Giải pháp đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư và đổi mới công nghệ nhằm thúc đẩy xuất khẩu cho sản phẩm công nghiệp hóa chất Việt Nam
23:16 - 04/11/2024
ThS. Hoàng Thị Hương Lan
Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương
Tóm tắt: Công nghiệp hoá chất là một trong những ngành công nghiệp nền tảng, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế đất nước. Tổng sản lượng công nghiệp hoá chất Việt Nam hàng năm chiếm khoảng 10-11% tổng giá trị GDP ngành công nghiệp. Giá trị xuất khẩu hóa chất hiện đứng thứ 12 trong tổng các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Chủng loại sản phẩm trong nước sản xuất đa dạng hơn do có các dự án mới sản xuất các sản phẩm trước đây chưa có đơn vị sản xuất. Ngành công nghiệp hóa chất là ngành đặc thù các dự án với mức đầu tư lớn và công nghệ sử dụng phải được cải tiến hàng năm tiếp cận với với trình độ khu vực và thế giới, các yếu tố an toàn, môi trường, hiệu quả được nâng cao. Hiện nay, ngành hóa chất của Việt Nam còn gặp phải một số vấn đề như cơ cấu sản phẩm còn thiếu hụt, chưa có nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Nguyên liệu đầu vào của hầu hết các phân ngành chủ yếu phải nhập khẩu, thiếu các cơ chế, chính sách có khả năng thu hút đầu tư, đặc biệt các phân ngành hóa chất có đặc thù và mức độ phát triển rất khác nhau nên cần có cơ chế, chính sách riêng phù hợp với từng phân ngành. Các doanh nghiệp Việt Nam chưa chú trọng đến lĩnh vực nghiên cứu khoa học, thiếu công nghệ nguồn, dẫn đến giá thành cao, sản phẩm kém tính cạnh tranh. Kết cấu hạ tầng, ứng dụng công nghệ của CMCN 4.0 và chất lượng lao động ngành CNHC nhìn chung còn thấp. Động lực tăng trưởng của ngành thời gian qua chủ yếu phụ thuộc vào các dự án FDI, khó tạo ra sự chuyển dịch cơ cấu ngành theo hướng mong muốn. Vì vậy, cần nghiên cứu đề xuất giải pháp đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư và đổi mới công nghệ nhằm thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm công nghiệp hóa chất trong thời gian tới.
Từ khóa: Công nghiệp hóa chất, xuất khẩu, xúc tiến đầu tư, đổi mới công nghệ
1. Khái quát chung về thực trạng hoạt động xúc tiến đầu tư và đổi mới công nghệ của ngành công nghiệp hóa chất giai đoạn 2016-2023
Ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đóng một vai trò chủ đạo trong việc phát triển kinh tế vì đây là ngành cung cấp đầu vào cho một số ngành công nghiệp thiết yếu. Hiện nay Việt Nam đã phát triển đầy đủ các phân ngành của ngành công nghiệp hóa chất bao gồm: Phân bón và các hợp chất khác, xà phòng và chất tẩy rửa, nhựa nguyên sinh và cao su tổng hợp, hóa chất cơ bản, sơn và mực, thuốc trừ sâu, sợi nhân tạo và các loại sản phẩm hóa học khác.
