sách quản lý hoạt động phân phối hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và nội luật hóa các cam kết WTO và các FTA trong lĩnh vực phân phối.

  1. Thực trạng hoàn thiện chính sách quản lý hoạt động phân phối hàng hoá của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam

1.1. Thành tựu đạt được

Chính sách quản lý hoạt động phân phối hàng hoá của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam từ năm 2005 đến nay đã đạt được những thành tựu sau:

Thứ nhất, hệ thống pháp luật chung đã tạo ra một khung khổ pháp lý tương đối đầy đủ, an toàn và phù hợp để nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài có thể gia nhập thị trường phân phối Việt Nam

Hệ thống pháp luật chung (Luật Thương mại, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư… và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật) đã tạo ra một khung khổ pháp lý tương đối đầy đủ, an toàn và phù hợp để nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài có thể gia nhập thị trường phân phối Việt Nam và hoạt động phân phối có thể được vận hành bình thường, bảo đảm sự kiểm soát ở mức độ thích hợp của Nhà nước, lợi ích của nhà bán lẻ cũng như các lợi ích công cộng liên quan.

Hệ thống pháp luật thương mại, pháp luật đầu tư, pháp luật doanh nghiệp của Việt Nam ngày càng được hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư kinh doanh vào Việt Nam nói chung và thị trường phân phối nói riêng.

Thứ hai, chính sách quản lý hoạt động phân phối hàng hoá của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam dần được hoàn thiện

Việt Nam đã từng bước hình thành và hoàn thiện khung khổ pháp lý cần thiết để điều chỉnh hoạt động phân phối hàng hoá của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Nhiều văn bản chính sách quản lý hoạt động phân phối hàng hoá của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đã được ban hành, như: Nghị định số 23/2007/NĐ-CP ngày 12 tháng 02 năm 2007 quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam; Nghị định số 35/2006/NĐ-CP ngày 31 tháng 3 năm 2006 quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động nhượng quyền thương mại; Nghị định số 09/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 01 năm 2018 quy định chi tiết Luật thương mại và Luật Quản lý ngoại thương về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, thay thế Nghị định số 23/2007/NĐ-CP…

Thứ ba, chính sách quản lý hoạt động phân phối hàng hoá của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam ngày càng cởi mở hơn và phù hợp với thực tiễn hội nhập

Chính sách quản lý hoạt động phân phối hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam theo Nghị định số 09/2018/NĐ-CP đã cởi mở hơn so với các quy định trước đó. Cụ thể, theo Nghị định số 23/2007/NĐ-CP có nhiều điều khoản về cấp giấy phép kinh doanh hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan đến mua bán hàng hóa, thủ tục cấp phép lập cơ sở bán lẻ (không phân biệt cơ sở bán lẻ thứ nhất và từ thứ hai trở đi). Theo đó, Nghị định số 23/2007/NĐ-CP có nhiều điểm thắt chặt, có sự phân biệt giữa doanh nghiệp phân phối trong nước và nước ngoài. Đến Nghị định số 09/2018/NĐ-CP đã thay đổi theo hướng tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước và nước ngoài phát triển, cạnh tranh công bằng. Bên cạnh việc mở cửa thị trường phân phối, Việt Nam cũng có những quy định tại Thông tư số 34/2013/TT-BCT, theo đó có những yêu cầu đối với việc nhập khẩu hàng hóa đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là quyền phân phối hàng hóa nhập khẩu trong kho ngoại quan khi chưa thực hiện quyền nhập khẩu.

Chính sách quản lý hoạt động phân phối hàng hoá của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam ngày càng phù hợp với thực tiễn hội nhập kinh tế quốc tế. Chính sách được xây dựng khá đồng bộ, tương đối đầy đủ, bao quát hầu hết các vấn về quản lý hoạt động phân phối hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Chính sách vừa tạo ra môi trường, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài phát triển hoạt động phân phối hàng hoá, vừa quản lý được hoạt động phân phối hàng hóa của họ, vừa đảm bảo được chất lượng hàng hóa, đáp ứng cho nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Thứ tư, chính sách quản lý hoạt động phân phối hàng hoá của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đi vào thực tiễn, góp phần tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh

Các văn bản chính sách quản lý hoạt động phân phối hàng hoá của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được thực thi, đi vào thực tiễn, góp phần tạo dựng một môi trường kinh doanh lành mạnh, theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, đảm bảo sự cạnh tranh cần thiết để thúc đẩy hướng tới nâng cao chất lượng dịch vụ. Các nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tuân thủ các quy định của chính sách pháp luật trong kinh doanh phân phối hàng hoá đảm bảo cung cấp hàng hoá có chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, có đóng góp quan trọng trong hoạt động phân phối hàng hoá trong nước. Do đó mà thị trường phân phối Việt Nam phát triển mạnh trong giai đoạn 2018 - 2022, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 1,22 lần, từ 4.393.525,5 tỷ đồng năm 2018 tăng lên 5.363.264,7 tỷ đồng năm 2022.

1.2. Hạn chế và nguyên nhân

Bên cạnh những kết quả đạt được, chính sách quản lý hoạt động phân phối hàng hoá của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam từ năm 2005 đến nay vẫn còn một số hạn chế sau:

Thứ nhất, chính sách quản lý hoạt động phân phối hàng hoá của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam còn thiếu đồng bộ, quy định chưa rõ

Chính sách quản lý hoạt động phân phối hàng hoá của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam còn thiếu đồng bộ: Nghị định số 09/2018/NĐ-CP đã thực thi gần 7 năm nên một số quy định không còn phù hợp, thiếu đồng bộ với các quy định của Luật Doanh nghiệp 2020, Luật Đầu tư 2020 như quy định kiểm soát đối với trường hợp nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tham gia thành lập, góp vốn, mua lại các doanh nghiệp hoạt động bán lẻ tại Việt Nam…

Một số quy định của chính sách quản lý hoạt động phân phối hàng hoá của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam còn chưa rõ: Quy định về điều kiện cấp phép lập cơ sở bán lẻ (Điều 22), hoạt động đại lý bán hàng hoá (Điều 3), hồ sơ điều chỉnh Giấy phép lập cơ sở bán lẻ (Điều 31) của Nghị định số 09/2018/NĐ-CP; chưa có hướng dẫn cụ thể cho những thay đổi phát sinh trong Nghị định số 120/2011/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2011 sửa đổi, bổ sung thủ tục hành chính tại một số Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại (trong đó có Nghị định số 35/2006/NĐ-CP ngày 31 tháng 3 năm 2006 quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động nhượng quyền thương mại).

Thứ hai, thực thi chính sách quản lý hoạt động phân phối hàng hoá của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam còn bất cập

Nghị định số 09/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 01 năm 2018 quy định chi tiết Luật Thương mại và Luật Quản lý ngoại thương về hoạt động mua bán hàng hoá và hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hoá của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Nghị định được thực thi gần 7 năm. Hội đồng Kiểm tra nhu cầu kinh tế được thành lập ở các địa phương để kiểm soát các nhà phân phối nước ngoài tại thị trường của mình, bảo hộ hợp lý và hợp pháp các nhà phân phối nội địa, nhưng mỗi địa phương hiểu các quy định trong Nghị định số 09/2018/NĐ-CP khác nhau và có cách làm khác nhau. Một số địa phương còn lỏng lẻo trong thực thi kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT) dẫn tới tình trạng doanh nghiệp nội lại gặp khó khăn hơn doanh nghiệp ngoại trong tìm kiếm mặt bằng mở cơ sở bán lẻ mới.

Thứ ba, hiệu quả thực thi chính sách quản lý hoạt động phân phối hàng hoá của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam còn chưa cao

Hiệu quả thực thi chính sách quản lý hoạt động phân phối hàng hoá của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam còn chưa cao. Mặc dù, thủ tục kiểm tra của Hội đồng kiểm tra nhu cầu kinh tế và sự giám sát của Bộ Công Thương đối với việc kiểm tra nhu cầu kinh tế khá chặt chẽ và sâu sát. Việc thực thi chính sách còn thiếu đồng bộ giữa các địa phương nên dẫn tới hiệu quả thực thi chưa cao.