Tuy nhiên ngành hóa chất Việt Nam chưa phát triển để đáp ứng được nhu cầu ngày càng gia tăng trong nước. So sánh với ngành hóa chất của các nước khác, chỉ số tăng trưởng của Ngành Hóa chất Việt Nam thấp hơn tương đối. Chỉ số sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất mỗi năm chỉ ở mức thấp trong khi tỉ lệ hàng tồn kho của ngành luôn tăng. Sản lượng ngành công nghiệp hóa chất được ước tính chỉ chiếm khoảng 10% tổng sản lượng công nghiệp cả nước. Với mức tăng trưởng và tỉ trọng khiêm tốn, Ngành hóa chất sẽ đối mặt với thách thức về nhu cầu đầu vào gia tăng nhanh trung bình 9-10%/năm. Để phục vụ nhu cầu trong nước, 70 – 80% lượng hóa chất được nhập khẩu từ Trung Quốc. Về tỷ trọng các quốc gia trong cán cân xuất nhập khẩu với Việt Nam trong giai đoạn 2015-2022 không có quá nhiều thay đổi. Trong đó Trung Quốc vẫn là quốc gia chiếm tỷ trọng lớn trong nguồn cung nguyên vật liệu hóa chất thô đầu vào cho Việt Nam. Về mặt cơ cấu nguồn hóa chất nhập khẩu trong giai đoạn tiếp theo, Trung Quốc vẫn sẽ là nguồn nhập khẩu hóa chất chính yếu. Tuy nhiên với việc cắt giảm sản lượng các ngành sản xuất có ảnh hưởng lớn đến môi trường của chính quyền Trung Quốc, các nhà nhập khẩu của Việt Nam đang giảm dần cơ cấu nguồn cung từ các nhà máy tại Trung Quốc. Thay vào đó, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Đài Loan… đang là các nguồn cung cấp thay thế, các doanh nghiệp của các quốc gia này trực tiếp đầu tư xây dựng các nhà máy trong chuỗi giá trị sau của ngành hóa chất.
1.1. Thực trạng hoạt động xúc tiến đầu tư trong ngành hóa chất
1.1.1 Hợp tác đầu tư và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)
Đối ngành phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, Việt Nam đã thu hút các dự án FDI lớn từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore, đặc biệt trong các lĩnh vực sản xuất phân bón và hóa chất nông nghiệp nhằm tăng cường năng suất và giảm thiểu tác động môi trường. Các công ty lớn như Mitsui Chemicals và LG Chem đã tham gia vào các liên doanh cung ứng nguyên liệu đầu vào cho phân bón và thuốc bảo vệ thực vật.
Đối với ngành nhựa và cao su, Các doanh nghiệp FDI từ Hàn Quốc và Nhật Bản cũng đã đầu tư mạnh mẽ vào các nhà máy sản xuất cao su kỹ thuật và nhựa. Tập đoàn Kumho đã mở rộng cơ sở sản xuất tại Bình Dương, tập trung vào sản xuất lốp xe và sản phẩm cao su công nghiệp.
Số liệu năm 2023 cho thấy, ngành sản xuất và chế biến, bao gồm cả hóa chất và nhựa, chiếm gần 73% tổng vốn FDI vào Việt Nam. Thành phố Hồ Chí Minh và Hải Phòng là những điểm đến hấp dẫn cho các dự án FDI mới nhờ cơ sở hạ tầng phát triển và chính sách ưu đãi đầu tư tích cực.
1.1.2 Hội chợ triển lãm và xúc tiến đầu tư
Triển lãm QT Công nghiệp Hóa chất Việt Nam lần thứ 19 – VINACHEM EXPO; Triển lãm Công nghiệp Hóa chất Trung Quốc tại Việt Nam lần thứ 21- CHINACHEM; Triển lãm QT Sản phẩm Hóa chất Nông nghiệp & Bảo vệ Thực vật tại Việt Nam – CAC 2024.
Hội chợ chuyên ngành, Việt Nam tổ chức nhiều sự kiện triển lãm quốc tế như Plastics & Rubber Vietnam (ngành nhựa và cao su), Agrochemex Vietnam (phân bón và hóa chất nông nghiệp) nhằm thu hút sự quan tâm từ các nhà đầu tư và doanh nghiệp nước ngoài. Các sự kiện này không chỉ giới thiệu sản phẩm mới mà còn mở rộng cơ hội hợp tác và ký kết hợp đồng.
Đối tác chiến lược: Một số hội chợ được tổ chức với sự tham gia của các hiệp hội quốc tế, giúp kết nối Việt Nam với các nhà đầu tư từ các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, và EU. Hoạt động này đóng vai trò quan trọng trong việc tạo cầu nối cho hợp tác sản xuất và xuất khẩu sản phẩm nhựa, cao su và hóa chất.
1.1.3 Xúc tiến thu hút đầu tư và tăng trưởng FDI
Từ năm 2016 đến 2023, Việt Nam đã thu hút hơn 10 tỷ USD vốn FDI hàng năm vào lĩnh vực sản xuất, bao gồm nhựa, hóa chất và cao su. Trong đó, Singapore và Nhật Bản là những quốc gia dẫn đầu về vốn đăng ký. Thị trường phân bón và hóa chất nông nghiệp cũng nhận được nhiều sự quan tâm trong bối cảnh nhu cầu tăng cao và yêu cầu chuyển đổi sang nông nghiệp bền vững.
Tuy nhiên, từ 2023, hoạt động FDI đối mặt với một số trở ngại do tình hình kinh tế toàn cầu bất ổn và các quy định thuế tối thiểu toàn cầu. Ngoài ra, xu hướng "nearshoring" (đầu tư gần thị trường nội địa) cũng có thể ảnh hưởng đến dòng vốn FDI vào Việt Nam, đặc biệt từ Hàn Quốc và Nhật Bản.
Nhìn chung, các ngành phân bón, hóa chất và cao su tại Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn cho FDI nhờ vào nền kinh tế mở, các hiệp định thương mại tự do, và môi trường đầu tư ổn định. Tuy nhiên, để duy trì dòng vốn này, Việt Nam cần đẩy mạnh cải thiện cơ sở hạ tầng, đào tạo nhân lực, và tăng cường minh bạch trong quản lý đầu tư.
Giai đoạn 2016-2023, Việt Nam thu hút mạnh dòng vốn FDI, với tổng vốn đăng ký vào lĩnh vực sản xuất và chế biến, bao gồm cả hóa chất, đạt khoảng 16,8 tỷ USD trong năm 2022, chiếm hơn 60% tổng vốn FDI cả nước. Đặc biệt, các doanh nghiệp từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore đã đầu tư lớn vào ngành nhựa, hóa dầu và phân bón tại Việt Nam. Ví dụ, tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc) đã mở rộng nhà máy sản xuất hóa chất tại Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu với tổng vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD.
Ngoài ra, ngành công nghiệp này còn hưởng lợi từ việc Việt Nam duy trì chi phí lao động thấp và chính sách thương mại linh hoạt, giúp các nhà đầu tư tận dụng chuỗi cung ứng giữa Việt Nam và Trung Quốc để sản xuất và xuất khẩu.
1.1.4 Hội chợ, triển lãm chuyên ngành
Hoạt động triển lãm đóng vai trò quan trọng trong xúc tiến đầu tư và quảng bá sản phẩm hóa chất, nhựa và cao su. Các sự kiện lớn như VietnamPlas và ChemExpo được tổ chức hàng năm tại TP. Hồ Chí Minh, thu hút hàng trăm doanh nghiệp quốc tế và trong nước. VietnamPlas 2024, diễn ra từ 16-19/10, đã thu hút hàng trăm công ty tham gia, từ thiết bị sản xuất nhựa đến các giải pháp công nghệ tiên tiến cho ngành cao su và nhựa.
Những triển lãm này không chỉ giới thiệu công nghệ mới mà còn tạo cơ hội cho các doanh nghiệp thiết lập quan hệ hợp tác, từ đó thúc đẩy tăng trưởng trong lĩnh vực hóa chất và nhựa. Ngoài ra, các hội chợ còn hỗ trợ doanh nghiệp nội địa tiếp cận công nghệ quốc tế, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu.