Thứ tư, chính sách quản lý và phát triển phân phối hàng hoá trong thương mại điện tử còn bất cập

Đối với chính sách quản lý và phát triển phân phối hàng hoá trong thương mại điện tử, mặc dù đã ban hành nhiều văn bản chính sách, nhưng vẫn còn lỗ hổng. Bên cạnh Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 29 tháng 3 năm 2023 phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025 cần bổ sung, cập nhật thêm những chính sách về chống hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Ngoài ra, cần sửa đổi, bổ sung Nghị định số 22/2017/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2017 về hoà giải thương mại hoặc xây dựng những văn bản hướng dẫn để giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp trong thương mại điện tử.  Thêm vào đó, cần bổ sung quy định về thương mại điện tử xuyên biên giới để kiểm soát hoạt động phân phối hàng hoá xuyên biên giới.

Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế:

Những hạn chế của chính sách quản lý hoạt động phân phối hàng hoá của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam do những nguyên nhân sau:

- Các địa phương còn chưa tham gia tích cực vào quá trình xây dựng và phản biện chính sách quản lý hoạt động phân phối hàng hoá của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam nên khi chính sách được ban hành và thực thi, hiệu quả mang lại còn thấp.

- Công tác quản lý nhà nước về hoạt động phân phối hàng hoá của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam còn chưa chặt chẽ, công tác phối hợp trong quản lý nhà nước nước giữa Trung ương và địa phương chưa thực sự hiệu quả, thiếu tính kết nối.

- ENT thực chất là một loại “rào cản kỹ thuật”, là một công cụ tốt để quản lý hoạt động phân phối của doanh nghiệp FDI. Việc triển khai thực hiện quy định về ENT của các cơ quan quản lý vẫn chưa thực sự nhất quán trong nhận thức và cách làm. Hội đồng kiểm tra nhu cầu kinh tế ở mỗi địa phương xem xét về ENT lại khác nhau. Nhìn chung, sử dụng công cụ ENT tại các địa phương còn thiếu thống nhất và chưa hiệu quả.

- Thời gian thẩm định hồ sơ xin mở cơ sở bán lẻ của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài còn dài. Theo Nghị định số 09/2018/NĐ-CP, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ phải thực hiện nhiều thủ tục xét duyệt và sẽ phải mất thời gian từ 2 - 3 tháng xét duyệt trước khi thành lập được cơ sở bán lẻ đầu tiên, dù đã có hướng dẫn về thủ tục xin cấp, đồng thời giấy phép kinh doanh dịch vụ phân phối bán lẻ và giấy phép thành lập cơ sở bán lẻ của Sở Công Thương các tỉnh, thành phố để tiết kiệm thời gian.

- Thiếu kiểm soát chặt chẽ quá trình thực thi chính sách quản lý hoạt động phân phối hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài hiện hành, dẫn tới tình trạng doanh nghiệp FDI vi phạm về phạm vi kinh doanh (các doanh nghiệp chỉ đăng ký bán lẻ nhưng vẫn bán buôn, các loại hàng hóa bị cấm đối với các nhà bán lẻ nước ngoài vẫn được bày bán tại các cơ sở bán lẻ nước ngoài…).

- Thực tiễn thương mại thay đổi nhanh dưới tác động của toàn cầu hóa, tự do hóa thương mại, hội nhập và cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Thương mại truyền thống đang giảm dần, thay vào đó là thương mại điện tử phát triển mạnh. Xuất hiện mô hình kinh doanh mới, phương thức kinh doanh mới… mà chưa có trong quy định của chính sách quản lý và phát triển thị trường phân phối. Việc thương mại điện tử phát triển nhanh, kéo theo đó là sự xuất hiện của các mô hình kinh doanh mới, mô hình kinh doanh theo dạng nền tảng chưa được bổ sung, cập nhật vào chính sách quản lý và phát triển thị trường phân phối.

  1. Một số giải pháp chủ yếu nhằm hoàn thiện chính sách quản lý hoạt động phân phối hàng hoá của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đến năm 2030