1.2. Thực trạng hoạt động đổi mới công nghệ trong nghành hóa chất
Hầu hết các dự án trong những năm gần đây như các tổ hợp hoá dầu Nghi Sơn, Long Sơn, Hyosung, khí công nghiệp Airliquid, Messer, săm lốp ô tô Brigestone, Sailoon, Kumho, các nhà máy phân bón, hoá chất thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất, Tập đoàn Than khoáng sản đều sử dụng công nghệ tiên tiến, tương đương với trình độ khu vực và thế giới.
Nhiều doanh nghiệp lâu năm cũng đã chú trọng tìm kiếm những giải pháp kỹ thuật, cách thức sản xuất mới và thu được những hiệu quả rõ rệt. Công ty cổ phần Sơn Nishu đã tiến hành thay thế công thức sản phẩm, đầu tư mới thiết bị, giảm thiểu các yếu tố khó phân hủy trong môi trường. Công ty cổ phần Hóa chất cơ bản Miền Nam và Công ty cổ phần Hóa chất Việt Trì đã ứng dụng công nghệ điện phân xút-clo màng trao đổi ion. Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng, Công ty cổ phần Cao su Miền Nam đã đầu tư và đưa nhà máy lốp xe tải radial và đặc biệt, tổ chức sản xuất loại lốp ô tô đặc chủng cho xe siêu tải trọng, loại sản phẩm này có giá trị sản xuất công nghiệp cao, tiềm năng khai thác ở thị trường trong nước và xuất khẩu rất lớn. Công ty cổ phần Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao đã triển khai công trình chuyển đổi công nghệ sản xuất axit sunphuric từ tiếp xúc đơn, hấp thụ một lần sang công nghệ tiếp xúc kép, hấp thụ hai lần… Các Công ty đã khẳng định được lợi nhiều mặt khi áp dụng công nghệ mới, hiện đại, thiết bị tiên tiến, điều khiển tự động, không những hiệu quả sản xuất tăng, định mức tiêu hao nguyên liệu giảm, mà các yếu tố an toàn, bảo vệ môi trường cũng được nâng cao.
Tuy nhiên, cần thừa nhận, trong bức tranh tổng thể ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam, vẫn còn nhiều mảng màu chưa sáng. Ngành mới chủ yếu cung cấp được một số sản phẩm thông dụng, chưa sản xuất được các sản phẩm hóa chất có yêu cầu kỹ thuật cao, chưa có nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao, nhiều loại nguyên liệu và sản phẩm hóa chất còn phụ thuộc vào nhập khẩu. Còn nhiều cơ sở nhỏ lẻ, lạc hậu, chưa chú trọng đến lĩnh vực nghiên cứu khoa học, cải tiến công nghệ, sản phẩm kém tính cạnh tranh. Còn để xảy ra tình trạng ô nhiễm, mất an toàn dẫn đến tâm lý e ngại, không chào đón tại một số địa phương và cộng đồng dân cư.
Nói tới phát triển công nghiệp hóa chất là nói đến sự kết hợp hài hòa giữa phát triển nhanh và bền vững, giữa phát triển theo hướng hiện đại và tăng trưởng xanh. Hiện nay, kinh tế tuần hoàn là một xu hướng tất yếu đối với sự phát triển chung của tất cả các lĩnh vực trong nền kinh tế, xã hội; đặc biệt là lĩnh vực chế biến, chế tạo. Và ngành công nghiệp hóa chất chính là yếu tố không thể thiếu để thực thi một nền kinh tế tuần hoàn. Việc hình thành các khu công nghiệp hoá chất tập trung sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tạo động lực cho phát triển công nghiệp hóa chất, hứa hẹn đem lại diện mạo mới cho ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam về một ngành công nghiệp xanh và hiện đại.
2. Giải pháp đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư và đổi mới công nghệ nhằm thúc đẩy xuất khẩu cho sản phẩm công nghiệp hóa chất Việt Nam
2.1 Giải pháp về xúc tiến đầu tư vào ngành công nghiệp hóa chất
2.1.1 Đổi mới thể chế quản lý hoạt động đầu tư trong ngành công nghiệp hóa chất
- Đảm bảo cơ chế ưu đãi đầu tư đối với các dự án hóa dầu, hóa dược, hóa chất cơ bản, cao su theo quy định của pháp luật; tạo điều kiện cho các dự án ưu tiên tiếp cận được với chế độ ưu đãi về thuế, đất đai, lao động...
- Sửa đổi, bổ sung các quy định về yêu cầu đối với dự án hóa chất: Đảm bảo phù hợp chiến lược phát triển ngành, chiến lược, quy hoạch phát triển địa phương, vùng lãnh thổ; các yêu cầu đảm bảo an toàn hóa chất và bảo vệ môi trường; các yêu cầu về áp dụng công nghệ tiên tiến; sử dụng hợp lý các nguồn lực, tài nguyên, bảo đảm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng; áp dụng tiêu chí hóa học xanh.
- Tăng cường cơ chế phối hợp trong công tác quản lý đầu tư trong lĩnh vực hóa chất. Cơ quan chấp thuận chủ trương đầu tư cấp tỉnh cần lấy ý kiến của Bộ Công Thương về sự phù hợp của các dự án đầu tư trong lĩnh vực hóa chất với Chiến lược phát triển ngành.
- Tạo sự bình đẳng giữa các khu vực kinh tế, đặc biệt tập trung nâng cao hơn nữa vai trò của khu vực kinh tế tư nhân thông qua việc thực thi có hiệu quả việc bảo hộ quyền sở hữu và bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực.
- Xây dựng cơ sở dữ liệu về dự án đầu tư trong lĩnh vực hóa chất, ứng dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả hoạt động, tạo ra lợi thế cạnh tranh trên thị trường và tính bền vững của hoạt động công nghiệp hóa chất.
- Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư cấp Chính phủ, trong đó, sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các cơ quan đầu mối XTĐT và XTTM quốc gia là vô cùng quan trọng trong việc thực hiện xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài vào các dự án hóa chất trọng điểm quốc gia được ưu tiên khuyến khích phát triển.
- Đẩy mạnh việc xúc tiến đầu tư, kêu gọi đầu tư các dự án hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp hóa chất theo các phân ngành ưu tiên trong lĩnh vực công nghiệp hóa chất. Tăng cường hoạt động trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác đầu tư phát triển công nghiệp hóa chất gắn với công tác bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế tuần hoàn.
- Xây dựng và áp dụng các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng, các tiêu chuẩn môi trường thuộc ngành hoặc tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế trong phát triển ngành. Kiên quyết không chấp thuận các dự án đầu tư có công nghệ lạc hậu, sử dụng tài nguyên và năng lượng không hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường.
- Tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các dự án đầu tư theo quy hoạch hóa chất, xem xét cẩn trọng các dự án đầu tư, tránh nhập công nghệ lạc hậu, tăng cường thẩm quyền, năng lực giám sát đầu tư, nhất là đầu tư công.
2.1.2 Tích cực tìm hiểu, kết nối tổ chức, tham gia các chương trình, kế hoạch, sự kiện, diễn đàn về XTĐT kết hợp XTTM ngành hóa chất
Tham gia tích cực, chủ động với sự chuẩn bị sẵn sàng của đông đảo các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hóa chất trong và ngoài nước trong các diễn đàn, hội nghị, chương trình, kế hoạch về XTĐT và XTTM quốc gia ngành hóa chất là vô cùng quan trọng để đảm bảo thành công cho sự kiện, đầu thời cung cấp cầu nối, chắp nối cung cầu về đầu tư cho ngành công nghiệp hóa chất, qua đó có thể đem đến các văn bản ghi nhớ về thỏa thuận, cam kết đầu tư vào dự án công nghiệp hóa chất, tạo thuận lợi cho việc thu hút đầu tư trong và ngoài nước phát triển ngành.