Giai đoạn đến năm 2030, kinh tế và thương mại toàn cầu có xu hướng phục hồi trở lại trong bối cảnh thế giới có những chuyển biến lớn và khó lường, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xu hướng bảo hộ, xung đột thương mại tiếp tục gia tăng; xu hướng tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế và thực thi các FTA thế hệ mới thúc đẩy đầu tư vào lĩnh vực phân phối; xu hướng phát triển thươnng mại điện tử, chuyển đổi số và cách mạng công nghiệp lần thứ tư, góp phần phát triển các mô hình phân phối và đẩy mạnh các hoạt động phân phối; Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào kinh tế khu vực và thế giới, ký kết và thực thi các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới mở ra nhiều cơ hội và thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường phân phối Việt Nam; Việt Nam đang đẩy mạnh hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, phù hợp với xu hướng phát triển của đất nước trong thời kỳ mới, qua đó tạo lập các điều kiện thị trường bình đẳng khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia ... Bối cảnh quốc tế và trong nước với nhiều cơ hội và thách thức đan xen sẽ ảnh hưởng đến hoàn thiện chính sách quản lý hoạt động phân phối hàng hoá của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam trong những năm tới. Do vậy, để hoàn thiện chính sách quản lý hoạt động phân phối hàng hoá của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 cần thực hiện một số giải pháp.

2.1. Giải pháp hoàn thiện chính sách quản lý hoạt động phân phối hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam

(1) Hoàn thiện chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phát triển trong sự quản lý, kiểm soát của nhà nước: Rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản chính sách để hoàn thiện chính sách quản lý hoạt động phân phối hàng hoá của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam nhằm tạo thuận lợi cho các hoạt động hợp pháp của nhà đầu tư nước ngoài, thúc đẩy sự phát triển của các chủ thể này; rà soát, sửa đổi Luật Thương mại 2005 theo hướng tạo nhiều thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, bổ sung quy định về hạ tầng thương mại để làm căn cứ pháp lý cho việc triển khai các chính sách có liên quan, tương thích với các Luật liên quan khác, phù hợp với bối cảnh tình hình mới trong nước và hội nhập quốc tế, hoàn thành trước năm 2025; rà soát, hoàn thiện quy định về quản lý hàng hóa lưu thông trên thị trường, bao gồm quy định về nhãn, mác hàng hóa, nguồn gốc xuất xứ, truyền thông quảng cáo, thông tin thị trường...; sửa đổi Nghị định số 09/2018/NĐ-CP theo hướng quy định chặt chẽ đối với điều kiện cấp Giấy phép kinh doanh, căn cứ xem xét chấp thuận Giấy phép kinh doanh, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục cấp phép…

(2) Đa dạng hóa các công cụ quản lý để nâng cao hiệu quả thực thi chính sách quản lý hoạt động phân phối hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam: Đa dạng hóa các công cụ quản lý, trong đó tập trung vào những công cụ chủ yếu như cấp Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với nhà đầu tư nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ, Giấy phép lập cơ sở bán lẻ, Giấy phép kinh doanh, ENT. Đối với công cụ ENT, cần nâng cao hiệu quả sử dụng ENT để ENT là một công cụ tốt trong quản lý hoạt động phân phối hàng hóa của doanh nghiệp FDI, quản lý chặt chẽ và thống nhất việc thực hiện ENT tại các địa phương… Đối với danh mục mặt hàng, cần duy trì Danh mục hạn chế lâu dài theo cam kết WTO (thuốc lá và xì gà, kim loại quý và đá quý, dược phẩm, thuốc nổ và dầu đã qua chế biến, gạo, đường, sách báo) và trong các FTA đang đàm phán để bảo vệ doanh nghiệp phân phối nội địa và cả nền sản xuất của Việt Nam (cũng là thực hiện tốt cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam).

(3) Xây dựng hệ thống rào cản kỹ thuật để bảo vệ thị trường trong nước trước sự gia tăng thị phần của các doanh nghiệp FDI: Rà soát, sửa đổi, bổ sung các tiêu chuẩn hiện hành cho phù hợp với pháp luật Việt Nam và các cam kết quốc tế; xây dựng tiêu chuẩn quốc gia về phân loại các loại hình bán buôn hiện đại, bán lẻ hiện đại như đại siêu thị, siêu thị, trung tâm thương mại, siêu thị nhỏ và vừa, chuỗi cửa hàng tiện lợi có thương hiệu… và đưa ra các quy định đối với từng loại hình phân phối; hoàn thiện các quy định, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn về hệ thống phân phối xanh, trước hết là hệ thống phân phối bán lẻ bao gồm trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi… và áp dụng trên phạm vi cả nước; nghiên cứu xây dựng và sử dụng các biện pháp kỹ thuật phù hợp với cam kết hội nhập để kiểm soát nguồn cung hàng nhập khẩu để kiểm soát hàng hoá nhập khẩu nói chung, hàng hoá nhập khẩu phân phối tại các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi… của các doanh nghiệp FDI nói riêng.