2.2. Giải pháp về đổi mới công nghệ của ngành công nghiệp hóa chất
2.2.1 Giải pháp về cơ chế, chính sách
- Đề xuất các cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút đầu tư các dự án công nghệ cao, các dự án chuyển giao công nghệ đồng thời đề xuất chính sách và lộ trình loại bỏ dần các công nghệ lạc hậu; đề xuất cơ chế chính sách ưu đãi cho các khu, cụm công nghiệp chuyên sâu; chính sách ưu đãi đầu tư xây dựng khu, cụm công nghiệp hóa chất tập trung; chính sách ưu đãi cho hoạt động nghiên cứu phát triển ngành hóa chất; chính sách hỗ trợ di dời các nhà máy sản xuất hóa chất trong khu dân cư vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
- Xây dựng và hoàn thiện hệ thống Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong lĩnh vực hóa chất.
- Chủ động nghiên cứu và vận dụng hiệu quả các cơ chế chính sách, đặc biệt là vận dụng các chính sách khuyến khích đối với lĩnh vực khoa học, công nghệ để tham gia các chương trình khoa học, công nghệ trọng điểm của nhà nước, sử dụng hiệu quả nguồn tài chính được ưu tiên trích lập cho công tác khoa học, công nghệ như Quỹ phát triển khoa học, công nghệ của doanh nghiệp…
2.2.2 Tập trung nguồn lực giải quyết những vấn đề của thực tiễn sản xuất tại các doanh nghiệp của ngành hóa chất
Tập trung nguồn lực giải quyết những vấn đề của thực tiễn sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm, ứng dụng chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo phù hợp đặc điểm của từng đơn vị, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, tiết kiệm năng lượng, tiết giảm chi phí trong sản xuất, đảm bảo an toàn môi trường sinh thái, sức khỏe con người.
2.2.3 Đẩy mạnh hợp tác với các đối tác có trình độ khoa học, kỹ thuật và công nghệ cao ở trong và ngoài nước: Trao đổi, chia sẻ học hỏi kiến thức, kinh nghiệm trong nghiên cứu, phát triển, ứng dụng và chuyển giao khoa học, kỹ thuật và công nghệ, không ngừng nâng cao thực lực KHCN của ngành hóa chất.
2.2.4 Tập trung xây dựng, nâng cao tính sẵn sàng đổi mới sáng tạo của ngành CNHC: Chuẩn bị đầy đủ thế và lực để nắm bắt cơ hội từ cuộc cách mạng KHCN, đặc biệt là chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0 nhằm nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo của toàn ngành công nghiệp, của các doanh nghiệp CNHC.
2.2.5 Tập trung phát triển khoa học công nghệ
- Tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức của các cơ quan nghiên cứu, dịch vụ khoa học công nghệ theo huớng tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tăng cường liên kết với các doanh nghiệp. Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu ứng dụng và đào tạo của các viện nghiên cứu hóa chất để tạo nên các sản phẩm chất lượng, ứng dụng khoa học công nghệ trong khai thác, sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm. Nâng cao năng lực cho các đơn vị tư vấn, thiết kế chuyên ngành hóa chất.
- Cải tạo, bổ sung trang thiết bị, chống xuống cấp và nâng cấp các phòng thí nghiệm chuyên ngành hóa chất với cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, đặc biệt trong lĩnh vực thiết kế, chế tạo sản phẩm mới, phân tích, kiểm tra, chứng nhận hợp quy, hợp chuẩn sản phẩm.
- Tăng cường, đẩy mạnh hoạt động bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với các kết quả nghiên cứu; tìm kiếm, tiếp nhận, làm chủ các công nghệ mới từ nước ngoài vào Việt Nam trong ngành hóa chất.
- Ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất, kinh doanh. Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), sản xuất thử nghiệm từ kết quả nghiên cứu, dịch vụ khoa học và công nghệ, nâng cao tỷ lệ đóng góp của khoa học công nghệ vào giá trị gia tăng của sản phẩm hóa chất.
- Nâng cao năng lực các cơ quan nghiên cứu chuyên ngành, các phòng kỹ thuật công nghệ của các công ty để có đủ khả năng tiếp cận, tổ chức nghiên cứu triển khai các công nghệ mới. Chú trọng ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học, chủ động chuyển giao công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật, sản phẩm nguyên liệu, hóa chất và dây chuyền thiết bị mới, tiên tiến,...
2.3. Giải pháp khác
2.3.1 Giải pháp về thị trường, xúc tiến thương mại
- Coi trọng, phát triển thị trường trong nước, mở rộng thị trường ngoài nước, tăng cường chế biến sâu, nâng cao giá trị tăng thêm các sản phẩm hóa chất. Tăng cường công tác tiếp thị, nắm bắt thông tin, tiếp cận với các bạn hàng trực tiếp, giảm dần các khâu trung gian.
- Nghiên cứu đưa ra thị trường sản phẩm mới, đa dạng hóa các sản phẩm, tập trung nguồn lực để đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng, hướng mạnh vào xuất khẩu.
- Tăng cường đầu tư cho công tác điều tra, nghiên cứu, dự báo thị trường và xúc tiến thương mại để có các dữ liệu đầy đủ, chính xác và kịp thời. Hỗ trợ thông tin thị trường cho doanh nghiệp thông qua các cổng thông tin điện tử và các phương tiện thông tin khác...
- Tổ chức thường niên hội chợ triển lãm trong nước để các doanh nghiệp tham gia giới thiệu, quảng bá sản phẩm.
2.3.2 Hợp tác quốc tế
- Thúc đẩy hợp tác với các tổ chức nghiên cứu và trường đại học trên toàn thế giới giúp đẩy nhanh quá trình nghiên cứu và phát triển sản phẩm hóa chất mới. Các doanh nghiệp có thể cùng nhau đầu tư vào các dự án nghiên cứu chung, chia sẻ kiến thức và kỹ thuật, từ đó tạo ra các sản phẩm và công nghệ tiên tiến.
- Mở rộng mạng lưới và phát triển mạng lưới đối tác quốc tế giúp tăng cường khả năng tiếp cận thị trường và nguồn cung nguyên liệu hóa chất. Các doanh nghiệp có thể thiết lập các liên kết với các đối tác trong các quốc gia khác để mở rộng thị trường tiêu thụ và đảm bảo nguồn cung nguyên liệu ổn định.
2.3.3 Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp mới và sáng tạo
- Chính sách thuế ưu đãi cho doanh nghiệp mới: Việc thiết lập chính sách thuế ưu đãi cho các doanh nghiệp mới và sáng tạo giúp giảm bớt gánh nặng thuế và tăng cường khả năng tiếp cận vốn đầu tư. Các khoản giảm thuế và miễn thuế có thể áp dụng cho thu nhập, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác để giúp các doanh nghiệp mới khởi nghiệp và phát triển.
- Hỗ trợ vốn đầu tư và tài chính: Chính phủ có thể thiết lập các quỹ hỗ trợ vốn đầu tư và tài chính cho các doanh nghiệp mới và sáng tạo trong ngành hóa chất. Các khoản vốn hỗ trợ này có thể được cấp dưới dạng vốn rủi ro, vốn vay ưu đãi hoặc hỗ trợ tài chính cho nghiên cứu và phát triển.
- Hỗ trợ đối với nghiên cứu và phát triển: Chính phủ có thể cung cấp hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp mới và sáng tạo để thực hiện các dự án nghiên cứu và phát triển. Các chính sách hỗ trợ này có thể bao gồm cấp hỗ trợ tài chính cho các dự án nghiên cứu, hỗ trợ về cơ sở hạ tầng và trang thiết bị nghiên cứu, cũng như hỗ trợ về việc tìm kiếm đối tác nghiên cứu.
2.3.4 Bảo vệ môi trường, thực hành hóa học xanh và phát triển bền vững
- Tối ưu hóa quy trình sản xuất và sử dụng nguyên liệu: Cải thiện hiệu suất sử dụng nguyên liệu và năng lượng trong quá trình sản xuất hóa chất giúp giảm thiểu lượng chất thải và khí thải ra môi trường. Các doanh nghiệp hóa chất có thể đầu tư vào công nghệ tiên tiến và quy trình sản xuất hiệu quả hơn để giảm thiểu tác động đến môi trường.
- Phát triển sản phẩm hóa chất và công nghệ thân thiện với môi trường: Việc phát triển sản phẩm hóa chất và công nghệ thân thiện với môi trường không chỉ giúp giảm thiểu tác động đến môi trường mà còn tạo ra cơ hội kinh doanh mới. Các doanh nghiệp có thể đầu tư vào nghiên cứu và phát triển để tạo ra các sản phẩm và công nghệ có ít tác động đến môi trường hơn.
- Quản lý chất thải và xử lý ô nhiễm: Thực hiện các biện pháp quản lý chất thải và xử lý ô nhiễm một cách hiệu quả là một phần quan trọng của chiến lược bảo vệ môi trường. Các doanh nghiệp hóa chất có thể đầu tư vào các hệ thống xử lý chất thải và ô nhiễm tiên tiến để giảm thiểu tác động đến môi trường xung quanh.
- Thúc đẩy tiêu chuẩn và chứng nhận môi trường: Thúc đẩy việc tuân thủ các tiêu chuẩn và chứng nhận môi trường là một phần quan trọng của chiến lược bảo vệ môi trường. Các doanh nghiệp hóa chất có thể xây dựng và tuân thủ các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về bảo vệ môi trường để tăng cường uy tín và lòng tin của khách hàng và cộng đồng.
- Tăng cường hợp tác và giao tiếp với cộng đồng địa phương: Tăng cường hợp tác và giao tiếp với cộng đồng địa phương giúp các doanh nghiệp hóa chất hiểu rõ hơn về các vấn đề môi trường địa phương và tìm ra các biện pháp giải quyết phù hợp. Các doanh nghiệp hóa chất có thể thực hiện các chương trình giao tiếp và tương tác cộng đồng để tăng cường sự hiểu biết và hỗ trợ từ cộng đồng địa phương.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Bộ Công Thương (2021), Diễn đàn xúc tiến xuất khẩu năm 2021, Hà Nội, ngày 15/12/2021 tại https://moit.gov.vn/tin-tuc/hoat-dong/xuc-tien-xuat-khau-gop-phan-phuc-hoi-va-phat-trien-kinh-te.html
- Bộ Công Thương (2022), Báo cáo tổng kết năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 ngành Công Thương, Hà Nội, ngày 26/12/2022
- Bộ Công Thương (2023), Báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam 2022, Nhà xuất bản Công Thương, Hà Nội.
- Bộ Chính trị (2018), Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
- Bộ Chính trị (2022), Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
- Chính phủ (2020), Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 6/8/2020 về các giải pháp thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ.
- Đảng cộng sản Việt Nam (2021), Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam thời kỳ 2021-2030, Văn kiện đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
- Thủ tướng chính phủ (2022), Quyết định số 1445/QĐ-TTg ngày 19 tháng 11 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030
- Thủ tướng Chính phủ (2022), Quyết định 726/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 16/06/2022 phê duyệt Chiến lược Chiến lược phát triển ngành hóa chất Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040.
- Thủ tướng Chính phủ (2022), Quyết định 493/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 19/4/2022 phê duyệt Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030.