2.2. Giải pháp khác

(1) Chú trọng và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động phân phối hàng hoá của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam: Chú trọng công tác quản lý ở cả khâu cấp phép và sau cấp phép (hậu kiểm) đối với hoạt động phân phối của các nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động phân phối hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài từ cấp phép, xúc tiến, quản lý hoạt động phân phối hàng hóa từ Trung ương đến địa phương để hạn chế các mặt tiêu cực (chuyển giá, trốn thuế, gây ô nhiễm môi trường…) và phát huy các mặt tích cực (cung cấp hàng hóa đa dạng, có chất lượng với giá cả hợp lý…); kiểm soát chặt chẽ quá trình thực thi chính sách quản lý hoạt động phân phối hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài hiện hành để hạn chế tình trạng doanh nghiệp FDI vi phạm về phạm vi kinh doanh (các loại hàng hóa bị cấm đối với các nhà bán lẻ nước ngoài vẫn được bày bán tại các cơ sở bán lẻ nước ngoài).

(2) Xây dựng quy hoạch mạng lưới phân phối hàng hoá: Xây dựng quy hoạch mạng lưới phân phối hàng hoá để điều chỉnh việc thành lập và phát triển mạng lưới phân phối nhằm phát triển ngành phân phối theo hướng bền vững, làm cơ sở để triển khai hoạt động quản lý nhà nước đối với ngành phân phối; Chính phủ cần ban hành các kế hoạch và chính sách quốc gia để quy hoạch mạng lưới phân phối hàng hóa như các Kế hoạch 5 năm hoặc 10 năm về điều chỉnh cơ cấu ngành phân phối hàng hóa, về phát triển thương mại nội địa... (học kinh nghiệm của Trung Quốc).

(3) Đẩy mạnh công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra hoạt động phân phối hàng hoá của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam: Đẩy mạnh công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra chuyên ngành và phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước đối với hệ thống phân phối của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, nhất là đối với các doanh nghiệp FDI có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật; tăng cường quản lý, thanh tra kiểm tra về hàng hóa và giá cả hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; nâng cao mức độ quan tâm và chú trọng trong công tác quản lý niêm yết giá đối với các cán bộ thực hiện công tác quản lý, đồng thời tích cực tuyên truyền về quy định pháp luật đối với các doanh nghiệp phân phối FDI.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Chính phủ (2018), Nghị định quy định chi tiết Luật Thương mại và Luật Quản lý ngoại thương về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Nghị định số 09/2018/NĐ-CP, ngày 15 tháng 01 năm 2018.
  2. Trần Thu Hạnh (Chủ nhiệm), Nhiệm vụ xây dựng báo cáo đánh giá thực trạng quản lý và phát triển hệ thống phân phối của nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài tại Việt Nam và đề xuất nâng cao hiệu quả quản lý trong thời gian tới, Báo cáo tổng hợp, tháng 12/2020.
  3. Phùng Thị Vân Kiều (2024), “Khung khổ pháp lý và công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động phân phối bán lẻ của nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài”, Bài tham luận tại Toạ đàm về hoạt động phân phối bán lẻ và nhượng quyền thương mại của nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài tại Việt Nam, Hà Nội - tháng 6/2024.
  4. Phùng Thị Vân Kiều (Chủ nhiệm), Nhiệm vụ “Đề án hoàn thiện chính sách quản lý hoạt động phân phối hàng hoá của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam”, Báo cáo tổng hợp, tháng 11/2024.
  5. Vương Quang Lượng (Chủ nhiệm), Chiến lược phát triển thị trường bán lẻ của Việt Nam đến năm 2030, định hướng 2045, Nhiệm vụ cấp Bộ, Báo cáo tổng hợp, tháng 10/2024.
  6. Quốc hội (2005), Luật Thương mại, Luật số 36/2005/QH11), ngày 14 tháng 6 năm 2005.
  7. Quốc hội (2017), Luật Quản lý ngoại thương, Luật số 05/2017/QH14, ngày 12 tháng 6 năm 2017.

[1] Thạc sĩ, phó trưởng phòng Nghiên cứu chiến lược, chính sách Thương mại - Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương

[2] Cử nhân, nghiên cứu viên Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương